CHỦ NHẬT, NGÀY 21 THÁNG MƯỜI NĂM 2012
Trường hợp nhạc sĩ Việt Khang - Đôi lời
thưa Chủ tịch nước
Đỗ Trung Quân - NS Trịnh Công Sơn ngay
còn sinh thời thì “Gia tài của mẹ” cũng mặc nhiên bị cấm hát
bởi những ca từ “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu... một trăm năm nô lệ
Tây... hai mươi năm nội chiến từng ngày... gia tài của mẹ một bọn lai căng...
gia tài của mẹ một lũ bội tình”. Bây giờ người ta ngày càng ý thức sâu hơn
vì sao ca khúc ấy bị cấm. Nó bị cấm không phải vì tác giả sống và sáng tác ở
miền Nam Việt Nam. Nó bị cấm vì nó đúng thực trạng của chế độ mới, những người
giải phóng miền Nam: Thân Tàu, nguyên do sâu xa là thế. Chế độ hôm nay hoặc cấm
hoặc không thích bản nhạc này và nhiều bài khác của TCS là tất yếu.
Nhưng TCS không bị bắt, Ca
khúc Da Vàng chỉ bị cấm. Trịnh Công Sơn may mắn cho đến cuối đời. Cả
hai chế độ suy cho cùng vẫn lẹ tay với ông bởi tài năng của chính ông và bằng
sự mến mộ trong lòng khán giả của cả hai chế độ.
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng tham gia phong trào sinh
viên đô thị chỉ với dăm ca khúc phản chiến mà cũng chưa nhiều người kịp biết
đến “giết người đi con, giết người mà lên lon...” [Mẹ nuôi con
lớn con đi làm tù binh] hay “một mai qua cơn giông tố nắng lên soi rõ
mặt nhau… đời không cho ta im tiếng nói dẫu cho con đường còn xa...” Miên
Đức Thắng bị tòa án quân sự chế độ cũ xử 5 năm tù khổ sai miễn biệt xứ. Nhưng
hôm nay, ở chế độ mới, những ca khúc này nếu muốn hát lên chắc chắn cũng không
được cho phép vì ca từ quá nhạy cảm: Giết người đi con... giết người mà
lên lon...”
Trường hợp Tôn Thất Lập. Ông đang là chức sắc
trong Ban chấp hành Hội Âm nhạc Việt Nam & Thành phố HCM. Những ca khúc “Dậy
mà đi”, “Hát cho dân tôi nghe” hùng tráng một thời trong khói đạn
cay nếu hôm nay, những bài hát ấy được sử dụng cho những cuộc xuống đường chắc
chắn nó cũng bị cấm dù với cá nhân Tôn Thất Lập, ông an toàn, sẽ không ai bắt
ông cả. Ông là quan chức âm nhạc đương nhiệm của chế độ, ông là đảng viên và là
chức sắc và ông cũng chả xuống đường chống Trung Quốc. Nhưng những bài hát ấy
nếu hát trên mặt đường thì đừng. Cũng cấm không thành văn đấy.
Để bắt hay cấm một nhạc sĩ vì một vài ca khúc ắt phải được gán cho
lý do chính trị. Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập. Miên Đức Thắng thân cộng. Nếu
chế độ cũ xử cũng là phải đạo theo cách “muốn” của họ
Trường hợp Việt Khang.
Tôi chưa từng gặp anh, chỉ biết ca khúc và mặt mũi anh trên mạng.
Anh bị tù vì ca khúc của mình mà xét về bề dày số lượng so với những người vừa
kể chắc chắn còn kém xa.
Vậy sao anh ở tù và phải ra tòa? Anh chống cộng ư? Tôi không rõ,
chỉ biết ca khúc của anh “Việt Nam tôi đâu” được [hay bị] hãng Asian
của Việt Dũng nghe đồn cũng một tay chống cộng ghê lắm dựng trong một chương
trình gì đó của Asian. Nghe thế mà tôi hú hồn, toát cả mồ hôi hột. Nếu Asian
dựng bài “Quê hương” của tôi ắt tôi cũng tù mọt gông ở Việt
Nam?
Việt Khang có dính dáng tới đảng phái nào không tôi thú thật không
biết.
Nhưng thưa chủ tịch nước Trương Tấn Sang người đang kêu gọi toàn
dân, toàn đảng đừng sợ tố cáo tham nhũng, người đang kêu gọi toàn dân bảo vệ
chủ quyền biển đảo, bài hát ấy chủ tịch đã nghe lần nào chưa? nếu đã nghe, tôi
tin chắc ca từ của nó cũng chính là nỗi lo, nỗi đau của mọi người Việt Nam
trong đó có cả Chủ tịch, nó khác gì “Hát cho dân tôi nghe tiếng hát
tung cờ ngày nào... hát cho anh nông dân xiềng xích như mây tan hoang...” của
Tôn Thất Lập.
Xét xử một nghệ sĩ / nhạc sĩ chỉ thông qua tác phẩm thì nó kỳ lắm
chúng ta đâu còn lui về thời kỳ của Nhân văn giai phẩm nữa. Cùng lắm, nếu nó
chướng tai với chính quyền cứ cấm nó là xong.
Còn đưa vào tù và ra tòa chỉ vì nó chống Tàu hay yêu nước, nó nói
lên thực trạng mà từ Chủ tịch nước đến thường dân cũng biết, cũng hiểu. Thú
thật nếu thế. Tôi người viết những dòng này có lẽ đã bị ở tù và ra tòa trước cả
nhạc sĩ Việt Khang.
Vì những bài thơ chống Tàu...
Chống bọn cướp, bắt, đánh đập đồng bào tôi ngay trên biển đảo của
mình...
Đúng thế không thưa Chủ tịch?
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment