On Friday, May 15, 2015 5:19 PM, Toma Thien <>
wrote:
Kính gởi tới Quý Ân nhân, Quý Ủng hộ
viên và Quý Độc giả
Bán nguyệt san Tự do Ngôn luận và bài
xã luận số 219, phát hành ngày 15-05-2015.
Xin Quý vị vui lòng giúp phổ biến rộng
rãi, nhất là ngược về trong nước cho Đồng bào.
Chúng tôi chân thành cảm ơn.
Ban biên tập.
Dây thòng lọng siết cổ các tôn giáo !!!
Xã
luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 219 (15-05-2015)
Việc kỷ niệm 40 năm biến cố Việt cộng xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa xảy đến giữa
lúc hầu hết toàn dân đều nhận ra bản chất của cái gọi là “giải phóng miền Nam”,
đều thấy rõ mặt thật của cái gọi là “thành quả thống nhất đất nước, xây dựng xã
hội chủ nghĩa” vốn chỉ tóm gọn trong 3 từ: sai lầm, tội ác và thất bại… trên
mọi phương diện. Thành thử cuộc diễu binh hoành tráng tại Sài Gòn hôm 30 tháng
tư, với những mỹ từ lố bịch: “cuộc chiến thần thánh, hành quân thần tốc, chiến
thắng thần kỳ”, với bài diễn văn chửi bới thậm tệ Mỹ ngụy và xưng tụng hết mình
hai tên đế quốc đỏ từng điều khiển cuộc tàn phá đất nước và tàn sát dân tộc…
chỉ có mục đích lừa gạt những kẻ ngu muội mù quáng và răn đe những ai mong muốn
cái chế độ thối tha khốn nạn này biến khỏi đất nước cho nhanh! Đừng mơ! Đảng
vẫn còn rất hùng mạnh !
Và như để tiếp nối tinh thần ấy, mới đây nhà cầm quyền lại tung ra một đòn răn
đe nữa, nhắm vào khối tín đồ các tôn giáo, vốn chiếm đại đa số dân Việt. Đảng
đâu có quên rằng “các đảng anh em và các nước anh em” bên Liên Xô và Đông Âu
–không lâu sau những cuộc diễu binh thị uy, biểu dương lực lượng còn vĩ đại hơn
VN nhiều– đã bị đập cho tan tành bởi những nhát búa của niềm tin tôn giáo và tự
do dân chủ. Thành thử phải cấp tốc tạo ra dây thòng lọng để siết cổ các Giáo
hội, và đó là Dự Luật tín ngưỡng tôn giáo (DLTNTG) vừa đưa ra hôm 17-04 để gọi
là lấy ý kiến 62 tổ chức tôn giáo. Đây chỉ là những tổ chức được nhà nước cho
phép hoạt động lâu nay, chứ vẫn còn nhiều cộng đoàn tín hữu bị đặt ra ngoài
vòng pháp luật vì cái tội “muốn độc lập”! Những cộng đoàn này, nhà cầm quyền
coi như chẳng có mặt trên đất nước, thành thử không gởi đến dự thảo. Ngoài ra,
thời gian góp ý chỉ kéo dài trong vòng 2 tuần lễ (đến 05-05). Tất cả cho thấy
một thái độ ngạo mạn và kỳ thị, cũng như một ý đồ muốn áp đặt ý muốn của đảng
lên các Giáo hội.
Dù vậy, nhiều tiếng nói đã được cất lên kịp thời. Cho tới nay, ngoài Cao Đài
giáo có bản góp ý của tổ chức mang tên “Ban Chấp hành Khối Nhơn sanh”, thì phần
lớn là của Công giáo với bản nhận định và góp ý của Hội đồng Giám mục VN, của
các Giáo phận Bắc Ninh, Vinh, Kon Tum, Xuân Lộc. Hội đồng Liên tôn Việt Nam,
quy tụ nhiều chức sắc của 5 tôn giáo (trong đó có những Giáo hội bị đặt ra
ngoài vòng pháp luật và thường xuyên bị đàn áp sách nhiễu) cũng đã có lời lên
tiếng mang cái tên thẳng thừng: “Kháng thư phủ nhận”! Tựu trung, tất cả đều
không tán thành nội dung của dự luật. Hội đồng GMVN viết: “Bản Dự thảo 4 đi
ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế (Điều 18) và Hiến pháp Nước CHXHCN
Việt Nam sửa đổi năm 2013 (Điều 24). …
Dự thảo 4 này là một bước thụt lùi so với
Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004. Bản Dự thảo này tạo ra quá nhiều thủ
tục rườm rà, nhiều cơ chế khắt khe, ràng buộc, khiến các sinh hoạt tôn giáo bị
cản trở. Vì vậy, chúng tôi đề nghị: Không đồng ý Dự thảo 4 Luật tín ngưỡng, tôn
giáo. Soạn lại một bản Dự thảo khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang
tầm vóc của xã hội tiến bộ”. Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất
thì cho rằng (x. RFA 7-5-2015): “Chính
phủ Việt Nam đã ban hành bản Pháp lệnh Tôn giáo, pháp lệnh nầy vi phạm các nguyên
tắc Tôn giáo và Nhân quyền. Chúng tôi chẳng tin tưởng gì vào đạo luật sắp ban
hành, bởi vì Cộng sản theo chủ nghĩa Duy vật, bất dung Tôn giáo, họ muốn Tôn giáo
phải phục vụ mục đích của đảng, chứ không bao giờ họ cho Tôn giáo được tự do
hành đạo và truyền đạo”.
Ban Chấp hành Khối Nhơn sanh Cao
Đài thì viết đại ý: Hủy bỏ dự thảo 4, vì sai từ căn bản nên không thể chỉnh
sửa. Mời đặc phái viên LHQ về tôn giáo, các hiền nhân quân tử có chuyên môn về
pháp luật, am hiểu về cách thức xây dựng xã hội dân chủ, nhân sự trong các tôn
giáo đã được chính quyền công nhận và chưa công nhận… đến tham gia soạn thảo.
Vì đâu DLTNTG bị nhiều gáo nước lạnh tạt vào mặt như thế? Có nhiều
nguyên nhân. Trước hết, làm sao một Nhà nước vô thần đấu tranh (nghĩa là
quyết liệt xem tôn giáo như thuốc phiện nguy hại, khác với vô thần hưởng thụ
bên tư bản xem tôn giáo chẳng hề cần thiết) và những viên chức không kinh
nghiệm tâm linh tôn giáo –thậm chí thuộc bộ Công an (trưởng ban tôn giáo chính
phủ hiện thời là trung tướng công an Phạm Dũng)– lại nhảy ra lập luật cho người
có tín ngưỡng và nhất là cho niềm tin tôn giáo? Thứ đến, so với Pháp lệnh Tín
ngưỡng Tôn giáo năm 2004 có 6 chương 41 điều, DLTNTG năm 2015 lại có tới 12
chương 71 điều, nghĩa là tinh vi hơn, siết chặt hơn. Nó tiếp tục củng cố cơ chế
xin-cho, với đủ mọi loại giấy phép (thể hiện qua những kiểu nói “đăng ký”
[nghĩa là xin phép, 23 từ], “chấp thuận” [7 từ], “nhà nước/cơ quan nhà nước
công nhận” [10 từ], “quy định” [36 từ] trong đó “quy định của pháp luật” [15 từ]).
Không có chuyện nào trong tôn giáo mà các Giáo hội không phải xin phép nhưng
nhà cầm quyền lại chẳng bị buộc phải cho phép! Tất cả nhằm mục đích giới hạn tự
do tôn giáo cách nghiêm ngặt hơn và kiểm soát, khống chế, lũng đoạn các Giáo
hội cách thâm độc hơn.
Nghĩa là buộc các Giáo hội phải im tiếng trước sai lầm
và tội ác của nhà cầm quyền, phải khiêm tốn và nhẫn nại xin nhà nước thí ban
cho các ân huệ, và tốt nhất là trở thành công cụ phục vụ chế độ, biết kết hợp
nhuần nhuyễn “đạo pháp/giáo lý với xã hội chủ nghĩa”, biết khi thì làm chức sắc
phục vụ, khi thì làm công an chỉ điểm! Có thế nhà nước mới nắm được tôn giáo
chớ! Thứ ba, DLTNTG có rất nhiều từ ngữ và điều khoản mơ hồ, như “bảo hộ” (thế
nào là bảo hộ?), “hợp pháp” (thế nào là hợp pháp?), “hoạt động trái pháp luật”
(thế nào là hoạt động trái pháp luật?), nhất là ở Điều 6 (Các hành vi bị nghiêm
cấm), khoản 5b, c, d, đ và khoản 7. Tất cả tạo cơ hội để nhà cầm quyền và các viên chức địa phương tha hồ giải
thích tùy tiện nhằm cấm cản hay thậm chí đòi hối lộ. Thứ bốn, bản văn có rất
nhiều điều khoản mâu thuẫn với nhau. Chương X và chương XI không tôn trọng
quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, hoàn toàn mang tính chất áp đặt quyền lực của
Nhà nước lên các Giáo hội và tổ chức Giáo hội,
thành thử mâu thuẫn với Điều 2
trong Dự thảo cũng như với HP 2013. Nhất
là mâu thuẫn với Công ước Quốc tế về các quyền Chính trị và Dân sự (điều 18) mà Việt Nam đã ký kết.
Tóm tắt, DLTNTG muốn biến các quyền và tự do tôn giáo hay tín
ngưỡng thành tội phạm hình sự!
Các quyền và tự do tôn giáo đó là gì? Trước hết, các
tôn giáo phải được tự do thành lập lẫn
tự động sinh hoạt mà chỉ cần
thông báo, phải được thừa nhận tư cách pháp nhân, phải
được xem như là các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Thế nhưng trong LTNTG, sự thông báo
này trở thành việc xin phép (nấp dưới danh từ “đăng ký”, x. các điều 12-16) với
những điều kiện khắt khe, những quy định mơ hồ, nhằm làm cho mọi tổ chức tôn giáo
trước và sau khi được nhà cầm quyền cho “sinh hoạt” và “hoạt động tôn giáo” trở
nên ngoan ngoãn dễ bảo. Chính đặc phái viên tự do tôn giáo của LHQ mới đây đã
tố cáo: điều này là vi phạm nhân quyền! Ngoài ra, trong Dự thảo, người ta không
hề tìm thấy từ “pháp nhân” vốn rất quan trọng đối với quy chế của một Giáo hội,
và như thế nhà cầm quyền tiếp tục phủ
nhận tư cách pháp lý của họ, không cho họ được bảo vệ về mặt
pháp luật và gây
khó khăn cho họ trong giao
dịch xã hội.
Thứ hai, các tôn giáo phải được quyền độc lập trong việc tổ chức
về nhân sự như: chiêu sinh huấn luyện người tu hành, tấn phong, bổ nhiệm,
thuyên chuyển các chức sắc; trong việc hình thành, sắp xếp các cơ cấu như chốn
tu trì, trường đào tạo, lãnh địa hoạt động… Thế nhưng DLTNTG lại buộc mọi Giáo
hội phải khai báo, xin phép về việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ
chức tôn giáo trực thuộc (Đ. 19-20), việc thành lập lẫn hoạt động của cơ sở
đào tạo tôn giáo (Đ. 21-25), việc tổ chức hội nghị, đại hội tôn giáo (Đ. 32),
việc mở các lớp bồi dưỡng tôn giáo (Đ. 27). Về nhân sự, nhà cầm quyền phê duyệt
trước ứng sinh cơ sở tu hành lẫn trường đào tạo chức sắc (Đ. 24), buộc đăng ký
những ai đi tu (Đ. 43), can thiệp vào chương trình huấn luyện họ (Đ. 26), vào
việc tấn phong, bổ nhiệm, thuyên chuyển các chức sắc lãnh đạo (Đ. 34-39).
Thứ
ba, các tôn giáo phải được tự do truyền bá giáo lý công khai cho mọi người, góp
phần giáo dục giới trẻ mọi cấp từ tiểu học lên đại học, có quyền tham gia các
hoạt động y tế, từ thiện xã hội vô giới hạn (như thời VNCH). Đồng thời, các tôn
giáo phải được tự do lập nhà in, nhà xuất bản, đài phát thanh, đài truyền hình,
trang mạng riêng để phục vụ các nhu cầu tôn giáo (mà không bị đặt tường lửa).
Thế nhưng, làm gì có những thứ đó trong cái xã hội “ưu việt” về dân chủ nhân
quyền này!
Thứ bốn, các tôn giáo phải được quyền tư hữu đất đai, được tự do
nhận tặng, mua bán, trao đổi bất động sản, được mở rộng hay thu hẹp cơ sở tùy
theo nhu cầu tôn giáo của mình. Thế nhưng với nguyên tắc áp đặt: “Nhà nước là
chủ sở hữu mọi tài nguyên đất đai, công dân chỉ có quyền sử dụng” (theo HP và
Luật đất đai), thì quả là thứ quyền này, tôn giáo ngay cả trong giấc mơ cũng
chẳng có được!
Thứ năm, các tôn giáo phải được tự do liên lạc với đồng đạo hay
với các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài, tự do gởi thành viên của mình ra ngoại
quốc để tiến hành các hoạt động liên quan đến mình dù ở quốc nội hay hải ngoại.
Thế nhưng với não trạng “nhìn
đâu cũng thấy thế lực thù địch”, DLTNTG,
qua các điều 48-50, vẫn nhất quyết kiểm soát chặt chẽ quan
hệ quốc tế của tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành,
tín đồ. Mọi hoạt động quốc tế liên quan đến tôn giáo dù của cá nhân hay tổ
chức, dù nội địa hay ngoại quốc đều phải xin phép tất tần tật.
Thế nên, Hội đồng Liên tôn VN khẳng định: “Các tôn giáo tự bản chất là những
tập thể bao gồm nhiều tín đồ và mọi tín đồ đều là những công dân bình đẳng. Họ
có các quyền và nghĩa vụ như mọi công dân khác. Những quyền và nghĩa vụ này
được xác định trong Hiến pháp và các bản văn dưới luật hình thành theo tinh
thần tự do dân chủ, phù hợp với các Công ước quốc tế về nhân quyền. Chính vì
thế, chúng tôi hoàn toàn bác bỏ toàn văn và mọi điều khoản LTNTG mà nhà cầm
quyền Việt Nam đã soạn thảo nhằm mục đích dùng bạo lực hành chánh tiêu diệt tôn
giáo ngõ hầu củng cố quyền lực độc tài toàn trị của đảng CS”. (Trích Kháng
thư về DLTNTG)
Vấn đề còn lại là mọi tôn giáo tại VN nên noi gương các Giáo hội tại Liên Xô và
Đông Âu trước đây, tích cực góp phần bằng những hành động cụ thể và quyết liệt
(chức sắc và tín đồ mỗi bên theo cách riêng của mình) để xử lý tận căn cái chủ
nghĩa, chế độ, chính đảng đang bách hại tín đồ lẫn đàn áp nhân dân, đang tiêu
diệt tôn giáo lẫn tàn hại xã hội này. Đừng có sợ mang tiếng “làm chính trị”!
Bằng không, DLTNTG sẽ là dây thòng lọng kết liễu sinh mệnh, hủy phá bản chất,
xóa bỏ vai trò và đập tan danh dự của các tôn giáo!
BAN BIÊN TẬP.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment