---------- Forwarded message ----------
From: khai tran
From: khai tran
----- Forwarded Message -----
From:
Sent: Thursday, April 14, 2016 12:49 PM
From:
Sent: Thursday, April 14, 2016 12:49 PM
LTG: Sau khi chúng tôi phổ biến bài
“Hàng Tướng Dương Văn Minh”, nhiều độc giả đã viết thư yêu cầu nói rõ hơn về
chuyện đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh, vì các tài liệu đều viết khác nhau,
nhất là tài liệu của Việt Cộng. Vì thế chúng tôi xin công bố thêm nhiều chi
tiết quan trọng liên quan đến vụ đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh, kể cả
trường hợp của Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, để làm sáng tỏ lịch sử. Một phần tài
liệu trong bài này đã được công bố trong bài trước.
Nhưng chúng tôi xin
nói rõ đây không phải là toàn bộ tài liệu về cuộc đầu hàng. Khi nào chúng tôi
cho xuất bản cuốn “Tại sao Mỹ bỏ miền Nam?”, độc giả sẽ có tài liện đầy đủ
hơn.
*
Vào tháng 4 năm 1975,
Hoa Kỳ thấy tình hình miền Nam Việt Nam không còn cứu vãn được, nên đã sắp
xếp cho chính quyền miền Nam đầu hàng Bắc Việt để tránh sự đổ máu quá nhiều.
Biết Tướng Dương Văn Minh có liên lạc với Việt Cộng và đi theo nhóm chủ
trương “hoà giải hoà hợp” giữa hai bên, Đại Sứ Martin của Mỹ đã phối hợp với
Đại Sứ Merillon của Pháp thuyết phục Tướng Thiệu từ chức và lừa Tướng Dương
Văn Minh ra làm hàng tướng bằng cách tạo cho ông một ảo vọng rằng chỉ có ông
mới có thể nói chuyện với “phía bên kia” để hình thành một “chính phủ liên
hiệp Quốc – Cộng!”
1.- Đưa tay chân và
lực lượng Không Quân, Hải Quân ra khỏi Việt Nam
Thủ Tướng Tướng Trần
Thiện Khiêm, một nhân viên tình báo gộc của CIA, chắc chắn đã được báo tin
tình hình không còn cứu vãn được, nên ngày 4.4.1975 ông đã tìm cách “bán cái”
chức Thủ Tướng cho ông Nguyễn Bá Cẩn, Chủ Tịch Hạ Nghị Viện, để chạy. Ông Cẩn
không biết gì về tình hình, nên cắn câu! Ngày 14.4.1975, Chính Phủ Nguyễn Bá
Cẩn ra mắt do ông Nguyễn Bá Cẩn làm Thủ Tướng, Trung Tướng Trần Văn Đôn làm
Đệ Nhất Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng; Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hảo, Đệ
Nhị Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Canh Nông và Kỹ Nghệ; Kỹ Sư Dương Kích
Dưỡng, Đệ Tam Phó Thủ Tướng đặc trách về Cứu Trợ và Định Cư, v.v.
Ngày 21.4.1975 Tổng
Thống Thiệu bị cưởng ép phải từ chức và nhường chức Tổng Thống lại cho Phó
Tổng Thống Trần Văn Hương. Mất nơi nương tựa, ngày 23.4.1975, ông Nguyễn Bá
Cẩn nộp đơn xin Tổng Thống Hương cho ông từ chức Thủ Tướng.
Tối 25.4.1975 CIA đã đẩy
hai tay chân bộ hạ của mình là Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Trần Thiện
Khiêm lên chiếc C-118 của Không Quân Hoa Kỳ bay đi Đài Loan. Sau đó, theo lời
yêu cầu của ông Nguyễn Bá Cẩn, tối 28.4.1975 người Mỹ cũng đã đẩy ông lên một
chiếc C.130 đang nổ máy với nhiều người khác đã ngồi chờ sẵn, đưa ông đi
Honolulu.
Ngày 26.4.1975, khi
thấy tình hình đã đi vào giai đoạn cuối, cơ quan ĐAO đã bí mật khuyến cáo
Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH, ra lệnh cho Không
Quân và Hải Quân rời khỏi Việt Nam để các phi cơ và chiến hạm khỏi rơi và tay
địch.
Với Không Quân, vấn đề
không khó khăn lắm: Chỉ cần ra lệnh cho Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh
Không Quân, dời Sư Đoàn 5 Không Quân Tân Sơn Nhất và Sư Đoàn 3 Không Quân
Biên Hòa xuống căn cứ Sư Đoàn 4 Không Quân tại Trà Nóc, ở Cần Thơ. Khi Dương
Văn Minh tuyên bố đầu hàng, các phi công có thể lái máy bay bay qua căn cứ
Utapao của Không Quân Hoa Kỳ ở Thái Lan. Nhân cơ hội di tản này, nhiều phi
công đã lái phi cơ các loại bay qua Thái Lan.
Với Hải Quân, vì lực
lượng này rất cộng kềng, nên việc di tản sẽ gặp khó khăn và có thể gây hổn
loạn nếu không được tổ chức chu đáo. Cơ quan DAO đã cho cựu Thiếu Tá Richard
Armitage, tùy viên viên quân sự Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, đến phối hợp với Phó Đề
Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân, lo tổ chức, đôn đốc và theo dõi việc di
tản an toàn lực lượng Hải Quân ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu của cuộc
di tản được thông báo cho các thuộc quốc là đi xuống miền Tây hay Phú Quốc.
Phó Đề Đốc Chung Tấn Cang mới được Tổng Thống Thiệu cử làm Tư Lệnh Hải Quân
vào ngày 24.3.1975 thay thế Phó Đề Đốc Lâm Nguôn Tánh.
Chiều 26.4.1975, Đại
Tá Nguyễn Xuân Sơn, Tư Lệnh Hạm Đội, đã vội báo tin này cho các hạm trưởng
biết. Ông nói phải “chuẩn bị tinh thần vì có thể di chuyển về Phú Quốc.” Ngày
28.4.1975 ông đã bị mất chức.
Vào sáng sớm ngày
29.4.1975, một cuộc họp mật của tham mưu cao cấp đã được tổ chức tại Bộ Tư
Lệnh Hải Quân. Phó Đề Đốc Cang cho biết rằng nếu không có một phản lệnh nào
khác, toàn bộ Hạm Đội sẽ rời Bộ Tư Lệnh ở Sài Gòn vào lúc 0 giờ tối 29 rạng
30.4.1975. Các hạm trưởng chuẩn bị thi hành. Tuy nhiên, cũng có chiến hạm đã
lên đường trước giờ ấn định.
Phó Đề Đốc Cang đã
liên lạc với Bộ Tổng Tham Mưu và Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến Cổ Tấn Tinh Châu,
chỉ huy trưởng Đặc Khu Rừng Sát và Thủy Trình sông Lòng Tảo – Vàm Cỏ, yêu cầu
giữ an ninh cho đoàn chiến hạm có thể di chuyển an toàn trên sông Sài Gòn
trong vòng vài giờ để ra khơi. Các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ cũng được phái đến
để bảo vệ cho cuộc di tản này.
Lúc 5 giờ chiều
29.4.1875, Phó Đề Đốc Chung Tấn Cang tuyên bố giải tán Hải Quân VNCH, nhưng
lực lượng Hải Quân vẫn giữ nguyên đội hình khi ra khơi. Tối hôm đó, khi biết
được Đề Đốc Chung Tấn Cang đã giải tán Hải Quân VNCH và dẫn lực lượng Hải
Quân rời khỏi Sài Gòn, Tổng Thống Dương Văn Minh đã cấp thời ra khẩu lệnh cử
Hải Quân Đại Tá Nguyễn Văn Tấn hành xử quyền Tư Lệnh Hải Quân. Đại Tá Hải đã
ở lại và sau khi Sài Gòn mất, ông phải đi tù.
Như vậy, người Mỹ đã
giải thoát cho các tay chân bộ hạ của họ, đưa các phi cơ và chiến hạm đi, để
một miền Nam đang hấp hối lại cho Tướng Dương Văn Minh và nhóm của ông,
gồm những thành phần phản chiến, luôn đòi hoà hợp hoà giải với Cộng Sản như
Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Vũ Văn Mẫu, Trần Ngọc Liễng, Hồ Văn Minh,
Hồng Sơn Đông, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Nguyễn Hữu Chung, Lý Quí Chung,
Lý Chánh Trung, v.v.
2.- Ép Phó Tổng Thống
Hương trao quyền
Trong cuốn “Decent
Interval”, Frank Snepp, một phân tích viên của CIA ở Saigon lúc đó, nói rằng
tại miền Nam lúc đó không ai tin Hà Nội có thể chấp nhận một giải pháp chính
trị khi họ đang trên đà chiến thắng. Ông Vũ Văn Mẫu cũng đã nhận ra được điều
đó nên khi gặp Đại Sứ Merillon, ông đã nói với ông Đại Sứ bằng tiếng Latin
rằng nếu giải pháp một chính phủ liên hiệp không thành thì xin giúp ông được
ra đi!
Frank Snepp cho biết
thêm:
“Khi tôi đang bận đánh máy bản báo cáo thì Polgar ở trong phòng riêng với các viên chức khác của Trạm Tình Báo (Toà Đại Sứ) thảo luận về việc chuyển giao nhanh quyền hành. Một khi Thiệu từ chức, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương phải trao quyền hành ngay lập tức cho Minh “Lớn”, và Quốc Hội phải sẵn sàng chấp thuận sự chuyển giao, để sự chuyển giao đó có thể được thực hiện “một cách hợp hiến” (nhấn mạnh của Đại Sứ Martin) và “nhanh chóng”.
Tiếp theo, Mỹ thúc đẩy
Phó Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền lại cho Tướng Dương Văn Minh để
“thương lượng với phía bên kia”, nhưng thật sự là để tuyên bố đầu hàng. Ông
Trần Văn Hương không hiểu gì về tình hình lúc đó nên tìm cách cù cưa. Ông bí
mật đến gặp Tướng Minh và yêu cầu Tướng Minh làm Thủ Tướng, nhưng Tướng Minh
từ chối. Tuy nhiên, CIA và một số nhân vật chính trị đã thuyết phục ông rằng về
quân sự, tình hình không còn cứu vãn được, phải tìm một giải pháp chính trị.
Nhưng MTGPMN chỉ chịu nói chuyện với Dương Văn Minh, chứ không chịu nói
chuyện với bất cứ ai, nên ông phải trao quyền cho Dương Văn Minh ngay. Cuối
cùng ông cũng đồng ý trao quyền cho Tướng Minh với điều kiện phải có sự quyết
định của Quốc Hội. Nếu nói thật với ông Hương rằng trao quyền cho Dương Văn
Minh để đầu hàng, chắc chắn ông không bao giờ giao. Một câu nói của ông trong
bản tuyên bố trao quyền thường được nhiều người nhắc đến: “Nguyện vọng lớn
lao nhất của đời tôi là được làm một hạ sĩ danh dự, chết bên cạnh các chiến
sĩ.”
Ngày 26.4.1975 lưỡng
viện Quốc Hội đã họp tại Thượng Viện dưới quyền chủ toạ của ông Trần Văn Lắm,
Chủ Tịch Thượng Viện, để đưa Tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống. Có 136
trong số 219 nghị sĩ và dân biểu đến họp. Sau khi Đại Tướng Cao Văn Viên,
Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH, và Tướng Nguyễn Khắc Bình, Tổng Giám Đốc
CSQG trình bày về tình hình, Quốc Hội bắt đầu thảo luận về việc trao quyền
cho Tướng Dương Văn Minh. Có rất nhiều sự bất đồng về việc trao quyền, nhiều
người cho rằng sự trao quyền này là bất hợp hiến. Nhưng các nhóm vận động hậu
trường đã hoạt động rất ráo riết nên cuối cùng, lúc 20 giờ 54 phút, Quốc Hội
đã biểu quyết chấp thuận trao quyền cho Tướng Dương Văn Minh với số phiếu
147/151.
3.- Tướng Minh nắm
chính quyền
Chiều 28.4.1975, vào
lúc 17 giờ 50, Tướng Dương Văn Minh đã nhận chức Tổng Thống. Lễ bàn giao được
diễn ra tại Phòng Khánh Tiết của Dinh Độc Lập, có trực tiếp truyền thanh.
Đại diện Quân Lực VNCH
tham dự lễ bàn giao có Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Liên Quân
thay mặt Đại Tướng Cao Văn Viên, và Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không
Quân.
Trước khi bước xuống
bục để nhường chỗ cho Tướng Dương Văn Minh đọc diễn văn nhận chức, theo lời
yêu cầu của Tướng Cao Văn Viên, Tổng Thống Trần Văn Hương đã công bố sắc lệnh
giải nhiệm Đại Tướng Cao Văn Viên khỏi chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng.
Tướng Dương Văn Minh
đã buớc lên bực, trầm tĩnh đọc bản tuyên bố đường lối của chính phủ ông là
“sẽ chấm dứt chiến tranh bằng cách thương thuyết và hòa giải với Mặt Trận
Giải Phóng Miền Nam”.
Sau nghi lễ nhận chức,
Tổng Thống Dương Văn Minh đã giới thiệu ông Nguyễn Văn Huyền làm Phó Tổng
Thống và ông Vũ Văn Mẫu làm Thủ Tướng.
4.- Chỉnh đốn lại Bộ
Tổng Tham Mưu
Cũng trong chiều 28,
Phó Đề Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân, đã vào Dinh Hoa Lan gặp Tướng
Minh cho biết tình hình và xin cho lực lượng Hải Quân được di tản xuống Miền
Tây hay ra Phú Quốc. Tướng Minh đồng ý.
Phó Đề Đốc Cang hỏi
Tướng Minh có định ra đi hay không. Tướng Minh cho con gái là Dương Mai, con
rễ là Đại Tá Nguyễn Hồng Đài và hai cháu ngoại lên tàu di tản với Đô Đốc
Cang, còn ông và bà Minh ở lại.
