“Cán
bộ 2Đ”: mới mà cũ!
Đoàn Khắc Xuyên Thứ Sáu, 29/5/2015, 05:44 (GMT+7)
(TBKTSG) - “Bây giờ phần
lớn cán bộ là cán bộ 2Đ (đất + đô la). Nhiều người dân không còn tin vào đội
ngũ cán bộ. Đời sống khá lên nhưng niềm tin đang bị mất đi”, một cử tri đã
cay đắng đặt vấn đề như vậy trong cuộc tiếp xúc với cử tri quận 1 và 3
của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM trước kỳ họp Quốc hội. Trả lời cử tri, Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang thừa nhận cán bộ “2Đ” là một thực trạng có thật.
Dư
luận được dịp nóng lên trước “thuật ngữ” mới này. Tuy nhiên, về bản chất, cái
mà “thuật ngữ” ấy chỉ, tức thực trạng tham nhũng, là không hề mới, thậm chí
tồn tại đã lâu, đã rất cũ mà chưa tìm ra giải pháp khắc phục.
Và
trong các loại tham nhũng, ai cũng thấy tham nhũng đất đai là một trong những
loại phổ biến nhất với khoảng 70% các vụ khiếu kiện liên quan tới đất. Từ đất
chuyển hóa thành đô la, hoặc ngược lại, từ ăn hối lộ bằng tiền, bằng đô la
chuyển hóa thành đất, rồi lại thành tiền. Đó là một “thực trạng có thật”, như
Chủ tịch nước thừa nhận. Văn kiện chính thức của Đảng qua nhiều thời kỳ cũng
từng gọi tên đó là “bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất”.
Nhưng
câu chuyện dường như dừng lại ở đó. Thêm một dịp “xả xú páp” cho cử tri,
người dân bức xúc trước thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ giàu lên
nhanh chóng trong khi nhiều người dân ở các vùng sâu, vùng xa còn đói ăn, dân
nghèo ngay ở đô thị nhiều người còn túng quẫn; khoảng cách giàu nghèo ngày
càng tăng...,
trong khi giải pháp căn cơ cho thực trạng đã được báo động từ
lâu thì dường như vẫn còn mịt mù, chưa đủ sức thuyết phục.
Thậm chí ngăn
không cho những kẻ thoái hóa biến chất, những “cán bộ 2Đ” vào cấp ủy... không
phải mới được thực hiện hôm qua, nhưng hiệu quả đến đâu, có lẽ ai cũng thấy.
Một số vụ án tham nhũng lớn cũng đã được xử “làm điểm” nhưng chưa tạo được
niềm tin trong dân về khả năng, triển vọng đánh thắng loại giặc nội xâm này.
Nhiều
cuộc điều tra đã chỉ ra rằng tham nhũng đất đai là tham nhũng khá phổ biến.
Một điều tra các hộ nông nghiệp trên 12 tỉnh từ năm 2002-2014 của Viện Nghiên
cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Chính sách và Chiến lược phát
triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) và Viện Khoa học lao động và xã hội
(ILSSA) phối hợp thực hiện đã cho thấy tỷ lệ người giàu là đảng viên cao hơn
mức trung bình của xã hội. Và thường phải là đảng viên mới có thể nắm giữ
những chức vụ có điều kiện để tham nhũng trong bộ máy nhà nước.
Trong
khi Hiến pháp, thể chế kinh tế quy định đất đai thuộc “sở hữu toàn dân” thì
chỉ một bộ phận nhỏ trong bộ máy lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các cấp mới
có thực quyền trao quyền sử dụng đất cho tổ chức hoặc cá nhân nào đó, và
trong điều kiện không có cơ chế giám sát kiểm soát hữu hiệu, thì đó chính là
nguồn gốc của tham nhũng. Muốn loại trừ được tham nhũng đất đai thì không thể
không xem xét, giải quyết cái gốc đó.
Với
tham nhũng đô la, hay tiền nói chung, cái gốc cũng vẫn là thiếu cơ chế kiểm
soát quyền lực khi quyền có thể dùng để đẻ ra tiền. Nhiều quốc gia phát triển
đã tổng kết bài học về giải pháp toàn diện để chống tham nhũng quyền lực là:
phải làm cho cán bộ công chức không muốn, không thể và không dám tham nhũng.
Nhưng
ở ta, với đồng lương danh nghĩa không đủ sống và cải cách tiền lương bị trì
hoãn vô hạn định; với việc kê khai tài sản cán bộ công chức làm hình thức và
không được công khai rộng rãi, minh bạch; với việc điều tra chậm chạp, kéo
dài và án phạt dành cho tham nhũng không đủ sức răn đe (thậm chí dự thảo Bộ
luật Hình sự sửa đổi còn đưa ra đề xuất kẻ tham nhũng chỉ cần nộp lại một nửa
số tiền tham nhũng là có thể thoát án tử hình), cả ba giải pháp đồng bộ chống
tham nhũng coi như vô hiệu.
Khác
với bí quyết công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mà mỗi quốc gia thường tìm
cách giữ kín để thủ lợi lâu dài, túi khôn của loài người trong quản trị xã
hội, quản trị nhà nước thường bày ra hết cả. Chỉ là người đi sau có muốn học
hỏi hay không thôi. Chúng ta đã, đang và sẽ còn hội nhập sâu hơn với thế
giới, chẳng lẽ những bài học thành công trong chống tham nhũng của thiên hạ
chúng ta lại khước từ? Bằng cứ loay hoay với những giải pháp nửa vời, thiếu
căn cơ, mối nguy nội xâm ngày càng lớn, ngày càng đục khoét sâu vào cơ thể, e
rằng sẽ đến lúc đánh mất nốt “của tin còn lại chút này” nơi người dân.
Mời
xem thêm
|
Tham nhũng có “ổn định” không?
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Thứ Năm, 23/4/2015, 10:13 (GMT+7)
(TBKTSG)
- Khi một quan chức cao cấp ngành thanh tra cho rằng tham nhũng ở Việt Nam
trong ba năm qua (2012-2014) là ổn định, có lẽ ý ông muốn nói tình hình tham
nhũng ở nước ta trong thời gian qua là không tăng, không giảm, thể hiện qua
Chỉ số cảm nhận tham nhũng do Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố đối với Việt
Nam là không thay đổi trong ba năm gần đây.
Đúng
là khó có những đo lường chính xác mức độ tham nhũng tăng hay giảm. Về mặt số
liệu thống kê, chỉ có thể biết số vụ tham nhũng bị phát hiện hàng năm tăng
hay giảm nhưng đó là các vụ bị đưa ra ánh sáng. Còn dòng chảy ngầm tham nhũng
thì không thể định lượng mức tăng giảm thành con số phần trăm được.
Thế nhưng
những đo lường gián tiếp cũng cho ta một bức tranh về tình hình tham nhũng
nếu khảo sát từ phía nạn nhân của tham nhũng.
Tuần
trước báo chí chú ý nhiều đến thứ hạng của các tỉnh thành trong báo cáo về
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI) trong khi báo cáo năm
nay có những phân tích rất đáng quan tâm liên quan đến tham nhũng, cho thấy
tham nhũng đang tăng chứ không phải đứng yên. Báo cáo viết: “Doanh nghiệp cho biết tình trạng và tần suất chi trả
chi phí không chính thức trong mọi hoạt động từ xin cấp phép đầu tư đến quá trình
đấu thầu, làm thủ tục tại cảng khi xuất khẩu nhập khẩu và giải quyết tranh
chấp ở tòa án ngày càng tăng”.
Cụ
thể theo báo cáo, số doanh nghiệp cho biết có tình trạng nhũng nhiễu khi giải
quyết thủ tục cho doanh nghiệp tăng từ 41% năm 2013 lên tới 66% năm 2014.
Trong điều tra với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngoại trừ lĩnh
vực bôi trơn khi xin phép đầu tư có giảm (từ 19,7% năm 2013 xuống còn 17,2%
năm 2014) còn ở các lĩnh vực khác, dấu hiệu tham nhũng đều tăng. Ví dụ, năm
2013 chỉ có 10,3% doanh nghiệp thừa nhận có trả hoa hồng khi tham gia đấu
thầu thì tỷ lệ này đã tăng vọt lên 31,4% năm 2014. Như thế hối lộ trong quá
trình ký kết giành hợp đồng tăng cao đáng ngạc nhiên - gấp ba lần số điểm ghi
nhận trong năm trước đó.
Ở
đây phải lường đến khả năng những doanh nghiệp tham gia khảo sát có thể nói
giảm đi mức độ tham nhũng vì họ phải chịu trách nhiệm pháp lý tại nước họ nếu
họ có hành vi hối lộ tại Việt Nam. Nhưng bức tranh khảo sát cũng đã cho thấy
tham nhũng đâu có “ổn định” - tham nhũng đang
ngày càng tăng và lan qua cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Tham
nhũng dẫn tới nhiều hệ lụy xấu cho xã hội là điều ai cũng biết nhưng ở đây
chỉ cần nhấn mạnh một điểm cũng đủ thấy tác hại của tham nhũng. Một khi ngày càng có nhiều nhà thầu sẵn sàng hối lộ để
giành lấy hợp đồng, rõ ràng những nhà thầu tốt, đầy đủ năng lực sẽ không được
chọn. Ngược lại nhà thầu bỏ tiền ra hối lộ sẽ tìm mọi cách để thu vén về lại
cho mình bằng chất lượng công trình thấp, bằng ăn gian vật tư nguyên liệu.
Chính tham nhũng đã đẻ ra các thanh tre thay vì cốt thép trong các cột bê
tông; chính tham nhũng làm cho đường mới hoàn thành đã hỏng, cầu mới xây đã
bong tróc.
Chính
vì thế xã hội không bao giờ chấp nhận tình trạng tham nhũng “ổn định” bởi
tham nhũng “ổn định” thì xã hội sẽ đi xuống.
|
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment