Tuesday, June 21, 2016

Asialyst: Quan hệ Việt-Mỹ và sự thay đổi của Việt Nam



Show original message



Asialyst: Quan hệ Việt-Mỹ và sự thay đổi của Việt Nam

Thứ hai, 20/06/2016, 18:34 (GMT+7)
(Thời sự) - Dẫu biết trước rằng Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam, nhưng chuyến công du vừa qua của Tổng thống Barack Obama cho thấy Hoa Kỳ đang xích lại gần hơn với cựu thù của mình. Sự biến đổi trong quan hệ chính trị còn đi kèm với một sự thay đổi gây ngạc nhiên không kém trong quan hệ kinh tế, minh chứng cho “sự chuyển đổi của Việt Nam”. Trên đây là nhận định của ông Jean-Raphaël Chaponnière, chủ tịch Trung tâm Châu Á, trên trang mạng Asialyst, ngày 09/06/2016.

·          


Sự biến đổi trong quan hệ chính trị đi kèm với một sự thay đổi đáng ngạc nhiên trong quan hệ kinh tế, minh chứng cho “sự chuyển đổi của Việt Nam”, Jean-Raphaël Chaponnière, chủ tịch Trung tâm Châu Á nhận định.
Việt Nam: Quốc gia xuất khẩu hàng đầu của ASEAN sang Mỹ
Vào năm 2000, cái tên Việt Nam xuất hiện còn khá khiêm tốn trong sổ sách theo dõi xuất nhập khẩu của hải quan Mỹ. Vào lúc đó, Việt Nam đứng hàng thứ 71, nằm giữa Ukraina và Campuchia, trong số các nước xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Thế nhưng đến quý I/2016, quốc gia này nhảy vọt lên hạng thứ 12, nằm giữa Ireland và Đài Loan, và chiếm vị thế hàng đầu trong khối ASEAN. Chiếm 1,9% thị trường Mỹ, đứng trước cả Malaysia và Thái Lan, Việt Nam còn vượt xa cả Indonesia và Philippines.

Sự thay đổi quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu bằng việc ký kết thỏa thuận quan hệ thương mại song phương (BTA) vào năm 2000. Hoa Kỳ đã chấp thuận cho Việt Nam được hưởng Quy chế Tối huệ Quốc (một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại, là một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương của WTO, là chuẩn mực của sự đối xử ưu đãi mà một quốc gia phải dành cho các đối tác thương mại của mình) và thỏa thuận BTA đã mở đường cho các cuộc thương thuyết, kết nạp nước này vào Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO năm 2007.

Sau một nhịp tăng đều đặn cho đến tận năm 2007, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã giảm mạnh trong suốt cuộc khủng hoảng toàn cầu, để rồi hồi sinh với một nhịp độ nhanh hơn đến tận năm 2015 và trong quý I/2016. Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất có kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tiếp tục tăng trong quý I năm nay.

Tình hình xuất khẩu của các nước ASEAN vào thị trường Mỹ từ 2004 – 2016)

Tuy nhiên, mặc dù đã gia nhập vào Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP, Việt Nam vẫn chưa được Hoa Kỳ thừa nhận là một nền kinh tế thị trường. Do vậy, trong trường hợp bị cáo buộc bán phá giá, Hoa Kỳ có thể tiến hành điều tra bằng cách so sánh mức giá bán tại Mỹ với giá của sản phẩm tương tự ở những nước thứ ba có quy chế kinh tế thị trường. (Washington không so với mức giá bán tại Việt Nam vì bị cho là không xác đáng). Điều này có thể dẫn đến việc hàng của Việt Nam có thể bị đánh thuế chống phá giá cao.

Phương pháp này mặc dù bị Tổ chức Thương mại Quốc tế cấm, nhưng vào lúc Việt Nam (và Trung Quốc) gia nhập WTO, cả hai quốc gia này đều chấp nhận phương pháp trên được áp dụng trong vòng 15 năm, nghĩa là cho đến năm 2016 đối với Trung Quốc và năm 2022 đối với Việt Nam. Giờ đây, Việt Nam mong muốn rút ngắn thời hạn này đến năm 2019. Hoa Kỳ không chấp nhận vì cho rằng sự cạnh tranh trên thị trường Việt Nam không lành mạnh do vị thế độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước.

Tuy đã giảm mạnh (1.309 doanh nghiệp nhà nước vào năm 2015, so với 12.000 năm 1995) và đóng góp vào nền sản xuất giảm xuống còn ở mức 16%, các doanh nghiệp Nhà nước vẫn thống lĩnh bảng xếp hạng 500 tập đoàn lớn nhất nước. Đứng đầu danh sách là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Việt Nam: Bàn đạp cho Hàn Quốc và Nhật Bản
Vào năm 2000, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản nuôi trồng. Mười năm sau, các mặt hàng may mặc và giày dép chiếm đến phân nửa tổng xuất khẩu. Trong quý I/2016, đến lượt các linh kiện điện tử và điện thoại. Sự biến đổi này gợi nhắc lại kinh nghiệm của các nước xuất khẩu Đông Á, và nhờ luồng đầu tư đổ vào các nước trong khu vực.

Sự chuyển đổi đó còn là hệ quả của các làn sóng đầu tư ngoại quốc, vốn dĩ đã làm biến đổi Việt Nam. Đến nước này ngay cuối những năm 1980, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Đài Loan đã đầu tư vào lĩnh vực may mặc và giầy dép. Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc được bình thường hóa cũng đã làm bùng phát một “cơn sốt Việt Nam” trong số những doanh nghiệp bắt đầu di dời nhà xưởng vào năm 1992. Cũng đầu tư vào may mặc và điện tử, Daewoo từng là doanh nghiệp ngoại quốc hàng đầu ở Việt Nam năm 1996.

Tuy bị gián đoạn do cuộc khủng hoảng châu Á, làn sóng đầu tư này đã lấy lại nhịp độ sau khi Việt Nam ký hiệp ước BTA với Hoa Kỳ. Sự có mặt của Samsung còn làm thay đổi quy mô đầu tư tại Việt Nam; mức xuất khẩu của hãng này chiếm đến 1/5 tổng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015, với tỷ lệ nội hóa là 36%, mà một phần nội hóa này lại do các nhà thầu Hàn Quốc đảm trách. Trong thời gian này, Intel đã chọn Việt Nam, thay vì Philippines, để xây dựng nhà máy lắp ráp lớn nhất và đưa Việt Nam vào “chuỗi dây chuyền sản xuất” của hãng này tại châu Á.

Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ
Sau các vụ bạo động chống Nhật Bản nổ ra tại Trung Quốc năm 2005, các doanh nghiệp Nhật đã thông qua một sách lược do tập đoàn tư vấn Nomura đặt tên là “Trung Quốc + 1″. Không đặt hết trứng trong cùng một rổ, các doanh nghiệp này cho rằng cần thận trọng bằng cách đầu tư vào Trung Quốc và cả ASEAN. Việt Nam đứng đầu trong số các nước được hưởng lợi từ chiến lược này.

Nhất là kể từ khi quan hệ Trung – Nhật trở nên xấu đi, sách lược đó đã tiến triển từ “China plus one – Trung Quốc cộng 1″ thành “No China – Không đầu tư vào Trung Quốc”. Theo điều tra của tập đoàn tài chính ngân hàng Mizuho (công bố tháng 3/2016) về ý định đầu tư ở nước ngoài của các doanh nghiệp, Việt Nam là điểm chọn ưa thích trong số các nước tham gia vào TPP và đứng hàng thứ hai trong ASEAN, sau Thái Lan, quốc gia mà Nhật Bản đã có một sự hiện diện từ lâu.
Vậy còn Trung Quốc thì sao? Là quốc gia cung cấp hàng đầu của Việt Nam, Trung Quốc chỉ là một nhà đầu tư khiêm tốn, đứng sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Đài Loan và Hoa Kỳ. Các dự án đầu tư của Trung Quốc đôi khi làm dấy lên nhiều tranh cãi mạnh mẽ. Mặt khác, sau một sự cố tại khu vực quần đảo có tranh chấp (quần đảo Trường Sa), các vụ biểu tình mạnh mẽ chống Trung Quốc năm 2015 đã không cải thiện được bầu không khí đầu tư đến từ Trung Quốc.
Nhờ vào Hàn Quốc và Nhật Bản, lần đầu tiên, cán cân thâm hụt của Việt Nam so với Trung Quốc đã giảm hẳn. Theo các số liệu thống kê của Bắc Kinh, xuất khẩu của Trung Quốc đã bị giảm mất 12% và nhập từ Việt Nam tăng lên. Kết quả là thặng dư của Trung Quốc sụt mất 30% trong bốn tháng đầu năm 2016.

Đâu là vị trí của các nhà xuất khẩu Việt Nam?
Có thể nói, Việt Nam là “bàn đạp” cho các nhà đầu tư nước ngoài xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Châu Âu. Phần đóng góp của các chi nhánh nước ngoài trong tổng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng vọt từ 27% trong năm 1995, lên 47% vào năm 2000 và 63% năm 2012, năm thống kê cuối cùng của công ty thông tin kinh tế GSO. Nếu không tính đến dầu khí, tỉ lệ này giờ đang vượt qua ngưỡng 70% với sự trỗi dậy xuất khẩu các chi nhánh Hàn Quốc.

Trong giai đoạn 2000-2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên gấp 10 lần (từ 14 lên 180 tỷ đô la). Tuy phần đóng góp thật của các nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn còn quá khiêm tốn, nhưng mức xuất khẩu cũng đã tăng từ 7 đến 54 tỷ đô la. Dù vậy, sự kết hợp giữa mạng lưới kinh tế của Việt Nam với các chi nhánh nước ngoài cũng không mấy dễ dàng và điều này sẽ còn khó khăn hơn do quá trình chuyển đổi sang phát triển lĩnh vực điện tử.

Lan Anh (theo Asialyst)

__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-23/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link