Monday, July 4, 2016

G I Ả T H I Ế T v à G I Ả T H U Y Ế T

G I Ả    T H I Ế T    v à    G I Ả    T H U Y Ế T


Trần Trung Chính

Tôi nghe đến 2 nhóm chữ Giả Thiết và Giả Thuyết trong khi vừa bước lên lớp đệ thất (lớp 6 sau này) của bậc trung học : giáo sư dạy môn Toán đề cập đến “ Giả Thiết “ khi bắt đầu dạy đến 3 trường hợp bằng nhau của một tam giác. Trong khi đó trong môn Vạn Vật (science naturelle),” Giả Thuyết” Laplace là giả thuyết đầu tiên được mọi người nhắc đến về sự thành lập của các tinh cầu (planete) trong hệ thống Mặt Trời.




Theo từ điển tiếng Việt, có 2 định nghĩa của Giả Thiết :

Định nghĩa thứ nhất : điều cho trước trong một định lý hay một bài toán , để căn cứ vào đó mà suy ra một kết luận của định lý hay để giải một bài toán.




Định nghĩa thứ hai : điều coi như là có thật, nêu ra làm căn cứ để phân tích, để suy luận, để giả định. Thí dụ : loại bỏ những giả thiết thiếu căn cứ.-Giả thiết là tình hình sẽ xấu hơn.

Nhóm từ Giả Thuyết chỉ có một định nghĩa : điều nêu ra trong khoa học để giải thích một hiện tượng tự nhiên nào đó và tạm được chấp nhận, chưa được kiểm nghiệm, chưa được chứng minh.




Có nhiều người chỉ trích, phê phán và thậm chí chửi rủa cá nhân tướng Hoàng Cơ Minh và tố chức Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam (gọi tắt là Mặt Trận). Xét về tính chất bền bỉ và dai dẳng, cá nhân người viết nhận thấy chỉ có 4 người (theo thứ tự thời gian), đó là :




1) Bằng Phong Đặng Văn Âu , sang Mỹ từ tháng 4 / 1975 , cựu Thiếu Tá Không Quân




2) Kim Âu Hà Văn Sơn, sang Mỹ từ đầu thập niên 1990, cựu thông dịch viên trong tổ chức CIDG (Civil Irregular Defense Groups = Dân Sự Chiến Đấu do LLĐB của Hoa Kỳ thành lập, thường được gọi là Biệt Kích Mỹ)




3) Lão Móc Nguyễn Thiếu Nhẫn, đây là bút danh của cựu đại úy quân báo Nguyễn Văn Nghiêm, sang Mỹ từ đầu thập niên 1980.

4) Nguyễn Thanh Tú, sinh năm 1965, con trai của cố ký giả Đạm Phong- người bị giết vào năm 1982 ở Texas, Nguyễn Thanh Tú tấn công vào Mặt Trận và Đảng Việt Tân dưới chiêu bài “vì chữ Hiếu, đi tìm công lý và sự thật cho cái chết của ký giả Đạm Phong”

Cả 4 người vừa nêu trên đã đưa ra trước công luận những giả thiết :

Giả thiết số một : tướng Hoàng Cơ Minh lợi dụng lòng yêu nước và căm thù Cộng Sản của người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản đã quyên góp được một số tiền lớn và thành lập Mặt Trận ( tuy tất cả 4 người đều nói là số tiền lớn, nhưng không ai nêu được con số đích xác)

Giả thiết số hai : tướng Hoàng Cơ Minh mưu đồ tư lợi riêng nên đem thân nhân trong gia đình vào hàng ngũ lãnh đạo của Mặt Trận (nhất là kiểm soát các sự việc liên quan đến tài chánh ) và đẩy những người đã cộng tác lúc ban đầu ra khỏi tổ chức , thí dụ như Đại Tá Phạm Văn Liễu, thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy, nhà văn kiêm nhà báo Cao Thế Dung …




Giả thiết số ba : tướng Hoàng Cơ Minh và Ban Lãnh Đạo của Mặt Trận không bao giờ công khai hóa số tiền thu được cũng như số tiền đã chi tiêu.

Giả thiết số bốn : Lập chiến khu “ma” (video quay tại Hoa Kỳ nhưng nói là thành lập chiến khu tại biên thùy Thái Lan – Lào hay biên thùy Thái- Cambodia.

Giả thiết số năm : phóng đại số chiến binh tình nguyện gia nhập Mặt Trận, đồng nghĩa với tục ngữ “có ít xít ra nhiều ”, thí dụ Mặt Trận tuyên bố có khoảng 10,000 tay súng tại biên thùy Thái – Lào chả hạn.

Giả thiết số sáu : Ban Lãnh Đạo của Mặt Trận tiếp tục lừa dối người Việt Hải Ngoại sau khi tướng Hoàng Minh đã chết hồi 1987 mà vẫn tiếp tục từ hải ngoại gửi thông điệp chúc Tết đồng bào Việt Nam trong cũng như ngoài nước.




Giả thiết số bẩy : đột nhiên vào mùa hè năm 2001, Ban Lãnh Đạo Mặt Trận làm Lễ Truy Điệu cho tướng Hoàng Cơ Minh và các kháng chiến quân đã hy sinh trên đường tìm về nước , mà không đưa ra bất cứ lời giải thích nào khiến cho đến nay (2016) vẫn chưa ai biết sự thật của sự dấu diếm tin tức.




Với 7 giả thiết vừa nêu, tôi nghĩ rằng trọng tâm của định đề (hay định lý) đã được ông Kim Âu Hà Văn Sơn - đanh thép pha lẫn hùng hổ - kết án “Hoàng Cơ Minh là thiên cổ tội nhân” và ông Nguyễn Thanh Tú đã kết luận “ Mặt Trận đứng ra tổ chức ám sát ký giả Đạm Phong” rồi sau đó ông Tú còn đòi hỏi Ban Lãnh Đạo hiện nay của Đảng Việt Tân phải gánh lấy trách nhiệm về cái chết của cha ông ta .




Tôi sẽ không đưa bất cứ lời biện hộ nào cho 7 giả thiết vừa nêu trên vì tôi không phải là thành viên của Mặt Trận , vai trò biện hộ hay bào chữa cho những cáo buộc vừa nêu, phải do thành viên cao cấp của Mặt Trận tuyên cáo, nhưng chúng ta cũng cần để ý là phía Mặt Trận (hay Ban Lãnh Đạo của Đảng Việt Tân) không bao giờ đề cập đến các vấn đề nhậy cảm như vậy.

Tôi chỉ nêu ra một số giả thuyết liên quan đến 7 giả thiết vừa liệt kê để độc giả có thêm được những dữ kiện hầu tiến gần đến những sự thật đã diễn tiến hơn 30 năm trước, tôi nói tiến gần đến sự thật vì những cá nhân tham dự đã tàn lụi theo năm tháng vì tuổi tác và bệnh hoạn khiến chúng ta không thể tiếp xúc để minh xác được bất cứ điều nghi ngờ nào.

Giả thuyết thứ nhất : tài chánh của Mặt Trận hoạt động không do người Việt Tỵ Nạn đóng góp . Tôi căn cứ vào thống kê để quyết chắc như vậy. Số người Việt ra đi vào cuối tháng 4/1975 được nhập vào Hoa Kỳ khoảng 180,000 người. 2 năm 1976 và 1977 hầu như không có ai vượt biển. Tới năm 1978, xảy ra vụ “nạn kiều” mới có chuyện “ra đi chính thức” và ra đi “bán chính thức” , những người tỵ nạn này phải đến cuối năm 1980 mới gia tăng nhiều, chính phủ Mỹ cho nhập cư vào Hoa Kỳ khoảng 1981 -1982. Do đó, khi thành lập Mặt Trận vào năm 1982 thì không thể có con số 01 triệu người trên toàn thế giới. Đã thế, lương căn bản chỉ có khoảng 2.50 dollars/ giờ thì làm gì có chuyện mỗi người góp 10 dollars cho tổ chức Kháng Chiến (với lại đâu phải cả một triệu người – nếu có -đều đi làm và có tiền đóng góp).

Tôi không tin rằng số tiền do người Việt Hải Ngoại sẽ nằm trong account của ông Hoàng Cơ Định (hay của bất cứ người ẩn danh nào khác), lý do thật giản dị vì personal account của ông Định sẽ không mua được vũ khí đạn dược và quân trang quân dụng của các tay buôn lậu vũ khí có tầm vóc quốc tế !!!

Tôi cũng tin tưởng rằng nguồn tin nói rằng quỹ sinh hoạt của Mặt Trận do người Việt Tỵ Nan đóng góp là do chính Ban Lãnh Đạo của Mặt Trận đưa ra với mục đích đánh lạc hướng những soi mói của các phần tử phản chiến của HK, của những ký giả cần lấy tin tức giật gân…nhằm che dấu nguồn gốc của số tiền đích thực mà Mặt Trận có được.

Giả thuyết thứ hai : Tướng Hoàng Cơ Minh trở thành lãnh tụ của phong trào Kháng Chiến Chống Cộng Sản Việt Nam là do chính phủ của Tổng Thống Reagan đề cử .

Tổng Thống Jimmy Carter là một Tổng Thống quá hiền và yếu đuối, chính sách đối ngoại của ông đặt trên nền tảng “năn nỉ” cho nên ông chỉ tại vị được một nhiệm kỳ 4 năm (1976 – 1980). Dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan mới bắt đầu nhúc nhích chuyện “phản công”, cho nên tướng Hoàng Cơ Minh sinh sống bằng nghề thợ sơn, suốt trong nhiệm kỳ của Jimmy Carter. Richard Armitage giữ một chức vị khá quan trọng trong cơ quan CIA, thừa lệnh của Tổng Thống Reagan mưu tìm thành lập tổ chức Kháng Chiến để phản công đánh lại khối Cộng Sản đang lấn chiếm khắp nơi. Khi Richard gặp tướng Hoàng Cơ Minh bàn thảo chi tiết thực hiện, lúc đó tướng Hoàng Cơ Minh mới từ bỏ nghề thợ sơn, đứng ra thành lập cơ sở kháng chiến và chiêu mộ nhân sự. Trong địa vị nhân viên CIA cao cấp , Richard Armitage chắc chắn là đã có tiếp xúc với nhiều người Việt Nam khác, nhưng do thâm tình quen biết , ông này chỉ “tin cậy” một mình tướng Hoàng Cơ Minh mà thôi.

Giả thuyết thứ ba : Dù nội các Ronald Reagan chủ chiến, nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ do Đảng Dân Chủ kiểm soát mọi việc chi tiêu của chính phủ nên Richard Armitage phải đi tìm nguồn tài chánh khác. Dựa trên cuộc điều trần của Trung Tá Oliver North trong vụ IRAN – CONTRA, tôi phỏng đoán là Richrad Armitage đã tìm được nguồn tài trợ khác để tướng Hoàng Cơ Minh có phương tiện hoạt động, đó là một nhà tỉ phú nào đó cho tướng Hoàng Cơ Minh mượn tiền nhưng phải trả lại vốn (có thể vì muốn giúp CIA của chính phủ Reagan nên người nhà giàu này không tính tiền lời). Chính việc phải trả lại tiền vốn cho vị “mạnh thường quân “ số tiền đó, nên tướng Minh chọn chuyên viên kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa làm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Kế Hoạch trong Mặt Trận (điểm lại các anh hùng hảo hán đã tham gia Măt Trận từ 1981 – 1982, xem ra chỉ có một ông Nguyễn Xuân Nghĩa có kế hoạch kinh doanh và quản trị để điều hành Mặt Trận).


Ghi chú của người viết : Chính quyền Reagan bị quốc hội Hoa Kỳ đàn hạch về 2 tội, báo chí thường gọi là vụ án IRAN – CONTRA.

Về Iran : chính quyền Reagan bán vũ khí cho Iran khi có chiến tranh xảy ra giữa Iran và Iraq (luật của Quốc Hội làm ra cấm buôn bán với Iran sau khi Iran cầm giữ hơn 40 nhà ngoại giao Hoa Kỳ làm việc trong Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Teheran ) để coi như “ tiền chuộc” hơn 40 con tin đang bị cầm giữ.

Về CONTRA : phe Cộng Sản do Daniel Ortega cầm đầu dưới tên Sandinista cướp được chính quyền tại Nicaragua vào năm 1979. Chính quyền Reagan viện trợ tiền bạc và vũ khí cho phe chống Cộng có tên là Contra, quốc hội Mỹ không muốn hành pháp Mỹ dính líu đến chuyện này, nhưng điều tra thì thấy một bà già tỷ phú Mỹ cung cấp tiền bạc chứ không phải CIA (lâu quá nên tôi không nhớ tên). Bà già tỷ phú Mỹ tuyên bố thẳng thừng trước quốc hội Hoa Kỳ : “…chính bà ta cung cấp tiền bạc cho phe Contra vì không muốn Cộng Sản vào nước Mỹ qua ngả Trung Mỹ ”. Quốc hội Mỹ không có điều khoản luật lệ nào cấm một cá nhân cho tiền riêng của mình như vậy, nên sau đó cũng không đả động gì đến vấn đề này .


Từ trường hợp của nhóm Contra, tôi suy ra rằng Richard Armitage đã nhờ một tỷ phú nào đó cung cấp tài chánh cho tướng Hoàng Cơ Minh và Mặt Trận. Ký giả Đạm Phong tưởng rằng trong vai trò nhà báo, ông ta có thể phanh phui được những khuất tất của Mặt Trận. Ký giả Đạm Phong chỉ là nhà báo, không phải là người làm chính trị hay nhân viên tình báo, ông ta không biết rằng làm như vậy thì ông ta bán được báo nhưng nhân vật tỷ phú đóng vai “mạnh thường quân “ cho tướng Hoàng Cơ Minh và Mặt Trận cảm thấy danh tiếng và công việc làm ăn của ông ta có thể bị nguy hiểm nên đã thuê mướn sát thủ đưa ký giả Đạm Phong đi tàu suốt.


Giả thuyết thứ tư : khi nhận được một số tiền lớn như vậy, tướng Hoàng Cơ Minh bắt buộc phải chọn người em ruột của mình là Tiến Sĩ Hoàng Cơ Định nắm giữ hầu bao mặc dù vào thời điểm 1981, các lãnh vực khác, ông Hoàng Cơ Định cũng không hơn gì các người danh tiếng khác.Đó là vì sự tin tưởng.

Cũng nên lưu ý rằng, đầu não của Mặt Trận tập trung về San José mà không phải là Nam California (có số người Việt đông hơn). Câu trả lời hợp lý nhất vì thập niên 1980, San José phát triển mạnh mẽ từ kỹ nghệ điện tử và computer nên nhân công dễ kiếm việc làm, đồng thời có tiền có vốn đem đầu tư vào nhà đất và thị trường chứng khoán thì sẽ mau kiếm lời. Có lẽ Ban Lãnh Đạo của Mặt Trận đã đi trước thiên hạ về lãnh vực đầu tư này, nên đã dễ dàng trả số tiền vay mượn cho vị “mạnh thường quân” năm xưa. Như vậy sau khi trả nợ xong, những gì còn lại , trên mặt lý lẽ là của Mặt Trận.

Giả thuyết thứ năm : những cuộc Đông Tiến của Mặt Trận xuất phát từ Thái Lan xâm nhập vào lãnh địa nước Lào không phải là công việc đưa người và vũ khí vào trong nước Việt Nam để tổ chức gây bạo loạn lật đổ chính quyền Cộng Sản Việt Nam.

Những ai tin rằng Mặt Trận nếu có đem được vài ngàn người trở về Việt Nam thì sẽ tạo ra bạo loạn để lật đổ chính quyền Việt Cộng thì đó là suy nghĩ của những người quá ngây thơ và xem thường khả năng quân sự của quân đội CSVN. Trong chiến tranh Triều Tiên 1950 -1953 , khi Kim Nhật Thành xua quân đội xâm lăng Nam Hàn, đuổi quân Nam Hàn của Lý Thừa Vãn xuống tận phía cực Nam của bán đảo Triều Tiên chỉ còn khoảng 10 kilometer là ra biển. 

Để cứu nguy, tướng Mac Arthur đổ quân vào hải cảng Inchon cắt Hàn Quốc ra làm 2, quân Bắc Hàn phải ra đầu hàng khoảng 180,000 người. Vị trí địa lý của Inchon tương tự như thành phố Quy Nhơn – tỉnh Bình Định của Việt Nam ta, quân Cộng Sản Bắc Hàn bị thua trong cuộc đổ bộ này vì các tướng lãnh của Bắc Hàn và Trung Cộng chưa bao giờ có kinh nghiệm về hỏa lực của Hải Quân Hoa Kỳ yểm trợ cho Thủy Quân Lục Chiến và Bộ Binh tiến chiếm mục tiêu trên đất liền . Vùng biên giới Thái – Lào mà tướng Hoàng Cơ Minh làm tuyến xuất phát, quá xa tầm yểm trợ hỏa lực của Hải Quân Hoa Kỳ cũng như không được bất cứ sự yểm trợ nào của quân lực Thái Lan, như vậy tướng Hoàng Cơ Minh xâm nhập đất Lào để làm gì ?

Tình hình chính trị của Hoa Kỳ đang bị cái gọi là “hội chứng Việt Nam” , cho nên chính phủ Reagan bị trói tay về mặt ngân sách không thể mở bất cứ mặt trận vũ trang nào tại 3 nước Đông Dương Việt - Miên – Lào. Tuy nhiên Hoa Kỳ thừa sức gây ra mặt trận “quấy rối” tại Đông Dương để buộc Cộng Sản VN phải duy trì một lực lượng quân sự lớn hầu giữ được các vùng vừa chiếm được (Việt Cộng gọi là “thành quả cách mạng” ).

Chúng ta thấy tại vùng biên giới Cambodia – Thái Lan, Hoa Kỳ qua trung gian của Thái Lan đã trợ giúp cánh quân sự của nhóm Sihanouk và nhóm hữu khuynh của tướng Som San, còn Trung Cộng thì trợ giúp phe Khmer Đỏ, sự quấy rối này làm cho Việt Cộng phải duy trì khoảng 200.000 quân sĩ tại lãnh thổ Cambodia. Ở miền Nam VN, tình báo của Pháp phối hợp với CIA trợ giúp nhóm Trần Văn Bá – Mai Văn Hạnh đổ bộ vào Cà Mau. Tuy ông Trần Văn Bá bị xử tử nhưng phe Bắc Việt đã loại hẳn phe tập kết và phe MTGPMNVN ra khỏi guồng máy chính quyền, đồng thời phải tuyển dụng và duy trì số lượng Công An rất lớn. Phía Lào thì không có sẵn những lực lượng chống Cộng như ở Cambodia và miền Nam VN, cho nên tướng Hoàng Cơ Minh và Mặt Trận phải đóng vai trò xâm nhập quấy rối : sự hiện hữu của các kháng chiến quân nhiều lần mở những cuộc hành quân Đông Tiến cũng làm cho Việt Cộng phải tăng thêm quân số cho vùng biên giới Thái – Lào, nếu cộng chung 2 nhóm binh lính VC trên lãnh địa của Lào, số quân có thể suýt soát 100,000 người.

Về mặt lâu dài, trong tình trạng không mấy khấm khá về mặt kinh tê, số quân trú phòng tại 3 vùng chiếm đóng vừa kể, sẽ là một gánh nặng mà Gorbachev gọi là “tình trạng xuất huyết nội của Liên Sô hồi 1990”. Thực tế cho thấy vào năm 1992, CSVN tuyên bố rút quân hoàn toàn tại Cambodia tuân theo Road Map mà Tổng Thống Bush đưa ra.

Giả thuyết thứ sáu : Ban Lãnh Đạo của Mặt Trận không công bố cái chết của tướng Hoàng Cơ Minh vì vấn đề trốn thuế thừa kế.

Khi tôi còn ở VN, tôi đã đi xem phiên tòa xử các kháng chiến của MT bị bắt đồng thời với các hình ảnh chứng tỏ tướng Hoàng Cơ Minh đã bị giết tại vùng biên giới Lào. Nhiều người thắc mắc tại sao Mặt Trận không đề cử hay bầu ra một lãnh đạo mới ? Vấn đề này hoàn toàn tùy thuộc vào lãnh vự “thuế vụ”, trước khi Mặt Trạn chính thức sinh hoạt, tướng Hoàng Cơ Minh đã đứng ra apply và xin license hoạt động như một cơ sở business có sinh lời. Nếu chính thức điền khuyết hoặc thay thế tên của người lãnh đạo Mặt Trận, thì đương nhiên nhân vật mới này phải đóng thuế thừa kế cho chính phủ (tương tự như người cha qua đời, con trai hưởng quyền thừa kế căn nhà, muốn thành phố hay county cấp thẻ chủ quyền căn nhà, thì sở hữu chủ mới phải đóng thuế thừa kế, vì có income không do sức lao động nên tỷ lệ đóng thuế thừa kế thường là 60%)

Năm 1991, Mặt Trận bị District Attoney của Santa Clara County truy tố ra tòa về tội trốn thuế, ông Hoàng Cơ Định không bị hề hấn gì vì ông chỉ là người thừa hành của tướng Hoàng Cơ Minh (tướng Hoàng Cơ Minh là người đứng tên trên license hoạt động của Mặt Trận) . District Attorney lên Pentagone để sưu tra về số vốn mà Mặt Trận thủ đắc, nhưng Bộ Quốc Phòng trả lời là hồ sơ chưa được “giải mật” nên Tòa Án không thể mở ra xem được .

District Attorney đạt giấy mời cựu Giám Đốc Trú Sứ của CIA tại vùng Đông Nam Á ra Tòa làm nhân chứng (ông này đã nghỉ hưu). Ông Trùm CIA tại ĐNA xác nhận có tuyên thệ là ông biết tướng Hoàng Cơ Minh đã tử nạn tại Lào từ 1987 (không có giấy khai tử, mà chỉ có báo cáo của nhân viên cấp dưới). Ngay sau đó, District Attorney tuyên bố case của tướng Hoàng Cơ Minh bị dismissed vì Tòa Án không thể truy tố người đã chết.

Giả thuyết thứ bảy : Năm 1992, ông Hoàng Cơ Định kiện báo chí (gồm các ông, Vũ Ngự Chiêu, Cao Thế Dung, , Nguyễn Thanh Hoàng báo VNTP…). Coi như ông Hoàng Cơ Định thua kiện, phe bên kia hí hửng reo vui (tôi không rõ ông Hoàng Cơ Định phải tốn bao nhiêu tiền đẻ bồi thường về mặt vật chất. Nhưng theo suy nghĩ chủ quan của tôi, ông Hoàng Cơ Định đã tung một mục tiêu giả để kéo dư luận không hướng vào chủ điểm “tiền của Mặt Trận từ đâu tới và sau khi tướng Hoàng Cơ Minh chết thì tiền sẽ đi về đâu ??

Giả thuyết thứ tám : năm 2001, Ban Lãnh Đạo của Mặt Trận mới làm Lễ Truy Điệu cho Tướng Hoàng Cơ Minh và các Kháng Chiến Quân đã hy sinh trên đường xâm nhập về nước. Tuy không giải thích tại sao năm 2001 mới làm Lễ Truy Điệu, cá nhân tôi cho rằng Ban lãnh Đạo của Mặt Trận sợ bị IRS audit. Mặc dù vào năm 1991, Tòa Án miễn truy tố một người đã chết, nhưng cơ quan Thuế Vụ có quyền audit trong vòng 10 năm sau khi cơ sở kinh doanh đóng cửa. 

Thời điểm năm 2001 là vượt hơn 10 năm (tính từ 1991) cho nên IRS không có tính cách pháp lý để mở lại hồ sơ thuế vụ. Đây chính là thời điểm thuận lợi để Ban Lãnh Đạo Mặt Trận chính thức công bố và thừa nhận tướng Hoàng Cơ Minh đã qua đời (ông Nguyễn Thiếu Nhẫn diễu cợt bằng câu nói “vắng mặt chuyển qua từ trần)

Những người đã nêu ra những giả thiết cũng là những người đơn phương đưa ra phán quyết xác định những định lý mà họ muốn mọi người đồng thuận.

Nhiều người Việt tại hải ngoại có lòng với đất nước cảm thấy không hài lòng với cách làm việc của Ban Lãnh Đạo của Mặt Trận vì họ thấy có sự chênh lệch giữa lý tưởng chống Cộng và hiện thực. Cá nhân người viết bài này chỉ đưa ra những giả thuyết mà không bênh vực hay phản đối bất kỳ một ai vì quyền quyết định thái độ ứng xử là hoàn toàn tùy thuộc người đọc.

Xin cảm ơn quý độc giả đã theo dõi toàn bộ bài viết này.

San José ngảy 3 tháng 7 năm 2016

Trần Trung Chính
.


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link