Tuesday, January 12, 2016

Chế độ độc tài có chống được tham nhũng?

 

Chế độ độc tài có chống được tham nhũng?  

Nguyễn Đình Ấm

Huyên thuyên thế nào rồi lại quay về chuyện chống tham nhũng, anh bạn tôi mang hàm tiến sĩ thốt lên:
– Trung Quốc chống tham nhũng mạnh thật, đúng là không trừ ai.
Đây không biết là lần thứ bao nhiêu tôi nghe được nhận định này từ thường dân đến giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà báo… và không khỏi thoáng chút buồn về nhận thức xã hội của họ, nhất là những người mang hàm nọ, cấp kia.
“Tập quyền tham nhũng” 
Khi nói đến sự tồn tại của một đảng phái, chế độ thì phải xét đến lý tưởng chính trị và nền tảng vật chất của nó. Một chế độ dân chủ đa đảng thì người lãnh đạo do dân bầu lên trong sự cạnh tranh giữa các đối thủ, quyền uy của lãnh đạo phụ thuộc mức tín nhiệm của nhân dân. Mà muốn được nhân dân tín nhiệm thì lãnh đạo từ trung ương đến địa phương phải làm sao cho giang sơn, tổ quốc được vẹn toàn, nhân dân phải được tự do, bình đẳng, làm chủ đất nước, địa hạt, kinh tế, văn hóa, mức sống… phải phát triển tương xứng với khả năng của quốc gia, xứ sở đó. Khi vận động tranh cử chức lãnh đạo ở chế độ dân chủ người ứng cử phải trình bày, hứa làm những việc gì có lợi cho dân, cho nước, khi tại vị họ phải giữ gìn phẩm hạnh, làm những việc tốt đẹp đã hứa giữ uy tín cho bản thân và đảng phái mình để được dân bầu lại. Ở chế độ đa đảng thì đảng cầm quyền bị các đảng đối lập, báo chí tư nhân “soi” từ chân tơ, kẽ tóc, cơ quan luật pháp trung lập (không bị đảng nào lãnh đạo, thao túng) chỉ bảo vệ lẽ phải nên tham nhũng vẫn có nhưng rất khó và ít.
Ngược lại, chế độ độc tài giới lãnh đạo tồn tại không phải từ tín nhiệm của nhân dân mà bằng tranh đoạt bạo lực (“cướp chính quyền”), nền tảng vật chất gồm lợi ích quốc gia đất đai, rừng, biển, khoáng sản, các doanh nghiệp trọng điểm, thuế, phí… Thâu tóm tất cả tài nguyên, của cải quốc gia, giới cầm quyền chế độ độc tài ban phát, nuôi dưỡng lực lượng vũ trang, thiết thập trại giam, nhà tù trước hết là bảo vệ họ, trấn áp mọi phản kháng đối lập để giữ quyền cai trị mãi mãi. Để khống chế nhân dân trong lĩnh vực tư tưởng, chế độ độc tài áp dụng một nền giáo dục đào tạo “công cụ” phục vụ, bảo vệ chế độ, tổ chức hệ thống tuyên truyền độc quyền từ trung ương đến địa phương gồm tất cả cơ quan truyền thông đài phát thanh, truyền hình, các báo, tạp chí, các cơ quan tuyên truyền, các đội lưu động từ trung ương đến địa phương, hệ thống loa phường, xã, ấp cùng bộ máy giả dân như quốc hội, mặt trận, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, công đoàn, cựu chiến binh… gọi là “đại diện nhân dân” nhưng tất cả do đảng độc tài lãnh đạo, quốc hội thì do “đảng cử, dân bầu”, thành phần hầu hết đảng viên để trước hết phụng sự chế độ độc tài. Tất cả bộ máy tuyên truyền, giả dân “định hướng” tư tưởng để nhân dân không biết mình có quyền gì chỉ tuyệt đối phục tùng chế độ độc tài như một “đàn cừu” (lời GS Ngô Bảo Châu).
Như vậy, ở chế độ độc tài hàng chục, trăm triệu thậm chí hàng tỷ nhân khẩu thì cũng chỉ là những đám đông không có thứ phương tiện gì để kiểm soát, khống chế mọi ham muốn của nhà cầm quyền từ phường, xã đến tỉnh, huyện, trung ương. Tức người dân không có gì để quan chức chế độ độc tài phải kiêng nể. Hiện tượng hàng loạt vụ án bị xử oan, tồn đọng hết năm này qua năm khác, vô số những vụ oan sai bị hại phải đi kiện cáo, tố cáo tham nhũng, lộng hành cả 10, thậm chí 50 năm. Những đoàn dân oan lang thang đi thỉnh cầu suốt năm này qua năm khác ở các thành phố, thủ đô nhưng báo chí quốc doanh ngoảnh mặt, không được nhà cầm quyền độc tài nghiêm túc xem xét, giải quyết, tức “…vô cảm trước dân tăng hơn và lan rộng” (lời PCT nước Nguyễn Thị Doan), những vụ tham nhũng quá trắng trợn như Vinashin, Vinalines, Agribank hàng trăm ngàn tỷ đồng…
Nhà cầm quyền chế độ độc tài không có động lực để buộc phải đoái đến người dân vì họ không có quyền sử dụng lá phiếu hay luật pháp để phế truất lãnh đạo như chế độ dân chủ, đa đảng. Chính vì vậy đây là môi trường lý tưởng để quan chức chế độ độc tài tha hồ thỏa mãn dục vọng mà ít sợ bị phanh phui, trừng phạt.
Ở chế độ độc tài quan dưới chỉ còn sợ quan trên vì chỉ có quan trên ban phát chức tước hoặc trừng phạt được họ. Hiện tượng “20 phút gặp bí thư (thành ủy) bằng 20 năm đi kiện” là như thế. Ngược lại, quan trên cũng không thể trực tiếp “ăn của dân không từ cái gì” mà phải “hưởng lộc” nhờ tạo cơ hội, bao che cho cấp dưới vơ vét để có các loại giá trị mà cung tiến lên. Đó là một thứ khế ước không cần văn bản. Ngoài “ăn chia” với cấp dưới, quan độc tài có điều kiện sử dụng con cháu, người thân, đại gia lập các tổ chức kinh tế để thông đồng, “tham nhũng chính sách” mua rẻ, bán đắt để gián tiếp vơ vét của cải xã hội. Vì vậy, ở chế độ độc tài quan trên không thể vô tư trừng trị tham nhũng của cấp dưới, con, cháu, đại gia…do cùng “nhóm lợi ích” bất chính. Ở chế độ độc tài quan chức ít có cơ hội tham nhũng vật chất thì tham nhũng chính trị, quyền lực mà đã có quyền lực là có biếu xén, cống nạp vật chất qua bán ghế, cất nhắc. Về cơ bản, bộ máy ở chế độ độc tài là một thiết chế cai trị và tham nhũng nên lâu nay xuất hiện thuật ngữ quốc tế gọi các chế độ độc tài là “chế độ tập quyền tham nhũng” là như vậy.
Tham nhũng là nền tảng chế độ độc tài
Ở chế độ độc tài bất cứ ai trong bộ máy đảng, DN nhà nước muốn lên chức để có cơ hội lương cao, lộc hậu… được gọi là “tiến bộ” phải gia nhập đảng là điều tiên quyết. Chính vì điều này mà đảng độc tài dù thế nào vẫn có nhiều người gia nhập chủ yếu để “tiến bộ”. Do bị tuyên truyền đảng cầm quyền là “tất yếu, quang vinh muôn năm” như thời phong kiến vua là “thiên tử xuống cai trị hạ giới” với sức mạnh tuyệt đối của bộ máy trấn áp… nên người dân cúi đầu phục tùng, phụng sự chế độ độc tài lâu ngày thành một thứ “tập quán”, bản năng. Việc phục tùng tuyệt đối, luồn lách, hối lộ… quan trên để được thăng quan, tiến chức, lợi lộc quá lâu đã trở thành như một “lẽ sống” rất phổ biến, không ít người có học hành hẳn hoi còn huyênh hoang tự hào, khoe khoang có ô nọ, dù kia… ngay cả khi nhà cầm quyền đã thoái hóa, biến chất. Cũng có một bộ phận người gia nhập đảng để con cái được ưu tiên, ưu đãi trong công tác nhờ lý lịch “đỏ”. Cũng có những người gia nhập đảng theo phong trào, như một thói quen, người ta thế, trước thế thì mình cũng vậy, đảng viên là một thứ bảo đảm giá trị cho bản thân, gia đình để an toàn trong xã hội nhiễu nhương.
Thử hỏi, thời nay nếu không vì lên chức, lên lương, không bổng lộc, ưu tiên, ưu đãi… thì liệu còn có bao người vào cái đảng độc tài đã “thoái hóa, biến chất” kia để làm gì? Tôi thách đố nay đảng độc tài nào dám bỏ chính sách cán bộ phải là đảng viên, tức bất cứ CBNV nào trong DN, cơ quan đảng, nhà nước có đức, có tài thì thăng quan, tiến chức không căn cứ đảng viên xem sao! Có thể khẳng định, nếu thực hiện điều bình đẳng cơ bản hiện đang tồn tại ở bất kể nước dân chủ, văn minh nào thì đảng độc tài sẽ teo tóp đi đến tan rã trong thời gian rất ngắn vì không mấy ai gia nhập cái đảng mà người dân nói “ông/bà ấy là cán bộ,đảng viên nhưng là người tốt” lại chẳng có quyền lợi hơn người thường, phải đóng tiền hàng tháng.
Tình trạng những năm gần đây rất nhiều cán bộ to, nhỏ, lớn, bé khi còn làm việc thì khai gian tuổi để tại vị lâu nhưng khi về hưu (không còn cơ hội tham nhũng, bổng lộc…) bỏ sinh hoạt đảng, là như thế. Cũng có một số ít đảng viên không bị tha hóa khi về hưu, nghỉ công tác vẫn ở lại đảng để đấu tranh nội bộ hy vọng tổ chức mình đã từng gắn bó có ngày “phục thiện”. Một số còn sinh hoạt cho có hội hè, vui vẻ, khi chết được đảng tổ chức lễ tang, có cái vòng hoa của chi bộ.
Với một đảng chính trị bao giờ cũng phải có lý tưởng, cương lĩnh để vận động nhân dân ủng hộ mình và phấn đấu, tồn tại như giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, tự do, dân chủ… Ở VN từ những năm 1930 thời thuộc Pháp phần lớn đảng viên CS mang lý tưởng tốt đẹp là giải phóng dân tộc, thời chiến tranh với Mỹ là tư tưởng “chống Mỹ cứu nước, xây dựng CNXH” (dù là ngộ nhận- chính xác là: “Chống Mỹ cứu đảng, phục vụ Trung Quốc”) rất đáng trân trọng nhưng trong thời bình những năm qua đảng CS sống trên lý tưởng nào?
– Bảo vệ tổ quốc ư? Không phải, vì nếu có lý tưởng ấy thì đảng đã không ra công hàm 1958 công khai tuyên bố các quần đảo ở biển Đông của nước ta thuộc hải phận TQ, để họ xâm chiếm nhiều phần giang sơn, biển đảo của tổ quốc mà không có phản ứng thích đáng nào, không cho họ thuê mượn những vùng đất chiến lược an ninh của quốc gia, vẫn nhận, quan hệ với kẻ xâm lược nước mình là bạn “16 chữ, 4 tốt”, vay, nhận tiền viện trợ, đón tiếp kẻ xâm lược với sự trọng thị cao nhất, cho họ đăng đàn ba hoa trước quốc hội rồi vỗ tay rào rào. Người đứng đầu quân đội lại sợ dân ta ghét kẻ xâm lược, luôn hô hào: “Hòa bình là vô giá, thượng sách”, (tức mất giang sơn, biển, đảo… vẫn không bằng hòa bình), yêu cầu kẻ xâm lược “giữ nguyên hiện trạng”, tức công nhận những phần giang sơn, biển đảo họ đã cướp đoạt của dân tộc, hoặc ưu ái “để dành” cho con, cháu đòi lại phần giang sơn bị chiếm đóng.
– Lý tưởng xây dựng đất nước ư? Không phải, bởi vì, nếu đặt lý tưởng ấy lên trên lợi ích của đảng thì đảng CS đã không thực hiện cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp… triệt hạ mầm mống một nền kinh tế lớn, kéo dài chế độ kinh tế bao cấp từ năm 1975-1986 khi nền kinh tế VN đã kiệt quệ, dân ta đã sắp chết đói; đã tư nhân hóa hầu hết nền kinh tế để tăng hiệu quả, không coi DN nhà nước là “chủ đạo” khi nó ngốn phần lớn vốn liếng XH nhưng sản phẩm làm ra không tương xứng, là “địa bàn chiến lược” của tham nhũng.
– Lý tưởng đem lại dân chủ, tự do cho nhân dân ư? Không phải, vì nếu có lý tưởng ấy thì đảng đã không duy trì điều 4 trong Hiến pháp, không cấm báo chí tư nhân, đã không bắt bớ, khủng bố, tù đày những người hoạt động dân chủ, nhân quyền… ôn hòa như trong hiến pháp qui định và họ đã cam kết với quốc tế.
Như vậy, trong thời bình các lý tưởng cao đẹp kia không có thì tất nhiên nhà cầm quyền chế độ độc tài chỉ còn lý tưởng tư hữu, làm giàu- bản tính cố hữu của con người. Một người, một đảng chỉ còn lý tưởng làm giàu mà lại độc quyền cai trị, nắm mọi sức mạnh, tài nguyên, của cải đất nước, không bị ai tranh giành, giám sát, “vừa đá bóng vừa cầm còi”… thì tất yếu tham nhũng là “chủ đạo” vì đó là phương pháp làm giàu nhanh nhất, dễ nhất.
Như vậy, nhà cầm quyền chế độ độc tài rất khó chống lý tưởng, mối lợi duy nhất của mình, khó “buông” điều 4, đất đai, rừng, biển, khoáng sản, DN “chủ đạo”, luật pháp, truyền thông…cho nhân dân. Việc nhà cầm quyền nắm mọi phương tiện chống tham nhũng nhưng hầu hết vụ tham nhũng đều do nhân dân và báo chí phát hiện, lãnh đạo đảng CS xác định “bộ phận không nhỏ, bầy sâu” (tham nhũng) nhưng không tìm ra… do ở chế độ độc tài tham nhũng là một thứ “quyền lợi tất yếu” của quyền hành nên “tham nhũng xử lý người chống” (lời ĐBQH Trương Trọng Nghĩa) và “người không tham nhũng bị người tham nhũng cô lập” (đại biểu QH Nguyễn Ngọc Phương); năm qua, ở Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang… nhà cầm quyền tổng kết hầu như không có tham nhũng… là như thế. Bởi vì, chính cán bộ đảng viên cầm quyền là thủ phạm tham nhũng làm sao lại phát hiện, trừng trị TN? Trong cuộc họp ban chỉ đạo phòng, chống TN ngày 28/12/2015 chính ông TBT đảng CS Nguyễn Phú Trọng cũng thừa nhận: “chống tham nhũng khó vì lợi ích kinh tế, chính trị chằng chịt”.
Phải khẳng định: Chế độ của ông không thể chống tham nhũng!
Tại sao có những vụ tham nhũng bị trừng trị?
Mặc dù tham nhũng là cơ sở tồn tại của các chế độ độc tài nhưng họ vẫn hô hào chống tham nhũng, duy trì bộ máy thường xuyên thanh, kiểm tra các cơ quan, DN rồi xử lý này, nọ, nhiều khi lại đi cả nước khác để “học tập” chống tham nhũng…
Thế nhưng trên thực tế thì những động thái kia có vẻ cho đủ lệ bộ, các thế lực dùng công cụ này để giỡn mặt, đấu đá phe phái “bên kia” hoặc vụ việc quá lộ liễu không xử lý sẽ có hại cho chế độ. Khi tham nhũng bị lộ thì thấy bộ máy chống tham nhũng xử lý loanh quanh như để bao che, giảm sự nghiêm trọng, “hóa bùn” những vụ TN liên quan đến “uy tín” quan chức, đại gia lớn và chế độ độc tài. DN Vinashin, Vinalines, nhiều ngân hàng… cũng như rất nhiều DN, đại gia “có máu mặt” qua cả chục lần thanh tra, kiểm toán nhưng chỉ được “phát hiện” khi nó đã làm cho DN trước sự sụp đổ là như vậy. Khi người, DN “cần bao che” bị quá lộ liễu, “hóa bùn” không xong thì mới phải miễn cưỡng xử lý với mức nhẹ nhất có thể như vụ đất đai ở Đồ Sơn, vụ cướp đầm của ông Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng)…
Hiện tượng ông Trần Văn Truyền “trùm” chống tham nhũng, một trong những người “chém gió” mạnh nhất về chống tham nhũng ở VN nhưng chính ông là một trùm TN, khi bị phanh phui số “của nổi” chỉ bị xử lý như “gãi ghẻ”, dư luận bức xúc vụ quan chức đường sắt ăn hối lộ 11 tỷ VNĐ nhưng phiên tòa xử tháng 10/2015 lại là tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn..” với tội nhẹ hơn rất nhiều.
Kỳ họp thứ 10 QH 13 tháng 10-11/2015 còn hủy án tử hình tội tham nhũng nếu nộp trả 2/3 tài sản tham nhũng dẫn đến đại biểu QH Nguyễn Bá Thuyền phải kêu lên: “Tha hết cán bộ làm trái thì có tội với dân!”. Xử nhẹ tội tham nhũng nhưng nhiều người, nhà báo chống tham nhũng “quá đà” có “hậu vận” đen tối… là điển hình của vấn đề chỉ “chống từ thắt lưng xuống” và “chống có chọn lọc, mức độ”… Từ bao năm qua mặc dù dùng nhiều từ ngữ chống tham nhũng mạnh mẽ nhất nhưng trên thực tế thì chế độ độc tài như thể tạo điều kiện để bộ máy quyền hành vơ vét tối đa một cách “có trật tự” để không đến mức làm xã hội hỗn loạn, tức “tham nhũng ổn định”.
Trên thực tế, với những vụ cán bộ cấp cao ở chế độ độc tài bị “chống” chỉ xẩy ra khi giới cầm quyền tranh giành quyền lực, phái nọ dùng “chiêu” chống tham nhũng để gạt ra khỏi “đội hình” đối thủ không thể dung hòa trong bộ máy cai trị, “dằn mặt” đối thủ đồng thời mị dân là lãnh đạo trong sạch, vì nước, vì dân.
Thời gian qua, ở TQ hàng loạt ủy viên trung ương bị trùm đảng CSTQ Tập Cận Bình trừng phạt chỉ là sự tranh đoạt, củng cố quyền hành và mị dân, làm lu mờ những căn bệnh kinh tế, xã hội…trong nước đang đến hồi nguy kịch. Nếu độc tài CS chống TN thực sự thì căn bệnh này ngày càng phải ít đi và không thể có những quan chức chưa phải chóp bu chứa trong nhà vàng, bạc, đô la, nhân dân tệ… cả 5 xe tải mới chở hết, có hàng chục vợ lớn, bé, bồ bịch, con riêng đàn lũ.
Có thể khẳng định hầu hết quan chức trong bộ máy chế độ độc tài đều giàu có hơn hẳn những người cùng hoàn cảnh, tức tham nhũng. Như vậy nếu thực sự chống tham nhũng diệt “cả hổ và ruồi” thì tất cả hệ thống cán bộ chế độ độc tài phải bị xử lý, tức bộ máy đảng độc tài cũng lập tức tan rã vì “lấy ai làm việc” và không ai còn gia nhập cái tổ chức chỉ có lý tưởng tham nhũng lại bị tất yếu trừng phạt, không thể thực hiện lý tưởng.
Đấy là những lý do tại sao từ khi đảng CS độc tài nắm quyền đến nay liên tục hô hào chống tham nhũng, học tập làm theo tấm gương đạo đức nọ, kia, hứa nọ, hứa kia… nhưng tham nhũng ngày càng phát triển trở thành quốc nạn: “nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có…” .
Tóm lại, các chế độ độc tài không thể chống tham nhũng và nó sẽ chết nhục nhã vì căn bệnh thuộc bản chất của chế độ này.
N.Đ.Â
Tác giả gửi BVN
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link