Wednesday, April 13, 2016

Sông Mẹ và Biển Mẹ

Sông Mẹ và Biển Mẹ

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2016-04-12

000_8M53W-622.jpg
Một đập nước ở con kênh khô nước tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam ngày 8/3/2016.
AFP PHOTO

Dòng Mekong được gọi là Sông Mẹ, là con sông nuôi sống mấy trăm triệu người Á Châu trên lưu vực trải rộng gần 800 ngàn cây số vuông của sáu quốc gia qua 4.800 cây số. Con sông ấy gặp họa vì hạn hán bất thường mà còn bị nạn từ đầu nguồn tại Trung Quốc, là quốc gia đang khống chế vùng biển Đông mà người Việt cũng gọi là Biển Mẹ. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu hai hồ sơ thật ra nhập làm một để thấy ra nỗi khó của Việt Nam ở cuối dòng Mekong, bên bờ Đông Hải.

Hạn hán & trách nhiệm của các nước

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa trong tiết mục Diễn đàn Kinh tế của đài Á Châu Tự Do. Thưa ông, trong bản tuyên bố chung đưa ra hôm 11 Tháng Tư sau hai ngày họp tại Hiroshima của Nhật, Ngoại trưởng của nhóm G-7, là bảy nước công nghiệp dẫn đầu thế giới, bày tỏ mối quan ngại về tình hình tại Biển Đông và biển Hoa Đông, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. 

Trên diễn đàn này vào tháng trước thì ông nói đến tình trạng “Đụng Độ Vì Nước Và Cá” và nhắc tới số phận của dòng Mekong và vùng châu thổ Cửu Long là nơi Mekong chảy ra biển Đông mà người Việt gọi là Biển Mẹ như Mekong là Sông Mẹ của các nước Đông Nam Á. Kỳ này, Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích thêm về cả hai khía cạnh là Mekong và Biển Đông.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ sông mẹ hay biển mẹ đều gặp vấn đề vì Mẹ đã bị Trung Quốc chặn làm con tin nhằm bắt ép các con ở dưới. Đây là một vấn đề của thế giới, nhưng ta phải đi từng bước để hiểu ra cả hồ sơ nghiêm trọng này. 

Trước hết, tôi xin tóm lược về nạn hạn hán, sau đó là trách nhiệm của các nước Đông Nam Á với số phận của sông Mekong, sau cùng mình mới thấy ra vai trò của kẻ chủ mưu trên đầu nguồn và ngoài Đông hải là Trung Quốc.
Tai hại hơn cả, năm nước dưới hạ nguồn lại học theo Trung Quốc tại thượng nguồn là thi đua xây đập và hồ nước để giải quyết nhu cầu điện năng, tiêu tưới hay đánh bắt thủy sản. Họ lầm tưởng đấy là bước nhảy vọt vào công nghiệp hóa mà không thấy cái mất lâu dài sau cái được nhất thời.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Xin mời ông mở đầu với tình trạng hạn hán có vẻ nguy ngập hơn mọi năm.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta có hiện tượng khí hậu tự ngàn xưa mà thế giới mới chỉ biết từ mấy chục năm gần đây. Đó là sự xoay chuyển của các dòng hải lưu ngoài biển làm thay đổi nhiệt độ trong khu vực Thái Bình Dương quanh đường Xích đạo. Khi gây ra hạn hán và ít mưa thì gọi là El Nino, là Cậu Bé theo tiếng Tây Ban Nha do dân Peru phát giác đầu tiên và đặt tên theo khái niệm Công giáo của họ. Ngược lại khi gây ra bão lũ thì gọi là La Nina, là Cô Bé. Đặc tính của El Nino mà dân Peru nghiệm thấy là nước ấm hơn tại vùng biển miền Tây của lục địa Nam Mỹ khiến nước biển hiếm sinh vật nuôi cá và lượng cá đánh bắt bị giảm. Với các nước Nam Á và Đông Nam Á, thì hiệu ứng El Nino gây ra nạn thiếu nước tại nhiều quốc gia.

Chúng ta gặp hiện tượng El Nino khá mạnh từ Tháng Ba năm ngoái và có thể kéo dài đến Tháng Sáu năm nay mới hết. Quốc tế có nhiều cơ quan theo dõi hiện tượng này để thông báo, nhưng khó ai tiên đoán được hậu quả chính xác ở từng nơi. Khi hạn hán xảy ra thì các nước dưới hạ nguồn sông Mekong đều bị thiệt, lại càng bị nặng hơn vì lượng nước trên thượng nguồn lại do Trung Quốc kiểm soát và tùy ý khi xả khi mở. Ví dụ là việc họ xả nước từ đập Cảnh Hồng tại Vân Nam làm như một cách gia ơn cho Việt Nam ở vùng Châu thổ Cửu Long.

Nguyên Lam: Nguyên Lam bắt đầu hiểu vì sao ông nói thiên tai lại dồn vào nhân họa do con người gây ra. Nhưng thưa ông, vì sao các nước Đông Nam Á dưới hạ nguồn Mekong lại không thể phối hợp để đối phó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tình trạng thiếu nước của dòng Mekong không chỉ xảy ra vì hiệu ứng khắc nghiệt của thiên nhiên vào năm ngoái mà do nhiều yếu tố khác đã có từ lâu. Từ đầu nguồn là Cao nguyên Tây Tạng đang do Trung Quốc kiểm soát với tên gọi là sông Lan Thương, dòng Mekong chảy qua sáu quốc gia có vị trí địa dư và yêu cầu khai thác khác biệt cho các mục tiêu canh nông, công nghiệp, năng lượng hay thủy sản và giao thông vận tải. Sáu nước ấy là Tầu, Miến, Thái, Miên, Lào và Việt.

Từ mấy chục năm nay, các nước Đông Nam Á ra sức công nghiệp hóa nên có nhu cầu rất cao về lượng nước và đà tăng trưởng kinh tế cũng đẩy mạnh nhu cầu thủy sản là tôm cá. Á Châu là lục địa thiếu nước nhất thế giới nếu so với dân số mà lại tiêu thụ tôm cá nhiều nhất, cho nên nước và cá đang chiếm vai trò chiến lược. Khốn nỗi, sáu quốc gia cùng chung một dòng sông lại không cùng chung một chí hướng là bảo vệ nguồn sống, từ hệ sinh thái của con sông đến sinh hoạt kinh tế của mấy trăm triệu người sinh sống trên lưu vực.
000_8M53O-622
Ruộng lúa gần một con kênh khô hạn ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam ngày 8/3/2016.
Tai hại hơn cả, năm nước dưới hạ nguồn lại học theo Trung Quốc tại thượng nguồn là thi đua xây đập và hồ nước để giải quyết nhu cầu điện năng, tiêu tưới hay đánh bắt thủy sản. Họ lầm tưởng đấy là bước nhảy vọt vào công nghiệp hóa mà không thấy cái mất lâu dài sau cái được nhất thời. Và vì đi sau, như trâu chậm uống nước đục, họ không thấy Trung Quốc đã hoàn tất và đang khai thác tám đập nước trên thượng nguồn, lại thực tế nắm dao đằng chuôi vì kiềm chế lưu lưọng nước Mekong cho nhu cầu riêng của mình. Các nước Đông Nam Á đang ra sức tái diễn thảm kịch Trung Quốc là làm thủy lợi mà gây thủy hại!
Từ năm 1957, tức là 60 năm trước, quốc tế đã hiểu nhu cầu phối hợp với việc lập ra Ủy ban Mekong mà không kết qủa vì chiến tranh tại Việt Nam và Đông Dương. Năm 1975, tổ chức này được phục hoạt mà thiếu thực quyền lẫn ngân sách là vì năm nước dưới hạ nguồn lại nhìn về năm hướng khác nhau mà không chấp nhận một kỷ luật và trách nhiệm chung. 

Vì vậy, họ mặc nhiên để Trung Quốc thao túng ở trên mà chẳng có tiếng nói thống nhất. Năm 2009, Hoa Kỳ đưa ra sáng kiến về Hạ nguồn Mekong để tăng cường điều phối mà cuối cùng thì sáng kiến chỉ thu gọn vào hoạt động nghiên cứu, giáo dục và cứu trợ hơn là vào việc quản lý cả lưu vực. Y như với Ủy ban Mekong cũ và mới, Trung Quốc cũng nằm ngoài và chẳng liên hệ gì tới các ủy ban hay khuyến cáo của quốc tế.

Chuốc họa cho mình và gây họa cho xứ khác

Nguyên Lam: Nếu vậy, thưa ông, phải chăng là trách nhiệm đầu tiên xuất phát từ các nước Đông Nam Á ở dưới là không hợp tác và chấp nhận kỷ luật chung trong kế hoạch khai thác sông Mekong, khiến Trung Quốc càng giữ thế mạnh khi kiểm soát lượng nước từ đầu nguồn?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tình hình có vẻ như được cải tiến từ năm 2014 khi Trung Quốc cùng năm nước dưới hạ nguồn gặp nhau ở bên Tầu để đề nghị Cơ chế Hợp tác Lang Thương với Mekong, là “Lancang-Mekong Cooperation Mechanism”. Mục tiêu đề ra không chỉ là phối hợp việc quản lý dòng sông mà còn giải quyết các vấn đề chính trị và an ninh trong khu vực. Phiên họp đầu tiên của sáu nước vào hai ngày 22-23 Tháng Ba vừa qua chưa báo hiệu điều gì mới hơn các ủy ban và hội nghị trước đây, ngoài một cử chỉ đẹp của Thủ tướng Trung Quốc là Lý Khắc Cường hứa một tỷ rưỡi tín dụng và 10 tỷ đô la viện trợ cho các dự án xây dựng hạ tầng, vị chi là 11 tỷ rưỡi. Như các cụ ta nói, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, nhưng từ Bắc Kinh thì ta nên nghĩ đến đồng tiền khốn! Lý do là ta cần nhìn ra ba chuyện.

Thứ nhất, Bắc Kinh giàng thêm chính trị và an ninh vào kế hoạch hợp tác về sông Mekong, mà an ninh và chính trị lại theo quan điểm hay định nghĩa của họ. Đấy là cách mặc cả khi vào hội nghị hợp tác. 

Thứ hai, ngân khoản hứa hẹn có thể chỉ là một phần của kế hoạch họ gọi là Con Đường Tơ Lụa, gồm có Nhất Đới trên đất liền và Nhất Lộ ở ngoài biển. Trên đất liền thì họ trù tính xây dựng sáu hành lang kinh tế mà họ gọi là “tẩu lang”, trong đó có Hành lang qua Bán đảo Đông Dương. Việc ông Lý Khắc Cường xòe ra 11 tỷ rưỡi có thể chỉ là một mẩu của Hành lang Đông Dương nhằm mua chuộc từng nước trong một kế hoạch lớn lao của họ. 

Thứ ba, ta không thể quên Nhất Lộ là đường vận chuyển ngoài biển họ đang kiểm soát bằng giải pháp quân sự hóa và mở chiến dịch cướp cá với sự yểm trợ võ trang của các cục Hải Giám, Hải Cảnh hay Ngư Chính ngụy danh là thuộc Bộ Tài Nguyên và Quốc thổ. Kết cuộc thì nước Cảnh Hồng hay tiền Đông Hải đều chỉ gây thêm phân hóa cho các nước Đông Nam Á và củng cố thế lực của Bắc Kinh mà thôi.

Từ chuyện Mekong ra tới Đông Hải, Bắc Kinh đang chứng minh rằng Trung Quốc là một vấn đề của thế giới mà bên trong lại có quá nhiều tai họa có thể bùng nổ, từ kinh tế đến xã hội và chính trị lẫn môi sinh và nhân họa do chính chế độ gây ra. Vì vậy, người ta cần báo động nhưng đừng lầm tưởng rằng Bắc Kinh muốn làm gì cũng được!
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin hỏi ông một câu mà nhiều thính giả của chúng ta đang thắc mắc là Trung Quốc đã tiến khá xa so với các nước Đông Nam Á về công nghệ xây đập nước cho nhu cầu thủy lợi hay tiêu tưới. Nếu các nước lại tiếp thu công nghệ này để họ xây đập trên dòng Mekong thì có phải là mời Trung Quốc vào gài mìn trong nhà của mình không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ chuyện ấy đã là thực tế của một số đập nước tại Miên, Miến hay đập thủy điện Don Sahong của Lào, và nhiều dự án tai hại khác tại Việt Nam. Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về các công trình thủy lợi, từ chuyện “Nam Thủy Bắc Điều” là dẫn nước sông Dương Tử ở miền Nam lên miền Bắc, tới đập nước khổng lồ Tam Hiệp, và còn đang “xuất khẩu đập nước” khi tham dự vào 330 dự án xây đập cho 74 quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, ngoài sự dại dột của các nước, kể cả Việt Nam và nhất là Việt Nam vì ở cuối dòng, ta không nên loại trừ sự kiện là các công trình thủy lợi của Trung Quốc cũng lại là thủy hại khi lưu vực sông Dương Tử đang bị tai họa cho nhiều tỉnh vì nước sông được dẫn vào Hoàng Hà, hoặc đập Tam Hiệp lại là trái bom nổ chậm, một thảm họa có thể xảy ra trong tương lai. 

Thật ra các nước công nghiệp tiên tiến từ bỏ công trình xây đập từ mấy chục năm nay vì đã hiểu mối hại gây cho thiên nhiên và con người. Đi sau, lại duy ý chí, Trung Quốc đang chuốc họa cho mình và gây họa cho xứ khác mà cứ tưởng rằng khôn!

Nguyên Lam: Thưa ông Nghĩa, ngoài việc xây đập nước thì, như ông vừa nhắc lại, Bắc Kinh xem châu thổ sông Mekong là địa bàn của các dự án xây dựng hạ tầng qua Hành lang Đông Dương, như xa lộ hay thiết lộ từ thành phố Côn Minh của Vân Nam tới Singapore hầu có thể đưa hàng hóa tới vùng Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Nếu vậy, việc dòng Mekong đang bị bức tử là điều tốt hay xấu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi rất cám ơn câu hỏi này của Nguyên Lam vì nó mở ra một chân trời khác. Bắc Kinh muốn phát triển các tỉnh bị khóa trong lục địa như Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam, nhưng cũng muốn vươn ra ngoài mà tránh được các eo biển tại Đông Nam Á, từ Eo biển Malacca tới ba eo biển giữa các quần đảo của Indonesia. Vì vậy họ chiêu dụ các nước ở dưới hạ nguồn Mekong với sáng kiến Hợp tác Lan Thương và Mekong. 

Nhưng, hình như trời có mắt, hàng loạt động thái hung hăng của Trung Cộng trên vùng biển Đông Nam Á và xuống sâu tới miền Nam trên các quần đảo cùa Indonesia và Malaysia lại là hồi chuông cảnh báo cho quốc tế khiến các nước đang nhìn lại.

Thứ hai, họ có thể chủ quan duy ý chí thi hành đòn “phóng tài hóa thu nhân tâm” là lấy tiền trám vào miệng các chế độ ngây ngô và vô trách nhiệm, nhưng câu hỏi đầu tiên vẫn là tiền đâu? Cả kế hoạch Con Đường Tơ Lụa cho Thế kỷ 21 thật ra cần đến nhiều ngàn tỷ đô la. Theo Chính quyền Bắc Kinh thì sẽ cần 8000 tỷ! Khi kinh tế sa sút và khối dự trữ ngoại tệ bị hao hụt và nạn tẩu tán tư bản ra ngoài đang gây xuất huyết thì việc trích xuất ngàn tỷ nơi này ngàn tỷ nơi kia sẽ là vấn đề. Vì vậy, trong kỳ họp Quốc hội vào tháng trước cũng Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ nói phớt qua 150 chữ của báo cáo và các lãnh tụ kia trong Bộ Chính trị đều không nhắc tới.

Sau cùng, từ chuyện Mekong ra tới Đông Hải, Bắc Kinh đang chứng minh rằng Trung Quốc là một vấn đề của thế giới mà bên trong lại có quá nhiều tai họa có thể bùng nổ, từ kinh tế đến xã hội và chính trị lẫn môi sinh và nhân họa do chính chế độ gây ra. Vì vậy, người ta cần báo động nhưng đừng lầm tưởng rằng Bắc Kinh muốn làm gì cũng được!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do và Nguyên Lam xin cảm tạ bài phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
__._,_.___

Posted by: ly vanxuan 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link