Friday, January 6, 2017

“Đời không có gì cho không! Sống thì không được ăn không!”

“Đời không có gì cho không!
Sống thì không được ăn không!”

Nguyễn Trung

        
Đấy là kết luận, đúng hơn có lẽ là lời răn cũ kỹ - giờ đây một lần nữa tôi lại phải tự rút ra cho mình trong mấy tuần nay căng mắt lên nhìn xem thế giới đang sang trang như thế nào. Thực ra cả đời tôi luôn cố sống theo lời răn này, thế mà cứ sau mỗi chặng đường, tôi lại phải gồng lên tự răn mình quyết liệt như thế.  
         Quả là vậy: Nhận không của đời cái gì, nếu không chịu ân thì cũng phải mang oán, và mình thì chẳng bao giờ nên người. Còn sống mà lại ăn không trên đời này thì sao thành người? bởi vì chung quy mình chỉ có hai cách: Nếu không đi ăn cướp được, thì phải đi ăn mày. Hệ luỵ của mấy chữ “cho không”, “ăn không” này luôn luôn là vô tận, với mọi niềm đau hay nỗi nhục bất tận! 
         Quan sát mấy tuần nay thế giới đang sang trang, tôi càng nghĩ thế – với con mắt và ý thức được nước mình là một quốc gia đang bị cuốn hút không cưỡng lại được vào bàn cờ mới trên thế giới hôm nay – như tôi đã viết ra trong bài 1 và bài 3 bàn về hiện tượng Trump[i], với nhiều liên tưởng đến nước ta.
         Cả thế giới chứng kiến: Hậu đế chế Nga của Putin đối nội & đối ngoại vốn nhiều năm nay bận rộn lật đật như bị ong đốt khắp người – (nhất là từ sau vụ Krym/Ukraina). Nhưng với chiến thắng Aleppo ở Syrie – gần như bảo tồn được chính quyền Assad và củng cố vị thế chiến lược của mình tại Trung Đông, cùng với thành công được thừa nhận trong chiến tranh cyber can thiệp vào bầu cử ở Mỹ, nước Nga hôm nay đang nổi lên như một người hùng!
-      Người thì coi thắng cử của Trump như một cú đảo chính ngoạn mục, do Nga thực hiện được ở Mỹ nhờ cyber hacks… Qua vụ này nước Mỹ biến thành đồng minh dưới trướng Nga (subordinate ally to Russia - Scott Gilmore - December 12, 2016)...
-      Kẻ cho rằng: Nga đang dần dần lấy lại được vị thế đã mất của Liên Xô cũ trước khi sụp đổ (The Atlantic)… … Quan hệ Nga – Nhật mấy tuần nay cũng đang ấm lên do những thoả thuận quan trọng vừa đạt được giữa Putin và Abe…
Mới đây nhất, việc Trump chọn Rex Tillerson – CEO của ExxonMobil làm ngoại trưởng, người đang làm ăn lớn với Nga và được coi là có mối quan hệ thân thiện với Putin, càng làm cho Nga đắt giá, mặc dù lúc này EU vẫn quyết định duy trì các biện pháp cấm vận trừng phạt Nga... Hiển nhiên trong thế giới sang trang hôm nay, ngoài hiện tượng Trump, đang xuất hiện hiện tượng Nga!
         Trong khi đó, mấy tuần nay vào những lúc có dịp, Trump tiếp tục nhắc lại những gì ông ta đã nói suốt thời gian tranh cử về Trung Quốc. Đại ý: Trung Quốc làm ăn không fair, gây nhiều thiệt hại cho Mỹ, nhất thiết phải đặt lại vấn đề… Trump nhấn mạnh ông ta biết chính sách một Trung Quốc, nhưng lại đặt câu hỏi: tại sao cứ phải trói Mỹ vào vấn đề này?..  Cái mới bổ sung thêm là Trump còn trách Trung Quốc chưa làm hết trách nhiệm của mình trong vấn đề vũ khí A của Bắc Triều Tiên… Báo chí Mỹ còn đưa tin: Đã có lúc Trump nghĩ có thể nói chuyện với Kim Jong Un; ông ta cũng đặt ra câu hỏi tại sao không?.. Ngoài phản ứng cao nhất ngay tức khắc của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc chào hỏi điện thoại Donald Trump – Thái Anh Văn, đến nay chính giới Trung Quốc giữ thái độ kiềm chế. Song ngôn ngữ báo chí Trung Quốc rực lửa: Trump là đứa con nít ngu ngốc! Chính sách một Trung Quốc là hòn đá tảng trong quan hệ Trung – Mỹ, nếu đụng vào Trung Quốc sẽ dùng vũ lực chiếm Đài Loan… Trong khi đó đồng Nhân dân tệ đang có những rối loạn mới (liên tục mất giá, tình trạng vốn chạy trốn ra nước ngoài gia tăng, dự trữ ngoại tệ tiếp tục giảm hàng tháng…). Đồng thời dự luận thế giới đang rất quan tâm việc Trung Quốc tăng cường o bế Malaysia, bắt đầu có hiện tượng nắn gân Singapore… Trong khi đó Rodrrigo Duterte của Philippines cũng bắt đầu phải nói nhiều hơn về chủ quyền quốc gia của mình…
         Cho đến nay, vẫn chưa thể phán đoán được rõ ràng tổng thống nhậm chức Donald Trump sau 20-01-2017 sẽ làm gì? Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong hai tuần lễ vừa qua phải chăng cho thấy: Về đối nội Trump sẽ ưu tiên trong phạm vi có thể cho tháo gỡ vấn đề việc làm (theo cách reshoring) và vấn đề nhập cư trái phép; về đối ngoại Trump muốn xây dựng mối quan hệ mới với Nga, có lẽ để có thể tập trung hơn sức lực trong xử lý những vấn đề liên quan đến Trung Quốc (?). Nói cách khác: Trump đang thăm dò và đang từng bước xắp xếp lại bàn cờ thế giới theo tính toán mới của mình; Anh, Đức và rõ nhất là Nhật cũng đang chuyển động theo hướng của Trump. Trong khi đó Trung Quốc ngoài sự giận giữ đã biểu lộ, cũng đang tính những nước cờ riêng của mình – giữa lúc này “một vành đai, một con đường” (“one belt – one road”) và AIIB (Asian Infrastructure Investment Bank) chưa tạo ra được sự hấp dẫn mong muốn. Riêng Nga, sau chiến thắng Allepo, đang ra sức phát huy lợi thế mới của mình ở phạm vi toàn cầu – giữa lúc nạn di dân từ Bắc Phi vào châu Âu và ISIS tiếp tục gây những căng thẳng mới, thế giới văn minh đang có những bước thoái trào trước thế giới đầu trộm đuôi cướp!..      
Toàn bộ bức tranh nêu trên cho thấy thế giới đang tiếp tục thay đổi quyết liệt – như một cơn sóng thần đang kéo dài nhiều đợt, và hầu như ít nước nào dám khoanh tay đứng yên.
Bức tranh cũng làm rõ: Thế giới sang trang là một thực tế khách quan, đòi hỏi mỗi nước hoặc thích nghi được và tham gia cuộc chơi, hoặc chịu đổ vỡ trước mọi sức ép. Không có sự lựa chọn thứ ba.
Trong khi tôi viết những dòng này, hàng vạn trẻ em và người lớn đang thê thảm tìm cách di cư ra khỏi Alleppo đẫm máu – một nơi được văn minh Trung Đông xây dựng ba bốn nghìn năm, để hôm nay bị huỷ diệt trong vòng vài năm!.. Báo chí thế giới cho rằng: Đây là chỉ một cuộc di cư từ một vùng chiến này sang một vùng chiến khác… Chừng nào các cường quốc và những nước hữu quan tại chỗ không đi tới một thoả thuận chung vãn hồi được hoà bình, cái chảo lửa ở đây ngày đêm sẽ còn tiếp tục huỷ diệt vô vàn sinh linh. Rồi đây lịch sử sẽ lên án cuộc chiến tranh tàn khốc này, lên án sự bất lực của cộng đồng thế giới trước tội ác chống nhân loại này!..
         Tôi không có thời gian và sự kiên nhẫn để chờ xem rồi đây lịch sử sẽ lên án như thế nào. Nhưng nhìn xem cảnh thê lương trên YouTube đang diễn ra ở Aleppo, tôi oặn đau nhớ lại những chặng đường đất nước ta đã đi qua trong suốt bẩy thập kỷ vừa qua. Ruột gan bỗng như bị xé ra! Tôi hiểu sâu sắc: Cái gì phía trước đang chờ đợi nước ta vào lúc thế giới đang sang trang này! Đất nước ta phải làm gì để thích nghi được, để sống sót với tính cách là kẻ cùng tham gia cuộc chơi mới? Hay là đành chịu vùi dập tàn tệ trong cơn sóng thần mới này?
         Tôi càng hiểu ra:
-      Đời không có gì cho không!
-      Sống thì không được ăn không!
Mong lắm sao nỗi lo này được chia sẻ với mọi người!

Hà Nội, hạ tuần tháng 12-2016
 

Tác giả gửi cho Viet-Studies ngày 16-12-16
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link