Tuesday, May 19, 2015

YÊU NƯỚC VÀ DÂN TỘC


  Trích Tạp Chí Cách Mạng Số 72 của Đại Việt Cách Mạng Đảng

YÊU NƯỚC VÀ DÂN TỘC
Lạc Việt

Là một nhân tính, lòng yêu nước cũng được nuôi dưỡng, giáo dục và phát triển. Do những tác động xã hội và thiên nhiên, lòng yêu nước được biểu lộ khác nhau trải qua thời gian và không gian. Việt Nam, một vị trí điạ lý trong khu vực Đông Nam Á đã chứng kiến nhiều mô thức ái quốc lớn trên thế giới, trong đó Trung Hoa và Hoa Kỳ có sự quan hệ đặc biệt.

1/ Giáo điều yêu nuớc của Trung Cộng:
Nho Giáo, nền tảng của văn hoá Hoa Hán, đặt lòng yêu nước vào vị thế cao nhất và đóng khung trong tín điều Trung Quân, Ái Quốc. Trung quân là giềng mối hàng đầu trong Tam Cương gồm Quân, Sư, Phụ. Yêu nước là phải thờ vua, sống và làm theo lệnh của nhà vua, vua bảo chết phải chết. Luân lý và luật pháp của các triều đại quân chủ: Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Các quốc gia Á Châu lân cận như TriềuTiên, Nhật Bản, Việt Nam… khi chưa tiếp xúc với Tây Âu, thành phần trí thức chịu ảnh hưởng văn hoá Hoa Hán.
Tầng lớp nho sĩ được giáo dục, nhồi nặn, chấp nhận huấn lệnh Tam Cương một cách thành kính, hãnh diện, vươn lên trong cuộc sống, trở thành giai cấp thống trị bên cạnh quân vương.

Chín tầng gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch, rạng ngày xuất chinh.

Đây là sức mạnh của các triều đại Hoa Hán dùng chinh phục các quốc gia láng giềng từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam. Họ tự hào là một trung tâm văn minh, đứng trên và đứng giữa các dân tộc hèn kém xung quanh: Tây Nhung, Đông Di, Nam Man, Bắc Địch. Vua Tàu tự xưng thiên tử, có nghĩa là con Ông Trời, thật sự hắn ta là Ông Trời trong cõi nhân gian vùng Đông Á, Đông Nam Á.
Mao Trạch Đông, một Tần Thủy Hoàng tái sinh, thực hiện giấc mơ bá chủ thiên hạ, vỗ về dân chúng Hoa Lục bằng sự giải thích rằng nếu có chiến tranh nguyên tử, nhân loại sẽ bị tiêu diệt, nhưng Trung Quốc với khối dân đông nhất thế giới, chỉ cần vài chục ngàn người sống sót, điạ cầu sẽ phục hồi tràn ngập với con người và văn minh Hán tộc.

Trung Cộng hiện đang tích cực đầu tư phát triển Khổng Giáo từ quốc nội đến hải ngoại nhằm động viên dân chúng tiếp tục dâng hiến cho chính quốc vừa là một chiêu bài phô trương với thế giới bên ngoài về một lý thuyết xã hội đại đồng, trật tự và ổn định.
Chủ nghĩa yêu nuớc của Trung cộng hiện nay bao gồm những điều lệnh:
  • Hoa Hán là giống nòi chủ đạo trong lãnh thổ Trung Hoa.
  • Bất cứ sắc dân nào trong lãnh thổ Trung Quốc đều phải nhìn nhận Bắc Kinh là nhà cầm quyền rộng lượng, nhân từ vì đã giúp họ văn minh hơn.
  • Tây phương là những ác qủi đã và đang áp đặt những giá trị của họ lên Trung Quốc.
  • Trung Quốc chúng ta chưa bao giờ xâm lấn một quốc gia nào và cũng không bao giờ áp đặt ách nô lệ lên bất cứ một dân tộc nào.
  • Mông Cổ và Mãn Châu là những ngoại nhân xâm lược cho nên các vua nhà Nguyên, nhà Thanh không đuợc nhìn nhận là những triều đại chính thống của Trung Hoa.
  • Lãnh thổ do người Mông Cổ và Mãn Châu dâng nạp trong thời gian họ cai trị Trung Hoa gồm Nội Mông, Mãn Châu, Tân Cương, Tây Tạng là phần đất thiêng liêng và bất khả phân ly của Trung Quốc.
  • Trung Hoa đã bị người Tây phương đánh bại và gây tủi nhục, những đền đài cung điện bị đốt cháy, những cổ vật qúi báu linh thiêng bị đánh cắp, chúng ta phải phục hồi tất cả bằng mọi giá.
  • Nhật Bản là kẻ thù truyền kiếp, chúng ta vô cùng thù ghét Nhật và nếu không có Mỹ, Nhật đã bị tiêu diệt. Nhật đã tàn bạo với chúng ta trong Thế Chiến Thứ Hai nên chúng ta cũng sẽ làm tương xứng như thế trong tương lai với Nhật Bản.
  • Đài Loan thuộc về Trung Quốc. Chúng ta không buộc họ sát nhập vào Trung Quốc ngay lúc nầy với điều kiện họ không được trở thành một quốc gia độc lập.
  • Biển Nam Trung Hoa thuộc về Trung Quốc.
  • Các quốc gia lân cận với Trung Quốc trong vùng Đông Á, Đông Nam Á trước đây là phiên thuộc của các triều đại Trung Hoa. Khu vực Đông Nam Á là cửa ngõ chính của một không gian sinh tồn rộng mở đối với Trung Quốc, phải đuợc gìn giữ bằng mọi phương tiện, ngăn chận các quốc gia Tây Phương xâm nhập, liên minh.           
  • Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là quan hệ tranh đấu sống chết, một mất một còn. Chúng ta phải đánh gục nước Mỹ vì đó là con đường duy nhất bảo đảm chúng ta sẽ làm ra được thời đại của người Hán, một kỷ nguyên đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo thế giới. (Trì Hạo Điền)
2/ Người Mỹ xây dựng lòng yêu nước:
Hoa Kỳ, một quốc gia được thành lập từ những ngươì di dân Âu Châu, đa số là người Anh, không bằng lòng với chế độ hà khắc tại quê nhà. Trong cuộc chiến tranh gian khổ dành độc lập, George Washington đã viết những bản nghiên cứu về sức mạnh của quân đội, nhắc đến lòng yêu nước, lưu ý đến tổ chức và trả công tương xứng. Ralph Waldo, một thi nhân vừa là một nhà bình luận, mô tả Hoa Kỳ là nơi tị nạn của các dân tộc, các giá trị lập quốc của người Mỹ được trình bày trong Tuyên Ngôn Độc Lập, nhấn mạnh đến nhân quyền như là “mọi người sinh ra đều bình đẳng”, “mọi người đều có quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc.”

Tuyên Ngôn Độc Lập là thành quả tất yếu từ lòng dũng cảm và hy sinh của các thế hệ di dân thời lập quốc đã tìm thấy nơi quê hương mới vẻ đẹp thơ mộng, hùng vĩ, và một tương lai bất tận. Họ xúc động, yêu thương, gắn bó và quyết tâm gìn giữ truyền lại cho con cháu, là nguyên nhân tạo nên lòng yêu nước của người Mỹ.
Những du khách viếng thăm Bạch Cung khi vào thư phòng bên cánh trái đều nhìn thấy một pho tựợng nhỏ và được giới thiệu đây là Đại úy Hale Nathan (1755-1776). Hale nguyên giáo sư đại học Connecticut, tình nguyện làm công tác tình báo cho tướng George Washington trong trận đánh tháng 9 năm 1776. Ông bị quân Anh bắt và bị án treo cổ về tội gián điệp. Ông bình tỉnh nhận lãnh bản án sau một bài diễn thuyết. Các sử gia ghi chép đầy đủ những lời kết thúc tuyệt vời: “Tôi có một điều ân hận duy nhất là chỉ có một đời sống để mất cho quê hương” (I only regret that I have but one life to lose for my country).

Từ đấy, lòng yêu nuớc của người Mỹ nở hoa trong các lĩnh vực chính trị, văn học, xã hội…
Thomas Jefferson (1743-1826), tác giả Tuyên Ngôn Độc Lập cũng là Tổng Thống thứ ba Hoa Kỳ, được tôn kính vào hàng quốc phụ (founding Father) gieo mầm ái quốc bằng những ý tưởng: “Keo sơn của sự đoàn kết nầy là huyết quản của mỗi người Mỹ” (The cement of this union is the heart-blood of every American). Ông cũng quan tâm đến hạnh phúc lâu dài của dân chúng: “Tôi dự đoán hạnh phúc tương lai của người Mỹ nếu họ có thể ngăn cản được chính quyền làm phí phạm công sức của người dân duới nhản hiệu là chăm sóc cho quần chúng” (I predict future happiness for Americans if they can prevent the government from wasting the labors of people under the pretense of taking care of them).

Campell Thomas (1763-1854), mục sư tin lành kết hợp yêu nước và tự do: “Dòng máu ái quốc là hạt mầm của cây tự do” (The patriot blood is the seed of Freedom’s tree).
Thượng nghị sĩ Daniel Webster (1782-1852) nêu lên một nguyên tắc: “Tự do và Đoàn kết, hôm nay và mãi mãi về sau, chỉ là một, không thể phân chia” (Liberty and union, now and forever, one and inseparable).

Tổng Thống Abraham Lincoln (1809-1865) kêu gọi người dân phải tận tâm, tận lực xây dựng quê hương đất nước: “Tôi muốn nhìn thấy một người hãnh diện về nơi anh ta đang sống. Tôi cũng muốn nhìn thấy một người sống để nơi chốn ấy sẽ hãnh diện về anh ta” (I like to see a man proud of the place in which he lives. I like to see a man live so that his place will be proud of him).
Phó Tổng Thống Mỹ Adlai Stevenson (1835-1826) giải thích bản chất của lòng yêu nước: “Lòng yêu nước không phải là sự xúc động cuồng nhiệt nhất thời mà là sự dâng hiến yên lặng, bền bĩ suốt cả cuộc đời” (Patriotism…is not short, frenzied outburst of emotion, but the tranquil and steady dedication of a life time).

Nhà văn Charles F Browne (1834-1867) cụ thể hoá lòng yêu nước một cách dễ nhớ: “Tất cả chúng ta không thể là những ông Washingtons, nhưng tất cả chúng ta có thể là người yêu nước” (We can’t all be Washingtons, but we can all be patriots).
Woodrow Wilson (1856-1924), Tổng thống thứ 28 có dịp đề cao nước Mỹ: “Hoa Kỳ là quốc gia lý tưởng duy nhất trên thế giới” (American is the only idealistic nation in the world). Nhà văn Mark Twain (1835-1910) phân biệt quê hương và chính quyền: “Luôn luôn trung thành với đất nước. Trung thành với chính quyền khi nó xứng đáng”. (Loyalty to the country always. Loyalty to the government when it deserves it). Ôn hoà hơn, Sinclair Lewis (1885-1951) nhà văn Mỹ đầu tiên lãnh giải Nobel cân nhắc về lòng yêu nước: “Về phương diện trí thức, tôi biết rằng Hoa Kỳ không tốt đẹp hơn bất cứ quốc gia nào khác nhưng về tâm lý xúc động tôi thấy rằng Hoa Kỳ tốt đẹp hơn bất cứ quốc gia nào” (Intellectually I know that American is no better than any other country; emotionally I know she is better than every other country).

Tuổi thanh niên của lớp lão thành hiện nay đều có dịp nhìn thấy hình ảnh Tổng thống Mỹ John F. Kennedy (1917-1963) và ghi nhớ ý tuởng: “Đừng hỏi quốc gia có thể làm điều gì cho các anh mà hãy hỏi các anh có thể làm gì cho quốc gia” (Ask not what country can do for you. Ask what you can do for your country).
Người dân Mỹ với đầu óc thực tế, quả cảm và kinh nghiệm, luôn luôn ngăn chận những mầm mống bất công gây tổn hại đến quyền lợi cá nhân, nhưng lòng yêu nuớc vẫn song hành tồn tại trong mỗi cuộc sống. Sự thăng bằng nầy là nguyên nhân cho sự bền vững và phát triển một nuớc Mỹ dân chủ, tự do và giàu mạnh.

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, nhóm Hồi giáo cực đoan al-Qaeda cướp phi cơ, liều chết đâm sập toà Tháp Đôi tại Nữu Ước, đánh chệch Ngũ Giác Đài và thất bại mưu toan phá hủy Bạch Cung, làm cả nước Mỹ và thế giới rung động. Cuộc tấn công khủng khiếp nầy mở ra cuộc chiến tranh chống khủng bố, khiến toàn thể dân chúng Mỹ mà đại diện là Quốc Hội vội vàng bày tỏ sự đồng tâm, nhất trí, bắt tay vào việc hình thành Luật USA Patriot Act. Ngày 24 tháng 10 năm 2001 Dự luật thông qua Hạ Viện với số phiếu thuận 357/66 và tại Thượng viện ngày 25/10 với số phiếu 98/1. Tổng thống George W. Bush ký ban hành ngày 26 tháng 10 năm 2001. Nước Mỹ cũng chính thức lấy ngày 11/9 làm ngày Patriot Day để cầu nguyện và tưởng niệm trong toàn quốc.

3/ Truyền thống yêu nước của người Việt.
Khi những người Việt tộc rời bỏ vùng Hoa Nam định cư trên châu thổ sông Hồng, các triều đại vua chúa phương Bắc vẫn tiếp tục đưa quân xâm chiếm. Lòng yêu nước của tổ tiên là sức mạnh đánh trả sự đô hộ, áp bức, gìn giữ cho dân tộc và đất nuớc được trường tồn đến ngày hôm nay.

Vào những năm đầu Công Nguyên (40-43) hai vị anh thư Trưng Trắc, Trưng Nhị đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm “thù nhà, nợ nước”. Tiếp theo (248), Nhụy Kiều tướng quân, trên đầu voi, trước hàng quân, dõng dạc trong câu nói: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng để làm tỳ thiếp người ta”.
Lý Thường Kiệt (1076) với bài thơ khẳng định vận mạng của đất nước: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm. Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.” đem lại sự dũng cảm cho quân sĩ Đại Việt chận đứng quân Tống trên sông Như Nguyệt.

Trong ba lần đánh tan những đạo hùng binh Mông cổ, chí khí yêu nước được nêu cao ngất trời qua câu nói đanh thép của Hưng Đạo Vương: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi đi đã” hoặc câu trả lời khẳng khái của Trần bình Trọng trước sự dụ hàng của tướng giặc: “Ta thà làm quỷ nuớc Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.

Các triều đại kế tiếp - Nhà Lê và nhà Nguyễn Tây Sơn - đều khởi nghiệp vì nhu cầu đánh đuổi ngoại xâm phương bắc.
Cận đại, trong cuộc ngăn chận quân Pháp xâm lăng và dành độc lập, các nghĩa sĩ trong phong trào Cần Vương, Đông Du, Khởi Nghĩa Yên Báy… sẵn sàng chấp nhận gian khổ và sinh mạng.
Suốt đời cụ Phan bội Châu không bao giờ sao nhãng hai chữ ái quốc: “Nay ta hát một câu ái quốc. Yêu gì hơn, yêu nước nhà ta. Trang nghiêm bốn mặt sơn hà. Ông cha ta để cho ta lọ vàng.” …hoặc: “Ai hữu chí xin từ nay gắn gỏi. Cổi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần. Chẳng thèm ăn, chẳng thèm mặc, chẳng thèm chơi. Đúc gan thép để dời non lấp bể. Xối máu nóng rửa vết dơ nô lệ”

Đảng Trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học và mười hai đồng chí khi nghe toà án thực dân Pháp tuyên án tử hình đều mỉm cười ngâm hai câu thơ: “Chết vì Tổ quốc thật vinh quang! Lòng ta sung sướng, trí ta nhẹ nhàng”. Trước khi bước vào máy chém, các liệt sĩ đều hô vang: Việt Nam muôn năm!
Trong cuộc chiến tranh chống cộng sản xâm lăng, các chiến sĩ quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hoà đều hăng say chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, từ Bến Hải đến Cà Mâu, hàng trăm người trung nghĩa đã tuẫn tiết, từng mỗi cá nhân riêng lẻ, từng tiểu đội, hoặc cả gia đình chồng vợ và các con… vì cảm thấy không làm tròn trách nhiệm với đất nước !

4/ Đạo lý yêu nước của người đảng viên Đại Việt.
 Ngoại trừ những hành vi man rợ của các nhóm Hồi giáo cuồng tín, những biến động chính trị sôi nổi khắp nơi trên thế giới hiện nay đều xuất phát từ quyền lợi thiết yếu của mỗi dân tộc. Các cường quốc Trung Cộng, Ấn Độ, Nhật Bản… thi đua vũ trang, linh hoạt thay đổi chính sách để tìm ưu thế trong cuộc cạnh tranh sinh tồn. Đặc biệt Tổng thống Putin, một cựu nhân viên của mật vụ Liên Sô KGB thẳng thừng nhắc đến “yếu tố người Nga” trong vụ khủng khoảng miền đông Ukraine và không bỏ lỡ cơ hội chiếm đoạt và sát nhập Crimea, một lãnh thổ 27.000 km2 trên bờ Hắc Hải vào nước Nga (18/3/2014).

Năm 1938, một năm trước khi thành lập Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đảng Trưởng Trương Tử Anh đã đưa ra phần dẫn nhập lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn, nhấn mạnh đến tinh thần quốc gia, thực thể dân tộc và lòng yêu nước:
“Đọc suốt bộ quốc sử bốn nghìn măm, chúng ta nhận thấy rằng khi nào tinh thần quốc gia yếu thì nước suy, khi nào tinh thần ấy mạnh thì nước ta thịnh. Tinh thần quốc gia là cái nguyên nhân độc nhất bảo tồn dân tộc ta vậy”.
“Có tinh thần quốc gia mới cảm thấy người ta sinh ra ở đời phải mang một nghĩa vụ rất lớn lao đối với đất nước, đối với người chết trước, với kẻ sinh sau. Do đó phát xuất ra những gương hy sinh cho tổ quốc vô cùng mãnh liệt”.
Kể từ đấy một số đảng viên niên trưởng thuộc thế hệ thứ nhất vừa gánh chịu hy sinh chiến đấu chống cộng sản, thực dân, phong kiến, vừa khai triển tư tưởng Dân Tộc Sinh Tồn làm nền tảng đánh bại chủ nghĩa cộng sản bằng lý luận, xây dựng và phát triển Đảng, đề ra những kế hoạch hoạt động cứu quốc và kiến quốc.
Cố đồng chí Trần Việt Sơn hình thành tài liệu Đạo Sống khuyến khích đảng viên chấp nhận lý tưởng Dân Tộc Sinh Tồn như là một lối sống thanh cao, phù hợp với luân lý và đạo làm người.

Cố đồng chí Hùng Nguyên Nguyễn Ngọc Huy dành thời gian viết nhiều tác phẩm thuộc phạm trù dân tộc, trong đó công trình biên soạn giá trị hàn lâm “Dân Tộc Sinh Tồn, Chủ Nghĩa Quốc Gia Khoa Học” được độc giả khắp nơi thường xuyên tham khảo, nghiên cứu. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cũng là thi sĩ Đằng Phương đã gieo vào tuổi trẻ Việt Nam tâm hồn yêu nước lãng mạn, trong sạch, cao thượng và khí phách:
“Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch” hoặc
“Nhưng máu họ đã len vào mạch đất. Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông. Và anh hồn chung với tấm lòng trung. Đã hoà hợp làm linh hổn giống Việt”. hoặc
“Và tử thần kính cẩn đứng ghi tên, Mười ba liệt sĩ vào bia người tuẩn quốc”.

Cố đồng chí Chủ Tịch Đại Việt Cách Mạng Đảng Hà Thúc Ký cũng lưu lại hồi ký “Sống Còn Với Dân Tộc” ghi chép những thử thách vô cùng cam go của những người đi trước để lớp đảng viên thanh niên hiện nay có những kinh nghiệm và hiểu biết về Đảng. “Sống Còn với Dân Tộc” là cách bày tỏ chân thực của môt kiếp người với lý tưởng Dân Tộc Sinh Tồn.
Đồng chí Nguyễn Long Vân, nguyên bí thư Đại Việt Cách Mạng Đảng tỉnh Lâm Đồng, một tín hữu Công giáo tốt nghiệp Đại chủng viện đồng thời với linh mục Lương Kim Định, tập trung nghiên cứu và bình giải lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn dựa trên nền tảng Kinh Thánh. Đồng chí mở đầu Lời Tựa: “Kiếp sống của con người có hai nghĩa vụ chính và quan trọng nhất: nghĩa vụ đối với Trời Đất (Thiên Chúa), nghĩa vụ đối với tổ quốc, đồng bào”. Được vặn hỏi nghĩa vụ nào quan trọng hơn, đồng chí trả lời: “hai nghĩa vụ giá trị bằng nhau”. Thật cảm phục!

Sau tháng 4/1975, từ Quảng Trị đến Cà Mâu, các chiến sĩ Đại Việt vẫn tiếp tục chiến đấu. Nổi bật nhất là biến cố năm Mậu Ngọ (1978) xảy ra tại Thừa Thiên, Huế ghi thêm một trang sử chống cộng oai hùng của dân tộc. Công an cộng sản điạ phương đã bắt bớ, giam cầm hàng trăm chiến sĩ tụ nghĩa. Cộng sản Huế đã tuyên án tử hình và hành quyết các liệt sĩ Đại Việt Cách Mạng Đảng: Phan Ngọc Lương, Trần Ngọc Quờn, Phạm Lự, Tống Châu Khang, Huỳnh Lai, Nguyễn Con, Phan Thanh Linh; riêng nữ đồng chí Bùi thị Cặn tự sát để bảo tồn bí mật cơ sở.
Yêu Nước là tâm nguyện suốt đời của mỗi đảng viên Đại Việt.
o0o
Yêu Nước Chủ Nghĩa và Dân Tộc Chủ Nghĩa là hai từ ngữ có chung một nền tảng lý thuyết nhưng sự giải thích và áp dụng biến thiên theo mức độ. Yêu nước là sức mạnh tinh thần cũng là ngôi sao chỉ đường, vì vậy một đảng viên Đại Việt bất cứ hệ phái nào, hoặc nói rộng ra một người Việt Nam đạo đức, lương hão là người không xao lãng ý chí bảo tồn dân tộc. Trong cuộc sống, mỗi người thường xuyên bị lôi kéo vào nhiều lĩnh vực (dục vọng cá nhân, hạnh phúc gia đình, thờ phượng tôn giáo…) nhưng xin lưu ý dành cho dân tộc một phạm vi tương xứng để nhân cách được thăng bằng, không bị khô khan, lệch lạc.

Tình hình thế giới luôn luôn biến động và thời cơ của dân tộc Việt Nam sẽ xuất hiện.

Là những chiến sĩ thừa hưởng sự dũng cãm của những người yêu nước đã nằm xuống vì lý tưởng Dân Tộc, chúng ta tự hứa làm việc với tất cả thành tâm, thiện chí để xây dựng lực lượng những người yêu nước hải ngoại, quốc nội ngày càng vững mạnh và phát triển. Kế hoạch bắt đầu từ Đại Việt Cách Mạng Đảng, kết hợp với các hệ phái Đại Việt tiêu biểu, liên lạc chặc chẽ với các đảng phái quốc gia, đoàn thể chống cộng thật sự, các tổ chức tôn giáo minh chính, các nhà hoạt động dân chủ tại quốc nội, các tổ chức nhân quyền quốc tế... 

Tất cả đều bắt tay vào một mục tiêu chung xoay chuyển thế cuộc, tạo thời cơ, nắm bắt kịp thời khi cơ hội vụt đến. Như vậy, toàn khối dân tộc mới có đủ sức mạnh giải quyết bọn Việt cộng bán nước, ngăn chận đế quốc Trung cộng cướp nước, xây dựng Việt Nam thành một quốc gia tự do, dân chủ, văn minh, giàu mạnh và trường tồn giữa một thế giới ngày càng khôn ngoan và cạnh tranh mãnh liệt.

Lạc Việt










__._,_.___

Posted by: irene2007us irene2007us 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link