Thursday, November 5, 2015

Thư số 49 gởi: Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

 
 

                       Thư số 49 gởi:
                       Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
                                                                                                      Phạm Bá Hoa
                         
Tôi chào đời năm 1930, vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1954, chống lại cuộc chiến tranh do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”. Sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo cộng sản Việt Nam với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo, hằng trăm Bạn tôi đến 17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng.
Tuy tên Quốc Gia và Quân Lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ vẫn nguyên vẹn trong tôi.
Tôi không hận thù lãnh đạo Các Anh, nhưng tôi không bao giờ quên quá khứ đau thương tàn bạo mà họ gây ra cho Tổ Quốc, Dân Tộc!  Vì vậy mà tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi quê hương tôi có một chế độ dân chủ tự do thật sự.
Các Anh là Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Xin gọi Người Lính Quân Đội Nhân Dân ngắn gọn là “Các Anh” để tiện trình bày. Chữ “Các Anh” viết hoa  mà tôi sử dụng ở đây, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Quân Chủng, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng. Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử. Và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
Nội dung thư này, tôi tổng hợp các tin tức liên quan đến Hiệp Ước Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt của Anh ngữ là TPP, và sẽ ảnh hưởng như thế nào về kinh tế và chính trị trong sinh hoạt xã hội Việt Nam.    
Thứ nhất. Hiệp Ước Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngày 4/10/2015, Bộ Trưởng 12 quốc gia tham gia TPP gồm: Australia, Brunei, Canada, Chi Lê (Nam Mỹ), Nhật Bản, Malaysia, Mexico (Nam Mỹ), New Zealand, Peru (Nam Mỹ), Singapore, Mỹ, và Việt Nam, đã tuyên bố kết thúc đàm phán với kết quả là Hiệp Ước Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương hình thành. Hiệp Ước này có những tiêu chuẩn cao, toàn diện, và cân bằng với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu dụng nhiều nhân công, nâng cao công tác quản trị để bảo vệ công nhân, thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao mức sống người dân tại các quốc gia thành viên nghèo, và góp phần  bảo vệ môi trường.
Các quốc gia thành viên kỳ vọng rằng: "Việc ký kết TPP với các tiêu chuẩn cao cho thương mại và đầu tư tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, sẽ là một bước gần hơn đến mục tiêu cuối cùng là mở cửa thương mại và hội nhập toàn khu vực".
Nội dung Hiệp Ước. Tóm tắt 5 điểm chánh của TPP:
(1) Mở rộng thị trường toàn diện. Xóa bỏ hoặc giảm thuế nhập cảng đối với hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và kinh doanh, bảo vệ công nhân và người tiêu dùng.
(2) TPP hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng cường hiệu quả, tạo thêm việc làm, nâng cao mức sống, tăng cường các nỗ lực bảo tồn, hỗ trợ hội nhập xuyên biên giới, mở rộng cửa thị trường.
(3) TPP giải quyết các thách thức mới trong thương mại, thúc đẩy sự đổi mới, tăng năng suất, cạnh tranh bình đẳng nhờ vào việc giải quyết các vấn đề mới -trong đó có phát
060730TPP-VN061015triển kỹ thuật tân tiến- và vai trò kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế toàn cầu.
(4) TPP với các yếu tố nhằm bảo đảm các nền kinh tế ở các mức độ phát triển khác nhau, cũng như các doanh nghiệp có quy mô khác nhau, đều có thể đạt được lợi ích thương mại.
TPP cam kết giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiểu rõ TPP để tạo cơ hội phát triển. Các quốc gia thành viên TPP, phải chú ý đến những thách thức đặc thù của mình. TPP với những cam kết cụ thể về phát triển và xây dựng năng lực thương mại, để đảm bảo rằng tất cả các thành viên phải tuân thủ cam kết trong Hiệp Định.
