Sunday, October 9, 2016

Đỗ Trung Quân với “Cơm cá ngày xưa”



Đỗ Trung Quân với “Cơm cá ngày xưa”

Mặc Lâm, RFA
2016-10-08
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Tranh Đỗ Trung Quân
Tranh Đỗ Trung Quân
Hình tác giả gửi RFA
Đỗ Trung Quân: Nhà thơ - Họa sĩ
00:00/00:00
Phần âm thanhTải xuống âm thanh
Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật không hiếm những văn nghệ sĩ có thú vui sáng tác hội họa mặc dù đây là lĩnh vực họ chưa hề qua trường lớp nào. Một trong những nhà thơ họa sĩ ấy là Đỗ Trung Quân, với những bức tranh gây cảm hứng cho người xem cùng với sự ngạc nhiên của những cây viết phê bình mỹ thuật.

Đỗ Trung Quân vẽ như anh đang làm thơ. Màu là chữ, bố cục là kết cấu của từng câu dài ngắn mang hơi thở của ngôn ngữ thi ca, đường nét là hơi hướm của bài thơ qua cái tứ ẩn sâu đàng sau trang giấy.

Trong những ngày thảm họa Formosa ám ảnh cả một dải biển miền Trung, loạt tranh chủ đề cá của Đỗ Trung Quân nhắc cho người xem những mảng màu không còn xanh của đại dương, không còn hồng màu hoàng hôn trên biển. Cá không còn tươi mà chúng tím tái hay rợn người với những đường viền dữ dội.

Chúng tôi có cuộc nói chuyện với nhà thơ, họa sĩ Đỗ Trung Quân về những bức tranh cá này.

Nhà thơ Họa sĩ

Mặc Lâm: Xin chào nhà thơ, họa sĩ Đỗ Trung Quân. Có lẽ chúng ta sẽ dành cuộc nói chuyện hôm nay vào nét cọ của anh thay vì bàn về những câu thơ như trước đây. Nhiều nghệ sĩ đang từ một lĩnh vực khác với mỹ thuật bỗng nhiên tham dự vào sáng tác tranh không phải là hiếm tại Việt Nam. Chúng ta có Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ, Lê Thánh Thư là một thi sĩ, hay Bùi Chí Vinh là một nhà báo…hình như tranh đã quyến rũ họ không kém gì văn chương hay những trang phóng sự.
Với anh là một nhà thơ và không có ngày nào học hội họa từ trường lớp cả. Bỗng chốc người đọc thơ của anh phát hiện ra một Đỗ Trung Quân khác với bảng màu, với canvas với kỹ thuật không hề thua kém một họa sĩ xuất thân từ trường lớp. Câu hỏi có lẽ nhiều người muốn đặt ra nhất vào lúc này là kinh nghiệm nào về hội họa mà người nghe của chúng ta hôm nay muốn biết nhất?

Đỗ Trung Quân: Thực sự thì tôi đã vẽ minh họa cho các báo hơn 30 năm. Khi tôi làm việc cho báo Tuổi Trẻ tôi đã minh họa cho báo hàng tuần trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật và rất nhiều tờ báo khác trong thành phố này vào những địp Tết.
Nhưng thưa anh minh họa báo thì nó chưa hẳn là hình thái của hội họa, tôi rất biết ơn dịch giả Hoàng Ngọc Biên trong thời gian 10 năm làm việc với anh, anh đã khai sáng cho tôi rất nhiều những ý thức và kiến thức trong hội họa và xin được nhớ đến một người: họa sĩ Lưu Công Nhân.

Lúc sinh thời anh thấy tôi vẽ trên báo và anh bảo với tôi rằng “Quân ơi, tại sao em lại không vẽ?” lúc đó tôi nghe một danh họa bảo mình sao anh không vẽ tôi sợ nhiều hơn là hãnh diện bởi vì người nói với tôi câu đó là một bậc thầy của hội họa Việt Nam có tên tuổi còn tôi thì không học hội họa được một ngày nào.
Mặc Lâm: Hoàn cảnh cụ thể nào thúc đẩy anh chọn lựa cây cọ thay vì ngòi viết mà hơn ba mươi năm qua anh đã theo đuổi?
Đỗ Trung Quân: Trong cái xui rủi của cuộc đời của ai đó thì nó lại có cái may mắn. Trong ba năm từ năm 2012 khi tôi bước chân “xuống đường chống Trung Quốc” thì tôi bị quản thúc tại gia như các anh cũng đã biết, hàng tuần vào Thứ Bảy, Chủ Nhật tôi không bước ra khỏi nhà và trong hai ngày đó tôi phải làm gì để tránh những áp lực của an ninh ngồi trước cửa nhà.
TranhDoTrungQuan2-400.jpg
Tranh cá của Đỗ Trung Quân Hình tác giả gửi RFA
Lúc đó tôi nghĩ tới chuyện vẽ và thưa anh tôi bắt đầu dành thời gian đó cho vẽ trong những ngày cuối tuần như thế và sau đó thì không cần cuối tuần nữa mà tôi đã vẽ hàng ngày và nhân đây xin anh Mặc Lâm cho phép tôi cảm ơn tất cả nhũng người bạn trong và ngoài nước, những người bạn đã là người đầu tiên đã giúp dỡ cho tôi trong chuyện này.

Có người đến tận nhà tặng cho tôi màu, có người tặng cho tôi “toang” (Canvas), Có người đến tận nhà làm cho tôi những khung tranh, tất cả những điều đó là nguồn động lực rất là lớn, khi đã lao vào nó, theo nó tôi mới phát hiện ra rằng tôi có một niềm hứng thú khác để tránh được stress khi bị quản thúc.

Mặc Lâm: Người họa sĩ thường phải phác thảo trước khi thực hiện tranh của mình và giai đoạn này chiếm rất nhiều thời gian. Không biết anh có theo những công đoạn được xem là bài bản nhưng không kém phần bực bội này không? Có họa sĩ lại không cần phác thảo, họ ngồi trước canvas trắng tinh như nhà thơ ngồi trước trang giấy trắng chấp nhận đối diện với màu trắng của khung tranh. Họa sĩ Đỗ Trung Quân thì sao ạ?
Đỗ Trung Quân: Đối diện với khung tranh là đối diện với chính mình. Đối diện với chính mình, đối diện với tâm trạng mình trong thời điểm đó.

Những bức tranh Cá

Mặc Lâm: Xin được ngắt lời anh, thời điểm mà anh nói có ảnh hưởng trực tiếp tới sáng tác của anh hay không, nhất là những tác phẩm về cá đang tràn ngập căn phòng của anh vào lúc này?

Đỗ Trung Quân: Gần đây tôi vẽ nhiều về cá. Chủ đề cá không phải là chủ đề mới mà nó rất cũ, nó không xa lạ gì trong hội họa cả, các họa sĩ trong Nam ngoài Bắc đều vẽ cá trước tôi. Họa sĩ Đinh Cường, họa sĩ Nguyễn Trung những người đạt đỉnh cao về vẽ đề tài cá ngoài hai anh rất nhiều họa sĩ khác mà tôi không thể kể tên ra hết

Nhưng trong giai đoạn của tôi tôi vẽ cá theo cái nhìn của mình. Thưa anh, chuyện Hoàng Sa, biển đảo chuyện ngư dân đối với một người nghệ sĩ anh không thể đứng ngoài.
Vừa là tư cách công dân, vừa là tư cách người sáng tạo anh phải song hành cùng vận mệnh của đất nước. Anh phải song hành cùng đồng bào của mình.

Thưa anh chủ đề cá của tôi cũng tầm thường thôi nhưng tôi hãnh diện một điều dù đẹp dù xấu tôi cũng song hành cùng với đồng bào cùng với ngư dân mình cùng với đất nước mình.
Mặc Lâm: Thường thì trong một loạt tranh cùng chủ đề thì họa sĩ đánh số cho nó, riêng loạt tranh về cá anh đặt tên cho chúng như thế nào để tránh trùng lắp hay ít ra nó miêu tả một điều gì đó của họa sĩ như một artist statement?
Đỗ Trung Quân: Thưa anh nó đơn giản lắm chúng ta không thể đánh số, nhưng nó có tên chung là “Cơm cá ngày xưa” đó là một một khái niệm, một mơ ước mà chúng ta mong ăn được con cá ngày xưa, cầm lại chén cơm ngày xưa.
Con cá và chén cơm chỉ là biểu tượng, chỉ là ẩn dụ cho no ấm mà thôi. Điều no ấm ấy tôi đang lo lắng

Mặc Lâm: Anh làm cho tôi liên tưởng đến những thời kỳ của các danh họa, như Picasso chẳng hạn, ông ấy có thời kỳ màu xanh, rồi thời kỳ màu hồng…có lẽ Đỗ Trung Quân cũng có thời kỳ màu cá chăng?

Đỗ Trung Quân: Thời kỳ màu cá là một khái niệm rất hay chính tôi cũng không nghĩ ra. Tôi xin anh Mặc Lâm khái niệm “Thời kỳ màu cá” của anh.
Những con cá tôi vẽ thoạt đầu cho tới giờ này tôi chỉ muốn bày tỏ thái độ công dân, thái độ nghệ sĩ: anh không được đứng ra ngoài cuộc sống của đất nước, vận mệnh của đất nước nếu anh là nghệ sĩ.

Bằng hình thái thơ ca cũng được, bằng hình thái hội họa cũng được hay điêu khắc cũng được.
Nhưng với một người nghệ sĩ không được đứng ra ngoài vận mệnh dân tộc của mình và thưa anh những con cá trong tranh tôi là niềm mơ ước. Tôi vẽ khi nhớ đến trong kinh thánh Chúa làm phép lạ trên biển Galileo 5.000 con cá cho đám đông.
Tôi mong rằng Chúa cũng sẽ làm phép lạ đó cho ngư dân chúng tôi, cho chúng ta và cả cho tôi lẫn anh được ăn một con cá không nguy hiểm không độc hại, không có bóng dáng của bất cứ một âm muu nào.

Mặc Lâm: Xin cám ơn họa sĩ nhà thơ Đỗ Trung Quân đã chia sẻ những gì mà anh đã đặt vào loạt tranh “Cơm cá ngày xưa”. Xin thành thật mong anh có thêm những bức tranh cá khác để nhắc với cộng đồng  những con cá quen thuộc của người Việt rồi đây sẽ tái sinh cũng như đất nước sẽ tái sinh trong vòng quay của lịch sử.



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link