Ai đào sâu khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam?
Phạm Nhật Bình
Cùng tác giả:
- Chưa bắt đầu mà đã sợ không làm
hết việc?
- Từ chạy chức, chạy quyền đến
chạy tội
- Ráng làm người tử tế
Giàu và nghèo là hai tình trạng kinh tế đối nghịch thông thường,
chẳng những trong đời sống xã hội mà còn thể hiện trên bình diện quốc gia.
Trong 193 quốc gia trên thế giới, có không ít những nước nghèo, chậm phát triển
với đủ hạng người giàu, kẻ nghèo. Nhưng điều thông thường ấy ở đất nước Việt
Nam lại trở thành một điều bất bình thường.
Không chỉ mới bây giờ mà đã 30 năm qua, trong suốt thời kỳ gọi là
đổi mới, khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam càng ngày càng mở rộng trong sự
thờ ơ của người cầm quyền. Kết quả cuộc khảo sát PAPI 2015 (Chỉ số hiệu quả
quản trị và hành chính công cấp tỉnh) của Chương trình Phát triển Liên Hiệp
Quốc (UNDP) mới đưa ra cho thấy có đến 18,04% người dân được khảo sát nói đói
nghèo là vấn đề đáng lo âu nhất đối với họ, sau đó mới đến việc làm, giao
thông, tham nhũng...
Người ta cũng có thể tìm thấy một con số đáng buồn trong một cuộc
khảo sát khác trong năm 2014 mang tên “Cảm nhận của người dân về Nhà nước và
thị trường Việt Nam” (CAMS 2014), do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam và
Ngân hàng Thế giới công bố ngày 23/7.
Theo khảo sát này có tới 47% người dân được hỏi đều tỏ thái độ
không hài lòng trước khoảng cách giàu nghèo tăng lên ở Việt Nam. Trong lúc đó
những người hài lòng nhất là từ chính quyền địa phương và các cơ quan Quốc hội.
Đảng và nhà nước Hà Nội nghĩ gì về những con số biết nói này?
Người ta có thể tự hỏi, tại sao một đất nước có hơn 40 năm hòa
bình và ở trong nhóm nước đang phát triển, nhận được hàng trăm tỷ đô-la viện
trợ ưu đãi mà khoảng cách giàu nghèo chẳng những không giảm đi mà lại gia tăng
quá nhanh?
Có hai hiện tượng nghịch lý trong xã hội hiện nay mà ai cũng nhìn
thấy.
Thứ nhất, những kẻ giàu thì rất giàu và tiếp tục giàu lên, người
nghèo thì thật nghèo và tiếp tục nghèo. Vậy ai giàu lên và ai nghèo tiếp tục?
Câu trả lời có thể thật đơn giản.
Những kẻ phất lên nhanh chóng không phải là anh đạp xích lô hay
chị bán hàng rong trên lề đường. Mà đó chính là những người đang giữ chặt quyền
lực chính trị trong tay, độc quyền ban phát những thương vụ béo bở cho thân
nhân, thân hữu hoặc tay chân thân tín đóng vai những cái sân sau không mấy kín
đáo.
Nhờ độc quyền kinh tế, họ tạo thành một tầng lớp nhà giàu mang màu
sắc cộng sản chủ nghĩa mà dư luận gọi là các “đại gia đỏ”. Nó đồng nghĩa với
tầng lớp bóc lột mới, con đẻ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa.
Năm nào nhà nước Việt Nam cũng hãnh diện tuyên bố mức tăng trưởng
kinh tế cao 7-8%, thu nhập bình quân đầu người hàng ngàn đô-la, nhưng thực tế
hoàn toàn khác.
Ông Đặng Hoàng Giang
Ông Đặng Hoàng Giang - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát
triển và hỗ trợ cộng đồng đã lý giải tình trạng giàu nghèo gia tăng ở Việt Nam
là do thành tựu kinh tế đã không được phân phối đồng đều và bình đẳng cho tất
cả mọi người. Đó là chuyện trong mơ và còn nằm mơ dài dài khi mọi tài nguyên
đất nước tập trung trong tay đảng cộng sản.
Thực tế xã hội Việt Nam càng ngày càng tiến tới sự phân cực do mâu
thuẫn quyền lợi sâu sắc. Một bên là nhóm thiểu số của những viên chức lãnh đạo
trong đảng cộng sản và những thành phần có mối liên hệ thân tộc, thân hữu với
nó đang cùng nhau chia chác những khu vực béo bở của nền kinh tế.
Điển hình như những thông tin về quy hoạch đất đai sẽ mang lại lợi
nhuận khổng lồ mà không phải ai cũng biết được. Nó giúp cho cán bộ, đảng viên
và gia đình họ dễ dàng tiếp cận những khu vực hái ra đô-la để tận tình khai
thác.
Bên cạnh đó, đại đa số quần chúng hoàn toàn không có thực quyền gì
trên đất nước của mình. Nông dân, lao động được đề cao là “làm chủ” nhưng là
loại chủ không tài sản và quyền lực. Họ không có một chút quyền lực gì ngay cả
những quyền tối thiểu của con người, cam tâm sống với đồng tiền ít ỏi kiếm được
do bán sức lao động cho tư bản đỏ. Họ đứng bên lề xã hội như những người bị bỏ
rơi trên chính đất nước mình.
Ngoài ra, nạn tham nhũng lan tràn trong giới cầm quyền từ trung
ương tới địa phương hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng
sự nghèo đói của người dân. Tham nhũng cũng đóng góp đắc lực làm vô hiệu hóa sự
phát triển của đất nước. Tham nhũng lấy đi từng đồng bạc còm cõi của dân nghèo
qua thuế khóa, phí và lệ phí, làm mất đi những cơ hội được giáo dục, được chăm
sóc y tế, được an cư lạc nghiệp của họ.
Tham nhũng trong vòng 10 năm qua chẳng những không bị ngăn chận mà
còn vững mạnh hơn, táo tợn hơn, trở thành bạn đồng hành sát cánh cùng chế độ
độc tài. Thậm chí nó nằm ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Đó là lý do
tại sao ông Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt nói “Tham nhũng là
những người có chức vụ quyền hạn. Chúng tôi chống lại có khi ‘chết’
trước”.
Thế nhưng các hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng vẫn đều đặn
mở ra để các quan chức đọc cho nhau nghe những báo cáo vô tích sự. Người dân
giờ đây tỏ ra kiên trì hơn với tham nhũng, có vẻ chấp nhận sống chung với tham
nhũng như một chuyện bình thường. Hay đây là lúc người dân thực hành quan điểm
“Thà nghèo nhưng yên bình còn hơn giàu mà không an toàn” của bí thư Hà Nội
Hoàng Trung Hải?
Thứ hai, phải chăng chủ trương của đảng CSVN là không muốn và
không cho dân giàu, vì đảng luôn sợ dân giàu lên sẽ không còn nghe lời đảng.
Quay lại với kinh tế thị trường nhưng vẫn kềm chế đất nước trong “định hướng xã
hội chủ nghĩa”, đảng đã làm được một công hai việc: làm giàu cho bản thân mình
và tiếp tục bần cùng hóa nhân dân.
Từ đó vấn đề giàu nghèo tại Việt Nam cho đến bây giờ, thấy rõ
không phải là do thiên tai, địch họa hay do sự lười biếng lao động của người
dân.
Thủ phạm chính là do sự cố tình của các lãnh đạo đảng CSVN. Họ ban
phát quyền lực và lợi ích cho một thiểu số tay chân thân tín để những người này
tiếp tục phục tùng trung ương, tích cực bảo vệ quyền lợi đảng mà không ngó
ngàng gì đến đời sống dân chúng. Thậm chí những dân nghèo mưu sinh vất vả bên
lề đường còn bị công an xua đuổi, đánh đập tàn bạo.
Anh bán hàng rong bị công an quật ngã gây chấn thương sọ não.
Công cuộc đổi mới nửa vời từ những năm 80 đến nay cho thấy không
mang lại lợi ích căn bản cho người dân và sự phát triển cho đất nước. Trái với
mong đợi, đổi mới chỉ mở ra con đường làm giàu bất chính cho triều đình Hà Nội,
khiến hố cách biệt giàu nghèo càng bị đào sâu và thực sự kéo đất nước vào con
đường tụt hậu so với các quốc gia lân cận cùng hoàn cảnh.
Đó là lý do vì sao Việt Nam phải gấp rút tiến hành một cuộc cách
mạng toàn diện về chính trị lẫn kinh tế chứ không thể đổi mới hay thay đổi cầm
chừng về kinh tế như CSVN đang làm. Nhưng những tiếng nói phản biện, những đóng
góp chân chính đều bỏ qua, có khi còn bị gán cho hai chữ phản động.
Khi đảng CSVN không coi hạnh phúc của số đông quần chúng là mục
tiêu phục vụ mà chỉ ban bỗng lộc cho thiểu số vây quanh giới quý tộc trong đảng
thì chế độ này chẳng khác nào vương triều phong kiến kiểu mới.
Không thể nào nói khác hơn, chính đảng là người có công đào sâu hố
cách biệt giàu nghèo, đẩy nông dân, nhân dân lao động xuống đáy bần cùng.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment