Monday, September 19, 2016

Bạn thù và đam mê

 

Bạn thù và đam mê
Cao Huy Thuần

Ngày 25-8-2013, Hội nghị trung ương 8 ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, trong đó có một đoạn như sau: "Đảng ta đã phát triển từ nhận thức cứng về bạn, thù trước đây đến việc xác định đối tác, đối tượng hiện nay và nhấn mạnh, cần có cách nhìn biện chứng trong sự tồn tại đan xen và chuyển hóa lẫn nhau giữa đối tác và đối tượng. 

Theo đó, trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh; trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt đồng thuận cần tranh thủ hợp tác".

Tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công An, giải thích:
"Tư duy nước này là bạn, nước kia là kẻ thù là sai với Nghị quyết của Đảng. Chính một số cán bộ, thậm chí cán bộ có trọng trách, đã diễn giải sai Nghị quyết, làm mất phương hướng đấu tranh. 
Tôi là một trong những người tham gia viết Nghị quyết về chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới năm 2003. 10 năm sau, năm 2013, chúng ta có Nghị quyết bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Nhưng có một luận điểm mà Nghị quyết năm 2013 không thay đổi so với năm 2003. 

Đó là ta không xác định ai là kẻ thù cả. Nghị quyết của Đảng nói thế này:  Những ai ủng hộ sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, ủng hộ đường lối đổi mới của Việt Nam thì đó là đối tác của chúng ta. Bất cứ những ai xâm phạm đường lối đổi mới, phát triển theo định hướng XHCN, bất kể những ai mà xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹnblãnh thổ của Việt Nam thì đấy đều là đối tượng đấu tranh. Vì thế nghị quyết mới nói trong đối tượng có đối tác, trong đối tác có đối tượng. 

Ví dụ Mỹ là đối tác kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ quan trọng nhất,nhưng nếu họ lại tìm mọi cách để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng thì về mặt này họ lại là đối tượng để đấu tranh. Ngược lại, Trung Quốc là nước láng giềng, họ là đối tác về kinh tế, nhưng họ lại xâm phạm chủ quyền của ta ở biển Đông nên họ là đối tượng đấu tranh trong lĩnh vực
này. Nghị quyết nói rõ ràng mạch lạc thế cơ mà. Chứ còn ai nói rằng Mỹ là kẻ thù vĩnh viễn, Trung Quốc là bạn vĩnh viễn thì đấy là ngụy 
biện, xuyên tạc Nghị quyết của Đảng và phản bội lại lợi ích dân tộc"
(1).

Đây là một đoạn trích trong bài phỏng vấn của báo Viettimes ngày 20-4-2016. 

Bài phỏng vấn ấy làm tôi kinh ngạc và cảm phục. Kinh ngạc, vì chưa khi nào tôi nghe được một tiếng nói can trường như vậy từ trong quân đội.  
Cảm phục, vì lời lẽ toát lên một tấm gương trung nghĩa với đất nước, với nhân dân. 

Đoạn trích trên đây không phản ánh được nội dung của toàn bài phỏng vấn, mà chủ yếu là nhắm vào đe dọa của Trung Quốc. Tuy vậy, tôi xin tách ra để bình luận về những khái niệm nêu ra trong đó và trong Nghị quyết. Hoàn toàn đồng ý với tướng Lê Văn Cương, tôi chỉ muốn nói thêm ở đây hai điều có tính lý thuyết.

Một, đã đành không có ai là "kẻ thù vĩnh viễn", không có ai là "bạn vĩnh viễn", nhưng có những vấn đề an ninh vĩnh viễn, và do đó khái niệm "kẻ thù" không bao giờ mất, không bao giờ tan biến đi được trong khái niệm "đối tượng", dù là "đối tượng đấu tranh". Hai, thế giới đang sống trong tình trạng đam mê và chúng ta đang bị đe dọa bởi đam mê của nước lớn. 

Nếu chúng ta không lấy đam mê mà dân chúng đang bày
tỏ để tự bảo vệ, thì tương lai của đất nước sẽ đi về đâu? Mà dân chúng thì đang đam mê cái gì? 

Không phải đam mê cái khái niệm "đối tượng"mà đam mê chính cái khái niệm "kẻ thù". Cứ xem dân chúng tự phát đón chào ông Obama như thế nào thì tự khắc biết dân chúng đang có  cái passion gì. Đè nén cái đam mê đó là mở cửa cho ăn cướp vao nhà.

Với hai ý tưởng đó, tôi bình luận một nghị quyết mà tôi đồng ý trên nguyên tắc.

Có hai điểm quan trọng trong câu trả lời của tướng Lê Văn Cương vể nghị quyết: Một là "ta không xác định ai là kẻ thù cả". Hai là tương quan "đối tác"/"đối tượng" thay thế tương quan bạn/thù. 

Tôi xin lần lượt bình luận hai điểm ấy.

1. "Ta không xác định ai là kẻ thù cả".
Lập trương này, tướng Lê Văn Cương giải thích, đã được xác định từ năm 2003. Đây là quan điểm thích hợp với thời đại được mở ra từ sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt. Chiến tranh lạnh có bạn và thù rõ rệt: phe "thế giới tự do" chống với phe búa liềm "xã hội chủ nghĩa".

Giữa hai phe, có bức tường, có vĩ tuyến chia đôi, bên tê là thù, bên ni là bạn. Bức tường sụp đổ, đưa đến câu nói bất hủ của Gueorgui Arbatov, cố vấn ngoại giao của Gorbatchev: "Chúng tôi sắp mang đến tặng quý vị một dịch vụ xấu nhất đời, chúng tôi sắp xóa mất kẻ thù nơi quý vị". Không có kẻ thù: cả một khoảng trống vô phương hướng mở ra trước tương lai của một thế giới mồ côi ranh giới.

Nghị quyết phản ánh tình trạng đó. Nhưng thực hay không, "kẻ thù" có thể bị xóa bỏ như là một khái niệm trong chiến lược? Như là 
khái niệm, phải chăng "kẻ thù" là vĩnh viễn? "Tôi không yêu ai cả", nói vậy là tôi chỉ xóa được chữ "ai" thôi chứ không xóa được khái niệm "tình yêu". Như là khái niệm, "tình yêu" là vĩnh viễn. Bao giờ còn con người, bấy giờ còn "tình yêu". Cũng vậy, bao giờ còn chiến lược, bấy
giờ còn khái niệm "thù". 

Tại sao? 
Tại vì đã là quốc gia thì quốc gia nào cũng có những vấn đề vĩnh viễn, mục tiêu vĩnh viễn, và mục tiêu vĩnh viễn đầu tiên là sống còn. Sống còn, là mục tiêu vĩnh viễn của chiến lược. Mà để sống còn được, tồn tại được, thì phải biết, không những "ai" đe dọa mà cả "cái gì" đe dọa. Đe dọa có thể xảy ra trước mắt, nhưng đe dọa cũng có thể chưa xảy ra mà vẫn phải lo. 

Vẫn phải sợ. 
Cái sợ ấy không bao giờ mất. Chừng nào cái sợ ấy không mất, chừng ấy khái niệm "thù" vẫn nằm trong đầu.
Triết gia đầu tiên ở phương Tây nói đến cái sợ ấy một cách có hệ thống nhất là Hobbes đầu thế kỷ 17. Một quốc gia, sống giữa một thế giới cạnh tranh sinh tồn, giống như con người sống trong thời đại hoang sơ. 

Con người ấy nhắm đến cái gì trước tiên? Sống. 
Tồn tại. Sợ cái gì trước hết? Chết.

 Bởi vì ai cũng có thể giết ai, mọi người là chó sói của nhau. Tự vệ để sống là mục tiêu đầu tiên của con người. An
ninh là mục tiêu đầu tiên của quốc gia. Trong lịch sử chiến lược của bất cứ thời nào và ở đâu, có hai cách để thực hiện an ninh: hoặc là làm cho các nước cạnh tranh với mình yếu đi, hoặc là tăng cường sức mạnh của mình. 

Nghĩa là tạo ra một tương quan lực lượng mới hoặc thay đổi tương quan lực lượng cũ, nhằm làm cho các kẻ thù vị lai tự biết mình yếu mà không xâm lấn.

Thế nhưng một quốc gia thì cũng là những con người, mà con người thì không phải lúc nào cũng bo bo nhắm đến mục đích duy nhất là sống. Có khi dám chết vì những mục đích khác. 

Bắn một phát súng vô đầu khi thất trận, mổ bụng moi gan để chứng tỏ lòng trung, không phải chỉ là chuyện tiểu thuyết. Một quốc gia, khi đã làm chủ được tương quan lực lượng rồi, không sợ nữa, sinh ra cái tự hào làm kẻ khác sợ, kính nể, ngưỡng mộ, cúi đầu, lạy nữa. Định nghĩa sức mạnh là vậy,
chiến tranh là vậy: là để buộc kẻ khác phải vâng theo ý muốn của mình. 

Sức mạnh, khả năng ép buộc ý muốn của mình trên kẻ khác, đem đến cái khoái cảm "ta đây" mà lý luận thuần túy duy lý không cắt nghĩa được. Với Hobbes, ham sống là một passion, một đam mê. Có những đam mê khác không kém rạo rực. Vinh quang, danh vọng, hào quang trên đầu, là thứ đam mê ấy. Vì đam mê ấy, đã mạnh phải mạnh nữa. 

Để vinh quang. Đế quốc, có thể cắt nghĩa bằng nhiều lý do, nhưng không đế quốc nào không thèm cái say sưa của vinh quang, không phải thèm như là phần thưởng mà như là mục đích. Ai dám bảo quốc gia không có con tim? Mà con tim thì, ai cũng thuộc lòng câu viết của Pascal, "có những lý lẽ của nó mà lý trí không hiểu được".

Trung Quốc là vậy. Việc gì ông phải hung hãn đến thế ở Biển
Đông? Nếu vì lý do an ninh, ham sống, thì người khác có thể đem cái 
đầu ra để suy luận hơn thiệt với cái đầu của ông. Nhưng động cơ của ông không phải chỉ thế. Cái đam mê của trái tim mạnh hơn: chinh phục, lập lại cái trật tự thế giới như mẫu mực trong lịch sử, trật tự thiên triều. 

Chừng nào vinh quang chưa đạt được, chừng ấy sức mạnh đã có vẫn chưa đủ. Chừng ấy, sức mạnh vừa là phương tiện vừa là mục tiêu.

Sức mạnh để phục vụ vinh quang. 
Vinh quang buộc phải tăng cường sức mạnh.

Nghĩa là: sức mạnh là mục tiêu để đạt mục tiêu. Tất nhiên có
những mục tiêu vật chất: chiếm đất, chiếm tài nguyên trên đất và dưới đất. Nhưng dù là mục tiêu vật chất, súng đạn không đủ, sức mạnh vật chất nào cũng phải mượn đến sức mạnh tinh thần. 

Trong lịch sử, có bao giờ vinh quang của lưỡi gươm không đồng thời cũng là vinh quang của ông Trời, không trời này thì là trời khác, lắm khi trời đánh nhau với trời?
 Ngày nay lại có thêm ông Trời nữa, danh hiệu là Tư Tưởng,
nôm na là ý thức hệ. 

Trung Quốc cũng là vậy. Rộng mênh mông, phi thuyền bay thẳng cánh, ông thiếu gì đất mà phải kèn cựa lãnh thổ với lân bang? Với Liên Xô, suýt chiến tranh vì chút đảo tí hon giữa sông Amour. Với Ấn Độ, vì chút tuyết trắng tít mù trên đỉnh Hy Mã. Nói gì Tây Tạng mà ông chiếm đứt. 

Nói gì Senkaku với Nhật. Nói gì Hoàng Sa, Trường Sa. Nói
gì vài trăm thước đất ở miệt Nam Quan Hữu Nghị. Đâu phải chỉ vì mục tiêu vật chất! Trên chiếc chiếu đình, phải có một ông tiên chỉ. Cái thủ lợn không phải chỉ là con heo. Là trật tự trên dưới. 

Có người tưởng ông không có ông Trời để đem đi đánh nhau. Tưởng ông không có tôn giáo. Tưởng ông không có thánh kinh. Quên mất Mao ít Mao nhiều đến nay vẫn còn hương khói.

An ninh, sức mạnh, vinh quang. Từ cổ Hy Lạp, Thucydide đã từ đó mà đưa ra ba nguyên nhân của chiến tranh:
một là sợ nên phải lo an ninh; hai là tham nên phải đi tìm của cải vật chất; ba là vì danh dự, vinh quang, tôn ty, đẳng cấp, trả thù nhục nhã của quá khứ, đánh bại khiêu khích trong hiện tại. Nguyên nhân thứ ba đáp ứng mục tiêu tinh thần. 

Cả tinh thần lẫn vật chất, ba mục tiêu ấy không thay đổi, tuy phải thích ứng với từng hoàn cảnh lịch sử. 

Tất nhiên, lại phải chịu ảnh hưởng của ba yếu tố chính trong chiến lược: kỹ thuật tác chiến, kỹ thuật sản xuất, chế độ chính trị. Có thể thêm: các tư tưởng lớn đang điều động thế giới.Thì Trung Quốc lại cũng là vậy. 

Xin để dành cho các nhà chuyên môn quân sự đánh giá khả năng tác chiến, chiến hạm, không lực, hỏa tiển, quân lực không ngừng tăng trưởng, cải tiến của Trung Quốc, chúng ta chỉ biết rùng mình nghĩ đến sự sống còn của ta. Cũng xin để dành cho các nhà kinh tế vẽ biểu đồ khả năng sản xuất của cải vật chất của ông ấy. Nhưng chúng ta không để dành cho ai cả, dành cho chúng ta thôi, cái chuyện toát mồ hôi trước hừng hực dân tộc chủ nghĩa mà cái chính thể hậu Mao ấy thắp lên để nướng chúng ta và nướng toàn thế giới.

 Như Thucydide vừa nói: trả thù nhục nhã của quá khứ là một trong những nguyên nhân của chiến tranh. Họ đâu có cần nhẩn nha nhẩm xà rồi mới xác định "ai" là kẻ thù. 
Họ xác định "cái gì" là kẻ thù dù "cái gì" ấy đã khuất núi ba đời rồi. "Cái gì" ấy chỉ là một vết nhơ trong quá khứ, đã rửa sạch bằng xà phòng Thượng Hải rồi, nhưng họ cứ bắt thế giới phải ngửi và phải nói hôi. Họ đánh "kẻ thù" ấy ra rả
hàng ngày, càng đánh võ mồm càng mạnh gân cốt. Họ cần "kẻ thù" ấy hơn cần không khí, không khí phải hy sinh cho sức mạnh để trên đó họ xây dựng vinh quang.

Họ là thế còn ta thì sao? Con người đâu có phải chỉ sống bằng bánh mì. Một nước cũng vậy, đâu có phải chỉ biết sống, thèm sống đến nỗi dù làm nô lệ tôi tớ để sống cũng cam? Một dân tộc thèm sống, sợ chết đến cái mức ấy là một dân tộc đã chết rồi. Vinh quang cũng là sống.
Nước lớn biết vinh quang thì nước nhỏ cũng biết. Vinh quang của nước nhỏ là vẫn sống dưới đe dọa. Đe dọa càng lớn, vinh quang càng cao. Với nước nhỏ, đe dọa đó là "kẻ thù". Có những "kẻ thù" hôi vĩnh viễn: đó là "kẻ thù" của vị thế địa lý, chẳng hạn nằm sát nách đại cường.

Tướng Lê Văn Cương nói: "Chính sách khống chế Biển Đông của Trung Quốc là nhất quán và không bao giờ thay đổi". 
Không bao giờ thay đổi, tức là vĩnh viễn! 

Ông trích lời Bác Hồ: "Đất liền là nhà, biển  là cửa". Và hỏi: "Nếu cái cửa này mà bị bên ngoài người ta chặn lại không ra được thì làm sao mà phát triển?" Vậy thì cái chuyện chặn cửa là "kẻ thù" phải lo đời đời kiếp kiếp! Không nhà chiến lược nào không biết: nước lớn có một bản chất mà nước nhỏ có thể không có. 

Cái bản chất ấy là đáng lo, lo vĩnh viễn. Không phải là "đối tượng" nhất thời mà là "kẻ thù" vĩnh viễn. Không phải là "ai", mà là "cái gì". "Một nước lớn không giới hạn tham vọng vào ý muốn sống, muốn tồn tại; nó muốn một thế giới trong đó nó có tối đa an ninh hoặc tối đa ảnh hưởng... Muốn tối đa an ninh, tức là muốn tối đa sức mạnh. 

Mà muốn tối đa sức mạnh tức là muốn càng nhiều càng tốt đồng minh, càng ít càng tốt kẻ thù". Tôi mượn câu đó của một tác giả bậc thầy, Raymond Aron. Ông thầy ấy nói thêm: Trong một vài hoàn cảnh, chế độ nội bộ của các quốc gia quyết định việc ngã vào liên minh nào. 

Do đó, một đại quốc ưa can thiệp vào nội bộ của các nước khác, ép buộc tư tưởng của mình, lối sống của mình. "Một đại quốc, ông viết, luôn luôn muốn một cái gì khác, hơn cả an ninh, hơn cả sức mạnh: nó muốn một Ý Tưởng, với cái nghĩa rộng nhất của từ này... Một đại quốc, dù đã có an ninh và sức mạnh, nhất thiết phải nuôi tham vọng uy danh" (2) Ông dùng từ "gloire", và đem lịch sử ra chứng minh. Tôi biết dịch chữ gì cho đúng đây?

Vậy thì, nếu tham vọng uy danh, gloire, của đế quốc là vĩnh viễn từ bản chất, "cái đó" chẳng phải nên quan niệm là "kẻ thù" vĩnh viễn hay sao? Trong tầm nhìn dài và sâu của nhà chiến lược, làm sao xóa được khái niệm "thù nghịch"? 

Khái niệm ấy quan trọng đến nỗi một triết gia trứ danh khác, Carl Schmitt, thiết lập cả một hệ thống triết thuyết để chứng minh: không có sự phân biệt bạn thù thì không có cả chính trị.

Cũng như không có sự phân bìệt xấu đẹp thì không có thẩm mỹ, không có sự phân biệt thiện ác thì không có đạo đức. Thì cũng vậy, tôi bắt chước: không có sự phân biệt bạn thù thì không có cả chiến lược. Nhất là khi mình bị người ta kẹp vào mồ hôi nách đến ngạt thở. 

Sức mạnh vừa là phương tiện vừa là mục tiêu. Vừa là vật chất vừa là đam mê. Trong lịch sử quan hệ quốc tế, câu hỏi đặt ra là: đam mê ấy có điều tiết được không? Hay chỉ là sức mạnh trần trụi đốp chát với sức mạnh trần trụi, nghĩa là chiến tranh? Tôi bước qua điểm thứ hai. 

2. Không có bạn không có thù, chỉ có "đối tác" và "đối tượng",trong "đối tượng" có "đối tác", trong "đối tác" có "đối tượng". Như đã nói, quan điểm này rất mới, lại hợp với tình thế ngày nay.

Nhưng, trước hết, nó không phải chỉ mới từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt, mà đã manh nha trong lịch sử Âu châu từ thế kỷ 17, được gọi là thế kỷ "hiện đại" - modernité. Lại phải trở về với Hobbes! Bởi vì, trong học thuyết chính trị, Hobbes mở đầu "tân tiến". Thế kỷ 17 là thế kỷ bắt đầu thắng thế của lý trí ở Âu châu. Hobbes đưa lý trí vào triết lý để giải quyết cái đam mê sợ. Xin tóm tắt sơ lược sau đây:

Hobbes đặt cái sợ vào tận nền móng của chính trị. Ông cắt nghĩa sự hình thành của xã hội, của nhà nước, của quyền lực, bằng cái sợ nguyên thủy của con người, sợ chết, sợ bị giết, sợ chết bất đắc kỳ tử, chết trong bạo lực.

 Vì vậy, chiến tranh không phải chỉ là một tình trạng, chiến tranh còn là ý muốn, ý muốn giết nhau. Chừng nào ý muốn ấy còn, hòa bình không có được. Để thoát ra khỏi tình trạng tiêu diệt nhau bất tận đó, con người phải chấm dứt "tình trạng thiên nhiên". Và chấm dứt được. 

Bởi vì con người có hai khả năng: một là đam mê giống như con thú, nghĩa là sợ chết; hai là có lý trí, khác con thú. Lý trí ở đây là một sự tính toán: ta cũng như nó, nó cũng như mọi người, ta sợ nó giết thì nó cũng sợ ta giết, vậy thì nếu ta không giết nó, ắt nó cũng không giết ta. Tính toán đó đưa con người đến chỗ thỏa thuận với nhau chấm dứt "tình trạng thiên nhiên" để bước vào "tình trạng xã hội". 

Thỏa thuận đó được bảo đảm bằng cách đặt một quyền hành đứng trên tất cả để trừng phạt kẻ nào vi phạm hợp đồng. Chính cái sợ thứ hai, sợ bị trừng phạt, bảo tồn sự sống của anh và sự sống của tôi.

Triết lý chính trị ấy, mà mục đích là để cắt nghĩa cái "hợp đồng xã hội" tạo thành nhà nước, có áp dụng được không trên lĩnh vực quốc tế?

Chắc ai nấy đều trả lời rằng không, nếu xét cái sợ bị trừng phạt. Trên trường quốc tế có kẻ nào đứng trên tất cả để phạt ai? Vậy thì lấy cái gì thay thế? 

Lấy lý trí. Lý trí tính toán: thay vì giết nhau, ta dùng lợi ích để sống chung với nhau. Một tác giả lớn, A. Hirschmann, viết cả một quyển sách lớn để cắt nghĩa làm thế nào Âu châu đã bước vào ngưỡng cửa của thế kỷ 17 tân tiến: bằng cách thay thế đam mê tinh thần bằng lợi ích vật chất (3).

 Chính Hobbes cũng đã bắt đầu bằng suy nghĩ đó, bởi vì chiến thắng cái sợ là bước đầu của lý trí để đi đến hòa bình.

Nhưng đó chỉ mới là bước đầu. Locke tiếp theo, nói rõ: phải thay thế chiến tranh bằng cạnh tranh để tạo ra của cải và lao động. Ấy là bước đầu của chủ nghĩa tư bản. Montesquieu đẩy mạnh cái đà đó: buôn bán, thương mại, là yếu tố để trao đổi hổ tương, thay thế cho thống trị, đẳng cấp, đồng thời làm êm dịu phong tục, tập quán, đẩy lùi thói quen man rợ đàng sau lưng. Adam Smith kết thúc với lạc quan: bàn tay vô hình
của thị trường đem lại lợi ích chung cho tất cả. 

Tóm tắt tinh yếu của thế kỷ tiến bộ, không gì bằng câu nói của Montesquieu: "Thật là hạnh phúc cho những ai được ở trong tình trạng này: trong khi đam mê gợi lên trong họ ý nghĩ phải hiểm ác, họ lại thấy có lợi ích để đừng hiểm ác".

Lạc quan thay cái thế kỷ 17! Âu châu trước đó chìm đắm trong chiến tranh. Và chiến tranh vì cái gì ngoài cái sợ bất an ninh? Vì danh vọng, tham vọng vinh quang, vì tôn ty đẳng cấp, nghĩa là toàn những thứ hão huyền phi vật chất mà, lạ thật, con người, cũng như quốc gia, không thoát được say đắm, giống như một thứ bản năng bất trị.

Nhưng lợi ích hổ tương có chấm dứt chiến tranh được không? Đam mê vật chất có khắc phục được đam mê tinh thần? Đúng là thế kỷ 18,19 là thế kỷ phồn vinh, đưa Âu châu lên địa vị thống trị. Nhưng này, thế chiến thứ nhất, này, thế chiến thứ hai, bao nhiêu chục triệu người chết, chưa kể chết trong lò thiêu của Hitler. 

Trong chiến tranh lạnh, hai ông lớn có lợi ích để sống chung với nhau như "đối nghịch/đối tác" (adversaire-partenaire) dưới cùng đe dọa của bom nguyên tử, nhưng "chiến tranh ủy nhiệm" diễn ra khắp nơi, nóng ran. Hỏi người Việt Nam lúc đó cái gì quý nhất, sẽ được nghe trả lời: "không gì quý bằng..xxx."

Thế kỷ 20 khép lại, thế kỷ 21 mở ra với bao nhiêu thứ "quý" khác, không phải chỉ là đam mê mà còn là mê muội: bộ lạc, chủng tộc, tôn giáo, dân tộc... Người chết như ngóe ở Nam Tư cũ, dáo mác chém đầu nhau ở Phi châu, đền đài di tích văn minh tiền Hồi giáo bị phá sập, quân cờ đen chiếm lãnh thổ, gửi cái nịt bụng có bom đi khắp nơi, toàn cầu hóa kinh tế được trả lời bằng toàn cầu hóa khủng bố. Chưa bao giờ
cuồng nhiệt, quá khích dàn ra một trận địa tổng thể vô biên giới như ngày nay. 

Tác giả Samuel Huntington lừng danh một thời với luận
điểm "cú sốc giữa các nền văn minh" chắc đang mỉm cười thỏa mãn dưới mồ. Văn minh đánh nhau với văn minh! Lịch sử Trung cổ tái diễn?

Thế kỷ 21 trả thù thế kỷ 17? Đam mê phục thù? Đúng vậy. Hay nói cho đúng hơn, thực tế trả thù viễn vông. "Thương mại êm đềm" của Montesquieu không ngăn cản được bom đạn. Tính toán lợi ích không làm bớt cái mà người Hy Lạp ngày xưa đã nói và bây giờ Tây phương lặp lại không cần dịch: hubris. Nghĩa là đam mê cuồng nhiệt. 

Nhất là cuồng nhiệt trong kiêu ngạo, kiêu căng, kiêu hãnh. Ai còn bảo tính toán lợi ích là lạnh lùng? Là, chữ của Marx, tắm gội trong "những con nước băng giá" (4)? 

Là đưa đến dung hòa? Là mất hubris? 
Ai còn có thể nói lợi ích kinh tế là lực lượng hòa bình lớn lao trong lịch sử khi chủ nghĩa tư bản hoang dã với cạnh tranh thả dàn và tin tưởng tuyệt đối vào thị trường sáng suốt, là một trong những nguồn gốc của khủng hoảng ngày nay? 

Không ai cản được toàn cầu hóa hiện nay, nhưng khi toàn cầu hóa chạm vào tự ái của bản sắc, khơi dậy kiêu hãnh trong tận thâm sâu của con người về mình, về cái định nghĩa của mình về mình, thì đến chết cũng không nhân nhượng, thì đeo bom vào bụng thôi. 

Bản sắc: đó là đam mê bậc nhất của thời đại bây giờ, không phải chỉ về phe đeo bom mà cả về phe bị nghe bom nổ. Một bên là áo đen trùm tận mắt, tóc tai không cắt, râu ria không cạo, charia là luật muôn đời. 

Một bên là đại thắng của các đảng cực hữu quá khích, chỉa mũi dùi vào Hồi giáo và di dân. Va chạm đến cái mức một sống một chết, con người Âu châu trở lui lại với Hobbes, không phải chỉ sợ chết, chết bất đắt kỳ tử, chết trong rạp hát, chết trong tàu hầm, chết trong siêu thị, chết bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, mà hơn thế nữa, "sợ cái sợ" (5), cái sợ lảng vảng
khắp nơi.

Đến cái mức này thì, chẳng cần văn hoa gì nữa, con mèo thì phải gọi là con mèo, kẻ thù thì phải gọi là kẻ thù. Kẻ thù của ông Bush là cái "Trục Ác" (Axe du Mal) gồm ba nước Irak, Iran, Bắc Hàn. Cũng là "kẻ thù", nước Pháp gọi con mèo EI là kẻ thù. Bên này, kẻ thù. Bên kia, kẻ thù. Chẳng ai là "đối tượng" của ai.

Chắc có người sẽ bắt bẻ: thế nhưng tương quan giữa các quốc gia ngày nay vẫn là liên đới hổ tương đối tượng/đối tác. Ngay cả giữa Tàu với Mỹ, lợi ích kinh tế và kình địch chiến lược đan xen nhau chằng chịt, chẳng phải là trong đối tượng có đối tác, trong đối tác có đối tượng đấy sao?

 Vâng, đúng vậy, nhưng tôi xin nhắc lại: "kẻ thù" mà tôi nói nãy giờ là khái niệm, khái niệm ấy không thể không có trong đầu của nhà làm chiến lược, dù ngoài miệng hay trên giấy tờ dùng danh từ gì khác. 

Xin hãy nhìn trong đầu các nhà làm chiến lược ở Âu châu giờ đây để xem họ nghĩ đến cái khái niệm gì mà, đâu cũng vậy, đâu cũng cùng một khuynh hướng: tăng cường quân lực. Vì sao? Từ đâu? Từ khi Nga dùng vũ lực chiếm Crimée, uy hiếp vùng Donbass của Ukraine.

Thôi thế là chấm dứt tài giảm binh bị kéo dài gần 20 năm nay ở Pháp, ở Anh, ở Đức, từ sau khi bức tường sụp đổ. Rõ ràng hơn nữa, hãy xem cái chữ gì trong đầu các nhà cầm quyền ở các nước nhỏ gần biên giới với Nga khi họ tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2015: Ba Lan tăng 22%, Estonie tăng 6%, Lettonie tăng 33% (6). 

Tại sao? Tại vì sợ.
Sợ ai? Sợ kẻ làm mình sợ. Kẻ làm mình sợ, khó mà hiện ra trong đầu dưới cái tên "đối tượng". Cái từ ấy lạnh lẽo. Lạnh lẽo, nó vô nghĩa. Bà vợ ở bên cạnh cũng là đối tượng, lắm khi là đối tượng đấu tranh, bát đĩa không cánh cứ bay lia lịa. Lạnh lẽo, cái từ ấy vô hồn. Nó không gợi lên được tình cảm gì cả. Nó không làm hưng phấn.

 Trong khi một dân tộc, để tự bảo vệ, bảo vệ đất đai, bảo vệ văn hóa, bảo vệ độc lập, cần có tình cảm, cần được rạo rực, cần có đam mê: ấy là cái đam mê danh dự mà Thucydide đã nói. Kẻ nào chạm đến danh dự của mình, gọi gì ngoài miệng thì cứ gọi, nhưng trong đầu, đố ai không thấy hiện ra cái cặp khái niệm thù/bạn.

Từ đó, tôi xin thêm một điểm thứ ba để nói thêm về đam mê.
3. Đam mê: Nga, Tàu, Mỹ.

Trong cái lò lửa đam mê đang làm chảy mồ hôi thế giới hiện nay, tôi hạn chế vào ba đam mê có liên quan đến ta.
Nga đang đam mê gì? Đam mê cái mà ông đã mất. Ông mất vị thế siêu cường của thời chiến tranh lạnh. Ông mất cái vinh quang đế quốc. cái uy vũ từng ngự trị một nửa Âu châu. Khi bạn mất địa vị đế quốc,bạn trở thành cái gì? Nước Anh đã chọn: theo Mỹ. 

Nước Đức đã chọn:
cùng với Pháp làm Cộng đồng Âu châu. Gorbatchev, Eltsine đã chọn: dân chủ hóa nước Nga để thiết lập lưỡng cực với Mỷ và Tây Âu ở Âu châu, hy vọng sẽ chiếm lại ảnh hưởng trên các chư hầu cũ. Cựu cố vấn của tổng thống Carter, lại là tác giả cỡ lớn của Mỹ, Zbigniew Brzezinski hạ một câu lý thú trong Foreign Affairs hồi 1994: nước Nga có thể hoặc là một đế quốc, hoặc là một nước dân chủ, nhưng không
thể cả hai (7). 

Với Putin, khó mà nói dân chủ. Vậy thì đế quốc chăng?
Giữa hai kẻ thù cũ, bên nào cũng nhìn bên kia như một đe dọa. Phía Nga, bộ trưởng ngoại giao Serguei Lavrov khẩu chiến huỵch toẹt với NATO bằng chữ "kẻ thù": "Khi một tổ chức lấy ta làm kẻ thù tiến đến gần, ta phải phản ứng" (8) 

Le Monde 8-7. 

Đúng vậy, phía Mỹ nới rộng và phô trương gân cốt NATO đến gần sát biên giới Nga. Âu châu thâu nhận một số chư hầu cũ vào Cộng Đồng. Bị ngăn chận trong tham vọng, tự ái siêu cường cũ phản ứng, sách lược của Nga từ nhiều năm nay là chứng tỏ nếu không có ta đây, đố Mỹ và Cộng Đồng Âu châu làm được trò trống gì trên thế giới. Ngăn chận phát triển nguyên tử ở Iran? Nga có lợi lắm chứ, và trên nguyên tắc Nga đồng ý, nhưng trên thực tế Nga mập mờ, đưa ra những đề nghị khác Mỹ. Thương thuyết ở Syrie? 

Nga củng cố Assad mà Tây phương muốn lật đổ. Ukraine ngã vào Cộng Đồng Âu châu? Lập tức, Nga chiếm Crimée, can thiệp vào Donbass. "Tham vọng của Nga, báo The Economist viết, là được kính nể. Nga không muốn bị xem như đối tác hạng hai, mà là ngang hàng bình đẳng" (9). 

Dân Nga, đại đa số, tôn vinh Putin lên địa vị anh hùng.

Tây phương tưởng cấm vận là trị được Putin? Ấy là quên mất không gì quý hơn tự hào dân tộc. Putin kết tụ được cái đam mê của cả dân tộc Nga muốn được cư xử như một cường quốc tuy biết rằng hào quang đế quốc của Liên Xô đã tắt. Như chính Putin đã nói, "Kẻ nào không tiếc Liên Xô đã tan rã là không có tim; kẻ nào muốn Liên Xô sống lại là
không có đầu" (10). 

Có thể có một thiểu số không có đầu ở Nga, nhưng con tim đập với vinh quang cũ là đại đa số. Putin là con tim của đại đa số con tim.

Chỉ vậy thôi cũng đủ cắt nghĩa thái độ nâng bi Tàu của Nga ở Biển Đông. Putin chơi lá bài Tàu để cân bằng lực lượng với Mỹ ở Á châu, y như Nixon-Kissiger đã chơi để chọi lại Liên Xô ngày trước. Putin thừa biết về lâu về dài, Tàu nguy hiểm hơn Mỹ, nhưng trước mắt, sách lược của Nga là cùng Tàu quấy rầy Mỹ, chận đứng Mỹ, tạo với Tàu một thế
đa cực trên thế giới và ở cà Á châu, với tham vọng không phải chỉ là cường quốc Âu châu mà còn là cường quốc Á châu. 

Mỹ chủ trương nhân quyền, dân chủ?  Với Tàu, Nga chận đứng mọi kết án vi phạm, từ Ouzbekistan, Miến Điện ngày trước, cho đến Soudan, Zimbabwe... Với Tàu, Nga kết bè, tạo một thế trung gian giữa Tây phương và các nước nghèo, lắm khi chơi trò trọng tài trong những căng thẳng quốc tế, như ở Iran, Bắc Triều Tiên. 

Đừng hòng gạt Nga ra khỏi vị thế tam cường, ở Âu cũng như ở Á. Cường quốc, Nga đã là như thế; cường quốc, Nga sẽ là như thế.Với Trung Quốc, tự hào dân tộc còn ghê gớm hơn nữa. Nó cuồn cuộn dâng lên thành dân tộc chủ nghĩa. Nước thì vỗ mộng siêu cường.

Xã hội thì rực lên Đại Hán. Khai thác cái nhục của thế kỷ 19, Trung Quốc thành công vượt bực trong đam mê phục thù. Freud có nói: "Người ta có thể thương nhau trong nội bộ một tập thể với điều kiện phải có một tập thể khác để ghét". Cho nên họ ghét, động viên nhau mà ghét, bới lịch sử ra mà ghét, thù hận ngất trời. 

Nói gì nữa cũng thừa vì ai chẳng biết, có người Việt Nam nào không biết? Có người Việt Nam nào không cảm thấy như từ trong ruột mình nói ra câu nói của tướng Lê Văn Cương: "Trung Quốc từ nhiều hướng, bằng mọi cách, bằng mọi thủ đoạn, trên nhiều phương diện, đều tìm mọi cách kìm hãm sự phát triển của Việt Nam, kìm hãm cả về chính trị, cả về kinh tế, cả về ngoại giao và cả về an ninh, quốc phòng". Chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh, quốc phòng: hỡi ôi ông mất đất trời còn không?

Bởi vậy, người Việt Nam nào cũng lo. Lo rằng, người muốn làm bạn với ta, ông Mỹ, có dám yêu Biển Đông để đam mê với nó chăng.  Hay là, chằng chịt lợi ích kinh tế với Tàu rồi thì anh hùng nhụt chí? 

Rồi thì cứ mơ mộng hão huyền "engagement" với Tàu để đưa Tàu vào một "world order" trong đó Tàu là một "stakeholder" có trách nhiệm, để cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình? Đối mặt với "đam mê nóng" của Tàu, e rằng Mỹ chỉ còn "đam mê nguội" mà thôi chăng? 
"Đam mê nguội" là chữ của triết gia Hume, để chỉ cái mà ta đã nói ở trên: tính toán lạnh lùng của lợi ích vật chất. 

Mỹ còn chăng cái "đam mê nóng" của leadership? Hay là bây giờ chỉ còn "leadership from behind" với Obama, lãnh đạo đàng sau?

Cái lo ấy không phải là không có nguyên do, nhất là khi, gần đây, thế giới đọc được bài phỏng vấn dài 70 trang của Obama trên tờ The Atlantic (12), đúc kết học thuyết mang tên là "học thuyết Obama". 

Đoạn quan trọng nhất trong đó liên quan đến thụt lùi của Obama ở Syrie. 

Xin tóm tắt:
Mùa hè 2012, ông Obama vạch một "đường lằn đỏ" trong chiến tranh ở Syrie: nếu Assad dùng khí giới hóa học, Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự. Assad vượt lằn đỏ. Nửa đêm đang ngủ, 1429 thường dân bị chết vì khí độc sarin khi quân đội của tay độc tài này tấn công một vị trí của phe chống đối ở ngoại ô Damas. Chung quanh Obama, ai cũng tưởng tổng thống sẽ ra tay. Pháp đã sẵn sàng máy bay, hỏa tiển. 

Ngày 30-8, sau 45 phút đi bộ quanh vườn Bạch Ốc để suy nghĩ, tổng thống nước mạnh nhất thế giới thụt lùi: lằn đỏ thì mặc lằn đỏ, không có can thiệp quân sự. Trong giai đoạn mới, và tiếp theo tình trạng cù nhầy thắng bại không rõ, tới lui không xong, ở Afghanistan, ở Irak, ở Libye, nước Mỹ tự thấy không đủ sức để nhảy vào chiến tranh như trước đây, ở Triều Tiên, ở Việt Nam và các nơi khác. 

Thế nhưng thụt lùi như vậy thì ai còn tin nữa ở lời nói của Mỹ?

Đó là câu hỏi mà cả thế giới đặt ra, và tất nhiên Việt Nam quan tâm trước hết. Ông Obama làm thế giới lo thêm. Vì ông chỉ trích cả cái quan niệm khả tín, ông đặt lại vấn đề về credibility. Credibility? Chúng ta đã nghe ngàn vạn lần Nixon nói thế trong chiến tranh Việt Nam. Mỹ không thể bỏ Việt Nam được vì bỏ Sài Gòn thì còn đồng minh nào dám dấn thân nữa với Mỹ?

 Tất cả chính sách ngoại giao của Mỹ đều đặt trên cái chữ ấy. Ngay cả suốt buổi sáng 30-8, ngoại trưởng John Kelly còn lặp đi lặp lại rằng credibility của tổng thống và của cả nước Mỹ nằm trên cái lằn đỏ ấy.

 Phó tổng thống Biden phát ngôn với tất cả say mê: "Cường quốc không nói bịp". Đồng minh của Mỹ trên thế giới, Arabie saoudite, Âu châu, khắp nơi, không còn một chút hoài nghi. 

Tất cả bộ máy quân sự, ngoại giao ở thủ đô, Cộng Hòa cũng như Dân chủ, đều tin chắc Obama sẽ phản ứng. Credibility là thánh kinh mà! Nhưng Obama thụt lùi. Khả tín là cái quái gì? "Thả bom trên ai đó để chứng minh rằng ta đây có khả năng thả bom, ấy là lý do tồi nhất để sử dụng vũ lực", ông nói thế. Và ông tuyên bố phải giải phóng ra khỏi cái ràng buộc credibility kia. Chính nó, ông nói, đã dẫn đến chiến tranh Việt Nam. Phải "pause"! Nước Mỹ phải nghỉ giải lao!

Tôi nghĩ đến mấy câu thơ của William Yeats:
Things fall apart; the center does not hold
Mere anarchy is loose upon the world

The best lack all conviction and the worst
Are full of passionate intensity (13).

Thơ viết đã hơn trăm năm mà sao hợp vậy? 

Nước Mỹ đã đánh mất khả tín giữa một thế giới hừng hực đam mê? Không đâu!. Chính mắt người Việt Nam chúng tôi vừa thấy: ông Obama đóng vai Kim Trọng rưng rưng thề thốt với nàng Kiều ở Hà Nội: Rằng trăm năm cũng từ đây Của tin gọi một chút này làm ghi "Của tin"! Chiếc kim thoa còn thơm mùi tóc trao đến tận tay người đẹp cùng với một chiếc khăn hồng! Đẹp và thơm gấp ngàn lần cái chữ "credibility"! Thề thốt đến cái mức ấy thì còn lâu mới thụt lùi!

Thế nhưng thế giới lại đem chuyện Biển Đông ra để hỏi: Mỹ có dám dùng hard power nếu "đối tượng" chiến lược kia cứ lấn tới bằng cách tằm ăn dâu? Hay là thụt lùi soft power trước "đối tác" kinh tế ấy?

Tôi lại trở về với Thucydide. Căng thẳng ngày nay giữa Mỹ với Tàu là tình trạng đã từng thấy trong lịch sử khi một đế quốc suy tàn và một đế quốc đang lên. Nguyên nhân gì đã dẫn tới chiến tranh Péloponèse thời cổ Hy Lạp? Thucydide cắt nghĩa: vì Athènes đã trở thành đủ mạnh để Lacédémonie đủ sợ tái mặt. 

Trung tâm phân tích và tiên đoán của Pháp có thảo luận về cấu trúc thế giới năm 2025: Jean- Baptiste Jeangène Vilmer kết luận rằng thế giới sẽ được cấu trúc chung quanh căng thẳng giữa Tàu và Mỹ. Khả năng chiến tranh xảy ra không gạt bỏ được giữa hai đế quốc (14). 

Các nhà bình luận có thể chỉ trích ông Obama bất nhất, lưỡng lự ở nhiều nơi khác trong đương lối ngoại giao của ông, nhưng những tác giả uy tín nhất nhấn mạnh quyết tâm chơi trội vai trò leadership của nước Mỹ ở Á châu. Hơn bao giờ hết, họ nói, nước Mỹ, với Obama, quyết giữ vị thế siêu cường ở Thái Bình Dương (15). 

Với Hillary Cliton thì sao?

Tôi trích một hàng nhận định trong báo Le Monde vừa mới đây thôi: "Có thể bà tin tưỏng nhiều hơn ông tổng thống hiện tại về những lợi ích của việc sử dụng quân lực - ở Libye hoặc Syrie - và về nhu cầu đối đầu với Trung Quốc ở Thái Bình Dương và với Nga ở những nơi khác". Có dám đi đến chiến tranh chăng? "Đừng quên, thận trọng là nằm trong DNA chính trị của bà" (16). 

Tất nhiên vậy thôi: Nhưng, nếu không ai dám quả quyết chiến tranh sẽ xảy ra, cũng không ai dám quả quyết chiến tranh sẽ không xảy ra. Ta làm gì lúc đó? Câu trả lời quá dễ: ta làm cái chuyện mà ta đã tính tới tự bây giờ. Chuyện gì? Đâu là bạn đâu là thù.

Nhưng việc gì ta cứ trông cậy vào đam mê của người khác dù người đó là nước Mỹ? Việc gì ta không trông cậy trước hết vào ta?

Hãy nhìn nhân dân! Đam mê đang nằm trong triệu triệu lồng ngực. 
Tại sao ngăn chận? 
Có sức mạnh nào hơn? 
Đâu rồi đam mê của Hội Nghị Diên Hồng? 
Đâu rồi đam mê của thời vinh quang 1945? 
Đâu rồi danh dự? 
Đâu rồi tự hào? 
Chẳng lẽ chúng ta khiếp nhược đến nỗi chỉ trông cậy vào hưng phấn của Mỹ? 
Có ai đứng cùng mặt trận với ta nếu ta nửa nạc nửa mỡ, nửa trắng nửa đen? 
Nếu ta không xác định vị trí muôn đời của ta là không thể bạn với bá quyền? 
Nếu ta không biết mở ra một thế cờ mới, cả ngoài lẫn trong, cả chiến lược lẫn Tư Tưởng?
 Nếu ta sợ dân hơn sợ địch? 
Sợ mất quyền hơn sợ mất chủ quyền? 
Sợ tiếng gọi của Tổ Quốc nơi tiếng gọi của dân? 

Tôi đọc thêm một câu nữa của tướng Lê Văn Cương: "Tồn tại trên đất nước Việt Nam này vẫn có một bộ phận không nhỏ, kể cả một bộ phận quan chức các cấp, vẫn sợ Trung Quốc. 
Khi nào mà vẫn còn tư tưởng sợ Trung Quốc thì không thể bảo vệ được đất nước". 
Nếu chúng ta chưa lạnh đã cóng, chưa đánh đã run, thì chẳng lẽ...
Chẳng lẽ cái đất nước này ngộ thật?

Chú thích:
(1) Tướng Lê Văn Cương: Không nước nào kìm hãm Việt Nam như Trung
Quốc, Phỏng vấn của Viettimes ngày 20-4-2016, http://viettimes.vn/vietnam/
thoi-su-chinh-tri/tuong-le-van-cuong-khong-nuoc-nao-kim-ham-vietnam-nhu-trung-quoc-51222.html Đọc Nghị Quyết trong Tạp chí Quốc phòng Toàn dân 10-6-2014:"Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống".
(2) R. Aron, Enquête d'une philosophie de la politique étrangère, Revue française de science politique, N°1, Vol 3, 1953.
(3) Albert Hirschmann, Les passions et les intérêts, Paris, PUF, 1980.
(4) "Les eaux glacées du calcul égoïste", trích bởi Pierre Hassner, trang 348 (xem chú thích ở dưới).
(5) "sợ cái sợ" là lấy từ ý của triết gia Alain: la peur est toujours peur de la peur. Roosevelt cũng nói tương tự: "Vous n'avez rien à craindre, sinon la peurelle-même".
(6) Le Monde 6-4-2016
(7) Foreign Affairs, N° 2, March-April 1994.
(8) Le Monde 8-7-2016. P
(9) The Economist 20-10-2007.
(10) Trích bởi Pierre Hassner, La revanche des passions, Fayard, 2015, trang 249. Đây là quyển sách đã gợi hứng cho tôi để viết bài này. Tác giả là chuyên gia hàng đầu của Pháp về ngành quan hệ quốc tế.
(11) Xem thêm "La Chine et la Russie célèbrent leur rapprochement" (LeMonde 28-6-2016)
(12) The Atlantic, April 2016.

(13) Thơ của Yeats, trích bởi Pierre Hassner, sách đã dẫn, trang 36. Tạm dịch:Rơi rụng khắp nơi, trung tâm không nắm đươc nữa Thế giới này lung lay trong vô tổ chức Kẻ tuyệt giỏi đã mất lòng tin còn kẻ thậm tồi Thì ôi thôi đầy đam mê cuồng vọng.
(14) Pierre Hassner, sđd, trang 345.
(15) Đó là quan điểm của một tác giả hàng đầu của Pháp, Justin Vaïsse, Giám đốc nghiên cứu tại Brookings Institution (Washington) trong Barack Obama et sa politique étrangère, Odile Jacob, 2012. Có thể đọc một tóm tắt đúc kết đầy đủ về những lưỡng lự bất nhất của Obama cho đến 2012 trong: Alain Frachon, L'inconstante diplomatie d'Obama, Le Monde 12-10-2012.
(16) Hillary Clinton ou le centrisme raisonné (Editorial), Le Monde 30-7- 2016.
© Thời Đại Mới
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link