Wednesday, January 13, 2016

Người dân nông thôn còn khổ đến bao giờ!


 
   Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 11.01.2016  
                      
                        Người dân nông thôn còn khổ đến bao giờ!

Đây là những “chuyện vặt” ở nông thôn VN, có thể là tiêu biểu cho những thân phận người dân ở nông thôn trong năm 2015 mà bạn đọc trên báo Dân Trí đã gọi họ là “những thân phận con ong cái kiến”. Nếu tổng kết lại thì những chuyện ở thời đại này dày như cuốn tự điển. Tôi chỉ kể vài chuyện gần đây nhất là bạn đọc có thể hình dung ra trăm ngàn chuyện khác xảy ra hàng ngày như thứ “chuyện hàng ngày ở huyện”.
Tuần trước tôi đã tường thuật  “Vụ nợ thôn 1,7 triệu đồng “không được chết” của người đàn bà nghèo tật nguyền ở Bắc Giang thì lại thêm những câu chuyện khác khiến dư luận phẫn nộ không kém.

Chiếm đoạt tiền trợ cấp của người tàn tật

Sự việc lạ kỳ xảy ra tại một xã của huyện Kiến Thụy (TP. Hải Phòng). Một người đàn bà về thăm quê sau nhiều năm xa cách bỗng dưng nhận được một thông tin rợn người.

Đó là câu chuyện của bà Phạm Thị Nguyên, SN 1948, trú tại tổ dân phố 19, khu 4, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng.
Theo bà Nguyên, trong một lần về quê đẻ là xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, bà vô cùng ngạc nhiên và sửng sốt khi nhiều người dân trong làng nói bà là ma vì bà đã chết từ năm ngoái.

Chưa dừng lại ở đó, bà Nguyên còn được người dân trong làng cho biết UBND xã Đại Hợp đã thông báo bà chết do bệnh tật từ cuối năm 2014.
Đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bà Nguyên vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình.

Quá bất bình, bà Nguyên đích thân lên Ủy Ban Nhân Dân (UBND) xã Đại Hợp để làm rõ thông tin thì trước mắt bà là một mảnh giấy khiến bà vô cùng bàng hoàng.

                         
                                                            Giấy chứng tử lạ đời được cấp cho người sống

Bà kể: “Tôi lên hỏi UBND xã Đại Hợp thì thấy hồ sơ của tôi có một giấy chứng tử từ tháng 11/2014. Kèm theo đó là những giấy tờ tôi hưởng chế độ chính sách người tàn tật nặng trong chân tôi đi chỉ hơi khó khăn” 

Theo hồ sơ, ông Hoàng Văn Đông – cán bộ Tư pháp của xã Đại Hợp là người thực hiện giấy chứng tử cho bà Nguyên trên giấy tờ. Trước sự việc của bà Nguyên, ông Đông khẳng định giấy chứng tử của bà Nguyên là giấy chứng tử giả. Ông Đông cho biết: “Chữ viết giấy chứng tử không phải là chữ của tôi. Bản chứng tử này không có trong hồ sơ gốc tôi đang quản lý. Tôi khẳng định, giấy chứng tử này là giấy chứng tử giả mạo” .

Còn bà Hoàng Thị Tuyết, cán bộ chính sách xã hội xã Đại Hợp cho biết từ khi bà tiếp nhận công việc, ông Phạm Bình Thủy, nguyên Phó bì thư thường trực Đảng ủy xã nhận tiền, ký nhận giúp bà Nguyên. Bà Tuyết nói rõ:
“Từ lúc tôi làm đến nay, ông Phạm Bình Thủy, nguyên PBT thường trực Đảng ủy xã nhận tiền, ký nhận giúp bà Nguyên. Mỗi lần rà soát hồ sơ của người hưởng chính sách xã hội, ông Thủy đều nói bà Nguyên ốm đau và không thể có mặt để làm các thủ tục nên ông Thủy làm thay.

Như thế ông Phó bí thư xã đã ăn cướp số tiền trợ cấp của bà Nguyên trong suốt khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2014. Nếu bà Nguyên không vô tình về thăm nhà, mọi chuyện sẽ rơi vào bóng tối, chẳng ai biết đâu mà lần. Không biết còn bao nhiêu sự việc tàn nhẫn như thế này nữa đã đi vào bóng tối.

Đúng là một kiểu ăn cướp trắng trợn của người tàn tật. Chuyện chỉ có trong “thời đại đồ đểu” này thôi.

Đàn dê "đi nhầm địa chỉ"

Theo chương trình kết nghĩa, vào tháng 3/2014, Thị xã (TX) Bỉm Sơn đã hỗ trợ các gia đình nghèo của huyện Thạch Thành 24 con dê để phát triển chăn nuôi. Xã Thành Yên là xã được chọn làm nơi cấp phát dê đợt 1 và các đối tượng được thụ hưởng là gia đình nghèo.

                                    
                                                                          Biếm họa tìm "nhím" đi lạc

Chỉ một nửa trong số 24 con dê của TX Bỉm Sơn (Thanh Hóa) dành hỗ trợ các gia đình  nghèo xã Thành Yên (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa). Còn 12 con được đưa thẳng vào trang trại của... Bí thư Huyện uỷ huyện Thạch Thành.

                                    
                                                     Dê của người nghèo đi lạc vào nhà Bí thư huyện

Sau khi sự việc được phanh phui, ông Quý đã “khắc phục” bằng cách chỉ đạo lãnh đạo xã Thành Yên bắt dê trong trang trại của mình trao lại cho 3 gia đình nghèo khác. Thế là “huề cả làng”. Không ăn được thì nhả ra chút ít, đâu có sao, phải không ngài Bí thư huyện ủy? Ngài còn tại chức ngày nào thì dân khổ ngày ấy. Ngoài các cụ bí thư còn các cụ quan chức địa phương khác như chủ tịch xã, trưởng thôn, công an xã cũng biết ăn chặn, ăn bớt của dân và ăn chặn của đồng đội…

Gà cấp cho người nghèo “chạy” vào nhà Bí thư, Chủ tịch xã

1.250 con gà đáng lẽ cấp cho người nghèo trong chương trình hỗ trợ "Nông thôn mới” nhưng từ Bí thư đến Chủ tịch cùng cán cán bộ xã đã nhận số gà này về nuôi. 
Theo phản ánh của người dân xã Quế An (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), tháng 11/2014, huyện Quế Sơn phê duyệt kinh phí mua 1.250 con gà hỗ trợ cho người dân nghèo trong xã.

                                    
                            Chủ tịch xã Quế An – ông Hoàng Kim Minh (trái) nhận 200 con gà của dân về nuôi

Tuy nhiên, số gà này đã "chạy" vào nhà các cán bộ. Trong số đó, Chủ tịch xã Quế An– ông Hoàng Kim Minh - được nhận nhiều nhất là 200 con, ông Trần Văn Quyên – Bí thư xã và Chủ tịch Hội nông dân xã và ông Trần Ngọc cùng 17 cán bộ khác của xã mỗi người được nhận 50 con gà về nuôi.

                                    
                                                                          Gà đi lạc vào nhà cán bộ

Khi bị phát hiện, ông Hoàng Kim Minh đã thừa nhận sai và khẳng định sẽ trả lại cho dân đồng thời họp rút kinh nghiệm, sửa đổi.

Trời đất!  Nếu thằng dân khố rách chỉ ăn cắp một con gà cũng bị các quan nện cho chí tử có khi đi tù vài ba năm. Vậy mà quan ăn cắp chỉ “rút kinh nghiệm” thì sướng thật. Chẳng biết cái dây kinh nghiệm dài tới đâu mà cơ quan nào làm sai, quan tham chỉ cần rút cái dây khinh nghiệm là xong.
Có lẽ nó dài hơn chu vi hình chữ S của nước VN nên rút hoài, rút mãi vẫn chưa hết, còn rút nữa, rút mãi mãi. Cho nên quan tham cứ việc tham. Đã có cái “lá chắn kiên cố” là sơi dây kinh nghiệm để trước mặt rồi. Sợ gì thằng dân.

Cán bộ "ăn" ớt, ăn cả phân đạm thì chẳng thứ gì không ăn được

Để hợp thức hóa việc "ăn tiền" của người dân, các cán bộ dưới đây lại khéo léo lập danh sách khống cùng nhiều chữ ký giả.

Để thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” vụ Đông năm 2013, UBND TP. Hải Phòng  đã có kế hoạch hỗ trợ người dân. Với 1 sào trồng ớt, tính ra bằng tiền người dân được hưởng 500.000 đồng tiền con giống và 214.000 đồng tiền phân, lân, đạm, kali.

Tuy nhiên, khi trồng gần 439 sào ớt trên địa bàn 6 thôn (5, 6, 7, 8, 9, 10)  người dân xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải phòng hầu như không hay biết về kế hoạch này.

Chỉ riêng thôn 7, xã Việt Tiến đã có trên 30 nhà không trồng ớt, nhưng lại có tên trong danh sách nhận hỗ trợ trồng ớt. Nhiều gia đình còn bị khai khống tăng thêm diện tích. Điều đáng nói là trong bản danh sách toàn bộ chữ ký người nhận hỗ trợ đều là giả mạo, nhưng lại có xác nhận của lãnh đạo xã, thôn.

Bằng sự chỉ đạo khai khống số gia đình, số phân bón, cây giống tại nhiều thôn trong xã, thì các quan xã ở đây đã thu về bất chính hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, những người này vẫn không quên xin Nhà nước 15 triệu đồng cho... công chỉ đạo.
Quan ăn ớt, ăn luôn cả phân, vậy thì chẳng có thứ gì quan không ăn được.

"Ăn chặn" bò của dân

Tương tự, đầu năm nay (2015), hàng chục gia đình dân tại xã Ninh Tây (TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) rất “kinh hoàng” trước việc họ được Nhà nước hỗ trợ 70% giá giống cây trồng, vật nuôi trong thời gian xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên, tại một số nơi số kinh phí hỗ trợ này lại đến với gia đình các cán bộ thôn, xã thay vì đến với các người dân.

Thôn Xóm Mới (xã miền núi Ninh Tây, Thị Xã Ninh Hòa)  có gần 500 gia đình dân, được ngân sách hỗ trợ kinh phí để mua 10 con bò. Mỗi con bò trị giá 15 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 10 triệu, dân chỉ bỏ ra 5 triệu đồng/con.

Theo quy định, trước khi đưa bò về cho các gia đình, trưởng thôn tổ chức họp dân để lựa chọn các gia đình được nhận hỗ trợ. Nhưng ngài Trưởng thôn đã không tổ chức họp nhân dân mà tự ý, âm thầm lên danh sách. Đặc biệt, danh sách này... toàn là người nhà của cán bộ xã, thôn.

                                          
                                       Một trong những con bò mãi không chịu… mọc răng bởi nó đã quá già!

Theo người dân xã này, trong số 10 con bò được cấp phát thì có đến 7 con được cấp cho gia đình là cán bộ thôn hoặc người nhà của những vị này.

Còn vài người dân nào “may mắn” được nhận bò thì buộc phải nhận những con bò già, ốm o, bệnh tật, dị dạng. Hy vọng đổi đời của những người dân nghèo có nguy cơ tan thành mây khói và hơn thế nữa, họ có thể phải ôm lấy cục nợ đối với nhà nước nếu chẳng may những con bò “hết đát” ấy lăn đùng ra chết?

Còn ở 2 xã Khánh Trung và Cầu Bà thì hợp đồng ghi cấp lợn nái giống Yorkshire (48kg/con) nhưng thực tế dân chỉ được nhận lợn con...  Người dân bắt buộc phải nhận, nếu tỏ ý từ chối, người ta đã đe dọa: Không chịu nhận thì xóa tên khỏi danh sách gia đình nghèo! Lần sau mất hết quyền lợi.

Chơi đểu thế này thì đến dân ma cô ơ giữa TP Sài Gòn cũng chịu thua các thầy. Tiếng lóng của dân giang hồ kêu là “thầy chạy”.

Muốn lập thành tích “Nông Thôn Mới” hành dân

Để được nhận danh hiệu xã/huyện nông thôn mớI (NTM), trước hết các địa phương phải cán đích thành công các tiêu chí về NTM.

Sự việc xảy ra tại xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã cho thấy kỳ lạ NTM tại địa phương này, khi cán bộ yêu cầu người dân phải làm cổng rào bằng bê tông. Mỗi cái cổng xây bằng bê tông không hề rẻ, có thể lên đến gần 2 triệu đồng.

                                              
                              Căn nhà lá của chị Trần Thị Mỹ Lợi cũng phải làm cổng rào bằng bê tông.

Hãy nhìn cảnh tượng cổng rào chưa hoàn thiện ở nhà chị Trần Thị Mỹ Lợi (ấp Phương Bình):
Rõ ràng, căn nhà mái lá ọp ẹp phía sau càng khiến cho căn nhà đậm tính khôi hài. Đó là là hai cột bê tông, một bên gắn số nhà, một bên gắn khẩu hiệu “Gia đình quyết tâm xây dựng và giữ vững xã nông thôn mới”.

Hãy thử tưởng tượng mệt đêm nào đó, nếu gió lớn làm nhà sập thì cổng nhà chị vẫn còn nguyên! Và, những căn nhà tranh mái lá khẳng khiu, chắp và tứ bề, hàng rào tre sơ sài mà chiếc cổng xây bằng bê tông nằm nghễu nghện trước nhà, có coi được không?
Cả nước đang chung tay thực hiện nông thôn mới. Vậy thì trong số đó có bao nhiêu gia đình dù “nhà lá” nhưng phải tuân lệnh xã xây cổng bê tông như nhà chị Lợi?

Rồi còn những hình thức hành dân bằng cổng chào, rồi những pa-nô, áp phích có thực sự là nông thôn mới hay người dân sau khi vay mượn để xây dựng cổng rào phải nai lưng ra làm để trả nợ, nghèo vẫn hoàn nghèo?  Đúng là toàn những chuyện hành dân để các quan tha hồ nhận đủ thứ danh hiệu ảo, còn dân nghèo đến mạt rệp.
Người dân nông thôn còn khổ đến bao giờ!
Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

                                                                     ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~


This email has been sent from a virus-free computer protected by Avast.
www.avast.com
__._,_.___

Posted by: "Nhat Lung" 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày 13/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link