Friday, June 17, 2016

Hỗn loạn vô chủ.......BÌNH THUẬN: VỠ ĐÊ BAO - BÙN ĐỎ QUẶNG TITAN CỰC ĐỘC TRÀN RA BIỂN !!!



BÌNH THUẬN:
VỠ ĐÊ BAO - BÙN ĐỎ QUẶNG TITAN CỰC ĐỘC TRÀN RA BIỂN !!!
Khu vực gây ra sự cố này thuộc mỏ quặng khai thác Titan do Công ty Tân Quang Cường (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) làm chủ đầu tư. Từ 4h-00 sáng đến giờ, khu vực biển Thuận Quý (thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) bị nhuộm ĐỎ cả một khu vực rộng lớn, chưa thể ngăn chặn được sự cố lan rộng. Một số khu du lịch (resort ven biển) và nhiều hộ dân trong khu vực bị lượng bùn đỏ cưc lớn tràn vào; gây thiệt hại lớn. Có nơi đo được lượng bùn đỏ ngập khỏi mặt đường cao hơn nửa mét...
Hồi tháng 11 năm 2011, Bình Thuận từng xảy ra một thảm họa tràn bùn ĐỎ tương tự. Thậm chí bùn đã phá một phần rừng phòng hộ, đường Quốc lộ, nhà cửa công trình vườn cây ao cá dân sinh và các khu du lịch cao cấp... Nhưng chẳng ai bị xử ý trách nhiệm sau sự cố đó.
Bùn đỏ sản sinh từ quá trình khai thác quặng kim loại (Titan, Bo-xit...) là chất thải chứa nhiều kim loại nặng, cực độc với môi trường và sức khỏe con người.
Anh chị em hãy loan tin và đề cao cảnh giác.
Tổng hợp : Huỳnh Quốc Huy
Khanh Lam Nguyen
Thông Tin Đức Quốc - http://www.thongtinducquoc.de/node/2826

Chính trường và dư luận Đài Loan nóng lên vì Formosa

CTM Media

        Cùng tác giả:

        xem tiếp
ĐÀI BẮC (CTM Media) - Hơn một tuần trước đây, ngày 8 Tháng 6, trong một cuộc trao đổi tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Hoa Thịnh Đốn, Đại Sứ Hoa Kỳ Ted Osius cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ cá chết Hoa Kỳ đã ngỏ lời hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết thảm họa môi trường, nhưng Hà Nội đã từ chối sự giúp đỡ này.
Nay lại có thêm tin CSVN cũng từ chối đề nghị của của Đài Loan hợp tác điều tra thảm trạng môi trường biển tại miền Trung.
Tin này được đưa ra trong buổi họp báo hôm thứ Năm 16/6 tại Quốc hội Đài Loan liên quan đến cáo buộc công ty Formosa Hà Tĩnh thải chất độc gây ô nhiễm môi trường biển Việt Nam. Cuộc họp báo này có sự tham dự của 3 dân biểu Quốc Hội Đài Loan và đại diện các tổ chức phi chính phủ như Hiệp Hội Luật Sư Môi Trường, Hiệp Hội Bảo Vệ Nhân Quyền (theo dõi, giám sát Công Ước Nhân Quyền) và Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân và Cô Dâu Việt Nam tại Đài Loan.
JPEG - 101.6 kb
Hình ảnh cuộc họp báo trên báo chí Đài Loan
Trong ba vị dân biểu Đài Loan kể trên, ngoài vị dân biểu đặc trách về nhân quyền và vị dân biểu có sự hiểu biết sâu rộng về độc chất, còn có bà Su Chih-fen, Dân biểu Đảng Dân Tiến, nổi tiếng về bảo vệ môi trường, từng dẫn đầu đoàn biểu tình chống Formosa 6 năm trước khi tập đoàn này gây ô nhiễm ở huyện Vân Lâm - Yunlin (nơi bà từng làm thẩm phán).
Cuộc họp vừa kể là bước khởi đầu cho cuộc họp báo được tổ chức tại buổi họp cổ đông của công ty Formosa ngày hôm sau, 17 Tháng 6. Tin tức cho biết, các nhóm hoạt động môi trường Đài Loan đã lên kế hoạch biểu tình phía trước nơi diễn ra cuộc họp báo này.
Nhiều thông tin và hình ảnh về thảm hoạ cá chết miền Trung Việt Nam được các nhóm môi trường Đài Loan sử dụng trong cả hai cuộc họp báo.
Hầu hết các cơ quan truyền thông của Đài Loan đều loan tin tức và hình ảnh của cuộc họp báo ngày 16 Tháng 6 vừa qua. Ngày 20 Tháng 6 này một phim phóng sự toàn cảnh về Formosa Hà Tĩnh và thảm họa cá chết miền Trung Việt Nam của đoàn làm phim PTS, Đài Taiwan sẽ được công chiếu.
Trong khi đó thì đang có những áp lực đòi chính phủ Đài Loan và Việt Nam phải điều tra rốt ráo vụ cá chết và công khai kết quả cho người dân hai nước được biết.
Trong lúc dư luận và chính trường Đài Loan nóng lên vì thảm hoạ cá chết ở bờ biển miền Trung Việt Nam mà Formosa là nghi phạm chính, thì CSVN từ chối mọi sự hợp tác điều tra của quốc tế, đầu tiên là UNEP (Chương Trình Môi Trường Liên Hiệp Quốc), sau đó là Mỹ và Đài Loan; đồng thời trì hoãn công bố nguyên nhân dù họ đã biết từ hai tháng qua. Điều này khiến dư luận không khỏi đặt những câu hỏi rất lớn về động cơ nào đã khiến Hà Nội che đậy sự thực về thảm hoạ cá chết, mặc cho đời sống của hàng triệu lâm vào cảnh khốn cùng vì thảm hoạ này.


Dân Biểu người ta họp báo chuyện nước mình. Trong khi đó: Dân biểu nước mình họp kín để ém nhẹm chuyện hảm hại dân ta!

Đài Loan: Dân biểu và các tổ chức NGO chỉ trích Formosa gây ô nhiễm môi trường

Huyền Trang, GNsP Thu, 06/16/2016 - 17:29
Tại Đài Loan, các Dân biểu Đài Loan, cùng với 4 NGO tổ chức họp báo liên quan đến vụ cá biển chết dầy đặc ở các tỉnh Miền Trung vào tháng 4.2016, do công ty Formosa xả thải độc tốc ra biển, làm ô nhiễm môi trường.
4-5 người Việt Nam, trong đó có Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô dâu Việt ở Đài Loan, tham dự cuộc họp báo này vào sáng ngày 16.06.2016.
Để hiểu rõ nội dung cuộc họp báo, xin mời quý vị dõi theo cuộc phỏng vấn của chúng tôi giữa phóng viên GNsP với Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hùng.
Huyền Trang, GNsP: Thưa cha, xin cha tường thuật lại cho chúng con được biết nội dung chính của cuộc họp báo liên quan đến công ty Formosa Hà Tĩnh tại Đài Loan là như thế nào ạ?
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hùng: Ngày hôm nay, tại Quốc hội Đài Loan có ba Dân biểu Quốc hội, 4 tổ chức NGO cùng hợp tác với nhau để tổ chức buổi họp báo này.

3 Dân biểu Đài Loan cùng với 4 tổ chức NGO tổ chức họp báo với khoảng 4-5 người Việt Nam làm việc tại Đài Loan, liên quan đến công ty Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường biển Miền Trung, gây ra hậu quả cá biển chết trắng và ngư dân mất nghiệp.
Về hình thức, đây là cuộc họp báo quy tụ số lượng truyền thông báo chí Đài Loan lớn nhất từ trước đến giờ. Nội dung của cuộc họp báo nêu lên mối quan hệ giữa công ty Formosa Hà Tĩnh đã gây ô nhiễm môi trường sống và hiện nay [nhà cầm quyền VN] chưa công bố nguyên nhân cá chết. Cho đến giờ phút này, ngư dân ở các tỉnh Miền Trung chưa có công ăn việc làm.
Ngoài ra, có một Dân biểu quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở VN. Vị này đặt vấn đề [nhà chức trách] đã cưỡng ép, di dời người dân để xây dựng công ty Formosa ở Hà Tĩnh.
Một Dân biểu khác nhắc đến biến cố công ty Formosa Đài Loan khi xây dựng công ty đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống của một loài cá heo đặc biệt ở Đài Loan.
Tôi trình bày thông điệp [môi trường] trong tông huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô liên quan đến ngôi nhà chung của chúng ta. Ngài nói rằng, tội lỗi chống lại thiên nhiên cũng là tội lỗi chống lại chúng ta và là tội lỗi chống lại Thiên Chúa. Do đó, chúng ta có trách nhiệm và bổn phận phải lên tiếng…
Một người VN sống tại Vũng Áng thuộc xứ Đông Yên, Hà Tĩnh – là ngư dân – đã phải qua Đài Loan đi làm, nuôi cả gia đình vì không còn cá để đánh bắt. Anh cho báo chí Đài Loan biết, gia đình anh có người lặn xuống vùng biển gần công ty Formosa, khám phá ra được ống dẫn phế thải. Điều này làm các phóng viên báo chí quan tâm nhiều hơn.

Formosa
Khi được hỏi, công ty Formosa có trách nhiệm gì liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường thì họ nói rằng họ làm đúng theo luật pháp của Việt Nam, họ làm đúng theo tiêu chuẩn về an toàn môi sinh của VN, nhưng họ không đưa ra được một bằng chứng cụ thể chi tiết nào để chứng minh cho lời nói của họ là thật.
Huyền Trang, GNsP: Kính thưa cha, cha đã yêu cầu những gì trong cuộc họp báo này?
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hùng: Tôi yêu cầu, chính phủ Đài Loan cần xem lại chính sách kinh tế xuôi Nam của chính phủ mới khi cho các công ty Đài Loan đi đầu tư ở nước ngoài, cần có sự kiểm soát, theo dõi và đôn đốc của chính phủ Đài Loan. Công ty Formosa là một trong những ví dụ điển hình.
Theo tôi được biết, một công ty có số vốn đầu tư hơn 150 triệu mỹ kim phải xin phép chính phủ Đài Loan để có những bộ ngành phê duyệt. Nhưng không biết lý do tại sao chỉ cần có 12 ngày mà công ty Formosa xin phép xây công ty tại VN, rồi vận hành công ty. Trong khi đó theo thông tin tôi được biết do các tổ chức NGO cho hay thì công ty Formosa xin chính phủ Đài Loan xây dựng công ty này ở Đài Loan, nhưng khi chính phủ Đài Loan xem xét kế hoạch đầu tư cũng như sự vận hành thì họ đã yêu cầu công ty này phải bổ sung thêm hồ sơ, nhưng sau đó chính phủ Đài Loan đã hủy bỏ đơn xin này. Công ty này đã đi tìm nơi khác và VN là nơi họ đã chọn.
Yêu cầu thứ hai của tôi là, công ty Formosa cần giải trình thật chi tiết về cách xử lý của họ về 384 tấn hóa chất mà họ đã nhập vào VN trong đó có nhiều hóa chất độc hại, họ đã làm gì với số lượng hóa chất này trong quá trình rửa các ống xả thải.
Huyền Trang, GNsP: Thưa cha, qua sự quan sát của cha thì nhà chức trách Đài Loan quan tâm ra sao về vụ cá biển chết hàng loạt tại các tỉnh Miền Trung VN khi khu công nghiệp Formosa xả thải, và dự định họ sẽ giúp đỡ VN ra sao về thảm họa này ạ?
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hùng: Hy vọng qua cuộc họp báo này dư luận Đài Loan sẽ quan tâm đến vụ việc này nhiều hơn. Tôi vẫn chưa thấy chính phủ Đài Loan có một động tĩnh gì cụ thể để xem xét một cách nghiêm túc liên quan đến việc ô nhiễm môi trường sống của người dân VN.
Một đại diện liên quan đến vấn đề môi trường ở Đài Loan cho biết, sau biến cố cá chết ở VN thì chính phủ Đài Loan có liên lạc với chính Phủ Việt Nam để muốn điều tra [nguyên nhân dẫn đến cá chết] nhưng quan chức này cho biết, chính phủ VN đã từ chối sự hợp tác của chính phủ Đài Loan.
Huyền Trang, GNsP: Thưa cha, như cha trình bày, nhà cầm quyền VN đã khước từ sự hỗ trợ của chính phủ Đài Loan để tìm ra nguyên nhân cá biển chết tại các tỉnh Miền Trung. Sự khước từ này cũng lập lại khi ông Đại sứ Hoa Kỳ đề nghị. Vậy thưa cha, cha nhận định như thế nào về thái độ này của nhà cầm quyền VN?
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hùng: Theo tôi đây là cách hành xử của những người độc đoán, họ không muốn người khác can dự vô vì sẽ làm mất uy tín của họ. Sự từ chối đến từ sự tự ti không phải đến từ lòng tự trọng. Vì thế nó gây tác hại lớn cho tập thể, cụ thể là người dân. Một câu hỏi rất lớn đặt ra là nhà cầm quyền cs tồn tại trên đất nước VN là phục vụ cho đảng cs hay cho người dân VN, cho đất nước VN, hay cho dân tộc VN?
Nếu nhà cầm quyền sớm để cho các quốc gia tiên tiến can thiệp tìm ra được nguyên nhân cá biển chết, thì họ sẽ phải giải quyết các cán bộ đã tiếp tay đốt giai đoạn cho phép các cơ sở kinh doanh gây ra tác hại môi trường ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đây cũng là một động cơ chính trị.
Huyền Trang, GNsP: Thưa cha, nếu như nhà cầm quyền xác định Fomosa có lỗi xả thải, thì công ty Formosa sẽ phải bồi thường cho ngư dân những hậu quả họ gây ra. Đây cũng là bài học của Vedan khi bị xác định xả thải gây ô nhiễm và phải bồi thường, phải chăng đây cũng là “động cơ” khiến nhà cầm quyền chưa thể “minh bạch” nguyên nhân cá chết?
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hùng: Họ không dám giải quyết chuyện này một cách rốt ráo vì nó đụng chạm đến uy tín của đcs VN rất lớn vì nó liên quan đến yếu tố chính trị. Nếu xác định Formosa xả thải thì buộc họ phải bồi thường và phải có trách nhiệm lên những kế hoạch làm sạch môi trường biển bị ô nhiễm của các tỉnh Miền Trung.
Huyền Trang, GNsP: Con xin cám ơn cha và con kính chúc sức khỏe cha.
Phim phỏng vấn Lm. Nguyễn Văn Hùng  https://www.facebook.com/viettan/videos/10155112845610620/

Hỗn loạn vô chủ

Người Buôn Gió - 15.06.2016
Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã công bố thành phần các đại biểu mới, gồm 496 người. Trong đó có đến 100 người là uỷ viên trung ương Đảng. Quốc hội Việt Nam lần này là quốc hội có ít số người ngoài đảng nhất so với quốc hội trước. Tổng số đảng viên CSVN chiếm đến 96% trong quốc hội.

Có đến 19 uỷ viên BCT cộng sản Việt Nam trúng cử quốc hội kỳ này.

Sau kết qủa này của quốc hội, cho thấy đảng CSVN đã thực hiện hoàn tất chủ trương tăng cường quyền lãnh đạo của đảng trên đất nước, chủ trương do giáo sư chuyên ngành xây dựng Đảng Nguyễn Phú Trọng khởi xướng.

Với việc trụ lại thành công chức tổng bí thư khi đã quá tuổi ở đại hội 12, sau đó sắp xếp nhân sự như ý vào bộ máy ban ngành trong đảng, tiếp tới đưa đại đa số đảng viên vào chiếm lĩnh quốc hội là thành công mà Nguyễn Phú Trọng theo đuổi bấy lâu.

Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra được sự thống nhất tương đối quyền lực, không còn cảnh anh Ba, anh Tư cầm đầu những nhóm lợi ích thao túng chính trường như trước đây. Trọng có thể thoải mái đi thăm các vùng đất Nam Bộ, như một nhà vua ngạo nghễ đi dạo trên những vùng đất mới bình định được, điều mà trước kia Trọng ít khi làm.

Tưởng rằng với sự thống nhất quyền lực như vậy, đất nước sẽ không còn cảnh đấu đá, phe phái. Đảng cộng sản chỉ việc dốc sức theo đuổi đường lối CNXH, toàn đảng nhìn về một hướng.
Thế nhưng, đất nước lại rơi vào cảnh hỗn loạn một cách vô chủ.
Hai tháng trời sau thảm hoạ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, những người ngư dân hầu như đã không còn ra biển, những chợ hải sản, nhà hàng hải sải, du lịch biển chết dần mòn trong cảnh tiêu điều, hiu hắt. Chính phủ Việt Nam không đưa ra nguyên nhân nào dẫn đến thảm hoạ này. Chỉ vài biện pháp qua loa đối phó dư luận như kiểu cho cán bộ tắm biển, cán bộ ăn hải sản không biết có phải thứ hải sản lấy từ trung tâm phát độc Vũng Áng hay có khi loại hải sản được phi cơ chở từ Tân Gia Ba về. Những biện pháp mà dân chúng thường gọi là dán bùa đít mèo, không thể nào trấn an được dư luận.
Không có một nhân vật cao cấp nào trong bộ chính trị có phát ngôn thẳng thắn và trách nhiệm để dân chúng thấy rằng Đảng CSVN còn có mặt trên đất nước. Trong vụ cá chết, người dân cảm giác đất nước này đang vô chủ. Các lãnh đạo cao cấp ở Bộ chính trị thực hiện phương châm, ăn tìm đến, đánh nhau tìm đi. Từ Tổng bí thư đến chủ tịch nước đều tảng lờ như không biết chuyện cá chết. Thế nhưng chỉ chuyện nhỏ về bài báo nào đó nói về phó chủ tịch tỉnh có xe đẹp, ông tổng bí thư đã có ý kiến chỉ đạo làm rõ vấn đề bài báo nêu ra. Chứng tỏ ông ta có đọc, nhưng chỉ lên tiếng những gì cảm thấy mang lại uy tín cho mình mà thôi.

Ông tân thủ tướng thì chỉ đạo theo kiểu cần khẩn trương làm rõ nguyên nhân nhưng kèm theo câu thận trọng. Có nghĩa là khẩn trương tìm nguyên nhân nhưng nếu nguyên nhân không phải là do thiên nhiên như thủy triều đỏ, tảo nở hoa thì cần thận trọng khi công bố. Vì thế sau hơn hai tháng, một ông bộ trưởng họp báo tuyên bố nguyên nhân cá chết là tại liên quan đến nguyên nhân gây ra cá chết.

Nhiều cuộc biểu tình của người dân nổ ra để đòi hỏi chính phủ minh bạch thông tin cá chết. Những cuộc biểu tình này bị đàn áp khốc liệt bằng đòn vọt, nhà tù trá hình dưới mác trung tâm phục hồi nhân phẩm, nhiều người bị an ninh gây áp lực mất việc làm, mất nơi thuê nhà.

Chế độ quy kết động cơ biểu tình của người dân là ý đồ xấu. Đài truyền hình Việt Nam cũng lập tức phụ hoạ hỗ trợ ra ngay một chương trình, nhằm quy kết động cơ những người đòi minh bạch thông tin cá chết là có ý đồ xấu bằng một cuộc thảo luận mang đậm cách đấu tố hồi cải cách ruộng đất.

Nhưng có một ý đồ mà ngay cả những người biểu tình đòi minh bạch thông tin cá chết và cả bộ máy an ninh, cơ quan tuyên giáo, đài truyền hình quốc gia đều không biết. Bởi tuy ý đồ đó xuất phát từ tâm thức, mơ hồ nhưng thực ra nó hiện hữu ai cũng thấy nhưng không diễn tả được.
Đó là ý đồ muốn hỏi ai là chủ đất nước này? Cơ quan nào có trách nhiệm với đất nước này, đảng, chính phủ, quốc hội hay nhà nước hay thế lực nào?

Vì không rõ ai là chủ, cơ quan nào chịu trách nhiệm, nên thông tin trả lời thảm hoạ cá chết vẫn lửng lơ. Đất nước này đang vô chủ, thực sự là như vậy. Nếu có chủ nhân thực sự, đã có người phải đứng ra trả lời rõ ràng và sẵn sàng chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình.
Người trách nhiệm trả lời để an lòng dân không thấy. Nhưng người đi đàn áp, để trấn áp, hăm doạ bưng bít thông tin thì lại nhiều vô vàn. Mỗi phường có đến trăm người cả công an, dân phòng, cán bộ để đi trấn áp những người đòi thông tin về cá chết. 

Tuyệt nhiên cả trăm mạng đó ở một phường cũng không ai biết gì về nguyên nhân cá chết cả. Đấy là dấu hiệụ của sự hỗn loạn, nếu như ở biểu tình chống Trung Quốc, các con vẹt dư luận còn hót ra rả có luận điệu như vì tình hữu nghị, vì yên ổn làm ăn, vì quan hệ đa phương, song phương. Đến vụ cá chết thì không có luận điệu nào ra hồn ngoài giọng qua loa đang tìm nguyên nhân.

Nhưng sự vô chủ và mất đoàn kết không chỉ ở trong vụ cá chết, bầy đàn Nguyễn Phú Trọng không phải là gắn bó thống nhất như bên ngoài chúng ta thấy. Hãy nhìn vụ ầm ĩ về trường hợp thượng nghĩ sĩ Bob Kerry. Thông thường những việc thế này ĐCSVN thường nhất quán trong tuyên truyền vì tính chất nhạy cảm, đảng thường định hướng khắt khe để lèo lái dư luận theo một cái nhìn đóng khung sẵn. Thế nhưng vụ việc lại nổi sóng đến mức đáng sợ, người ta khơi lại máu me, chém giết cách đây nửa thập kỷ để lên án, đòi trừng phạt. Mặc dù bộ ngoại giao, bộ quốc phòng trước đó đã có bài định hướng êm xuôi, mặc dù uỷ viên bộ chính trị Đinh La Thăng, người phụ trách địa bàn nơi mà Bob Kerry có công việc liên quan đã phải lên tiếng ủng hộ Bob. Nhưng bài báo viết về sự ủng hộ của Đinh La Thăng ngay lập tức bị gỡ bỏ. Thay vào đó là những bài lên án của đủ các loại người khác nhau.

Không có ông chủ nào đứng ra để ngăn phân định vụ cá chết cũng như vụ Bob Kerry. Thiên hạ chửi nhau loạn xạ trên mọi phương tiện về Bob Kerry kéo theo là cả những hệ tư tưởng, quan điểm khác nhau. Đấy có phải là một chứng minh của sự hỗn loạn vô chủ hay không?

Sắp tới khi Trung Quốc hoàn tất khẳng định chủ quyền biển Đông. Lúc đó những người dân Việt Nam mới chợt nhận ra rằng đất nước của họ đang vô chủ. Tuy nhiên khái niệm vô chủ ở đây là những người chủ có trách nhiệm, có lương tâm.
Chỉ có sự bóc lột, tham nhũng, bất công, đàn áp luôn luôn là có chủ.
Nguồn: Blog Người Buôn Gió

Con đường ắt phải đi, mục tiêu ắt phải đến

Bùi Tín - VOA - 16.06.2016 
Cá chết hàng triệu con trải dài 200 km ngậm miệng. Con người có trách nhiệm ngậm tăm. Cá câm, người cũng câm. Lạ thế!
Đây là tình hình kỳ quặc, quái dị hiện nay.
Hai tháng trời trôi qua, đảng CS và chính phủ mới vẫn ngậm tăm, mặc cho lòng dân cháy bỏng muốn tìm ra nguyên nhân sớm nhất.

Cho đến nay vẫn chỉ là lời hứa suông, rằng sẽ cho điều tra thêm, sẽ huy động các chuyên viên trí thức ngành bảo vệ môi trường vào cuộc, mời chuyên gia quốc tế giúp sức, công khai kết quả và từ đó sẽ truy ra tội phạm và sẽ áp dụng luật pháp truy cứu trách nhiệm bất cứ ai phạm pháp trong vụ án lớn tác động đến cuộc sống hàng ngày của hàng chục triệu dân cư.
Thế rồi các báo lề phải báo tin: 'đã tìm ra đích danh thủ phạm'. ‘Khả năng tai họa do con người tạo ra, chứ không phải do thiên tai,không phải do tự nhiên của thủy triều đỏ..’ Rồi có báo hé ra rằng: 'trách nhiệm chính đã rõ là từ Công ty Formosa, đã tự thiết kế đường ống chưa hề được thông qua trong dự án, đã nhập số độc tố rất lớn tùy ý dùng, không được duyệt trước, rồi tự ý xử dụng theo lượng rất cao hàng trăm, ngàn tấn mà phía VN không hề biết gì, nghĩa là họ không coi chủ quyền VN ra gì cả’’, ‘’Công ty tuy mang danh hiệu của Đài Loan nhưng đằng sau đó là người của Bắc Kinh, cán bộ kỹ thuật Bắc Kinh, công nhân kỹ thuật và công nhân phổ thông đều người của Bắc Kinh đông nhất’’, và: ‘’ Đi cùng với ống xả chất độc rất nặng xuống đáy biển Kỳ Anh, nhiều tàu đánh cá biển TQ đã bị thấy đổ tháo xuống biển Đông rất nhiều lần đồ phế thải, trong đó có thể có nhiểu chất có độc tố cao, làm cho cá và các rặng san hô dưới đáy biển bị chết trắng hàng loạt’’.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn hôm 2-6-2016 cho biết “Nguyên nhân cá chết liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó”

Rồi còn những nhân chứng sống. Các thợ lặn ở Hà Tĩnh và Nghệ An chết sau khi lặn xuống đáy biển lên,có người bị ốm nặng kéo dài và tả lại sự nhiễm độc ra sao, các gia đình bị nhiễm độc vì ăn cá nục và tôm tép biển trong vùng, lên đến vài ngàn người...
Tất cả đều hoàn toàn đầy đủ cấu thành thành một vụ án cực lớn; 'Cố tình hủy hoại môi trường biển trên quy mô rộng lớn, gây hậu quả nặng nề và lâu dài cho hàng chục triệu ngư dân ven biển miền Trung'. 

Cơ quan điều tra của Bộ Công An, Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao, Thanh tra chính phủ lẽ ra đã phải vào cuộc sớm, cùng với các phái viên các Bộ Nông nghiệp, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch đầu tư đã có mặt từ hai tháng nay rồi. Thế nhưng các cơ quan chấp pháp ấy vẫn bất động một cách bí hiểm. Họ bận chống các chiến sỹ Dân chủ. Khôn nhà dại chợ, hèn với giặc, ác với dân là thế.

Đồng thời phải truy tố các quan chức VN vì tham lam thông đồng với tư bản Tàu làm hại cho đất nước ta về mọi mặt.
Một điều bí hiểm không kém là một số bài báo trên Pháp Luật và Tuổi trẻ khi ẩn khi hiện như ma trơi, úp úp mở mở, lúc công khai khi bí mật , một kiểu không dám che dấu, im bặt thông tin như cũ, mà dở trò ẩm ương, vừa nể công luận vừa sợ chính quyền toàn trị, cho lên, rút xuống như trò đùa.

