Tuesday, September 1, 2015

Hãy chôn "chiếc bẫy" xuống địa ngục


Kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và 2/9 :

Hãy chôn "chiếc bẫy" xuống địa ngục

(Võ Thị Hảo)

nhưng nỗi oan và món nợ mà xã hội nợ họ thì tồn tại mãi mãi trong người sống. Nỗi oan đó chỉ lắng dịu đi khi xã hội giải oan cho họ bằng hành động, chứ không chỉ bằng lời nói.





"Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô : "Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này ?..."


(Theo hồi ký "Đèn cù" của Trần Đĩnh)


Những oan hồn tạo ra từ 70 năm nay trên con đường cách mạng ấy đã và đang rộn ràng hòa vào những đôi mắt sống của người dân. Những mắt ấy mở chong đêm ngày theo dõi và tính sổ những cuộc bội phản nhân dân, đợi ngày kết thúc cái chính thể phi tự nhiên ấy , tới một cuộc Đại Giải Oan cho nước Việt.


Giết và giẫm đạp cả thi thể "Mẹ nuôi cách mạng"


Những chứng nhân của thời Cải cách ruộng đất hoặc những người đã đọc, đã nghe kể qua câu chuyện này thì không thể không bị ám ảnh về số phận đau thương của bà và hàng triệu người Việt Nam khác bởi chính sự phản trắc, sự tàn ác của chính những người đứng đầu đất nước và cán bộ đội cải cách thời đó. Không một lý do nào có thể biện minh cho những tội ác ấy.


Người ta vẫn phải nhắc đến người đàn bà ấy, gần 70 năm nay, từ ngày bà bị chính quyền cách mạng xử tử . Không năm nào không nhắc, nhất là mỗi khi đến dịp rầm rộ kỷ niệm cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2/9. Chuyện không thể cũ đi, vì nỗi oan chưa được giải và nguyên nhân của những cuộc oan mới ngày càng chồng chất trên đầu nhân dân Việt Nam.


Oan hồn của người đàn bà ấy, và hàng triệu người Việt Nam khác đương nhiên không thể không bay lượn trên bầu trời Ba Đình, chong triệu đôi mắt đợi ngày kết thúc của cái thể chế phản trắc ấy, bởi cái gì dối trá và đi ngược lại quyền lợi đất nước thì sẽ đến ngày tự hoại.


"Khi du kích đến đưa bà ta đi, bà ta đã cảm thấy có gì nên cứ lạy van "các anh làm gì thì bảo em trước để em còn tụng kinh." Du kích quát : "đưa đi chỗ giam khác thôi, im !". Bà ta vừa quay người thì mấy loạt tiểu liên nổ ngay sát lưng… Mua áo quan được thì không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô : "Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này ?". Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy..." (Qua lời kể của Tiêu Lang, phóng viên báo Cứu quốc trong đội cải cách ruộng đất- Trần Đĩnh ghi).


Ngày ấy Việt Minh cướp chính quyền thành công và có ngày Cách mạng tháng Tám 1945.


Bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu buôn Cát Hanh Long ngây ngất hạnh phúc vào ngày ấy. Lý tưởng giải phóng nô lệ, tự do dân chủ bình đẳng bác ái mà bà theo đuổi nay đã được Việt Minh hứa thực thi trên đất nước của bà.


Người đàn bà ấy đã "phóng xe nhà có cắm cờ đỏ sao vàng, từ Hải Phòng lên Thái Nguyên nơi quân Nhật còn chiếm đóng, đến tận Đình Cả Võ Nhai để báo tin cho con trai và đồng chí của mình tin Hà Nội đã giành được chính quyền".


Tư liệu cho biết, bà được người Việt Minh tôn xưng là "Mẹ nuôi của cách mạng", mẹ nuôi của Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ và Trường Chinh. Cái người đàn bà ngây thơ một lòng tin yêu cách mạng ấy đã cứu giúp rất nhiều đầu lĩnh cao cấp nhất của Việt Minh như : Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị…


Bà không biết rằng chính bà và nói đúng hơn là hầu hết dân Việt Nam, đã sập một cái bẫy lớn nhất, tàn bạo nhất, chỉ do đã quá ngây thơ tin vào những lừa mỵ. Bà đã đặt quá nhiều ảo tưởng vào một miếng mồi đặt sẵn trong bẫy.


Đó là miếng mồi được phun thứ nước hoa gây áo giác về lý tưởng giải phóng dân tộc và xóa áp bức, nô lệ.


Dù bà có công lớn với Việt Minh bao nhiêu đi nữa, dù bà có là mẹ nuôi cách mạng, thì cửa bẫy cũng đã sập xuống. Thân xác bà không lâu sau sẽ tan nát bởi các con nuôi của chính bà - những người đã qua thời hàn vi, nay chững chạc đứng trong hàng nguyên thủ quốc gia hãm hại. 


Bà Năm vốn là một người lam lũ làm lụng mà có tài kinh doanh. Bắt đầu từ buôn sắt vụn, bà dần tậu ruộng vườn, đồn điền và hiệu buôn.


Theo nhiều tư liệu để lại thì bà Năm đã làm theo lời ngon ngọt của Tổng Thư ký Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi. Ông Thi cũng có được đức lớn như nhiều người cầm bút Việt Nam khác, là thành danh và lập nghiệp, vinh thân phì gia suốt đời bởi tài năng dẫn dụ kẻ khác bỏ tiền của ra và chết bỏ xác cho cách mạng, còn số phận của những người đã nghe theo ông thì ông phủi tay.


Bà Năm đã bỏ phần lớn tài sản ra để giúp đỡ nuôi nấng nhiều đoàn quân và và nhiều đầu lĩnh quyền lực nhất của Việt Minh trong đó có Hồ Chí Minh…


Đó là thời Việt Minh còn hàn vi trứng nước, bất cứ lúc nào cũng có thể chết đói hoặc bị bắt giam bởi quân chính phủ Pháp nên họ cần bà và những nhà địa chủ, tư sản, những trí thức nổi tiếng và họ cần xương máu của dân để lập nên ngai vàng cho họ. Thuở ấy, ngay cả việc mua vài khẩu súng thì Việt Minh cũng phải trông vào tài ăn nói để khuyến dụ dân bỏ vàng ra cho họ thông qua "Tuần lễ vàng"…


Bà Năm là một trong những người đóng góp công của lớn nhất cho Cách mạng Tháng tám. Ngoài nhà cửa, lương thực vải vóc thóc gạo thuốc men vô kể, bà đã đóng góp tương đương 700 lạng vàng. Sau cách mạng 1945, bà cũng theo cách mạng tản cư lên Thái Nguyên, mua lại đồn điền của một ông Tây và tiếp tục dùng đồn điền, tiền bạc hỗ trợ kháng chiến. Nhiều cán bộ cách mạng, nhiều đơn vị bộ đội đã được che chở và nuôi nấng trong đồn điền của bà.


Khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức Tuần lễ vàng, bà lại đóng góp hơn 100 lạng vàng. Khi thực hiện lệnh "tiêu thổ kháng chiến", bà tự tay san bằng khu biệt thự Đồng Bẩm tại Thái Nguyên để hưởng ứng.


Người Việt Nam không lạ gì điển tích bát cơm Xiếu mẫu ngày xưa, Hàn Tín thuở hàn vi đói khát, gặp được bà Xiếu mẫu giặt sợi bên sông mang cho bát cơm ăn. Sau này hiển đạt, ông đã mời bà Xiếu mẫu đến để bái tạ, trả ơn cả ngàn lạng vàng.


Các cán bộ Việt Minh và cách mạng tháng 8 cùng quan chức Việt Nam sau này thì luôn làm ngược lại ông Hàn Tín và đức cư xử của người Việt. Họ ăn vô số bát cơm của bà Năm, mặc quần áo bà, ở nhà bà. Bà nuôi quân, bà cho tiền mua súng, nhưng họ trả ơn bằng cách chà đạp và giết bà cũng như giết nhiều ân nhân khác của cách mạng.


Vì bà chỉ có công, không có tội nên để giết bà, các con nuôi, bây giờ đã là chủ tich, phó chủ tịch nước và toàn những chức danh thuộc hàng đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gán cho Mẹ nuôi tội "giả dối nhằm chui sâu leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại" và tội "tư sản địa chủ cường hào gian ác".
Nhiều người đưa ra chứng cứ khẳng định rằng Hồ Chí Minh đã viết bài "Địa chủ ác ghê" ký bút danh là C.B (của Bác) đăng trên báo Nhân dân ngày 21/7/1953. Chính bài báo này là đòn sấm sét, đổ cho bà tội "làm chết 23 gia đình gồm có 200 người… Giết chết 14 nông dân, tra tấn đánh đập hàng chục nông dân…, đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến…".


Thuở các vị này còn phải sống nhờ vào "bát cơm Siếu mẫu" của bà, họ âu yếm gọi bà là Mẹ Nuôi. Khi cách mạng thành công, vài năm sau, chính quyền đã đủ lông đủ cánh, có Trung Quốc tư vấn dạy dỗ và nuôi nấng, lại có cả mấy chục triệu dân đóng sưu thuế cung phụng, thì chính những đầu lĩnh đó đã ký lệnh đem bà ra đấu tố, lăng mạ bà. Bà bị họ phát động cho cả ngàn người đổ tội và chửi rủa, tịch thu hết tài sản.


Rồi bà bị bắn bằng một loạt đạn hèn hạ từ sau lưng.


Nhớ công ơn nuôi nấng của bà, các con nuôi ưu tiên cho Mẹ cho bà được xử chết đầu tiên để làm điểm tựa phát động "cuộc cách mạng long trời lở đất".


Chưa đủ, họ còn cho đội cải cách ruộng đất nhảy lên giẫm đạp xác bà cho gẫy nát để lọt vào cỗ áo quan rẻ mạt. Hai con trai của bà, dù cũng đã tham gia cách mạng lập công lớn nhưng cũng bị đấu tố, dù còn sống sót nhưng cả đời cũng bị trù dập và suốt đời sống trong địa ngục vì nỗi oan khuất trút lên đầu cả dòng họ.


"Người bịt râu"


Con bà Năm đội đơn gần 70 năm đi đòi công lý cho bà và gia đình nhưng tận đến bây giờ, dù đảng và nhà nước Việt Nam biết rõ, những tác giả gây ra tội ác ất chết từ lâu nhưng nhà cầm quyền hiện tại cũng không chịu trả lại công bằng cho gia đinh bà.


Để làm được cách mạng tháng 8 và xây dựng được thể chế cộng sản và vận hành nó, người ta phải có gan đem Mẹ nuôi cách mạng ra hành hạ, giết chết rồi giẫm đạp lên xác. Cũng phải có gan tráo trở đổ tội và giết hại bao đồng chí mình - những đồng chí đã vì lý tưởng mà đem của nhà, đem tri thức ra để xây dựng những chi bộ đầu tiên cho cách mạng, làm cái nôi nuôi nấng đưa Việt Minh, đưa kháng chiến đến thắng lợi ?!


Để làm được cuộc cách mạng và thể chế cộng sản, họ cũng phải có gan đổ tội cho người vô tội, dám chửi bới nhục mạ cha mẹ theo số đông để sống sót hoặc để tiến thân. Họ phải đủ gan để "thà giết nhầm mười người còn hơn bỏ sót một địch" và đào tận gốc trốc tận rễ trí thức cùng những người tài giởi giàu có !


Theo hồi ký "Đèn cù " của Trần Đĩnh thì lúc đó ông là phóng viên báo Nhân dân được Trường Chinh cử viết bài tường thuật về vụ đấu tố. Hồ Chí Minh đã ngụy trang bằng cách bịt râu, Trường Chinh thì đeo kính râm bí mật tới dự vụ đấu tố.