(5) TPP được định hình như một nền tảng cho hội nhập kinh tế khu vực, và nhắm đến những nền kinh tế khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

TPP với hơn 70 hồ sơ trong 30 chương về thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại. Từ thương mại hàng hóa, trợ giúp thương mại, và quan thuế. Biện pháp vệ sinh dịch tễ, rào cản kỹ thuật đối với thương mại, biện pháp phòng vệ thương mại, đầu tư, dịch vụ, thương mại điện tử, mua sắm công, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường v.v..., các chương “ngang” nhằm mục đích bảo đảm TPP tận dụng được khả năng và tiềm năng phát triển, năng lực cạnh tranh, và giải quyết tranh chấp, các điều khoản ngoại lệ, và điều khoản thi hành.
TPP kết nối các quốc gia về  địa lý, ngôn ngữ, lịch sử, kích thước, và mức độ phát triển. Tất cả các nước ký kết TPP nhận thấy rằng, sự đa dạng là một tài sản đặc thù, nhưng cũng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ, xây dựng năng lực cho các nước trong TPP kém phát triển, và phát triển năng lực để thực hiện những nghĩa vụ mới trong một số trường hợp trong thời gian chuyển tiếp, đặc biệt là có cơ chế cho phép một số thành viên thêm thời gian.
Thứ hai. TPP sẽ ảnh hưởng thế nào về kinh tế và chính trị Việt Nam.
Ngày 7/10/2015, báo Thế Giới Tiếp Thị online với tựa bài viết vừa hài hước vừa mỉa mai“Đón TPP, mừng vui sao nước mắt lại trào” của tác giả Trần Đức Tuấn -Tiến sĩ quản trị kinh doanh- xin tóm tắt như sau:
http://vietnammarcom.edu.vn/Portals/0/Thay-Duc-Tuan_190x190px_1.jpgTPP được xem là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bởi nó đề ra những tiêu chuẩn rất cao về thương mại, kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động… với mức giảm thuế nhập cảng gần như bằng không. Cơ hội lớn, nhưng thách thức cũng lớn đối với Việt Nam là "làm sao tận dụng được cơ hội này".
Tại bàn hội nghị ở Atlanta, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ, các Bộ Trưởng với những cuộc đàm phán thâu đêm: Lúc ngừng, lúc thì tiếp tục. Lại ngừng. Rồi chờ. Lại tiếp tục, rồi tạm hoãn. Xin ý kiến. Lại quyết tâm. Thỏa thuận nguyên tắc. Cuối cùng cũng đạt đến thỏa thuận chung. Những tiếng thở phào được thốt lên.                                 (Trần Đức Tuấn)
Một thành viên trong đoàn đàm phán Việt Nam là Nguyễn Mạnh Cường không kìm được: “Chỉ còn 40 phút nữa vào họp báo. Chỉ còn 70 phút nữa sẽ ra sân bay về Việt Nam. Vui mà sao nước mắt lại chảy ra thế này”. Cuộc họp báo dự định lúc 8 giờ tối -giờ Hà Nội- nhưng phải chờ thêm 20 phút nữa mới bắt đầu, và báo giới quốc tế cũng dành sự quan tâm không nhỏ đến Việt Nam với các vấn đề lao động, dệt may…
"Với hơn 54 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, theo con số mới nhất của Tổng Cục Thống Kê, sinh kế của nhiều người sẽ được cải thiện khi TPP mở ra cánh cửa xuất cảng rất lớn trong một thị trường chiếm đến 40% GDP toàn cầu. Dệt may chẳng hạn, hiện có hơn 6.000 doanh nghiệp, với lực lượng lao động lên đến hơn 2 triệu 500 ngàn công nhân. Những con số xuất cảng hàng chục tỷ mỹ kim đang làm nhiều người loá mắt, nhất là ngành dệt may, da giày, nông sản. Đằng sau những con số hằng chục tỷ mỹ kim đó, phần nhập cảng cũng không dưới con số đó, như vậy thì phần doanh nghiệp Việt Nam được hưởng chỉ là những đồng tiền gia công ít ỏi. Phần lời, theo một chuyên gia ngành dệt may, chính là ăn vào những đồng lương ít ỏi của công nhân, mà nếu trả lương sòng phẳng thì làm giỏi lắm cũng chỉ huề vốn thôi”.
