Wednesday, May 3, 2017

Chiến tranh, anh tôi và đứa con thất lạc.



...Chỉ mong nếu Trời Phật xót thương, quí vị đọc được những giòng chữ này xin làm phước nhắn tin: "Cháu bé gái chưa đầy một tuổi mặc chiếc áo len mầu da bò hiện ra sao", như thế là quá đủ cho gia đình chúng tôi, quí vị có thể dấu tên, địa chỉ. Nhắn dùm cho chúng tôi trên trang mạng của phonuipleiku.org. Để tôi có thể thắp một nén hương trước hương linh anh Bốn và khấn rằng: "Cháu vẫn còn sống và được yêu thương" Như thế anh tôi mới ngậm cười nơi chín suối.


-------- Forwarded Message --------
Subject:
Fw: [aihuuquannhu] Chiến tranh, anh tôi và đứa con thất lạc
Date:
From:
Reply-To:


 
Chiến tranh, anh tôi và đứa con thất lạc.
(bài viết cho ngày đất nứơc tang thương)
Friday, April 29, 2016 6:11:32 PM
Bài viết này như một nén hương để tưởng nhớ những người đã bỏ mình trên đường chạy loạn 1975 nói chung và tại Tỉnh lộ 7 Phú Bổn nói riêng

Tôi nghĩ là người Việt Nam thì ai ai cũng có cảm nhận về chiến tranh và thân phận con người trong thời chiến. Có thể cách cảm nhận và suy nghĩ khác nhau vì mỗi người một hoàn cảnh và họ sống ở những địa phương mà tình hình chiến sự không giống nhau.

Những người này sống ở những thành phố mà họ chỉ biết đến chiến tranh qua báo chí, cáo phó, hay qua sự ra đi của bạn bè, người quen. Người kia sống ở nơi mà chiến tranh xảy ra bên cạnh họ, ngay trước mắt họ. Hằng ngày họ quen mắt với máy bay lên xuống liên tục, tiếng đạn pháo, những chiếc chiến xa chuyển động, những chiếc GMC chở đầy lính. Những vành tang trắng, những góa phụ đôi mươi, những người chưa kịp lên xe hoa đã là góa phụ... Tiếng tre khóc măng và sự cô đơn bơ vơ của những đứa trẻ côi cút.

Người ta sống và chết vội vã như nhau. Lứa tuổi của chúng tôi là lứa tuổi sống trong chiến tranh và trưởng thành trong chiến tranh. Chiến tranh như cơn sóng thần, cuồn cuộn dâng cao, ập tới và nhận chìm tất cả. Cuốn phăng đi, không còn một dấu vết, mà khoảng khắc trước đó hiện hữu

Chiến tranh với tôi như một trận hỏa hoạn, thiêu hủy, đốt cháy một cách tàn bạo. Người ta chỉ kịp mang theo những gì gần nhất có thể mang. Người ta chạy để không bị thiêu đốt, người ta nhìn ngọn lửa mà bất lực và tuyệt vọng. Những gì quí giá và thân thiết cũng chỉ là một đống tro tàn.



Chiến tranh như một trận cuồng phong hay lốc xoáy, cuốn hết mọi thứ trên mặt đất, cuốn theo mọi số phận, cuốn lên cao rồi quật xuống. Khi cơn lốc dừng lại thì mọi thứ đã bầm dập tả tơi.

Chiến tranh như bóng đêm dày đặc trùm xuống đời chúng tôi, chúng tôi quờ quạng tìm nhau trong đau đớn. Hệ lụy của chiến tranh là người ta đồng loạt vào tù, người ta đồng loạt chết ngoài biển khơi, và người ta tức tưởi xa nhau. Chiến tranh đã làm bố mẹ tôi bao lần chạy loạn, trắng tay rồi xây dựng và làm lại từ đầu... rồi lại trắng tay và đau xót nhìn tất cả công lao khó nhọc của mình gầy dựng, chốc lát tan như bọt nước. Hệ lụy của chiến tranh còn ở mãi trong những cơn mộng dữ, ở những chuyện muốn quên mà không quên được. Đến khi nhắm mắt còn mang theo những đau đớn khôn nguôi.

Vì ai? Vì đâu?

Chuyện khó quên đó như mới xảy ra ngày hôm qua.

Trong những ngày Pleiku lộn xộn, tôi đã và đang theo chồng đóng quân ở một tỉnh duyên hải Vùng 2. Qua báo chí tôi được tin Pleiku sẽ rút quân, tôi không biết tin tức gia đình ra sao? Đang lúc lo lắng thì bố mẹ tôi và cô em út 15 tuổi, cùng chị cả tôi và sáu đứa con nhỏ đến được Nha Trang bằng chuyến bay chót của Air Việt Nam. Vì không còn chuyến bay nào vào Sài Gòn. Các anh tôi cùng cậu em út và vợ con sẽ theo Thiết Đoàn 21 Kỵ Binh, vì anh rể tôi là sĩ quan của Thiết Đoàn này. Tôi vui mừng khi gặp được bố mẹ, nhưng vẫn lo vì không hiểu các anh chị em và các cháu sẽ ra sao về những chuyện xảy ra ở Tỉnh Lộ 7 Phú Bổn. Mẹ tôi ngậm ngùi: "Lại một lần nữa phải bỏ hết để giữ lấy thân". Tôi không biết phải an ủi mẹ như thế nào. Tưởng là yên, nhưng không ngờ tôi và bố mẹ lại tất tả, tức tưởi chạy nữa. Bố mẹ tôi, mẹ chồng tôi, cô em út, chị cả tôi và sáu đứa nhỏ, cùng vợ chồng người con nuôi của bố mẹ tôi và hai cháu, tổng cộng 17 người lớn nhỏ chất lên chiếc xe đò nhỏ, sẽ đi vào Sài Gòn theo làn sóng người và xe lũ lượt di tản.

Chồng tôi là đơn vị trưởng không thể bỏ đơn vị, anh nói: "Mạ, em và con phải đi theo gia đình, nếu em ở lại không giúp được gì cho anh mà còn nguy hiểm và vướng bận thêm". Tôi và chồng ôm nhau khóc vì không biết còn gặp nhau nữa không. Anh ôm hôn con gái, bước vội không nhìn lại vợ con, tôi thẫn thờ bước lên xe mà cõi lòng tan nát. Có thể nào đây là lần gặp cuối cùng của chúng tôi?

Tôi không bao giờ quên những ngày chạy loạn năm 1975 từ Phan Rang đến Phan Thiết rồi Bình Tuy. Tôi chỉ kịp sắp một cái giỏ đồ đựng những vật dụng cần thiết cho con gái lúc này cháu khoảng 9 tháng tuổi, cháu thích ngậm núm vú nhựa trước khi ngủ, tôi phải lấy một sợi dây xỏ qua múm vú và đeo vào cổ cho chắc ăn, sợ rớt mất thì tội nghiệp cho con, trên đường đi nó bị tướt vì mọc răng, thật là khổ.

Số nước mang theo xe gần hết, đạn pháo kích cứ trút xuống mãi, mọi người lao ra khỏi xe lăn xuống ven đường hoặc có thể nấp theo quán tính chứ chưa chắc chỗ đó đã an toàn, súng đạn vô tình mà. Im tiếng pháo kích moị người lục đục lên xe chạy tiếp, đạn đuổi sau lưng, các xe chạy bất kể, đôi khi cán phải những xác chết ven đường, tôi không dám mở mắt để nhìn những cảnh tượng đau lòng đó. Đã hơn 30 năm qua, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nằm mơ thấy những cảnh kinh hoàng ngày ấy, tôi chỉ hoàn hồn khi biết mình nằm mơ.

Đoàn người và xe đến Bình Tuy, chẳng ai bảo ai, già trẻ, lớn bé, đàn ông đàn bà nhào xuống biển tắm sau một tuần không tắm rửa. Những nhà dân ở xóm chài gần đó thấy gia đình tôi đông con nít nên thương tình cho vào nhà tắm và nấu cơm cho ăn. Tinh thần mọi người phấn chấn hơn vì nghĩ sắp được vào Sài Gòn, hình như đối với mọi người thì Sài Gòn là nơi an toàn. Nhưng rồi, ngay tại một trạm kiểm soát, ,người lính cho hay có lịnh không cho vào Sài Gòn. Moị người nhốn nháo la hét, cự nự cũng không xong, ai nấy đều lo âu, hoang mang. Rồi tất cả quay ra tìm phương tiện khác để đi, đó là đương biển. Gia đình tôi may mắn gặp một ông chủ tàu lớn đồng ý chở người và xe với giá thật kinh khủng, nhưng ai cũng mừng rỡ đồng ý, trên tàu chen chúc, kẻ nằm người ngồi bất bể chỗ nào, tôi và con gái được cho nằm một chỗ trên mui gần cột khói, con gái tôi cứ bò lung tung, tàu chòng chành, tôi bị say sóng cứ sợ con gái đụng ống khói sẽ phỏng tay hay rơi tòm xuống biển. Tôi lấy hai cái tã cột lại, một đầu thì cột quanh bụng con gái, một đầu thì cột vào cổ tay tôi, nếu cháu bò xa hơn thì tôi biết mà kéo nó lại. Như thế mà tôi nằm được một lúc cho qua cơn chóng mặt buồn nôn.

Khi chúng tôi đến Vũng Tàu, bước lên bờ trong trạng thái lâng lâng của say sóng, nhưng mừng rỡ vì gần tới Sài Gòn, tôi thấy cả rừng người tay xách nách mang nhốn nháo. Thấy chiếc xe đò của anh nuôi tôi họ đòi quá giang, sơ quá, anh bước vội lên xe và căn dặn mọi người khóa cửa xe lại và rồ ga chạy, nhưng lại bị chặn lại bởi toán kiểm soát hổn hợp, chỉ những người nào có thân nhân, gia đình ở Sài Gòn mới được vào, chúng tôi nói tên ông chú và cơ quan nơi ông làm việc cùng số nhà, thế là họ cho chúng tôi được vào Sài Gòn. Sở dĩ họ không cho vào Sài Gòn vì sợ tình trạng hỗn loạn, chính phủ giữ lại để lập các nơi tạm cư ổn định, nơi chốn cho những người di tản. Người hớn hở thở phào nhẹ nhõm, cuối cùng cũng đến được Sài Gòn, chặng đường bình thường đi chỉ mất hơn một ngày mà chúng tôi phải mất gần mười ngày với nhiều gian nan, nguy hiểm. Trên đoạn đường chạy loạn, hầu hết mọi người bị đau mắt cấp tính, tôi cấn thai mà không hay, cứ chạy nhảy qua hầm hố, té ngã mà chẳng hề hấn chi, vào đến Sài Gòn tôi mới biết mình có thai.


Sài Gòn khoảng thời gian này thật nhốn nháo, kẻ đi xuôi, người đi ngược. Ai ai cũng bàn tán chuyện tìm cách ra nước ngoài, ở ngoài cổng tòa Đại Sứ Mỹ đầy người. Chồng tôi và anh rể chẳng có tin tức gì cả. Báo chí loan tin về Tỉnh Lộ 7 Phú Bổn làm mọi nguời càng thêm lo lắng, rồi lại thêm Phan Rang rút quân. Bố mẹ tôi chẳng ai thiết ăn uống, khóc lóc suốt ngày, bà chị cả la khóc ầm ĩ như người điên. Vì lo cho chồng, tôi cũng phát điên vì những chuyện này.

Chúng tôi về được vài ngày thì anh rể tôi cũng về tới. Anh xuất hiện với một thân hình tiều tụy, hốc hác, đôi chân sưng vù và rướm máu, có chỗ làm độc trông rất dễ sợ, nhưng anh nói: "Mọi người thấy vậy chứ đã khá hơn rất nhiều". Bố mẹ tôi rất mừng vì gặp con rể, hy vọng sẽ biết được tin con cháu.

Anh rể tôi kể là khi đến Phú Bổn thì bị pháo kích, nhìn quanh không thấy các em đâu, anh phải vào rừng tìm đường thoát thân, anh thay đồ dân sự và băng rừng. Trong rừng anh tìm những gì có thể ăn và uống, chân sưng tấy anh lấy giẻ quấn lại và đi tiếp, ban đêm kiếm chỗ nào tạm gọi an toàn để chợp mắt, anh nhẩm tính thời gian để tìm về đến Tuy Hoà là chín ngày. Tới đây anh thấy người ta cũng bỏ chạy, nhà cửa phần đông không có nguời, anh vào nhà bỏ trống tìm cái gì có thể ăn và nghỉ ngơi rồi đi tiếp. Lúc này thì anh theo con đường Quốc Lộ, nắng gay gắt, chân sưng tấy, anh cắn răng đi tiếp thêm ba ngày thì đến Nha Trang tìm đến nhà cô Út tôi. Hy vọng gặp cô Út thật mỏng manh, anh nghĩ thế. Thật may mắn, gia đình cô tôi không di tản, cô cháu gặp nhau mừng mừng tủi tủi, cô chú cho biết gia đình đã di tản với người con nuôi của gia đình. Sau một ngày ăn uống và nghỉ ngơi, anh rể tôi quyết định đi tiếp, để gặp vợ con.

Đoạn đường này xe cộ tấp nập, anh quá giang đến được Phan Rang, tình cờ gặp chồng tôi trong đoàn quân nhân được lệnh tái phối trí, giữ an ninh trật tự cho địa phương vì tình trạng hỗn loạn nơi đây. Chồng tôi đưa anh rể vào gặp vị chỉ huy cao cấp nơi đây, trình bày hoàn cảnh, nhìn thấy bộ dạng của anh rể, ông liền cấp sự vụ lệnh để anh rể tôi vào phi trường Phan Rang. Đến phi trường anh tôi đưa giấy, họ không cho vào, anh nói cho tôi gặp Trung Tá Phạm, ông này là em rể của anh rể thứ ba của tôi. Ông Phạm liền thu xếp cho anh đi C 130 vào Sài Gòn.

Sau khi kể hết những cam go, nguy hiểm trong quãng đường đi bộ từ Phú Bổn vào Nha Trang, anh rể tôi nói không biết gia đình các anh chị em tôi cùng các cháu nhỏ ra sao, hy vọng mọi người được an bình rất mong manh. Mẹ tôi mất cả hy vọng, bố tôi thẫn thờ không nói, bố tôi sau cơn bịnh mắc chứng run tay chân bây giờ lại run hơn.

Tôi không biết mình phải làm gì khi những biến cứ dồn dập đến. Tôi nghĩ chắc họ cắt đến Phan Rang, như vậy vợ chồng tôi phải chia ly như hai miền Bắc Nam hồi 1954. Tôi thật muốn khóc nhưng hoàn cảnh, tâm trạng bố mẹ tôi như thế làm sao tôi dám khóc dù tôi rất muốn khóc, khóc cho vơi đi những đau xót đè nặng tim tôi.

