Saturday, July 9, 2016

HOA KỲ VÀ VIỆT NAM




----- Forwarded Message -----
From: "truc nguyen <>
To:
Sent: Friday, July 8, 2016 5:47 PM
Subject: [DDCL] Fw: PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I. :HOA KỲ VÀ VIỆT NAM [1 Attachment]

 
 
HOA KỲ VÀ VIỆT NAM
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
Inline images 1
Sự chia đôi Việt Nam như đã có từ hội nghị Potsdam khi cho quân đội Trung Hoa Quốc Dân Đảng giải giới quân Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16 và quân Anh giải giới quân Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16. Bán đảo Triều Tiên bị chia đôi sau đệ nhị thế chiến lấy vĩ tuyến 38 làm đường phân ranh giữa hai miền Nam- Bắc giữa Tư Bản và Cộng Sản. Cho đến năm 1945 trên thế giới chỉ có Nga là quốc gia Cộng Sản duy nhất mà thôi.
           
Trong đệ nhị thế chiến ông Hồ Chí Minh từng hợp tác với OSS, tiền thân của cơ quan CIA (Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ) dưới tên Lucius. Nhờ làm việc dưới tàu ông Hồ Chí Minh có dịp đến Hoa Kỳ năm 1913 và làm việc cho một nhà hàng của một khách sạn sang trọng ở Anh từ năm 1914 đến 1917. Do đó ông là một trong những người Việt Nam đầu tiên nói được tiếng Anh vào đầu thế kỷ XX. Nhiều sĩ quan OSS có cảm tình với ông và tin rằng ông là một người có tinh thần quốc gia chớ không phải Cộng Sản mặc dù họ thừa biết ông là người do Moscow huấn luyện. Về phần  Hồ Chí Minh ông khéo che đậy màu sắc Cộng Sản của mình khi lấy bí danh Hồ Chí Minh, bí danh của đại tá Hồ Học Lãm, một người Việt Nam gốc ở Nghệ An từng hưởng ứng Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu và là đại tá có uy tín trong quân đội Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Khi nắm quyền ở Hà Nội trong Cách Mạng Mùa Thu Hồ Chí Minh đọc Bảng Tuyên Ngôn Độc Lập với hai câu mở đầu trích từ Bảng Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ và Bảng Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Pháp thời Cách Mạng. Ông Hồ Chí Minh khéo léo đánh lừa dư luận trong và ngoài nước bằng:
- hai câu mở đầu của Bảng Tuyên Ngôn Độc Lập
- sự giải tán đảng Cộng Sản Đông Dương (11 - 11 - 1945)
- chánh phủ Liên Hiệp có sự tham dự của Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Chu Bá Phượng v. v.

Một số sĩ quan OSS có cảm tình với ông và cho ông là một người Cộng Sản quốc gia như Tito. Nhưng chánh phủ Truman không thấy như vậy. Vì:

1. quốc hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Những từ Dân Chủ, Nhân Dân, Xã Hội Chủ Nghĩa là những từ ngữ bóng bẩy được dùng nhiều ở Liên Sô. Vừa cướp chánh quyền ở Hà Nội một số biểu ngữ bằng tiếng Anh phỏng theo tư tưởng của tổng thống Monroe của Hoa Kỳ hay cách mạng Hoa Kỳ được tìm thấy trên đường phố Hà Nội làm cho nhiều người ngẩn ngơ không hiểu gì cả như: Vietnam to the Vietnamese, Liberty or Death v. v. Cách chào cung tay tung lên cao từ trái tim bên trái trước khi đặt bàn tay cung lên màng tang là cách chào của Hoa Kỳ thời Chiến Tranh Cách Mạng.

2. quốc kỳ nền đỏ với ngôi sao vàng phỏng theo màu sắc của quốc kỳ Liên Sô từ màu sắc đến ngôi sao vàng chỉ đạo.
3. Ở nông thôn chánh quyền Việt Minh thi hành chánh sách khủng bố và công an trị ghê rợn. Trí, phú, địa, hào, trí thức yêu nước không đảng phái, lãnh đạo các đảng phái không Cộng Sản bị thủ tiêu hay bắn giết không thương tiếc (Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Duy Dân, Cao Đài, Hoà Hảo, Trotskyite v. v.).
         
Hồ Chí Minh không thể so sánh với Tito. Do tình cờ lịch sử ông Tito sớm trở thành đảng viên Cộng Sản Bolshevist và có vợ Nga. Stalin biết ông và chỉ định ông lãnh đạo đảng Cộng Sản Nam Tư trong khi ông Hồ Chí Minh suýt bị Stalin ra lịnh xử tử năm 1933 vì lời tố cáo của lãnh tụ đảng Cộng Sản Pháp, Maurice Thorez. Ông là một thành viên của đảng Cộng Sản Pháp ngày mới thành lập năm 1920. Tito có thành tích chống phát xít Đức trong đệ nhị thế chiến trong khi Hồ Chí Minh chỉ chống phát xít Nhật bằng lời hơn là có thành tích cụ thể. Năm 1948 Tito mạnh dạn chống Stalin. Liên Hiệp Nam Tư ( Yugoslavia) bị trục xuất khỏi Cominform (Quốc Tế Truyền Thống Cộng Sản thay thế Comintern tức Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản giải tán năm 1943). Hồ Chí Minh luôn luôn run sợ trước Stalin và trung thành với nhà độc tài này vô điều kiện. 
         
Trong đệ nhị thế chiến hai người Việt Nam gần gũi và hợp tác với Hoa Kỳ là Phan Bôi và Hồ Chí Minh. Do lý lịch Cộng Sản của Hồ Chí Minh mà Hoa Kỳ không dùng ảnh hưởng của họ đối với LHQ để gây áp lực cho Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam như LHQ đã làm đối với Hoà Lan ở Indonesia năm 1949 dù rằng Sukarno thân Nhật trong đệ nhị thế chiến. Sau đệ nhị thế chiến Nhật trở thành đồng minh của Hoa Kỳ trong Chiến Tranh Lạnh đối đầu với Liên Sô. Sự yếu thế của quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng trước Hồng quân sau đệ nhị thế chiến làm cho Washington thấy tình hình Trung Hoa không sao cứu vãn được nghĩa là Trung Hoa sẽ bị xích hoá. Vì vậy Hoa Kỳ miễn cưỡng giúp Pháp để tránh nguy cơ bán đảo Đông Dương bị xích hoá dưới cờ búa liềm của đảng Cộng Sản Đông Dương do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Hoa Kỳ không chủ trương chiếm thuộc địa như Anh và Pháp sau đệ nhị thế chiến. Hoa Kỳ trao trả độc lập cho Phi Luật Tân năm 1946.  Nhờ việc giải giới quân Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16, người Anh đo lường sự đề kháng của dân tộc thuộc địa ở Việt Nam để mạnh dạn quyết định trao trả độc lập cho Ấn Độ năm 1947. Anh vẫn còn bám giữ Mã Lai và đánh nhau với du kích Cộng Sản Mã Lai từ lãnh đạo đến đảng viên hầu hết là người Hoa được người Anh thuê từ Guangdong (Quảng Đông) sang Mã Lai làm lao động trong các đồn điền cao su hay quặng thiếc Ipo. Pháp cố tái chiếm bán đảo Đông Dương. Trong Chiến Tranh Việt Nam I, Việt Minh nhận 80% viện trợ võ khí, lương thực, thuốc men và cố vấn quân sự và chánh trị từ Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc. Về phía Pháp 80% kinh phí chiến tranh do Hoa Kỳ đài thọ.
Qui paie commande. Ai chi tiền người đó chỉ huy.
Beijing (Bắc Kinh) điều khiển Việt Minh, quyết định các trận đánh trên chiến trường và cả việc chia đôi đất nước.
           
Hoa Kỳ giúp Pháp vì chiến lược chống sự bành trướng của Cộng Sản Trung Hoa xuống các quốc gia Đông Nam Á chớ không phải ủng hộ sự tái chiếm thuộc địa của Pháp ở Đông Dương. Tướng De Lattre de Tassigny của Pháp lưu ý Washington rằng, nếu Việt Minh thắng, Đông Nam Á sẽ bị xích hoá. Chủ nghĩa Cộng Sản lan sang tận Trung Đông!
         
Từ năm 1948 Pháp và Hoa Kỳ đã nghĩ đến lá bài Bảo Đại sống lưu vong ở Hong Kong. Đó là giải pháp Bảo Đại hay giải pháp quốc gia do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu để Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam. Hiệp ước Elysée ký ngày 08 - 03 - 1949 giữa tổng thống Vincent Auriol và cựu hoàng Bảo Đại công nhận Việt Nam độc lập và thống nhất. Nam Kỳ, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng qui hoàn cho Việt Nam.Nhưng sự độc lập chưa trọn vẹn nếu không nói là không có gì cả vì Pháp vẫn kiểm soát quốc phòng, kinh tế, tài chánh, và ngoại giao. Các miền núi của các dân tộc thiểu số đều là những vùng tự trị như xưa. Ba quốc gia trên bán đảo Đông Dương được gọi là quốc gia liên kết (États Associés). Pháp vẫn có một Cao Uỷ có vai trò như Toàn Quyền Đông Dương (Gouverneur Général) trước kia.
         
Với danh nghĩa vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, cựu hoàng Bảo Đại có khả năng qui tụ các nhóm bảo hoàng, Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên, Thiên Chúa Giáo và các đảng phái phi Cộng Sản như Mặt Trận Bình Dân (Bình Xuyên), Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Duy Dân, Dân Xã Đảng (Phật Giáo Hoà Hảo), Việt Nam Phục Quốc Hội (Cao Đài). Về nước năm 1949 Bảo Đại là Quốc Trưởng (Chef d’ État). Ông đứng đầu chánh phủ Quốc Gia. Bảo Đại không phải là người siêng năng hoạt động như vua Mohammed ben Yusef (1909 - 1960) tức Mohammed V của vương quốc Maroc hay Norodom Sihanouk (1922 - 2012) của Cambodia. Chánh phủ Quốc Gia là cái bóng mờ trước viên Cao Uỷ Pháp. Nhìn chung các vị Thủ Tướng đều thân Pháp. Thủ Tướng Nguyễn Phan Long muốn nhận viện trợ trực tiếp từ Hoa Kỳ thì bị mất chức. Bản thân Quốc Trưởng Bảo Đại hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Pháp về văn hoá lẫn chánh trị. Phủ Cao Uỷ Pháp không thích thú với sự hiện diện của các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt. Việt Nam Quốc Dân Đảng là kẻ thù của Pháp trong cuộc khởi nghĩa đẫm máu năm 1930. Đảng Đại Việt có nhiều đảng viên có học vị cao, có chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn. Đảng này có khuynh hướng thân Hoa Kỳ.
         
Đại biểu các cường quốc họp tại Genève về vấn đề Đông Dương năm 1954 không ký một hiệp ước nào cả. Ngoại trưởng Hoa Kỳ là Foster Dulles không dự các phiên họp. Hiệp định đình chiến do đại tá Delteil của Pháp và Thứ Trưởng bộ Quốc Phòng của chánh phủ kháng chiến Hồ Chí Minh là Tạ Quang Bửu ký mà thôi.
         
Ảnh hưởng của Hoa Kỳ rõ nét ở phía nam vĩ tuyến 17 sau khi hiệp định đình chiến được ký kết ngày 20 - 07 - 1954 tại Genève. Hoa Kỳ tích cực ủng hộ ông Ngô Đình Diệm, một tín đồ Thiên Chúa Giáo sùng đạo được sự ủng hộ của đức Hồng Y Spellman, phe cực hữu Pháp. Tình hình ở phía nam vĩ tuyến 17 vô cùng rối ren trong thời gian 1954 đến 1956 giữa Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, người được xem là thân Hoa Kỳ, và các nhóm thân Pháp như Quốc Trưởng Bảo Đại, trung tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia, các lực lượng giáo phái (Bình Xuyên, Cao Đài, Hoà Hảo, Thiên Chúa Giáo, đa số gốc miền Nam). Tình hình ở miền Nam trở nên phức tạp vì:
- vấn đề địa phương (Bắc- Trung- Nam)
- tôn giáo (Thiên Chúa Giáo- Phật Giáo- Cao Đài- Phật Giáo Hoà Hảo)
- chánh kiến khác nhau tuy có một đối tượng chung: chống Cộng Sản (phe thân Pháp- phe thân Hoa Kỳ)
- sự hiện hữu của hàng chục ngàn cán bộ Việt Minh không tập kết ra Bắc. Họ ở lại miền Nam chuẩn bị cuộc tổng tuyển cử dự trù vào năm 1956. Nếu không có tổng tuyển cử thì họ phát động chiến tranh du kích và phá hoại trước khi Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam ra đời vào cuối năm 1960. Thành viên của Mặt Trận đều là những người sinh ở phía nam vĩ tuyến 17, những trí thức Tây học tốt nghiệp các trường đại học Pháp hay Cao Đẳng Hà Nội, những đại diện của Bình Xuyên, Cao Đài, Hoà Hảo, Thiên Chúa Giáo chống đối ông Ngô Đình Diệm. Người khai sinh và điều khiển Mặt Trận là Lê Duẩn và các đảng viên Cộng Sản miền Bắc được đưa vào Nam như Nguyễn Chí Thanh hay những đảng viên nằm vùng ở miền Nam như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt.  
         
Hoa Kỳ không gặp khó khăn ở Nhật, Đại Hàn và Taiwan (Đài Loan). Nhưng Hoa Kỳ không thành công với SEATO (Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á) ở Đông Nam Á. Sự hiện diện của họ ở miền Nam Việt Nam không được trơn tru.
         
SEATO ra đời vào năm 1954 như một rào cảng ngăn chặn sự bành trướng của Cộng Sản ở Đông Nam Á. Khác với NATO các thành viên trong SEATO rất rời rạc và không có quân đội. Pakistan thân Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc là một thành viên có vẻ miễn cưỡng trong Liên Minh. Năm 1956 quân đội Pháp rút khỏi miền Nam Việt Nam. Năm 1957 Anh trao trả độc lập cho Mã Lai. Hai cường quốc Âu Châu này không có quyền lợi gì ở Đông Nam Á nữa.
         
Ở Phi Luật Tân tổng thống Magsaysay thành công trong việc đánh dẹp Cộng Sản Huks. Ở miền Nam Việt Nam tổng thống Ngô Đình Diệm chưa đạt được thành tích đó. Magsaysay xuất thân từ một người bình dân. Ông Ngô Đình Diệm là một quan lại pha lẫn màu sắc phong kiến Khổng Giáo và văn hoá cổ điển Thiên Chúa Giáo Tây Phương. Ông Magsaysay gần dân hơn ông Ngô Đình Diệm. Cộng Sản Phi không có nhiều kinh nghiệm chánh trị lẫn hoạt động võ trang và không có nguồn viện trợ to lớn như Cộng Sản Việt Nam ở miền Nam với một hậu cứ to lớn ở miền Bắc và hai nguồn viện trợ từ hai nước Cộng Sản lớn là Liên Sô và Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc. Dư luận cho rằng ông Ngô Đình Diệm quá nặng về gia đình và tôn giáo của ông. Bốn người có ảnh hưởng rất lớn bên cạnh tổng thống Ngô Đình Diệm là tổng giám mục Ngô Đình Thục, cố vấn Ngô Đình Nhu và vợ ông là bà Trần Thị Lê Xuân tức Bà Nhu và ông Ngô Đình Cẩn ở miền Trung. Hoa Kỳ rất chú trọng đến dư luận quần chúng và hiệu năng của chánh quyền. Những từ gia đình trị, tôn giáo trị rỉ rả bên tai song song với với lời phiền trách Hoa Kỳ ủng hộ chánh phủ độc tài làm cho Washington nhức đầu. Du kích Cộng Sản đi từ ám sát, đào đường đã tiến đến những trận đánh lớn gây thiệt hại nặng nề cho chánh phủ Sài Gòn như trận đánh Phước Thành, Phước Long, Lâm Đồng, Trảng Sụp rồi Ấp Bắc. Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Hoa Kỳ oanh tạc miền Bắc (1964) và đưa quân vào miền Nam Việt Nam (1965). Hoa Kỳ oanh tạc miền Bắc, đường mòn Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn sự xâm nhập võ khí và người từ miền Bắc vào miền Nam. Kết quả không được như mong mỏi còn bị dư luận thế giới lên án nước lớn hiếp đáp nước nhỏ. Bộ đội Cộng Sản miền Bắc từ đó đi lại trên lãnh thổ hai nước trung lập Lào và Cambodia trong khi Hoa Kỳ và quân đội miền Nam Việt Nam phải tôn trọng sự trung lập của hai nước này.   
         
Lượng thấy tình hình miền Nam bấp bênh sau cuộc đảo chánh 01 - 11 - 1963, năm 1965 Hoa Kỳ đưa quân vào miền Nam Việt Nam với hy vọng ngăn chặn làn sóng Cộng Sản tràn xuống các nước Đông Nam Á như thuyết Domino tiên liệu. Cuộc Chiến Tranh Việt Nam II không mang lại kết quả mong mỏi mặc dù Hoa Kỳ đưa trên 500,000 quân sang Việt Nam cùng 1.2 triệu quân Việt Nam Cộng Hoà và 100,000 quân Đại Hàn, Thái Lan, Úc và Tân Tây Lan. Nguyên nhân?

Về phía Hoa Kỳ: Họ cô đơn trong dư luận thế giới lẫn dư luận trong nước. Phần lớn dư luận thế giới cho rằng cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam là vấn đề nội bộ giữa nhân dân miền Nam (Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam) và chánh phủ Sài Gòn. Một phần dư luận Hoa Kỳ cũng tương tự như thế. Sự hiện diện của quân Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam giúp cho bộ máy tuyên truyền của Cộng Sản càng trở nên hữu hiệu hơn. Nào là Mỹ xâm lược. Nào là đánh Mỹ cứu nước! Nào làđánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào! Quân sĩ Hoa Kỳ hoàn toàn xa lạ với chiến tranh du kích và chiến trường rừng núi, đầm lầy vùng nhiệt đới ẩm ướt, nóng bức và đầy vắt, đỉa và muỗi mòng để gây ra bịnh nhiệt đới như kiết lỵ, sốt rét. Họ làm sao phân biệt đâu là kẻ thù? và đâu là dân? hay chính dân là kẻ thù? Chiến tranh du kích và khủng bố không theo qui ước nào cả. Nơi nào cũng có thể là chiến trường đẫm máu (rạp hát, nhà hàng, vũ trường, trường học, chợ búa, nhà thờ, đình, chùa v. v.)

Về phía Việt Nam Cộng Hoà: Miền Nam bị phân tán nặng nề giữa nhóm thân Pháp và thân Hoa Kỳ, giữa Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, giữa dân địa phương ba miền. Hào quang Điện Biên Phủ vẫn còn sáng chói. Sau khi ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ miền Nam càng phân hoá trầm trọng giữa phe thân tổng thống Ngô Đình Diệm và tướng lãnh đảo chánh, giữa phe quân nhân và phe dân sự, giữa người được Hoa Kỳ hậu thuẫn và người bị Hoa Kỳ bỏ rơi. Tướng lãnh hay sĩ quan chống hay đánh cố vấn Hoa Kỳ được ca ngợi. Việc chống Cộng trong một quốc gia nông nghiệp có quá khứ thuộc địa như Việt Nam không phải là một chuyện dễ dàng. Đa số dân chúng sống ở nông thôn. Tỷ lệ người nghèo cao. Có gia đình có con tập kết ra Bắc. Có gia đình có con ngày cày ruộng, đêm hoạt động du kích. Có gia đình oán ghét chánh phủ Sài Gòn qua những viên chức xã thôn hống hách, lạm quyền. Nông dân sống bám lấy ruộng đất, nguồn sống của họ, nên phải phục tùng mệnh lệnh của Cộng Sản. Nếu không, họ bị xử tử với bản án phản động, gián điệp hay tề ngụy. Việc tranh thủ nhân tâm bằng  ‘người cày có ruộng’, ‘xây dựng nông thôn’ của Việt Nam Cộng Hoà không mang lại kết quả mong mỏi khi chánh quyền Sài Gòn không thể giữ an ninh nông thôn ngày lẫn đêm 100%. Không thuận theo Cộng Sản thì chết. Không thuận theo Quốc Gia thì bị bắt cầm tù nhưng có ngày được tự do. Đó là sự tính toán của dân nông thôn cho dù không phải người dân nông thôn nào cũng thích Cộng Sản. Chiến tranh càng kéo dài sự kiên nhẫn của dư luận Hoa Kỳ càng uể oải. Nạn tham nhũng, đào ngũ, trốn lính gia tăng nghiêm trọng. Sinh viên, học sinh biểu tình. Sư sãi, ni cô, linh mục biểu tình. Ký giả ăn mày biểu tình. Thương phế binh biểu tình. Tướng Nguyễn Cao Kỳ hục hặc với tướng Nguyễn Văn Thiệu. Chiến trường sôi động. Một số tướng lãnh rời khỏi quân đội vì đảo chánh bất thành, vì lập trường chánh trị. Một vài người đi làm đại sứ. Một số sĩ quan cấp tá làm dân biểu, nghị sĩ, tỉnh trưởng, quận trưởng v.v.
           
Hiệp định Paris ký ngày 27 - 01 - 1973 giúp cho Hoa Kỳ rút quân về nước trong danh dự chớ nó không đem lại hoà bình cho phần đất phía nam vĩ tuyến 17. Hai năm sau ngày ký kết hiệp định Paris miền Nam sụp đổ.

*****

Cộng Sản Việt Nam tự xem mình đã chiến thắng hai đế quốc: đế quốc Pháp (1954) và đế quốc Mỹ (1975). Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ nhưng Hoa Kỳ không bị thất trận trên chiến trường Việt Nam mà bị bại trận trong dư luận phản chiến trên lãnh thổ Hoa Kỳ và trên thế giới. Hoa Kỳ không thành công trong việc ngăn chặn Cộng Sản xâm chiếm miền Nam nhưng Hoa Kỳ không bị Cộng Sản đánh bại. Khe Sanh không phải là Điện Biên Phủ. Trận đánh Khe Sanh diễn ra vào cuối năm 1967 và đầu 1968. Hoa Kỳ rút quân khỏi miền Nam năm 1973. Ý niệm Thắng- Thua cho thấy sự hiếu thắng và hiếu chiến của Cộng Sản Việt Nam. Chủ trương của Hoa Kỳ trong Chiến Tranh Lạnh là cầm cự Cộng Sản hơn là chiến thắng. Đối với Hoa Kỳ thắng Cộng Sản Hà Nội có gì là danh dự cho họ? Họ còn mang tiếng tàn ác nếu dùng bom phá vỡ hệ thống đê điều ở miền Bắc để nắm thế thượng phong và chiến thắng. Việc oanh tạc Hà Nội và Hải Phòng bằng B- 52 vào tháng 12 năm 1972 không nhằm mục đích chiến thắng Cộng Sản miền Bắc mà nhằm giúp cho họ có duyên cớ trở lại bàn hội nghị để ký kết hiệp định Paris ngày 27 - 01 - 1973 mà không gặp trở ngại nào trong nội bộ.
           
Hãy tưởng tượng một trận đấu giữa một người lớn mạnh khoẻ và một người nhỏ ốm yếu. Người lớn và to mạnh tìm cách rời khỏi trận đấu giữa tiếng kêu la và chửi rủa của người nhỏ và yếu được nhiều người hàng xóm bày tỏ sự thương tình. Người to lớn bị xem như thua. Người nhỏ và ốm yếu nhưng có lời chửi rủa to được xem như thắng. Người thua vẫn khoẻ mạnh. Uy tín không bị sứt mẻ. Ra ngoài vẫn có người giở nón kính chào trong khi người thắng phải đi tìm thầy chữa bịnh hằng ngày và tìm hết nhà này đến nhà khác để mượn gạo ăn cho đỡ đói. Bức tranh này đang vẽ cảnh Thắng- Thua dưới khía cạnh khác với quan điểm thông thường trong xã hội phong kiến, nông nghiệp Á Đông.    
         
Năm 1965 Hoa Kỳ đưa quân vào miền Nam Việt Nam với mục đích có một trận thư hùng với Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc. Mao Zedong (Mao Trạch Đông) là người hung hăng nhưng tỏ ra biết người biết ta nên đã né tránh một Triều Tiên thứ hai ở Việt Nam năm 1954 và bây giờ 1965. Ông Mao trao danh dự đánh Mỹ cho ông Hồ Chí Minh, Trường Chinh và Lê Duẩn. Năm 1972 Mao tiếp đón tổng thống Nixon bằng một buổi tiệc 72 món ăn vương giả quí hiếm giữa lúc sức khoẻ của ông rất kém.
           
Năm 1969 hai nước Cộng Sản đàn anh Liên Sô và Trung Quốc đánh nhau trên đảo Damansky (Chân Bao- Chen Pao). Sự yếu thế nghiêng về phía Trung Quốc. Liên Sô đồng chí trở thành kẻ thù nguy hiểm sát nách Trung Cộng. Hoa Kỳ nắm lấy cơ hội này để có một đồng minh giai đoạn để đương đầu với Liên Sô. Nước đồng minh giai đoạn này là một nước Cộng Sản có gần 01 tỷ dân. Hoa Kỳ rút quân khỏi Nam Việt Nam năm 1973. Đó là một tin mừng cho Trung Quốc. Năm 1974 hải quân Trung Quốc tấn công hải quân Việt Nam Cộng Hoà và chiếm quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa. Hoa Kỳ bang giao với Trung Quốc, chấp nhận nguyên tắc Một Nước Trung Hoa. Trên thực tế Hoa Kỳ vẫn bán võ khí cho Taiwan để tự vệ trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Quân sĩ Hoa Kỳ vẫn còn hiện diện ở Okinawa ( Nhật) và Đại Hàn.
           
Hoa Kỳ đã mở cửa Trung Quốc, một quốc gia Cộng Sản to lớn và khép kín, không bằng đại bác mà bằng ngoại giao. Họ trao ghế đại diện Trung Hoa tại LHQ cho Beijing, còn nhận nguyên tắc Một Nước Trung Hoa nhưng Taiwan vẫn không mất vào tay Trung Quốc. Lục địa Trung Hoa gởi sinn viên sang Hoa Kỳ học hỏi khoa học kỹ thuật Hoa Kỳ. Deng Xiaoping hướng về kinh tế thị trường với thuyết đơn giản: mèo trắng, mèo đen gì cũng được miễn là bắt được chuột.
         
Sự rút quân Hoa Kỳ ra khỏi Nam Việt Nam và sự sụp đổ của phần đất này thoạt mới nhìn thì đó là sự thất bại của Hoa Kỳ. Nhưng đó là nỗi vui mừng lẫn lo lắng của Trung Quốc. Vui mừng vì Trung Quốc sẽ tung hoành ở Đông Nam Á trong tương lai. Khởi đầu là việc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 trước sự bất động của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ. Năm 1992 Hoa Kỳ rời khỏi Subic Bay ở Phi Luật Tân và chỉ thuê một ụ sửa tàu ở Singapore mà thôi. Sự thống nhất Việt Nam năm 1975 làm cho Mao Zedong ray rứt không ít. 
1. Cộng Sản Việt Nam đánh nhau với Hoa Kỳ và thành công trong việc xâm chiếm miền Nam Việt Nam trong khi Mao không thể thống nhất Taiwan bằng võ lực!
2. Kể từ năm 1970 Lê Duẩn hướng hẳn về Liên Sô để được viện trợ võ khí tối tân chống xe tăng và phi cơ Hoa Kỳ xử dụng trên chiến trường miền Nam.
3. Sự thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Cộng Sản Việt Nam (đảng Lao Động) có thể có ảnh hưởng không tốt cho bang giao Hoa Kỳ- Trung Quốc vừa đang chớm nở. Nó cho thấy Mao không có ảnh hưởng gì với Lê Duẩn.
           
Sau năm 1975 Cộng Sản Việt Nam thân Liên Sô công khai chống Cộng Sản Trung Quốc và Khmer Đỏ theo chủ nghĩa Mao. Chiến tranh tam giác giữa ba quốc gia Cộng Sản diễn ra giữa Cộng Sản Việt Nam- Khmer Đỏ (1978) và Cộng Sản Việt Nam- Cộng Sản Trung Quốc (1979). Đây là sự ngẫu nhiên hay một sách lược đã có trước? Hồ Chí Minh, Lê Duẩn hô hào chống đế quốc Mỹ xâm lược, chống Mỹ cứu nước. Bây giờ Cộng Sản Việt Nam trở thành kẻ xâm lăng Cambodia và đóng vai đế quốc ở Lào! Cuối năm 1978 Cộng Sản Việt Nam xâm chiếm Cambodia. Năm 1979 Liên Sô xâm lăng Afghanistan. Hai nước Cộng Sản thực hiện mộng đế quốc mà họ gắn cho Hoa Kỳ và bị sa lầy. Việt Nam sa lầy ở Cambodia. Liên Sô rút quân ra khỏi Afghanistan như một đế quốc chiến bại (1988). Năm 1989 chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu. Năm 1991 chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Liên Sô. Chiến tranh lạnh chấm dứt.
           
Trước sự sụp đổ của các quốc gia Đông Âu, Cộng Sản Việt Nam bắt đầu lo sợ. Tổng bí thơ đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh, thủ tướng Đỗ Mười, cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc như tạ tội thời kỳ chống Trung Quốc dưới thời Lê Duẩn để xin tái hàng phục Beijing hầu bảo vệ chánh quyền.
         
Chương trình Bốn Hiện Đại Hoá của Deng Xiaoping ( Đặng Tiểu Bình) đạt kết quả tốt đẹp nhờ chánh sách mèo trắng mèo đen linh động của Deng Xiaoping và sự học hỏi nơi Hoa Kỳ. Đến đầu thế kỷ XXI Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế số 2 và cường quốc quân sự số 3 trên thế giới. Người ta cho rằng Trung Quốc đổi mới trong 30 năm đã đạt được kết quả mà các nước Tây Phương phải mất 300 năm tính từ cách mạng kỹ nghệ vào thế kỷ XVIII. Nhận xét này vừa là lời khen ngợi vừa là sự nghi ngờ về sự trộm cắp kỹ thuật cao. Các tổng bí thơ đảng Cộng Sản Việt Nam như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng đều khép nép trước các quan chức Trung Quốc. Chế độ Cộng Sản tồn tại ở Việt Nam bằng sự lệ thuộc nghiêm trọng của nước này đối với Trung Quốc.
           
Năm 1995 Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Việt Nam. Các tổng thống Hoa Kỳ như Bush I, Clinton, Bush II, Obama đều có đến Việt Nam.
Tổng thống Bush I đến Việt Nam sau khi rời khỏi White House.
Tổng thống Clinton đến Việt Nam vào những ngày cuối cùng ở White House. Ông đến Hà Nội vào một đêm khuya.
Tổng thống Bush II đến Việt Nam năm 2006 để dự hội nghị APEC và theo lời mời của chủ tịch Nguyễn Minh Triết.
Tổng thống Obama đến Việt Nam vào tháng 05 năm 2016 trước khi rời khỏi White House 08 tháng. Không vị tổng thống Hoa Kỳ nào đến Việt Nam và bị đón tiếp bằng những cuộc biểu tình phản đối, giận dữ. Trái lại giới trẻ có vẻ thích thú nghe tổng thống Clinton và Obama nói chuyện mặc dù không hiểu trọn vẹn những điều đã nghe. Như vậy việc rời bỏ miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ tựa hồ như một sự tính toán chu đáo cho một thời gian khá dài. Họ đã đạt được gì?

1. Ngày Hoa Kỳ có mặt ở các căn cứ Phi Luật Tân và Nam Việt Nam họ bị lên án là đế quốc xâm lược, sen đầm quốc tế. Nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ diễn ra ở Phi Luật Tân và miền Nam Việt Nam với khẩu hiệu US Go Home quen thuộc.

2. Sau khi họ rời khỏi miền Nam Việt Nam và phần đất này rơi vào tay Cộng Sản dân chúng được học bài học chánh trị thực tế để hiểu phần nào về chế độ Cộng Sản để phải thốt lên rằng:
Tổ quốc ơi! Sao thế này mãi mãi?
Từ ngày giải phóng vô đây, ta ăn độn dài dài.
(Lời chế nhạo đưa vào âm điệu bài ca Cô Gái Đất Đỏ của Trần Long Ẩn)
Đả đảo Thiệu Kỳ!
Mua cái gì cũng có.
Hoan hô Hồ Chí Minh!
Mua cây đinh cũng phải đăng ký.
để nhìn nhận rằng:
Con đường Bác đi là con đường bi đát.
Con đường Siết Vô là con đường Sô Viết.

3. Đối với thế giới Cộng Sản việc rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ làm rạn nứt khối Cộng Sản trên bán đảo Đông Dương. Cộng Sản Lào theo Cộng Sản Việt Nam (1). Cộng Sản Việt Nam hướng về thành trì Xã Hội Chủ Nghĩa: Liên Sô. Khmer Đỏ theo chủ nghĩa Mao vì Pol Pot là người Khmer gốc Hoa. Việc Cộng Sản Việt Nam đánh nhau với Cộng Sản Khmer rồi Cộng Sản Trung Quốc đánh Cộng Sản Việt Nam cho thấy Cộng Sản không phải là một khối đoàn kết vững chắc như nhiều người tưởng. Cộng Sản Việt Nam vỡ mộng. Giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ai là kẻ đáng lo ngại? Vậy lời kêu gọi Đánh Mỹ Cứu Nước của Hồ Chí Minh và Lê Duẩn có phải là sự sáng suốt chánh trị không? Lê Duẩn nghiêng theo Liên Sô, gây thù chuốc oán với Trung Quốc. Ký hiệp ước hữu nghị với Liên Sô năm 1978, Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cho tàu Liên Sô vào Cam Ranh thay thế tàu Hoa Kỳ trước kia. Năm 1979 rồi 1988 Trung Quốc tấn công quân Cộng Sản Việt Nam ngoài biên giới và trên Biển Đông, sao Liên Sô điềm nhiên nhìn đàn em bị đồng chí Trung Quốc trừng phạt tơi bời? Đó là sự hào hùng Sô Viết như đài truyền hình Cộng Sản Việt Nam không ngớt ca ngợi hằng ngày? và việc Trung Hoa dày xéo Cộng Sản Việt Nam là cảnh núi liền núi, sông liền sông và môi hở răng lạnh vàtình đồng chí keo sơn giữa hai nước Cộng Sản mà Hà Nội không ngớt truyền tụng?

4. Đối với Cộng Sản Việt Nam, Hoa Kỳ thành công trong việc biến các lãnh tụ Cộng Sản chuyên chính vô sản mặc áo sơ mi trắng, tay ngắn bỏ ngoài biết yêu áo bành tô ( paletot) và cà vạt màu sắc rực rỡ tươi mát thay vì chỉ tôn thờ màu đỏ của máu tươi. Nguyễn Văn Linh được ca ngợi là người trí thức tiểu tư sản, biết đànmandoline, đọc Les Misérables và có tinh thần Đổi Mới. Võ Văn Kiệt là người mạnh dạn đề xuất theo kinh tế thị trường. Ông là người thủ tướng Cộng Sản Việt Nam đầu tiên dẫn vợ theo ông trong các chuyến công du nước ngoài!

5. Sự vắng mặt của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á là cơ hội ngàn vàng cho Trung Quốc thực hiện mộng bành trướng bá quyền trong khu vực. Trung Quốc trở thành mối đe doạ khủng khiếp đối với các quốc gia Đông Nam Á. Nước Cộng Sản Cambodia do Hun Sen lãnh đạo thân Việt Nam đã trở thành một quốc gia quân chủ lập hiến thân Trung Quốc nhưng Hun Sen vẫn là thủ tướng đầy quyền uy. Được Cộng Sản Việt Nam tiếp sức để có địa vị lãnh đạo Cambodia sau khi Khmer Đỏ bị đánh đuổi ra khỏi Phnom Penh cuối năm 1978 Hun Sen là người nắm quyền lâu nhất trong lịch sử Cambodia. Bây giờ ông nhận viện trợ Trung Quốc và không còn kính nể Cộng Sản Việt Nam như trước. Con trai ông học trường Võ Bị West Point của Hoa Kỳ. SEATO đã từng thất bại và giải tán. Bây giờ các nước ĐNA càng run sợ trước sự lớn mạnh của quốc gia to lớn với khối dân đông đảo nhất thế giới. Trung Quốc tự cho có chủ quyền trên 80% Biển Đông trên Lưỡi Bò Chín Đoạn rộng lối 3 triệu km2 với lối 140 đảo đá, đảo san hô lẫn bãi cạn chưa nổi trên mặt nước biển. Trước kia nữ tổng thống Phi Luật Tân, bà Aquino, từng yêu cầu Hoa Kỳ rời khỏi Subic Bay. Nay Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough khiến Phi Luật Tân nghĩ đến sự hiện diện cần thiết của Hoa Kỳ trong vùng để tái lập quân bình lực lượng với Trung Quốc. Họ nhớ đến hiệp ước an ninh ký với Hoa Kỳ năm 1951 và kiện Trung Quốc ra Toà Án Trọng Tài Quốc Tế La Hague. Chắc chắn Trung Quốc hiện ra bộ mặt kẻ mạnh hà hiếp kẻ yếu. Họ cho rằng họ có bằng chứng lịch sử các vùng trong Lưỡi Bò thuộc chủ quyền của họ. Nào là họ có một quyển sách in 600 năm trước nói như thế nhưng cuốn sách ấy đâu mất rồi!? Có lẽ vì vậy mà họ không dám ra toà để tự biện hộ vật mà họ vừa cướp của Phi Luật Tân. Phán quyết của Toà Án Trọng Tài Quốc Tế không có nghĩa gì trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc tôn thờ Real politik nhưng nó tố cáo Trung Quốc là một nước lớn có quyền phủ quyết tại Đại Hội Đồng LHQ lại là một nước không tôn trọng luật pháp trước dư luận quốc tế. Xi Jinping phải mất thì giờ và tiền bạc đi vòng quanh Phi Châu và các châu khác để mua chuộc các nước ủng hộ luận cứ pháp lý của họ về chủ quyền trên Lưỡi Bò Chín Đoạn. Xi Jinping cũng có ít ra 08 quốc gia biện hộ cho hành vi xấc xược của Trung Quốc mặc dù họ không liên hệ và không để ý đến vấn đề trước đó. Dù Trung Quốc thắng hay thua kiện cũng mặc. Với sức mạnh của tàu bè võ trang họ là sở hữu chủ đương nhiên gần 3 triệu km2 trên Biển Đông. Việt Nam không dám làm như Phi Luật Tân vì chính họ không nắm vững ông Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng có mật ước gì với Mao Zedong và Zhou Enlai về sự chuyển nhượng biển, đảo, lãnh thổ hay không? Vị nào trong đảng Cộng Sản Việt Nam và chánh phủ Hà Nội dám có ý kiến đưa Trung Quốc ra Toà Án La Haye vì họ ý thức địa vị hiện nay của họ do đâu và do ai mà có?
         
Hoa Kỳ xoay trục về Châu Á sau hàng chục năm gần như quen lảng ĐNÁ với 650 triệu dân và rộng 4.5 triệu km2 dẫu biết rằng Trung Quốc có nhiều ưu thế địa lý, kinh tế và nhân văn trong vùng này. Đông Nam Á có 50 triệu Hoa kiều sống ở các thành phố lớn và rải rác tận nông thôn. Họ nắm guồng máy kinh tế địa phương. Nhưng với tinh thần thể thao đòi hỏi quyết tâm và kiên nhẫn để chuyển yếu thành mạnh và chuyển thất bại thành thành công, Hoa Kỳ xây dựng vị trí của mình ở Đông Á trước sự vươn lên và đe doạ của Trung Quốc.
           
Trong Chiến Tranh Lạnh Cộng Sản miền Bắc và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam do Hà Nội khai sinh chống Hoa Kỳ. Indonesia có số đảng viên Cộng Sản Maoist đứng hạng nhì ở Á Châu. Nhưng từ năm 1965 về sau chánh phủ quân nhân ở Indonesia chống Cộng Sản mãnh liệt. Ấn Độ thân Liên Sô và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà mặc dù bị Trung Quốc tấn công và chiếm lấy trên 60,000 km2 năm 1962. Hàng rào SEATO nhằm ngăn chặn Trung Quốc tự sập.
           
Trong hiện tình Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tỏ ra trung kiên với Trung Quốc nhưng vẫn hậm hực trước thái độ bề trên của nước này. Đó là sự hậm hực và nhục nhã của kẻ dưới bám quyền hành dưới tán dù của cường lân. Họ nhục nhã trước nhân dân của họ và bị kẻ che chở và ban chức quyền cho họ khinh bỉ. Các nước Đông Nam Á mua tàu chiến, phi cơ, võ khí từ các nước để tự vệ trước sự đe doạ ngày càng lộ liễu của Trung Quốc. Việt Nam luôn luôn nhắc nhở đến Bốn Tốt và Mười Sáu Chữ Vàng như kinh nhật tụng ngoại giao với Trung Quốc. Họ vẫn bỏ ra nhiều tiền để mua phi cơ, tàu chiến, tàu lặn, hoả tiễn của Nga, Ấn Độ, Do Thái. Các tổng bí thơ đảng, chủ tịch nước và thủ tướng CHXHCNVN cũng giả vờ chống Trung Quốc bằng cách thăm viếng Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản mà Trung Quốc không ưa.  Hoa Kỳ vẫn biết Việt Nam là một bộ phận của Trung Quốc hay ít ra lệ thuộc Trung Quốc nặng nề nhưng vẫn cứ ve vãn, mơn trớn. Vị trí địa lý của Việt Nam là một vị trí quan trọng đối với Trung Quốc trên đường bành trướng sang các nước khác ở Đông Nam Á. Đó là con đường mà Nhật đã dùng trong đệ nhị thế chiến. Chánh quyền Hà Nội lấm lét sợ sệt khi tiếp rước các tổng thống Hoa Kỳ. Nếu có một liên minh quân sự bao quanh Trung Quốc chắc chắn không có Cộng Sản Việt Nam. Nhưng nếu liên minh này thực sự ra đời thì có sự tham gia của Ấn Độ, Nhật Bản và cả Úc Đại Lợi nữa.
         
Như đã thấy từ ngày độc lập đến năm 2012 Ấn Độ từng thân thiện với Liên Sô, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và sau này với Trung Quốc, Brazil và Liên Bang Nga, nghĩa là Ấn Độ không có thời điểm nào đánh dấu bang giao thân thiện với Hoa Kỳ. Năm 2012 một lãnh sự Ấn bị toà án New York xử về tội gian lận Visa và trả lương cho gia nhân dưới mức luật định. Trước đó, ông Narendra Modi, đương kim thủ tướng Ấn, bị cấm vào Hoa Kỳ vì vụ thảm sát người Hồi Giáo năm 2002. Tổng thống Obama thành công trong việc hâm nóng bang giao Hoa Ky- Ấn Độ. Đầu tháng 06 năm 2016 thủ tướng Modi thăm viếng Hoa Kỳ và đọc diễn văn trước Quốc Hội Hoa Kỳ. Cùng lúc đó hạm đội Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản diễn tập ở Tây Thái Bình Dương khiến Trung Quốc phải cho tàu thám thính theo dõi.
          
Khi vợ chồng Xi Jinping thăm viếng Hà Nội họ được trải thảm đỏ, bắn 21 phát súng đồng và được vợ chồng tổng bí thơ đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng đón tiếp. Tổng thống Hoa Kỳ Obama đến Việt Nam vào tháng 05 - 2016 vừa qua không được một viên chức cao cấp nào của Cộng Sản Việt Nam tiếp đón tại phi trường. Nhưng ông được dân chúng tiếp đón và hoan nghinh nhiệt liệt. Ở Thành Phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) ông được sắp đặt đến thăm chùa Ngọc Hoàng. Đó không phải là một ngôi chùa Phật Giáo trước năm 1975 mà là nơi thờ Ngọc Hoàng theo tín ngưỡng của người Hoa. Điều này cho thấy chánh quyền Cộng Sản Việt Nam muốn nhắc khéo với ông Obama rằng họ đã tự Hán hoá rồi!
         
Về phần ông Obama, ông đem khái niệm dân chủ và sự bảo vệ đến cho Việt Nam. Là lãnh đạo của một đại cường quốc ông ăn mặc giản dị, đi ngoài đường phố một cách tự nhiên và vào một quán bình dân ăn món ăn Việt Nam. Phong cách đơn giản đáng yêu ấy người Việt Nam chưa hề thấy nơi bất cứ vị quan nào của họ từ xã thôn đến trung ương trong nước. Ông Obama đề cập đến quyền dân tộc tự quyết và tuyên bố bãi bỏ lịnh cấm bán võ khí sát thương để Việt Nam thực thi câu thơ của Lý Thường Kiệt:
Nam quốc sơn hà nam đế cư.
         
Chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Obama trước khi sang Nhật Bản dự hội nghị của nhóm G 7 được xem như sự thành công về phía Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sẽ bán võ khí sát thương và phi cơ Boeing cho Việt Nam trong tương lai gần. Cộng Sản Việt Nam trả tiền. Hoa Kỳ trao hàng mà họ muốn mua. Người mua toàn quyền xử dụng món hàng mà họ mua. Nếu Cộng Sản Việt Nam mua hàng thay cho Trung Quốc thì cũng chẳng sao vì Hoa Kỳ đâu có bán cho Trung Quốc. Nếu dư luận Hoa Kỳ làm ầm lên thì sẽ tính sau.       
         
Trung Quốc hiện đang trên đỉnh cao của chủ nghĩa dân tộc và chánh sách hiếu chiến. Ngày 10 - 06 có tin cựu chủ tịch Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) bị quân đội bắt và giam trong một trại lính ở Beijing (Bắc Kinh). Một nhà ngoại giao ôn hoà Trung Quốc vừa chết vì tai nạn xe cộ. Phe chủ chiến trên lục địa đang khao khát chiến thắng để nêu danh trong lịch sử nhân loại về sức mạnh vô địch của quân đội và võ khí Trung Quốc. Họ không sợ chiến tranh nguyên tử. Sự tính toán của họ rất đơn giản như Mao Zedong đã tính trước đó rằng họ hy sinh 400 - 500 triệu người để đổi lấy sự biến mất của dân tộc đối đầu lại với họ. Số còn lại 700 - 800 triệu dân còn sống sót là sự chiến thắng của họ. Các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam cũng tin như thế để có tàn dư bảo vệ quyền hành cho họ lâu dài.
           
Đó là cách tính quá đơn giản. Có nhiều cách đánh bại đối phương mà không cần đến võ lực như cô lập đối phương trong dư luận quốc tế, làm suy yếu kinh tế đối phương nhằm gây khủng hoảng xã hội trong quốc gia đối phương. Chế độ độc tài Cộng Sản thống trị ở Trung Hoa 67 năm và ở miền Bắc Việt Nam 62 năm và miền Nam Việt Nam 41 năm. Đã đến thời gian suy tàn của chế độ. Chế độ Cộng Sản hiện hữu trên đất Thánh Cộng Sản Nga 74 năm. Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam tự cứu chế độ bằng cách chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Họ bắt đầu rơi vào mâu thuẫn với chính họ vì, theo chủ nghĩa Marx, kinh tế nào, chánh trị đó. Kinh tế chỉ huy gắn liền với chế độ Cộng Sản. Kinh tế tự do (kinh tế thị trường) gắn liền với chế độ tư bản hay chế độ tự do. Sau hai thập niên theo kinh tế thị trường dân chúng bắt đầu no ấm và khá giả. 

Họ muốn được tự do học hành, tự do đi lại, tự do phát biểu, tự do tín ngưỡng (có tôn giáo hay không có tôn giáo), tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do đối lập, công bằng xã hội v. v. Ý thức dân chủ, dân quyền và nhân quyền phát triển sau sự cải thiện dân sinh. Đó là hồi chuông báo tử của các chế độ độc tài. Đó là võ khí nhân bản mà Hoa Kỳ xử dụng để thắng các đối thủ của mình khả dĩ tránh đổ máu và hận thù. Tổng thống Obama đến với Nguyễn Phú Trọng như Thần Kim Qui đến với An Dương Vương. Cây nỏ thần ngày xưa là võ khí sát thương bây giờ. Vua An Dương Vương được Thần Kim Qui cho cái nỏ thần. Nguyễn Phú Trọng sẽ được Obama bán võ khí sát thương. Võ khí sát thương dùng để tự vệ trước sự đe doạ của Trung Quốc. Công dụng của nó giống như cái nỏ thần của Thần Kim Qui nhưng thay vì dùng nó để đánh Trung Quốc Nguyễn Phú Trọng có thể đưa nó cho Trung Quốc để tuân thủ Bốn Tốt và Mười Sáu Chữ Vàng mà ông và các đồng chí của ông suy tôn. Đối với Obama thì sao cũng được nhưng tiền phải thanh toán sòng phẳng là đủ rồi. Còn chuyện của ‘các ông’, ‘các ông’ lo liệu vì ‘các ông’ là nước độc lập, dân có quyền dân tộc tự quyết!

(1) Hoàng thân Souphanouvong (1909 - 1995), lãnh tụ Pathet Lào, là em dị bào của thủ tướng Phouma. Ông nói được 08 ngôn ngữ Tây phương, thông thạo La Tinh và Hy Lạp ngữ. Ông tốt nghiệp École Nationale des Ponts et Chaussées ( Trường Quốc Gia Kiều Lộ), một trong những trường danh tiếng của Pháp. Vợ ông là người Việt Nam gốc ở Nha Trang. Có tài liệu cho rằng bà là đảng viên Cộng Sản.

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link