Thầy không ra thầy, trò
không ra trò
Trần Hồng Phong
Tôi có anh bạn là giảng viên một trường đại học. Có lần tôi hỏi "trong nghề giáo ông sợ nhất điều gì?", anh bạn nói nửa đùa nửa thật: sợ nhất là thầy không ra thầy, trò không ra trò! Bây giờ, có vẻ như ngày càng nhiều những ca "thầy không ra thầy, trò không ra trò". Vì sao?
Bạo lực học đường dâng cao có nguồn gốc từ sự giả đối, đạo đức giả
Thầy không ra thầy:
- Mới nhất: tháng 4/2018, cô giáo H. ở trường tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) phạt bắt một học sinh nữ lớp 3 phải ... uống nước giặt khăn lau bảng!
- Tháng 3/2018: một cô giáo ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) giảng dạy bằng phương pháp "câm" không giảng bài (chỉ chép vào bảng) trong suốt nhiều tháng! Khiến học sinh phải bật khóc, khiếp sợ.
- Tháng 2/2018: Một cô giáo tiểu học ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An bắt cả lớp (kẻ cả những em không mắc lỗi gì) phải quỳ trên ghế suốt tiết học! (Sau đó, cũng chính cô giáo này bị phụ huynh một học sinh bắt quỳ lại (và đã quỳ) trong 40 phút).
...vv.
Trò không ra trò:
- Mới nhất: Ngày 5/4/2018, một học sinh nam lớp 12 (là lớp trưởng), cầm dao đứng chặn ở ngay cổng trường, đâm trọng thương thầy giáo chủ nhiệm của mình. Lý do: trước đó thầy nhắc nhở, yêu cầu học sinh này xoá một hình xăm trên cổ.
- Ngày 22/3/2018, chỉ vì nghi ngờ con mình bị đánh (thực chất do cháu bé chơi bị va chạm), nữ phụ huynh đã xông vào tận trường, bắt quỳ và đánh cô giáo mần non (đang có thai) khiến cô hoảng loạn, bị ngất, phải cấp cứu. (có tin nói phụ huynh đã bị khởi tố về tội làm nhục người khác)
- ...vv
(Không cần thiết phải kể nhiều thêm).
Liên tục, trên mạng xã hội xuất hiện các clip bạo lực ở chốn học đường, môi trường sư phạm. Thầy trò đánh nhau ngay trên bục giảng, trò đánh nhau, chửi bới, lột áo nhau ...vv
Là người có người thân làm trong ngành giáo dục, tôi còn biết khá nhiều chuyện quái đản về tình trạng thầy không ra thầy, trò không ra trò khác. Thật không thể hình dung nổi và không muốn kể ra, vì ... kỳ quá. Chỉ biết ... "cười", ngao ngán.
Có thể nói, chưa bao giờ môi trường giáo dục xuống cấp về đạo đức, tư cách như hiện nay. Đó là tôi nói về bản chất. Mặc dù bề ngoài, khi cần thiết, có thể rất xã giao, lịch sự. Nhưng là sự đóng kịch, giả dối. Còn trong lòng, trong tâm, thầy cô không còn tình cảm, trách nhiệm với học sinh như xưa. Trò và phụ huynh cũng vậy, không còn tình cảm, sự tôn trọng, nể phục thầy cô như xưa.
Vì sao lại có thực trạng đáng buồn như vậy? Tôi chẳng phải là nhà lý luận hay nghiên cứu gì, nhưng cho rằng tất cả đều do nguyên căn là sự giả dối đang lên ngôi, tràn lan và phát triển trong xã hội hiện nay. Tất nhiên còn có nhiều lý do khác, ý kiến khác.
Sự giả dối ngày nay hình như có vẻ đã trở thành một phần tính cách, mang nét "đặc trưng" của người Việt? Người ta giả dối mà như thật. Nói dối không chớp mắt. Giả dối trong mọi lĩnh vực, mọi mối quan hệ. Lãnh đạo càng to giả dối càng to. Thậm chí là giả dối trong cả quan hệ bè bạn, vợ chồng, cha mẹ con cái....vv.
Và vì là người giả dối, nên bụng ta suy ra bụng người, sẽ dẫn đến thảm cảnh là sẽ không ai tin ai nữa. Chuyện gì, thì cũng luôn nghĩ rằng người khác đã hoặc cũng sẽ lừa dối mình!
Một xã hội mà không ai tin ai, thì thật là bất hạnh! Hu hu (khóc).
Tất nhiên, vẫn có rất nhiều, rất nhiều những người chân thật. Sống chân thật và tin vào sự chân thật, tin vào lòng tốt.. Nhưng họ có vẻ đang là phe "yếu thế" trong xã hội kim tiền hiện tại.
Sự giả dối tạo ra những giá trị ảo, không bền vững. Thế thì như một tất yếu, quan hệ thầy - trò sẽ không còn có sự chân thật, tình thương và sự tôn trọng.
Không phải ngẫu nhiên mà Lê Quý Đôn chỉ ra năm nguy cơ mất nước, trong đó có nguy cơ "Trò không trọng thầy". Trò không trọng thầy ở đây không hẳn là do trò sai, mà rất có thể là do thầy không ra thầy. Thì cũng nguyên căn là sự giả dối mà ra thôi.
Bản thân tôi cũng như bao người người khác, cũng có những năm tháng là học sinh. Thậm chí tôi còn thuộc loại nghịch, phá. Những năm đi học, tôi đã từng bị thầy cô nhéo tai, tát tai, cảnh cáo trước toàn trường ... - vì những trò nghịch ngợm của mình. Lúc bị thầy cô phạt, tôi nhớ là có cảm giác thấy tức, xấu hổ. Nhưng tôi chưa bao có cảm giác thù hận, phải trả thù thầy cô của mình.
Mà càng lớn, khi đã có con đi học, tôi càng thấy yêu quý các thầy cô ngày xưa của mình. Tôi nghĩ có lẽ đó là vì tôi biết khi thầy cô phạt mình, không phải vì ghét mình, hạ nhục mình - mà vì bực tức. Tất nhiên, tôi không bao giờ ủng hộ việc thầy cô phạt trò theo kiểu như vậy. Ngày nay, việc thầy cô giáo dùng những hình phạt như vậy bị nghiêm cấm, bị xem là vi phạm quy định, xúc phạm danh dự học sinh.
Suy nghĩ vẩn vơ. Chợt nghĩ những người giả dối, không tin nhau, không tôn trọng nhau, luôn nghi ngờ, thủ đoạn với nhau thật ra là những người bất hạnh! Tại sao không tin nhau, tôn trọng nhau để cùng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc? Tại sao cứ phải giả dối trong khi cuộc đời là hữu hạn.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment