Sunday, May 28, 2017

CHÀNG... DONALD TRUMP




---------- Forwarded message ----------
From: Huy Dang
Chuyển tiếp...
------------------------------ -----------------------------

                                                   CHÀNG... DONALD TRUMP
                                                                                            12:09 27 tháng 5, 2017

Sometimes it’s important to watch what the President does rather than what he says. 
Thượng Nghị Sĩ (TNS) John McCain

Chàng là một tạo vật lạ và hiếm.
Có lẽ không có người nào mà tôi nghe ngóng, ngắm nghía, khi thương khi ghét, khi khâm phục, khi bực bội, khi ngạc nhiên, có lúc sửng sốt…tóm lại, không có người nào mang cho tôi nhiều cảm giác như chàng. Hàng ngày, một trong những cái thú của tôi là ngắm, đọc, nghe chàng xem chàng sáng tác ra thêm điều gì trong ngày. Chả là vì, ngày nào cũng có chuyện mới về chàng. Ngày nào chàng cũng “cách tân”. Ngày nào chuyện của chàng và về chàng đều trở thành headline news.
Chàng có một nhân dáng to, cao. Dù không bằng tay cựu giám đốc FBI James Comey (cao 6 feet 8), chàng thuộc loại khá cao, 6 feet 2, nghĩa gần 1 mét 9. Bước chân vững. Giọng nói mạnh. Lời nói nào nghe cũng chắc (như đinh đóng cột). Rất đàn ông. Không biết bên trong trái ổi có gì, nhưng rõ là chàng sexy. Ăn nói cũng sexy. Nói không cần uốn lưỡi, không cần úy kỵ điều gì, có lúc thô tục và ngang ngược. Nhưng cái lạ là, nhiều phụ nữ vẫn không dị ứng, thậm chí có người còn thích chàng. Khi phát biểu, trong lúc hai tay xòe ra hai bên, mở rộng, bao biện thì ngược lại, miệng chàng thu nhỏ, tròn, như cách diễn tả của Đức Đạt Lai Lạt Ma khi được Piers Morgan phỏng vấn: 

Chàng nói như máy. Máy nói. 
Chữ ký của chàng cũng khác lạ.

http://www.damau.org/wp-content/uploads/2017/05/image2.png
Nó trông giống một đoạn hàng rào thép gai: lởm chởm, góc cạnh. Mấy chữ hoa nhô cao hẳn lên, bất thường. Loại chữ ký như thế này, theo dân bói toán, cho thấy một hạng người luôn luôn bị ám ảnh bởi thứ quyền hành của riêng mình. Chẳng mấy thân thiện hay cởi mở với người khác. Chẳng chịu nhường ai. Mỗi lần ký xong một executive order, chàng đưa cao cho ai cũng nhìn thấy rõ chữ ký của mình, khuôn mặt sáng lên, kiêu hãnh và thỏa mãn. Mặc dầu, sau đó,executive order vẫn chỉ là executive order!
Đồng thời, chàng hồn nhiên. Rất hồn nhiên nữa là khác. Chàng tưởng làm tổng thống chỉ là chuyển từ một hợp đồng này sang một hợp đồng khác và chàng vẫn cứ là boss như tự thuở nào. Thích là ký, thích là đuổi việc, thích là tweet, thích là rầy la. Hóa ra, làm tổng thống khó hơn chàng tưởng trước đây; hóa ra, chận đứng tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn không dễ gì; hóa ra, chuyện loại bỏ bảo hiểm y tế của Obama phức tạp đến thế; hóa ra, hễ chàng nói chuyện gì với viên giám đốc FBI cũng bị tay này ghi ghi chép chép lại trong “memo”, vân vân và vân vân. Rõ là khá trẻ con và ngây thơ, vừa rất đáng ghét nhưng có lúc trông cũng…đáng yêu. Chàng nói tới rồi chàng nói lui. Chàng nói trái rồi chàng nói phải. Chàng bêu riếu người này, nói móc họng người khác. Chàng lẫy, chàng hờn, chàng giận. Mà giận nhất vẫn là con mệ crooked hillary! Hễ có dịp là chàng lại lôi nàng ra mà nói nặng nói nhẹ, y như hồi còn tranh cử. Rốt cuộc, người mà chàng thích nhất là…chính chàng. Với chàng, me first. Chàng hay tự khen mình. Tự khen khi chưa làm, tự khen trước khi làm và thậm chí tự khen cả khi… không làm được.
Chẳng thế mà, trong một bài báo mới nhất, hôm 12/5/2017, Michael D’Antonio gọi chàng là một “tổng thống bé con” (a little boy president). Nhà báo này không có ý bêu riếu đâu, vì có lần chính chàng thú nhận là “Khi tôi nhìn vào chính tôi lúc còn học sinh lớp Một và nhìn tôi bây giờ, tôi thấy về căn bản vẫn là một người. Tính tình không có gì khác lắm.” Vâng, đúng là không khác. Có điều, cậu bé lớp Một ngày xưa có nói này nói nọ, cũng chỉ dính líu đến bản thân cậu bé, còn “tổng thống bé con” ngày nay, nhất cử nhất động đều ảnh hưởng đến toàn thế giới. Từ ngày chàng nhậm chức đến giờ, cả thế giới gần như chao đảo theo chàng. Đùng một cái, chàng nói chuyện với Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan; đùng một cái, chàng đòi oanh tạc Bắc Hàn rồi cũng đùng một cái, chàng đòi nói chuyện với Kim Jong-un; đùng một cái, chàng mời viên tổng thống giết người như ngóe Rodrigo Duterte đến thăm Mỹ; đùng một cái, chàng cách chức giám đốc FBI James Comey; đùng một cái, chàng khoe tài liệu mật cho Nga…Vụ cách chức giám đốc FBI mới vui. Thay vì cách chức một cách đàng hoàng, trực diện, chàng sai người hộ vệ thân tín của mình mang lá thư cách chức đến văn phòng của Comey, trong khi tay trùm cảnh sát này đang đi công tác ở Los Angeles và nghe tin sét đánh khi đang thuyết trình trước nhân viên của mình.
Tính tình bốc đồng, hay thay đổi, lại hành động và quyết định theo bản năng và sở thích riêng, cho nên rất, rất nhiều lần, đám quần thần lúng ta lúng túng, giải thích vòng vo. Tội nghiệp nhất là viên thư ký báo chí toà Bạch Ốc Sean Spicer và viên phó tổng thống Mike Pence. Mỗi lần báo chí hỏi dồn, hai ngài cứ nói quanh nói quất hoặc là chằm chằm bênh chàng cho đến cùng, để rồi sau đó mới bật ngữa ra là bênh sai. Không thích ai, chàng tweetTweet nào của chàng cũng đưa đến tranh cãi, đoán già đoán non. Bằng cách tweet, và với số lượng lên đến hàng chục triệu, chàng qua mặt truyền thông. Chính khách nào cũng o bế truyền thông. Chàng, ngược lại, chống. Chống liên tục, chống tối đa. Chống như một cuộc thập tự chinh.
Với cung cách đó, chàng là một tổng thống phá cách. Về nhiều mặt.
Trước hết, chàng thuộc hạng vô chiêu, vô chiêu rất thành thật. Y như một siêu chiến lược. Rốt cuộc, vô chiêu, với chàng, chỉ đơn giản có nghĩa là … vô chiêu.
Chàng phớt lờ các thủ tục ngoại giao.
Chàng không thích lối “quân tử” kiểu Tàu: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Hôm nay chàng nói ngược, ngày mai chàng nói xuôi tự nhiên như nhiên.
Chàng cũng chẳng cần “lựa lời” kiểu Việt Nam: Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Tố cáo không cần bằng chứng. Nói sai không cần xin lỗi Biên giới giữa đúng/sai, bạn/thù, ngược/xuôi rất mong manh, mờ nhạt. Nó chỉ thay đổi qua một đêm, một lần gặp gỡ hay một lời phát biểu.
Chàng tạo ra một tổng-thống-tính kiểu mới; thậm chí không cần cả tổng-thống-tính. Chàng là tổng thống chỉ của phe chàng. Mỗi lần bực bội là chàng tụ họp các fans của chàng ở đâu đó ngoài thủ đô để chàng mặc sức nói hươu nói vuợn và nghe những tràng vỗ tay vang vọng tới trời. Như thời còn đi tranh cử.
Chàng coi đại sự là tiểu sự; và biến tiểu sự thành đại sự. Trong lúc xem thường những sự kiện có tầm mức ảnh hưởng lớn trên thế giới, chàng lại quan tâm đến những chuyện nhỏ nhặt, có cái rất nhỏ nhặt như lời phê bình tiệm ăn của một khách hàng, số người tham dự ngày lễ nhậm chức, số phiếu bầu phổ thông, chuyện tờ báo New York Times sụt giảm số người đặt mua, chê diễn viên hài Colbert hay những vở kịch diễu hài của Saturday Night Live.
Cách nói tiếng Anh của chàng thì tiềm ẩn vô số phá cách. Một số ký giả gọi những phát biểu của chàng là word salad, xà lách chữ. Gì vậy?Word salad là những chữ hay nhóm chữ được chọn lựa một cách tình cờ liên kết với nhau trong một cấu trúc bất khả tri. Có thể xem đó là một sự trộn lẫn những từ hay nhóm từ thường được chọn lựa tùy tiện không cho một nghĩa rõ ràng.[1]Những vấn đề về tinh thần thường là nguyên nhân cho những phát ngôn hỗn loạn (disorganized speech). Sau đây là vài món “xà lách chữ” của chàng:

Đề cập đến Iran
Look, having nuclear—my uncle was a great professor and scientist and engineer, Dr. John Trump at MIT; good genes, very good genes, OK, very smart, the Wharton School of Finance, very good, very smart —you know, if you’re a conservative Republican, if I were a liberal, if, like, OK, if I ran as a liberal Democrat, they would say I’m one of the smartest people anywhere in the world—it’s true!—but when you’re a conservative Republican they try—oh, do they do a number—that’s why I always start off: Went to Wharton, was a good student, went there, went there, did this, built a fortune—…

Đề cập đến việc thay thế Obamacare
We have to come up, and we can come up with many different plans. In fact, plans you don’t even know about will be devised because we’re going to come up with plans, — health care plans — that will be so good.

Đề cập đến việc Obama gài máy nghe lén Trump:
Well, I’ve been reading about things. I read in, I think it was January 20 a "New York Times" article where they were talking about wiretapping. There was an article, I think they used that exact term. I read other things. I watched your friend Bret Baier the day previous where he was talking about certain very complex sets of things happening, and wiretapping. I said, ‘Wait a minute; there’s a lot of wiretapping being talked about.’ I’ve been seeing a lot of things.

Lối phát biểu không giấy tờ, cấu trúc câu lòng thòng, rườm rà, đứt đoạn, có lúc ngưng ngang ở giữa câu và chuyển qua ý khác, khiến cho người ta khó ghi chép lại một cách trung thực những gì chàng phát biểu. Theo ký giả Daniel Libit, chàng là cơn ác mộng của thông tín viên. “Bất cứ khi nào chúng tôi hoàn tất một bản ghi chép những gì chàng nói, luôn có một cái gì ở trong đó khiến cho ta tự hỏi chẳng biết chàng đang nói gì”.
Những người ủng hộ chàng nhìn cách khác. Chẳng hạn William Cummings trên USA Today; ông này cho rằng chàng là một bậc thầy về cách sử dụng ngôn ngữ. Bậc thầy ở chỗ: chữ một đàng nghĩa một nẻo. Đừng hiểu những gì chàng nói theo nghĩa đen. Cố vấn Kellyanne Conway nói với Chris Cuomo (CNN) rằng người ta không hiểu chàng chỉ vì “muốn nghe những gì thoát ra khỏi miệng chàng hơn là nhìn vào những gì thoát ra từ trái tim chàng”. Còn nhân dân Hoa Kỳ thì hiểu ngay những gì chàng nói vì họ nhìn thấu trái tim đen của chàng, cũng theo nàng cố vấn.
Nhà ngôn ngữ học George Lakoff, cha đẻ của lý thuyết “Ẩn dụ ý niệm” (conceptual metaphor), biện hộ cho chàng theo kiểu hàn lâm hơn. Chàng đơn giản chỉ dùng những cơ cấu diễn ngôn có hiệu quả để truyền đạt những gì chàng muốn truyền đạt cho các khán giả của chàng. “Tôi đã tìm thấy rằng ông ta rất cẩn thận và rất có chiến lược trong cách sử dụng ngôn ngữ. Trump thường bắt đầu một câu và ngừng lại để cho những người ủng hộ ông chấm dứt trong đầu họ cái mà ông ta nói. Họ dường như thấu đạt và chấp nhận (từ trước) những gì ông ta nói mà không cần phải nghe hết câu. Đó là một phản ứng vô thức, tự động, nhất là những khi mà câu, chữ tuôn ra một cách rất nhanh chóng.” (…) “Những người thuộc đảng Dân chủ và hầu hết truyền thông đều cho rằng Trump là một tên hề, một ngôi sao của chương rình truyền hình hiện thực không nắm vững vấn đề.” (…) “Chín tháng trước cuộc bầu cử, tôi đã bàn về việc Trump đã sử dụng óc não của những người lắng nghe ông như thế nào cho có lợi cho mình.” (…) “Tư tưởng vô thức hoạt động dựa trên những cơ cấu căn bản nào đó. Trump sử dụng chúng một cách bản năng để quay não trạng của họ hướng về những gì ông muốn: uy quyền tuyệt đối, tiền tài, quyền hành và danh tiếng.”
Tóm lại, cách nói của chàng là chiến lược, không phải là một thứ trộn chữ hổ lốn.
Tuy nhiên, mới đây, cụ TNS McCain có một nhận định hơi khác. Hãy nhìn những gì chàng làm hơn là nghe những gì chàng nói. Nhất định là cụ biết đó là danh ngôn của TT Nguyễn Văn Thiệu trước đây: “Đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm”. Dù sao, giống thì cũng giống mà khác thì có khác. Khen thì nghe ra khen nhưng là chê. Chê chàng nói dở, nói bậy. Để khen chàng làm hay. Chàng làm được những gì nào? Bỏ Obamacare xong rồi ư? Xây xong bức tường ư? Bỏ bom Bắc Hàn ư? Đem hết jobs về Mỹ ư? Tống cổ hết bọn di dân lậu ư? Không nghe cụ McCain nêu rõ
Nicholas O’Shaughnesy, tác giả của tập sách  Selling Hitler: Propaganda and the Nazi Brand,gọi chàng là “viên đại sứ của xã hội hậu-sự-thật” (ambassador of the post-truth society). O’Shaughnesy viết: “Chàng đã phát triển một cá tính giúp chàng nói những điều kỳ quặc và chuyển đảo chúng thành ý nghĩa của ngôn ngữ”. Chàng là một hình mẫu tổng thống thuộc loại, không phải “hậu hiện đại”, mà là “hậu-sự thật”: a post-truth president. Post-truth là gì? Là “Có liên hệ đến hay bao hàm những tình huống trong đó những sự kiện khách quan có ít ảnh hưởng đến việc hình thành dư luận hơn là những gì gây nên  xúc cảm hay niềm tin cá nhân.” [2]  Đây là một tính từ (adjective) mới được tổ hợp biên soạn tự điển Oxford Dictionaries (Anh) chọn làm từ vựng của năm 2016 (Word of the Year 2016). Từ này xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1992, nhưng năm 2016 đã được sử dụng đến mức tối đa, tăng 2000% so với năm 2015, nhân sự kiện Brexit ở Anh và bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Nói cụ thể ra, một tổng thống hậu-sự-thật là một nhà lãnh đạo không cần kinh nghiệm, không cần nghiêm túc, không cần ngoại giao, không cần giữ lời, không cần xin lỗi. Và không cần sự kiện. Nếu có sự kiện thì đó là sự kiện chọn lựa/alternative facts, nói như Kellyanne Conway, nàng cố vấn trẻ của chàng. Mọi điều đều là cảm giác, là xúc động và chẳng còn một thứ chân lý khách quan nào cả.Vân vân và …vân vân.
Phải chăng chúng ta đang tiến dần đến một xã hội hậu-sự-thật như thế?
Và, chàng quả đúng là một cách tân. Là đại diện, là tiêu biểu cho một xu thế mới.
Có phải chàng đã tạo ra chàng? Không. Đó đã là sự chọn lựa của nước Mỹ.
Nước Mỹ rồi sẽ theo chàng hay bỏ chàng?
Chờ xem.
Riêng tôi, tôi sẽ theo chàng … tới bến.

Trần Doãn Nho
(5/2017)

Tài liệu:
– Bue Rübner Hansen & Rune Moller Stahl, “The Fallacy of Post-Truth.” 
– George Lakoff, “Understanding Trump’s use of language.” 
– George Lakoff, “A Minority President: Why the Polls Failed, and What the Majority Can Do.” 
– Oxford Dictionaries 
– William Cummings, “Trump is a master of language.” 
– Michael D’Antonio, “The little boy president. 


alt
Virus-free. www.avg.com




__._,_.___

Posted by: Dan Vo 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link