Sunday, May 17, 2015

Dân chủ tuyển cử và dân chủ tự do


Dân chủ tuyển cử và dân chủ tự do

Nguyễn Vũ Bình, viết từ Hà Nội
2015-05-16
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg10129402.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Sài Gòn hôm 13/12/2014.
AFP

Thời khắc lịch sử

Đất nước Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của sự thay đổi lớn lao nhất trong suốt chiều dài lịch sử. Tự do cho người dân Việt Nam và Dân chủ cho toàn xã hội. Đứng trước thời khắc lịch sử này, chúng ta, những cá nhân, những tổ chức đã chuẩn bị những gì để đóng góp vào công cuộc xây dựng thể chế dân chủ của đất nước? Nhìn sang các nước láng giềng Phi-lip-pin và Thái lan, các nước đã có nền dân chủ mấy chục năm, chúng ta không khỏi lo lắng, ái ngại. Xa hơn về không gian, nhưng gần hơn về thời gian xây dựng thể chế dân chủ là các nước “Mùa Xuân Ả Rập”, đặc biệt là Ai Cập, một đất nước hỗn loạn và ẩn chứa nhiều bất ổn. Ukraine, Nga, các nước đã chuyển đổi thể chế dân chủ từ sự sụp đổ nhanh chóng và khá bất ngờ của các chế độ Cộng sản, cũng lại là sự bất ổn, mong manh.
Theo khảo sát tình trạng Dân chủ ở 167 quốc gia và cố gắng định lượng chỉ số dân chủ do tạp chí The Economist ở Anh tiến hành, chỉ có 28 quốc gia được đánh giá là các nước có chỉ số dân chủ đầy đủ, 53 quốc gia có thể chế dân chủ khiếm khuyết, 29 quốc gia có thế chế chính trị hỗn hợp, 54 quốc gia là chính thể chuyên chế. Một cách đánh giá bao quát hơn, trong số trên 150 quốc gia có đầy đủ các định chế của một nền dân chủ như: hiến pháp dân chủ, các đảng phái chính trị (đa nguyên, đa đảng), tam quyền phân lập, tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội và hội họp…nhưng chỉ có trên dưới 30 quốc gia được xem là dân chủ tự do, số còn lại, hơn 120 nước được cho là chỉ có dân chủ trong tuyển cử. Tại sao các quốc gia đều có các định chế dân chủ như nhau, mà hơn 2/3 số nước lại không có được tự do thực sự của người dân?!? Với một tỷ lệ như vậy, khi Việt Nam chuyển sang chế độ dân chủ, chúng ta sẽ chen chân vào top 30 quốc gia dân chủ tự do, hay cũng sẽ nằm lại trong số hơn 120 quốc gia chỉ có dân chủ trong tuyển cử? Đành rằng chuyển từ thể chế độc tài toàn trị Cộng sản, sang một thể chế dân chủ khiếm khuyết (dân chủ tuyển cử) đã là một bước tiến vĩ đại đối với dân tộc Việt Nam. Người dân sẽ được tự do hơn rất nhiều, và mức sống cao hơn hẳn so với khi sống trong chế độ cũ.
Đi sâu vào xem xét, trong số gần 30 quốc gia đạt được dân chủ tự do, hay chỉ số dân chủ đạt mức dân chủ đầy đủ, chúng ta thấy có ba trường phái để xem xét, nghiên cứu. Đầu tiên là Nhật, Đức, hai quốc gia xây dựng thể chế dân chủ sau khi chế độ độc tài đổ vỡ hoàn toàn, nhưng lại có bước tiến thần kỳ nhất. Tiếp theo là những quốc gia châu Âu, điển hình là các nước Tây-Bắc Âu. Cuối cùng  là trường hợp của Hoa Kỳ.
Trường hợp của Nhật, Đức, chúng ta không thấy có một sự khác biệt nào về hiến pháp, về các định chế dân chủ so với các quốc gia khác. Đồng thời, chúng ta cũng không nghe ai nói, ca ngợi gì về nền dân chủ của hai nước này. Vậy sự thần kỳ có được là do đâu? Trước hết, cả hai quốc gia đều có truyền thống dân chủ trước khi các chế độ độc tài được lập ra và bị xóa sổ. Nhưng quan trọng hơn, người Nhật và người Đức đều có các yếu tố quý giá sau đây trong tính cách, văn hóa dân tộc: tự trọng, kỷ luật và tự tôn dân tộc rất cao. Điều này có nghĩa là, cùng thể chế dân chủ như nhau (mới chỉ là điều kiện cần), họ còn có các yếu tố văn hóa và tâm lý dân tộc giúp cho đất nước và nền dân chủ phát triển, đạt được các kết quả thần kỳ đó. Cũng không thể bỏ qua một yếu tố nhỏ khách quan, là sự hỗ trợ tuyệt đối của Mỹ sau thế chiến thứ hai cho hai quốc gia này.
Đối với các nước Tây - Bắc Âu, cũng có nét tương tự, tuy rằng biểu hiện có khác nhau. Chúng ta cũng chỉ nghe nói, các nước Bắc Âu, có cuộc sống và mức phúc lợi cao, chứ cũng chưa hề nghe nói về nền dân chủ có sự khác biệt nào về thể chế so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, các quốc gia Tây - Bắc Âu có truyền thống dân chủ lâu đời, lại nằm trong vòng ảnh hưởng của đạo Cơ Đốc, đạo Tin Lành, những tôn giáo có sự khoan dung, chấp nhận các khác biệt ở mức độ cao. Như vậy, tâm lý và văn hóa của các quốc gia châu Âu cũng vẫn là yếu tố quan trọng để góp phần xây dựng nền dân chủ tự do của họ.

Tự do dựa vào thiết chế dân chủ

000_Was6979139-305.jpg
Người dân Mỹ đi bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tại một trung tâm bỏ phiếu sớm ở Columbus, Ohio, ngày 15 tháng 10 năm 2012.
Vậy có quốc gia nào, mà sự phát triển của đất nước họ, tự do của người dân chỉ đơn thuần dựa vào thiết chế dân chủ của họ không? Câu trả lời: Có! đó chính là Hoa Kỳ. Tại sao? Tại vì Hoa Kỳ là quốc gia đa sắc tộc, đa tính cách và đa văn hóa (Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ). Họ không có một dân tộc thuần nhất (đã hình thành) trước khi xây dựng thể chế dân chủ. Đồng thời, quá trình xây dựng thể chế dân chủ cũng chính là quá trình dung nạp các dân tộc, các nền văn hóa khác nhau. Chúng ta không thể nói, Hoa Kỳ là dân tộc có tâm lý và văn hóa phù hợp với sự phát triển được, mà chúng ta chỉ có thể nói, sự phát triển của nền dân chủ, của đất nước Hoa Kỳ là do chính từ thể chế dân chủ của nó. Đây là kết luận vô cùng quan trọng và giá trị, có nghĩa là các quốc gia có thể xây dựng thể chế dân chủ bảo đảm tự do của người dân và khả năng phát triển đất nước không phụ thuộc vào tâm lý và văn hóa dân tộc. Đây cũng chính là điều mà nền dân chủ Hoa Kỳ được ca ngợi và học theo trên toàn thế giới.
Một câu hỏi quan trọng tiếp theo, vậy tại sao, các quốc gia chuyển đổi thể chế, chế độ xã hội sau này (thậm chí hiện nay), có đầy đủ hiến pháp, cơ chế tam quyền phân lập, quyền tự do ứng cử và bầu cử, tự do lập hội và hội họp, tự do ngôn luận và báo chí, …có các cơ quan đại diện pháp luật không thiếu và không kém gì Hoa Kỳ lại không thể phát triển được như vậy?
Phải chăng các nền dân chủ sau này chưa tìm được các nguyên lý, yếu tố cốt lõi quyết định tự do cho người dân và sự phát triển của nền dân chủ và đất nước Hoa Kỳ để từ đó xây dựng thể chế dân chủ đặt trọng tâm và xoay quanh các nguyên lý và yếu tố đó?
Đây là câu hỏi mà toàn thể giới trí thức, những người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam cần quan tâm và tìm ra, cũng như xác định được phương thức xây dựng thể chế dân chủ, để Việt Nam không rơi vào nhóm các nước (chiếm đa số) chỉ có dân chủ trong tuyển cử./.
Hà nội, ngày 16/5/2015
Nguyễn Vũ Bình
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link