Một buổi chiều đang ngồi trước hiên, thấy có một chiếc xe Honda ngừng trước cổng nhà, một người bước xuống xe là ông chồng tôi đen thui như người dân tộc, đi chân không, tôi nghẹn ngào không nói nên lời, vợ chồng tôi ôm chầm lấy nhau, quên cả tiền xe cho ông tài xế Mấy đứa cháu la lên: "Ông bà ngoại ơi! chú Tám về rồi". Chồng tôi kể, sau khi những người Cộng Sản tràn ngập tỉnh lỵ, biết không thể làm gì hơn thì mọi người quyết định mạnh ai nấy rút. Một số anh em dưới quyền nói với chồng tôi: "Ông thầy phải đi khỏi nơi đây ngay, tụi em sẽ tìm cách đưa ông thầy ra cửa để tìm đường biển vào Sài Gòn". Hai người lính lấy Honda chở chồng tôi ra biển, lấy thuyền chở chồng tôi ra khơi tìm tầu vào Sài Gòn. Tôi rất cảm kích trước sự tử tế của những người lính này, trong lúc hỗn quân hỗn quan, chồng tôi không còn gì mà họ vẫn đối xử với chồng tôi một cách rất huynh đệ chí binh, đúng quân kỷ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngày hôm sau, chồng tôi vào Bộ Tư Lệnh để trình diện, được phát quân phục và được ứng trước một số tiền, hẹn một tuần sau trở lại nhận nhiệm sở mới.

Nhưng ngày đó không bao giờ đến.

Ngoài đường người ta đi nườm nượp, xa xa nghe tiếng đạn pháo, người ta cứ như mộng du, mọi sinh hoạt xáo trộn hẳn lên, chồng tôi ra ngoài xem tình hình bảo ở bến tầu và trước tòa Đại Sứ Mỹ cơ man nào người, xe máy vất đầy chẳng ai có tâm mà để ý, bạn bè rủ chồng tôi đi, anh hỏi ý kiến tôi. Tôi không thể đi trong tình trạng bố mẹ tôi hiện tại. Tôi khuyên anh nên cùng mẹ anh ra đi, nhưng chồng tôi không đồng ý với lý do nếu đi thì phải đi đủ vợ chồng, nếu ở lại mà phải chết, thì chết với vợ con

Ngày 30 tháng 4

Mọi người tập trung ở phòng khách bên cái radio để nghe thông báo quan trọng. Tình trạng ở đài phát thanh lúc đó có lẽ lộn xộn lắm vì chúng tôi nghe được những âm thanh của người ta nói chuyện với nhau... Rồi tiếng ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện... Rồi tiếng Trịnh Công Sơn bắt nhịp bài hát... Ôi! ông nhạc sĩ mà tôi yêu thích nhạc của ông làm tôi thất vọng quá. Chồng tôi và anh rể kêu lên một cách tức tối. Bố mẹ tôi rũ người ra, thẩn thờ. Tôi dìu mẹ vào giường, mẹ tôi rên rỉ: "Con ơi! Mình mất hết rồi con ơi". Một lúc sau ra ngoài phòng khách thì thấy chồng tôi và anh rể lôi chai rượu ra hai anh em uống khan, rồi lăn quay ra vì say. Bên ngoài đạn vẫn vang rền. Họ say để quên đi những gì đã xảy ra và sẽ xảy ra. Lúc đi học nghe ông Ngũ Tử Tư vì lo nghĩ quá, chỉ một đêm đến hôm sau bạc cả đầu, phần tôi, buổi sáng dậy chải đầu, tôi thảng thốt khi thấy mình trong gương Một bà già nào đó chứ không phải là tôi, một thiếu phụ 25 tuổi, khuôn mặt tôi không chút sinh khí giống như khuôn mặt người chết, phải, tôi chết cả cõi lòng.

Ngày mai sẽ ra sao? Tôi sợ không dám nghĩ đến ngày mai ấy. Ngày mai tôi không trông chờ phải đến. Tôi và gia đình tôi, nhiều người khác phải đối mặt. Cả nước đã được “giải phóng”, đấy là cách nói của người chiến thắng.

Tình trạng hỗn độn, sinh hoạt vẫn còn rối tung và người ta hoang mang. Phương tiện giao thông về Pleiku chưa có, tôi chỉ biết cầu nguyện Trời Phật mà thôi để cho tâm hồn mình được an ủi một chút, cùng cầu xin cho tất cả anh chị em và gia đình được bình yên, để chấp nhận những sự thật đau đớn cho số phận của những người thân mình. Những ngày chờ đợi dài lê thê, không khí trong gia đình thật ảm đạm, chẳng ai nói chuyện với ai cả. Cơm nấu ra chẳng ai buồn ăn, có đói thì và sơ vài miếng cầm hơi.

Hai ngày sau tôi mới bước ra khỏi đường để xem cảnh tượng ra sao. Đường sá ngổn ngang đồ vật, người ta hè nhau vào những căn nhà vắng chủ khiêng của cải và đồ đạc. Xe cộ chạy chẳng có trật tự gì cả. Những người chiến thắng khi nói chuyện cứ thì, mà, nà, lẫn lộn giữa n và l. Đeo cái “đài”(radio) vào nách hoặc máng vào ghi đông xe, vừa đi vừa nghe. Những ngày sau đó những chiếc máy phóng thanh được gắn ở những chỗ có thể và ra rả nói. Mẹ tôi suốt ngày lẩm bẩm: "Các con cháu tôi bây giờ ra sao? Trời ơi! Tôi chạy trốn mấy ông, vào đến đây cũng gặp nữa". Tôi thật sự lo âu, nếu sự chờ đợi này kéo dài, không biết mẹ tôi sẽ ra sao?

Chuyện Tỉnh lộ 7 Phú Bổn

Một ngày kia, khi cả nhà còn đang ngủ, tôi nghe tiếng xe hơi ngừng trước cổng nhà. Tiếng đập vào cánh cổng sắt và tiếng gọi: "Bố mẹ ơi! Mở cổng cho chúng con". Tôi chưa kịp dậy, đã thấy mẹ tôi bổ choàng dậy không kịp xỏ dép ra mở cổng. Bà bật khóc nức nở khi thấy anh Bốn và anh Sáu tôi cùng cậu em út chống nạng đi vào nhà, mẹ khụy xuống, và tôi đỡ mẹ dậy. Nhìn chiếc xe Mazda của gia đình tôi, không tin vào mắt mình, cái xe hoàn toàn không có ghế ngồi, chiếc xe của tài xế thì thật không thể tưởng tượng được, trong xe được lót bằng những miếng gỗ và mền gối. Các cháu tôi ùa vào nhà, mấy bà chị dâu đều hốc hác, nét lo âu, sợ hãi còn hằn trên mặt. Để tránh sự tò mò của hàng xóm, anh tôi lái xe vào cổng và khoá cổng lại ngay. Tôi vội đi nấu mì cho mọi người ăn, vì chạy từ Pleiku vào đến Sài Gòn chắc đói lắm rồi. Sau phút xúc động, bố mẹ tôi thấy thiếu anh Bảy, người anh kế tôi, thì được biết sau khi từ Phú Bổn về lại Pleiku, vừa vào nhà thì du kích tới bắt anh tôi ngay. Chị dâu tôi và các cháu ở lại để chờ tin tức anh Bảy.

Mừng mừng, tủi tủi, bố mẹ tôi ôm các cháu nội vào mà xiết chặt từng đứa rồi chợt nhớ ra, mẹ tôi hỏi cháu Ngọc đâu? Chẳng một ai trả lời, cứ đưa mắt nhìn nhau, một lúc sau anh Bốn tôi mới nghẹn lời: "Cháu bị thất lạc, chưa có tin tức mẹ ạ!" Mẹ tôi bàng hoàng đau đớn, đấm vào ngực mình tức tối: "Tôi có làm gì ác mà tội cho cháu tôi quá vậy trời!". Cả nhà xúm lại an ủi mẹ tôi, nhưng thực sự lòng người nào cũng như kim đâm, xát muối.

Mẹ tôi cầu mong các con còn sống, nhưng khi gặp lại, cháu thất lạc, con đứa tù tội, đứa gãy chân, người mẹ nào không đau đớn. Mẹ tôi là một người mẹ suốt đời lo cho gia đình, sống cho các con, chưa bao giờ thấy mẹ sống cho mẹ, là một phụ nữ rất mạnh mẽ, nghị lực và có bản lãnh, nhưng tình mẫu tử, tình bà cháu, cộng với nỗi đau cuộc chiến đã đánh gục mẹ tôi hoàn toàn. Chúng tôi biết chẳng có ngôn từ nào có thể giúp mẹ tôi trong lúc này. Tất cả anh em chúng tôi ngồi quanh mẹ và yên lặng, nhưng trong lòng chúng tôi cả một trời đau khổ, cả trăm ngàn lo âu, hằng hà sa số những câu hỏi, nhưng chưa có câu trả lời.

Vài ngày sau khi mọi cảm xúc tạm lắng đọng, các anh chị em tôi mới hoàn hồn và bắt đầu kể những gì đã xẩy ra trên đường di tản, trong nỗi đau và nghẹn ngào.

Khi các chuyến bay không còn hoạt động, tất cả mọi người thu xếp để đi theo Thiết Đoàn 21 và Thiết Đoàn 3. Đến Phú Bổn mới hiểu chọn con đường này là sai lầm của cấp trên và đã lọt vào hang ổ của cộng quân. Đạn nổ, thấy nguy hiểm mọi người kéo nhau vào tá túc ở nhà thờ Phú Bổn. Đêm hôm đó cộng quân pháo kích xối xả và bên Việt Nam Cộng Hòa quyết định mở đường máu, gia đình các anh tôi bỏ hết xe cộ để lên xe Thiết Giáp. Vì đông người nên chia ra ngồi ở nhiều xe. Phía bên kia bắn vào đoàn xe Thiết Giáp, đợt đầu tiên trúng em út tôi, bị rớt xuống đường, sợ em tôi bị xe cán, người bạn cùng trường Sĩ Quan Đồng Đế mà gia đình tôi coi như người thân nhảy xuống lôi em tôi vào lề đường. Đạn trúng xe mọi người chết hết, ở các xe mọi người bỏ chạy tán loạn tìm đường thoát thân. Một cảnh tượng kinh hoàng, người ta chết la liệt bên đường, xe phải cán lên xác chết để chạy.

Vợ chồng anh Bảy cùng bốn đứa con nhỏ và đứa con trai của anh Bốn, có thêm người cháu và đứa con đầu lòng của anh khoảng 8 tuổi, cùng nhảy xuống ven đường, khuất sau cây cối có một cái hầm được ngụy trang, bên trong rất đầy đủ phương tiện, có lẽ là phòng chỉ huy của cộng quân. Trong số những người nấp dưới hầm này có một vị Linh Mục tên Thuận, một ít quân nhân không rõ binh chủng. Sau này có thêm cô bé giúp việc ẳm đứa bé chưa thôi nôi, con gái út của anh Bốn. Cháu khát sữa và nhớ hơi mẹ khóc quá đỗi, sợ du kích biết, mấy người lính bảo phải dỗ cho nó nín hoặc ra khỏi hầm, anh Bảy tôi lên tiếng, họ hăm bắn cả nhà. Lúc đó mọi người đều nói: "Thôi bế cháu đi tìm mẹ nó đi, chắc chẳng ai làm khó dễ một cô bé có em nhỏ. Một lúc sau, họ lại tiếp tục pháo kích, khi im tiếng súng thì du kích phát hiện ra căn hầm, chỉa súng kêu mọi người bước ra. Anh Bảy thay bộ đồ dân sự do cha Thuận đưa, những người này lôi anh Bảy ra định bắn thì đứa con trai lớn 8 tuổi òa lên khóc và ôm chân bố, nó nhìn mấy người du kích nói: "Mấy chú đừng bắn bố cháu, cháu sợ lắm". Mấy đứa nhỏ đồng loạt ôm lấy anh Bảy kêu khóc inh ỏi. Dường như những đứa trẻ lớn lên trong chiến tranh khôn sớm, linh tính để cảm nhận những điều không hay. Tiếng khóc của cháu tôi đã làm những người này không giết một mạng người. Anh chị tôi không hiểu, do số mệnh hay tiếng khóc của trẻ thơ làm thức tỉnh nhân tính của họ.

Trước khi bỏ đi, họ kêu mọi người tập trung một chỗ. Anh chị Bảy bồng bế con cháu đi tìm gia đình anh Sáu và anh Bốn không biết ở phương nào, cùng đi tìm em trai út bị thương. Rừng mênh mông, biết đâu mà tìm, nhưng đi cầu may thôi. Anh chị hỏi những người đi ngược chiều có thấy người bị thương ở chân không và mô tả nét mặt, được mọi người cho biết thấy một thanh niên bị thương rất nặng ở chân, nằm bên sông Ba, rồi anh Bảy lại gặp người quen cho biết gặp em trai nằm bên bờ sông, kiến bu đầy người, họ để lại vài thứ và tiếp tục đi tìm người thân như anh tôi. Khi đến bờ sông không thấy em đâu, có một người thất lạc cả gia đình, ngẩn ngơ ở đó cho biết vì nước dâng có mấy người lính mang em qua bên kia cồn. Anh Bảy đội con trên vai, lội qua sông, và để con chạy lên cồn tìm chú, một lát sau thấy nó ra hiệu và hét to: "Bố ơi! Chú đây rồi". Lúc này máu ra nhiều, lũ kiến bò khắp người, không dám nhúc nhích cái chân vì mỗi khi cử động đau đớn lắm. Anh chị tôi kêu khóc xin mọi nguời giúp đỡ để cứu em mình. Xin ai có võng thì làm ơn cho để cáng em, may mắn thay một người lính cho một cái võng, anh tôi tìm cây làm cáng, hai vợ chồng loay hoay mãi vì vướng bận năm đứa bé. Trong lúc bối rối thì hai quân nhân đi qua, thấy vậy giúp anh chị tôi cáng em vào làng dân tộc rồi họ mới đi. Khi vào làng này lại thêm một may mắn nữa cho em trai tôi, anh Bảy gặp người bạn cũ và cũng là học trò của anh Bốn. Sau khi xem xét vết thương anh ta lấy một chai rượu để rửa vết thương cho sạch sẽ, rồi đi hái lá về đắp chỗ bị thương để không nhiễm trùng và nẹp chân cho thẳng để tránh những chỗ xương gãy gây đau đớn. Điều này cho thấy lúc cùng cực, nguy khốn mới hiện ra bản chất con người, nhân tính hay thú tính mới hiện ra.

Anh Bốn tôi là thầy giáo trường Trung Học Pleiku, động viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức một thời gian thì được về dạy học lại. Anh có nhiều học trò là người sắc tộc Tây Nguyên, những người này là viên chức trong chính quyền. Họ là người thật tử tế, đầy tình người, chúng tôi không bao giờ quên những nghĩa cử họ dành cho gia đình tôi trong lúc loạn lạc.

Loanh quanh trong rừng để tìm nhau, rồi anh Bảy gặp anh Bốn và anh Sáu. Anh Sáu cận rất nặng, ban đêm không thấy đường, đi đâu cũng có vợ con dắt, các cháu tôi đều còn nhỏ. Mọi người nhặt quần áo vương vãi trên đường để mặc và thức ăn mà người ta bỏ lại khi thoát thân. Lúc nhìn thấy chiếc xe Mazda của nhà thì mọi người hỡi ôi! Vì biết xe của tiệm vàng KP nên họ tháo hết ghế và rạch nát, vặn hết ốc mặt trong để tìm và lấy hết quí kim mà bố mẹ tôi dấu trong đó. Cũng đỡ là cái xe còn tay lái và máy móc để có thể lái về Pleiku. Lúc đó không thấy cô bé giúp việc bế cháu Ngọc đâu, mọi người bảo nhau chắc cháu đã theo đoàn người chạy về Pleiku rồi. Hai ngày sau cô bé về đến nhà, nhưng không có cháu Ngọc, hỏi em đâu? Cháu nói: "Bế em đi tìm cô cậu, đói và mệt quá, con bị xỉu. Sau khi tỉnh lại, không thấy em đâu, tìm quanh quất mà không thấy, con đành về một mình. Mọi người gặng hỏi có phải em chết rồi không? con cứ nói thật, nhưng nó cứ cả quyết em chưa chết. Anh chị Bốn không thể nào trở lại Phú Bổn để tìm con, vì hoàn cảnh lúc đó rất khó khăn trong việc đi lại, muốn ra khỏi tỉnh phải có giấy phép đi đường.

Sau khi anh Bảy bị bắt, anh Bốn và anh Sáu quyết định tìm đường vào Sài Gòn, nhưng việc quan trọng hơn nữa là chữa trị vết thương ở chân của em trai, để lâu quá có thể bị cưa chân. Em tôi bị từ chối không được chữa trị, vì là chuẩn úy Việt Nam Cộng Hòa, họ nói thẳng thừng như thế, rồi họ chỉ phát phiếu cho dân và người của họ, người nào có phiếu mới được chữa trị. Anh Bốn nhìn ra người phát phiếu là người lính quen, nhằm lúc anh ta sơ ý, anh Bốn lấy một phiếu để trên bàn, anh ta trông thấy, nhưng không phản ứng gì. Nhờ đó mà em tôi được bó bột và cấp cho hai cái nạng. Sau đó 12 người lớn nhỏ chất lên xe và 2 giờ sáng chạy trốn vào Sài Gòn tìm gia đình.

Tất cả gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác bị cuốn theo vòng xoáy của định mệnh, của những nghiệt ngã, căn nhà rộng rãi của bố mẹ tôi ở Sài Gòn trở nên chật chội khi chứa tổng cộng 31 người trong đó có hai bà bầu, cộng thêm một bà bầu ở Pleiku với một đứa con nhỏ để nuôi anh Bảy ở tù cải tạo tại trại Plei Bong. Số tài sản bố mẹ tôi mang theo chỉ là một phần nhỏ, rồi theo thời gian cứ vơi dần. Nhà có ba con rể và hai con trai đi tù cải tạo. Chồng tôi ra Bắc đợt đầu tiên, năm đó tôi sinh con trai.

Sau ba năm cải tạo, anh Bốn được cho về sớm do nhu cầu cần giáo viên, trong khi chờ đợi bổ nhiệm, hai anh em ra chợ trời để kiếm sống. Tôi bán chiếc vòng hột xoàn mẹ cho ngày cưới, đây là món nữ trang cuối cùng mà tôi còn làm vốn để hai anh em đi buôn bán cà phê sống. Đi buôn cà phê thôi mà nhiều lúc tôi muốn đứng tim vì phải tránh công an và quản lý thị trường. Những tên quản lý thị trường là hung thần của những người buôn bán.

Những khó khăn của mưu sinh, những thay đổi khó hòa nhập của chế độ mới càng làm cho anh tôi thêm day dứt đau đớn vì nhớ đứa con thất lạc, càng ngày anh càng trầm ngâm ít nói hơn. Khoảng thời gian này, hai anh em rất gần gũi nhau, anh tâm sự với tôi rất nhiều. Nhà đông người, nên ngủ chật cả phòng khách, nhiều đêm giật mình tỉnh giấc thấy anh Bốn ngồi ở salon hút thuốc, anh im lặng nhìn qua cửa sổ. Ban đêm Sài Gòn nóng nực vì nhà có cổng, cửa sổ lại có chấn song nên không bao giờ nhà tôi đóng cửa sổ, tôi dậy và ngồi nói chuyện với anh. Anh nói: "Cô biết không, nếu con mình chết mình đau khổ, nhưng mình biết con mình đã chết, rồi thời gian cũng nguôi ngoai, nhưng cháu cô không biết sống chết ra sao, còn sống thì nó phiêu bạt nơi đâu, tôi đau lòng lắm cô biết không?" Tôi là cô mà còn canh cánh bên lòng những suy nghĩ như anh, anh là cha lại càng đau đớn hơn. Tôi im lặng chẳng biết nói sao.

Bẵng đi một thời gian vì cuộc sống quá nhiều khó khăn, lao đầu vào công việc, chuyện đứa con thất lạc của anh Bốn tưởng như chìm vào quá khứ. Nhưng nghe được một người lính Thiết Giáp tìm gặp đứa con gái thật tình cờ. Gia đình này mở quá nhậu, người con gái bưng thức ăn cho thực khách thì có một người dân tộc nhìn cô ta và bảo: "Ở trong buôn tôi có một đứa thất lạc từ năm 1975, nay nó có chồng con rồi, nhưng nó giống cô lắm, cũng có bớt chàm ở tay và cục thịt dư ở lỗ tai". Cả gia đình mừng rỡ vì những chi tiết này mà cả gia đình xum hợp, vì khi gặp lại đứa bé thất lạc này giống người cô như in.

Sự việc này dấy lên trong lòng anh Bốn một hy vọng, anh bắt đầu cuộc tìm kiếm sau hơn 20 năm đứa cháu gái tôi thất lạc. Cuối cùng anh tôi chọn một cô gái có chồng và hai đứa con có những nét mà anh thấy có thể là con mình, để đem đi thử máu, mọi chuyện đều cần thông dịch. Anh Bốn chụp hình gia đình cô gái và gởi thư cho tôi báo tin đang chờ kết quả thử máu. Nhưng rồi niềm hy vọng của anh tôi tiêu tan sau kết quả thử máu. Cho đến khi nhắm mắt lìa đời cách đây ba năm, anh Bốn tôi lòng nặng mang niềm thương nhớ đứa con thất lạc ở Tỉnh Lộ 7. Cơn hồng thủy cuốn con anh tôi phiêu bạt nơi nào? Con bé chưa đầy tuổi, hông có một dấu vết nhận dạng để tìm con. Một chi tiết để nhớ là chiếc áo ấm cháu mặc được đan tay với màu da bò, màu len đặc trưng của gia đình tôi rất thích, ít trùng hợp với ai, cháu có đôi mắt to tròn.

Ngày mới sinh cháu, một vị dạy cùng trường Trung Học Pleiku có lấy số tử vi và nói với anh tôi: "Trong lá số của cháu Ngọc, thấy cháu không ở với cha mẹ". Mọi người cứ nghĩ có thể khó nuôi, cháu sẽ có thể sống với bên Nội hoặc bên Ngoại. Chúng ta làm cha mẹ chắc hiểu được niềm day dứt của anh Bốn.

Hôm nay tôi viết những giòng chữ này như một chia xẻ những suy nghĩ của tôi về cuộc chiến, về những gì đã xảy ra đến với gia đình tôi. Không những chỉ riêng cho gia đình tôi mà còn biết bao gia đình khác trên đất nước Việt Nam. Tất cả là sự thật, chỉ một phần mười sự thật được ghi trên giấy. Có những chuyện tôi chưa hề kể cho các con tôi nghe vì chuyện đau buồn quá.

Tôi rất mong nếu những ai đã trải qua những ngày kinh hoàng trên Tỉnh Lộ 7, nhận được một bé gái về nuôi, xin nhắn cho gia đình chúng tôi một lời nhắn trên Diễn Đàn Phố Núi Pleiku, chúng tôi chỉ mong tin tức của cháu để biết bây giờ cháu ra sao. Chúng tôi không dám mong nhận lại cháu, vì hiểu nuôi một đứa con cực nhọc biết bao nhiêu, mà bây giờ nói sự thật ra, thật khó khăn, không nỡ gây xáo trộn, gây sốc cho nó. Chỉ mong nếu Trời Phật xót thương, quí vị đọc được những giòng chữ này xin làm phước nhắn tin: "Cháu bé gái chưa đầy một tuổi mặc chiếc áo len mầu da bò hiện ra sao", như thế là quá đủ cho gia đình chúng tôi, quí vị có thể dấu tên, địa chỉ. Nhắn dùm cho chúng tôi trên trang mạng của phonuipleiku.org. Để tôi có thể thắp một nén hương trước hương linh anh Bốn và khấn rằng: "Cháu vẫn còn sống và được yêu thương". Như thế anh tôi mới ngậm cười nơi chín suối.

Quí vị giúp tôi đạt thành tâm nguyện của anh trai tôi và cũng là người thầy của tôi, đã 38 năm đã qua, có những chuyện muốn quên mà không quên được, nó cứ ám ảnh mãi. Những điều chôn dấu đến nay mới nói ra, khổ đau là ở điều này.

Bài viết này như một nén hương để tưởng nhớ những người đã chết tức tưởi trên đường chạy loạn ở khắp Miền Nam Việt Nam năm 1975 nói chung và Tỉnh Lộ 7 Phú Bổn nói riêng. Viết để chia sẻ những chuyện khó quên đã xảy ra trong chiến tranh. Viết để làm một điều gì an ủi hương linh anh tôi, với một hy vọng rất mong manh. Viết để cảm ơn những người đã giúp đỡ gia đình chúng tôi trong cơn hoạn nạn và nguy hiểm. Họ đã thể hiện lòng nhân ái, tinh thần huynh đệ chi binh của con dân Việt Nam Cộng Hòa, của những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Họ là những người chúng tôi biết và không biết. Ngược lại, chúng tôi cũng là người xa lạ với họ, nhưng chúng ta cùng là người Việt Nam.

Xin cảm ơn những ân nhân hiện diện trong bài viết này, những người chịu hệ lụy của chiến tranh cả tinh thần lẫn thể xác. Xin đa tạ những người đã đọc đến những giòng chữ cuối cùng này, hãy giúp tôi hoàn thành tâm nguyện của anh tôi trong khả năng có thể làm.

Xin cho tất cả chúng ta được bình an trong tâm hồn, trong những ngày còn lại của một đời người.




Avast logo
This email has been checked for viruses by Avast antivirus software.
www.avast.com


__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-15/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link