Thursday, September 22, 2016

Cách mạng Dân chủ: thành công và thất bại – Phần 2

Cách mạng Dân chủ: thành công và thất bại – Phần 2

Đoàn Hưng Quốc
Trong phần 1 của loạt bài này người viết đúc kết ý kiến của hai nhà nghiên cứu Juan J. Linz và Alfred Stepan [1] về năm điều kiện cần thiết và hỗ tương để một nền dân chủ vừa mới hình thành được củng cố:
1. Môi trường thuận tiện cho sự phát triển của xã hội dân sự
2. Môi trường lành mạnh cho các sinh hoạt chính trị
3. Luật pháp được tôn trọng
4. Nền hành chánh hiệu quả
5. Kinh tế phát triển

Kỳ này người viết đúc kết bài viết của Abraham F. Lowenthal và Sergio Bitar [2]. Hai nhà nghiên cứu nói trên đã phỏng vấn nhiều vị lảnh đạo quốc gia và lãnh tụ cách mạng ở Ba Tây, Mễ Tây Cơ, Nam Dương, Phi Luật Tân, Ba Lan, Nam Phi, v.v.., nhằm rút tỉa kinh nghiệm từ tiến trình dân chủ tại những nước này. Nhiều bài học tuy còn quá sớm để áp dụng tại Việt Nam nhưng là hành trang cho các nhà dân chủ.

Kinh nghiệm đầu tiên là những cá nhân và đoàn thể tranh đấu cần phải khắc phục các bất đồng về mục tiêu, lãnh đạo, chiến lược và chiến thuật. Mâu thuẫn trong phe dân chủ có thể do nhà cầm quyền khích động nhưng cũng có thể bắt nguồn từ tâm lý cá nhân hay bè phái, nhất là trong hoàn cảnh xã hội dân sự bị đàn áp liên tục nên không xây dựng được truyền thống sinh hoạt chung. 

Một khi mầm mống chia rẽ trở nên sâu sắc thì triển vọng dân chủ trở nên mờ nhạt cho dù một cuộc cách mạng có xảy ra và nền độc tài bị lật đổ đi chăng nữa. 

Thí dụ điển hình như tại Ukraine, khi cuộc Cách mạng Cam năm 2004-05 đã xoá bỏ được kết quả bầu cử gian lận nhưng sau đó các phe nhóm đối lập lại tranh giành với nhau tạo cơ hội cho những tập đoàn thế lực thao túng và lũng đoạn xã hội. Từ đó khung cảnh chính trị bất ổn tại Ukraine kéo dài cho đến lúc bị Nga xâm lăng một thập niên sau.

Nhưng đoàn kết vẫn chưa đủ, lực lượng tranh đấu cần khai thác mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền và bắc nhịp cầu với những người từng tham gia nhà nước độc tài nhưng nay sẵn sàng ủng hộ phong trào dân chủ. Để đạt được mục tiêu này các nhà tranh đấu phải có thái độ cởi mở khoan dung thay vì hẹp hòi cổ võ cho lòng thù hận. 

Nếu được, những người thay đổi quan điểm cần được bảo đảm rằng sau này họ sẽ không bị trả thù và tịch thu tài sản. Phong trào dân chủ phải tự cách ly ra khỏi bạo lực và cực đoan. Riêng thành phần cấp tiến trong giới cầm quyền vẫn nên tiếp tục cũng cố thế lực và ảnh hưởng nội bộ cho dù đang liên lạc với lực lượng đấu tranh, vì thế các buổi gặp gỡ ban đầu có thể được tổ chức trong vòng kín đáo.

Qua quá trình thương thuyết thì phong trào dân chủ phải đòi hỏi nhượng bộ liên tục từ phía cầm quyền cho dù kết quả có nhỏ nhoi hay chậm chạp đi chăng nữa. Ngược lại lực lượng tranh đấu phải hoà hoãn trên vài khía cạnh, dù việc này khiến những người ủng hộ tức giận hay trở nên bất mãn. Thái độ nóng nảy và cực đoan không có chổ đứng trong tiến trình dân chủ.

Một khi nhà cầm quyền toàn trị bị lật đổ, nhiệm vụ cấp bách nhất là phải đặt bộ máy công quyền vào khuôn khổ luật pháp, tái lập an ninh và ngăn cản bạo loạn. Phong trào dân chủ cần cưỡng lại ý muốn xóa bỏ mọi vết tích của chế độ độc tài cho dù điều này rất hợp tình tại các nước hậu cộng sản khi mà nền hành chánh và an ninh là công cụ của đảng nên bị dân chúng khinh miệt và thù ghét. 

Công an cảnh sát phải được chấn chỉnh trong tinh thần phục vụ xã hội và bảo vệ trật tự chớ không nhằm sách nhiễu hay đe dọa quần chúng. Quân đội cần phải tách rời ra khỏi ngành an ninh và đặt dưới sự lãnh đạo của chính quyền dân sự. Các cấp chỉ huy có dính líu với khủng bố và tra tấn phải bị loại trừ. Sĩ quan trong quân đội không được quyền tham gia sinh hoạt chính trị. Bài học tại Miến Điện, Thái Lan và Ai Cập đều cho thấy nếu quân đội nắm giữ địa vị “siêu quyền lực” thì tiến trình dân chủ hoá sẽ gặp rất nhiều trở ngại.

Việc soạn thảo bản tân Hiến pháp là một quá trình lâu dài cần có sự đóng góp của mọi thành phần xã hội nên tạm thời tránh đưa ra các mục tiêu quá cao vọng nhưng lại kéo dài thời gian tranh luận. Nội dung bản Hiến pháp tuy quan trọng nhưng thời điểm, phương thức và sự tham gia của quần chúng khi soạn thảo Hiến pháp có tầm ảnh hưởng không kém. Các điều khoản về tu chính không nên quá khắt khe hay quá dễ dãi. Cần có sự tham gia của thành phần cấp tiến trong giới cầm quyền cũ để các nhân sự còn lại của chế độ độc tài tin rằng họ sẽ không bị trả thù mà sẽ được xét xử trong khuôn khổ pháp luật.

Các chính quyền dân chủ tân lập thường bị phê phán do kinh tế suy thoái hay vì không thực hiện các lời hứa hẹn về dân chủ, một mặt do quần chúng kỳ vọng quá nhiều trong khi nhà nước phải thừa hưởng một guồng máy hành chánh và an ninh đã băng hoại. 

Nhiều người trước đây sát cánh đấu tranh chống độc tài nay trở mặt công kích lẫn nhau do lập trường quá khích, tình trạng bè phái hay bị quyền lực cám dỗ. Sự hình thành của cánh đối lập mới song song với sự ra đời của chính quyền mới rất cần thiết cho nền dân chủ, nhưng đồng thời lại mang đến hiểm hoạ đầu độc bầu không khí chính trị, cho nên cần có một ngành tư pháp độc lập để giám sát tiến trình dân chủ diễn ra trong khuôn khổ luật định.

Các cơ quan quốc tế (World Bank, NGO,…) có thể cố vấn để xây dựng cơ chế nhà nước; đầu tư và những khoản viện trợ nước ngoài sẽ giúp để phát triển nên kinh tế. Nhưng phần chủ lực vẫn nằm trong ý thức và sự sáng suốt của người trong nước.

[1]
Aug 8, 1996 by Juan J. Linz and Alfred Stepan
[2] Getting to Democracy. Foreign Affairs Jan/Feb 2016
Đ.H.Q.
Tác giả gửi BVN


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link