Võ Long Triều - Trương
Tấn Sang gieo sự hoài nghi?
Thứ Tư, ngày 27 tháng 8
năm 2014
Nhân kỷ niệm ngày “Cách Mạng Tháng Tám”
(19.8.1945) và ngày “Tuyên ngôn độc lập” (2.9.1945), ông Trương Tấn Sang, chủ
tịch nước, có viết một bài đăng trên “Tạp Chí Công Sản.” Bài viết được các đảng
viên xem như một thông điệp, một huấn dụ cần ghi nhớ. Có lẽ bài viết nầy do một
cây bút điêu luyện nào đó, vẽ cho ông bản văn nói về tình hình đất nước, tô một
bức tranh tốt đẹp về sự phát triển quốc gia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, v.v...
được báo chí lề phải khen ngợi hết lời.
Ông Trương Tấn Sang và Tổng Thống Mỹ Barack
Obama trong chuyến viếng thăm Mỹ hôm 25 Tháng Bảy, 2013. Trong chuyến thăm này,
chủ tịch Việt Nam ra tuyên bố “hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ.” (Hình: Getty
Images)
Dĩ nhiên đứng trên cương vị chủ tịch nước ông
Sang phải tô son trát phấn cho chế độ, đó là chuyện thường tình và bắt buộc.
Nhưng sau một đoạn dài ca ngợi thành quả, tôn vinh lãnh tụ Hồ Chí Minh, ông
không quên nhắc nhở những thiếu sót, hư đốn cần phải sửa sai với mục đích duy
trì sự tồn tại của độc đảng, độc tài để cai trị đất nước lâu dài.
Với mục đích đó ông xác nhận những tha hóa của
các đảng viên từ lớn đến nhỏ như sau (xin trích dẫn): ... “chúng ta vẫn luôn
đau đầu vì còn tệ tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thói quan liêu hống
hách cửa quyền với nhân dân, tình trạng trù dập, ức hiếp người dân lương thiện,
gây ra bao nỗi oán thán, bất bình trong nhân dân... Không ít cán bộ ‘tay đã
nhúng chàm’ bị xã hội lên án. Ðó chính là những điều xói mòn lòng tin của nhân
dân đối với Ðảng, nhà nước và chế độ ta.”
Kèm theo sự ca ngợi thành quả tốt đẹp của chế
độ, ông phác họa một bức tranh tồi tệ, bi quan, chính xác, một sự phê phán chế
độ rất gắt gao của ông chủ tịch nước. Phải chăng là lời “rao nam” bóng gió nầy
có gói ghém một chủ trương phải thay đổi thực trạng của “xã hội chủ nghĩa”? Hay
đó là một thủ thuật dùng lời lẽ để xoa dịu sự bất mãn thán oán của quần chúng?
Ðồng thời cũng là để lừa gạt dư luận trong và ngoài nước, rằng đảng đã ý thức
kịp thời và sẽ cải thiện chế độ. Dư luận hoài nghi thiện chí của ông bởi vì bao
nhiêu năm qua ông và các đồng chí đã trừ được mấy con sâu trong bầy sâu đang ăn
hại đất nước?
Tưởng cũng nên nhắc lại Trương Tấn Sang khi còn
tại chức là thường trực Ban Bí Thư Trung Ương đảng, ông dám buông lời tố cáo
làm mất uy tín đảng trong khi ông vận động tranh cử đại biểu Quốc Hội ngày 7
tháng 5, 2011, ông phát biểu: “Người ta nói chỉ một con sâu làm sầu nồi canh,
hiện tại có một bầy sâu trong đảng... Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu
là chết cái đất nước nầy.”
Cũng trong dịp nầy ông thú nhận với cử tri,
“Chúng tôi cảm thấy xấu hổ vì mình chưa làm được gì nhiều so với sự mong đợi
của quần chúng.” Dù thú nhận công khai như vậy mà ba năm qua, ông Trương Tấn
Sang cũng chẳng làm được gì cả! Bầy sâu đã sinh sản trong đảng càng nhiều đến
nỗi hiện tại đảng phải chủ trương “đả hổ diệt ruồi” theo bài học của Trung
Quốc...
Lời nói của Trương Tấn Sang đã làm cho nhạc sĩ
Tô Hoài thấy nhóm lên trong lòng một niềm hy vọng ở “thế hệ trẻ” trong chính
trường Việt Nam mà Tô Hoài coi Sang là người đại diện. Tô Hoài mong rằng những
người nằm trong chăn có rận như Trương Tấn Sang sẽ anh dũng vùng lên vất bỏ
chăn rận đó, tạo một chăn mới thơm mùi Tự Do, mùi Dân Chủ.
Cử tri tên Ðặng Hồng Quyết yêu cầu ông Sang “làm
cho tình trạng Quốc Hội không còn là sở bưu điện chuyển thư của quần chúng nữa.
Quốc Hội phải là cơ quan quyền lực tối cao đại diện thật sự cho dân,” nhưng đại
biểu Trương Tấn Sang và cả Quốc Hội vẫn còn là những “con rối” hát theo nhịp
tay của đảng, múa theo điệu bộ của 16 thành viên Bộ Chính Trị.
Trương Tấn Sang còn nhắc đến “lương tâm và đạo
lý làm người, trách nhiệm và liêm sỉ ở đời.” Bao nhiêu mỹ từ, ý đẹp đều có
trong bài viết chỉ tiếc đó là những lời tuyên bố thuộc lòng phát ra vì cơ hội
buộc phải nói mà thôi. Ông còn trích dẫn lời của Hồ Chí Minh, “Nước độc lập mà
dân không được hưởng tự do hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì.” Vậy
tại sao ông đã học thuộc những lời dạy của lãnh tụ mà ông vẫn cứ trùm cái “chăn
rận” sống an nhàn trong chế độ bạo tàn đàn áp dân chúng bằng công an, bóc lột
đồng bào bằng tham nhũng, đến nỗi phó chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Doan, phải
than rằng “người ta ăn của dân không từ một thứ gì!”
Gần đây ngày 14 tháng 8, 2014, ông còn tâm sự
với ký giả báo Lao Ðộng: “Tôi nghĩ rằng mỗi nhà báo biết yêu thương tôn trọng
con người, chống thói hư tật xấu, áp bức bất công trong xã hội, dùng ngòi bút
để viết theo lương tâm, sứ mệnh cao cả của mình thì đó là sự tự do cao nhất.”
Hình như lời tâm sự của Trương Tấn Sang mang
cùng một ý nghĩa của lời tuyên bố Hội Nhà Báo Ðộc Lập Việt Nam viết như sau:
“Làm thế nào để báo chí và các nhà báo cất được tiếng nói theo đúng nghĩa của
hai chữ ‘Tự Do’? Làm thế nào để báo chí được làm đúng thiên chức của mình, phản
biện và xây dựng một xã hội công bằng, một đất nước thật sự độc lập tự chủ”...
Lòng dân “oán thán bất bình” ông Sang đang sợ,
“Nhân dân mất niềm tin vào đảng, nhà nước và chế độ.” Ðiều mà GS Hoàng Chí Bảo,
ủy viên Thư Ký Hội Ðồng Lý Luận Trung Ương đảng tuyên bố với BBC: “Ông Chủ Tịch
Sang nói có căn cứ. Bởi vì nhân dân mất lòng tin vì không thấy cán bộ, công
chức, đảng viên nào hy sinh vì dân mà trái lại chỉ làm hại dân.”
Vậy thử hỏi, chừng nào ông Trương Tấn Sang mới
biết “xấu hổ để thành người” như ông đã viết? Chừng nào ông mới thực hiện lời
nói đi đôi với việc làm. Hay trái lại ông đang xác định qua lời nói và việc làm
rằng, ông và các đồng chí đảng viên chỉ biết dối gạt dân, lừa bịp dư luận thế
giới...
Có thể ông tự nhủ thầm: Một con én không làm nổi
mùa Xuân. Chẳng lẽ từ những năm 1969-1971 ông giữ chức bí thư Ðoàn Thanh Niên,
rồi trải qua bao nhiêu thời gian ông leo từng cấp bực đến chức chủ tịch nước,
ông không tìm được một ít đồng chí chia sẻ tâm tư lý tưởng của ông? Và đồng
lòng hành động để trừ sâu, dẹp bất công áp bức, cho phép nhà báo dùng ngòi bút
để viết theo lương tâm, sứ mệnh cao cả của mình, đó là sự tự do cao nhất, đáng
tự hào nhất. Ðúng theo lời tuyên bố của ông.
Ngày tháng trôi qua, người ta không thấy ông Sang
và các đồng chí của ông dũng cảm hành động để thay chăn cũ có rận tạo một chăn
mới thơm mùi tự do, mùi dân chủ.
Trước khi phổ biến bài này có tin ngày 23 tháng
8, 2014, Phạm Chí Dũng bị công an Sài Gòn đòi phải trình diện để “trả lời vì
những bài viết đăng trên Internet.” Ngày 24 tháng 8, 2014, anh Phạm Ðình Trọng
bị công an chận bắt cộng thêm 80 người khác, không cho họ đến dự phiên tòa xử,
công khai nghĩa là bất cứ ai cũng có quyền dự nghe tòa xử, ba nhà tranh đấu cho
nhân quyền, bà Bùi Thị Minh Hằng, cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và anh Nguyễn Văn
Minh.
Như thế đủ chứng minh Trương Tấn Sang, lừa bịp
dư luận trong và ngoài nước với hai chữ tự do đáng tự hào nhứt của ông. Cái
bệnh dối trá của đảng viên cộng sản khởi sự từ Hồ Chí Minh là nan y, phải chờ đến
khi nào quân và dân đồng tình thực hiện đề nghị của 61 đảng viên cao cấp lão
thành, là kiên quyết từ bỏ chủ nghĩa xã hội với chế độ độc tài, toàn trị để
chuyển hẳn sang chế độ dân tộc dân chủ. Chừng đó sẽ không còn ai có thể dối gạt
dân, lừa đảo dư luận nữa.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment