Thứ bảy, ngày 12 tháng năm năm 2012
Sau Văn Giang, tôi vẫn muốn làm nhà báo!
Làm nhà báo ở VN thì khổ, khổ như chó, thậm chí khổ hơn chó nữa. Điều này gần đây mọi người đã nói nhiều, kể từ vụ 2 nhà báo bị đánh khi đi làm nhiệm vụ ở Văn Giang.
Bị đánh tơi tả, bị còng tay, áp giải về đồn công an, bị thu thẻ nhà báo, thu cả thẻ Đảng (vật thiêng liêng mà các Đảng viên luôn để trong túi áo trái, phía trái tim, tôi nghe nói thế), mà khi được thả về vẫn viết được một bài viết đúng đường lối về vụ cưỡng chế. Vâng, chính anh Ngọc Năm, sau khi đã chứng kiến tận mắt và trải nghiệm bằng chính thân xác mình về những nỗi đau tinh thần và thể xác mà anh phải gánh chịu, vẫn tiếp tục viết bài ca ngợi về sự an toàn và đúng luật của đợt cưỡng chế này. Và vẫn nhẫn nhục, theo lời anh là “bình tĩnh”, chờ đợi sự lên tiếng và giải quyết của các cơ quan cấp trên có trách nhiệm về vụ cưỡng chế.
Nhiều người nói, như thế là quá nhục. Rằng ngay cả con chó, khi bị đánh, cũng còn “ẳng” lên được vài tiếng, well, ít ra là một tiếng. Còn đây, mang tiếng là nhà báo ở cơ quan to đùng, tứ trụ cẩn thận, mà bị đàn áp như thế vẫn phải chịu im tiếng, chẳng phải nhục sao?
Thực ra thì sau một hồi im ắng, bây giờ vụ việc đang rục rịch được đề cập đến và hy vọng sẽ được giải quyết theo một hướng nào đó. Tất nhiên là giải quyết như thế nào cũng cần phải bàn. Ông xã tôi, một người có bằng ĐH Luật (dù không làm luật ngày nào cả) thì nói rằng việc này có gì khó đâu, nhà báo Ngọc Năm kiện về việc bị đánh, thì đưa hồ sơ ấy ra tòa, tòa sẽ có trách nhiệm tổ chức xét xử, nếu nhà báo Ngọc Năm vu cáo thì sẽ xử nhà báo Ngọc Năm, còn nếu có việc đánh người thật (thì thương tích trên mình còn đó, nhân chứng vật chứng còn sờ sờ ra đó, anh ta bị đưa vào đồn lúc nào, tại sao, ai đưa vào, trên mình có thương tích gì, biên bản đâu vv) thì cứ theo luật mà áp dụng. Có gì đâu mà khó, mà cứ phải đẩy tới đẩy lui hết người này đến người kia trả lời, lúng ta lúng túng như thế?
Tôi nghĩ mọi việc không đơn giản như ông xã tôi nói được. Vì đây là việc … nhạy cảm (sao tôi dị ứng với cái từ nhạy cảm thế không biết). Nếu đã có lệnh (miệng) rằng bằng mọi giá phải giải tỏa cho được, nhưng phải làm nhanh, gọn và không gây dư luận, thì rõ ràng là lực lượng cưỡng chế thấy rằng mình phải làm mọi cách để không có bất cứ hình ảnh xấu nào lọt ra ngoài. Thì phải mạnh tay chứ sao (!). Mạnh để trấn áp kẻ dám chống lại lệnh cấm, và còn để làm nhụt chí những kẻ nào đang có ý đồ lăm le chống lệnh, chụp ảnh quay phim tung lên mạng để bôi nhọ hình ảnh của một chế độ tươi đẹp mà ta đã phải dày công tô vẽ bao lâu nay.
Chứ gì nữa, làm mạnh thế mà vẫn có ngay các video clip “xấu xa” được tung lên mạng ngay lập tức; nếu không mạnh tay thì có mà loạn à, làm sao tiếp tục giữ vững chế độ để mà kiên định trên con đường xã hội chủ nghĩa được nữa. Người VN ta vốn chung thủy mà, sao lại có thể bỏ cái khối XHCN lúc đang khó khăn thế này, ngày càng thu hẹp, chỉ còn có mấy nước anh hùng, kiên trì theo đuổi như Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều, và Việt Nam mà thôi. Vẫn cứ phải tuyên truyền đẹp lắm chứ, anh hùng lắm chứ, thời đại chúng ta, thật là vẻ vang …, y như trong bài ngày xưa, cái gì mà chị Sáu dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình, hai chị em trên hai trận tuyến … ấy.
Tóm lại, chẳng biết ai nghĩ thế nào, chứ tôi nghĩ là những vụ cưỡng chế như thế này vẫn còn tiếp tục diễn ra, và mọi người cứ nhìn vào vụ ăn đòn của mấy nhà báo vừa qua mà lấy đó làm gương. Đừng có dại mà láng cháng đến quay phim, chụp ảnh ở mấy cái chỗ cấm (bằng lệnh miệng) như thế. Đừng có mà hy vọng tranh luận, “giấy tờ đâu”, “luật có cấm không”, “tôi là nhà báo” …. Giấy với chẳng dó, luật với chả lệ, nhà báo với chẳng nhà beo …. Quên đi nhé.
Thế tại sao tôi lại vẫn muốn làm nhà báo? À, thì thế này. Tôi theo dõi vụ hai nhà báo bị đánh thì thấy có mấy phát biểu của mấy vị to to (chẳng nhớ là ai) rất đáng chú ý liên quan đến nhà báo. Ví dụ, khi bị đánh có xưng là nhà báo hay không? Rồi thì đi làm nhiệm vụ có đúng các quy định hay không? Rồi sau đó là những lời hối tiếc vì đã đánh nhầm nhà báo. Tóm lại, những lời nói đó khiến tôi cho có thể suy đoán vài điều.
Điều đầu tiên có thể suy ra là việc đánh đập dã man đó là được phép chứ không hề vi phạm gì cả. Nhưng riêng việc đánh trúng nhà báo đang đi làm nhiệm vụ đúng quy định thì cũng hơi đáng tiếc một chút, và đấy là sự nhầm lẫn. Vì dù có bưng bít thông tin đến đâu thì các cơ quan truyền thông của nhà nước cũng vẫn cần một số thông tin, hình ảnh thật để mà chế biến thành các bài tuyên truyền cho đúng chủ trương đường lối chứ. Vì dù là bài tuyên truyền, mà được viết một cách tương đối đúng nghiệp vụ – tức phóng viên phải có mặt tại hiện trường, phải có hình ảnh thật – thì hiệu quả tuyên truyền vẫn cứ cao hơn.
Như vậy có nghĩa là vẫn có một vài nhà báo được phép của cơ quan mình (không phải của lực lượng cưỡng chế) để đến những nơi nóng bỏng, nhạy cảm ấy. Tức là được trải nghiệm, được biết những sự thật thuộc loại “thâm cung bí sử”, dù rằng sau này họ viết cái gì lại là chuyện khác. Mà sự thật thì bao giờ cũng hấp dẫn đối với tôi (dù chỉ để biết thôi chứ chẳng thể làm gì, chỉ sống để bụng chết đem đi mà thôi).
Và quan trọng hơn nữa là điều này: lâu nay việc công an đánh dân ở VN, thậm chí đánh đến chết, có phải là điều gì mới mẻ nữa đâu, mà cũng có anh nào bị xử gì đâu. Chỉ có lần này đánh nhà báo mới thấy các vị tai to mặt lớn lên tiếng một chút, rồi lúng ta lúng túng xin thông cảm vì sự nhầm lẫn, thế thôi. Chứ nếu đó mà là dân ấy à, đánh thế chứ đánh nữa cũng chẳng là cái gì đâu nhá, nhá! Đừng có mà lôi thôi, bị đánh, bị đưa vào đồn công an rồi thả về thì mừng hết lớn rồi, có cho tiền cũng chẳng muốn dây vào các ông hùm ấy nữa. Có mà quỳ xuống lạy xin các ông ấy tha cho, chứ lại lôi thôi muốn kiện cáo à?
Chỉ có nhà báo mới dám kiện, dám trả lời đài địch phỏng vấn (mặc dù trả lời cũng rất kiềm chế, nhẹ hều), và nay mới thấy có lời xin thông cảm từ phía các vị quan to đấy thôi. Chứng tỏ ở VN người ta rất coi trọng nhà báo; nhà báo có quyền tự do cực kỳ cao, và được bảo vệ, được tôn trọng hết mức. Hoàn toàn không giống như luận điệu tuyên truyền của bọn phản động thù địch nước ngoài cho rằng không có quyền tự do báo chí ở VN!
Như thế, nếu tôi có muốn làm nhà báo, thì chẳng phải là hợp lý lắm sao? Cho dù nhà báo An Nam hiện nay bị người ta cho là khổ (nhục) … hơn cả chó!
http://bloganhvu.blogspot.fr/2012/05/sau-van-giang-toi-van-muon-lam-nha-bao.html
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment