Wednesday, June 24, 2015

Nhất định không chịu học!

 

Nhất định không chịu học!

Hoàng Dũng

Trang bìa tập san Tự Do Diễn Đàn
(Th. 12/1956) có đăng bài tham luận của
Ls. Nguyễn Mạnh Tường. Tập san này
bị cấm ấn hành

Đến bây giờ mà ở diễn đàn Quốc hội còn khối ông nghị, trong đó có cả những người có bằng tiến sĩ luật (!) chưa chịu chấp nhận nguyên tắc “suy đoán vô tội” và do đó phản đối “quyền im lặng”, thậm chí dựng đứng rằng “quy định quyền im lặng là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân”, (1) như thể dứ dứ điều 88 bộ luật Hình sự để đe dọa cả Quốc hội.
Trên thực tế, “suy đoán có tội” là phổ biến dựa trên lối nghĩ “bắt lầm còn hơn bỏ sót”. Và lối nghĩ này ác thay lại không hiếm trong lực lượng thực thi pháp luật. Không phải ngẫu nhiên mà đại biểu là tướng lĩnh công an đều không muốn luật quy định “quyền im lặng”. (2) Người ta muốn thuận lợi về phía mình: Điều tra mà bắt nghi can phải khai thì dễ hơn nhiều so với việc nghi can có quyền không khai. Cách nghĩ đó không đặt lên hàng đầu nguyên tắc “tránh oan sai”.
Đại biểu Lê Thị Nga đã nói thẳng:
“[Q]uyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình là quyền tự bảo vệ, thực chất là một phần quan trọng của quyền bào chữa. Đây là một phương thức tự bảo vệ đơn sơ nhất, nhưng khả thi nhất cho người dân dù ở trình độ nhận thức pháp luật thấp nhất trước sự đối diện với cán bộ điều tra được đào tạo bài bản về thủ pháp điều tra, dày dạn nghiệp vụ thẩm vấn. Thực hiện quyền này còn giúp giảm tối đa oan, sai.”
Và: “Việc dùng mọi biện pháp (kể cả vũ lực) buộc nghi can phải khai nhận tội mà mình không thực hiện, sau đó hợp thức hóa, ngụy tạo chứng cứ khác cho phù hợp với diễn biến lời nhận tội, rồi lấy đó làm chứng cứ để buộc tội trước tòa là nguyên nhân gốc rễ của những vụ án oan chấn động dư luận vừa qua”.(3)
Không chấp nhận “quyền im lặng”, là lạc hậu với thế giới đã đành, mà còn lạc hậu đối với chính ta nữa. Sáu mươi năm trước, trong tham luận đọc tại cuộc họp Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội ngày 30.10.1956, có nhan đề “Qua sai lầm trong Cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo”, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã trình bày vấn đề này một cách không thể nào sáng rõ hơn, thuyết phục hơn:
Ta muốn gì? Tìm kẻ thù của nông dân, của cách mạng để tiêu diệt nó. Nhưng đồng thời nếu ta biết lo xa, nhìn xa, ta cũng không quên rằng công lý của cách mạng, muốn bảo toàn được uy tín và thắng lợi của cách mạng, phải biết đánh đúng địch. Khi đưa ra khẩu hiệu “thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch” thì khẩu hiệu này không những quá tả một cách vô lý mà phản lại cách mạng là đằng khác nữa. Muốn chứng minh điều này ta chỉ cần nhìn thực tế: kết quả sai lầm ta đã phạm khi thực hiện khẩu hiệu này rất tổn thiệt cho uy tín của cách mạng và cho bản thân bao nhiêu chiến sĩ cách mạng. Nếu không phải đó là phản lại cách mạng thì là gì?
Khẩu hiệu của pháp lý thì khác hẳn: “Thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án oan”. Thế ta có lo ngại rằng 10 địch sót không? Không, vì ta nắm chính quyền, vì cách mạng ta đã thành công. Như vậy kẻ thù của cách mạng chẳng sớm thì chậm, nhất định hoặc cải thiện, giác ngộ, hoặc lọt vào lưới của ta. Khẩu hiệu này lợi ở chỗ: không một người oan nào bị kết án. Do đó, không có các kết quả cực kỳ tai hại diễn ra hiện thời.(4)
Cái day dứt là: Vì sao mà có nhiều bài học ta học mãi vẫn không thuộc? Hay vấn đề thật ra là: Ta nhất định không chịu học! Trong một thể chế mà “chính quyền là của dân, do dân và vì dân” chỉ thuần là khẩu hiệu, thì chính quyền đánh mất khả năng học bài học lịch sử để sửa chữa sao cho xã hội từng ngày dân chủ hơn, công bằng hơn, văn minh hơn. Trong thể chế đó, “ông chủ” ngang nhiên tuyên bố với “đầy tớ”: “Tao không sửa! Mày làm gì tao?”. Cho nên, chỉ khi xã hội bị dồn ép đến mức dọa “bùng nổ”, chứ không còn có thể chịu đựng theo kiểu “cúi mong thánh đế hồi tâm”, “đầy tớ” mới quáng quàng thay đổi. Lúc đó, đất nước đã bị trả giá quá đắt. Vả chăng, biện pháp cứu vãn, trong lúc khẩn cấp, ban đầu thường chỉ vá víu, chứ không căn cơ. Và sau khi đã tạm thoát nạn, mỉa mai là “đầy tớ” lại tự ca tụng (và bắt tất cả “ông chủ” phải ca tụng) tài năng lãnh đạo của mình.
Những quyết sách như “khoán hộ”, “năm thành phần kinh tế”, “kinh tế thị trường”, v.v. và v.v. chẳng phải là chứng cứ thuyết phục hay sao?
H.D.
Tác giả gửi BVN.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -22/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link