Đến khi sửa sai cải cách ruộng đất, oan án của bà Năm, dù những người có quyền lực nhất đều biết nhưng cũng không chịu làm chỉ vì họ không thể thừa nhận cái sai và tội ác của chính họ trực tiếp gây ra và tiếp tục che giấu.


Cải cách Ruộng đất đi kèm Chỉnh đốn Đảng là quà tặng mang tính "bom nguyên tử", "bom chất độc" đầu tiên mà cách mạng đã giáng cho những ân nhân của họ và người dân Việt Nam. Bằng việc vu oan, cướp, tra khảo và giết, họ đã đem ruộng đất cướp được chia cho bần cố nông nhưng để cướp đoạt lại vĩnh viễn vào 3 năm sau đó - 1959 cho đến tận bây giờ dưới mỹ từ "sở hữu toàn dân".


Từ 1959 đến nay, rồi qua và Hiến pháp 1980, Luật Hợp tác xã 1990, người Việt Nam bị tước đoạt quyền sở hữu ruộng đất, sống vật vờ hồn xác trên mảnh đất mình đổ mồ hôi xương máu. Riêng nông dân cũng phải gánh hơn một ngàn loại và lệ phí ngoài sưu cao thuế nặng để nuôi bộ máy tham nhũng một cổ ba tròng. Chưa đủ, họ hoàn toàn có thể bị chính quyền kết hợp với một lực lượng bạo quyền nào đó cướp đi bất cứ lúc nào và khi họ có phản ứng kêu oan thì sẽ bị đàn áp, bắt giam thậm chí đánh chết trong đồn công an và con cháu, anh em gia đình cũng bị trả thù thành không chốn nương thân.


Hãy chôn chiếc bẫy xuống địa ngục vì đây là thế giới Người


Đó là thành quả Cách mạng Tháng Tám. Thành quả của một chính thể độc tài cộng sản. Đó chính là chiếc bẫy khổng lồ với bộ răng sắc nhọn trường tồn đã 70 năm trên đầu dân Việt Nam. Chiếc bẫy đó đã quy định đường ray vận hành cho nó : bất cứ ai lên cầm quyền cũng phải quay ra phản bội quyền lội nhân dân, đất nước và dân tộc để giữ ghế và quyền lợi riêng cùng phe nhóm.


Lẽ ra người Việt Nam đã có thể an lòng lắng dịu với những số phận đau thương do những chính sách và hành vi sai lầm của chính quyền cách mạng gây nên, nếu như những nhà cầm quyền thế hệ ấy và thế hệ sau biết cư xử công bằng, minh oan, đền bù cho họ và vận hành bộ máy cầm quyền theo đúng những điều họ đã hứa ban đầu khi hô hào dân nổi dậy giúp họ giành chính quyền.


 Nhưng không, ngay cả thế hệ sau này không liên quan gì đến tội ác thời các thế hệ tiền bối đã làm nhưng họ cũng không sửa sai, lại tiếp tục lừa mỵ và phản trắc người dân


Người oan đã chết, thân xác họ đã tan hòa vào đất, nhưng nỗi oan và món nợ mà xã hội nợ họ thì tồn tại mãi mãi trong người sống. Nỗi oan đó chỉ lắng dịu đi khi xã hội giải oan cho họ bằng hành động, chứ không chỉ bằng lời nói.


Hãy chôn chiếc bẫy xuống địa ngục, vì đây là thế giới Người.


Và không chỉ dân đâu, chính những người có quyền lực đang hành ác hiện nay cũng cần thoát khỏi chiếc bẫy đó, vì chẳng quyền lực, địa vị, tiền bạc nào tồn tại được mãi mãi. Họ và con cháu họ cũng cần được trở lại làm người, sống trong tự trọng và bình an.


Võ Thị Hảo
Theo RFA, 24/08/2015 (autum's blog)
__._,_.___

Posted by: PT 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-23/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link