Kiev sắp mở bảo tàng về « thời Xô Viết chiếm đóng »
RFI
Tượng Lenin bị lật đổ tại Kiev, 08/12/2013.REUTERS/Gleb
Garanich
Ngày 23/07/2015, Hội đồng thành phố Kiev đã thông qua quyết định thành lập một viện bảo tàng ngoài trời, « thời Xô Viết chiếm đóng ». Quyết định này có nguy cơ gây thêm căng thẳng mới với Matxcơva.
Theo AFP dẫn lại thông tin từ truyền thông Ukraina, đa số đại biểu thành phố, 78 trên tổng số 120 người, đã bỏ phiếu thông qua quyết định trên, sau khi Nghị viện Ukraina đã thông qua một loạt đạo luật về việc bãi bỏ tàn dư của chế động cộng sản trên toàn quốc được.
Chính quyền thành phố đã đưa ra xem xét ba vị trí có thể xây dựng bảo tàng mới này, trong đó có cả khu vực xung quanh bức tượng khổng lồ « Mẫu Quốc ». Được xây dựng từ thời Liên Xô trên một ngọn đồi tại trung tâm lịch sử Kiev, bức tượng thể hiện một người phụ nữ cầm một thanh gươm với một tấm lá chắn. Di tích này cũng nằm trong quần thể tưởng niệm Thế Chiến thứ hai.
Bản thông cáo của thành phố nêu rõ « Bảo tàng thời Xô Viết chiếm đóng » sẽ tiếp nhận những công trình và tác phẩm tượng trưng thời Liên Xô cũ sắp được tháo dỡ khỏi các khu vực công cộng, chiểu theo các luật về bãi bỏ tàn dư chế độ cộng sản được thông qua tháng Tư vừa qua.
Đại biểu thành phố Oleg Gariaga nhấn mạnh, cần phải thận trọng trong quá trình tháo dỡ các di tích trên vì rất nhiều công trình có giá trị kiến trúc và văn hóa.
Vào tháng Tư vừa qua, Bộ trưởng Văn hóa Ukraina đã đề xuất thành lập « một bảo tàng về chế độ chuyên chế quy tụ các di tích thời cộng sản sau khi tháo dỡ. Trong bản thông cáo, ông viết : « Cần phải cho mỗi khách tham quan hiểu rõ về quy mô tội ác của chế độ cộng sản độc tài toàn trị chống lại dân tộc Ukraina ».
Là quốc gia thành viên Liên Bang Xô Viết và nằm ở cửa ngõ với Liên Hiệp Châu Âu, hàng triệu dân thường Ukraina đã chết trong thời kỳ Xô Viết, trong đó phải kể tới đại nạn đói những năm 1932-1933.
Từ khi chính quyền thân phương Tây lên nắm quyền, Ukraina cố gắng rũ bỏ quá khứ Xô Viết với kết quả là một cuộc xung đột vũ trang với các phe ly khai thân Nga tại miền Đông nước này. Trước đó, vào tháng 03/2015, Matxcơva đã sáp nhập bán đảo Crimée vào lãnh thổ Nga.
Với 2,8 triệu dân, Kiev đã có một bảo tảng nhỏ về thời kỳ chiếm đóng Xô Viết do chi nhánh của một tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên, bảo tảng này không nhận được sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước. Khi khai trương vào năm 2007, chính quyền Matxcơva đã đánh giá hành động này là một lời « sỉ vả ».
Ân xá Quốc tế tố cáo Iran gia tăng tử hình
Trọng Thành
Thỏa thuận hạt nhân giữa Teheran và các thành viên thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức vừa được ký kết, cho phép hy vọng giảm căng thẳng tại Trung Cận Đông. Tuy nhiên, tình trạng nhân quyền tại Iran tiếp tục gây lo ngại lớn. Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty
International) hôm qua, 23/07/2015, thông báo gần 700 người bị hành quyết tại quốc gia Hồi giáo này chỉ riêng từ đầu năm đến nay.
Amnesty International, có trụ sở tại Luân Đôn, khẳng định : « Chính quyền Iran đã hành quyết 694 người, trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2015 đến ngày 15/07/2015 », số lượng người bị tử hình tại quốc gia này là nhiều chưa từng có. Theo Ân xá Quốc tế, với tốc độ kinh hoàng này, chẳng bao lâu, số người bị tử hình năm 2015 tại Iran sẽ vượt quá số lượng năm 2014. Ông Said
Boumedouha, trợ lý chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Ân xá Quốc tế, nhận xét, thông tin nói trên cho thấy « hình ảnh ghê sợ của một bộ máy nhà nước giết người quy mô lớn ».
Về phần mình, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, có trụ sở tại New York, lên án Ả Rập Xê Út tiến hành « một chiến dịch giết chóc », với hơn 100 người bị hành quyết trong sáu tháng đầu năm nay, vượt quá tổng số người bị thi hành án trong năm ngoái.
Vẫn theo Ân xá Quốc tế, Cộng hòa Hồi giáo Iran thậm chí không ngừng thi hành án tử hình ngay cả trong tháng Ramadan thiêng liêng của người theo đạo Hồi.
Ít nhất bốn người bị hành quyết trong thời gian này. Tổ chức bảo vệ nhân quyền tố cáo tình trạng xét xử hết sức tồi tệ tại Iran, khi nhiều tòa án « không hề độc lập và thiếu khách quan » đưa ra các phán quyết tử hình. Theo Amnesty International, với các thông tin mà tổ chức này có được, thì đa số những người bị hành quyết, liên quan đến các vụ buôn bán ma túy.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment