Viên Linh: Một nhân cách lạ lùng
(1)
Kiều Phong
Đọc xong cuốn “Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn
Bút VN (1957-1975)” của nhà văn Nhật Tiến, rồi bài
nhận định về giá trị tác phẩm này của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh… ngẩn ngơ cả
ngày. Nhớ các bậc tiền bối có công tạo dựng và duy trì một nơi quy tụ đẹp đẽ
của văn giới miền Nam. Nhớ những công trình lớn lao của hội đã góp phần làm
phong phú cho nền văn chương của quê hương đất nước thân yêu thủa nào.
Và bồi hồi nhớ nhà văn Minh Đức Hoài
Trinh cùng nhà báo Đạo Cù Trần Tam Tiệp.
Sau 75, Hội Văn Bút, như tất cả các
hội đoàn khác, tự ý giải tán hoặc bị bức tử. Hội viên thì phần lớn như cá nằm
trên thớt, chờ ngày chế độ mới ra tay bắt bớ, giam cầm. Tác phẩm của họ bị đốt,
hoặc trưng bày trong những phòng triển lãm tội ác Mỹ Ngụy. Hội Văn Bút
Quốc Tế cũng mặc nhiên coi hội Văn Bút Việt Nam đã chết theo miền đất tự do
cuối cùng của nước Việt.
Người nhất định không chịu chấp nhận
cái chết ấy là bà Minh Đức Hoài Trinh.
Trong một phiên họp của đại hội Văn
Bút Quốc Tế, sau ngày mất nước, bà lên diễn đàn thỉnh cầu Hội chấp nhận là Hội
Việt Nam còn sống nhăn, bằng cớ là có nhiều hội viên, cũng như bà, được tị nạn
ở các nước tự do. Tất cả những hội viên may mắn này sẽ tiếp tục duy trì hội Văn
Bút tạm đặt trụ sở ở Hải Ngoại, sinh hoạt bình thường.
Thế là hội viên những nước thiên tả,
hoặc vốn thù ghét Việt Nam Cộng Hòa nhâu nhâu lên tấn công bà. Có tên khẳng
định VNCH chết ngày 30 tháng tư bảy lăm, hội Văn Bút Việt Nam cũng tạ thế cùng
ngày. Chỗ trống phải dành để chờ Hội Văn Bút Việt Cộng. Có đứa xỏ xiên: Đám nhà
văn nhà thơ lưu vong ấy mai mốt sẽ thành công dân nước họ định cư, tha hồ gia
nhập hội Văn Bút Tây, Mỹ, Canada, Úc… quên VN đi!
Chủ tịch và ban chấp hành của hội
cũng xác định là xưa nay, hội chưa từng chấp nhận một hội Văn Bút nào có kèm
hai chữ “hải ngoại”.
Tuy cũng có một số hội viên ủng hộ
bà, nhưng không nhiều. Lúc bầu phiếu, phe chống có đa số áp đảo, bà thua, Văn
Bút Việt Nam tiếp tục tắt thở.
Không sờn lòng, nản chí, cùng luật
sư Trần Thanh Hiệp, nhà thơ Nguyên Sa, nhà báo Trần Tam Tiệp, bà Minh Đức Hoài
Trinh bền bỉ tranh đấu.
Đại hội nào bà cũng dự, bài diễn văn
nào của bà cũng nhấn mạnh vào truyền thống và chủ trương tốt đẹp của hội: bênh
vực và bảo vệ quyền tự do tư tưởng của hội viên và những người cầm bút khắp thế
giới. Hội Văn Bút Việt Nam, từ chủ tịch đến đa số hội viên hiện đang là nạn
nhân của một chế độ độc tài, sắt máu. Tác phẩm của họ bị đốt, bản thân họ bị
cầm tù. Họ không thể kêu cứu với hội quốc tế và tường trình về hoàn cảnh khốn
cùng của họ vì liên lạc với nước ngoài là một trọng tội, bị ghép tội danh “làm
gián điệp cho ngoại bang” có thể lãnh án tử hình. Chấp nhận “hội Văn Bút VN hải
ngoại” là tạo một nhịp cầu. Hội hải ngoại sẽ có những cách riêng để liên lạc
với hội viên trong nước và có bản tường trình về hoàn cảnh hiện tại của họ cho
hội quốc tế lên tiếng, can thiệp, bênh vực.
Lời bà càng ngày càng thấm khi chính
các hội viên thiên tả cũng nhìn thấy sự thật. Và năm1979, Đại Hội Văn Bút Quốc
Tế lần 44 họp ở Rio de Janeiro, Brazil đã chấp nhận Trung Tâm Văn Bút Việt Nam
Hải Ngoại (Vietnamese Abroad PEN Centre) với số phiếu 25/12.
Người phụ nữ Việt Nam chân yếu tay
mềm ấy, năm này qua năm khác, đã giang tay chống đỡ căn nhà Văn Bút, không để
cho trận Hồng Thủy cuốn phăng nó đi, như tất cả các kiến trúc chính trị, văn
hóa thuộc về miền Nam xưa. Bà thành công. Và Văn Bút VN là hội đoàn duy nhất
của miền Nam tự do còn giữ được tư cách pháp nhân quốc tế.
Từ ngày đó, Văn Bút VN tường trình
đầy đủ cho Hội Quốc Tế về tình trạng bị tù đầy, đàn áp của các hội viên và giới
cầm bút ở VN, đồng thời cũng đưa ra nhiều sáng kiến. Đại Hội nào cũng có ghế
trống, chỗ ngồi tượng trưng dành cho những hội viên vắng mặt vì bị cầm tù.
Sau, không còn tượng trưng nữa, hội
VN đề nghị Hội Quốc Tế nhận tất cả các hội viên đang bị đầy đọa ở quê nhà là
Hội Viên Danh Dự.
Sáng kiến này được hưởng ứng, Hội
Viên một số nước Âu Châu nhận luôn nhiều nhà văn, nhà thơ VN là Hội Viên danh
dự của chính quốc gia họ. Và vì các quốc gia ấy rất tôn trọng văn giới cho nên
họ gửi khi thì nhà báo, khi thì nhân viên ngoại giao tới Việt Nam, tìm đến thăm
hỏi, phỏng vấn, và giúp đỡ các “Hội viên Văn Bút Danh Dự” của nước họ. Có nhà
văn, nhà thơ đã được đón từ Việt Nam đến định cư tại quốc gia nhận các vị này
là hội viên.
Tất cả những chuyện ấy đã không xảy
ra nếu không có nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, vị Chủ Tịch đầu tiên của Văn Bút
VN Hải Ngoại. Và cũng có nhiều chuyện tốt đẹp đã không xảy ra nếu không có ông
nhà báo Đạo Cù Trần Tam Tiệp, Tổng thư ký của hội.
Ông Tiệp là Trung Tá Không Quân, gia
nhập làng viết phiếm luận với bút hiệu Đạo Cù. Ông không là hội viên trước 75.
Nhận chức Tổng thư ký của Văn Bút VN Hải Ngoại, ông phải cáng đáng đủ chuyện
thượng vàng hạ cám, vì ban chấp hành của hội trần xì có hai người sinh hoạt
thường xuyên: Bà Chủ Tịch và ông Tổng Thư Ký.
Nhưng chu toàn nhiệm vụ Tổng Thư ký
chỉ là chuyện nhỏ.
Đại bàng gẫy cánh rơi xuống Paris
đành chọn nghề nghiệp mới. Ông Đạo Cù làm trưởng toán sĩ quan an ninh chuyên
trách việc bảo vệ các hãng xưởng, các cơ sở thương mại. Sắc phục tề chỉnh, uy
nghi, chức tước nghe kêu boong boong, nhưng ông Nguyên Sa lại diễn nôm, dịch
huỵch toẹt sang tiếng Việt là “nghề gác dan”. Chủ nhân các cơ sở, hãng xưởng
Tây chắc trả công dựa trên bản dịch của Nguyên Sa, nên lương ông Đạo không cao
mấy.
Ông cư ngụ trong căn gác xép trên
nóc một ngôi nhà cũ. Bề rộng của căn nhà – theo lời mô tả của ông Bồ Đại Kỳ –
“Cũng to hơn cái chuồng chim bồ câu một tí. Chỉ tội mái thấp quá. Đến thăm nó,
đi đứng mà quên lom khom là bươu đầu sứt trán như chơi!” Gác xép cũng có cửa
sổ, là một khung gỗ với miếng gỗ che có gắn bản lề như cánh cửa. Khi cần thưởng
thức trời xanh, mây trắng, nắng vàng… ông Đạo chỉ cần dùng một cây gậy đẩy
miếng gỗ che lên, chống cho nó mở toang ra là có ngay khung trời thơ mộng.
Thỉnh thoảng quên đóng “cửa sổ”, đi làm về thấy gió thu, lá thu và cả… mưa thu
tràn vào đầy nhà, chiếu giường ướt nhẹp.
Ông chịu sống cần kiệm, khắc khổ như
thế để có tiền gửi về giúp các bạn văn.
Bất cứ nhà văn, nhà thơ nào dù không
là hội viên của Trung Tâm Văn Bút, mà ông liên lạc được, ông đều gửi quà. Hồi
ấy, dịch vụ gửi quà chưa có. Ông Đạo phải tự mua từng món, tự đóng thùng rồi
khuân vác, đáp mấy chuyến metro đưa tới nhà bưu điện.
Chính nhờ ông Tổng thư ký của hội
chịu vất vả ngược xuôi trên đường phố Paris, vai vác những thùng quà to tướng
mà nhiều nhà văn nhà thơ có thêm chút sinh lực, đồng thời níu được đường giây
liên lạc để chuyển những tin tức, những tác phẩm viết chui ra hải ngoại. Và bà
Chủ tịch luôn luôn có những bản tường trình phong phú, chính xác về tình trạng
của văn giới ở quê nhà để trình cho Hội Văn Bút Quốc Tế.
Ông Đạo Cù xuôi ngược trên đất lạ,
quê người, khi tay xách nách mang, khi khiêng trên vai những thùng quà nặng
tình văn hữu, giữ liên lạc chặt chẽ, thăm hỏi, giúp đỡ bạn văn còn kẹt ở quê
nhà với tất cả khả năng, sức lực của mình.
Bà Minh Đức Hoài Trinh phong thái
tha thướt dịu dàng nhưng lời lẽ chém đinh chặt sắt, đăng đàn, phó hội hiên
ngang đương đầu với đa số những hội viên đầy trí tuệ nặng lòng thù nghịch Việt
Nam Cộng Hòa, ghét luôn văn giới miền Nam. Họ xô bà ngã trong nhiều năm, bà vẫn
đứng dậy, cương quyết tiến tới và cuối cùng đã giành được một chỗ đứng trên văn
đàn quốc tế cho tập thể người Việt lưu vong.
Mấy thập niên qua rồi, nhớ lại thủa
ấy, vẫn thấy cần gửi đến bà nhà văn, ông nhà báo thêm một lời tri ơn.
Văn Bút VN Hải Ngoại vừa được chấp
nhận là hoạt động tích cực, đưa ra nhiều sáng kiến vừa đẹp vừa thực tế như chọn
những nhà văn nhà thơ đang bị đàn áp, cầm tù là “Hội Viên Danh Dự” để có danh
chính ngôn thuận can thiệp, giúp đỡ… Hội ta được từ chủ tịch đến các hội viên
quốc tế cảm phục và quý trọng ngay.
Khi nhà thơ Viên Linh được bầu làm
Chủ tịch nhiệm kỳ 1993– 1995, sự quý trọng ấy vẫn còn.
Ông Viên Linh có tài tổ chức, nhiều
sáng kiến lạ nên thời ông làm chủ tịch, VBVNHN coi bộ hoành tráng nhất, trông
xôm tụ như một triều đình. Nhiều quan chức lắm! Cô Tà Cúc cũng được cho làm
Quan Lớn Văn Bút. Nhớ mang máng hình như cô được thụ phong chức Trưởng Ủy Ban
Phụ nữ. Chả hiểu sao mà hội văn bút lại có một ban đặc trách chuyện quý bà, quý
cô, mà tên ủy ban cũng mù mờ, lửng lơ, khó hiểu. Quan Trưởng ban Tà Cúc lãnh
đạo phụ nữ của hội? ở quận Cam? hay cai trị toàn thể phụ nữ khắp ta bà thế giới?
Nhiều văn hữu chê “nhăng nhố, lố
bịch quá” rồi cười lăn. Riêng tôi, bé đã mê phường chèo, hát bội, lớn lại
nghiền thêm món cải lương, thích những chuyện diêm dúa, hoa hòe hoa sói, mũ áo
xênh xang, cờ xí rợp trời, trống chiêng dậy đất… nên khoái cái triều đình văn
bút này quá xá, quà xa. Ai nói gì thì nói, Kiều mỗ nhất định coi triều đại văn
bút Viên Linh là thời kỳ cực thịnh, xôm tụ, mầu mè sặc sỡ bậc nhất trong lịch
sử Hội Văn Bút nước nhà.
Chuyện rắc rối, bi thương chỉ xảy ra
vào thời gian cuối nhiệm kỳ, khi Chủ Tịch Viên Linh quyết định không rời ngôi
báu, muốn trị vì toàn dân Văn Bút thêm một vài nhiệm kỳ nữa.
Tôi tưởng chuyện ấy đối với ông dễ
ợt. Ông là người có tài, lãnh đạo hội khéo léo, tái ứng cử là trúng liền một
khi. Chẳng ngờ có nhiều đứa muốn hạ bệ ông. Số hội viên thân cận được hưởng ơn
mưa móc cũng nhiều, nhưng vẫn là thiểu số. Đám hội viên phó thường dân đông
hơn, bất mãn với tác phong lãnh đạo của Chủ Tịch, nhất định bắt Viên Linh đi
chỗ khác chơi, nhường ghế cho người khác.
Cuộc chiến tranh dành ngôi báu khốc
liệt của hội lập tức nổ ra, lan rộng, khói lửa ngập tràn đến cả những nhà văn,
nhà thơ không là hội viên, chẳng dính dáng gì tới hội. Chúng tôi bị vạ lây!
Một hôm tôi nhận được thư Viên Linh,
trong có một bản tuyên bố, tuyên cáo, hay nhận định gì đó, quên rồi. Nội dung
tuyên cáo đại khái là: Chúng tôi
ký tên dưới đây là những người làm văn học, đồng lòng nhất trí quyết định rằng:
Hội Văn Bút phải thuộc về văn giới, phải được một vị trong văn giới làm Chủ
Tịch. Vai trò lãnh đạo một hội văn chương không thể để lọt vào tay một nhà buôn
(hay nhà khỉ gì đó, cũng quên rồi.)
Hóa ra người tranh ngôi với Viên
Linh đang thắng thế, gom được nhiều phiếu, có thể cướp ngôi của chàng tới nơi.
Chàng đành hô hào văn thi hữu bốn phương, ra tuyên cáo phản công, uýnh lại địch
bằng chiến thuật biển người, tấn công thẳng vào cái lý lịch “không phải là nhà
văn” của đối thủ.
Tuyên cáo được soạn thảo rất văn
chương và hùng hồn, đọc xong, đồng ý liền. Nhưng đến mục ký tên thì bà con
khựng lại, thấy kỳ kỳ. Những người lờ đi không ký, bị Viên Linh thù lâu lắm.
Riêng tôi, may phước lại được ông
gọi điện thoại đến tận nhà truy kích. Tôi thành thật thưa với ông rằng: Trước
sau tôi vẫn thích thơ Viên Linh và quý trọng văn tài ông. Tôi cũng thật lòng
tin rằng ông xứng đáng làm Chủ Tịch Hội Văn Bút thêm năm bảy nhiệm kỳ, hay làm
suốt đời, muôn năm trường trị cũng chẳng sao. Nhưng ký kiến nghị, tuyên cáo để
xúm xít ủng hộ ông, tấn công một địch thủ tầm thường nào đó thì tôi thấy hơi
quá đáng.
Tưởng bị Viên Linh giận, nghỉ chơi.
Không ngờ ông lại rộng lượng “ghi nhận thiện chí của bạn”, cho tôi vào danh
sách những nhà văn nhà thơ (cỡ chín, mười người) tuy không ký tuyên cáo nhưng
“ĐỒNG Ý QUA ĐIỆN THOẠI”.
Thế là thoát nạn. Tình văn hữu giữa
chúng tôi vẫn bền vững, không sứt mẻ tí teo nào. Mừng ơi là mừng!
Nỗ lực bảo vệ ngôi báu đến mức đó là
nhất. Thiên hạ khó ai bì. Nhưng than ôi! Mưu sự tại Viên Linh mà thành sự tại
đám hội viên bầu bán linh tinh. Ông đành dẹp cuộc bầu cử, tự ý lưu nhiệm dài
hạn, cho nó chắc ăn.
Các hội viên bị Chủ Tịch Viên Linh
đàn áp, truất quyền ứng cử, bầu cử, thì ức quá. Tháng 2/1996, họ họp đại hội ở
Houston, bầu nhà văn Sơn Tùng làm chủ tịch. Ông này đúng là nhà văn. Cái tuyên
cáo hết thiêng. Nhưng ông Viên Linh cứ ngồi ỳ ra, nhất định không rời bỏ ngai
vàng. Thế là Hội ta năm ấy được mùa, của ăn của để, có tới hai Chủ Tịch lận.
Tự lưu nhiệm thêm hai năm chưa thấy
đã đời. Năm 1997, Viên Linh dàn xếp cho bù nhìn Đặng Văn Nhâm lên làm chủ tịch,
để lui vào hậu trường tiếp tục cai trị thêm một nhiệm kỳ nữa. Như thế, trước
sau, triều đại Viên Linh kéo dài 6 năm, gấp rưỡi một nhiệm kỳ của Tổng Thống Mỹ
Quốc. Trong thời gian này những hội viên ghê tởm hành vi của Viên Linh xúm lại
đả kích sự tham quyền cố vị, lỳ lợm, trâng tráo của ngài Chủ Tịch tự ý lưu
nhiệm. Quân triều đình kháng cự rất dũng mãnh. Cuộc giao tranh kéo dài hàng
năm. Đóng cửa choảng nhau trong nhà cứ bất phân thắng bại hoài, đôi bên sốt
ruột làm đơn gửi hội Văn Bút Quốc Tế, kiện tụng, tố cáo tội ác của địch thủ lia
chia.
Thế là hội Văn Bút Quốc tế phải thi
hành một biện pháp chưa từng có trong lịch sử Văn Bút Thế Giới. Văn Bút Quốc Tế
bắt Văn Bút Việt Nam há miệng, tống cho mấy viên thuốc ngủ, bắt ngủ say sưa –
gọi là dormant – khỏi léo
nhéo cãi nhau, kiện tụng lằng nhằng, làm phiền người lớn.
Tính đến hôm nay, Hội ta đã bị Hội
Quốc Tế bồng lên, rót vào tai những lời ru êm ái “ngủ đi em mộng bình thường”
hai lần!
Quyết tâm: đã lên chức Chủ Tịch rồi
thì nhất định ngồi lì, tử thủ, của ông Viên Linh làm Văn Bút VN Hải Ngoại tan
hoang, hội viên bẽ bàng, mắc cỡ. Hội Quốc tế nhìn hội ta nếu không nỡ khinh bỉ,
thì cũng khó nín cười!
Tiếc công sức của bà Minh Đức Hoài
Trinh, ông Trần Tam Tiệp đã phục sinh cho chúng ta một Hội Văn Bút được Hội
Quốc Tế yêu quý, kính trọng.
Thương cho quý vị hội viên sau này
phải hứng chịu một di sản quái dị của ông Chủ Tịch có nhân cách lạ lùng.
(Còn tiếp)
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment