Show original message
Biển Đông: Phán quyết rất được mong đợi của Tòa Án Trọng Tài
Thanh Hà
Biểu tình ngày 09/04/2016 trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati,
Manila, Philippines, phản đối hành động độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Vào lúc 9 giờ sáng, giờ quốc tế, ngày 12/07/2016 Tòa Án Trọng Tài
Thường Trực La Haye ra phán quyết về tranh chấp chủ quyền trong vùng Biển Đông
giữa Manila và Bắc Kinh. Giới chuyên gia dự báo, trong mọi trường hợp, căng
thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với các quốc gia liên quan trong vùng.
Cách nay 3 năm Philippines đệ đơn khởi kiện Trung Quốc lấn chiếm
Biển Đông. Sau hai cuộc điều trần, sau khi đã trình lên Tòa gần 4.000 trang
những bằng chứng bày tỏ lập trường của Manila, ngày 12/07/2016 sẽ là một ngày
trọng đại đối với Philippines, Trung Quốc và cả khu vực.
Một cách cụ thể, Philippines yêu cầu Tòa lên tiếng trên 15 điểm,
liên quan đến một số vấn đề chính. Thứ nhất, tính bất hợp pháp của bản đồ 9
đoạn được Trung Quốc sử dụng để đòi hỏi chủ quyền với khoảng 80 % diện tích
Biển Đông, con đường huyết mạch cho giao thương quốc tế.
Vấn đề thứ hai là phân loại và xác định quy chế cho các thực thể,
để qua đó xác định các vùng biển cho 9 thực thể bao gồm Scarborough, Chữ Thập,
Châu Viên, Gạc Ma, Vành Khăn, Cỏ Mây, Subi, Kennan và Gaven. Nhìn từ phía
Philippines, Scarborough, Chữ Thập, Châu Viên và Gạc Ma là các bãi đá, do vậy,
có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý. Ngược lại Vành Khăn, Cỏ Mây, Subi, Kennan và
Gaven là những thực thể nửa nổi nửa chìm, không phải là đối tượng để Trung Quốc
đòi hỏi chủ quyền và chiếm đóng. Manila khẳng định Vành Khăn và Cỏ Mây thuộc
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.
Vấn đề thứ ba được nêu bật liên quan đến những tác động đối với
nghề đánh bắt thủy sản, khai thác dầu khí, những quyền lợi kinh tế, môi trường
an ninh hàng hải của Philippines. Cuối cùng Philippines kêu gọi Tòa Án La Haye
lên tiếng để Trung Quốc không tuyên bố các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục
địa từ các thực thể trong khu vực quần đảo Trường Sa.
Về phía Bắc Kinh thì các vấn đề nói trên không thuộc thẩm quyền
xét xử của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye. Trung Quốc từ chối tham gia vụ
kiện.
Trước mắt, một số các nhà phân tích cho rằng, phán quyết của Tòa
La Haye sẽ có lợi cho bên nguyên đơn là Philippines. Chuyên gia về công pháp
quốc tế, đại học Leiden, Hà Lan, bà Cecily Rose không loại trừ khả năng, nếu
như cán cân công lý nghiêng về phía Manila thì những quốc gia có tranh chấp với
Trung Quốc trong vùng Biển Đông sẽ theo chân Philippines. Vì ngoài Philippines,
còn có Việt Nam và Malaysia cũng có tranh chấp chủ quyền do các vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa chồng chéo lên nhau.
Vẫn theo bà Rose, Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải tuân thủ phán quyết
của Tòa Án Trọng Tài vì bản đồ 9 đoạn của Trung Quốc được lập ra đã căn cứ vào
những tài liệu có từ những năm 1940. Dù vậy, tới nay không một cơ chế pháp lý
nào bắt buộc Bắc Kinh phải thi hành quyết định của Tòa.
Trong những năm gần đây, nhiều vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh
Philippines và Trung Quốc, cũng như giữa các tàu cá của đôi bên thường xuyên
xảy ra. Các sự cố này trở nên nghiêm trọng hơn cùng với tham vọng lớn dần của
Trung Quốc ở Biển Đông. Lại cũng Trung Quốc đã xây đắp một loạt các đảo nhân
tạo, hải đăng, đường bay cho phi cơ …
Hoa Kỳ, đồng minh truyền thống của Philippines, luôn khẳng định
không nghiêng về phe nào trong vụ tranh chấp hải đảo ở Biển Đông, nhưng trong
những tháng qua, Hải quân Mỹ đã đưa tàu áp sát những hòn đảo nhân tạo của Trung
Quốc, nhân danh quyền tự do hàng hải. Chuyên gia Hà Lan, Frans Paul van der
Putten, thuộc viện nghiên cứu Cligendael ở La Haye dự báo là tình hình tại Biển
Đông sẽ « nóng thêm » và trong mọi trường hợp, quan hệ giữa Bắc Kinh với các
nước đòi hỏi chủ quyền trong vùng biển này không có triển vọng được cải thiện.
Cuối tuần trước, tân tổng thống Rodrigo Duterte đã tìm cách làm hạ
nhiệt tình hình khi tuyên bố trong trường hợp Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đưa
ra phán quyết thuận lợi cho Philippines thì Manila sẵn sàng đối thoại với Bắc
Kinh. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để
cùng thăm dò, khai thác khí đốt và hợp tác trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản. Về
phía Bắc Kinh, để thị uy, Hải quân Trung Quốc ngày 09/07/2016 đã tập trận với
tên lửa thật ở khu vực nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và Hải Nam.
Trên thực chất, như nhận định của một chuyên gia được AFP trích
dẫn, với vụ kiện Trung Quốc, Manila muốn « chọc thủng » bản đồ 9 đoạn của Bắc
Kinh. Philippines muốn chứng minh là Trung Quốc không có chứng cứ « lịch sử »
để áp đặt chủ quyền với gần hết vùng Biển Đông. Trung Quốc sẽ bị đặt trong thế
khó xử nếu như Tòa Án ở La Haye đưa ra phán quyết bất lợi cho nước này.
Biển Đông : Mỹ - Trung phản ứng ra sao về phán quyết của Tòa Trọng Tài ?
RFI
Biểu hiệu của Tòa Án
Trọng Tài Thường Trực
Trả lời báo giới ngày
07/07/2016, giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, đưa ra một số
nhận định về khả năng phản ứng của Trung Quốc, Hoa Kỳ và các tác động đối với
quan hệ Trung Quốc-ASEAN trước các phán quyết của Tòa Trọng Tài trong vụ Philippines
kiện các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
1. Tòa Án Trọng Tài
Thường Trực La Haye thông báo ra phán quyết vào ngày 12/07/2016. Nhiều khả năng
phán quyết của Tòa có lợi cho Philippines, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.
Giáo sư nghĩ gì về phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa ? Ngoài việc
nhắc lại luận điệu bác bỏ thẩm quyền của Tòa và chỉ trích Philippines dùng đến
trọng tài quốc tế, ông nghĩ gì về việc Bắc Kinh đáp trả trong lĩnh vực ngoại
giao ? Giáo sư có nghĩ là Bắc Kinh cũng sẽ sử dụng các biện pháp trả đũa khác,
về kinh tế và quân sự để thể hiện sự bất bình của mình ?
Đương nhiên, Trung Quốc
sẽ không thay đổi thái độ và bác bỏ các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài. Có thể
chúng ta sẽ chứng kiến một chiến dịch tuyên truyền « gây sốc và sợ hãi ». Trung
Quốc sẽ nắm bắt mong muốn của tổng thống Philippines để mở các cuộc đàm phán
sau khi Tòa ra phán quyết. Bắc Kinh sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận với
Philippines và phớt lờ các phán quyết. Có thể đó là hình thức tài trợ cho cơ sở
hạ tầng, như dự án đường sắt tàu cao tốc giữa Manila và Clark, và gây áp lực
với tổng thống Duterte giảm bớt sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines,
đổi lại hai bên sẽ có quan hệ song phương tốt hơn.
Điều cơ bản là Trung
Quốc sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện dân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông,
thông qua việc xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng hơn, đưa nhiều quan chức chính phủ
ra đó hơn và thậm chí tổ chức cho các nước trong khu vực tới thăm những nơi
này. Trung Quốc sẽ không gia tăng quân sự hóa các đảo nhân tạo ngay lập tức mà
sẽ tiến hành từng bước. Trung Quốc quan tâm theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
2. Theo giáo sư thì
Washington sẽ có phản ứng ra sao với phán quyết của Tòa ?
Washington sẽ phối hợp
tấn công ngoại giao cùng với các nước có lập trường tương tự để gây sức ép đòi
Trung Quốc tuân thủ phán quyết. Hoa Kỳ sẽ cảnh giác duy trì một sự hiện diện
quân sự nhằm ngăn ngừa Trung Quốc tiến hành xây dựng tại bãi cạn Scarborough. Và
Washington sẽ cố gắng củng cố mối quan hệ với chính quyền Duterte nhằm ngăn cản
mọi khả năng tiến tới của Trung Quốc. Khả năng hành động của Mỹ sẽ bị hạn chế
nếu tổng thống Duterte « chơi » lá bài Bắc Kinh và Washington và khối ASEAN thì
vẫn chia rẽ.
3. Theo giáo sư, liệu
phán quyết của toà sẽ tạo ra một bước ngoặt trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN
hay không?
Tôi nghĩ đến lời dạy của
sử gia Thucydide : « Ai cũng biết, vấn đề công lý chỉ được đặt ra giữa những
bên ngang bằng nhau về sức mạnh, (còn không) kẻ mạnh thì làm bất cứ những gì có
thể, còn kẻ yếu thì phải chấp nhận những gì họ phải chấp nhận ». Chừng nào ông
Hun Sen còn giữ nguyên lập trường lên án Tòa Án Trọng Tài, thì ASEAN khó có thể
có được một lập trường thống nhất hiệu quả.
Các quan chức cao cấp
ASEAN đã soạn thảo tuyên bố về Tòa Án Trọng Tài, nhưng không đạt được đồng
thuận chung để trình các ngoại trưởng thông qua. Khối ASEAN, kết hợp với những
chuyện tương tự mà tôi đã nói, sẽ tiếp tục « đi tìm Chén Thánh », tức là một bộ
quy tắc ứng xử ở Biển Đông, mang tính ràng buộc và nếu như có được thì bộ quy
tắc này sẽ mang lại hòa bình và an ninh cho tất cả các nước. ASEAN sẽ không tìm
thấy Chén Thánh và rồi bền bỉ theo đuổi các cuộc tham khảo với Trung Quốc.
ASEAN, với các thành viên mới, không còn là một cộng đồng ngoại giao thống nhất
nữa, giống như hồi khối này chống lại sự can thiệp của Việt Nam vào Cam Bốt
(1979-1989).
ASEAN có rất nhiều lợi
ích trong quan hệ với Trung Quốc và thượng đỉnh kỷ niệm 25 năm đối thoại
ASEAN-Trung Quốc được dự trù tổ chức trong tháng Tám này.
Tòa Án Trọng Tài
Thường Trực : Những điều cần biết
Thụy My
Trụ sở Tòa án Trọng tài
Thường trực ở La Haye, Hà Lan.
Ngày mai 12/07/2016 Tòa
Án Trọng Tài Thường Trực (PCA – Permanent Court of Arbitration), một định chế
ít được biết đến sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan
đến Biển Đông.
Năm 2013, Manila đã
hướng về tòa án quốc tế đặt ở La Haye, yêu cầu các thẩm phán tuyên bố các yêu
sách lãnh thổ của Bắc Kinh bao trùm lên hầu hết vùng biển chiến lược này, là
bất hợp pháp. Theo Philippines, các yêu sách này vi phạm Công ước Liên Hiệp
Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Bắc Kinh từ chối tham
gia vụ kiện, tuyên bố sẽ không tuân thủ mọi phán quyết, dù đã phê chuẩn UNCLOS.
1 - Tòa Án Trọng Tài
Thường Trực là gì ?
Có trụ sở tại La Haye
(Hà Lan), Tòa Án Trọng Tài Thường Trực là cơ quan liên chính phủ thường trực
đầu tiên nhận đứng ra giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua thủ tục trọng
tài và « các phương tiện ôn hòa khác ».
Được khai sinh năm 1899
nhân Hội nghị Hòa bình La Haye lần thứ nhất, do Sa hoàng Nicolas đệ nhị của Nga
triệu tập, mục tiêu của tòa án này là tìm kiếm « những phương cách hiệu quả
nhất để bảo đảm cho mọi dân tộc lợi ích của một nền hòa bình thực sự và lâu dài
».
Các trọng tài dựa vào
những hợp đồng, các thỏa thuận và hiệp ước khác nhau, như của Ủy ban Liên Hiệp
Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) hay Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật
Biển (UNCLOS), để giải quyết. Hiện có 116 hồ sơ đang được nghiên cứu.
2 - Tòa Án Trọng Tài
Thường Trực có phải là một tòa án thực sự ?
Cái tên Tòa Án Trọng Tài
Thường Trực có thể gây hiểu lầm, vì đây không phải là một tòa án theo đúng
nghĩa truyền thống, với các thẩm phán tuyên các bản án. Tòa Án Trọng Tài Thường
Trực là một định chế thường xuyên, thông qua các phiên trọng tài để giải quyết
những bất đồng cụ thể.
Các phiên tòa thường họp
kín, không mở rộng cho công chúng hay báo chí, trừ phi có sự đồng ý của đôi
bên.
3 - Tòa Án Trọng Tài
Thường Trực hoạt động như thế nào ?
Một vụ kiện được đưa ra
trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực khi các nỗ lực ngoại giao giữa hai Nhà nước
thất bại, hay khi bất đồng xảy ra giữa một Nhà nước và một tổ chức công hoặc
tư, hay có thể giữa hai đối tác tư nhân.
Một phiên trọng tài sẽ
được chỉ định để phụ trách hồ sơ này. Gồm một, ba hay năm thành viên do các bên
tranh chấp chỉ định, phiên tòa này do một trọng tài làm chủ tọa, và trọng tài
này cũng phải được các bên đồng ý.
4 - Tòa Án Trọng Tài
Thường Trực đặt ở đâu ?
Trụ sở Tòa Án Trọng Tài Thường
Trực nằm trong Cung điện Hòa bình ở khu vực ngoại giao của La Haye, chung với
Tòa Án Công Lý Quốc Tế (ICJ – International Court of Justice), định chế tư pháp
cao nhất của Liên Hiệp Quốc.
5 - Các phán quyết của
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực có mang tính ràng buộc ?
Đúng vậy. Tất cả các
quyết định của tòa, được gọi là phán quyết, mang tính bắt buộc đối với tất cả
các bên tham gia vụ kiện, và phải được thực thi ngay. Tuy nhiên nếu một trong
các bên không hài lòng về phán quyết, thì có thể yêu cầu Tòa Án Trọng Tài
Thường Trực giải thích.
Nhưng làm thế nào để
buộc các bên tôn trọng phán quyết của tòa là một điều rất khó khăn. Việc thực
thi phán quyết thường là « gót chân Achille » của các định chế tư pháp quốc tế.
Các Nhà nước làm ngơ
hoặc coi thường các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực có nguy cơ bị
mất uy tín, cộng đồng quốc tế không còn tôn trọng.
Vụ kiện
Philippines-Trung Quốc : UNCLOS qua 4 câu hỏi
Thụy My
Lính Trung Quốc tuần tra
gần một "bia chủ quyền" ở Trường Sa, 09/02/2016.
Để giải quyết vụ Manila
kiện yêu sách Biển Đông của Bắc Kinh, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực phải dựa
trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
1- UNCLOS được đặt ra để
làm gì ?
Với ít nhất 320 điều
khoản và 9 phụ lục, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển dự trù tất cả các
phương diện điều tiết liên quan đến biển và đại dương, từ chủ quyền quốc gia
cho đến việc khai thác các nguồn lợi kinh tế đáy biển, hay vấn đề hàng hải,
tranh chấp giữa các nước.
2 - Nguyên nhân ra đời
của UNCLOS ?
Đã từ lâu chỉ có nguyên
tắc tự do trên biển được chấp nhận. Theo Liên Hiệp Quốc, nguyên tắc có từ thế
kỷ 17 quy định « các quyền quốc gia và thẩm quyền xét xử liên quan đến các đại
dương được giới hạn ở vòng đai hẹp bao quanh vùng duyên hải của một Nhà nước ».
Phần còn lại của biển « được cho là mở rộng cho tất cả, không là của riêng một
ai ».
Nhưng đến giữa thế kỷ
20, các công nghệ mới ra đời, nhất là kỹ nghệ khai thác dầu khí, đã gây ra căng
thẳng dữ dội giữa các cường quốc biển, xung quanh vấn đề đánh cá và khai thác
nguồn lợi thiên nhiên.
Năm 1945, Hoa Kỳ đơn
phương mở rộng lãnh hải của mình. Tiếp theo là Achentina, Ethiopia, Ả Rập Xê
Út, Indonesia, Philippines.
Bị xâm lấn từ khắp nơi
và được thèm muốn, đại dương nay chất chứa nhiều mối nguy : tàu ngầm nguyên tử,
các tàu chở dầu gây ô nhiễm và nhiều loại vũ khí khác.
Năm 1967, đứng trước «
xung đột trước mắt có thể tàn phá các đại dương », đại sứ Malta tại Liên Hiệp
Quốc, ông Arvid Pardo đã kêu gọi « một chế độ quốc tế hiệu quả về đáy biển và
đáy đại dương ».
3 - UNCLOS ra đời từ bao
giờ ?
Được Đại hội đồng Liên
Hiệp Quốc thông qua vào tháng 4/1982, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển với
168 quốc gia thành viên, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 16/11/1994 khi được
quốc gia thứ 60 phê chuẩn.
4 - Những xung đột nào
đã diễn ra ?
Công ước Liên Hiệp Quốc
về Luật Biển dự kiến bốn định chế tùy theo chọn lựa nhằm giải quyết bất đồng.
Đó là Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển (ITLOS - International Tribunal for the Law
of the Sea), Tòa Án Công Lý Quốc Tế (ICJ – International Court of Justice), trọng
tài và cuối cùng là trọng tài đặc biệt.
Tòa Án Quốc Tế về Luật
Biển, định chế tư pháp của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển gồm có 21 thành
viên độc lập do các Nhà nước liên quan bầu lên, đã xử lý 25 vụ kiện kể từ năm
1997 đến nay.
Trong vụ « cá ngừ vây
xanh » chẳng hạn, Úc và New Zealand muốn Nhật Bản chấm dứt việc đơn phương đánh
bắt thử nghiệm loại cá này, được tiến hành kể từ tháng 6/1999. Tòa án Quốc tế
về Luật Biển đã ấn định hạn ngạch đánh bắt hàng năm, các biện pháp tồn trữ và
quản lý hàng tồn.
Ngoài vụ Philippines
kiện Trung Quốc đang được thụ lý, năm 2015 Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đã ra
phán quyết buộc Matxcơva phải bồi thường cho Hà Lan những thiệt hại do vụ khám
xét tàu Arctic Sunrise năm 2013, bị giữ gần một năm trời ở Mourmansk (Nga). Chiếc
tàu phá băng mang cờ Hà Lan do Greenpeace khai thác đã tiến hành chiến dịch bảo
vệ môi trường, nhắm vào một giàn khoan dầu của tập đoàn Gazprom tại Biển
Barents.
Biển Đông: Nhật muốn G7 ra thông cáo khi có phán quyết của Tòa Trọng Tài
Thanh Hà
Thủ tướng Shinzo Abe
trong cuộc họp báo nhân thượng đỉnh G7, tại Shima, Nhật Bản, ngày 27/05/2016
Một ngày trước khi Tòa
Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung
Quốc đòi hỏi chủ quyền với hầu hết Biển Đông, báo chí châu Á tiết lộ Tokyo đang
ráo riết vận động các đối tác trong nhóm G7 để cùng có một tiếng nói chung trên
hồ sơ này.
Ngày 11/07/2016, nhật
báo Philippines Inquirer và Straitimes của Singapore cùng đưa tin : Nhật Bản
trong cương vị chủ tịch luân phiên nhóm G7 sẽ kêu gọi 6 đối tác còn lại trong
nhóm cácnước công nghiệp phát triển nhất thế giới nên có « chính sách ngoại giao
chủ động » có phản ứng về phán quyết của Tòa Án Trọng Tài La Haye về vụ kiện
Biển Đông.
Nhiều nguồn tin tại chỗ
cho rằng, nhóm G7 sẽ có một tuyên bố chung kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán
quyết của Tòa và tuân thủ luật pháp, các chuẩn mực quốc tế trong việc giải
quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển.
Đến nay, Trung Quốc vẫn
giữ nguyên lập trường : không công nhận thẩm quyền của Tòa, không tham gia vụ
kiện do Philippines đứng nguyên đơn. Bắc Kinh báo trước là sẽ không công nhận
phán quyết của Tòa.
Báo chí trong khu vực
trích dẫn phân tích của các chuyên gia cho rằng, trong quá khứ nhiều nước Đông
Nam Á từng tranh chấp chủ quyền biển đảo và đã đưa vấn đề ra trước tòa án quốc
tế. Cụ thể là Singapore và Malaysia cùng tranh giành cụm đảo Pedra Branca, ngoài
khơi Singapore khoảng 50 cây số. Hồ sơ này đã được giải quyết theo phán quyết
của Tòa Án Công Lý Quốc Tế năm 2008 và được cả Singapore lẫn Malaysia cùng tôn
trọng. Nhờ vậy và hợp tác song phương vẫn tốt đẹp.
Chủ tịch Viện nghiên cứu
An ninh và Hòa bình của Nhật, ông Asashi Nishihara nhắc lại Tokyo đứng ngoài
tranh chấp chủ quyền trong vùng Biển Đông nhưng kêu gọi các đối tác trong nhóm
G7 ủng hộ các nước đồng minh trong khối ASEAN. Ông nhấn mạnh là châu Âu, cụ thể
là Pháp, ban đầu không mấy quan tâm đến khu vực này, nhưng ngày càng chú ý đến
tranh chấp ở Biển Đông nhiều hơn, với mục đích bảo đảm quyền tự do lưu thông
hàng hải.
Tuy nhiên, tiến sĩ Ryoko
Nakao, giảng dậy tại đại học Kanazawa, được các tờ báo Á châu trích dẫn, lại tỏ
ra thận trọng hơn khi cho rằng, có hai lý do khiến Tokyo nên phản ứng chừng mực
trên hồ sơ Biển Đông. Thứ nhất Nhật Bản còn phải xem xét về mức độ thân thiện
trong quan hệ giữa Tokyo với Manila kể từ khi tân tổng thống Philippines
Rodrigo Duterte lên cầm quyền. Thứ hai là Nhật Bản cũng sẽ khó xử khi Tokyo vẫn
tiếp tục chính sách săn bắt các voi bất chấp phán quyết của Tòa Án Công Lý Quốc
Tế.
Tựu chung, theo giáo sư
Ryoko Nakano, có nhiều khả năng Nhật sẽ lên tiếng nhưng chỉ nhắc lại những điều
cơ bản như kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp lãnh thổ « theo luật pháp »
quốc tế.
Báo chí Trung Quốc coi
Bắc Kinh là nạn nhân trong vụ kiện Biển Đông
RFI
Biểu tình chống Trung
Quốc xâm lấn Biển Đông tại Makati, Manila, Philippines ngày 12/06/2015.
Ngày mai, 12/07/2016,
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung
Quốc trong hồ sơ tranh chấp ở Biển Đông.
Hôm nay, xã luận của tờ
Nhân Dân Nhật Báo lại tiếp tục chỉ trích Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, coi các
phán quyết của Tòa là bất hợp pháp. Đồng thời, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng
Sản Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ tìm cách ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc nhằm
duy trì sự bành trướng trong khu vực.
Theo tờ báo, thì có một
số kẻ hy vọng bôi nhọ Trung Quốc bằng cách đảo ngược mọi việc và gây ra rối
loạn, tạo dựng hình ảnh những kẻ hành động trái pháp luật như những nạn nhân
thực sự. Đối với Nhân Dân Nhật Báo, đương nhiên, « trong hồ sơ Biển Đông, Trung
Quốc hoàn toàn không phải là kẻ gây rối mà là nạn nhân ».
Báo Anh The Guardian cho
rằng xã luận của Nhân Dân Nhật Báo ngày hôm nay là đỉnh điểm trong chiến dịch
tuyên truyền mà Bắc Kinh tiến hành từ nhiều tuần qua trong bối cảnh Tòa Án
Trọng Tài Thường Trực chuẩn bị ra phán quyết mà theo nhiều nhà quan sát là có
lợi cho Philippines.
Còn tờ báo tiếng Anh
China Daily một lần nữa kêu gọi Trung Quốc không được lùi bước và tố cáo Hoa Kỳ
tiến hành một cuộc « chiến tranh pháp lý » khi đứng về phía Philippines trong
vụ kiện này. Tờ báo viết : Thắng hay thua, phán quyết của Tòa không làm cho Bắc
Kinh thay đổi gì cả, bởi vì Tòa Án không có thẩm quyền và các phán quyết này là
không chính đáng.
Ông Ashley Townshen, chuyên
gia tại Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc đại học Sydnay cho rằng phán quyết
của Tòa là một trắc nghiệm trong việc thực thi pháp luật quốc tế tại Biển Đông
và là dấu hiệu cho thấy liệu Bắc Kinh có sẵn sàng chấp nhận các luật lệ quốc tế
hay không. Có thể Trung Quốc sẽ chỉ trích mạnh mẽ các phán quyết, đẩy mạnh kế
hoạch quân sự hóa các đảo nhân tạo và coi đó như một sự thách thức, nhưng ít có
năng Bắc Kinh có những hành động quân sự nguy hiểm.
Tuy nhiên, một số chuyên
gia khác nhận định là Trung Quốc có thể có những hành động đáp trả mạnh mẽ, như
tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không tại các vùng có tranh chấp ở Biển
Đông, đẩy mạnh việc bồi đắp, xây đảo nhân tạo.
Bà Bonnie Glasser,
chuyên gia tư vấn cao cấp thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, trụ
sở Washington nhấn mạnh đến yếu tố đối nội và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa tại
Trung Quốc : ban lãnh đạo ở Bắc Kinh không muốn làm bất cứ điều gì tỏ ra yếu đuối
trong con mắt của người dân.
Bầu cử Thượng viện
Nhật: Shinzo Abe có thể sửa đổi Hiến pháp chủ hòa
RFI
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
(T) và Eriko Imai, ứng cử viên PLD tại Tokyo ngày 10/07/2016.
REUTERS/Toru Hanai
Trong cuộc bầu cử bán
phần Thượng viện Nhật Bản, ngày hôm qua, 10/07/2016, Đảng Tự Do Dân Chủ (PLD)
của thủ tướng Shinzo Abe và liên minh đã giành được thắng lợi lớn, có được 70
Thượng nghị sĩ trong số một nửa tổng số ghế (121) phải bầu lại.
Trong nửa phần còn lại,
đảng này chiếm giữ 77 ghế. Như vậy, tổng cộng PLD và liên minh có được 147 ghế.
Cộng với sự ủng hộ của một số đảng nhỏ khác, thủ tướng Shinzo Abe nghĩ rằng ông
có đủ hai phần ba số Thượng nghị cần thiết để tiến hành sửa đổi bản Hiến pháp
chủ hòa.Từ Tokyo, thông tín viên Frederic Charles nhận định :
« Chắc chắn thủ tướng
Shinzo Abe sẽ tìm cách chấm dứt tình trạng được coi là đặc thù của Nhật Bản kể
từ năm1947 đến nay : Đó là bản Hiến pháp chủ hòa. Đây là mối ám ảnh lớn nhất
của ông cũng như của cánh hữu dân tộc chủ nghĩa đang rất muốn chia tay với bản
Hiến pháp do Hoa Kỳ soạn thảo và áp đặt trong bối cảnh nước Nhật bại trận.
Ông Shinzo Abe sẽ tìm
cách thuyết phục công luận rằng Nhật Bản sẽ trở thành một quốc gia có đầy đủ
chủ quyền khi sửa đổi được bản Hiến pháp do lực lượng Mỹ chiếm đóng áp đặt và
nhờ vậy, Nhật Bản sẽ trở thành một quốc gia bình thường như những nước khác.Đa số
dân Nhật gắn bó với bản Hiến pháp chủ hòa, theo đó, nước Nhật từ bỏ tiến hành
chiến tranh. Họ tự hào về quy chế bất bình thường này.
Với đầu óc thực tế, ông
Shinzo Abe biết được điều này và ông đã tiến hành vận động tranh cử với nội
dung chính là phục hồi kinh tế Nhật Bản. Nhiệm kỳ của ông chỉ còn có hai năm
nữa, quá ngắn để sửa đổi điều 9 trong bản Hiến pháp quy định là nước Nhật từ bỏ
tiến hành chiến tranh. Ông Shinzo Abe sẽ tìm cách thuyết phục công luận theo
hướng : nước Nhật có thiện ý chứ không phải bắt buộc từ bỏ tiến hành chiến
tranh.
Trung Quốc không bao giờ
quên chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, đã có phản ứng. Bắc Kinh nhìn thấy trong
thắng lợi của ông Shinzo Abe có yếu tố gây mất ổn định khu vực ».
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment