Thursday, March 9, 2017

Tổng Thống Trump, Những Ngày Đầu Sóng Gió


Tổng Thống Trump, Những Ngày Đầu Sóng Gió
·       TOÀN NHƯ
Tân Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ Donald J. Trump mà có người Việt gọi vui là Đỗ Nam Trâm hay Đỗ Năng Trâm mới nhậm chức từ ngày 21 tháng 01, 2017, đến nay chưa đầy hai tháng mà đã có biết bao nhiêu sóng gió. Ngay trong ngày ông tuyên thệ nhậm chức, đã có nhiều cuộc xuống đường, biểu tình bạo động phản đối ông xảy ra ở nhiều nơi và ở ngay thủ đô Hoa Thịnh Đốn, gần nơi tổ chức buổi lễ. Kế tiếp qua ngày hôm sau, lại thêm hàng trăm ngàn quý bà, quý cô tham gia cái gọi là Cuộc Diễn Hành Phụ Nữ phản đối ông Trump ngược đãi, không tôn trọng phụ nữ căn cứ vào những lời nói và hành động của ông đã xảy ra từ rất lâu trong quá khứ. 

Cuộc biểu tình thứ hai này làm cho người viết nhớ lại những cuộc xuống đường của cái gọi là phong trào phụ nữ đòi quyền sống của bà Ngô Bá Thành ở Sài Gòn, Việt Nam, trước 1975 dạo nào vì nó trông cũng bát nháo, lố lăng, không giống ai; có lắm bà, lắm chị đi diễn hành đã  mang theo những biểu ngữ tục tĩu lăng mạ vị tổng thống vừa đắc cử chẳng tiếc lời.
Image result for women pussy banners against trump

Không loại trừ những cuộc biểu tình chống tổng thống Trump do đảng Dân Chủ và những người cấp tiến thuộc phe tả hậu thuẫn. Dường như họ cay cú vì ông Trump đã bất ngờ chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 vừa qua, cuộc bầu cử mà họ vẫn đinh ninh rằng ứng cử viên của họ, bà Hillary Clinton, đáng lẽ đã chiến thắng như các cuộc thăm dò trước đó đã tiên đoán. Trong niềm tin đó, họ bị hụt hẫng muốn phản kháng, tìm đủ cách để mong, nếu không hạ bệ được ông Trump thì cũng làm cho ông bị giảm uy tín và sự thất bại của bà Hillary Clinton cũng vớt vát được một chút vinh quang. Vì vậy, họ bày ra đủ trò để mong lật ngược tình thế. Nào là xin đếm phiếu lại; kêu gọi các đại cử tri đoàn không bỏ phiếu cho ông Trump; đòi tu chính hiến pháp để bầu cử Tổng thống theo lối phổ thông đầu phiếu để bà Clinton và đảng Dân Chủ dễ dàng đắc cử; tố cáo Nga can thiệp vào cuộc bầu cử làm hại bà Clinton và đảng Dân Chủ; đổ thừa cho cơ quan FBI đã mở cuộc điều tra về những email của bà Clinton vào phút chót; rồi xúi giục người đi nộp đơn kiện ông Trump về những việc xảy ra từ đời nào trong quá khứ, v.v… và v.v… Không những vậy, sau khi tất cả những trò trên đều thất bại, có người lại còn đi xa hơn, đòi truất phế hay đàn hạch (impeach) tổng thống Trump dù ông chỉ mới nhậm chức chưa đầy một tháng, chưa phạm một lỗi lầm nào nghiêm trọng.
Hiển nhiên, tất cả những sự phản đối hay chống nói trên chưa đủ sức mạnh để có thể lật đổ một tổng thống đã đắc cử hợp pháp như ông Trump chiếu theo hiến pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nó cũng đã gây ra nhiều khó khăn cho ông không ít. Ngay sau khi kế hoạch làm việc trong 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Trump được công bố, dù chưa bắt tay vào việc nhưng ngay lập tức kế hoạch này của ông đã bị nhiều chỉ trích và nó lại càng bị chống đối mạnh mẽ hơn khi ông ban hành một số sắc lệnh hành pháp (executive order) trong quyền hạn của tổng thống. Đáng chú ý nhất là những sắc lệnh hành pháp mà tổng thống Trump đã ký liên quan đến việc hủy bỏ đạo luật về chăm sóc sức khỏe gọi tắt là Obamacare của TT Obama vừa mãn nhiệm, rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là TPP, và sắc lệnh mới tạm thời về di dân đối với một số nước ở vùng Trung Đông,…

Trong số những sắc luật trên, đáng chú ý nhất là sắc luật về di dân được Tổng thống Trump ký ngày 27/1/2017 dưới tiêu để “Protecting The Nation From Foreign Terrorist Entry Into The United States.” (Bảo Vệ Quốc Gia Thoát Khỏi Khủng Bố Nước Ngoài Xâm Nhập Vào Hoa Kỳ) Cụ thể, sắc luật ra lệnh tạm thời đình chỉ trong 90 ngày việc nhập cảnh những người đến từ 7 quốc gia từng bị chính quyền Obama xếp hạng cần quan tâm đặc biệt (CPC). Bảy quốc gia này là: Iran, Iraq, Syria, Sudan, Lybia, Yemen, và Somalia. Ngoài ra, sắc lệnh cũng tạm thời đình chỉ trong 120 ngày chương trình định cư tị nạn bất kể từ quốc gia nào (dĩ nhiên trong đó có Việt Nam).

Thật không thể hiểu, lệnh cấm của sắc lệnh nói trên chỉ có tính cách tạm thời nhằm mục đích để chính quyền có thời gian nghiên cứu tìm biện pháp rà soát, ngăn chặn khủng bố xâm nhập vào nước Mỹ, bảo đảm an ninh cho quốc gia và an toàn cho người dân nhưng lại bị chống đối quyết liệt. Sắc lệnh không hề đề cập đến người Hồi giáo hay người Ả Rập nhưng vì 7 quốc gia nói trên có đa số là người Hồi giáo nên sắc lệnh đã bị gán ghép cho là kỳ thị người Hồi giáo. Thế là nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra. Sự chống đối không những vậy còn đi xa hơn lên tới tòa án phân xử. Thẩm phán liên bang James Robart tại tiểu bang Washington căn cứ vào một đơn kiện đã ra phán quyết có hiệu lực trên toàn quốc tạm ngưng thi hành sắc lệnh về di dân của tổng thống Trump nói trên. Phán quyết này đã bị chính quyền tổng thống Trump kháng cáo lên tòa kháng án liên bang khu vực 9 ở San Francisco yêu cầu tái phục hồi sắc lệnh nhưng đã không thành công. Mọi người cứ tưởng chính quyền sẽ kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện (TCPV) nhưng việc này đã không xảy ra có thể vì TCPV hiện chỉ có 8 vị thẩm phán trong đó có 4 vị do các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm và 4 vị do tổng thống Dân Chủ đề cử nên phán quyết có thể sẽ là 4-4 và như vậy, theo quy định, phán quyết ở tòa kháng án sẽ có hiệu lực. Có lẽ vì vậy mà tổng thống Trump đã không kháng cáo lên TCPV và chính phủ của ông có thể sẽ nghiên cứu để đưa ra một sắc lệnh khác hợp lý hơn để không bị chống đối. Tuy nhiên, dù có ra một sắc luật mới có gì bảo đảm nó sẽ không bị chống đối như sắc luật cũ?

Nhưng những sự chống đối TT Trump không dừng ở đó. Dường như bất cứ một quyết định nào của ông cũng bị truyền thông cánh tả, phần lớn có khuynh hướng Dân Chủ, soi mói để chỉ trích, phản đối. Từ việc xây bức tường ở biên giới phía nam cho đến việc bổ nhiệm các thành viên nội các.

Việc xây tường ở biên giới phía nam giáp ranh nước láng giềng Mễ Tây Cơ nếu thực hiện được cũng là điều tốt để ngăn chặn việc nhập cư lậu ở biên giới phía nam đã từ lâu không kiểm soát được dẫn đến tình trạng hiện có khoảng 12 triệu di dân bất hợp pháp trên nước Mỹ. Bức tường này có khác gì đâu một bức tường rào của từng nhà dân để ngăn ngừa việc xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Như vậy đâu có gì sai trái, có điều chỉ sợ kiếm không ra tiền để xây thôi chứ sao lại chống đối. Và không chỉ chống đối có người còn ví von bức tường này một khi được thành hình sẽ chẳng khác gì Bức Tường Bá Linh trước đây. Thật là một sự so sánh tưởng tượng quá đáng. Riêng về việc bổ nhiệm các thành viên nội các, cho đến nay (dù đã trên một tháng) việc đề cử vẫn chưa được Thượng Viện chuẩn thuận hết. Hầu hết các chức vụ trong nội các của ông hầu như được rất ít các thượng nghị sĩ Dân Chủ bỏ phiếu thuận, thậm chí có chức vụ chỉ có những TNS của đảng Cộng Hòa chuẩn thuận. Điều này cho thấy sự bất hợp tác và cố tình gây khó dễ của đảng Dân Chủ đối với ông Trump.

Trước cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11, 2016, truyền thông cánh tả và đảng Dân Chủ đã chỉ trích và chế nhạo ông Trump khi ông tuyên bố chỉ công nhận cuộc bầu cử nếu ông thắng vì ông nghi ngờ cuộc bầu cử có thể bị lũng đoạn, gian lận. Truyền thông và đảng Dân Chủ đã chỉ trích, chế nhạo ông về việc này và cho rằng ông Trump đã đi ngược lại với truyền thống bầu cử của Hoa Kỳ vốn được cho là dân chủ bậc nhất trên thế giới. Sở dĩ như vậy vì họ, những người đảng Dân Chủ, quá tin vào những cuộc thăm dò cho rằng bà Hillary Clinton, ứng cử viên của họ, sẽ chắc thắng. Thế nhưng kết quả đã không như dự đoán của họ và nay chính họ lại là những người tìm đủ mọi lý lẽ để không công nhận kết quả và phản đối người đã thắng cuộc bầu cử một cách hợp pháp, hợp hiến.

Sự chống đối tổng thống Trump đã để lộ ra tinh thần đảng phái hẹp hòi và cố chấp của những người được cho là cấp tiến hay cánh tả. Hình ảnh tiêu biểu cho sự bất hợp tác, cố chấp này được nhìn thấy rõ nhất trong buổi Tổng thống Donald Trump đọc bài diễn văn lần đầu tiên trước lưỡng viện Quốc Hội tối ngày 28/2/2017. Hầu hết những lần ông Trump được vỗ tay hoan nghênh không thấy có sự tham gia của những nghị sĩ đảng DC. Ngay cả trong giây phút đầy xúc động khi TT Trump vinh danh bà quả phụ Carryn Owens, vợ của chiến sĩ biệt kích Hải Quân William “Ryan” Owens, người vừa hy sinh trên chiến trường Yemen. Ống kính truyền hình đã cho thấy bà Carryn Owens dàn dụa nước mắt trong khi các dân biểu, nghị sĩ đảng Dân Chủ hầu như đã ngồi yên, không đứng lên vỗ tay trong lúc cả hội trường đã đứng lên vỗ tay trong một thời gian kỷ lục lâu tới 90 giây như một sự biểu tỏ lòng tri ân đối với bà quả phụ và chồng bà. Thật là một hình ảnh đáng xấu hổ cho đảng Dân Chủ!

Như chúng ta đều biết, trong bất cứ một cuộc bầu cử nào cũng đều có hai phe: phe bầu cho đảng này và phe bầu cho đảng khác. Chuyện đó cũng là bình thường vì chẳng có một ứng cử viên nào đắc cử với 100% phiếu bầu cả, ngoại trừ ở những nước độc tài như cộng sản. Vì thế, trong cuộc bầu cử ở Mỹ, đương nhiên có người là ‘fan’ của đảng Dân Chù, cũng như có người là ‘fan’ của đảng Cộng Hòa. Điều đó cũng là lẽ tự nhiên, bình thường. Cho nên cũng dễ hiểu, sau cuộc bầu cử vừa qua có kẻ bênh, người chống ông Trump. Đâu cần gì phải giương biểu ngữ “Trump’s Not My President” người ta mới biết mình không ủng hộ Trump.

Việc bênh và chống ông Trump dĩ nhiên không chỉ có ở trong cộng đồng người Mỹ mà còn có ngay trong cộng đồng người Việt. Trên các diễn đàn liên mạng, kể từ trước và sau cuộc bầu cử, đã có những bài viết bênh và chống ông Trump từ ở cả hai phía. Trong khi, những người ủng hộ đảng Dân Chủ cuồng nhiệt tìm cách chống ông Trump bằng mọi cách kể cả bạo động, nhưng họ lại không nhận họ là những người cuồng Dân Chủ, cuồng Hillary. Họ ra vẻ mình vô tư chánh trực dè bỉu, chê bai những người ủng hộ ông Trump và đảng Cộng Hòa là cuồng Trump, cuồng Cộng Hòa. Đúng là vừa đánh trống, vừa la làng.

Cho nên, có thể nói, chưa bao giờ sau một cuộc bầu cử tổng thống, nước Mỹ lại bị chia rẽ, phân hóa đến như vậy. Sự bất hợp tác, chống đối của đảng Dân Chủ đối với đảng Cộng Hòa đang cầm quyền có lẽ sẽ còn kéo dài ít nhất là đến hết năm 2018, năm sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống. Qua những chống đối này, đảng đối lập Dân Chủ hy vọng sẽ giành lại được thế đa số trong quốc hội để làm bàn đạp tiến tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 hầu tái chiếm lại Tòa Bạch Ốc. Cho nên, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy ông tổng thống Trump bị tấn công tối tăm mặt mũi kể từ khi nhậm chức tới giờ, bất kể ông đưa ra một quyết định gì. Riêng cá nhân người viết, chỉ có một ý kiến nhỏ rằng, hãy còn quá sớm để phê phán tổng thống Trump. Xin hãy để cho ông ấy làm việc rồi hãy phê phán: Wait and See!

TOÀN NHƯ   

    


.



__._,_.___

Posted by: Toan Nhu 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link