Phó Đề Đốc Cang là
người rất được Tướng Minh tin cậy. Chúng ta nhớ lại, sáng 1.1.1963, sau khi
ra lệnh giết Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân, lúc 1 giờ 30, Trung Tướng
Dương Văn Minh đã ra lệnh cho Trung Tá Chung Tấn Cang, một người được móc nối
từ trước, đem đoàn chiến đĩnh đến chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Chung Tấn Cang
đứng trên chiếc Monitor Combat (Tiền Phong Đĩnh) do Trung Sĩ Thạch Sơn lái và
ra lệnh cặp vào cầu tàu Tư Lệnh. Sau đó ông lên Văn Phòng Tư Lệnh đảm nhiệm
vai trò Tư Lệnh Hải Quân. Hôm sau, 2.11.1963, Trung Tá Cang được thăng Đại
Tá.
Ngay trong chiều
28.4.1975, Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, đã ra đi cùng với
Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ, Trưởng Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu (phòng hành quân).
Sáng 29.4.1975, Trung
Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Liên Quân kiêm Tổng Cục Trưởng Tiếp
Vận, và Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô cũng biến mất.
Được tin này, Dương
Văn Minh yêu cầu Trung Tướng Vĩnh Lộc làm Tổng Tham Mưu Trưởng, nhưng Tướng
Lộc đề nghị giao chức này cho Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Tướng Minh từ
chối với lý do Tướng Trưởng mới bỏ chạy khỏi Vùng I đang gây hoang mang. Cuối
cùng Tướng Lộc nhận. Tướng Minh liền tạm thời chỉnh đốn lại Bộ Tổng Tham Mưu
như sau:
Trung Tướng Vĩnh Lộc: Tổng Tham Mưu Trưởng. Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh: Phụ Tá Tổng Tham Mưu Trưởng đặc trách hành quân. Trung Tướng Trần Văn Trung: Phụ Trách về Chiến Tranh Chính Trị. Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Chức: Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận. Đại Tá Hồ Ngọc Nhân: Quyền Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Thiếu Tướng Lâm Văn Phát: Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Chuẩn Tướng Lê Văn Thân, Tư Lệnh Phó.
5.- Trường hợp của
Tướng Nguyễn Hữu Hạnh
Ở đây cần nói thêm một
số chi tiết về vụ Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, một nhân vật có nhiều tranh
luận:
Tướng Hạnh sinh năm 1923 tại ấp Phú Thuận, xã Phú Phong, quận Châu Thành, Mỹ Tho, đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong Quân Lực VNCH như Tư lệnh phó sư đoàn 21 bộ binh tại Bạc Liêu (1967), Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 4 và Quân Khu 4, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 2 và Quân Khu 2 (thời Tướng Ngô Dzu), và Tổng Thanh Tra Quân Đoàn 1 và Quân Khu 1. Năm 1974 ông về hưu sau 27 năm trong quân ngũ. Ông có hai người con gia nhập quân đội VNCH, đó là Thiếu Úy Nguyễn Hữu Tài và Thiếu Úy Nguyễn Hữu Năng: Thiếu Úy Nguyễn Hữu Tài sinh năm 1948, là phi công trực thăng, bị Việt Cộng bắn hạ và tử thương tại Vĩnh Kim. Còn Thiếu Úy Năng là tuỳ viên của ông.
Khi Đại Tá Dương Văn
Minh làm Quân Trấn Trưởng Sài Gòn (1955), ông làm Tham Mưu Trường cho Tướng
Minh nên rất thân với Tướng Minh. Theo ông kể lại, hôm 26.4.1975 ông nghe tin
Tướng Minh đang được đưa lên làm Tổng Thống, ông liền gọi điện thoại cho
Trung Tá Đẩu, Chánh Văn Phòng của Tướng Minh. Trung Tá Đẩu cho biết Tướng
Minh muốn gặp ông, nhưng ông nên đến Sài Gòn vào ngày 29.4.1975.
Ngày 28.4.1975 Tướng
Hạnh lên Sài Gòn, nhưng lúc 6 giờ 30 sáng 29 ông mới đến nhà Tướng Minh ở số
3 đường Trấn Qúy Cáp, Sài Gòn. Sau một thời gian ngồi chờ khá lâu, Tướng Minh
thấy ông và bảo Trung Tá Đẩu làm giấy cử Tướng Hạnh đến xem xét tình hình tại
Bộ Tổng Tham Mưu. Khi đến, ông không liên lạc được với Không Quân và Hải
Quân. Ông chỉ liên lạc được với Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn 3.
Tướng Toàn cho biết tình hình nguy ngập và ông muốn dời Bộ Tư Lệnh về Trường
Thiết Giáp ở Gò Vấp. Sau đó, chiều 29 Tướng Toàn cũng ra đi.
Tài liệu của Việt Cộng
cho biết từ năm 1970, vì bất mãn với chính quyền miền Nam chẳng những không
thăng thưởng đúng với công lao của ông mà còn trù dập, Nguyễn Hữu Hạnh đã
được ông Tám móc nối để trở thành cơ sở của Ban Binh Vận Mặt Trận Dân Tộc
Giải Phóng Miền Nam, với bí danh S7 hoặc Sao Mai. Nhưng các tài liệu của Việt
Cộng lại mô tả các hoạt động địch vận của ông như những chuyện hoang đường.
Nguyễn Hữu Hạnh đã
được nhà cầm quyền CSVN tặng thưởng Huân Chương Thành Đồng và được bầu làm Ủy
Viên Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, nhưng vấn đề của Tướng Hạnh còn
phải được xem lại, vì Việt Cộng thường đưa ra những chuyện huyền thoại về
hoạt động tình báo của họ tại miền Nam để che đậy những thất bại về tình báo của
họ, như trường hợp Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, v.v.
6.- Yêu cầu cơ quan
DAO rời Việt Nam
Vào lúc 11 giờ 30, ông
Vũ Văn Mẫu được Tổng Thống Dương Văn Minh chọn làm Thủ Tướng đã chính thức
nhận chức tại Phủ Thủ Tướng. Vì Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn đã rời Việt Nam nên
Phó Thủ Tướng Đôn thay mặt bàn giao cho tân Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu. Ngay sau
đó, ông Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh Sài Gòn đọc công hàm của Tổng Thống
Dương Văn Minh yêu cầu các nhân viên Cơ Quan Tùy Viên Quân Sự (DAO) thuộc Toà
Đại Sứ Mỹ rút khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ kể từ ngày 29.4.1975.
Nguyên văn công hàm đó như sau:
“Thưa ông Đại Sứ, “Tôi trân trọng yêu cầu ông Đại Sứ vui lòng ra chỉ thị cho các nhân viên của Cơ Quan Tùy Viên Quốc Phòng DAO rời khỏi Việt Nam trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29.4.1975 để vấn đề Hoà Bình Việt Nam sớm được giải quyết.”
Mặc dầu công hàm này
có đóng chữ “MẬT” ở trên, nhưng lại công bố cho cả nước biết, có lẽ để cho Hà
Nội nghe!
Đại Sứ Martin liền thông báo cho Tổng Thống Minh rằng ông “đã chỉ thị như ngài yêu cầu”. Ông yêu cầu Tổng Thống Minh ra lệnh cho quân đội VNCH làm dễ dàng cho việc di chuyển các nhân viên DAO.
Ngoại Trưởng Kissinger
nói rằng lời yêu cầu như vậy là để cho Mỹ có cái “danh chính ngôn thuận” ra
đi.
Sau này người ta mới
biết được Tổng Thống Dương Văn Minh đã gởi công hàm nói trên theo lời yêu cầu
của Đại Sứ Martin!
7.- Một đêm dài vô tận
Đêm 29.4.1975, Tướng
Minh vào ngũ trong Dinh Độc Lập để tránh pháo kích.
Ông Vũ Ánh, Chánh Sự
Vụ Sở Thời Sự Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia, lúc đó đang ở đài phát thanh
Sài Gòn, cho biết từ mồng 1 tháng tư, theo lệnh của vị Hệ Thống Trưởng cuối
cùng của Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia là Thiếu Tá Nguyễn Văn Thăng (Không
Quân), ông đã ăn ngủ ngay ở trong Đài Phát Thanh Saigon để ứng trực và điều
động các biên tập viên làm công việc trong tình hình có biến động. Khoảng 4
giờ sáng, khi ông vừa mới chợp mắt một chút, người thư ký trực báo cho biết
có điện thoại của Tổng Thống Dương Văn Minh trong văn phòng Hệ Thống Trưởng.
Ông vội chạy vào. Đầu dây bên kia tiếng của Dương Văn Minh:
– Qua là Minh đây. Trong Đài ai là người cao cấp nhất vào lúc này? – Thưa Tổng Thống, không có ai ngoại trừ tôi, một số phóng viên, biện tập viên và nhân viên kỹ thuật. – Qua hỏi để là hỏi thôi, giờ này họ bỏ đi hết rồi. Có tin tức gì mới liên quan đến Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ trên những bản tin viễn ấn không?
Tôi đáp không, ngoại
trừ một bản tin rất ngắn của hãng thông tấn UPI cho biết mọi liên lạc giữa
Tòa Đại Sứ Mỹ và chính phủ Vũ Văn Mẫu bị cắt đứt…
Lúc đó, Tướng Minh chỉ
còn hy vọng vào Thượng Tọa Thích Trí Quang, người hứa sẽ đưa người “phía bên
kia” đến thương lượng để thành lập chính phủ liên hiệp. Thỉnh thoảng ông lại
gọi điện thoại hỏi Thích Trí Quang về tình hình liên lạc với “phía bên kia”
như thế nào. Trung Tướng Nguyễn Hữu Có kể lại, lúc 4 giờ 35 sáng 30.4.1975,
Thích Trí Quang đã nói với Dương Văn Minh qua điện thoại:
“Thưa Tổng Thống, cũng như Tổng Thống là tôi vẫn chờ đến giờ nầy và theo tôi nghĩ có lẽ với tình thề hiện tại, trong sứ mạng của tôi, người đứng trung gian bắc nhịp cầu của thế cờ chính trị, có thể nói là chấm dứt. Với trọng trách là Tổng Thống, hơn nữa là một Đại Tướng, tôi nghĩ công việc phải nhờ vào tài quân sự của Đại Tướng, chứ giải pháp chính trị của tôi coi như chấm dứt, và từ giờ phút này nếu có chuyện gì xẩy đến thì mọi trách nhiệm đều do Tổng Thống, à quên Đại Tướng quyết định với giải pháp quân sự, mà trong lãnh vực này Đại Tướng rất rành và giỏi hơn tôi. Xin chào Tổng Thống…”
Dương Văn Minh chỉ trả
lời gọn một câu: “Thầy giết tôi rồi!” và cúp máy điện thoại.
Lúc đó là 4 giờ 45
phút sáng.
Frank Snepp kể lại,
sau đó Tướng Minh đi đi lại lại một cách bực dọc (nervously) trong Dinh Độc
Lập trống vắng. Đoàn sứ giả đi thương lượng ở Tân Sơn Nhứt không thấy về. Có
người khuyên ông nên tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, nhưng ông không đồng ý.
Ông nói rất nhiều đồng bào của ông sẽ khinh ông. (Too many of his countrymen
would think ill of him). Ông muốn hoản lại chuyện này cho đến khi nội các
được thành lập. Khi đó ít ra những người khác phải chia xẻ sự sỉ nhục.
8.- Những giờ tuyệt
vọng
Lúc 5 giờ 24 phút,
Kenneth Moorefield, trợ tá của Đại Sứ Martin, người Mỹ cuối cùng ở Toà Đại Sứ
Mỹ đã rời khỏi Việt Nam. Ông kể lại rằng từ cửa sổ của máy bay, ông thấy
nhiều người Việt Nam di tản đang còn đợi ở sân Toà Đại Sứ ở dưới. Ông phát
biểu cảm tưởng:
“Chúng tôi bay trên bầu trời Sài Gòn, tôi cố ghi trong đầu một ấn tượng cuối cùng về thành phố lúc bấy giờ. Tôi nhớ tôi nghĩ nó gióng như một vùng ngoại ô của nước Mỹ. Tất cả đều phẳng lặng và bình yên, trừ một vài đám cháy ở đàng xa.”
Lúc 8 giờ, Tướng Minh
đến Phủ Thủ Tướng ở số 7 đường Thống Nhất để duyệt lại thành phần chính phủ
của Vũ Văn Mẫu và xem xét tình hình. Thành phần chính phủ mới được tạm thời
ấn định như sau:
Tổng Thống: Dương Văn Minh, Phó Tổng Thống: Nguyễn Văn Huyền, Chính Phủ Vũ Văn Mẫu: Thủ Tướng: Vũ Văn Mẫu, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng: Giáo sư Bùi Tường Huân. Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng: Trung Tướng Nguyễn Hữu Có. Bộ Trưởng Thông Tin: Lý Quí Chung, Thứ Trưởng Thông Tin: Dương Văn Ba, Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng: Thái Lăng Nghiêm, Bộ Trưởng Tư Pháp: Trần Thúc Linh, Tổng Giám Đốc CSQG: Luật sư Triệu Quốc Mạnh. Giáo Sư Bùi Tường Huân, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng của chính phủ Vũ Văn Mẫu, đã kể lui kể tới với chúng tôi nhiều lần khi cùng bị giam chung ở trại Long Thành sau ngày 30.4.1975:
Sáng 30.4.1975, khi
tân Nội Các họp tại Dinh Thủ Tướng để chuẩn bị đến Dinh Độc Lập làm lễ ra mắt
thì Dương Văn Minh có bảo ông và Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Phụ Tá Tổng
Trưởng Quốc Phòng, liên lạc với Bộ Tổng Tham Mưu xem tình hình quân sự như
thế nào. Tướng Có gọi điện thoại đến Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng nhưng
không ai trả lời. Một lúc sau, có một người nhấc điện thoại lên. Tướng Có hỏi
anh ta là ai. Anh ta trả lời anh là một Trung Sĩ làm việc trong Bộ Tổng Tham
Mưu, đi ngang nghe điện thoại reo dữ quá, anh đến nhắc lên xem có chuyện gì
không, vì trong Văn Phòng Tổng Tham Mưu không còn ai cả. Tướng Có nhờ anh ta
ra xem xung quanh có sĩ quan nào cao cấp còn đứng đó không. Anh ta đi một
vòng thì thấy có cựu Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh.
Anh liền báo tin cho
Tướng Có biết. Dương Văn Minh nghe được, liền bảo gọi cựu Chuẫn Tướng Hạnh
đến nói chuyện với ông. Khi nói chuyện với Tướng Hạnh, Dương Văn Minh mới
biết Tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham Mưu Trưởng đã đi lúc 5 giờ 30 sáng rồi. Tướng
Lâm Văn Phát, Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô cũng đã biến mất. Tướng Minh yêu cầu
Tướng Hạnh đến Phủ Thủ Tướng ngay.
9.- Yêu cầu “không nổ
súng…”
Khoảng 9 giờ 30, khi
Tướng Hạnh đến báo cáo tình hình không còn gì để hy vọng nữa, Dương Văn Minh
bàn với nội các rồi quyết định đầu hàng. Ông yêu cầu đài phát thanh Sài Gòn
cử ngừơi sang số 7 đường Thống Nhất để thu thanh một lời hiệu triệu rất quan
trọng. Ông Vũ Ánh, Chánh Sự Vụ Sở Thời Sự Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia,
đang có mặt ở đài, đã cử phóng viên Lê Phú Bổn và kỹ thuật viên Hồ Ổn đi làm
công tác này.
Lời kêu gọi do Thủ
Tướng Vũ Văn Mẫu soạn thảo, nhưng khi Tướng Minh đọc, vì quá xúc động, bị vấp
nhiều chỗ phải thu đi thu lại đến 3 lần. Lúc 10 giờ 15, cuốn băng này đã được
phát trên đài phát thanh Sài Gòn. Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi các lực
lượng của VNCH “không nổ súng và ở đâu ở đó” để bàn giao chính quyền cho
Chính Phủ Cách Mạng. Nguyên văn lời kêu gọi đó như sau:
“Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự, tránh đổ máu vô ích của đồng bào”.
Ông cũng bảo Tướng
Hạnh lấy tư cách Phụ Tá Tổng Tham Mưu Trưởng đọc nhật lệnh ra lệnh cho tất cả
các đơn vị còn lại buông súng. Nhật lệnh của Tướng Hạnh như sau:
“Tổng Thống đã quyết định bàn giao chính quyền. Yêu cầu các đơn vị buông súng, trực tiếp tiếp xúc với lực lượng của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời đối diện để trao lãnh thổ. Cố gắng tránh đổ máu.”
Sau đó Tướng Minh và
nội các trở về Dinh Độc Lập để đợi “phía bên kia” vào và bàn giao. Trong khi
đó, các quan khách đã được mời đến Dinh Độc Lập từ 9 giờ sáng để dự lễ ra mắt
chính phủ mới.
10.- Tuyên bố đầu hàng
vô điều kiện
Lúc 11 giờ 30, chiếc
xe tăng Cộng Sản đầu tiên loại T-54 thuộc Lữ đoàn thiết giáp 203 tiến trên
đại lộ Thống Nhứt về phía Dinh Độc Lập, ủi sập một cánh cổng đã mở sẵn theo
lệnh của Tướng Dương Văn Minh, sau khi bắn hai phát đại bác long trời lở đất.
Tiếng chân chạy ồn ào trong đại sảnh, có tiếng đạn lên nòng, một khẩu lệnh
vang lên: “Mọi người đi ra khỏi phòng ngay!” Dương Văn Minh là người bước ra
đầu tiên, Thiếu Tá tùy viên Hoa Hải Đường đi bên cạnh, phía sau là Vũ Văn Mẫu,
Nguyễn Văn Huyền… Nhiều bộ đội ở đầu kia đại sảnh hét to: “Mọi người giơ hai
tay lên!”. Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu và đoàn tùy tùng nhất loạt tuân lệnh.
Một bộ đội yêu cầu Tướng Minh chỉ cho đường đi lên “để hạ cờ ngụy quyền”.
Tướng Minh bảo Lý Qúy Chung dẫn đi.
Tài liệu của Hà Nội
cho biết: Lúc 11 giờ 30 ngày 30.4.1975, chiếc xe Jeep của Đại Úy Phạm Xuân
Thệ, Trung Đoàn Phó Trung Đoàn bộ binh 66 thuộc Sư Đoàn 304, vọt theo xe tăng
của Đại đội 4, Lữ đoàn thiết giáp 203, do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ
huy tiến vào trước cửa Dinh Độc Lập. Trong lúc Đại đội trưởng Thận lên kéo cờ
giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập, Trung đoàn phó Thệ cùng với các cán bộ
chiến sĩ của Trung đoàn xông lên gác tiến vào phòng họp nơi Tổng thống Ngụy
quyền Dương Văn Minh và toàn bộ nội các có mặt đông đủ. Khi mọi người chưa
kịp làm gì tiếp thì Trung Tá Bùi Tùng, Chính Ủy Lữ Đoàn Xe Tăng 203 tới. Ông
Minh thấy ông Tùng người to cao thì lễ phép chào và nói:
– Thưa ông, chúng tôi đợi các ông vào lâu rồi để bàn giao chính quyền. Trung Tá Tùng nói: – Các ông là người bại trận. Các ông không còn gì để bàn giao mà chỉ có đầu hàng vô điều kiện.
Ông Tùng buộc Tổng
Thống Dương Văn Minh và Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh Sài Gòn tuyên
bố đầu hàng vô điều kiện. Ông Vũ Văn Mẫu nói:
– Nếu đưa chúng tôi sang đài phát thanh Sài Gòn thì phải có xe bọc thép đưa đi, nếu không phe đối lập sẽ gây nguy hiểm cho chúng tôi. Ông Bùi Tùng nói: – Bây giờ không còn phe đối lập nào ở Sài Gòn nữa, mà toàn là quân giải phóng.
Khi ra sân Dinh Độc
Lập để sang đài phát thanh Sài Gòn, ông Bùi Tùng ngồi xe thứ hai, còn ông
Phan Văn Thệ và ông Dương Văn Minh ngồi xe đầu. Khi hai ông vào bên trong đài
phát thanh thì cô coi máy ghi âm vẫn còn ngồi đó, nhưng rất sợ hãi, tay lóng
cóng không thể nào điều khiển máy ghi âm được. Sinh viên phản chiến Nguyễn
Hữu Thái phải mất hơn một tiếng mới tìm ra được ông Trần Văn Bảng, một kỹ
thuật viên có thể vận hành máy ghi âm và đài. Bản tuyên bố đầu hàng do Chính
Trị Viên Bùi Tùng thảo, ông Minh phải đọc vào máy ghi âm. Ký giả Borries
Gallasch, phóng viên tờ Der Spiegel của Đức, có mặt tại phòng ghi âm lúc đó,
đã kể lại rằng lần đầu tiên ông Minh chần chừ vì được yêu cầu phải đọc: “Tôi,
Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn”. Ông ấy chỉ muốn đọc: “Tôi,
đại tướng Dương Văn Minh…”. Họ tranh luận qua lại, nhưng Chính Trị Viên Bùi
Tùng không nhượng bộ. Cuối cùng ông Minh phải đọc: “Tôi, đại tướng Dương Văn
Minh, tổng thống của chính quyền Sài Gòn”.
Không biết vì bản viết
tay của ông Bùi Tùng khó đọc hay vì quá xúc động, mặc dầu bản tuyên bố chỉ có
vài hàng, ông Minh đọc sai nhiều lần. Đến lần thứ ba ông Minh cũng đã đọc
xong bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Bản tuyên bố này được phát trên đài
phát thanh Sài Gòn vào lúc 13 giờ 30, nguyên văn như sau:
“Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng Thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam”.
Liền sau đó, Thủ Tướng
Vũ Văn Mẫu phát biểu trực tiếp:
“Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ Tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào hãy vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Chuyên viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ dưới sự hướng dẫn của chính quyền Cách Mạng”.
Tiếp theo là lời Chính
Ủy Bùi Tùng:
“Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, Tổng Thống chính quyền Sài Gòn.” Sau đó, bộ đội đưa Tướng Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu về lại Dinh Độc Lập.
11.- Phóng thích nhóm
Dương Văn Minh
Tối 2.5.1975, Chính
Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam tổ cức buổi trả tự do cho nhóm Dương
Văn Minh tại Dinh Độc Lập. Trong buổi lễ, Tướng Trần Văn Trà, Chủ Tịch Ủy Ban
Quân Quản Sài Gòn, đã phát biểu:
“Trong cuộc chiến đấu lâu dài này không có ai là kẻ thắng ai là kẻ bại. Toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng, chỉ có đế quốc Mỹ xâm lược là kẻ chiến bại. Nhân dân Việt Nam là dân tộc duy nhất trong lịch sử nhân loại đã đánh bại quân Mông Cổ. Vào năm 1954, chúng ta đã đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ, và nay chúng ta đã đánh bại Hoa Kỳ, nước tự hào cho mình là hùng mạnh nhất thế giới. Đây là niềm hãnh diện chung của tất cả nhân dân Việt Nam chúng ta”.
Tướng Dương Văn Minh
đáp lời:
“Ngày hôm nay, đại diện cho các anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ Cách Mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước…
Tôi nghĩ rằng với hành
động của mình, tôi đã góp phần tránh một cuộc đổ máu vô ích cuối cùng cho Sài
Gòn. Đó là phần đóng góp cụ thể của tôi trong cuộc chiến đấu này. Riêng cá nhân
tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi được 60 tuổi, trở thành một công dân của
một nước Việt Nam độc lập”.
Tính lại, Dương Văn
Minh đã làm Tổng Thống chỉ 36 tiếng đồng hồ: Nhận chức vào chiều 28 tại Dinh
Độc Lập đến trưa 30.4.1975 đã tuyên bố đầu hàng!
Chỉ ít lâu sau, nhóm
chủ trương và đòi hỏi “hoà giải hoà hợp” với Cộng Sản, kể cả Tướng Dương Văn
Minh, đã phải nếm mùi đắng cay của “xã hội chủ nghĩa”.
Lữ Giang
|
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment