P H
Ư Ơ N
G T R Ậ N
Trần Trung Chính
Tôi biết 2 nhóm từ “Phương Trận và Ma Trận” khi vào học chứng
chỉ dự bị Toán Lý Hóa (MPC) của Đại Học Khoa Học, nếu tôi không nhớ sai thì đó
là một bảng hình chữ nhật gồm những phần tử số thập phân sắp xếp thành hàng và
cột ( phương trận và ma trận được sử dụng
trong Toán Giải Tích). Tuy nhiên nhóm chữ PHƯƠNG TRẬN dùng trong bài viết
này không dính dáng gì đến “toán học” như nói ở trên.
Phương trận dùng trong bài viết này chỉ mang ý nghĩa “phương
pháp được các tướng lãnh sử dụng trong một cuộc chiến” . Trong khi “chiến pháp”
= phương pháp được các tướng lãnh sử dụng trong một trận chiến (một cuộc chiến
bao gồm nhiều trận chiến).
Bài viết này có mục đích trình bày và phân tích PHƯƠNG TRẬN
mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sử dụng trong cuộc chiến chống lại quân xâm
lăng Mông Cổ trong thế kỷ 13.
Ông Ngô Đình Nhu trong tác phẩm CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM đã nhận định
rằng quân Mông Cổ di động nhanh và tiến xa khỏi xứ sở của họ là nhờ họ đã phát
minh được một chiến cụ quan trọng trong thời Trung Cổ, đó là cái yên ngựa. Thật
vậy, chiến tranh đã có từ lâu, nhưng cỡi ngựa thì chỉ có cấp sĩ quan và tướng
lãnh mới có ngựa, trong khi hàng hạ sĩ quan và binh lính thì đi bộ.
Trong khi
đó, nước Mông Cổ ít người, nhưng tất cả binh sĩ cho đến sĩ quan và tướng lãnh đều
cỡi ngựa. Trên yên ngựa , họ chứa vũ khí như cung tên và đao kiếm, còn chứa cả
lương thực và nước uống cũng như một số quần áo cá nhân. Đó là những thức tối cần
thiết cho một cá nhân, rồi đi đến đâu, họ lấy thêm nước uống và lương thực của
kẻ địch tiếp tục tiến về phía trước, không cần hệ thống tiếp liệu lôi thôi như
các đoàn quân của bộ binh.
Năm 1257, tướng Ngột Lương Hợp Thai vâng lệnh vua Nguyên là
Hốt Tất Liệt đánh chiếm nước Đại Lý (tỉnh Vân Nam ngày nay) rồi theo đường sông
Thao, tỉnh Hưng Hóa, xuống đánh Thăng Long. Vua Trần Thái Tông sai tướng Trần
Quốc Tuấn đem binh lên giữ ở phía Bắc. Tướng Trần Quốc Tuấn ít quân đánh không
nổi, lui về đóng ở Sơn Tây. Quân Mông Cổ tiến đánh đuổi quân nhà Trần, Trần
Thái Tông phải bỏ kinh đô chạy về đóng ở sông Thiên Mạc (huyện Đông An, tỉnh
Hưng Yên) – xem VNSL của Trần Trọng Kim , tập I trang 127.
Ít lâu sau, vì không quen thủy thổ,quân Mông Cổ bị bại trận
đành phải rút lui về Trung Hoa. Tuy không thắng được quân Mông Cổ, tướng Trần
Quốc Tuấn đã nhận ra những khuyết điểm và giới hạn của kỵ binh Mông Cổ :
Giới hạn thứ nhất : Xứ ta không có đồng cỏ nên kỵ binh Mông
Cổ phải lệ thuộc vào sự tiếp tế cỏ từ các tỉnh phía Tây Bắc của Trung Hoa.
Giới hạn thứ hai
: xứ ta là một xứ khí hậu nhiệt đới có nhiều mưa nên cả người và ngựa bị giảm
sút hiệu năng chiến đấu vào mùa mưa.
Giới hạn thứ ba
: đồng bằng sông Hồng là một vùng sình lầy nên không thuận tiện khi dàn đội
hình kỵ binh lâm trận (Ngựa mà phải lội sình thì bộ binh di động nhanh hơn kỵ
binh)
Giới hạn thứ tư
: nước ta lại có nhiều sông nên kỵ binh muốn vượt sông mà không có cầu hoặc
không có tàu bè để đem ngựa sang sông thì quá ư là trở ngại, do đó các tướng
lãnh Mông Cổ không thể chọn lựa mục tiêu tấn công như họ đã làm tại chiến trường
Tây Bắc Trung Hoa.
Quân Lực VNCH tôn vinh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là
Thánh Tổ của Quân Chủng Hải Quân, nhiều người lầm tưởng là nhờ chiến thắng của
trận Bạch Đằng Giang, nhưng thực tế không phải như vậy. Sau khi kỵ binh Mông Cổ
của tướng Ngột Lương Hợp Thai phải rút về Trung Hoa vào năm 1258, tướng Trần Quốc
Tuấn đã đệ trình kế hoạch thành lập thủy binh cho Thái Sư Trần Thủ Độ ( Thái Sư
là cấp bậc trong ngành hành chánh quan lại, thực tế Thái Sư Trần Thủ Độ giữ chức
Tể Tướng = Thủ Tướng Chính Phủ và kiêm luôn chức vụ Thái Thượng Hoàng của vua
Trần Thái Tông – là cháu gọi ông Trần Thủ Độ là chú). Sử gia Trần Trọng Kim cho
rằng nhà Trần chú trọng về Thủy Quân và Hải Quân vì tổ tiên của nhà Trần sinh nhai bằng nghề đánh cá.
Tôi
cho rằng lời nhận định của sử gia Trần Trọng Kim không có tính thuyết phục vì
các lý do sau đây :
Lý do thứ nhất
: khi Trần Cảnh lên ngôi vào năm 1225 lúc mới 8 tuổi, mọi việc trong triều đều
do Trần Thủ Độ quyết đoán, Thái Sư Trần Thủ Độ còn phải bận việc dẹp loạn và
đánh tan các tướng cướp cũng như các sứ
quân hùng cứ khắp nơi , cho nên không có nhu cầu thành lập “thủy quân và hải
quân”
Lý do thứ hai
: Trần Thủ Độ đã có ý định soán đoạt ngôi nhà Lý, nên sắp xếp 2 cháu của mình lấy
2 chị em Thuận Thiên và Chiêu Hoàng ( Lý Huệ Tông không có con trai). Sử không
ghi tuối tác của Trần Liễu, chỉ ghi Trần Cảnh được Chiêu Hoàng nhường ngôi lúc
mới 8 tuổi (tức là năm sinh của Trần Cảnh là năm 1217), nhưng căn cứ vào năm
sinh của tướng Trần Quốc Tuấn là năm 1230 thì tôi đoán là Trần Liễu lớn tuổi
hơn Trần Cảnh khá nhiều chứ không suýt soát tuổi như 2 chị em Thuận Thiên –
Chiêu Hoàng. Trần Liễu bị Trần Thủ Độ xử ép nên uất ức nổi loạn, tuy nhiên Trần
Thủ Độ không giết cháu mình,mà lại nâng đỡ hết mình cho con trai lớn của Trần Liễu
là Trần Quốc Tuấn. Đó cũng là khi còn quá trẻ , lúc mới 27 tuổi, Trần Quốc Tuấn
đã được Thái Sư Tể Tướng Trần Thủ Độ đưa
lên nắm giữ binh quyền.
Ghi chú của người viết
: Con người ta có số mệnh, nếu Lý Huệ Tông truyền ngôi cho Thuận Thiên công
chúa thì vị vua đầu tiên của nhà Trần sẽ là Trần Liễu chứ không phải là Trần Cảnh
và đương nhiên người con trai lớn của Trần Liễu là Trần Quốc Tuấn sẽ là vị vua
thứ nhì. Và nếu Chiêu Hoàng hoàng hậu có thai sinh được hoàng tử thì bà đã
không bị truất phế, do đó Trần Liễu không bị mất vợ thì chưa chắc gì Trần Quốc
Tuấn đã được Thái Sư Tể Tướng Trần Thủ Độ lưu tâm để ý giúp đỡ (tướng Lê Phụ Trần
– phụ tá đắc lực của Thái Sư Tể Tướng Trần Thủ Độ trong việc đánh dẹp nội loạn,
là sư phụ của tướng Trần Quốc Tuấn trong đời binh nghiệp ) và Thái Sư Tể Tướng
Trần Thủ Độ giao cho tướng Trần Quốc Tuấn chức vụ Tổng Tiết Chế (tương đương với
chức Tổng Tham Mưu Trưởng thời hiện tại), nắm giữ binh quyền của nhà Trần. Âu
cũng là điều may mắn cho nước Việt Nam chúng ta , vì trên lịch sử thế giới, chỉ
có tướng Trần Quốc Tuấn mới đánh bại vua Hốt Tất Liệt tới 3 lần ( Thoát Hoan là
hàng con cháu, làm sao bì được với vua
cha Hốt Tất Liệt và tướng Trần Quốc Tuấn).
Là một tướng giỏi về chiến lược và tham mưu nên tướng Trần
Quốc Tuấn thành lập Thủy Quân và Hải Quân để đối phó với kỵ binh của Mông Cổ.
Thành lập Thủy Quân và Hải Quân đòi hỏi thời gian đóng tàu khá lâu và tốn vào
ngân sách cũng như tài chính của quốc gia rất lớn. Đó là chưa kể chi phí huấn
luyện cho binh sĩ sử dụng tàu thuyền nhuần nhuyễn và phải diễn tập kỹ thuật tác
chiến trên sông trên biển rất tốn kém và mất thì giờ.
Lý do thứ ba
: sau 12 năm chung sống, hoàng hậu Chiêu Hoàng bị Thái Sư Trần Thủ Độ truất phế
vì không có bầu, đó là vào năm 1237 khi đó hoàng hậu mới 19 tuổi. Vợ của Trần
Liễu là Thuận Thiên công chúa đang có bầu,
“ bị “ lên làm Hoàng Hậu cho vua Trần Thái Tông. Nhưng người con trai đầu
lòng của Hoàng Hậu Thuận Thiên (tên là Quốc Khang) không được làm vua, mà người
con trai thứ nhì là Thái Tử Hoảng mới làm vua tức là Trần Thánh Tông. Các chi
tiết vừa nêu được ghi trong Trần Triều Thế Phổ do sử gia Trần Trọng Kim biên soạn
cũng chứng tỏ rằng tướng Trần Quốc Tuấn vừa là vai anh con ông bác của Trần
Thánh Tông, vừa là người lớn tuổi hơn và cũng là người có kinh nghiệm chiến trận
vượt xa các ông vua vai em cháu như Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông.
Bởi vậy,
ý kiến của tướng Trần Quốc Tuấn trong triều đình nhà Trần rất có trọng lượng :
ông chuẩn bị rất kỹ cho cuộc đón tiếp Thái Tử Thoát Hoan vào năm 1284 (tính từ
1257 đến 1284, tướng Trần Quốc Tuấn có tới 27 năm để chuẩn bị). Các em của vua
Trần Thánh Tông như Thái Sư Trần Quang Khải, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật,
tôn thất nhà Trần như tướng Trần Bình Trọng,
tướng Trần Khánh Dư…đều được lệnh rèn luyện binh mã và thành lập các đơn vị chiến
đấu có quy củ, cho nên đã trở thành các danh tướng trong lịch sử chiến tranh với
quân Mông Cổ sau này.
Lý do thứ năm
: nước ta không có nhiều ngựa cho nên tướng Trần Quốc Tuấn chuyển quân bằng thuyền lớn di chuyển trên sông nhanh hơn rất
nhiều nếu so với bộ binh của nhà Trần di chuyển bằng chân. Binh sĩ của tướng Trần
Quốc Tuấn chỉ có 20 vạn ( VNSL quyển I –trang 137 ) ít hơn 500,000 quân của
Thoát Hoan, nhưng nhờ di chuyển nhanh hơn nên có thể tấn công quân Mông Cổ vào
bất cứ mục tiêu nào mà tướng Trần Quốc Tuấn muốn. Đó cũng là ý nghĩa của câu trả
lời : “Binh cốt tinh nhuệ không cốt ở số lượng” khi các tổng trấn các nơi xin
tướng Trần Quốc Tuấn tuyển mộ thêm quân.
Lý do thứ sáu
: vì sử dụng thủy binh vào công tác chuyển vận binh sĩ cho nên các tướng của
nhà Trần đều đóng quân tại những địa điểm mà bây giờ chúng ta gọi là “căn cứ thủy
bộ”. Nghĩa là nơi để đổ bộ tiến quân hay là nơi tập kết binh sĩ để di chuyển
qua mục tiêu khác. Quân đội nhà Tống, quân đội của nước Nga cũng như một số nước
vùng Trung Á đều thảm bại trước đà tiến quân của kỵ binh Mông Cổ vì kỵ binh của
Mông Cố có thể tỏa ra tấn công cả 4 mặt vào một thành trì nào đó (do bộ binh trấn
giữ), nhưng với “căn cứ thủy bộ”, quân Mông Cổ chỉ có thể tấn công mặt trước của
căn cứ mà thôi, mặt sau là sông và 2 bên trái - phải của căn cứ là bờ sông nên kỵ binh trở nên
“bất khiển dụng” . Suy ra, phòng ngự tại
căn cứ thủy bộ dễ hơn là phòng thủ một thành trì được xây dựng trên vùng đồng bằng
khô cạn.
Thoát Hoan tiến quân vào nước ta vào tháng chạp năm Giáp
Thân (1284) nhưng 6 tháng sau – tháng 6 năm Ất Dậu (1285) phải bỏ chạy về Tàu với
những trận thua tại Bến Hàm Tử, thua tại bến Chương Dương và thua tại trận Tây
Kết (trận này Toa Đô trúng tên bị tử trận và Ô Mã Nhi phải trốn xuống một chiếc
thuyền nhỏ bơi vế Tàu). Lần này lui quân bằng đường bộ, Thoát Hoan phải chui
vào trống đồng để ttên mà quân nhà Trần bắn ra như mưa. Ghi nhận rằng đại binh
của Thoát Hoan vẫn chưa khai thông được con đường tiếp tế lương thực cho người
và tiếp tế cỏ khô cho ngựa bằng ngả đường bộ đi qua tỉnh Lạng Sơn.
Lần thứ hai, Thoát Hoan tiến quân vào nước ta vào tháng 2
năm Đinh Hợi (1287), lần này tiếp tế lương thực và cỏ khô bằng đường biển do
Trương Văn Hổ phụ trách. Tuy nhiên tướng Trần Khánh Dư đã chiến thắng Trương
Văn Hổ ngay tại Bến Vân Đồn khiến rất nhiều lương thực và khí giới bị tướng Trần
Khánh Dư tịch thâu.
Đã có rất nhiều sử gia, nhà khảo cổ và các nhà nghiên cứu
trình bày những khám phá mà họ đã và đang tìm thấy trong khi khai quật chiến
trường Bạch Đằng Giang của thế kỷ 13. Tuy nhiên theo nhận định riêng của người
viết bài này, đã có rất nhiều ngộ nhận và suy đoán sai lầm về vai trò của tướng
Trần Quốc Tuấn về trận Bạch Đằng Giang. Điển hình như sử gia Trần Trọng Kim đã
viết :
Trích dẫn – Hưng Đạo
Vương biết mưu ấy, bèn sai Nguyễn Khoái dẫn binh lẻn qua đường tắt lên mé sông
thượng lưu sông Bạch Đằng, kiếm gỗ đẽo nhọn bịt sắt đóng khắp giữa giòng sông,
rồi phục binh chờ đến lúc nào thủy triều
lên thì đem binh ra khiêu chiến, nhử cho thuyền giặc qua chỗ đóng cọc. Hễ lúc
nào nước thủy triều xuống thì quay lại hết sức mà đánh. – Hết trích
(VNSL quyển Một, trang 156)
Thủy Sư Đô Đốc Togo – người đã đánh tan hạm đội của Nga
Hoàng hồi 1905 tại eo biển Đối Mã nhận định rằng :
1/ Tướng Trần Quốc Tuấn đã chuẩn bị trận địa Bạch Đằng Giang
trước khi Thoát Hoan kéo binh qua Việt Nam.
2/ Số nhân công và binh sĩ đóng cọc phục vụ cho trận địa Bạch Đằng Giang phải lên
tới hàng ngàn, cho nên không thể thực hiện công trình này trong khi quân đội 2
bên đang lâm chiến.
3/ Số người đi lại đông như vậy thì không thể che mắt được
tướng Ô Mã Nhi và quân thám báo của ông
ta, đã để tướng Ô Mã Nhi chú ý thì không cách gì dụ được thủy quân Mông Cổ lọt
vào bẫy .
Các nhà khảo cổ đã minh định được các cọc gỗ xuất xứ từ 3 loại
gỗ khác nhau : gỗ gụ, gỗ bưởi và gỗ lim với 3 đường kính khác nhau 5cm, 13cm và
20cm.
Căn cứ vào sinh cảnh thực vật của bộ môn Entomology (tạm dịch là sinh
thái môi trường thực vật), 3 loại cây này không thể mọc ở vùng cửa sông có phù
sa bồi đắp quanh năm, nhất là gỗ gụ và gỗ lim với đường kính 20cm thì phải là
những cây có tuổi từ 25 năm trở lên. Suy ra những cây cọc cắm trên vùng sông Bạch
Đằng phải đem từ nơi xa đến và tướng Nguyễn Khoái đang thi hành phận sự ngăn chặn
thủy quân Mông Cổ thì làm gì có đủ nhân sự và thì giờ để đóng cọc gỗ.
Tài năng và đức độ của tướng Trần Quốc Tuấn quá siêu việt , ông
được người Việt Nam đương thời và con cháu của ông nhiều đời về sau tôn kính và
dành cho ông một vị trí danh dự trong lịch sử Việt Nam. Tại quê hương của ông,
làng Vạn Kiếp tỉnh Hải Dương, sau khi ông qua đời, dân chúng đã lập đền thờ và
tôn xưng tướng Trần Quốc Tuấn là THÁNH TRẦN. Hàng năm, đến ngày giỗ của ông 20
tháng 8 âm lịch, dân chúng khắp nơi kéo về Vạn Kiếp lễ bái tấp nập, họ coi ông
như một vị thần linh thiêng bảo vệ đất nước Việt Nam và dân chúng Việt như hồi
ông còn sinh tiền.
Dân chúng bình dân tôn xưng THÁNH TRẦN cũng đồng nghĩa với
việc coi tướng Trần Quốc Tuấn không còn là người thường, mà họ coi ông mang nhiều
tính cách thần bí và huyễn hoặc. Bây giờ
đã là đầu thế kỷ 21 thì không thể mang tính chất thần bí áp đặt vào con người thực của tướng Trần Quốc
Tuấn được nữa, vì khi đã mang tính chất thần bí thì chúng ta không rút tỉa được
bài học nào cả.
Tài năng và đức độ của tướng Trần Quốc Tuấn xuất xứ từ sự
giáo dục, ông được giáo dục để trở thành nhà LÃNH ĐẠO của đất nước, cho nên ông
không đặt nặng vấn đề cha của ông (An Sinh Vương Trần Liễu) dặn dò phải đoạt
ngôi vua, ông đã đem tài năng của ông điều khiển nhân sự của nhà Trần để đánh đuổi quân xâm
lăng nguy hiểm và to lớn hơn nước Việt gấp hàng chục lần. Lên làm vua thì được
hưởng lợi lộc gì khi chủ quyền quốc gia bị tước đoạt, dân chúng điêu linh sống
triền miên trong kiếp nô lệ…
Một câu hỏi từ thế kỷ 13 đến nay vẫn còn có người hỏi : dất nước
Việt Nam thì quá nhỏ bé so với Trung Hoa, số lượng dân chúng Việt Nam là phân số
1/20 nếu so sánh với dân số Trung Hoa, thì làm sao chúng ta có thể tồn tại trước
sự xâm lần một cách lộ liễu liên tục và có hệ thống của chính quyền Trung Hoa ?
Vua tôi nhà Trần trong thế kỷ 13 đã 3 lần đánh tan đạo quân xâm lược Mông Cổ
khét tiếng trên thế giới, đã là một bài học hùng hồn cho dân tộc Việt : hãy xây
dựng và đào luyện một lực lượng trí thức chuẩn bị để LÃNH ĐẠO ĐẤT NƯỚC (xin đừng
lầm lộn “lãnh đạo đất nước” với “cai trị đất nước”). Chính trong những trí thức lãnh đạo đất nước sẽ nẩy sinh ra những
sáng kiến độc đáo để hóa giải những âm mưu hung hiểm của kẻ thù phương Bắc như
danh tướng Trần Quốc Tuấn đã làm hồi thế kỷ 13.
Một đất nước mà thành phần “cai trị đất nước” coi trí thức chỉ giá trị không hơn một cục phân , luôn
luôn hô háo khẩu hiệu
“TRÍ, PHÚ , ĐỊA, HÀO
ĐÀO TẬN GỐC, TRỐC TẬN
RỄ “
thì con đường bị diệt vong là điều tất yếu, vấn đề chỉ còn
là lâu hay mau mà thôi.
Trần Trung Chính
San José ngày 19 tháng 6 năm 2016
Kỷ Niệm NGÀY QUÂN LỰC thứ 41st
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment