Thursday, November 2, 2017

Nga: Thêm một đạo luật thắt chặt kiểm soát Internet

Nga: Thêm một đạo luật thắt chặt kiểm soát Internet

Ngày 01/11/2017, một đạo luật mới sẽ có hiệu lực tại Nga cấm người dân nước này sử dụng các phần mềm giúp truy cập Internet một cách bảo mật hoặc vô danh. Các nhà hoạt động nhân quyền và giới doanh nghiệp Internet đã lên án đạo luật này, vì họ xem đó là một hình thức tăng cường kiểm duyệt trên Internet trong bối cảnh nước Nga sắp bầu cử tổng thống.

Truy cập bảo mật hoặc truy cập qua mạng ảo VPN ( Virtual Private Network ) là những hình thức truy cập mà các công ty thường sử dụng để bảo đảm bí mật thông tin. Đây cũng là hình thức mà nhiều cư dân mạng sử dụng để vượt tường lửa, truy cập vào một số trang web bị chặn trong nước.

Đạo luật được thông qua mùa hè vừa qua và có hiệu lực từ ngày mai giao cho cơ quan kiểm soát viễn thông của Nga Roskomnadzor nhiệm vụ lập danh sách các dịch vụ cho phép truy cập vô danh. Cơ quan này có quyền ngăn chận những dịch vụ đó.

Đối với các tác giả của luật mới, mục đích của văn bản này là không cho người sử dụng Internet truy cập vào những trang web đã bị ngành tư pháp ra lệnh chặn lại, vì đó là những trang web có liên hệ với khủng bố hoặc bị xem là có nội dung quá khích, cực đoan.

Nhưng theo những người chống đối luật này, thì đây là một bước mới nhằm tăng cường kiểm duyệt Internet ở Nga. Mạng thông tin toàn cầu đã bị kiểm soát ngày càng chặt chẽ kể từ khi ông Vladimir Putin trở lại điện Kremlin vào năm 2012. Gần đây, một đạo luật khác đã được ban hành, bắt buộc các công ty công nghệ thông tin phải lưu trữ các dữ liệu của người sử dụng Internet ở Nga và khi được yêu cầu thì phải trao những dữ liệu đó cho các cơ quan chức năng.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế lên án luật mới của Nga là một « đòn rất mạnh đánh vào quyền tự do trên Internet ». Còn Electronic Frontier Foundation, một tổ chức bảo vệ các quyền tự do trên Internet, trụ sở tại Mỹ, thì cho rằng luật này sẽ ảnh hưởng đến các nhà báo và các nhà hoạt động vẫn sử dụng các dịch vụ đó để đăng tải những thông tin mà không để lộ danh tính.

Đạo luật tăng cường kiểm duyệt Internet có hiệu lực trong khi chỉ còn bốn tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Nga, mà gần như chắc chắc là ông Putin sẽ tái đắc cử cho nhiệm kỳ thứ tư.

Hiện giờ, hầu như toàn bộ các tờ báo ở Nga là nằm dưới sự kiểm soát của điện Kremlin, cho nên các nhà đối lập, nhất là ông Alexei Navalny, chủ yếu sử dụng Internet và các mạng xã hội để phổ biến thông tin và quan điểm của họ.

Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, nhiều nhà cung cấp dịch vụ VPN ở Nga đã báo trước là họ sẽ không tuân thủ luật mới, vì họ không muốn tham gia vào việc tăng cuờng kiểm duyệt Internet.

Tại Trung Quốc, quốc gia từ lâu đã kiểm soát chặt chẽ mạng thông tin toàn cầu, gần đây chính quyền cũng đã bắt đầu ngăn chận các phần mền VPN trước khi diễn ra Đại Hội Đảng lần thứ 19. Như vậy là Matxcơva đang muốn đi theo con đường của Bắc Kinh.

Theo các chuyên gia, điện Kremlin không thể kiểm soát tuyệt đối mọi thông tin liên lạc trên Internet, vì khả năng kỹ thuật của nước này còn thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc. - RFI
|
|

9.
Tây Ban Nha khởi tố cựu chủ tịch vùng Catalunya vì tội “nổi loạn’’

Ba ngày sau khi chủ tịch vùng Catalunya Carles Puigdemont tuyên bố độc lập, cơ quan công tố Tây Ban Nha khởi động thủ tục truy tố cựu lãnh đạo này, với tội danh «nổi loạn». Trong khi đó cựu lãnh đạo Catalunya đang ở Bỉ.

Theo AFP, tại Madrid, đích thân chưởng lý Tây Ban Nha, ông Jose Manuel Maza, thông báo hồ sơ khiếu kiện toàn bộ ê-kíp cầm quyền vùng tự trị, bao gồm cựu chủ tịch Carles Puigdemont, đã được đệ trình.

Cựu chủ tịch Catalunya đã không xuất hiện tại Tây Ban Nha kể từ hôm qua. Theo truyền thông châu Âu, ông Puigdemont đang có mặt tại Bỉ. Trả lời đài truyền hình Flamand VRT (Bỉ), luật sư Paul Bakaert xác nhận điều này. Vị luật sư nói trên đã tiếp thân chủ của mình tại Tielt, một thị trấn nhỏ, cách Bruxlles khoảng 90 km.

Thông tín viên Quentin Dickinson tường trình từ Bruxelles:

Để hiểu được ông Carles Puigdemont đến đây để làm gì, chúng ta có thể tìm hiểu các hoạt động chuyên môn của luật sư Paul Bakaert, người kể từ giờ là đại diện pháp lý cho cựu chủ tịch Catalunya tại Bỉ. Vị luật sư 70 tuổi này dành gần như cả đời cho vấn đề luật cư trú, dẫn độ và quy chế tị nạn chính trị. 

Điều đó có nghĩa là khách hàng mới người Catalunya của ông lo ngại sẽ bị chưởng lý Tây Ban Nha cưỡng chế về nước, dựa trên lệnh truy nã của Liên Hiệp Châu Âu. Như vậy, ông Carles Puigdemont sẽ phải xin tị nạn chính trị tại Bỉ. 

Tuy nhiên, vấn đề là đã từ rất lâu nay, Bruxelles không còn cấp quy chế này cho các công dân, thành viên của các quốc gia khác của Liên Hiệp Châu Âu, hoặc của khu vực kinh tế châu Âu. Bởi những quốc gia châu Âu được tiếng là tôn trọng luật pháp, các giá trị, và các tập quán dân chủ.

Hơn nữa, Bỉ cũng muốn làm mọi cách tránh để Tây Ban Nha có phản ứng giận dữ về ngoại giao. Đây cũng có thể là vấn đề mà cơ quan chuyên trách của Bruxelles, về người tị nạn và người vô tổ quốc, sẽ phải xem xét. 

Một giả thuyết khác cũng được đặt ra là cựu chủ tịch Catalunya sẽ quyết tâm, cùng với năm cựu lãnh đạo khác trong chính quyền vùng tự trị, lập nên cái gọi là ‘‘chính phủ lưu vong’’ tại Bỉ, một chính quyền Catalunya tự phong. Trong giai đoạn hiện tại, còn chưa rõ đây sẽ là một tổ chức có khả năng hoạt động thực sự, hay chỉ mang tính biểu tượng.

Còn tại Tây Ban Nha, hôm qua, cũng là ngày đầu tiên, 200.000 viên chức Catalunya làm việc trực tiếp dưới sự giám hộ của chính quyền trung ương, sau quyết định của Thượng Viện. Cũng hôm qua, đảng PdeCat chủ trương độc lập của cựu lãnh đạo Catalunya tuyên bố sẽ tham gia vào cuộc bầu cử cấp vùng, được tổ chức ngày 21/1, theo quyết định của chính quyền Madrid.

Tuyên bố độc lập, được 70 nghị sĩ Catalunya thông qua, trên tổng số 135, gây các phản ứng hết sức trái ngược tại vùng tự trị, khiến giới đầu tư lo ngại. Theo một thăm dò dư luận của nhật báo El Mundo, thực hiện cuối tuần trước, tổ chức trước tuyên bố độc lập, phe đòi độc lập sẽ mất đa số tại Nghị Viện, và chỉ đạt 42,5% phiếu bầu. - RFI
|
|

10.
Ông Tập Cận Bình gặp chủ Facebook và Apple

Đại diện của Facebook, Mark Zuckerberg và hãng Apple, Tim Cook gặp gỡ với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, trong bối cảnh Đảng Cộng Sản Trung Quốc đẩy mạnh vai trò rộng lớn hơn của các công ty tư nhân tại Hoa Lục.

Tân Hoa Xã vào ngày 31 tháng 10 dẫn lời phát biểu của ông Tập Cận Bình tại buổi gặp mặt hàng năm của các chuyên viên tư vấn của Đại Học Thanh Hoa rằng sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội của thế giới khi Trung Quốc là một thành viên đóng góp vào cũng như hưởng lợi từ kinh tế toàn cầu.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của người đứng đầu là ông Tập Cận Bình đã gia tăng kiểm soát chặt chẽ các công ty quốc doanh và yêu cầu những công ty nước ngoài phải cho phép thành phần của Đảng vào làm việc trong đó

Hiện trong số hơn một trăm ngàn công ty có vốn nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc, có đến 70% phải thành lập các tổ chức Đảng vào cuối năm 2016.

Nhiều công ty nước ngoài thường phàn nàn về việc thiếu tiếp cận thị trường Trung Quốc. Nhưng qua cuộc gặp gỡ giữa Mark Zuckerberg với Chủ tịch Tập Cận Bình có thể mang tới hy vọng thuyết phục được Bắc Kinh nới lỏng việc cấm sử dụng Facebook tại Hoa Lục. - RFA
|
|

11.
Trung Quốc xem xét phạt tù 3 năm về tội bất kính quốc ca

Trung Quốc có thể áp dụng một luật mới là phạt lên đến 3 năm tù giam đối với người dân nào ở hai đặc khu Hong Kong và Macau không tôn trọng quốc ca của Hoa Lục.

Hãng thông tấn AFP dẫn nguồn của Tân Hoa Xã vào ngày 31 tháng 10 rằng Bắc Kinh hồi tháng 9 đã thông qua Luật Quốc Ca, quy định cách thức và nơi chốn thích hợp để hát quốc ca và sẽ áp dụng hình thức phạt 15 ngày tù đối với công dân Trung Quốc tại Đại Lục, mà họ không tôn trọng quốc ca.

Tuy nhiên, Cơ quan Lập pháp của Trung Quốc trong tuần này đã thảo luận liệu có nên áp dụng các biện pháp mới ở Hồng Kông và Ma Cao hay không với mức phạt tù lên đến 3 năm đối với những người không tôn trọng quốc ca, mà không giải thích tại sao mức phạt lại tăng lên như thế.

Động thái này của Bắc Kinh được cho rằng có thể dẫn đến các cuộc biểu tình lớn sẽ nổ ra ở Hong Kong, vì đảo quốc này theo hệ thống “một quốc gia, 2 chế độ” sau khi được Anh trao trả cho Trung Quốc từ năm 1997.

Tại Hong Kong, một số người hâm mộ bóng đá thường la ó và quay lưng trong lúc quốc ca Trung Quốc được trỗi lên. Mới nhất là tại trận bóng với Malaysia trong tháng 10 vừa qua.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Lập pháp của Quốc hội Trung Quốc nói rằng việc áp dụng luật bảo vệ an toàn quốc gia ở Hong Kong là rất khẩn cấp và quan trọng nhằm ngăn chặn và xử lý các vi phạm đó. - RFA
|
|

12.
Iran: Phi đạn đủ tầm trúng mục tiêu Mỹ

Iran không cần phải tăng cường tầm bắn của các phi đạn đạn đạo vì khả năng hiện nay đã có thể bắn trúng các lực lượng Mỹ đóng trong khu vực, người đứng đầu lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran tuyên bố ngày 31/10.

Trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách áp đặt các biện pháp chế tài mới chống lại chương trình phi đạn của Iran, Thiếu tướng Mohammad Ali Jafari khẳng định ‘trừng phạt chỉ làm tăng thêm số phi đạn cảu Iran và độ chính xác của chúng mà thôi.’

Tổng thống Trump trong tháng này từ chối xác nhận rằng Tehran tuân thủ thỏa thuận với 6 cường quốc thế giới để đổi lại được dỡ bỏ hầu hết các chế tài quốc tế.

Tuần rồi, Hạ viện Mỹ biểu quyết các biện pháp trừng phạt mới đối với chương trình phi đạn của Iran và ông Trump thúc giục các đồng minh cùng với Mỹ có hành động mạnh tay kiềm chế ‘thái độ nguy hiểm và gây bất ổn của Iran’ kể cả các chế tài nhắm vào công tác phát triển phi đạn của Iran.

‘Phi đạn của chúng tôi có tầm bắn 2 ngàn cây số và có thể được tăng cường, nhưng chúng tôi tin là tầm hoạt động này là đủ với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran vì đa số lực lượng Mỹ và hầu hết các lợi ích của họ trong khu vực đều nằm trong tầm bắn này,’ ông Jafari được hãng thông tấn Tasnim dẫn lời.

Chương trình phi đạn của Iran là một trong những chương trình lớn nhất tại Trung Đông và một số phi đạn của Iran có tầm bắn trúng Israel.

Mỹ nói chương trình phi đạn của Iran vi phạm luật quốc tế vì các phi đạn này có thể mang đầu đạn hạt nhân trong tương lai.

Iran khẳng định không theo đuổi võ khí hạt nhân mà chỉ dùng cho mục đích dân sự. - VOA
|
|

13.
Mỹ chống lại kêu gọi bỏ cấm vận kinh tế cho Cuba

Mỹ ngày 31/10 sẽ biểu quyết chống lại một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba kéo dài hàng chục năm nay.

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, Nikki Haley, sẽ bỏ phiếu chống lại nghị quyết mà Havana đưa ra thường niên suốt 26 năm qua để khẳng định chính sách mới của Tổng thống Donald Trump về Cuba đặt trọng tâm vào thăng tiến nhân quyền và dân chủ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Heather Nauert cho biết.

Mỹ vẫn biểu quyết chống lại nghị quyết này trong suốt 24 năm qua nhưng lần đầu tiên vào năm 2016 bỏ phiếu trắng giữa bối cảnh Washington và Havana tiến tới mối quan hệ gần gũi hơn và mở lại đại sứ quán tại cả hai nước vào năm 2015.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai cựu thù thời Chiến tranh lạnh gần đây lại bùng phát.

Trước đây trong tháng, Tổng thống Trump tuyên bố ông tin là Havana chịu trách nhiệm thực hiện một loạt các cuộc tấn công gây hại cho sức khỏe của 24 nhà ngoại giao Mỹ.

Đáp lại, giới chức Cuba nói cáo giác này của Mỹ là ‘khoa học viễn tưởng.’

Nghị quyết ngày 1/11 không mang tính ràng buộc nhưng có giá trị về mặt chính trị. Chỉ có Quốc hội Mỹ mới có quyền dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận cho Cuba vốn đã ban hành cách đây hơn 50 năm. - VOA

|

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link