Wednesday, November 16, 2016

NGƯỜI VIỆT VÀ TÍNH KỲ THỊ


NGƯỜI VIỆT VÀ TÍNH KỲ THỊ
        . Nguyễn Hữu Nghĩa

Không nói vội qua chuyện người, hãy nói chuyện ta: Người Việt có kỳ thị không?

Tôi tin là người Việt kỳ thị đệ nhất hạng, chẳng những kỳ thị phái tính, kỳ thị chủng tộc mà còn kỳ thị nghề nghiệp, kỳ thị địa phương.
Người Việt vốn theo mẫu hệ, trong nhà thì các mợ là số 1, sau đó mới tới các cậu. Bà Trưng, bà Triệu phất cờ khởi nghĩa cầm quân, còn các ông lúc thúc chạy theo cầm … giáo.

 Sau này khi bị Tàu xâm lăng, đô hộ, phá hủy văn hóa, xóa bỏ văn tự, áp đặt chế độ phụ hệ thì dần dà các ông mới nhỏ nhẻ có tiếng nói và bắt đầu kỳ thị ngược lại đàn bà, coi đàn bà là vật phụ thuộc, “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết rồi các bà vẫn chưa giành lại được độc lập tự do, mà “tòng” con trai! May mà chưa thấy “tử viết” bảo con chết thì tòng luôn cháu nội!

Lời ca bài “Trấn thủ lưu đồn” là minh chứng: “Dù choa (tôi) có vụng dù choa có dại, choa vẫn là đàn ông! Đó vợ đây chồng, đó bế con gái để choa bồng con trai!”

Đau thật! Các bà chỉ được bế cái hĩm, còn thằng cu thuộc giai cấp khác, cao hơn, dành cho các ông!

Cho tới thế kỷ 21, tôi vẫn còn nghe thấy một bà Việt Nam xua tay rối rít khi được đề cử vào nhiệm vụ lãnh đạo một đoàn thể xã hội: “Thôi em hổng làm được đâu! Đờn bà đái không qua ngọn cỏ mà làm cái gì!”
Tôi phải bật nói: “Em ơi, ở đây đang bàn xem ai có khả năng lãnh đạo chứ không phải một cuộc thi… tiểu tiện mà so ra xem ai phóng nước ra cao hơn! Bộ óc không có phái tính…” Tôi kịp nuốt “ực” nửa câu sau: “…nó không suy nghĩ bằng… cái vòi!”

Bà này mếu máo phân bua: “Mà óc em… nhỏ xíu hà! Suy luận thì cạn cợt, em không làm được đâu! Mấy anh đàn ông làm giùm đi!”
Quả thật, các cụ ông ngày xưa đã bịa ra câu ca dao để dạy dỗ các… cụ bà: “Đàn ông nông nổi giếng khơi, Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu!”

Hết thuốc!
Đó là kỳ thị phái tính. Rồi thì kỳ thị nghề nghiệp, kỳ thị giai cấp.
Tôi nhớ hồi học tiểu học, trong bài luận văn, tôi gọi người ăn xin là “ông ăn xin, bà ăn mày” thì bị chê là dùng chữ không thích hợp, dù “ổng bả” đã ngoài 70! “Ông xe lôi, xe kéo” cũng không được, mà phải gọi là “phu xe”.

Người Việt còn kỳ thị địa phương.
Ở ngoài Bắc, người làng này sang làng khác ở thì là “dân ngụ cư” không phải người làng, dù sống bao nhiêu đời ở đó vẫn cứ là “dân ngụ cư”, không được trọng vọng.

Người Bắc vào Nam sinh sống cũng bị trêu chọc: “Ớ con nhỏ, nó đau làm sao, dưới đít có cọng rau! Làm sao làm sao mới làm sao, người Nam Việt đâu có kỳ như vậy! Bắc kỳ, Bắc kỳ là Bắc kỳ!” (lời ca điệu Sơn Đông Hướng Mã).

Người từ Thanh Nghệ Tĩnh trở ra Bắc gọi là “cá rô cây”; người Bình Trị Thiên” là “dân trọ trẹ.” Quảng Nam vô tới Bình Thuận là "nẫu", chỉ có dân Nam kỳ lục tỉnh mới là "người Việt mình!"

Rồi kỳ thị chủng tộc còn cay nghiệt hơn.
Người Việt tự coi mình cao hơn mên (Cao Miên), mọi (người Thượng), chàm (Champa) đã đành, mà khinh luôn “Chà Và Ma Ní tí te, cái bụng thè lè con mắt ốc bưu”, tức người Java và người Phi từ Manila, và cả người Bombay, Ấn Độ. Người Phi châu thì là Tây đen mặt gạch.

Ngoài Bắc thì khinh người Tàu, gọi là “thằng ngô”; phụ nữ Việt lấy Tàu thì gọi là “con đĩ”, lấy tây thì dè bỉu là “me tây”, “me Mỹ”.
 Qua tới xứ người rồi mà gả con cho Mỹ trắng thì dùng dằng một chút rồi ưng, nhưng Mỹ đen hay Nam Mỹ thì nhất định duỗi ra, nhất định không chịu.

Hoá ra người Việt vốn kỳ thị, nhưng lại nể nang người da trắng, coi như cao hơn mình một bậc, cho nên nếu có bị người da trắng coi nhẹ thì đó là thường sự, chấp nhận việc kỳ thị như là đặc quyền của người trắng, ai phàn nàn hay chống lại nạn kỳ thị thì bị coi như bắng nhắng, thiếu hiểu biết.

Mới đây, phong trào kỳ thị chủng tộc ở Mỹ bắt đầu tái hiện và lên cao. Nhiều người Việt “bảo hoàng hơn vua”, kỳ thị hơn Mỹ trắng, cho rằng người Mỹ “có chính nghĩa” để kỳ thị, làm như Mỹ khinh ai thì khinh, không dám khinh …người Việt!

Người Việt xí một chỗ, tự xếp hạng ngang hàng hay thấp hơn Mỹ trắng chút xíu, vì là người tị nạn, người di tản…. khác với di dân. Người Việt coi nhẹ các giống dân khác. Việc kỳ thị coi như không có, hoặc do báo chí “thổi phồng”, chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ.

Có người ngấm ngầm ủng hộ việc tập trung, cô lập và trục xuất di dân ngoại nhập bất hợp pháp, rồi tiến tới việc tước quốc tịch, tống cổ di dân hợp pháp nhưng không cùng tôn giáo với Mỹ, là những việc nên làm, cần làm và phải làm.

Có ai còn nhớ, hồi đệ nhị Thế chiến, Mỹ đã nhốt hết người Mỹ gốc Nhật vào trại tập trung, kể cả những gia đình đã nhập tịch từ nhiều thế hệ. Khi đệ tam Thế chiến diễn ra, Mỹ và Tàu/Việt đối nghịch, số phận đám Mỹ vàng sẽ ra sao?

Tôi không tìm ra câu kết luận cho vấn đề! Tôi chỉ thấy ý niệm “bác ái” càng lúc càng mơ hồ và thừa thãi. Hình ảnh cái cầu mà Đức Giáo Hoàng gợi ý, không rõ nét bằng ý tưởng dựng rào của một anh trọc phú./.

(nhn)
__._,_.___

Posted by: =?UTF-8?Q?Vi-b=C3=A1o_v=C3=A0_nxb_L=C3=A0ng_Van?= 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link