Saturday, May 19, 2012

Giáo hội Công giáo lên tiếng về tình hình Việt Nam hiện nay

Giáo hội Công giáo lên tiếng về tình hình Việt Nam hiện nay

Theo Ủy ban Công lý và Hoà bình, các vụ Tiên Lãng, Hải Phòng và Văn Giang buộc Nhà nước phải nhìn lại cách giải quyết vấn đề (DR)

Theo Ủy ban Công lý và Hoà bình, các vụ Tiên Lãng, Hải Phòng và Văn Giang buộc Nhà nước phải nhìn lại cách giải quyết vấn đề (DR)

Thanh Phương

Ngày 15/05/2012 vừa qua, Ủy ban Công lý và Hoà bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã công bố một văn kiện tựa đề « Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay ». Nhận định chung của Ủy ban là nền kinh tế Việt Nam đang « mất định hướng, thiếu tính bền vững và nhân bản » bởi vì « đổi mới kinh tế không song hành với đổi mới chính trị ».

Vào năm 2008, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã từng công bố «Quan điểm về một số vấn đề trong hoàn cảnh Việt Nam », chủ yếu nêu lên tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài và xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết tranh chấp đất đai giữa Nhà nước với Giáo hội. Lúc đó, Hội động Giám mục chỉ đề nghị sửa đổi Luật đất đai theo hướng công nhận quyền tư hữu của người dân, cũng như yêu cầu báo chí tôn trọng sự thật, không bóp méo hoặc cắt xén thông tin như trường hợp tranh chấp đất đai tại Tòa Khâm sứ cũ.

Lần này, trong bản « Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay », Ủy ban Công lý và Hoà bình đưa ra một cái nhìn toàn hiện hơn về đất nước, từ kinh tế, xã hội, pháp luật, cho đến chủ quyền quốc gia, môi trường, giáo dục y tế, tôn giáo và vai trò của trí thức.

Về kinh tế, Ủy ban nhận định là « định hướng kinh tế lấy quốc doanh làm chủ đạo đã tạo ra độc quyền và lạm quyền, làm méo mó sự vận hành cần có của nền kinh tế thị trường. ». Trong khi đó, Luật đất đai hiện hành, « vừa đi ngược tự nhiên, vừa không tôn trọng Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền » và là nguyên nhân của khoảng 80% các khiếu kiện trong nước. Cho nên, Ủy ban Công lý và Hòa bình đề nghị cấp tốc sửa đổi Luật đất đai để người dân được quyền sở hữu đất và hạn chế tối đa quyền thu hồi đất của các cấp chính quyền.

Về xã hội, Ủy ban nhắc lại hai « tật xấu » đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam cảnh báo từ năm 2008, đó là gian dối và bạo lực. Theo Ủy ban, dư luận đang bức xúc vì hiện tượng « lạ lùng » là tại một số nơi, cơ quan công quyền lại sử dụng bạo lực phi pháp để giải quyết các khiếu kiện dân sự. Uỷ ban cho rằng : « Vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng, và Văn Giang, Hưng Yên, gây xúc động mạnh mẽ trên tất cả những người Việt Nam có tâm huyết, buộc Nhà nước phải nhìn lại cách giải quyết vấn đề, mà cốt yếu là sửa đổi Luật đất đai về mặt hạn điền, thời hạn sử dụng đất và giá đền bù…, nếu chưa đi đến chỗ nhìn nhận quyền tư hữu chính đáng của công dân. »

Trong lĩnh vực pháp luật, Uỷ ban đặc biệt đề cập đến việc giam giữ người không qua xét xử được che đậy dưới từ ngữ “đưa vào cơ sở giáo dục” có thời hạn và áp dụng cho những người bày tỏ sự bất đồng chính kiến ( như trường hợp của Bùi Thị Minh Hằng ). Đối với Uỷ ban, đây là một hình thức « vi phạm quyền cơ bản của con người », một biện pháp vốn đã được thực dân Pháp sử dụng ở nước ta.

Bên cạnh đó, Ủy ban chỉ trích việc chính quyền đã mạnh tay đàn áp các tổ chức và các cá nhân yêu nước phản đối hành động xâm lược trắng trợn của Trung Quốc. Theo nhận định của Ủy ban, thái độ « lập lờ, thiếu nhất quán » của các nhà lãnh đạo trong vấn đề phân định lãnh thổ vùng biên giới và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông đang gây bất bình trong dư luận.

Cũng theo Uỷ ban Công lý và Hòa bình, vai trò của những trí thức có tài và có tâm huyết chưa được coi trọng. Vai trò của xã hội dân sự cũng chưa được nhìn nhận. Trong lúc Nhà nước kêu gọi « xã hội hóa » giáo dục và y tế , Uỷ ban kêu gọi tạo điều kiện để các tôn giáo trong nước được tham gia trực tiếp vào hai lĩnh vực này.

Vấn đề là theo Ủy ban, quy định pháp luật liên quan đến các tôn giáo « vẫn còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng được nguyện vọng của các tín đồ, cụ thể nhất là về tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo ». Cho nên, câu hỏi mà Uỷ ban đặt ra là « bao giờ các công dân có tôn giáo được đối xử bình đẳng với các công dân khác, theo Hiến pháp và Dân luật, mà không cần đến một Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo nữa? »

Dầu sao, Ủy ban Công lý và Hòa bình nhắc lại rằng Giáo Hội không hề muốn thay thế chính quyền, mà chỉ mong là « trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, Giáo Hội có thể góp phần mình vào đời sống của đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân ».

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link