Ám ảnh ung thư ở Việt Nam
Thiên
Thanh Gửi từ TP. HCM
- 16
tháng 9 2016
Trong vài năm gần đây, báo mạng ở Việt Nam (bao gồm tất cả các
trang lề phải, lề trái, fanpage…) dày đặc những bài tổng hợp nói về nguy cơ bị
ung thư và những cách phòng chống bệnh ung thư. Việc phát hiện bệnh ung thư ở
nghệ sĩ này hay nghệ sĩ nọ….càng làm tăng lên nỗi sợ hãi. Và truyền thông ở
Việt Nam đang chạy theo xu hướng khai thác sự sợ hãi của công chúng.
Ung thư gõ cửa nhà nghèo lẫn nhà giàu
Sau kỳ nghỉ lễ, tôi theo một người chị vào bệnh viện (BV) Ung Bướu
thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM). Chị có lịch xạ trị ở đây sau ca phẫu thuật cắt bỏ
khối u.
Khu xạ trị gia tốc ở BV Ung Bướu TP HCM được đưa vào hoạt động
tháng 4/2005 với vốn đầu tư gần 100 triệu đồng với hai máy xạ trị gia tốc kể ra
cũng là mới so với các máy xạ trị ở trong khuôn viên cũ của bệnh viện.
Căn phòng xạ trị nằm dưới tầng hầm, có phòng ngồi chờ tươm tất,
sạch sẽ với quạt máy, ti vi màn hình LCD. Tôi nhìn thấy nhiều phụ nữ lứa tuổi
U40 – 50 – 60 – 70 và thuộc các tầng lớp khác nhau qua cách họ ăn mặc. Có phụ
nữ xuề xòa mặc đồ bộ, chân đi dép…thì cũng có phụ nữ xăm chân mày, trang điểm
nhẹ với áo choàng và váy chống nắng, mùi nước hoa thoang thoảng. Căn bệnh này
không chừa ai.
Trong khi những người phụ nữ xuề xoà giản dị hồn nhiên kể lể về
tiến trình chữa trị của mình để mong học hỏi nhau điều gì đó thì chị của tôi (và
những người phụ nữ sang trọng khác) ngồi yên lặng, mặt căng thẳng hoặc lo âu.
Chị cấm không cho tôi kể với ai về căn bệnh của mình, thậm chí
không được nói về căn bệnh đó ngay cả với chị. Chị muốn quên đi, muốn mau mau
thoát ra khỏi BV để trở lại cuộc sống bình thường.
Trước khi theo chị của mình vào BV, tôi đã từng đem phim chụp CT
Scan của một ngưởi bạn cho một vị bác sĩ rất giỏi ở đây xem. Tôi không quên vẻ
mặt cáu kỉnh và xanh xám của anh tại phòng chờ khám bệnh của BV hôm đó. Có một
khối u trong tuỷ của anh và nó cần được mổ càng sớm càng tốt, nhưng các bác sĩ
tiên liệu nếu lên bàn mổ thì khả năng sống của anh chỉ có 50%. Là một người
khôn ngoan nhiều trải nghiệm mà khi bác sĩ bảo anh kết quả mổ có thể chỉ đạt
50/50, anh hỏi tôi: “Họ nói thế có nghĩa gì?”. “Là có thể ca mổ sẽ không thành
công, một sống một chết”. Thế là anh ôm hồ sơ về, quyết định kiếm thuốc nam
uống.
Vài tháng cất công đi bốc thuốc tận phía bắc, mỗi ngày anh đều
tuân thủ đúng thời gian uống thuốc và chế biến đúng kiểu thầy dặn dù không dễ
tí nào. Anh gặp tôi sau đó với vẻ lạc quan: theo lời thầy bắt mạch thì khối u
trong tuỵ có vẻ ngày càng nhỏ đi….Thế nhưng, không lâu sau đó anh bị ngất đột
ngột và đã phải nhập viện để mổ cấp cứu. May mà ca mổ thành công, và anh lại hỏi
tôi về quá trình hoá trị, với một thái độ chấp nhận khác hẳn trước.
Đau nhất là một ông anh họ tôi thương mến: khi phát hiện bị ung
thư phổi anh đã trốn tất cả mọi người và quyết định…không chữa trị. Nhưng rồi
khi bị khối u hành hạ, anh đã lên đường sang Mỹ. Hơn một năm sau, tôi gặp lại
anh với thần sắc tốt hơn, nhưng anh vẫn không thể bỏ được thuốc lá… dù đã điều
chỉnh lại nhiều thói quen trong cuộc sống!
Cũng đầu năm nay, tôi đi dự đám tang một đồng nghiệp mất vì ung
thư di căn lần thứ 3. Phát hiện bị ung thư cách nay 16 năm, chị chỉ cầu mong
được sống để nuôi con khôn lớn. Và với quyết tâm đó, chị đã vượt qua 3 lần điều
trị (lần đầu và 02 lần di căn) và chỉ buông tay lần thứ 4. Nhưng không ít người
bị bệnh giống chị đã ra đi sau một vài tháng, bởi cùng một loại bệnh, cùng một
giai đoạn bệnh, cùng một cách điều trị, diễn tiến bệnh ung thư trên mỗi người
là hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng, có một cái chung là người nghèo bị bệnh ung
thư thường mất nhanh hơn do không đủ tiền theo đuổi quá trình chữa trị hoặc
không đủ tiền ăn uống đầy đủ.
Đã hơn 10 năm nay, tôi ra vô BV Ung Bướu TP HCM không biết bao
nhiêu lần. Trong tất cả những lần đến đây, tôi đều ngồi ở ghế…chờ (chờ một
người thân, chờ một người bạn), nhưng dù tôi không nếm trải sự đau đớn hay
hoảng loạn của bệnh nhân, tôi lại có nỗi sợ khác ám ảnh: không biết với liệu
trình này, cách chữa trị này….người thân hay bạn của mình có vượt qua được hay
không? Làm sao giúp họ thoát khỏi căn bệnh này? Làm sao chia xẻ với họ nỗi đau
(thể xác lẫn tinh thần) trong quá trình chữa trị?
Mỗi liệu trình chữa trị bệnh ung thư thường kéo dài ít nhất 6
tháng đến một năm với nhiều tác dụng phụ. Khi chữa xong, bệnh nhân phải quay
trở lại BV để kiểm tra mỗi ba tháng hoặc 6 tháng trong vòng 05 năm với nỗi hồi
hộp bệnh quay trở lại. Vì thế, kết quả chẩn đoán “bệnh ung thư” của các bác sĩ
thường đem lại nỗi tuyệt vọng cho bệnh nhân và gia đình họ. Kết quả đó không
còn là chẩn đoán thông thường mà trở thành sự phán quyết, chẳng khác gì “án tử”
treo trên đầu! Nhất là khi các bệnh nhân chữa trị bệnh ung thư ở đây không nhận
được bất kỳ sự tư vấn tâm lý miễn phí nào như ở Singapore. Sống cực đoan hay sống
buông thả?
Có ai đó nói với tôi rằng bệnh ung thư ở Việt Nam giờ cũng giống
như bệnh cảm cúm nhưng không có thuốc chích ngừa. Quả là như vậy. Ngoảnh đi ngoảnh lại nhà nào
cũng có người bị bệnh, thật kinh khủng, vì chả biết bao giờ căn bệnh này “ghé
thăm” mình nữa?
Chứng kiến những cái chết trẻ vì ung thư, đọc những câu chuyện
chia sẻ về căn bệnh này ngày càng nhiều, cho dù gia đình chưa ai mắc bệnh thì
vô hình chung, nỗi sợ hãi ung thư đã lan toả trong cộng đồng. Trên cộng đồng
mạng facebook hiện nay, không ít người thường xuyên chia sẻ những bài thuốc chữa
ung thư hoặc cảnh báo những loại thực phẩm độc hại có thể gây ung thư. Thông
tin này nhiều khi không có nguồn rõ ràng mà chỉ là bài viết tổng hợp, thế nhưng
không ít người tin theo và lại tiếp tục nhấn nút “share”.
Chung quanh tôi, có những gia đình hoàn toàn không sử dụng bất kỳ
một loại bột nêm hay gia vị chế biến sẵn nào, mà chỉ dùng thuần muối hay nước
mắm chế biến thủ công biết rõ nguồn gốc. Họ hạn chế ra ngoài ăn uống mà tự chế
biến ở nhà. Không chỉ người lớn tuổi mới sợ, có cả những người trẻ tự đun nước
uống mang theo đi làm và từ chối uống các loại thức uống đựng trong những chai
lọ bằng nhựa dù được mời, đến mức cực đoan vậy đó!
Một anh bạn của tôi cả chục năm nay đã mua đất làm trang trại ở
một vùng biển miền trung và sống hẳn ngoài đó, căn nhà to ở Sài Gòn thì cho
thuê. Vợ chồng anh tự trồng rau, tự làm nước mắm, bánh mì, giò chả, xúc xích
….Lúc trước biển chưa nhiễm độc, anh chị hay phơi cá biển tươi rồi đóng bao hút
chân không gửi biếu bạn bè ở Sài Gòn. Bây giờ ở gần biển mà không dám mua cá
biển, anh chị nuôi thêm gà, bò….để khi cần có thịt tươi đãi bạn. Anh sống như
một nông dân chính hiệu mà lại rất tự hào vì tự mình kiểm soát được chất lượng
thực phẩm.
Trong cơn tuyệt vọng không tin vào sự kiểm soát thực phẩm của
chính quyền, mạnh ai nấy tìm kiếm nguồn cung thực phẩm cho riêng mình nếu không
có đất “tự cung tự cấp” giống như anh bạn tôi. Những cửa hàng thực phẩm sạch,
thực phẩm hữu cơ, những loại thực phẩm chế biến thủ công tại nhà… bỗng nhiên nở
rộ và có lượng khách riêng của mình. Dĩ nhiên, giá không rẻ.
Mặt khác, chưa bao giờ thấy thức ăn nước uống bày bán trên đường
phố nhiều như bây giờ. Không kể quán ăn nhà hàng có bảng hiệu đàng hoàng, con
đường nào cũng đầy hàng quán rong: bán trên xe đẩy dạng “to go” hoặc bán trên
lề đường với vài cái ghế nhỏ ăn tại chỗ. Lạ một chỗ trên mạng ai cũng lo sợ thực phẩm bẩn nhưng ra đường
thấy chỗ nào cũng có người xì xụp ăn uống, bất kể chỗ bán bên cống rãnh. Nạn bạ
đâu cũng ăn cũng uống đã biến những con phố vốn sạch đẹp trước kia trở thành nhếch
nhác với nước thải, rác rến đọng quanh các hố ga…Và mỗi khi trời mưa thì do rác
đã ngập cống, nước không thoát được gây ngập ngụa hôi thối thì có gì đâu mà lạ?
Thực phẩm bẩn có thể tự mình tránh, tự mình kiểm soát, nhưng môi
trường bẩn thì bất lực rồi. Thống kê từ các chuyên gia chữa trị ung thư cho
thấy 40% các ca mắc ung thư có nguyên nhân từ môi trường ô nhiễm. Giờ dân Sài
Gòn ra đường đeo khẩu trang, bịt kín mặt mũi như dân Ả Rập đi trong sa mạc,
ngay cả đàn ông. Khói bụi, tiếng ồn, kẹt xe bất kể giờ giấc, nước ngập khi trời
mưa…đã biến Sài Gòn xinh đẹp ngày nào trở thành nơi chứa đầy nguy cơ “ung thư”.
Và dù sống kỹ càng đến mức cực đoan hay sống buông thả - ăn uống
vô tội vạ - bất kể ngày mai thì rồi chúng ta cũng sẽ chết như nhau thôi: nếu
không bị mắc bệnh ung thư thì cũng chứng kiến người thân, bạn bè mình ra đi vì bệnh
ung thư.
Bài
viết thể văn phong và quan điểm riêng của tác giả, là giáo viên từ thành phố Hồ
Chí Minh.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment