Saturday, November 7, 2015

Mở giật gân, kết giật lùi


Mở giật gân, kết giật lùi
Đinh Tấn Lực

        Cùng tác giả:
Khi Tuyên giáo TW dự báo thời tiết 
Hỏi Trư 
Dân biết, Dân làm, Dân bàn, Dân kiểm tra, Dân thụ hưởng
       xem tiếp
Tựa đề đoạn phim phóng sự trên đài PBS vừa chiếu tối ngày 03/11/2015 (ở Mỹ) thực sự quá sức giật gân: Khủng Bố ở Sài Gòn Nhỏ (Terror in Little Saigon).

Nếu bạn muốn biết rõ đoạn phim này khủng bố cộng đồng người xem ở Sài Gòn Nhỏ (đặc biệt là cộng đồng cựu quân nhân Quân Lực VNCH) phải sôi máu như thế nào, hãy chịu khó tốn một giờ để xem qua, khắc rõ. Bởi, trong đó, hình ảnh một buổi diễn hành vinh danh sự hy sinh để bảo vệ tự do của tập thể quân nhân VNCH-Hoa Kỳ đã được sử dụng cho mục tiêu bóp méo sự kiện theo định hướng mô tả tính cực đoan hiếu chiến của những người thực hiện phóng sự.

Cũng nên xem cho biết, nếu bạn muốn thấy sự pha trộn ngành nghề của một phóng viên kiêm cảnh sát, kiêm FBI, kiêm luôn chức năng CIA, và cả thẩm phán đường phố, trong một con người. Bởi, qua đó, bạn sẽ thu hoạch được một số kỹ thuật hỏi xoáy, đá xoay, dí đến cùng, hầu đạt được cái mục đích mà người chủ xướng muốn có và cần cắt xén theo ý đã định sẵn để cho vào phim.
Lại càng không thể bỏ qua một thiên phóng sự ráp nối xâu chuỗi tuyền những lời đồn đãi đó đây từ 30 năm trước, nếu bạn đang rỗi vài phút xả hơi trong thời gian tham dự hay theo dõi các cuộc biểu tình phản đối chuyến công du để sắp xếp nhân sự cho dàn lãnh đạo Ba Đình của đại đế họ Tập. Bởi, trong suốt một giờ đồng hồ đó, bạn sẽ thủng tai đỏ mắt mà không tìm thấy một bằng chứng nào cụ thể đủ để thuyết phục được bạn, rằng, những lời kết tội nọ sẽ phủi sạch giá trị công trình điều tra của các cơ quan công lực Hoa Kỳ trong suốt ba thập niên qua.

Bạn từng nghe qua những bài thơ hay bài nhạc về các cuộc tình không đoạn kết? Thì đây là cơ hội để bạn thưởng thức một khúc phim không đoạn kết. Bởi, ngay chính người dẫn phim có tiêu đề quá sức giật gân như trên cũng đã phải thở dài giật lùi ở phần cuối, tự thán là không tìm đâu ra manh mối cho mục tiêu đã tính trước và tận lực xoáy trôn ốc, mà “không bãi đáp”.

Tội nghiệp biết chừng nào. Bởi, đối với đối tượng người nước ngoài, nghe được tiếng Anh, thì thất vọng cực kỳ về một “vấn đề lớn” là “ám sát ký giả” nhưng kết cục chỉ là một chuỗi những lời đồn được thuật lại từ những người ẩn danh hay bịt mặt. Còn, đối với đối tượng người Mỹ gốc Việt, thì, từ thế hệ tỵ nạn CS đầu tiên đến thế hệ thứ 2 và 2.5 hiện giờ, chẳng có một luận điểm nào trong toàn bộ khúc phim được chứng thực bằng những bằng cớ có tính pháp lý, thậm chí, cả bằng cớ có tính luân lý hay luận lý.

Bạn cũng có thể hỏi thăm những người đã xem, thử coi họ nhận định thế nào về ẩn ý của những người thực hiện đoạn phóng sự này, hoặc thế lực nào đứng đàng sau chống lưng để đạt mục tiêu quậy đục dòng người đấu tranh dân chủ hóa đất nước. Bởi, cái nhãn khủng bố dán không dính vào một tổ chức đấu tranh chính trị có quá nhiều thành quả ngoại vận (ra vào trụ sở Quốc Hội hay Nhà Trắng như nhà mình), thì đành phải cố dán cái nhãn khủng bố đó vào tiền thân của nó, thông qua một bộ phận có tên là K9 mà không thực sự hiểu rõ là gì, ngoài những điều “nghe nói thế!”.
Đã thế, lại còn nối vào phim cả những sự kiện 1981 xảy ra trước khi tổ chức tiền thân của đối thủ nặng ký ấy có giấy khai sinh 1982 (mà cả nhóm đặt hàng đang dồn sức làm giấy khai tử cho nó). Như trường hợp ký giả Dương Trọng Lâm, chẳng hạn.

Đã thế, lại còn lừa đảo chiêu dụ rất nhiều nhân vật được phỏng vấn bằng những đề tài “nhẹ nhàng” như “40 năm rời nước”, chẳng hạn. Nhưng đến chừng vào cuộc thì hỏi tuyền những điều “không mấy nhẹ nhàng” về chuyện hăm dọa, ám sát… với chủ điểm cốt lõi là K9. Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Đã thế, lại còn bỏ qua rất nhiều đoạn phỏng vấn những nhân vật liên hệ, mà không cho vào phim, vì họ không nói điều gì thuận lợi cho cái mục tiêu đặt sẵn của những người làm phim và cả những kẻ đặt hàng đoạn phim. Như trường hợp quý ông Trần Xuân Ninh, Bùi Đăng Khoa, Đỗ Thông Minh…

Đã thế, lại còn để lộ một sơ hở sơ đẳng khác là: Khúc phim này lên sóng lúc 10:00 ngày 04/11/2015 (giờ VN), mà báo Thanh Niên trong nước có ngay một bài tường thuật với nhiều điểm phiên dịch sai lạc nguyên ngữ (có dụng ý sẵn), ngay từ lúc 06:00 ngày 04/11/2015 (tất nhiên là giờ VN). Tức là đi trước sóng những 4 giờ đồng hồ. Như thử ban biên tập báo này được phép viết sẵn theo lệnh của giới đặt hàng.

Hãy coi ngay, trước khi đoạn phim phóng sự (rất gần với phong thái dư luận viên trong nước) này được lấy xuống, và biết đâu, ban thực hiện ngỏ lời xin lỗi khán giả về tính thiếu đạo đức truyền thông, nếu họ còn sự tự trọng tối thiểu. Hoặc giả, vì họ thấy ra việc làm lợi (có thể theo yêu cầu có kèm vật chất) cho một chế độ bạo tàn đang khủng bố hàng giờ người dân Việt Nam trong nước là một tội ác.

Hãy coi ngay, để thấy tầm vóc của những nỗ lực đánh phá ra ngoài biên giới đã tự diễn biến thành PR cho đối thủ.

04/11/2015 – Kỷ niệm tròn 7 năm Barack Obama trở thành người Mỹ đầu tiên không thuộc sắc dân da trắng thắng cử chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ.

Blogger Đinh Tấn Lực
Nguồn: Blog Đinh Tấn Lực


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-18/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link