Tác giả nhận định rằng: "..... Bài học về sự kỳ vọng quá lớn vào cây đũa thần WTO tám năm trước, vẫn còn nguyên tính thời sự. Cơ hội mở ra rất lớn, nhưng các chính sách của chính phủ không theo kịp, và khối doanh nghiệp tư nhân phải  chịu hậu quả. Trong khi doanh nghiệp FDI thì đổ xô đến Việt Nam với những ưu đãi chưa từng có. Ngành dệt may chẳng hạn, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ Tịch Hiệp Hội Dệt May Thêu Đan tại Sài Gòn, đang chứng kiến sự “hối hả” của các nhà đầu tư nước ngoài.... Quan sát cuộc đàm phán TPP cho thấy các quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand… ráo riết tìm mọi cách để bảo vệ các nhà sản xuất của họ. Còn Việt Nam thì dường như tập trung nhiều hơn đến lợi ích xuất cảng, đến doanh nghiệp nhà nước, công đoàn nhà nước… trong khi khối doanh nghiệp tư nhân có vẻ bị lãng quên. Những màu hồng đang ngự trị như tám năm trước ngay khi Việt Nam gia nhập tổ chức WTO, nhưng theo thời gian, màu hồng phai nhạt để lộ ra những khoảng màu đen, màu xám. Và giọt nước mắt mừng vui trào ra trong khoảnh khắc “chiến thắng” của TPP, biết đâu lại là dòng nước mắt tuôn rơi tủi hổ khi một lần nữa để cơ hội vụt bay, để rồi những gì còn lại là vô vàn thách thức!"
Cùng ngày 7/10/2015, Khánh An của đài VOA, phỏng vấn bà Phạm Chi Lan, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Việt Nam. Xin tóm tắt:
VOA: Thưa bà Phạm Chi Lan, khi TPP thành công, bà có nghĩ rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất không? Và tại sao?
Bà Phạm Chi Lan: Khi người ta nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất là do người ta dựa trên một vài nghiên cứu được công bố của các chuyên gia, nhất là ở Hoa Kỳ, nói rằng khi tham gia TPP thì các nước thành viên đều có thể có sự tăng trưởng về xuất cảng, về tổng sản phẩm nội địa (GDP), ..v..v …Khi so sánh với mức độ hiện nay, Việt Nam có thể có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu chỉ nhìn tỉ lệ tăng trưởng cao mà đánh giá Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất thì không đúng, không xác đáng. Việt Nam có được tỉ lệ cao, là vì Việt Nam có điểm xuất phát thấp. Ví dụ như GDP của Việt Nam hiện nay là quy mô nhỏ nhất, tính theo bình quân đầu người trong 12 nước thành viên TPP. Mỗi 1% tăng trưởng của Việt Nam là rất nhỏ so với với các thành viên của TPP.
(GDP năm 2014 tính theo đầu người, theo thứ tự cao thấp như sau: Singapore 83.066 mỹ kim. Brunei 79.690 MK.  Hoa Kỳ 54.370 MK. Australia 46.550 MK. Canada 44.967 MK. Nhật Bản 37.519 MK. New Zealand 35.305 MK. Malaysia 25.145 MK. Chile 23.957 MK. Mexico 17.950 MK. Peru 11.860 MK. Và Việt Nam 5.656 MK. (Trích trong List of Countries by GDP per Capita. Phạm Bá Hoa)
VOA: Ngoài cái lợi như cơ hội về kinh tế, FDI đổ tiền đầu tư vào nhiều hơn, nhưng có luồng dư luận nói rằng các doanh nghiệp Việt Nam có "nguy cơ chết" nhiều hơn, khi Việt Nam là thành viên TPP?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt lên là hoàn toàn có. nhưng có vượt lên được hay không, thì chính là năng lực bản thân các doanh nghiệp. Một khía cạnh khácmôi trường kinh doanh hiện nay chưa tốt. Xin nhớ là từ trước đến nay, chánh phủ Việt Nam ưu tiên số 1 dành cho quốc doanh, số 2 là cho doanh ngoại quốc, còn doanh trong nước thiệt thòi nhất. Chánh phủ hứa hẹn nhiều năm rồi, nhưng những khó khăn về môi trường kinh doanh vẫn y như cũ. Điều đó có thể làm cho một số doanh nghiệp tư nhân, chẳng những không nắm được cơ hội mở rộng xuất cảng sang các thị trường khác, mà họ phải chịu sức ép ngay trên thị trường nội địa.
VOA: Bà có nhắc đến vấn đề cải cách, theo bà, khả năng ràng buộc của TPP thì cải cách ở Việt Nam phải như thế nào?
Bà Phạm Chi Lan: Đối với tôi, điều số một ý nghĩa của TPPđòi hỏi chánh phủ Việt Nam phải cải cách thể chế, và cải cách này chính là nhu cầu tự thân của nền kinh tế Việt Nam, theo chuẩn mực chung của kinh tế thị trường theo quan niệm như các nước thành viên khác của TPP. Thách thức này là những điều kiện rất khó đối với Việt Nam. Có thể nói đây là cuộc đổi mới lần hai mà Việt Nam cần tiến hành, nhưng cuộc đổi mới này muốn thực hiện đến nơi đến chốn không phải là dễ dàng, vì nó gặp hàng loạt rào cản các mặt, kể cả suy nghĩ cũng như nhận thức của những người có thẩm quyền, đặc biệt là trở ngại bởi các nhóm lợi ích nhiều quyền lực. Việt Nam bắt đầu cải cách lần đầu cách đây 30 năm, lúc ấy đạt được sự đồng thuận vì tất cả mọi người đều có thể được hưởng lợi từ sự đổi mới. Nhưng bây giờ thì khác, vì cải cách sang một hệ thống thị trường đầy đủ hơn, minh bạch hơn, thì lợi ích của một số nhóm lợi ích hiện nay sẽ bị ảnh hưởng, cho nên họ sẽ chống lại. Thực tế hiện nay tại Việt Nam, ngay cả các vị lãnh đạo cao nhất cũng thừa nhận tình trạng ở Việt Nam có các nhóm lợi ích nổi lên làm trở ngại sự phát triển chung của đất nước....
Vẫn ngày 7/10/2015, Gia Minh của đài RFA phỏng vấn cựu tù nhân lương tâm, cũng là nhà hoạt động trong tổ chức "Lao Động Việt" là Đỗ Thị Minh Hạnh, về phát biểu của Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trong buổi họp báo chung với các quốc gia thành viên TPP tại Atlanta, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ, như sau: "Việt Nam là thành viên của tổ chức Lao Động Quốc Tế ILO, và những điều kiện về lao động đưa ra trong thỏa thuận TPP không phải chỉ riêng của Hoa Kỳ hay bất cứ nước nào khác, mà là của ILO. Việt Nam đã cam kết thực hiện các quyền và nghĩa vụ với các điều kiện của ILO. Đó là cam kết và sẵn sàng thực hiện liên quan đến các vấn đề lao động".
Cô Đỗ Thị Minh Hạnh trả lời: "... Việt Nam không những ký những văn kiện quốc tế với tư cách thành viên ILO, WTO, mà họ che mắt thế giới về sự thật trong nước bằng ngôn từ, bằng những báo cáo láo, nói với thế giới Việt Nam có công đoàn thực sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Nhưng thực tế không phải như vậy. Với lại TPP có sự khác biệt với WTO... Lao Động Việt được thành lập năm 2006 do chị Lê thị Công Nhân và một số công đoàn do anh Đoàn Huy Chương lập ra nhưng còn hạn hẹp, nên Việt Nam vẫn che mắt được thế giới. Nhưng hiện nay, Việt Nam đã có ý thức đấu tranh cho công nhân nhiều hơn, nên lãnh đạo Việt Nam khó che giấu sự thật mà họ đối đãi với công nhân như thế nào. Nếu họ không thực hiện những cam kết của họ với thế giới, thì những người đấu tranh trong nước, đặc biệt là những người đấu tranh cho nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam, chắc hẳn sẽ đưa những tin tức dối trá này ra thế giới”. 
Ngày 09/10/2015, phóng viên Trà Mi của đài VOA phỏng vấn ông Lê Văn Triết, cựu Bộ Trưởng Thương Mại Việt Nam. Xin tóm tắt như sau:
Trước khi vào vấn đáp, ông Lê Văn Triết nói rằng: "Cơ cấu kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, cần phải chuyển hóa kịp thời vì không phù hợp với TPP, cũng như xu hướng kinh tế thế giới trong thời đại toàn cầu hóa.  Việt Nam có thuận lợi ở chỗ các điểm xuất phát thấp. Giao tiếp với thị trường toàn cầu hóa, Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn ở chỗ kinh tế chưa được mở rộng và được lợi từ cắt giảm thuế, và những ưu đãi mà tự do hóa thương mại đem lại".
VOA: Theo ông, lãnh vực nào trong nền kinh tế Việt Nam sẽ được lợi nhiều nhất từ TPP và lãnh vực nào thiệt hại nhiều nhất?
Ông Lê Văn Triết: Lãnh vực được hưởng lợi là gia công hàng xuất khẩu như may mặc, nếu khéo léo và làm tốt.... Cái bất lợi của Việt Nam là phụ thuộc nguyên liệu ngoại quốc nhiều quá. Lâu nay một số nước đang chạy đua xây dựng các cơ sở chế tạo nguyên liệu, phụ liệu, bán cho Việt Nam để Việt Nam biến chế thành phẩm xuất cảng sang các nước TPP. Vậy là họ được lợi nhiều hơn, trong khi Việt Nam hưởng lợi kém họ vì kinh tế Việt Nam chỉ là gia công. Lãnh vực dễ bị tổn hại từ TPP là các sản phẩm nông nghiệp. Lãnh vực này chưa được sự bảo vệ của nhà nước từ nhiều năm qua. Do đó, khi Việt Nam mở cửa đưa nhiều mặt hàng vào với thuế suất bằng không, thì việc này sẽ tác động đến nông dân nhiều nhất.
VOA: Những điểm nào được xem là chưa phù hợp? Có phải ông muốn nói tới mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa?
Ông Lê Văn Triết: Đó là một vấn đề lớn. Ngoài ra, anh cần phải hiểu các nước có gì để anh mua mà không phải sản xuất, và hiểu các nước cần gì để anh sản xuất. Thú thật là tôi cũng không hiểu "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" là cái gì?. Bởi vì theo tôi hiểu, khái niệm kinh tế thị trường hoàn toàn khác với khái niệm kinh tế xã hội chủ nghĩa. Hai cái này không phải cứ khớp lại bằng lời nói thì nó hình thành trên thực tế được đâu. Bản chất kinh tế thị trường khác với bản chất kinh tế xã hội chủ nghĩa. Không ai nói được cho rõ nó "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là cái gì? Chính vì đặt ra kinh tế thị trường, nó phù hợp với qui luật phát triển của xã hội loài người và luật phát triển của người sản xuất cho nên "đổi mới thành côn". Nhưng chẳng bao lâu sau đó, lại thay đổi thành "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", rồi sau đó lại thêm "có sự quản lý của nhà nước" nữa. Cái đó đã dẫn nền kinh tế Việt Nam ngày nay......"  
Các Anh nghĩ gì về ông Nguyễn Mạnh Cường, một trong những thành viên của phái đoàn Việt Nam, ngay sau khi kết thúc đàm phán với sự hình thành TPP đã thốt lên rằng: "TPP vui, mà sao nước mắt lại chảy thế này?"  Vậy, nước mắt của niềm vui hay nước mắt của nỗi buồn?
Tôi nghĩ, cách nói của ông Cường chính là lời than! Nhưng tại sao lại than? Vẫn là cảm nghĩ của tôi, vì rất có thể ông Cường hiểu được những ràng buộc trong nội dung Hiệp Ước mà Việt Nam khó hội nhập, vì:
Thứ nhất. Đối với 11/12 quốc gia theo chế độ dân chủ tự do có sẳn những hệ thống tổ chức và điều hành về pháp lý, về sản xuất, kinh doanh thương mại, về dịch vụ, quan thuế, về y tế, an sinh xã hội, về bảo vệ môi trường, ..v..v..., hỗ trợ cho nền kinh tế và bảo vệ công nhân của họ phù hợp với Hiệp Ước. Từ đó, TPP sẽ giúp họ thêm những cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc nội phát triển mạnh mẽ hơn.
Thứ hai. Trong khi Việt Nam là quốc gia duy nhất theo chế độ độc tài chuyên chính, từ Quốc Hội, Chánh Phủ, và Tư Pháp đều do đảng lãnh đạo. Vì là độc tài chuyên chính, nên đảng viên vừa là Ủy Viên trung ương đảng, ủy viên trong đảng bộ cấp thành phố, cấp tỉnh, ..v..v,  lại vừa là Đại Biểu Quốc Hội, vừa giữ những chức vụ quan trọng trong chánh phủ, vừa là trong bộ máy luật pháp. Nói cách khác, dù trong ngành Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, dù trong hệ thống trường học, bệnh viện, hệ thống sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, y tế, tài chánh, xã hội, bảo vệ môi trường, bài trừ và chống tham nhũng,..v..v..., nói chung là trong mọi ngõ ngách sinh hoạt xã hội, hoàn toàn do Bộ Chính Trị lãnh đạo và điều hành. Không một tổ chức nào dù lớn dù nhỏ trong xã hội mà không có tổ chức đảng trong đó với vai trò lãnh đạo. Vì vậy mà từ hệ thống tổ chức đến điều hành các lãnh vực hoạt động toàn xã hội Việt Nam, không thích hợp với nội dung TPP.
Vậy, nếu muốn phát triển với những cánh cửa thương mại xuyên Thái Bình Dương mở rộng   khi TPP chánh thức có hiệu lực, chế độ độc tài chuyên chính tại Việt Nam phải thay đổi để thích ứng với TPP, và từ đó quốc gia có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Nhưng liệu thời gian có ngưng lại để chờ lãnh đạo Việt Cộng thay đổi không? Tôi tin là sẽ vô cùng khó khăn để giành lấy thời gian cho sự thay đổi kịp thời, nếu có. Nhưng tôi không tin lãnh đạo Việt Cộng chấp nhận thay đổi từ độc tài chuyên chính sang dân chủ tự do. Cho dẫu nếu có,  thì họ sẽ tìm mọi cách vừa trì hoãn vừa ra vẽ như đang chuyển đổi, mà là họ chuyển đổi nửa vời. Vì nếu chế độ cộng sản độc tài chuyên chính biến mất thì quyền lực và quyền lợi của họ cũng biến mất, thậm chí là bản thân họ cũng có thể biến mất do chính đồng chí và đồng bào của họ.
Tôi muốn nói đến quy luật tự nhiên của mỗi chúng ta trong cuộc sống: "Người  làm điều tốt sẽ nhận lại điều tốt hơn, người làm điều xấu sẽ nhận lại điều xấu hơn. Cũng như vòng tròn khép kín trong cuộc sống của mỗi chúng ta: Từ lúc sinh ra - lớn lên - học hành thành đạt-  vào đời - với những thành công lẫn thất bại trong xã hội - rồi đến già nua bệnh hoạn - và chết, là một qui luật tuyệt đối không ngoại lệ".       
Trở lại với "kinh tế thị theo định hướng xã hội chủ nghĩa" mà cựu Bộ Trưởng Thương Mại Lê Văn Triết đã thú nhận rằng: " Tôi cũng không hiểu kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa"cái nữa? Rồi Ông Triết khuyến cáo lãnh đạo Việt Cộng rằng: "Cơ cấu kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, cần phải chuyển hóa kịp thời vì không phù hợp với TPP cũng như xu hướng kinh tế thế giới trong thời đại toàn cầu hóa. Trong khi nữ chuyên gia Phạm Chi Lan mạnh dạn nói rằng: "Chính các nhóm lợi ích nổi lên đã cản trở scủa phát triển của đất nước.
Đọc xong, Các Anh cố gắng nhìn lại những gì liên quan nội dung này trong thời gian qua, rồi suy ngẫm xem có đúng không? Và Các Anh thử đặt mình vào vị trí nếu Các Anh là những người lãnh đạo, thì Các Anh phải làm gì để đưa đất nước phát triển trong sự hòa nhập vào thế giới dân chủ tự do, mà trong đó người dân được tôn trọng và bảo vệ của bộ máy lãnh đạo và quản trị quốc gia?    
Thứ ba. Một hiệp ước thương mại khác.
Ngày 4/10/2015, cuộc đàm phán TPP đạt kết quả, trong khi Trung Cộng -quốc gia cũng bên ven bờ Thái Bình Dương- nhưng bị đứng bên ngoài, phải chăng vì vậy mà Trung Cộng vội vã tìm cách tập hợp các quốc gia Châu Á trong vùng để ký một thỏa ước cạnh tranh với TPP? Bắc Kinh đóng vai chủ chốt trong việc mời gọi tham gia vào thỏa thuận có tên gọi Regional Comprehensive Economic Partnership", gọi tắt bằng Anh ngữ là RCEP, quy tụ 16 quốc gia trao đổi mậu dịch tự do trong khu vực có đến 3 tỷ 400 triệu người. Trong 16 quốc gia đó, có 7 quốc gia vừa là thành viên của TPP, vừa là thành viên của RCEP, là: Australia, Brunei, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, và Việt Nam. 
Tu Xinquan, một giáo sư kinh tế ở Bắc Kinh, nhận định: "Sức cạnh tranh về công nghiệp của Trung Cộng sẽ bị các quốc gia trong khối TPP như Việt Nam lấn lướt, vì Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Mỹ và nhiều xứ khác dễ dàng hơn". Giáo sư Tu nói tiếp: “Thật ra giữa TPP và RCEP không có kình địch mạnh mẽ, nhưng phải nói sức ép của TPP quá lớn, khiến chúng tôi cần nhanh chóng thỏa thuận với nhau để RCEP ra đời".
Phải chăng, Việt Nam tham gia TPP với nhiều khó khăn mới có thể hội nhập được thị trường mở rộng giữa 12 quốc gia hai ven bờ Thái Bình Dương, nên Việt Nam lại tham gia RCEP vì dễ hội nhập chăng? Tôi nghĩ, nếu Việt Nam chánh thức là thành viên của RCEP, thì xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục mở cửa cho "hàng hóa với  hóa chất độc hại " của Trung Cộng tràn vào. Vậy là, con số 51 làng ung thư hiện nay tại Việt Nam hiện nay sẽ tăng thêm bao nhiêu nữa đây?  
Kết luận.
Đến đây, tôi nghĩ là trong mức độ nào đó, Các Anh cũng nhận ra “Chân Dung Xã Hội Việt Nam Ngày Nay” về nguyên nhân chính đã cản trở bước phát triển của đất nước.  Vì vậy mà tôi gởi sự suy nghĩ này đến Các Anh, hãy bình tâm nhận định một chuỗi sự kiện mà  Các Anh vừa đọc qua, và suy nghĩ từ chiều sâu tâm hồn của chính mình chớ không phải tâm hồn của người đảng viên cộng sản. Mong Các Anh đừng đứng nhìn một cách vô cảm nữa, và hãy nhìn tấm lịch treo trên tường mà thời gian đang là tháng 11 của năm 2015, chỉ còn 5 năm nữa thôi, Các Anh và 90 triệu đồng bào trên quê hương Việt Nam sẽ nhận thẻ "Chứng Minh Nhân Dân" bằng tiếng Tàu đó! 
Các Anh hãy nhớ, ông Nguyễn Thứ Lữ, 50 tuổi đảng, đã nhắn nhủ Các Anh rằng: “Chúng tôi tha thiết kêu gọi các sĩ quan trong Quân Đội Nhân Dân Việt Nam hãy thức tĩnh, hãy nhận xét sự việc và hãy nhận chân sự thật. Chỉ có các bạn mới có hoàn cảnh làm nên lịch sử!"
Và hãy nhớ, “Tự do không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng.
Texas, tháng 11 năm 2015
Phạm Bá Hoa
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

 ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
__._,_.___

Posted by: "Nhat Lung" 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin Cuối Ngày 20/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link