Thursday, June 28, 2012

Khi dân Trung Quốc chống lại điện hạt nhân

TRUNG QUỐC - NĂNG LƯỢNG - Bài đăng : Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012

Khi dân Trung Quốc chống lại điện hạt nhân

Nhà máy điện hạt nhân Điền Loan gần thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc)

Nhà máy điện hạt nhân Điền Loan gần thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc)

Wikipedia

Anh Vũ  RFI

Mới đây ở Trung Quốc đã xảy ra một việc hiếm thấy, dự án xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đang triển khai đã phải dừng lại toàn bộ do dân chúng phản đối. Sở dĩ kiến nghị thành công, đó là do người dân Trung Quốc đã thức tỉnh sau tai nạn hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản,cộng với sự hỗ trợ tích cực có hiệu quả của mạng xã hội. Tờ báo kinh tế Les Echos có bài phóng sự về sự việc.

Phóng viên của tờ báo đã đến tỉnh Giang Tây nơi có dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bành Trạch và tận mắt chứng kiến cảnh công trường xây dựng vắng lặng mặc dù tất cả đều đã được chuẩn bị sẵn sàng cho thi công.Theo tác giả, vào đúng thời điểm chuẩn bị khởi công, dự án nhà máy điện hạt nhân Bành Trạch đã bị dừng lại.

Quyết định ngừng dự án đưa ra sau khi có kiến nghị phản đối từ bên huyện Vọng Giang nằm bên kia sông Dương Tử, thuộc tỉnh An Huy, cách đó vài chục km. Địa phương này không được tham khảo ý kiến cho quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bành Trạch. Điều bất ngờ nữa là kiến nghị phản đối xây dựng trung tâm điện hạt nhân Bành Trạch lại do 4 người về hưu khởi xướng, sau khi họ được chứng kiến những hình ảnh tai nạn nhà máy Fukushima phát đi phát lại trên truyền hình Trung Quốc.

Bốn người về hưu này đã viết kiến nghị hành chính. Điều kỳ diệu là tiếng nói của họ đã được chú ý. Tỉnh đã cho ngừng xây dựng nhà máy để chờ quyết định cuối cùng của trung ương.

Theo bốn người viết đơn kiến nghị phản đối thì dự án Bành Trạch đặt trong một khu đông dân cư. Hệ thống làm nguội lấy nước từ sông, trong khi con sông này vẫn thường xuyên bị hạn hán đe dọa. Một lý do nữa đó là trái với những khẳng định của chính quyền khi cho phép xây dựng công trình, khu vực đặt nhà máy hạt nhân không nằm ngoài vùng có nguy cơ động đất cao.

Những người khiếu nại e ngại không dám trả lời báo chí ngoại quốc vì họ sợ cuộc đấu tranh của họ rất dễ bị đánh đồng là sự « tấn công của các thế lực thù địch nước ngoài », theo cách nói của chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên rất may, ông Vương Chí Hoành, thành viên của Hiệp hội Phổ biến Khoa học của Trung Quốc cho biết, sở dĩ khiếu nại của họ gây được tiếng vang lớn đó là nhờ mạng xã hội. Ông nói : "Quy trình kiến nghị hành chính không mang lại phản ứng nào. Nhưng ngay sau khi tôi đưa thông báo kiến nghị lên mạng Vi Bác ( Weibo) thế là báo chí Trung Quốc nhảy vào cuộc".

Theo tác giả bài viết, thì trước tháng Ba năm 2011, tức là khi chưa xảy ra vụ tai nạn Fukushima, tham vọng điện hạt nhân của Trung Quốc là rất lớn, nhiều công trình điện hạt nhân đã được dự kiến, tất nhiên đều không có sự tham khảo ý kiến nhân dân. Nhưng sau tai nạn Fukushima, người ta không còn nhắc nhiều đến các dự án diện hạt nhân.

Phóng viên của Les Echos ghi nhận thấy mức độ quyết liệt của dư luận Trung Quốc xung quanh các dự án hạt nhân phụ thuộc vào 2 yếu tố : học thức và tiền đền bù. Thí dụ như ở Bành Trạch, khó có thể tìm thấy một nông dân nào phản đối lại dự án hạt nhân. Họ chỉ tỏ ý lấy làm tiếc vê việc đền bù giải phóng mặt bằng bị bớt xén, còn về các vấn đề khác mọi người đều nói « không có sự lựa chọn nào khác » và chẳng nên kiện cáo làm gì vì đây là dự án của Nhà nước.

« Thảm họa Fukushima đã mở mắt cho họ »

Trong khi đó ở bên huyện Vọng Giang, nơi không liên quan đến đền bù tài chính, thì dư luận lại phản đối mạnh mẽ cho dù biết ít hy vọng tiếng nói của họ được lắng nghe. Lý do của những người phản đối điện hạt nhân đơn giản là « thảm họa Fukushima đã mở mắt cho họ » mà trước đó họ vẫn nghĩ điện hạt nhân rất có lợi để phát triển kinh tế.

Theo một giáo sư xã hội học thuộc Đại học Tôn Trung Sơn thì quả thực là nhận thức của người dân Trung Quốc về vấn đề điện hạt nhân đã thay đổi từ sau vụ Fukushima. Còn một giáo sư vật lý hạt nhân thuộc Đại học Bắc Kinh thì nhận thấy tai nạn Fukushima dù sao cũng xảy ra đúng lúc, giúp Trung Quốc ngăn được hiện tượng « trăm hoa đua nở » về điện hạt nhân.

Giờ đây những người có trách nhiệm phải suy nghĩ gấp đôi trước khi đưa ra một dự án mới. Sau sự kiện Fukushima, chính phủ Trung Quốc cũng không còn hừng hực quyết tâm xây dựng thật nhiều nhà máy điện hạt nhân nữa. Họ cũng phải thận trọng nghĩ đến yếu tố an tòan nhiều hơn.

Còn nhiều việc phải làm cho tương lai Miến Điện

Vẫn liên quan đến châu Á, báo Libération quan tâm đến chuyến công du châu Âu của nghị sĩ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi với bài viết « Aung San Suu Kyi công du trước những dự án lớn của Miến Điện ».

Libération viết : Hôm nay, bà Aung San Suu Kyi, một nhân vật được tôn kính ở Miến Điện, ca tụng ở phương Tây, tới thăm Paris, chặng cuối của hành trình công du các nước Tây Âu kéo dài 17 ngày và được tiếp đón như một người nổi tiếng sau 24 năm cách biệt.

Tờ báo nhận định, sau chuyến công du châu Âu lịch sử của nhà đối lập nổi tiếng Aung San Suu Kyi cùng với những cải cách trên mọi hướng của chính phủ từ hơn một năm qua, tương lai đất nước Miến Điện vẫn còn rất nhiều chông gai, đó là các cuộc xung đột sắc tộc tôn giáo đang bùng nổ dữ dội trong những ngày qua. Đây là vấn đề nan giải đeo đẳng Miến Điện trong nhiều thập kỷ qua, một chủ đề khi được đề cập đến trong chuyến công du này cũng đã khiến nhà đối lập Miến Điện lúng túng.

Nếu như công cuộc cải cách ở trong nước đang hướng trọng tâm vào kinh tế, thì vẫn còn vô số việc phải làm. Sau hơn nửa thế kỷ nền kinh tế bị tập đoàn quân sự lũng đoạn, đến nay mọi thứ đều phải xây dựng lại gần như từ đầu. Đất nước 60 triệu dân này hiện không có cơ sở hạ tầng , không hệ thống hành chính thực sự, không có khung pháp lý, không chính sách thuế khóa cũng như hệ thống ngân hàng.

Tổng thống Thein Sein, được đánh gía như một lãnh đạo công cuộc cải cách, đã thông báo lập một « ủy ban tư nhân hóa » để tạo đà phát triển cho những lĩnh vực thuộc nhà nước như viễn thông, năng lượng, giáo dục và y tế. Về phần mình bà Aung San Suu Kyi lại khuyến cáo các nước hãy minh bạch và thận trọng khi đầu tư vào Miến Điện.

Thời sự quốc tế vẫn tiếp tục thu hút các báo Pháp hôm nay là sự kiện ông Mohamed Morsi, đại diện của đảng Huynh đệ Hồi giáo đắc cử tổng thống Ai Cập . Kể từ hơn nửa thế kỷ qua, đây là lần đầu tiên đất nước Ai Cập do một nhân vật không xuất thân từ giới quân đội lãnh đạo. Tuy nhiên giới quân nhân vẫn còn nắm giữ hầu hết quyền hành.

Với nhiều quan điểm khác nhau về sự kiện này, các báo tập trung phân tích để trả lời cho câu hỏi : Liệu giới quân nhân Ai Cập có dễ dàng nới lỏng hay lại siết chặt thêm quyền lực đã ăn sâu bám dễ từ hơn 50 năm qua ? Xa hơn ra bên ngoài là việc một nhà chính trị Hồi giáo lên nắm chức vụ tối cao ở đất nước trong khối Ả Rập có làm thay đổi quan hệ với các nước láng giềng trong một khu vực luôn có căng thẳng.

« Mannschaft thức tỉnh niềm tự hào Đức »

Đó là tựa của một bài viết trên báo Le Figaro đề cập đế mối liên hệ giữa bóng đá và kinh tế trong cuộc đấu tranh chống khủng hoảng kinh kế, đặc biệt trong thí dụ của đội tuyển bóng đá quốc gia Đức tại Euro 2012. Theo ghi nhận của tờ báo, thì từ đầu Euro 2012 đến nay, tình thần tự hào dân tộc đã lên cao từng ngày ở Đức cùng với thành tích của đội tuyển Quốc gia của họ tại Euro.

Chính trị cũng đã nhảy vào cuộc thi đấu thể thao, đặc biệt với trận đội bóng của nền kinh tế hàng đầu châu Âu đẩy đội bóng của đất nước đang là con nợ lớn nhất châu Âu ra khỏi Euro 2012 tại tứ kết. Kế tiếp, Đức còn có triển vọng loại Ý, Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha để giành danh hiệu vô địch.

Sau trận thắng Hy Lạp, hình ảnh bà thủ tướng Angela Merkel hét lên vì vui mừng được báo chí Đức đăng tải đồng loạt. Không chỉ là người mê bóng đá mà bà thủ tướng còn là người luôn cứng rắn sẵn sàng một mình bảo vệ lợi ích của nước Đức trong các cuộc họp thượng đỉnh bàn về cách cứu kinh tế châu Âu khỏi khủng hỏang.

Với Euro 2012, báo chí Đức đan xen chính trị, kinh tế với bóng đá một cách rất khéo. Người Đức lấy hình ảnh của bà thủ tướng Angela Merkel làm hình mẫu cho đội tuyển của họ. Báo chí Đức luôn kêu gọi các cầu thủ của mình chơi bóng như thủ tướng « cứng rắn nhưng chuẩn xác ». Các tờ báo ở nước Đức cũng không ngần ngại chạy tựa ám chỉ đến mối quan hệ kinh tế như : « Chúng ta sẽ thanh toán nước Ý trong trận bán kết » vào thứ Năm tới. Mỗi một chiến thắng của đội tuyển Đức tại Euro càng làm tăng thêm tình thần tự hào dân tộc, không chỉ trong thể thao mà còn trong kinh tế, chính trị.

Tăng lương tối thiểu chiếm trang nhất báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp hôm nay tập trung vào một vấn đề thiết thực hàng ngày đối với người dân Pháp. Chính phủ hôm nay thông báo tăng mức lương tối thiểu. Từ vài ngày qua, báo chí đã đưa ra con số tăng từ 2 đến 2,4%, một cú hích nhẹ nhưng cũng là một cố gắng lớn cho chính phủ.

Ngay lập tức các cuộc tranh luận đã bùng lên : Phải chăng mức tăng như vậy là quá ít với người làm công ăn lương, hay là quá nhiều đối với các công ty ? Tăng 2% tức là người có mức lương tối thiểu, hiện chiếm 10% người lao động ở Pháp, mỗi tháng chỉ có thêm được khỏang 20 euro. Dường như các báo đều thống nhất đánh giá quyết định tăng lương tối thiểu của chính phủ trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay của Pháp chỉ là một giải pháp mang tính tượng trưng.

Trang nhất nhật báo Libération chạy tựa lớn : « Lương tối thiểu, biểu tượng tối đa ». Tờ báo nhận thấy quyết định định này chỉ mang tính biểu tượng cho chính sách của cánh tả cầm quyền, sẽ còn gây nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến của các chuyên gia phân tích rằng dù tăng một khoản nhỏ nhoi như vậy nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp sẽ bị thiệt thòi nhiều, trong lúc mà họ đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế hiện nay. Có thể quyết định này sẽ làm mất đi của nước Pháp từ 15 đến 20 nghìn việc làm vì giá thành lao động của các công ty bị đội lên, các công ty buộc phải sa thải công nhân.

Trong khi đó giới công đoàn thì lại cho rằng tăng lương tối thiểu không ảnh hưởng gì đến việc làm, mà ngược lại, sức mua của người làm công ăn lương tăng sẽ kéo theo mức cầu tăng và việc làm được tạo thêm. Rất nhiều ý kiến trái ngược nhau nhưng tựu chung là nan giải như tựa trang nhất của báo La Croix nhận định «Phương trình không lời giải cho tăng lương tối thiểu ».

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link