Tuesday, July 17, 2012

ÔNG ĐẠI ÚY VÀ NGÀY QUÂN LỰC 19 THÁNG SÁU 1996

ÔNG ĐẠI ÚY

 

VÀ NGÀY QUÂN LỰC 19 THÁNG SÁU 1996

TẠI SÀI GÒN.
NGUYỄN KHẮP NƠI – 16 06 2009
www.nguyenkhapnoi.com


Viết theo lời kể của một Nữ độc giả ở Melbourne.
Thân tặng các chiến hữu Không Quân – nhất là các Phi công trực thăng của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa đang còn ở lại quê nhà.
Riêng tặng Đại Úy Nguyễn V S, Thiếu Úy Nguyễn Th C của Phi Đoàn 219.


Tôi vượt biện cùng vời gia đình, nhưng vẫn còn thân nhân kẹt lại ở Việt Nam. Tình gia đình là quan trọng, nên ai cũng phải tìm cách về thăm nhà, nhất là về thăm cha mẹ già yếu. Tôi nhận được thư của em tôi, nói rằng ba má tôi hồi này đã già, ưa bịnh bất tử, nên về thăm trước khi quá trễ. Đã hơn 15 năm xa xứ rồi, nên tôi cũng muốn nhân dịp này mà về thăm cha mẹ, anh em.
Năm 1996, tôi làm gan mua vé máy bay cùng đứa con gái về thăm gia đình.
Lần đầu tiên trở về Việt Nam, tôi hồi hộp lắm, không biết chuyện gì sẽ xẩy ra? Xuống tới phi trường Tân Sơn Nhứt, nhìn một dọc những gương mặt công an đằng đằng sát khí đứng xếp hàng đằng trước, tôi hoảng quá, muốn lên máy bay trở lại Úc, nhưng máy bay đã bay đi mất rồi, chỉ còn nước chịu đựng.
Tới phiên tôi gặp người công an coi giấy tờ nhập cảnh. Ông ta chẳng nói năng gì cả, mặt khó đăm đăm, cứ lật qua lật lại cuốn sổ thông hành của tôi. Mặc dù tôi nghe lời chỉ dậy của những người đi trước, cũng đã kẹp vào trong cuốn sổ thông hành một tờ giấy thông hành khác có hình“$US” rồi, vậy mà tôi vẫn còn rung. Khi thấy giấy tờ thông hành đó rồi, ông này mới mở miệng hỏi tôi:
-“Về đây làm gì?”
Làm cho tôi đâm hoảng, trả lời không suy nghĩ:
-“Về . . . chơi!”
-“Trước đây làm gì?”
-“Trước đây là hồi nào?”
-“Trước bẩy mươi nhăm”
-“Ờ. . . thì . . . ở nhà, làm . . . nội trợ”
-“Nội chợlà cái gì?”
Tôi đã mở miệng, tính nói thiệt là . . . “Làm vợ lính”
Nhưng kịp thời ngậm miệng lại.
Ra khỏi phi trường, tôi đứng hú hồn hú vía một hồi mà vẫn chưa tỉnh, tới nỗi chị em tôi ra đón kêu réo om xòm mà tôi cũng không nghe.
Gặp lại ba má, tôi mừng hểt sức, nói hoài không hết chuyện. Ông bà gặp đứa cháu ngoại sanh ở bên Úc, cứ ôm cháu mà nựng. Nhưng mặc cho ông bà hỏi chuyện, nó cứ đứng cười thôi, vì đâu có hiểu ông bà ngoại nói cái gì đâu mà trả lời?
Mấy hôm sau, tôi đưa gia đình đi ăn tối, lúc ra về, hai mẹ con tôi xin về sau, rồi cùng thả bộ dọc theo bờ sông Sài Gòn hóng mát. Đi một hồi, tôi đã mỏi chân lắm rồi, nhưng con tôi vẫn còn muốn đi bộ nữa, vì đối với nó, thành phố Sài Gòn vẫn rất là khác với những thành phố ở bên Úc. Khi nhìn thấy những chiếc xe xích lô, con tôi lại càng lấy làm lạ hơn nữa, đòi được leo lên xe chạy cho biết.
Tôi đưa tay ngoắc một chiếc xe gần đó. Xe chưa ngừng hẳn thì con tôi đã thót lên xe ngồi rồi, tôi chỉ còn kịp nói với người lái xe:
“Ông làm ơn chở má con tụi tui đi vòng vòng quanh thành phố một hồi nha”
Rồi bước lên xe, vì sợ con gái không biết ngồi, sẽ bị té. Ông lái xe chắc là cũng đã quen với cảnh này, lẳng lặng đạp xe đi. Đi cả giờ đồng hồ, vừa xem phong cảnh, vừa hóng gió, hai mẹ con tôi mới về tới nhà.

Xuống xe, tôi đưa tiền ra trả, chợt nhớ ra rằng mình đã quên không hỏi giá trước khi lên xe. Người lái xe lui cui móc tiền thối lại, tôi vội lên tiếng:
“Tôi không biết ông sẽ thối lại bao nhiêu, nhưng cho tôi được tặng ông đó! Nẫy giờ con tôi đòi chạy tới chạy lui, chắc làm cho ông mệt dữ đó!”
Người lái xe lên tiếng:
“Cám ơn bà, bà tử tế quá!”
Giọng nói của người lái xe nghe thật quen thuộc, nhưng tôi không nhớ là đã nghe giọng nói này ở đâu? Hồi nào? Tôi ngước mặt lên nhìn ông ta:
Người lái xe dáng cao cao, đội cái nón ca lô của không quân cũ lệch qua một bên, cái áo lính cũng đã cũ, vá nhiều mảnh. Tôi nghi đã có gặp qua người này rồi, nhưng bất chợt nên không nhớ ra, nên đã nói với ông ta:
“Tôi nghe giọng nói của ông, quen lắm, nhưng chưa nhớ ra”

Người lái xe nhìn lại tôi, tôi chợt thấy cặp mắt của ông ta chớp chớp, rồi ông quay đầu xe, thót lên yên đạp đi, không nói một lời nào. Tôi nhìn theo ông, chợt nhớ ra, vội vàng kêu lên:
“Đại Úy! Đại Úy Sân, phải không?”
Người được kêu là Sân ngưng đạp, ngồi bất động trên xe xích lô. Một lúc sau, ông ta mới trả lời tôi, thật nhỏ:
“Phải là chị Mi, vợ của Thiếu Úy Cường đó không?”
Tôi mừng quá, dắt con chạy lên ngang với người lái xe, cũng nói nhỏ vừa đủ nghe:
-“Dạ đúng rồi đó, Đại úy, tôi là Mi nè! Đại úy còn nhớ vợ chồng tui hả? Tại sao Đại úy còn ở Việt Nam? Tụi tui tưởng Đại úy qua Mỹ lâu rồi chớ!”
-“Chuyện xưa quá rồi, tôi quên rồi . . . Mà chị đừng gọi tôi là Đại úy nữa!
Hết từ lâu rồi!
Cho tôi gởi lời hỏi thăm anh Cường nhe!”
Nói rồi ông đạp xe bỏ đi. Tôi vội chạy theo:
“Đại . . . Ông Sân, chồng tôi sẽ về sau, xin ông cho tôi địa chỉ, bữa nào vợ chồng tôi đến thăm ông. Bề gì ông cũng là cấp chỉ huy của chồng tôi hồi còn ở Phi Đoàn 219 đó mà.”
Chợt nghe tôi nhắc tới Phi Đoàn 219, người lái xe vội thắng xe lại, nhìn tôi:
-“Phi đoàn 219? . . . Còn ai không?
Chị có gặp những ai ở bên đó không?”
-“Có chớ Đại . . . Có chớ! Nhiều lắm! Ở bên Úc có Đại úy Kha, Thiếu úy Dzu, tôi gặp mấy ông đó thường lắm.”

Ông Sân ngồi trầm ngâm trên yên xe, cặp mắt nhìn về phía xa xa, chắc là ông đang nhớ lại từng khuôn mặt bạn bè ngày xưa.
Một lúc sau, ông Sân mới nhìn trở lại hai mẹ con tôi, giọng thật là buồn:
-“Tôi ở xa lắm, không tiện cho anh chị tới đâu! Bến xe của tôi ở chỗ chị đã gọi tôi hồi nẫy đó. Khi nào anh chị muốn kiếm tôi, cứ lại đó hỏi tên tôi là có.”
-“Ngày mai là anh Cường sẽ tới đây, vậy tối mai tụi tui cũng tới chỗ đó, lúc 7 giờ tối, được không ông Sân?”
-“Rồi, mai sẽ gặp!”
Hôm sau, chồng tôi mới về tới nhà. Tôi nói vừa mới gặp ông Đại Úy Sân, Cường- chồng tôi – tưởng ông ta cũng từ Mỹ về chơi, liền hỏi tới:
“Ông Đại Úy của tui hả! Vui quá, ổng cũng từ Mỹ về chơi hả, em có xin địa chỉ của ổng để mình tới thăm hông?”
Tôi kể lại mọi chuyện, Cường nghe xong, vẫn không tin, hỏi lại tôi:
“Em nói chơi hay nói dỡn vậy?”
Tôi không còn cách nào, phải kêu con gái tôi ra, hỏi nó về người lái xe xích lô có đội cái nón ca lô trên đầu, đã nói chuyện với hai mẹ con tối hôm qua. Tới lúc con tôi nói rõ là tôi có kêu ông đó là . . .
“Some thing . . . Đai Uy”
Cường mới chịu tin, nhưng vẫn cứ thắc mắc: Tại sao ông Sân còn ở đây?
Nguyên ngày, Cường cứ đi tới đi lui suy nghĩ, mới dợm tối đã hối tôi sửa soạn đi kiếm ông Sân.
Tới bến xe kế bên bờ sông, tụi tôi đi tới đi lui rồi kiếm một băng ghế ngồi chờ một hồi thì thấy ông Sân đang đạp xe về bến. Từ xa, Cường nhìn chăm chú vào người lái xe, nhìn dáng điệu, nhìn gương mặt, nhất là nhìn cái mũ calô ông đội trên đầu. Một lúc sau, Cường mới nắm chặt tay tôi, giọng nói thật chắc ăn:
“Đúng ổng rồi!”
Chiếc xe tới đậu tại bến, tôi và Cường đi từ từ tới chỗ ông Sân. Ông đã nhìn thấy tụi tôi, ông ngồi lặng trên yên xe, nhìn Cường không chớp mắt. Cường cũng đứng lặng nhìn ông. Một lúc sau, ông Sân mới nhẩy khỏi yên xe và Cường cũng chạy vội tới. Hai người lính cũ gặp lại nhau, bắt tay nhau, ôm lấy vai nhau, rưng rưng nước mắt.
Tôi nghe họ kêu tên nhau:
“Đại Úy Sân, ông đó hả?”
“Thiếu Úy Cường . . . Cường phải không?”
Tôi đứng xớ rớ, không biết làm gì, tính lên tiếng mời cả hai đi kiếm chỗ nào ăn tối nói chuyện, thì cả hai đã cùng bật lên tiếng cười thật lớn, thật vui vẻ.
Ông Sân nói lớn với những người lái xe chung quanh:
“Tôi gặp lại bạn hiền, nghỉ xe tối nay nhe!”
Rồi ông Sân quay lại phía vợ chồng tôi, nói nhỏ:
“Lâu quá mới gặp nhau, tôi mời cả hai đi uống nước, lên đây tôi chở đi luôn.”
Tôi muốn kiếm chỗ nào kha khá thân mật một chút, nhưng ông Sơn đã gạt đi, nói rằng đến chỗ nhà hàng của đám xích lô, nói chuyện dễ dàng hơn. Quả đúng như vậy, quán ăn này không xa bờ sông Sài Gòn là mấy, nhưng rất đông khách, khách nào cũng có một chiếc xe xích lô đậu kế bên.
Ông Sân kéo ghế cho chúng tôi ngồi, tự động với bình nước rót cho cả ba, cười nói rổn rảng:
-“Chỗ này toàn là . . . phe ta cả đó! Muốn nói chuyện gì cũng được, nói thả dàn!”
-“Hơn hai chục năm rồi, lẹ quá, Đại Úy! Nhìn ông vẫn ngon lành như xưa!”
-”Bằng ngày xưa sao được!”
-“Nhưng mà, ít nhất, ông vẫn còn cái nón Không Quân trên đầu, chỉ thiếu chiếc trực thăng thôi.”
Ông Sân vỗ vỗ vào sườn xe xích lô, cười rạng rỡ:
-“Đây nè . . . trực thăng của tôi đây nè!”
Qua khói thuốc lá, ông Sân chậm rãi kể lại chuyện đời của ông:
“Phi đoàn mình đuợc lệnh không chính thức là bay qua Utapao hoặc ra biển. Tôi về nhà thu xếp đưa vợ con và bà mẹ cùng đi. Không may cho tôi, mẹ tôi đã quá già, lại bịnh hoạn nữa. Mẹ tôi nói:
“Mẹ đi xe hơi thì được, chứ ngồi trên trực thăng thì không nổi đâu! Chưa tới nơi thì đã chết rồi. Thôi hai con di đi, để mẹ ở lại. Đằng nào mẹ cũng chết, thà chết ở Việt Nam còn hơn là chết tha phương!”
Tôi dành lòng nào bỏ mẹ lại một mình! Thôi thi mẹ con có nhau, ở lại chưa chắc đã chết.
Qua ngày 30, ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, anh em chạy tứ tán. Cả gia đình tôi di tản về Cần Thơ làm ăn. Khi được lệnh trình diện, tôi khai là . . . Hạ Sĩ thợ máy, nên chỉ học có 10 ngày rồi về.
Tôi đi chỗ này chỗ kia, vừa lo buôn bán vừa dòm tới dòm lui coi anh em còn ai không?
Tới khi mẹ tôi mất, chôn cất mẹ xong rồi, vợ chồng tôi mới kiếm đường vượt biên. Tìm đường hoài, đi hai ba lần không thoát, cạn vốn hết trơn. Lần vượt biên kế, hy vọng lắm, nhưng vẫn xui xẻo cho vợ chồng tôi: Đêm đổ bãi thì vợ tôi lại mang bịnh, không thế nào đi nổi. Chuyến đi đó trót lọt nhưng không có mặt hai vợ chồng tôi. Vốn liếng không còn, người chủ tầu cũng đi mất rồi, tôi cũng ráng “Binh” đủ kiểu, vét hết tiền bạc đánh cú chót. Cái xui vẫn đeo đuổi tôi, mới leo lên ghe nhỏ thì bị bắt cả đám. Nằm khám gần một năm mới được thả ra. Tôi nghĩ, mình không có số đi ngoại quốc, nên an phận ở lại “Chọn nơi này làm quê hương.
Cũng vì cái gốc . . . Hạ Sĩ, mà tụi nó không có đụng chạm gì tới tôi cả, yên cái thân già.
Ở Cần Thơ khó sống, tụi tôi mò về Sài Gòn. Tôi đạp xích lô sống qua ngày, vợ tôi buôn bán lai rai, cuộc sống cũng tạm gọi là có ăn có mặc.”
-“Sao ông không xin đi theo chương trình “HO”?
-“Muốn đi theo “HO” phải học tập ít ra từ một tới ba năm ở trại tù cải tạo. Tôi đâu có học tập cỡ đó đâu? Hơn nữa, tôi đã lỡ khai là Hạ Sĩ rồi, làm sao mà khai lại được? Thôi, cái số của mình nó là như vậy, không đòi hỏi gì nữa!
Thôi, mình kêu anh em như xưa đi, đừng . . . ông nữa, nghe kỳ lắm!”
Hai anh em cụng ly đầy ly vơi, uống với nhau thật sảng khoái.
-“Anh em mình còn lại nhiều không, anh Sân?”
-“Cũng cỡ vài chục, đủ mọi binh chủng.”
-“Vợ chồng tôi muốn được gặp lại anh em, nói chuyện ngày xưa với nhau, anh nghĩ sao? Anh có thể giúp. . . tập họp anh em đuợc không? Anh có chỗ nào tiện lợi không?”
-“Nếu chú mày đã có lòng như vậy thì anh đây đâu có từ chối! Để vài ngày cho tôi đi hú anh em. Có một nhà hàng, cũng của một thằng phi công.
Tay nàyđi học tập đã đời, về nhà kiếm đường vượt biên không xong, chán quá, mở quán chiêu đãi anh hùng hào kiệt tứ xứ. Anh em mình tới đó cũng đông lắm”.
Mấy bữa sau, anh Sân dạp xe tới cho hay, đã tụ họp đủ anh em, vào tối mai, ở tại nhà hàng đường Phan Đình Phùng cũ.
Phe ta tới khoảng bẩy chục mạng. Chủ quán có phong độ y như . . . lính Không Quân ngày xưa, cũng vẫn đẹp trai, vẫn ngang tàng, khí phách. Được dịp gặp nhau nói chuyện xưa, ai cũng vui vẻ như là họp nhau ngày Quân Lực 19 tháng Sáu ngày nào.
Một anh lính, uống hết ly mới chợt nhớ ra:
“Anh em, bây giờ cũng là Tháng Sáu vậy! Có điều không phải ngày 19 thôi.”
Một người khác chen vô:
“Ăn thua gì, miễn là trong Tháng Sáu là được rồi. Anh em mình có đủ mặt hết ở đây, Cứ coi như là “Ngày Quân Lực” của mình cho năm 1996 đi, nghe được hông?”
-“Vậy thì còn đợi gì nữa! Cụng ly đi!”
Tất cả cùng đưa ly lên:
“NGÀY QUÂN LỰC – DZÔ”
Một anh đưa ra cây đàn ghi ta cũ sì, không giống một cây đàn nào ở trên thế giới cả. Anh trìu mến nhìn cây đàn:
“Cây đàn này do tôi tự chế hồi còn ở tù cải tạo. Độc nhất vô nhị đó! Sống thì đờn cho anh em nghe, chết sẽ chôn theo đó!”
Cả bọn nhao nhao lên đòi xem. Ai cũng tấm tắc khen cây đàn bằng ván ép gò lại bằng tay, có chạm trổ chung quanh thật là tinh vi và tài tình. Đúng là độc nhất vô nhị!
Nguời nghệ sĩ đa tài đợi cho mọi người im lặng, anh nhẹ nhàng đưa tay lên phím đàn, cất giọng hát trầm ấm:
“Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền,
người trai đi viết câu chuyện một chuyến bay đêm . . .”
Cả hội quán đang ồn ào, bỗng nhiên im lặng. Tất cả cùng ngồi nghe, không môt ai nhúc nhích.
Không gian thật là tịch mịch, y như là lúc chỉ có một mình mình trong phòng lái.
“Bạn bè dù cách xa nào hay,
Tình nàng chưa nói nhưng mà say.
Giai nhân hỡi khóe mắt em u hoài
Theo tìm trong chuyến bay. . .”
Lâu lắm rồi. Đúng vậy, đã lâu lắm không ai còn dịp gặp lại ai nữa! Không ai biết bạn bè mình hiện còn sống hay đã chết?
“Có người hỏi phi công ước mơ gì,
Người ơi nhân thế muôn màu, nào biết mơ chi?”
Biết chứ, tôi biết bạn ước mơ chi chứ! Bạn đang mơ đến một ngày, anh em trong phi đội về Việt Nam họp mặt đầy đủ, trong tiếng nhạc quân hành . . .
“Bạn có biết chuyện này, Tôi ghi lúc vũ trụ còn ngủ say. . .”
Tiếng hát của người ca sĩ đã dứt từ lâu, nhưng khán giả thì vẫn như còn đang muốn nghe tiếp, nghe mãi. . .
Họ không phải chỉ nghe bài hát đâu! Họ đang . . . bay đấy!
Người chủ quán đập đập tay vào thùng đàn . . .
Mọi người như choàng tỉnh, tiếng vỗ tay nổi lên vang dội.
Anh em đã hạ cánh về trần thế trở lại rồi.
Đủ mọi tiếng ồn ào lại tiếp tục vang lên. Đủ thứ chuyện cũ đem ra mà kể cho nhau nghe. Có những chuyện ngày xưa chưa từng nói, có những cô bồ đã dấu kín ban bè vợ con ngày đó, bây giờ mới đem ra mà kể . . . chuyện cũ mà!
Một ông nói bô bô:
-“Anh em còn nhớ Đại Úy Khánh hay không?”
“Nhớ chớ, nhớ chớ!”
“Ổng ở bên Úc với tụi tui đó!”
Ông vừa hỏi khoát tay xin anh em yên lặng:
Để tôi kể tiếp cho nghe!
“Hồi đó, ổng huấn luyện tụi tui. Bữa đó, tôi thi lái lần cuối, có ổng kế bên, tôi bay ngon lành lắm. Tới khi đáp xuống, hổng biết quỷ ám sao đó mà tôi quờ quạng nắm cần tùm lum đẩy tới bẻ lui làm sao mà trực thăng . . . rớt xuống một cái “RẦM”
Tôi cũng xỉu, ổng cũng xỉu.
Đem về tới quân y viện, máu me ổng chẩy tùm lum, hết thở rồi. Bác Sĩ khám hoài không thấy hơi thở, cho ổng xuống nhà xác nằm chờ, báo tin cho vợ lên nhận xác chồng.

Hôm sau bà vợ mới lên tới nơi. Vào nhà xác, bả thấy ổng nằm một đống, bả thương cảm quá, ôm lấy xác chồng mà khóc mùi mẫn, khóc suốt một ngày trời.
Bả khóc quá, bả kêu tên ổng quá trời:
“Anh ơi . . . Sao anh đành bỏ em
Để ra đi một mình . . .”
Bả kêu tới nỗi ổng đi rồi còn phải về nghe bả nói cái gì? Ổng mở cặp mắt ra mà hỏi:
“Cái gì vậy? Bà làm cái gì mà um xùm vậy?”
Bà mừng quá, vội chạy ra ngoài la hét om xòm kêu y tá, kêu bác sĩ, kêu trời, kêu đất, kêu đủ mọi người tới cứu ổng.
Y tá tới, thấy ổng tỉnh lại rồi, lấy cáng khiêng ổng trở lại phòng cấp cứu. Bác sĩ khám nghiệm lại, xé bỏ tờ giấy khai tử. Chắc là bác sĩ cũng có gọi điện thoại cho Diêm Vương xin điều chỉnh luôn rồi, cho nên từ đó trở về sau, chỗ nào ổng cũng bay, phòng không bắn cỡ nào cũng hổng trúng ổng.”
Mọi người cười lớn, khen ông lớn mạng, ít ra lớn mạng hơn Thiếu Tá Anh. Một người khác, thối mồm, nói chen vô:
“Bởi vậy, cũng từ đó, Không quân mất một thằng bay bướm. Nó bay xong là về nhà trình diện vợ liền, chứ không có . . . “Tung cánh bay tìm về tổ em bé” nữa!”
“Ông Phước “Răng đồng”, xếp của tụi mình đó, ổng có biết chuyện này hông?”
“Ai mà biết! Qua Mỹ mà hỏi, ổng nghe nói đang ở bển đó!”
Ba năm sau, tôi mới có dịp trở về Việt Nam, vợ chồng tôi có tới bến xe ở bờ sông Sài Gòn để tìm lại anh S, người bạn không quân thủa nào, nhưng rất tiếc, đã không gặp được anh. Chúng tôi cũng có trở lại quán ăn ngày nào ở đường Phan Đình Phùng, quán cũng đã có chủ mới.
Có thể, những người bạn của tôi đã đi viết một câu chuyện khác, về một chuyến bay đêm khác:
Bạn có biết chuyện này?
Đến nay, mỗi lần tới Ngày Quân Lực, tôi lại chạnh lòng nhớ lại đêm hội ngộ của anh em lính chiến QLVNCH vào năm 1996 ở Sài Gòn ngày nào, mà lần đầu tiên, một người vợ lính như tôi đươc tham dự . . .
Viết theo lời kể của một người vợ lính. Tên của Đại Úy Sân, Thiếu Úy Cường và những nhân vật khác trong truyện, chỉ là tên gần đúng. Vì tôi không gặp lại họ, tôi không dám để tên thật. Nhưng quý vị trong phi đoàn 219 chắc chắn sẽ đoán ra, họ là ai?
Hình chụp lấy từ trong website của Phi Đoàn 219.
NGUYỄN KHẮP NƠI.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link