Thế nhưng thử hỏi họ chơi trò ú tim như thế được bao lâu nữa? Rồi Chính phủ phải họp thường kỳ đầu tháng sáu này, Quốc hội mới phải ra mắt và họp phiên đầu có diễn văn Khai mạc và Chương trình công việc trước mắt, lại còn Chính phủ mới được bàu lại và sẽ ra mắt quốc dân, tất cả với các cuộc họp báo đã thành nếp. Họ phải mở mồm. Trốn và tránh mãi sao được.

Trong tình hình một nước đàng hoàng có đầy đủ chủ quyền, gặp trường hợp trên đây, họ sẽ giải quyết ra sao? Các Công ty Formosa sẽ bị truy rố ra tòa, các Dự án hóa chất, sắt thép, cầu cảng trong vùng sẽ bị chấm dứt, các cán bộ và công nhân TQ sẽ bị yêu cầu rời VN về nước, các tổn thất mọi mặt phía TQ phải đền bù cho Nhà nước và nhân dân VN.

Rồi sao nữa. Nhân dân qua vụ án lớn này sẽ yêu cầu đảng CS và Nhà nước xem xét kỹ lại mọi dự án do phía TQ nhận thầu , và yêu cầu chấm dứt các dự án làm hại Môi trường như Bô xít, Thủy điện, Hóa chất, Gang thép, Cầu đường..., vì tất cả các dự án đó đều bị áp đặt, với những thiệt thòi nặng nề cho phía VN, như kéo dài thi công, thiết bị quá cũ, giá thành quá đắt, năng xuất quá thấp, lại không an toàn cho cư dân địa phương, hại nhiều hơn lợi.
Theo hướng đó lực lượng Công an có nhiều việc phải làm mới mẻ cần thiết, thật sự vì nước vì dân. 

Hãy đến các hộ người Tàu, kiểm tra giấy tờ của họ xem có hợp pháp hay không, họ có buôn gian bán lậu, nhập hàng giả hàng xấu độc không, trốn thuế , thông đồng với quan chức cướp đất của nông dân không ? có những ổ cờ bạc bịp, xì ke ma túy không.Công an hãy chuyển hẳn các lực lượng chuyên rình mò các anh chị em Dân chủ, bao vây, canh gác, bám sát họ sang lực lượng làm các việc trên đây, vừa có ý nghĩa chính trị, chính nghĩa, có lợi cho dân cho nước.

Làm gì mà phải dùng đến 70 nhân viên Công an để bám chị Cấn Thị Thêu từ Hà Nội lên Hòa Bình. Vừa hèn vừa vô ích. Mà không dám đụng đến bọn Tàu phạm pháp.
Đó là khởi đầu của quá trình Thoát Trung tất yếu vì kết bạn tốt với ai là quyền của nhân dân ta, quan hệ kinh tế chặt chẽ với ai là quyền của dân ta, huống chi tất cả trục trặc, trở ngại, xấu xa xảy ra đều do phía TQ cậy thế nước lớn gây nên.

Cứ như ông trời có mắt thương dân ta nên đã làm cho TQ lộ rõ bộ mằt tàn bạo thâm hiểm ở Hà Tĩnh, để rồi dun dủi cho ông Obama sang tận VN chìa bàn tay thân thiện ấm cúng đúng vào dịp này. Dân mê tơi là phải lắm. Ông trùm Công an, trùm trại giam lớn là Chủ tịch nước mặt đưa tang khi tiếp khách miễn cưỡng những ngày qua là phải đạo lắm. Ông Tổng Trọng như thất thần mất sổ gạo hồi nào. Tư thế lãnh đạo của đảng CS lung lay tận gốc.

Đường lối thoát Trung ắt phải là con đường tất yếu để thoát hiểm, và mục tiêu ắt phải đến là kết thân toàn diện, mặn mà không lưỡng lự với Hoa Kỳ và thế giới Dân chủ Nhân quyền càng sớm, càng chặt càng tốt cho nhân dân VN ta.

Nguồn: VOA


__._,_.___

Posted by: ly vanxuan 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link