Tuesday, July 2, 2013

Định hướng Trung Quốc?


 

Định hướng Trung Quốc?

Alan Phan

Đồng Đăng đây, nọ Bình Tường

Song song đôi mặt như gương với hình

Bên ni biên giới là mình

Bên kia biên giới cũng tình quê hương… (Thơ Tố Hữu)

Trong cuộc phỏng vấn ngày 19/6/2013 với RFI, và trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ trước đó, G/S Carl Thayer đã phân tích và kết luận là Việt Nam đã chọn Trung Quốc làm đối tác chiến lược căn bản, nhất là trong các vấn đề chính trị và kinh tế; do đó, vai trò của Âu Mỹ sẽ mờ nhạt tại Việt Nam trong tương lai.

Các diễn biến gần đây cho thấy GS Thayer khá chính xác trong việc chẩn mạch.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên bố là quan hệ Việt-Trung đã đi vào một bước ngoặt mới rất tích cực sau chuyến viếng thăm của Chủ tịch nước Việt qua Trung Quốc.

Dù là viên tướng Bắc Việt đầu tiên thăm Ngũ Giác Đài, Tổng tham mưu trưởng Đỗ Bá Tỵ đã minh định rõ quan điểm của mình trước đó, “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông. Mối tình hữu nghị Việt-Trung, tài sản vô giá do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông sáng lập và dày công vun đắp đã ngày càng phát triển mạnh mẽ và được nâng lên thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.”

Nhiều bạn BCA hỏi thăm về hệ quả của bước ngoặt này trong nền kinh tế tài chánh sắp đến. Nếu Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ không xảy ra, liệu kinh tế Việt Nam có phục hồi vào 2015 như dự đoán?

Những ngành nghề và phân khúc thị trường nào sẽ phát triển, và ngược lại? Thành phần nào sẽ hưởng lợi, và ngược lại? Liệu môi trường vĩ mô có giúp cho các doanh nghiệp tư nhân hay ngược lại? Chúng ta nên đầu tư tiền nhàn rỗi vào đâu?

Con đường mới
Trước hết, xin thưa rõ là tôi sẽ không bình luận gì về ảnh hưởng của sự lựa chọn này trên địa chính trị hay các uẩn khúc phía sau. Đây là vùng cấm kỵ và tôi cũng không có thông tin ngoài luồng nào. Nếu thuần túy nhìn về khía cạnh kinh tế thì tôi cho rằng đây là một quyết định tích cực.

 Tôi luôn than phiền về “con thuyền không bến” của một nền kinh tế “dở dở ương ương”, nửa thị trường nửa xã hội nửa tả pín lù. Ít nhất, các nhà lãnh đạo xứ này đã không còn giẫm chân tại chỗ và quyết định lái chiếc xe ra khỏi bùn lầy và đi về hướng… Trung Quốc. Đi đâu thì đi, nhưng chúng ta sẽ được … chuyển dịch.

Đây là một con đường mới, vì Trung Quốc không theo nền kinh tế thị trường của toàn cầu hay có định hướng XHCN như Việt Nam ta. Nền kinh tế chính trị Trung Quốc được mô tả như là một mô hình… có tính chất Trung Quốc… nói nôm na là… chủ nghĩa Đại Hán đại đồng (không khác gì lắm với chiêu bài Đại Đông Á của phát xít Nhật vào thế chiến thứ 2).

Thực ra, kinh tế Trung Quốc rất tư bản (kiểu hoang dã và bè nhóm), không có định hướng xã hội dù vẫn trưng cờ CS và cũng không là kinh tế do thị trường quyết định mà là do sự vận hành tùy tiện của quan chức Trung Ương và địa phương.


Ảnh hưởng của Trung Quốc
Vì chúng ta đi theo con đường Trung Quốc thì viễn cảnh của mọi ngành và mọi người sẽ không khác xa với Trung Quốc bao nhiêu.

 Bức tranh tổng thể của một Việt Nam đi sau Trung Quốc 15 năm sẽ được sao chép giống một tỉnh trung bình của Trung Quốc vào 2000, với nhiều tiến bộ hơn về IT và mậu dịch, nhưng cũng nhiều tổn hại hơn về môi trường và an toàn thực phẩm.

Cái lợi lớn nhất khi hai kinh tế Việt-Trung hội nhập là sự ổn định của chánh sách. Dường như mọi doanh nhân đều hiểu các quy trình hành chánh và liên hệ chánh trị cần có cho những phi vụ, từ doanh nghiệp nhà nước đến công ty tư nhân.

Như cái bánh khi hoàn tất (hay chưa hoàn tất), các phần chia chác cho khách ẩm thực đã được quyết định từ trước. Không gì bất ngờ.

Cái hại lớn nhất là hàng hóa và đầu tư Trung Quốc sẽ tràn ngập, tỷ lệ mậu dịch và gia công sản xuất sẽ lớn hơn con số 80% hiện nay. Doanh nhân Việt nam sẽ giữ vai trò lép vế và phần bánh lớn nhất sẽ thuộc về doanh nhân Trung Quốc. Quan trọng hơn, Trung Quốc có thể xuất khẩu “ô nhiễm môi trường” qua Việt Nam, trước hết bằng những công nghệ lạc hậu và sử dụng nhiều năng lượng.
Tệ hại hơn nữa là sự “rút ruột” những tài nguyên như lâm sản, khoáng sản và nông hải phẩm. Trong khi đó, các thương hiệu của thực phẩm Việt Nam có thể bị hoen ố như Trung Quốc trong các thị trường xuất khẩu Âu Mỹ.


Phân khúc và thành phần hưởng lợi
Giống như Trung Quốc, những ngành nghề thăng hoa trong nền kinh tế này sẽ gồm các doanh nghiệp nhà nước, các dự án khủng có chánh phủ bảo kê, các ngân hàng và định chế tài chánh, các công ty BDS, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, lâm sản, các hãng cung cấp dịch vụ viễn thông, các nhà sản xuất công nghiệp có ưu tiên về độc quyền hay liên hệ…

Với sự tiếp tay của các tập đoàn lớn Trung Quốc, nhiều doanh nhân Việt trong các ngành nghề nói trên sẽ kiếm tiền nhiều hơn (Forbes sẽ đăng cai thêm vài ông bà tỷ phú đô la). Nhập siêu vẫn cao vì phần lớn kỹ nghệ Việt có bản chất là gia công, tuy nhiên thị trường lớn của Trung Quốc cũng sẽ hấp thụ thêm rất nhiều hàng Việt.


Ngành du lịch cũng sẽ hưởng lợi vì doanh nhân Trung Quốc sẽ tự tay khai thác thị trường này qua các tours dành cho du khách Trung Quốc. Bù lại, du khách Âu Mỹ sẽ rút lui vì họ thường “kỵ đụng độ” với du khách Tàu. Tóm lại, số lượng khách sẽ đông hơn nhiều nhưng chất lượng khách sẽ giảm mạnh.


Những ngành nghề bị thử thách
Trong một nền kinh tế mà DNNN và các nhóm lợi ích chi phối, những doanh nghiệp nhỏ lẻ tư nhân (SME) sẽ không cạnh tranh nổi để thu hút các nguồn lực như tài chánh, thị trường, nhân sự, giấy phép… và sẽ nắm một vai vế thứ yếu.

Ngoài những doanh nghiệp làm việc trực tiếp cho chánh phủ và Trung Quốc, các ngành nghề sản xuất cũng như dịch vụ sẽ không phát triển nổi.

Số người khởi nghiệp kinh doanh sẽ ít dần và môi trường nuôi dưỡng sáng tạo trên thương trường sẽ bị bào mòn.

Nền kinh tế Việt sẽ tiếp tục xếp hạng cuối tại ASEAN về thu nhập cá nhân, về khả năng cạnh tranh, về thị phần quốc tế, về hiệu quả đầu tư… so với các nước láng giềng. Vời Trung Quốc, chúng ta sẽ giữ khoảng cách 15 năm sau họ.

Nông nghiệp có thể phát triển mạnh hơn nhờ đầu tư Trung Quốc; tuy nhiên, tỷ lệ lợi nhuận cho nông dân có thể giảm khi các thương lái Trung Quốc kiểm soát thị trường. Vả lại, nông nghiệp không phải là điểm mạnh của nền kinh tế Trung Quốc.

Môi trường sống
Mối quan tâm mà các chuyên gia kinh tế phải cảnh báo là vấn đế an toàn thực phẩm và nạn ô nhiễm toàn diện trên không khí và các nguồn nước. Đây là vấn nạn lớn nhất của Trung Quốc vì chánh phủ Tàu không cách nào giải quyết được. Việc tạm ngưng các giấy phép kinh doanh cho những doanh nghiệp Trung Quốc gây ô nhiễm nặng sẽ đẩy họ đi tìm những quốc gia “dung thứ” cho những lạm dụng này. Việt Nam, Kampuchia và Lào là 3 nơi gần nhất.


Trong khi đó, có thể nói “thế lực thù địch” lớn nhất của chế độ và xã hội Trung Quốc không phải là Mỹ hay các nhà đối lập. Đó là sự an toàn thực phẩm. Các cha mẹ có con trẻ phải bay qua các nước Nhật, Hàn, Thái Lan hay Hong Kong, Macau… để khuân sữa bột về.

Các tầng lớp có tiền than phiền hàng ngày trên những blogs cá nhân là họ không còn thưởng thức hương vị của bất cứ món ăn gì… vì sợ. Sự bất an do hóa chất, nguyên liệu đểu, cách pha nấu, vi phạm luật nhờ “lại quả”… gây ra trên thực phẩm là một sự bất an chia đều trên mọi thành phần dân chúng (già trẻ lớn bé, nam nữ giàu nghèo). Cái stress hiện diện 3, 4 lần mỗi ngảy sẽ hủy hoại tinh thần những con người mạnh mẽ nhất.


Trên hết là sự hiện diện liên tục của nền văn hóa tham lam, vô cảm và giả dối trên mọi hành vi xử thế; cũng như tư duy lợi ích cá nhân luôn đặt lên trên luật pháp và xã hội. Một xã hội như vậy sẽ kéo dài đến bao lâu? 92 năm đã qua từ ngày Mao sáng lập đảng CS Trung Quốc. Liệu các lãnh đạo hiện tại có thể kéo dài tuổi thọ thêm 92 năm nữa? Nếu được, đó sẽ là một phép lạ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại…
A. P.
Nguồn: http://www.gocnhinalan.com/bai-tieng-viet/nh-hng-trung-quc.html


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link