Tuesday, August 9, 2016

Cướp vài cái bánh mì bị tù, cướp hàng ngàn tỉ hòa cả làng


vanquang.jpg
     Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 08.8.2016

Cướp vài cái bánh mì bị tù, cướp hàng ngàn tỉ hòa cả làng
Mấy hôm nay người dân ngơ ngác hỏi nhau: Sao hai đứa giật bánh mỳ trị giá tài sản chiếm đoạt 45 nghìn đồng thì bị tù giam, còn 5 ông quan có trách nhiệm trong vụ đường ống nước nghìn tỷ cấp cho thủ đô bị vỡ gần 20 lần, kéo theo hàng chục nghìn gia đình dân lâm cảnh mất nước triền miên lại không bị xử hình sự?

Đó là một màn hài kịch quá trắng trợn đang xảy ra tại VN.
Hai vụ án này càng khiến dư luận sục sôi hơn khi đặt cạnh sự nghiêm khắc của các cơ quan tố tụng trong việc ngay sau đó phạt tù hai thanh niên cướp giật bánh mỳ chỉ có giá 45 ngàn đồng VN (theo thời giá bây giờ chỉ đáng $2 đô). Tôi tường thuật lại sơ lược hai nghịch cảnh đó để bạn đọc tiện theo dõi.
http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2016/8/06-Aug-2016/02.jpg
Đường ống dẫn nước Sông Đà - Hà Nội bị phát hiện mặt cắt ngang có nhiều khuyết tật, rỗ,
thiếu cát nhựa. Các quan làm thiệt hại ngàn tỉ không bị khởi tố
Tại sao hai đứa trẻ ăn cắp bánh mì
Trên đường đi xin việc làm, vì đói bụng nên Tuấn, Tân đã cướp bánh mì, chuối sấy, đậu phộng rang, me trị giá 45.000 đồng để ăn.

Viện Kiểm sát nhân dân (KSND Q.Thủ Đức –TP Sài Gòn) vừa hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân (TAND) Q.Thủ Đức vụ án “cướp tài sản” liên quan đến 2 bị can Nguyễn Hoàng Tuấn (18 tuổi, ở tại H.Củ Chi), Ôn Thành Tân (18 tuổi, ở tại Q.9).

Khoảng 12 giờ ngày 18.10.2015, Tuấn và Tân đi xe máy, chở nhau đến quán Biển Xanh trên địa bàn Q.Thủ Đức để xin việc làm. Trên đường đi, cả hai đói bụng nhưng không có tiền nên nảy sinh ý định cướp bánh mì ăn.
Đến trước một tiệm tạp hóa tại P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, Tuấn ngồi sau xe kêu chủ tiệm tạp hóa bán 2 bọc chuối sấy, 1 ổ bánh mì ngọt, 1 bịch đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường. Khi chủ tiệm mang hàng ra xe thì Tuấn dùng tay trái giật lấy túi thức ăn, Tân tăng ga xe máy bỏ chạy.

Chủ tiệm tạp hóa tri hô, người dân vây bắt được cả 2, chuyển cho Công an P.Linh Chiểu điều tra.
Tại cơ quan điều tra, Tuấn và Tân cùng khai nhận hành vi phạm tội của mình. Kết quả giám định tổng trị giá tài sản 2 bị cáo cướp được là 45.000 đồng
bm.jpg
Hai em Tuấn và Tân ăn cắp bánh mì lãnh án tù tại tòa


Cáo trạng của Viện KSND truy tố hành vi phạm tội của Tân, Tuấn là “cướp tài sản” thuộc trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm theo Khoản 2, điều 136 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt từ 3-10 năm tù.
Luật sư Đỗ Hải Bình (bào chữa cho bị cáo Tuấn) nhận định, 2 bị cáo lúc gây án ở tuổi vị thành niên và xuất phát từ nguyên nhân đói bụng. Ý chí chủ quan lúc đó cướp chỉ để ăn, không lường được hành vi của mình gây nguy hiểm cho người khác, xã hội và cho bản thân các bị cáo. Luật sư này đề nghị có mức án khoan hồng cho Tuấn, tuyên mức án bằng thời gian tạm giam.
Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm Sát đã phản bác quan điểm của 2 luật sư. Do đói hay khát thì 2 bị cáo cũng chỉ để thõa mãn nhu cầu cá nhân của mình mà xâm hại đến tài sản của người khác, nghĩa là đã phạm tội.

Được nói lời sau cùng, bị cáo Tân cho biết rất ăn năn hối hận và mong nhận được mức án treo. Tuấn cũng xin được tuyên mức án nhẹ để sớm trở về làm lại cuộc đời.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Hoàng Tuấn 10 tháng tù. Bị cáo Ôn Thành Tân lĩnh án 8 tháng 20 ngày.

Mức án này tưởng là “khoan hồng” nhưng thật ra theo bình luận rút gọn của một người dân trên báo. Thúy đã viết: “Hai em bé đáng thương này chính là nguyên nhân của cuộc sống bất an mà người dân thành phố này đang phải chịu đấy bạn à.”

Tôi nghĩ không cần phải bình luận gì thêm ngoài suy nghĩ đáng lẽ tòa nên giao hai em về cho địa phương quản lý và giáo dục hơn là tuyên án tù. Dù tù bao nhiêu ngày cũng vẫn là một án tích đeo theo hai em suốt cả cuộc đời. Chưa biết chừng vào tù các em sẽ học được của các đàn anh nhiều mánh lới chuyên nghiệp và nhiều thói hư tất xấu hơn. Một bản án như thế chỉ có hại cho sự giáo dục của xã hội.
Vụ vỡ ống nước sông đà làm thiệt hại ngàn tỉ
Tôi tóm tắt lý do ống nước sông Đà bị vỡ. Bộ Xây dựng kết luận, tuyến ống liên tục bị vỡ do bất lợi của một số yếu tố trong các giai đoạn sản xuất, thi công lắp đặt. Trong đó nguyên nhân chính là chất lượng ống composite cốt sợi thủy tinh Viglafico sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất, yêu cầu thiết kế của chủ đầu tư. Các mẫu ống do Bộ thử nghiệm hầu hết không đạt chỉ tiêu độ cứng vòng, bề mặt ống bị xước và có khuyết tật đã tạo ra những điểm xung yếu. Lỗi này do đơn vị sản xuất không thí nghiệm kiểm tra đầy đủ nguyên vật liệu đầu vào, không thực hiện các thí nghiệm kiểm tra chất lượng ống để xác định độ bền dài hạn của sản phẩm.

Trong khi thi công, các đơn vị liên quan là Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu cung cấp ống đã phát hiện và ghi nhận rất nhiều ống bị lỗi tại mặt cắt ngang như phồng rộp, tách lớp, lồi, lõm, nhiều vết nứt, xước rạn xung quanh thành ống, không đạt độ dày thiết kế, màu sắc và các vật liệu không đồng đều... nhưng vẫn cho lắp đặt.

Theo cáo buộc, những người được giao trách nhiệm quản lý, giám sát viên hiện trường do không tuân thủ và thực hiện đầy đủ quy định quản lý đầu tư và xây dựng công trình nên không kiểm soát được chất lượng vật tư. Khi phát hiện những lỗi kỹ thuật trên, giám sát không cho thu hồi các lô ống được sản xuất cùng loại. Thiệt hại rất lớn

Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội có tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn vay của nhiều ngân hàng, vốn tự có và một số nguồn khác.

Tuyến ống truyền tải nước sạch có gói thầu cung cấp ống và phụ kiện ống cốt sợi thủy tinh có giá trị quyết toán là 331 tỷ đồng, giá trị xây lắp 122 tỷ đồng.
Vậy tại sao không khởi tố?
Tôi chỉ xin kết luận ngắn gọn tòa không khởi tố vụ vỡ đường ống nước sông Đà vì họ là những người có “nhân thân tốt” và có nhiều đóng góp cho xã hội. 5 quan cán bộ này không phải chỉ được miễn trách nhiệm hình sự, mà họ còn không bị khởi tố điều tra làm rõ.

Việc không xem xét trách nhiệm hình sự vì lý do nhân thân tốt sẽ tạo nên một tiền lệ rất xấu. Luật quy định chỉ hai lý do để không khởi tố bị can hoặc vụ án, đó là: Không có dấu hiệu cấu thành tội phạm và Có dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng thiệt hại không đáng kể.

Bạn Đức Hiển viết trên báo Dân Trí:
“Trong vụ án Vỡ ống nước Sông Đà, dấu hiệu cấu thành tội phạm đã có, thiệt hại vô cùng lớn về vật chất lẫn tác động tiêu cực lên đời sống xã hội, thế nhưng vẫn không bị xem xét trách nhiệm hình sự là vô lý và sai luật. Không hề có căn cứ pháp luật nào đối với lập luận không xử lý hình sự vì nhân thân tốt”.
Nhân thân tốt toàn là những con ông cháu cha hoặc những quan chức cấp cao. Như thế có nghĩa là thì cơ quan tiến hành tố tụng đã vô hiệu hoá quy định của pháp luật đối với các tội phạm về chức vụ.

Còn ngược lại, những vụ án kiểu “bánh mì” - hành vi trộm, cướp liên quan đến tài sản giá trị thấp - lại thường được gây ra bởi những người có xuất thân lao động, gia cảnh phức tạp. Họ khó có thể hay không có thể được luật pháp coi là có nhân thân tốt như các quan.

Ly do “nhân thân tốt” tạo ra một sự phân biệt đối xử quá rõ ràng giữa các vụ án “bánh mỳ” và “nghìn tỷ”. Sự phẫn nộ của dư luận là rất chính xác. Không thể mang cái nhân thân tốt ra đánh đổi lấy nghìn tỉ của dân được. Những kẻ đó phải ở tù thay vì bỏ tù hai em bé vì quá đói phải cướp bánh mì. Lẽ công bằng ở đâu trong cái thời đại nhiễu nhương này ở xã hội VN?!

Còn một vụ án nữa nghiêm trọng hơn cũng trong thời gian này. Đó là Tổng cục Thủy sản làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép hơn 800 sản phẩm.
04.jpg
Bằng cách cắt ghép phụ lục, các đối tượng đã cấp phép cho hơn 800 sản phẩm ra thị trường - Ảnh minh họa

Theo một công văn vừa được hé lộ, đoàn xác minh tố cáo thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) từng có kết luận nội dung làm giả công văn để lưu hành trái phép 140 sản phẩm thức ăn thủy sản, 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản trên thị trường.
Bỏ 5 triệu đồng để sản phẩm vào danh mục đủ tiêu chuẩn
Theo quy định, các sản phẩm là thức ăn trong nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trước khi bán ra thị trường phải được Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản trực thuộc Tổng cục Thủy sản chấp nhận chất lượng và phải được Tổng cục thủy sản cấp phép cho lưu hành.
03.jpg
Động trời ở Tổng cục Thủy sản Kiểm định khống hơn 800 sản phẩm

Tuy nhiên, để được vào danh mục sản phẩm này dường như không hề khó! Theo một bản báo cáo kết luận vừa được hé lộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, sản phẩm của doanh nghiệp không cần phải đi qua khâu kiểm tra, xác minh chất lượng mà chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng một sản phẩm để trả cho Giám đốc Trung tâm là "nghiễm nhiên" có tên trong danh sách. Đặc biệt, chỉ với 3 bản phụ lục được ký khống, hơn 2 năm qua, hơn 800 sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản đã vô tư lưu hành trên thị trường mà không bị cơ quan chức năng nào phát hiện.

Đúng như người dân nói “Thời đại này có tiền mua cá gì cũng được. Sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi.”
Hồi năm ngoái, lãnh đạo Tổng cục thủy sản đã xác minh điều tra vụ việc này và ra kết luận cho thấy, từ đầu năm 2013, ông Bùi Đức Quý là giám đốc Trung tâm đã cấu kết với các cán bộ của Trung tâm là ông Nguyễn Huy Bàn, bà Đỗ Thị Hà, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu, bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh (lúc đó là còn Phó Phòng Hành chính – Tổng Cục thủy sản) làm giả công văn và ban hành công văn trái luật để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành.

Kết luận xác minh cho biết, các đối tượng trên đã cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện hành vi vi phạm với mục đích vụ lợi. Trong khi thực hiện hành vi trên, bà Vũ Thị Thu đã chuyển tiền 2 lần cho ông Bùi Đức Quý với tổng số tiền là 912 triệu đồng. Ông Dũng cũng chuyển tiền vào tài khoản của ông Phạm Văn Hoà - người quen của bà Thu 3 lần với tổng số tiền là 976 triệu đồng. Số tiền này được tính trả cho ông Quý 5 triệu đồng một sản phẩm nhận làm cho doanh nghiệp.

Những hành vi vi phạm không những có thể gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, lưu hành sản phẩm mà còn có thể gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng tới người nuôi trồng thuỷ sản nếu họ mua và sử dụng các sản phẩm được lưu hành trái luật do chất lượng không bảo đảm.

Vì thế ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam tại Hội nghị về chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được tổ chức ngày 25/5 tại Hà Nội nói thẳng: "Tôi đố các vị chỉ ra mặt hàng nào không bị làm giả ở Việt Nam!" Câu nói như tát vào mặt những người có trách nhiệm với dân.

1469586381-21-nguoi-nuoi-thuy-san-hoang-mang-khong-biet-san-pham-nao-du-chat-luong-an-toan-de-su-dung.jpg
Người nuôi thủy sản hoang mang không biết sản phẩm nào đủ chất lượng, an toàn để sử dụng


Người dân chẳng còn biết thứ nào là thật thứ nào là giả, thứ nào có hại thứ nào ăn được. Một cuộc đánh lừa dân rất “ngoạn mục” của cơ quan nhà nước được gọi là Tổng cục thủy sản nên đổi tên thành “Tổng cục ăn cắp”.
Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~



Avast logo
This email has been checked for viruses by Avast antivirus software.
www.avast.com


__._,_.___


Posted by: "Nhat Lung" <tranvanlong_k19@yahoo.com

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link