Wednesday, December 7, 2016

Hoa Kỳ Vừa Chọn Tổng Thống Mới

 
Hoa Kỳ Vừa Chọn Tổng Thống Mới

Sơn Hà

Ở Hoa Kỳ, ai cũng được thở ra nhẹ nhỏm sau ngày 08 tháng 11 – 2016. Người ủng hộ bà Clinton hay ông Trump, gần như ai cũng mệt mỏi qua cuộc tranh cử dài 18 tháng đằng đẵng. Nỗ lực thật lớn dành cho chương trình tranh cử của cả hai bên không biết làm sao đong đếm được. Ngoài đoạn đường dài ngang nhau, các yếu tố khác thì có quá nhiều chênh lệch. Hầu hết các chi phí, ông Trump phải trang trải bằng tiền túi, trong khi bà Clinton thì có nhiều ngân quỹ yểm trợ. Bà Clinton được ông Tổng Thống đương nhiệm yểm trợ tối đa, nhưng ông Trump thì không được như vậy. Chỉ bấy nhiêu cũng đã thấy sự khác nhau lớn. Nhưng rồi, ông Trump đã đắc cử vẻ vang. Ông Trump thắng cử do những lá phiếu của công dân Hoa Kỳ.

Theo dõi tin tức, người ta thấy rõ đảng Dân Chủ yểm trợ bà Clinton tối đa, trong khi ông Trump thì "mồ côi"; dù được đảng Cộng Hòa đề cử nhưng giống như đem con bỏ chợ. Những người đồng đảng đồng chí của ông Trump thì quay lưng, trong khi đồng chí của bà Clinton thì tận tình yểm trợ. Các cơ quan truyền thông đại chúng, từ báo chí đến truyền hình, radio,... đa số chỉ yểm trợ bà Clinton. Dường như chỉ một mình FoxNews đơn thương độc mã yểm trợ Ông Trump.

Quan sát trong xã hội, sự sợ hãi bao trùm lên những người yểm trợ ông Trump. Họ không dám công khai cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho ai. Quang cảnh một ông già Mỹ bị mấy người da màu đánh tơi bời, bởi vì họ biết ông già này sẽ bỏ phiếu cho ông Trump. Vài người chung quanh nhìn thấy mà không dám bênh vực. Có người quay phim rồi truyền đi trên Internet. Tâm lý người xem nếu có phẫn nộ thì cũng đi đến thầm lặng và ngao ngán đối với những người ủng hộ bà Hillary Clinton. Vì sợ mà họ trở nên những người thầm lặng. Trong khi đó, những người bầu cho bà Clinton thì ồn ào hơn. Họ gõ cửa từng nhà để cổ động cho bà Hillary Clinton.

Những Lá Phiếu Thầm Lặng Giúp Ông Trump Thắng Cử

Các cử tri thầm lặng hóa thành những người ủng hộ ông Trump? Hay, bởi vì ủng hộ ông Trump nên phải giữ im lặng? Dù có nói cách nào đi nữa, từ các cuộc thăm dò đến kết quả cuộc bầu cử cho thấy: không ai lần dò được các lá phiếu của cử tri ủng hộ ông Trump. Gần như các cuộc thăm dò đều đưa ra kết quả sai xa sự thật. Trong dư luận, nơi đâu cũng nghe bàn tán rằng bà Clinton sẽ chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc lần này. Các tinh tú của bà Clinton tự mãn chuẩn bị cho một ngày đăng quang rầm rộ. Trong khi ấy, ông Trump và bầu đoàn của ông vẫn miệt mài đi tranh cử cho đến giây phút cuối cùng. Những người ủng hộ ông Trump cũng tiếp tục âm thầm yểm trợ ông, như những luồng nước ngầm chảy xuyên suốt qua các tiểu bang của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, kể cả các tiểu bang xưa vẫn ủng hộ đảng Dân Chủ.

Khó ai có thể ngờ được là các vùng đất xa xôi hẻo lánh có tỷ lệ rất cao, ủng hộ ông Trump ngoài sự dự đoán của nhiều người. Theo dõi kết quả đếm phiếu, chúng ta thấy các vùng đất nông thôn càng xa thành thị càng có tiếng nói mạnh mẽ qua lá phiếu. Càng xa thành thị người ta càng ủng hộ ông Trump. Những nơi ấy không được giới truyền thông quan tâm. Giới chuyên môn thực hiện các cuộc thăm dò cũng không vói tay tới những nơi xa xôi ấy. Chỉ đến ngày bỏ phiếu, toàn thể công dân Hoa Kỳ và cả thế giới chứng kiến những lá phiếu thể hiện quyền chọn lựa người lãnh đạo cho họ trong nhiệm kỳ sắp tới. Kết quả hiển hiện trước mắt mọi người. Ông Trump đã đắc cử vẻ vang. Hiện tượng "nông thôn bao vây thành thị" xảy ra ở rất nhiều tiểu bang.

Việc tranh cử và bầu cử đã qua, nhưng nhiều vấn đề khác nảy sinh. Nhiều người ủng hộ bà Clinton không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử. Họ tổ chức các cuộc xuống đường, gây xáo trộn ở nhiều nơi. Họ cô lập nhiều đoạn đường, gây trở ngại giao thông. Họ còn đốt cờ Hoa Kỳ và tuyên bố tẩy chay ông Trump là người vừa mới đắc cử Tổng Thống. Người ta tự hỏi: "Bầu cử để làm gì?". Qua các đoạn truyền hình, những người biểu tình cho rằng ông Trump không xứng đáng là Tổng Thống của họ. Hình như họ chỉ muốn bà Clinton làm Tổng Thống thôi. Các thành phố có sự chống đối mạnh nhất là nơi có nhiều người da màu và di dân bất hợp pháp, như Oakland-CA, Chicago-IL, Portland-OR, New York,... Họ không chỉ xuống đường ồn ào gây trở ngại cho đường phố mà còn đập phá xe hơi, đập phá cửa hàng, hôi của, trộm cắp,... Có nơi, trong đám đông biểu tình có trẻ em dưới tuổi vị thành niên cầm biểu ngữ.

Chưa biết bao giờ họ mới trả lại sự bình an cho mọi người? Mỗi khi nhìn lại cảnh đập phá, xáo trộn mà lòng ngao ngán. Bà Clinton và Tổng Thống Obama gần như chẳng làm gì để can ngăn những người tổ chức các cuộc biểu tình chống đối.

Nguyên Tắc Tuyển Cử Tổng Thống Hoa Kỳ

Những người muốn bà Hillary Clinton làm Tổng Thống nói rằng, bà Clinton đạt được tổng số phiếu, từ 50 tiểu bang cộng lại, trên toàn quốc, nhiều hơn ông Trump với số phiếu lên tới cả triệu lá phiếu. Và như thế thì bà Clinton thắng cử chứ không phải ông Trump. Họ còn lên án hệ thống bầu cử của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ không còn hợp thời nữa. Vậy hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ như thế nào? Trong bài viết này chỉ đề cập một cách tổng quát đến nguyên tắc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ, bầu cử các vị trí khác xin để lại các dịp sau.

Mỗi bốn năm, công dân Hoa Kỳ chọn Tổng Thống và Phó Tổng Thống Hoa Kỳ bằng nguyên tắc bầu kín và gián tiếp. Thông thường, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa là hai đảng lớn nhất, mỗi đảng đưa ra một liên danh có hai người ứng cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống Hoa Kỳ. Ứng cử viên của các đảng khác hoặc ứng cử độc lập, thường thường không được chú ý nhiều vì số phiếu không đáng kể. Tổng số phiếu bầu Tổng Thống là 538 phiếu Electoral Vote, ai được 270 phiếu là người đắc cử. Con số 538 là tổng số của 435+100+3. 435 Dân Biểu Hạ Viện, 100 Nghị Sĩ Thượng Viện và 3 phiếu của Thủ Đô Washington, D.C.

100 Thượng Sĩ Nghị đại diện cho 50 tiểu bang của Hoa Kỳ. Mỗi tiểu bang có hai Thượng Nghị Sĩ Liên Bang, bất kể tiểu bang ấy nhỏ hay lớn. Dân Biểu Hạ Viện thì tùy theo số dân cư, có đông dân cư thì có nhiều Dân Biểu. Tùy theo dân số trong khu vực để được có bao nhiêu Dân Biểu, nên mỗi tiểu bang có số Dân Biểu khác nhau.
Trong ngày bầu cử, các cử tri có ghi danh đi bầu, đến phòng phiếu nhận phiếu bầu, chọn xong liên danh, bỏ vào thùng phiếu. Sau khi phòng phiếu đóng cửa, các thùng phiếu được ban kiểm soát bầu cử kiểm và đếm phiếu. Toàn thể tiểu bang công bố tổng số phiếu, số phiếu bầu cho các ứng cử viên và số phiếu bất hợp lệ,... Tùy theo luật của mỗi tiểu bang, cử tri được bầu bằng thư qua đường bưu điện. Cũng có tiểu bang cho phép bầu sớm hơn ngày được ấn định cho toàn quốc.

Mỗi tiểu bang, có con số phiếu gọi là Electoral Vote đã được ấn định, ngoại trừ hai tiểu bang Maine và Nebraska. Thí dụ California có 2 Thượng Nghị Sĩ và 53 Dân Biểu, cho nên California có 55 phiếu Electoral Vote. Trong hai liên danh, ai có tổng số phiếu phổ thông (popular vote) tại California trên 50% thì người đó lấy hết 55 phiếu Electoral Vote, áp dụng nguyên tắc: người thắng thì được tất cả (winner-take-all). Và cứ thế, mỗi tiểu bang đều kiểm phiếu như thế và hai liên danh gom phiếu từng tiểu bang cho đến khi được 270 phiếu thì có thể tuyên bố đắc cử Tổng Thổng và Phó Tổng Thống của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Tính đến ngày hôm nay, chưa kể Michigan, liên danh ông Trump đạt được 290, bà Clinton đạt được 232. Nếu thắng luôn Michigan thì ông Trump được tất cả là 306. Nếu bà Clinton thắng ở Michigan thì cũng chỉ được 248.

Hai tiểu bang Maine và Nebraska có luật riêng, liên danh nào đạt được đa số của tổng số phiếu thì được 2 phiếu Electoral Vote. Những phiếu còn lại các liên danh cũng phải tranh cho từng khu vực chứ không thu tóm tất cả như 48 tiểu bang kia. Chẳng hạn như năm nay, ở Maine có tất cả 4 phiếu Electoral Vote, ông Trump thắng 1, bà Clinton thắng 3.

Trong trường hợp không ai đạt được đa số Electoral Vote phiếu thì Hạ Viện của Quốc Hội Liên Bang sẽ chịu trách nhiệm tổ chức chọn lựa theo thể thức mỗi tiểu bang chọn một trong ba ứng cử viên hàng đầu. Ai nhiều phiếu, người ấy đắc cử Tổng Thống. Và chọn Phó Tổng Thống cũng tương tự nhưng do Thượng Viện Liên Bang tổ chức.

Cử Tri Đoàn Sẽ Đem Nguyện Vọng Về Thủ Đô

Dù đã tuyên bố thắng cử nhưng cả hai liên danh phải chờ đến 19 tháng Mười Hai, khi các cử tri đoàn (Electoral College) về thủ đô để bỏ phiếu theo nguyện vọng của cử tri. Cử tri đoàn của từng tiểu bang sẽ bỏ phiếu cho liên danh mà đa số cử tri trong tiểu bang đã chọn. Tại Hoa Kỳ, chỉ có 27 tiểu bang có luật bắt buộc cử tri đoàn phải bỏ phiếu theo đa số cử tri trong tiểu bang. Ngoài ra, không có điều nào trong Hiến Pháp hay luật liên bang ràng buộc cử tri đoàn phải bỏ phiếu cho ai. Tuy nhiên, gần như luôn luôn cử tri đoàn bỏ phiếu theo đúng sự lựa chọn của cử tri trong tiểu bang. Họ dồn hết phiếu cho liên danh đã được đa số cử tri trong tiểu bang tuyển chọn.

Thành viên của cử tri đoàn thường là viên chức chính phủ trong tiểu bang, lãnh đạo đảng, hay các nhân sự hoạt động tích cực trong các mùa bầu cử Tổng Thống. Sự lựa chọn thay đổi tùy theo mỗi tiểu bang. Thường thì các nhân sự này được đề cử từ đại hội đảng trong tiểu bang. Họ đem về thủ đô, nguyện vọng của toàn thể tiểu bang. Vẫn có người còn hy vọng có thành viên nào đó trong cử tri đoàn xé rào, bầu ngược với đa số cử tri. Tuy nhiên, lần này cần phải có 40 người xé rào thì mới có hy vọng đảo ngược kết quả. Trong quá khứ chưa từng có một lần nào kết quả bị đảo ngược do cử tri đoàn không thực hiện lời hứa của mình.

Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ có thể thức tuyển chọn Tổng Thống phức tạp so với các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ đấy mà các công dân trong các tiểu bang dù nhỏ hay lớn đều có tiếng nói ngang nhau. Và cũng nhờ vào nguyên tắc tuyển cử này mà Hoa Kỳ tránh được sự áp đảo của các thành phố lớn, nơi có đông đúc cư dân hoặc bị ảnh hưởng bởi các luồng dư luận từ các thế lực chính trị.

Sau mỗi lần bầu cử Tổng Thống, người dân Hoa Kỳ đều phải trải qua những cơn chấn động diễn ra hàng ngày tưởng chừng không bao giờ chấm dứt. Trong khi bên ngoài có các cuộc xuống đường phản đối thì bên trong, chính quyền lại bận rộn thay đổi người cũ, chọn lựa người vào nội các mới. Rồi cũng như nhiều lần trong quá khứ, đất nước này phải hướng đến tương lai; cả nước phải bận rộn vì đường đời trước mặt. Các chính trị gia thì có kế hoạch riêng của họ: phải đối diện với thế giới và toan tính cho cuộc chạy đua khác, trong bốn năm tới.

Sơn Hà
Nov.2016




__._,_.___

Posted by: <thongtin

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link