Wednesday, April 13, 2016

Những phát ngôn gây sốc tại Quốc Hội VN


 


   Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 11.4.2016  

Những phát ngôn gây sốc tại Quốc Hội VN

Các quan Ông, quan Bà tiếp tục "hứa cuội" và "hứa đại". (Minh họa của Ngọc Diệp)

Trong những kỳ họp thường lệ của các Đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) kỳ này vào tháng 3 bước sang đầu tháng 4 năm nay, có khá nhiều ông bà Đại biểu phát biểu những ý kiến rất táo bạo, người dân có vẻ khoái chí lắm cho rằng các ông bà ấy đã nói lên được tiếng nói của người dân.
Báo chí VN lề phải đều nêu những hàng tít vedette ca ngợi om xòm. Tôi cũng hy vọng thế, nhưng… liệu đây có phải là một kiểu cho gáo nước lạnh làm giảm bớt cái nóng sôi sùng sục như cái nồi súp de muốn nổ tung trong lòng người dân không?

Bởi kinh nghiệm cho thấy, các “cụ ông, cụ bà” ấy nói gì thì nói, mọi sự “tiêu cực” và xã hội vẫn y nguyên si không thay đổi.

Thế là sao? Ai trả lời câu hỏi này?
Phẫn nộ của những người dân bị chèn ép, bị địa phương đè đấu cưỡi cổ, bị cướp nhà cướp đất vẫn còn nguyên đó. Có chăng sự giải quyết hay còn gọi là “xử lý” vẫn chỉ là những lời hứa và hứa, chẳng biết bao giờ mới thực hiện. Cái nồi súp de đã nóng càng thêm nóng như mùa này ở Sài Gòn mới sáng sớm đã nóng điên người.

                                          
                                        Đại biểu Võ Thị Dung thuộc đoàn đại biểu Thành phố Sài Gòn với 7 nỗi lo


Tôi trích những phát ngôn ấy để bạn đọc dễ nhận định. Trước hết phải kể đến lời phát biểu khá đầy đủ của một bà nữ đại biểu QH  thuộc đoàn đại biểu Thành phố Sài Gòn. Phần này tôi tường thuật nguyên văn:

7 nỗi lo của người dân Việt.

Phát biểu ý kiến về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ hoạt động Quốc hội ngày 28-3-2016, đại biểu Võ Thị Dung nói: Trong nhiệm kỳ qua nổi lên 7 nỗi lo và 3 mong ước của nhân dân cả nước.

- Thứ nhất, đó là nỗi lo về ngoại xâm.
Trung Quốc đã ngang nhiên xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, trước đây là quần đảo Hoàng Sa, nay thêm một số đảo ở quần đảo Trường Sa. Dù Đảng và Nhà nước đã có chủ trương đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình, nhưng họ ngày càng lấn tới. Đó là nỗi lo lớn về đại sự quốc gia.

- Thứ hai, đó là nỗi lo về nội xâm.
Quốc nạn tham nhũng lớn, nhỏ, tham nhũng vặt ngày càng gia tăng, ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người, việc gì cũng phải lót tay, phải chạy, phải lại quả, việc gì cũng cần phong bì, gây nên một nếp sống nguy hại cho xã hội. Tình trạng lãng phí đó cũng là quốc nạn gắn với tham nhũng, làm cản trở sự phát triển đi lên của đất nước.

- Thứ ba, đó là nỗi lo về suy thoái đạo đức xã hội.
Đạo đức giả ngày càng lấn át đạo đức thật, chủ nghĩa thực dụng ngày càng phổ biến trong một bộ phận xã hội và tính tham lam, tính ích kỷ, tệ dối trá, lừa đảo, cướp giật, giết người, mất an toàn trong vệ sinh an toàn thực phẩm và một số tệ nạn xã hội khác đang tạo sự bất an cho nhân dân.

- Thứ tư là nỗi lo về tụt hậu kinh tế.
Năng suất lao động thấp, hủy hoại cạn kiệt tài nguyên và các tiềm năng nguồn lực của đất nước do việc đổi mới chưa triệt để, chưa theo kịp sự phát triển của thế giới rất năng động và sáng tạo.

- Thứ năm là nỗi lo về nợ công quá cao.
Chưa có biện pháp giải quyết căn cơ, ảnh hưởng lâu dài đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân; lo bội chi ngân sách lớn và triền miên do còn tiêu xài quá đà, lãng phí chưa chịu dừng.

- Thứ sáu là nỗi lo văn hóa dân tộc đang bị mai một, xuống cấp.

- cuối cùng là nỗi lo về sự thiếu kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo quản lý điều hành.
Dẫn đến tùy tiện, buông lỏng, đại khái, qua loa trong thực hiện, làm giảm hiệu lực chủ trương, chính sách pháp luật, làm trật tự xã hội suy yếu và mất dần động lực phát triển.

Bà Dung kết luận: "Nhân dân cũng mong ước bộ máy của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp thực sự tinh hoa trí tuệ, thực sự tận tụy, thực sự liêm chính. Xã hội dân chủ, kỷ cương, an bình, văn hóa dân tộc được duy trì và phát triển bền vững, đất nước được thanh bình, thịnh vượng. Đó là mong ước rất chính đáng, vì vậy cần công khai hơn nữa toàn bộ hoạt động của Quốc hội để nhân dân cử tri theo dõi, giám sát".

Mối lo nguy nhất, sâu xa nhất.

Bài phát biểu của bà Dung hầu như đã nói lên gần đầy đủ những tệ nạn của cả xã hội hơn 90 triệu dân VN hiện nay. Duy chỉ một điều đáng nói nữa là Quốc Hội VN và các cơ quan công quyền sẽ đưa ra biện pháp nào để chấn chỉnh quốc nạn đó thì chưa thấy đâu.

Mối lo nguy nhất, sâu xa nhất chính là “văn hóa dân tộc đang bị mai một, xuống cấp đạo đức sói mòn, đạo đức giả ngày càng lấn át đạo đức thật” như lời bà Dung nói.
Khi đạo đức mỗi ngày một bị bào mòn bởi chính con người thì xã hội phải loạn. Lương tâm loạn nên người dân cũng hại người dân, đầu độc chính bà con anh em đồng bào mình. Cái thời thế nhiễu nhương, nhân quần đảo điên này làm sao mà chấn hưng được. Khi cái gốc gác đã bị sới bật tung thì cái thân phải mục ruỗng. Nó đòi hỏi một thời gian hàng trăm năm mới hy vọng có thể thay đổi. Nếu người ta muốn thay đổi, còn không muốn thay đổi vì chút quyền lợi riêng tư thì chẳng bao giờ thay đổi được đâu. Dân vẫn cứ khổ, trăm bề khổ chứ chẳng phải chỉ có 7 nỗi khổ.

Còn khá nhiều câu phát ngôn đáng chú ý xung quanh cuộc họp Quốc Hội kỳ này. Tôi tóm lược vài nét về những phát ngôn có thể gọi là “gây sốc” đó.

Dân chẳng những “chán lắm rồi” mà còn… ngấy đến tận cổ!

Phát biểu tại phiên thảo luận, đánh giá tổng kết nhiệm kỳ hoạt động khoá XIII, cũng trong ngày 28/3, Đại biểu Lê Nam – Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Thanh Hoá nói: “Nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và trau chuốt với những ngôn từ "tăng cường", "đẩy mạnh", "nâng cao". Cuối cùng Đại biểu Lê Nam đã nói: "xin được mượn lời của Thủ tướng, xin kính chúc các đại biểu Quốc hội khóa XIII luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn là người tử tế”.

(Ông này thâm thật, hóa ra ĐBQH đôi khi không phải là người tử tế?). Tôi chỉ nêu một bình luận của người dân. Bạn Bùi Hoàng Tám viết trên báo Dân Trí: “Ông Nam đã nói đúng nhưng có lẽ chưa đủ “độ” bởi người dân chẳng những “chán lắm rồi” mà còn “ngấy lên tận cổ”. Người dân “chán ngấy rồi” những ông cán bộ “mũ ni che tai”, “im lặng là vàng”, “ngậm miệng ăn tiền”.

                                          
                                          Đại biểu Quốc hội Lê Nam: “Kính chúc các đại biểu Quốc hội khóa XIII
                                          luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn là người tử tế”.

Người dân “chán lắm rồi” những “mỹ từ hùng hồn” như "tăng cường", "đẩy mạnh", "nâng cao".

Người dân “chán lắm rồi” những điệp khúc quen thuộc “xử lý nghiêm”, “kiên quyết”, “nghiêm khắc”, “bất cứ người đó là ai”… mà trên thực tế thì giơ cao đánh khẽ.

Người dân “chán lắm rồi” những từ “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm” để rồi kỷ luật bằng cách đá hất lên cao.

Thậm chí, người dân “ngấy lên tận cổ” những vụ án tham nhũng đầu voi, đuôi chuột cuối cùng chủ yếu là xử án treo.
Điều mà nhân dân cần bây giờ là những con người hành động và nói sao làm vậy, không nói một đằng, làm một nẻo”.

Cưỡi ngựa xem hoa.

Sáng 23/3, Quốc hội thảo luận tại tổ về 6 báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.

                                          
                                 Đại biểu Huỳnh Nghĩa “thực chất thì vẫn chưa tới, thậm chí là cưỡi ngựa xem hoa”.

Ông Huỳnh Nghĩa nhận định, giám sát chuyên đề là một điểm sáng về phương thức hoạt động của nhiệm kỳ qua nếu xét về hình thức. Ông nói: “Còn thực chất thì vẫn chưa tới, thậm chí là cưỡi ngựa xem hoa”. Ông nhận xét:
“Ví dụ trong đề cương giám sát nói thành phần rất đông, thường vụ Quốc hội đi nhiều lắm nhưng nhiều khi chỉ một anh Phó chủ nhiệm đi nên không kết luận được.
Như giám sát oan sai, là chuyên đề lớn như thế, địa phương cử rất nhiều ban ngành báo cáo. Nhưng rồi trưởng đoàn giám sát không kết luận được để lãnh đạo địa phương phải bức xúc tới mức nói “thôi lần sau tôi không dành thời gian cho các ông nữa”, ông Nghĩa thuật lại.

Dẫn các con số về giải quyết thành công các vụ việc đạt tỷ lệ 98,5%, rồi gần 100% từ các báo cáo của tòa án, viện kiểm sát, trưởng đoàn Đà Nẵng bình luận: “Nếu thế thì hồng phúc cho nhân dân, cho đất nước. Nhưng tôi e nghe vậy dân không chịu được đâu, oan sai nhiều lắm, đơn thưa nhiều lắm, sao báo cáo lại tròn trĩnh vậy được”.

Ai cũng hiểu câu gần như tục ngữ “làm thì láo báo cáo thì hay” ở VN, nó ăn vào mạch máu rồi. Từ anh phường xã đến tỉnh thành, đến các cơ quan trung ương, anh nào cũng lây cái bệnh này rồi. Bệnh thành tích, cái thứ bệnh không có thuốc chữa. Cứ phóng đại tô màu lên báo cáo cho đẹp như gánh hát dán cái pa-nô lòe loẹt trên tường để câu khách bình dân.

Ngạc nhiên với báo cáo về biển Đông.

Đánh giá của Chính phủ và các cơ quan về tình hình biển Đông đều cho rằng "đảm bảo được chủ quyền và lợi ích quốc gia", tuy nhiên đại biểu Lê Văn Lai lại chỉ ra hàng loạt diễn biến "không thể coi là bình thường".

                                          
                                    Đại biểu Lê Văn Lai tha thiết đề nghị phải đánh giá đúng về tình hình biển Đông.

Là người phát biểu gần cuối, tuổi đã cao và không tái cử nhiệm kỳ sau, đại biểu Lê Văn Lai thẳng thắn phê phán: "Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của chúng ta với tần suất 20 năm/một lần.
- Năm 1956 chiếm Đông Hoàng Sa.
- Năm 1974 lấy tây Hoàng Sa.
- Năm 1988 lấy đảo Gạc Ma.
- Năm 2014 kéo giàn khoan vào biển Đông và sau đó tần suất dài hơn, dày hơn để xâm lấn chủ quyền. Trong khi đó chúng ta ngồi đây và yên bình đánh giá là đảm bảo chủ quyền quốc gia.
Liệu điều đó có công bằng? Đánh giá như thế thì chúng ta đưa ra quyết sách, sự phản đối, đối kháng đã đủ chưa, phù hợp không".
Ông kết luận: “Chống giặc nội xâm là làm sao chống được tham nhũng, chống giặc ngoại xâm là bảo vệ được chủ quyền quốc gia".

Qua sự thật được ông Lai vạch trần, bạn đã thấy các cơ quan của chính phủ và các cơ quan khác ở VN đều cố tình lập lờ với mối đe dọa từ Trung Quốc. Không thể hiểu nổi thái độ đó là gì? Chỉ có các ông làm ra bản đánh giá ấy biết!

Chạy chức, chạy quyền phải vơ vét mới đủ bù chi phí đã bỏ ra.

Đại biểu Đỗ Văn Đương - đại biểu Sài Gòn cho biết dư luận đang râm ran tình trạng chạy chức, chạy quyền. Ông đặt câu hỏi: "Vì sao người ta cứ chạy và vì sao người ta chạy được" là hai câu hỏi lớn mà cử tri cả nước đã hỏi suốt nhiệm kỳ, đến nay chưa có lời giải đáp”.
Theo ông Đương phải đánh giá lại xem có hay không việc chạy chức, chạy quyền vì nó không chỉ tạo ra bất công lớn mà còn đẻ ra tham nhũng; bởi vì mua, bán xong họ phải vơ vét mới đủ bù chi phí đã bỏ ra đó là quy luật thị trường.
Ông cho rằng, một cơ thể nhiều virus xâm hại chính th như thế phải bắt họ uống thuốc. Tiếc rằng trong Bộ luật hình sự không đưa tội mua, bán chức quyền vào dù ông đã nhiều lần đề nghị. 

                                          
            Đại biểu Đỗ Văn Đương nói “mua, bán xong phải vơ vét mới đủ bù chi phí đã bỏ ra đó là quy luật thị trường!”

Ông nói thêm: “Việc này dân biết, Đảng biết, Chính phủ và các ban, ngành biết. Nhưng chúng ta thiếu một cơ chế gắn trách nhiệm cho người đứng đầu. Chính vì thế, câu hỏi Chạy ai?, Ai chạy? chúng ta chưa trả lời được".

Thật ra, không phải các quan không muốn trả lời chứ không phải là chưa trả lời được. Các quan có ngọng đâu, ông nào cũng bằng cấp đầy mình (dù có khi là bằng mua, bằng giả), nhưng khôn lanh thì không ai sánh kịp. Có thế mới được bầu làm đại biểu dân chứ.

Các ông không trả lời vì nếu trả lời thì anh khác nó cũng vạch tội mình hay anh em nhà mình ra, anh nào cũng dính một tí hay nhiều tí vào những trò chạy chọt, đút lót và khi có chức có quyền rồi thì ra sức vơ vét để bù vào khoản chạy và tất nhiên muốn giàu thêm.
Đúng là cái chợ mua bán thẳng thừng, buôn thì phải có lời. Xin các cụ thông cảm cho, chẳng phải vì các quan ngọng đâu.
Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

                                                                              ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
__._,_.___

Posted by: "Nhat Lung" 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-16/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link