Wednesday, October 21, 2015

Thư số 48a gởi: Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam


                          
                          Thư số 48a gởi:
                          Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
                                                                                                         Phạm Bá Hoa
                          
Với nội dung thư này tôi tổng hợp và tóm tắt một số tin tức liên quan đến chuyến đi Hoa Kỳ của  Chủ Tịch đảng và Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, và hồ sơ Biển Đông đang được Hoa Kỳ và các quốc gia quan tâm như thế nào.   
Thứ nhất. Trước khi Chủ Tịch Trung Cộng đến Hoa Kỳ.
A.- Phía Trung Cộng.
Theo báo Đa Chiều thì ngày 26/5/2015, Bộ Quốc Phòng Trung Cộng công bố sách trng về quốc phòng năm 2015, trong đó có nêu đích danh Hoa Kỳ, Nhật Bản, và bóng gió "một số quốc gia cá biệt ở Biển Đông" ám chỉ Việt Nam, Philippines vào danh sách đen của quân đội nước này. Giới quan sát cho rằng, sách trắng quốc phòng năm nay cho thấy chiến lược của giới lãnh đạo Trung Cộng xoay quanh chủ đề "chiến  tranh quân sự trên biển", đồng thời yêu cầu tất cả các quân binh chủng của họ sẵn sàng chiến đấu (trích trong GiaoDucVN online trên Google.vn)
Ngày 8/9/2015, báo South China Morning Post đưa tin: "Ông Tập Cận Bình sẽ bắt đầu chuyến công du chánh thức tới Mỹ, cùng với một loạt cam kết sẽ được công bố ở Seattle ngày 22/9/2015, nơi có các tập đoàn lớn như Microsoft hay Amazon, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp tại đây, nhằm trấn an các doanh nghiệp về quyết tâm của Trung Quốc thúc đẩy cải cách kinh tế. Nhưng không rõ cuộc tiếp xúc này có các nhà quản trị tham dự hay không, bởi hầu hết trong số đó lo ngại về chính sách phá giá đồng nhân dân tệ cũng như chính sách bảo hộ thương mại của Trung Quốc. Sau đó, ông Tập Cận Bình sẽ đến Washington DC vào ngày 25/9/2015 hội kiến với Tổng Thống Barack Obama, và ông sẽ kết thúc chuyến thăm bằng một bài phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 28/9/2015".

B.- Phía Hoa Kỳ.
Năm 2013, Tổng Thống Obama đã mời ông Tập Cận Bình đến khu nghỉ Sunnylands Estate ở California, trong “cuộc họp thượng đỉnh mặc áo sơ mi” với cố gắng xây dựng một liên hệ cá nhân. Ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia, nhận định về liên hệ giữa hai ông rằng: "Tiếp xúc thảo luận để xây dựng trong nhiều tiếng đồng hồ qua bữa ăn hoàn toàn không có nghị trình chánh thức, nhưng không đạt được gì.”
Năm 2014, giữa Tổng Thống Obama với Chủ Tịch Cận Bình có một cuộc gặp gỡ khác tại Trung Cộng, vẫn là nhận định của ông Ben Rhodes: "Lúc đầu người ta nghĩ, ông Tập là một người vừa có tinh thần quốc gia chủ nghĩa cao hơn là người tiền nhiệm, vừa có quyết tâm hơn để cải tổ kinh tế. Và khi ông nhanh chóng thâu tóm quyền lực trong hệ thống cầm quyền ở Trung Cộng, một số người lạc quan đã nghĩ là ông sẽ thực hiện loại mở cửa thị trường mà Washington đã từng yêu cầu".

Ông Tập Cận Bình muốn ghé thăm Hawaii trong chuyến công du này, nhưng bị Hoa Kỳ từ chối. Rất có thể vì đó là bản doanh của Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ đường hàng hải và hàng không của Biển Đông, nơi mà Trung Cộng đang có những hoạt động trái với Công Ước quốc tế về Biển Đông. Đồng thời góp phần bảo vệ an ninh các quốc gia đồng minh trong vùng này.
Tóm tắt. Hành trang  trước khi lên đường công du Hoa Kỳ mà ông Tập Cận Bình mang theo, có vẻ như ông ta chú trọng đến các "ông vua không ngai" của Hoa Kỳ trong kỹ nghệ hàng không và internet, với thời gian nhiều hơn thời gian hội kiến với Tổng Thống Obama. Có lẽ ông ta nghĩ rằng, những ông vua không ngai dễ dụ hơn ông vua có ngai chăng?  Cũng có thể là ông Bình giận dỗi khi bị từ chối cho ông thăm Hawaii, ông bèn thăm mấy ông "vua không ngai" trước khi  gặp ông Obama chăng? 

Thứ hai. Chủ Tịch Trung Cộng đến Hoa Kỳ.
http://baocalitoday.com/userfiles/image/News_Pictures/2015/09-17-2015%20Cali%20Fri/Mr_%20Xi.jpg Ngày 22/09/2015, Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm Hoa Kỳ trong một tuần lễ, nhưng nơi ông đến đầu tiên là thành phố Seattle tiểu bang Washington, để thăm "vài ông kỹ nghệ khổng lồ" là  công ty Boeing và công ty Microsoft tại đây, trước khi đến thủ đô Washington DC.  Vợ ông là bà Bành Lệ Viện, cũng có mặt trong phái đoàn. Tại Seattle, ông Bình có buổi tiếp xúc với nhiều doanh nhân và đại diện chánh quyền  liên bang lẫn tiểu bang. Tại đây, ông đọc bài diễn văn duy nhất trong tuần lễ thăm Hoa Kỳ.
Chủ Tịch Trung Cộng thăm Hoa Kỳ, trong bối cảnh quốc gia rộng lớn của ông vừa qua 4 vụ nổ kinh hoàng tại các kho tồn trữ hóa chất ở và bãi chứa xe với hằng ngàn chiếc ở Thiên Tân ngày 12/8/2015, ở Liêu Ninh ngày 13/8/2015, ở Sơn Đông ngày 22/8 và 31/8/2015, và tại Chiết Giang ngày 7/9/2015. Nền kinh tế từ tăng trưởng ngoạn mục trong 20 năm qua với 2 con số, thì Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự đoán năm 2015 này mức tăng trưởng chỉ trên dưới 6.6%, sụt giảm rất mạnh. Trong khi thị trường chứng khoán thì tuột dốc từ giữa tháng 6/2015 đến ngày 7/9/2015 mất đi 40% giá trị, đến mức ông Nichlson thuộc nhóm IG Markets nhận định rằng: "Thị trường chứng khoán Trung Cộng rối loạn, làm cho nhiều nhà đầu tư không yên tâm". Và trong diễn đàn kinh tế thế giới ngày 10/9/2015 tại Đại Liên, Thủ Tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường trong diễn văn khai mạc, ông đã mô tả nền kinh tế của quốc gia ông là: "Mô hình tăng trưởng đang đối mặt với cuộc chuyển tiếp đầy đau đớn và phức tạp...".
Quan trọng hơn hết là những nhà lãnh đạo Trung Cộng trước ông Bình, đã cố gắng gác lại những tranh chấp rất khó khăn, thậm chí là nguy hiểm trên hồ sơ biển Hoa Đông và Biển Đông, thì ông Tập Cận Bình dựa vào sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Cộng, đã bắt đầu từ năm 2014 và ngày càng leo thang, nhất là bồi đấp một loạt Đá Ngầm thuộc quần đảo Trường Sa trở thành đảo nổi và xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo đó.
Ngày 25/9/2015, Chủ Tịch đảng và Chủ Tịch nước Trung Cộng đến thủ đô Washington DC. Sau nghi thức đón tiếp trọng thể, hai vị nguyên thủ quốc gia vào bàn hội nghị,  thảo luận nhiều vân đề, nhưng chỉ đạt được thỏa thuận chung về nỗ lực chống biến đổi khí hậu, và các chương trình internet liên quan đến thương mại, trong khi những vấn đề khác -nhất là hồ sơ Biển Đông- hai bên vẫn bất đồng quan điểm.
Sau đó, Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama, cùng họp báo.









Tổng Thống Obama phát biểu: "Hoa Kỳ đưa ra quan điểm, cùng với Trung Cộng giải quyết hồ sơ tranh chấp lãnh thổ bằng luật pháp quốc tế. Cần có một văn kiện giữa các quốc gia liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông, và dù Hoa Kỳ không phải là bên có tranh chấp tại hai vùng biển này, nhưng Hoa Kỳ mong muốn các bên tôn trọng những qui định và luật pháp quốc tế". Ông Obama phát biểu tiếp: " Ngày hôm nay, tôi thông báo rằng, hai bên đã đạt được thỏa thuận chung về việc chấm dứt các chương trình tấn công trên internet nhằm giành quyền sở hữu trí tuệ, các tài liệu thương mại loại mật hay tin tức kinh doanh của nhau. Đồng thời, hai quốc gia cũng không tiến hành hoặc ngầm ủng hộ các chương trình tnói trên. Chúng tôi sẽ hợp tác cùng với các quốc gia khác, để thúc đẩy những quy tắc quốc tế về các chương trình như thế này trên internet”.
Chủ Tịch Trung Cộng phát biểu: "Đã xác nhận thỏa thuận trên, và các cơ quan có thẩm quyền của hai nước đã đạt được sự đồng thuận quan trọng trong việc cùng đấu tranh chống các loại tội phạm trên internet. Hai nước cũng đạt được thỏa thuận chung về các bước thực hiện mới, dựa trên cơ sở thông cáo chung được đưa ra năm ngoái, trong mục tiêu mà hai nước dừng lại hoặc cắt giảm khí thải. Trung Cộng thông báo sẽ thành lập một quỹ trị giá 3,1 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển giải quyết những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu". Về  kinh tế, dư luận quốc tế lo ngại về những dữ kiện kinh tế trên đà xuống dốc trong thời gian qua, Chủ Tịch Trung Cộng thừa nhận rằng: "Trung Quốc đang chịu sức ép từ tác động  của mức độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhưng Trung Quốc đang phát triển theo hướng mới và sẽ sớm tăng trưởng trở lại trong tương lai, và giành lại niềm tin từ giới đầu tư ngoại quốc"   

  
Nhận định của vài viên chức Hoa Kỳ:
Ông Ken Lieberthal, cựu viên chức của Tòa Bạch Ốc, nay làm việc tại Viện Nghiên Cứu Brookings Institution: “Chúng tôi đã tưởng có thể "đọc được" ông ta, và chúng tôi chờ đợi ông ta năng động hơn, tiếp cận hơn, và có thể thúc đẩy những cải tổ hơn là người tiền nhiệm của ông ta. Nay tôi nghĩ, chúng ta đang có vấn đề làm sao hiểu ông Tập Cận Bình là ai? Ông ta không để lộ một tí nào hết về những ý kiến chính trị của ông, nhưng có vẻ rất muốn trình bày mình là dễ tiếp cận hơn, và có đôi khi còn vui vẻ hơn là ông Hồ Cẩm Đào, người mà các cuộc gặp gỡ đã trở thành một nghi thức tẻ nhạt với những câu trả lời soạn sẵn và đọc một cách buồn nản. Nhưng từ đó, ông Tập đã không sử dụng cái vốn liếng chính trị của mình theo chiều hướng mà Washington chờ đợi. Tuy ông chưa bao giờ được cho là một nhà cải tổ chính trị tự bản chất, và chánh Phủ Mỹ đã sửng sốt khi ông Tập Cận Bình bắt đầu đàn áp các tổ chức phi chính phủ, và ngạc nhiên hơn nữa trước những lời tuyên bố gay gắt về nguy cơ của các giá trị Tây phương".

Ông Hank Paulson, cựu Bộ Trưởng Tài Chánh Hoa Kỳ, vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ mối bang giao giữa Hoa Kỳ với Trung Cộng, giải thích: “Điều quan trọng nhất mà các công ty muốn biết là chuyện gì đã xảy ra cho công cuộc cải tổ. Liệu Trung Cộng chỉ tính chuyện mở hai cửa cho khu vực tư ở Trung Cộng, hay là cho các công ty đa quốc nữa. Thắc mắc đó đã được phơi bày hôm thứ tư 23/9/2015- khi một trong những tên tuổi lớn nhất của kỹ nghệ Hoa Kỳ, kể cả ông Tim Cook của Apple và ông Mark Zuckerberg của Facebook, đã đến Seattle để rồi phải nghe bài giảng của ông Tập. Khi nhận giấy mời của ông Bình, một số trong những người tham dự, đã hy vọng có được một cuộc đối thoại cởi mở về các vấn đề từ tấn công tin tặc, đến ăn cắp sở hữu trí tuệ của họ, bởi các công ty Trung Cộng. Sau cùng thời biểu chỉ có đủ thời giờ để họ phải nghe bài diễn văn của ông Chủ Tịch".
Ông Michael Pillsbury được Các Tướng Trung Cộng tiết lộ rằng:  "Trước khi ông Tập Cận Bình lên đường thăm Hoa Kỳ, đã có 5 phiên họp với thường trực Quân Ủy Trung Ương mà không có đại diện ngành ngoại giao. Lầu Bát Nhất đã đề nghị là không có viên Tướng nào trong phái đoàn đi Hoa Kỳ, để các vấn đề quân sự không có trong chương trình nghị sự với Tổng Thống Hoa Kỳ. Vì vậy mà không có thỏa thuận hay thảo luận chi tiết nào về vấn đề an ninh giữa Trung Cộng với Hoa Kỳ".
Vẫn là tiết lộ từ các Tướng Trung Cộng: "Họ lo lắng Washington có thể qua mặt các nhà ngoại giao Trung Quốc, nên họ đề nghị 6 điểm để ông Tập Cận Bình sử dụng khi  đàm phán với ông Obama: (1) Không có thỏa thuận nào về an ninh mạng được ký và không được đàm phán về 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc bị Sở Tư pháp Hoa Kỳ truy tố năm ngoái về tội gián điệp mạng. (2) Không thảo luận về hoạt động của quân đội Trung Quốc  trong không gian hoặc bất kỳ thảo luận nào về kiểm soát vũ khí trong không gian. (3) Tìm kiếm các cơ hội trao đổi thăm viếng quân sự các loại để Trung Quốc tìm hiểu các điểm yếu của quân đội Mỹ, trong khi phải từ chối không cho Mỹ truy cập vào những căn cứ nhạy cảm của quân đội Trung Quốc. (4) Không hạn chế trong việc Trung Quốc mua bí mất công nghệ công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ. (5) Không thảo luận về việc quân đội Trung Quốc tích tụ vũ khí chống lại Đài Loan. (6) Đặc biệt quan trọng với khu vực, không có hạn chế nào nên được đưa ra về hoạt động nạo vét, bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông".
Ngoài ra, Lầu Bát Nhất cũng tham mưu cho ông Tập Cận Bình, nên tránh các vấn đề an ninh khi thảo luận với Hoa Kỳ, và thay vào đó là sử dụng các vấn đề "vô hại nhưng ấm bụng kiểu Mỹ". Ngay cả việc Tập Cận Bình dùng hai ngón trỏ xếp hình chữ "Nhân", có nghĩa là "Người" khi mô tả bang giao Trung - Mỹ trong bài phát biểu tại Seattle cũng do Lầu Bát Nhất tham mưu.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Cộng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies-CSIS), nhận định: “Thật khó cho chánh phủ Obama, khi họ muốn gửi đến quan ngại hay là trông đợi của họ cho cấp cao nhất của hàng lãnh đạo Trung Cộng. Một nhà khoa bảng thuộc viện đại học Bắc Kinh đã nói, nhiều nhà khoa bảng nói là họ hiểu ông Tập đều là sai hết.”
Ash Carter DOD Secretary Portrait.jpgÔng John Huntsman, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Cộng, nhận định: "Thực ra, theo các chuyên gia về Trung Cộng, thì các nhà doanh nghiệp Hoa Kỳ ngày càng bi quan về việc đầu tư ở đó. Trong suốt 35 năm theo dõi bang giao Mỹ - Trung và tham gia trong đó, tôi chưa hề thấy lúc nào mà cộng đồng kinh doanh, khu vực tư của liên hệ đó lại chán đời hơn bây giờ. Kết quả là từ các doanh nghiệp đến chính phủ Hoa Kỳ, mặc cho những nghi thức ồn ào và ngoạn mục, kể cả 21 phát đại bác và quốc yến tại Tòa Bạch Ốc, nhưng đằng sau những nghi thức đó, ông Tập sẽ đối diện với một Hoa kỳ, đang muốn có một lý do để có một thái độ đối đầu hơn với Bắc Kinh về thương mại lẫn an ninh. Từ Ngũ Giác Đài đến Bộ Tư Pháp, đang chuẩn bị những biện pháp nghiêm khắc hơn chống lại Trung Cộng, từ tin tặc đánh cắp bí mật nghề nghiệp đến cố gắng của Trung Cộng để kiểm soát Biển Đông".

Thứ ba. Tình hình Biển Đông. 
Ngày 30/5/2015, tại hội nghị Shangri-La, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter phát biểu: "Hành vi của Trung Cộng bồi đấp các Đá Ngầm thành đảo nhân tạo sẽ làm gia tăng nguy cơ "tính toán sai lầm", thậm chí tạo ra xung đột trong khu vực Biển Đông". Rồi ông Carter kêu gọi: "Các bên cần có giải pháp hòa bình trong tranh chấp trên Biển Đông". Ông nhấn mạnh: "Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện phi cơ và tàu chiến tại vùng này, và sẽ hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, để bào đảm tự do lưu thông hàng hải và hàng không trên Biển Đông".    


Hình ảnh Tướng Tôn Kiến Quốc: Trung Quốc sẽ lập AIDZ trên Biển Đông nếu... số 1
Ngày 31/5/2015, Đô Đốc Tôn Kiến Quốc (Sun Jianguo), Phó Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Trung Cộng đáp trả: "Bắc Kinh đang cân nhắc việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không AIDZ tại Biển Đông, và thời gian phụ thuộc vào tình hình an ninh hàng không và hàng hải của chúng tôi.  Ông phát biểu tiếp: "Tình hình Biển Đông nói chung là hòa bình và ổn định, không có vấn đề gì ảnh hưởng đến tự do hàng hải. Vấn đề bồi đấp thành đảo nhân tạo cho các hoạt động  vì mục tiêu tăng cường khả năng của chúng tôi, và điều kiện sống cũng như làm việc của đội ngũ đồn trú trên đó”.
Ngày 1/10/2015, một viên chức cao cấp của Hải Quân Trung Cộng đã phát biểu và được Bộ Quốc Phòng nước này công bố: "Bắc Kinh hy vọng là Hoa Kỳ giảm bớt các hoạt động có nguy cơ gây hiểu lầm, và tôn trọng các lợi ích cốt lõi của chúng tôi".
Bản tin của Reuters, trong cuộc hội kiến với Đô Đốc Harry Harris, Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đề Đốc Tôn Kiến Quốc nói: "Điều kiện tiên quyết cho việc hợp tác theo tinh thần đôi bên cùng có lợi là sự tin tưởng lẫn nhau. Hy vọng rằng, phía Mỹ quan tâm đến những quan ngại của Trung Quốc, thật sự tôn trọng các lợi ích căn bản của chúng tôi, tránh những từ ngữ và hành vi phương hại đến quan hệ song phương, và giảm bớt các hành động có thể gây ra hiểu lầm hoặc phán đoán sai lạc".
Cùng ngày 1/10/2015, chiếc USS Ronald Reagan là một trong những Hàng Không Mẫu Hạm tối tân nhất của Hải Quân Hoa Kỳ, đã vào hải cảng Yokosuka, căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ tại Nhật Bản. Sự kiện này đánh dấu một bước mới trong kế hoạch tăng cường sức mạnh  của Hạm đội 7 hoạt động vùng Thái Bình Dương, thực hiện chiến lược chuyển  trục qua Châu Á mà Mỹ đang tiến hành. Với một thủy thủ đoàn đến 5.000 quân nhân, trang bị 80 phi cơ tác chiến, hệ thống radar và vũ khí mới nhất, cùng với các phương tiện chỉ huy và truyền tin liên lạc tối tân hiện nay. Trong khi đó, căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ tại Singapore, có các loại chiến hạm mới nhất hiện nay.
Ngày 4/10/2015, theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel, thì "Chuyến thăm lần này của ông Bình chỉ có thành quả lớn nhất là hai bên có thể trực tiếp nói ra bất đồng. Nói cách khác là không khí lạnh nhạt, đến mức hai bên không ra được bản Tuyên Bố Chung như thường lệ".
Ngày 9/10/2015, Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, phát biểu: "Bắc Kinh không bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia nào xâm phạm hải phận và không phận Trung Cộng ở quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) vì lý do bảo vệ tự do hàng hải và hàng không. Bắc Kinh cũng kêu gọi các bên có liên quan, không được thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích nào, và có trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định khu vực".  Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh: "Hoa Kỳ nên có cái nhìn khách quan, cùng bảo đảm hòa bình an ninh, đóng vai trò xây dựng trong vấn đề Biển Đông".
Ngày 13/10/2015, New York Times cho biết: "Hoa Kỳ  được cho là chuẩn bị điều động chiến hạm tiến sát các đảo nhân tạo Trung Cộng đã bồi đấp một số Đá Ngầm thành đảo nổi ở biển Đông. Các cuộc tuần tra này sẽ được tiến hành trong phạm vi 12 hải lý của ít nhất một trong số các đảo nhân tạo mà Trung Cộng xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa. Giới chức Mỹ cho biết, thái độ này nhằm thách thức yêu sách chủ quyền ngang ngược của Trung Cộng trên vùng biển rộng với đường hàng hải chiến lược trên Biển Đông" (trích trong e-mail H-Yến Trần ngày 14/10/2015).
Ngày 15/10/2015, với tin tức Hoa Kỳ sẽ điều động phi cơ và chiến hạm tuần tiểu sâu vào vùng 12 hải lý các đảo nổi do Trung Cộng bồi đấp thành đảo nổi trái luật quốc tế, lại còn xây dựng căn cứ quân sự trên đó. 
Ông Li Mingjiang, trường đại học Kỹ Thuật Nanyang của Singapore, nhận định: “Trung Cộng muốn dùng các diễn đàn này để trình bày quan điểm của mình, cắt nghĩa cho thế giới biết chính sách của họ để cải thiện hình ảnh của Trung Quốc”. Trong khi đó, Philippines đã công khai lên tiếng ủng hộ quyết định của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, cho chiến hạm và phi cơ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo và bãi đá cạn mà Bắc Kinh đã xây dựng từ hai năm qua ở Biển Đông (trích báo Cali today news 15/10/2015).
Ngày 16/10/2015, lần dầu tiên Bắc Kinh chủ tọa cuộc gặp gỡ không chính thức với các Bộ Trưởng Quốc Phòng của khối ASEAN, tiếp theo là hội nghị Xiangshan Forum với nhiều chuyên gia và giới lãnh đạo quân sự quốc tế sẽ bàn về nhiều vấn đề. Ba lãnh vực nổi bật sẽ được đề cập trong hội nghị Xiangshan Forum là: "An ninh của vùng biển Châu Á-Thái Bình Dương. Các vấn đề về hàng hải. Và chống khủng bố". Việt Cộng tham dự với  phái đoàn gồm 5 Tướng Lãnh  do Đại Tướng Phùng Quang Thanh, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng hướng dẫn, đã rời Hà Nội ngày 14/10/2015 sang  tham dự hai hội nghị này. 
Ngày 17/10/2015, trong Diễn Đàn An Ninh Hương Sơn (Xiangshan) tại Bắc Kinh, Tướng Trung Cộng Phạm Trường Long (Fan Changlong) REUTERS/Jason Lee, Phó Chủ Tịh Quân Ủy trung ương tuyên bố: "Bắc Kinh sẽ không bao giờ dùng vũ lực một cách liều lĩnh, cho dù trên những vấn đề chủ quyền". Ông khẳng định: "Trung Quốc sẽ làm hết sức mình để tránh những cuộc xung đột không lường trước". Rồi ông giải thích: "Các dự án bồi đắp đảo sẽ giúp cung cấp những dịch vụ tốt hơn để hỗ trợ lưu thông và sản xuất ở Biển Đông". 
Sau lời tuyên bố của tướng Phạm Trường Long,  Bộ Trưởng Quốc Phòng Malaysia nói: "Tuyên bố đó trấn an mọi người. Nhưng cách tốt nhất để giải tỏa những mối quan ngại cho các quốc gia liên quan, là thiết lập Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC). Từ nhiều năm nay, các nước ASEAN vẫn kêu gọi Trung Cộng  thương lượng để đạt đến một bộ quy tắc ứng xử có tính cách buộc các quốc gia liên quan thi hành, hầu ngăn ngừa những hành động dẫn đến xung đột quân sự trên Biển Đông".
Tóm tắt.
Tình hình Biển Đông tuy sóng gió chưa nổi dậy, nhưng Hoa Kỳ đã điều động Hàng Không Mẫu Hạm lớn nhất và mới nhất đển căn cứ tại Nhật Bản, trong chiến lược chuyển trục sang Châu Á - Thái Bình Dương, mà Biển Đông nằm trong vùng này. Đồng thời tuyên bố: "Hoa Kỳ sẽ đưa chiến hạm tuần tra bên trong 12 hải lý chung quanh các đảo mà Trung Cộng bồi đấp thành đảo nổi trái luật quốc tế". Thế là Trung Cộng đáp trả ngang qua người  phát ngôn Bộ Ngoại Giao của họ là bà Hoa Xuân Oánh ngày 16/10/2015, rằng: ""Bắc Kinh không bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia nào xâm phạm hải phận và không phận Trung Cộng ở quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) vì lý do bảo vệ tự do hàng hải và hàng không. Bắc Kinh cũng kêu gọi các bên có liên quan, không được thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích nào, và có trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định khu vực".
Vậy là Biển Đông trong tình hình căng thẳng, và liệu chiến tranh Biển Đông có xảy ra không? Nhưng ngay ngày hôm sau -17/10/2015- trong Diễn Đàn Hương Sơn tại Bắc Kinh, với lời tuyên bố khá rõ ràng của của Tướng Trung Cộng Phạm Trường Long, Phó Chủ Tịch Quân Ủy trung ương -một vị trí có uyền lực- có thể giúp cho tình hình Biển Đông tạm thời giảm bớt căng thăng. Tôi nói tạm thời, vì đã là cộng sản thì dối trá là bản chất của họ, mà cộng sản Trung Hoa lại càng dối trá ngang ngược đến mức trắng trợn, là ngay cả Biển Đông với diện tích 2.974.100 cây số vuông, bỗng dưng hồi tháng 5/2009, Trung Cộng trưng ra tấm bản đồ Biển Đông với hình chữ U thường gọi là “đường lưỡi bò” để giành chủ quyền hơn 80% diện tích biển này.
Đầu năm 2010, Trung Cộng lên tiếng lưu ý Hoa Kỳ rằng, Biển Đông thuộc lợi ích cốt lõi của họ, và họ quyết định sẽ điều động hàng không mẫu hạm đến vùng này để bảo vệ quyền lợi của họ. Đã không chứng minh được cái quyền mà họ tự cho là của họ khi bị Philippines kiện ra tòa án trọng tài quốc tế, họ lại ngang nhiên bồi đấp một số bãi Đá Ngầm trong quần đảo Trườn g Sa trở thành đảo nổi, rồi xây các căn cứ quân sự trên đó và luôn miệng cho là không ai có quyền tranh cãi.
Đến như vậy thì liệu lời lẽ nhẹ nhàng của Tướng Phạm Trường Long có đủ sức thuyết phục các quốc gia liên quan không? Theo nhận định của Bộ Trưởng Quốc Phòng Malaysia trong hội nghị, được hiểu là niềm tin chỉ là tạm thời , điều cần thiết là một văn kiện mà các bên chấp nhận được và cùng nhau thực hiện đê bảo vệ Biển Đông trong hòa bình, chớ tuyên bố suông thì không thể thuyết phục được ai cả, và văn kiện đó, chính là  Bộ Quy Tắc Ứng Xử có tính cách buộc các quốc gia liên quan thi hành.
Kết luận.
Các Anh nghĩ gỉ thì nghĩ, nhưng Các Anh hãy nhớ, tháng 4/1975 khi vào được Sài Gòn, nhà văn cộng sản Dương Thu Hương, ngồi bệt trên lề đường Lê Lợi mà than rằng: "Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ... nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua một chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải...”
Các Anh đừng bao giờ quên lời của 23 cựu lãnh đạo Trung Cộng công bố trên Internet một bức thư đề ngày 13/10/2010, gởi Quốc Hội kêu gọi: "Nếu đảng cộng sản không tự cải tổ, không tự chuyển đổi, đảng sẽ chết một cái chết tự nhiên" . Và cũng đừng bao giờ quên rằng: “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng.
Texas, tháng 10 năm 2015
Phạm Bá Hoa

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

 ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~















__._,_.___

Posted by: "Nhat Lung" 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link