Monday, April 11, 2016

Tin Tong Hop - 11.04.2016




GNsP (10.04.2016) – Sài Gòn, sáng ngày 09.4.2016 tại Dòng Chúa Cứu Thế số 38 Kỳ Đồng đã diễn ra “Buổi tầm soát sức khỏe lần thứ nhất năm 2016 – chương trình Tri ân TPB – VNCH”.

 Đây là chương trình được diễn ra thường xuyên hàng tháng nhắm tới các thành phần là thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.

Theo ban tổ chức cho biết buổi tầm soát sức khỏe diễn ra hôm nay qui tụ khoảng 120 người thương phế binh đến từ các tỉnh thành.
Theo Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành, một người giàu tình yêu thương đối với thương phế binh đã cho chúng tôi được biết “sẽ có nhiều buổi tầm soát sức khỏe kế tiếp nữa, tháng tư này dự định 2 lần, thứ bảy ngày 23 sẽ là lần thứ hai”.

Theo đó, trong khi tâm tình với các bác thương phế binh, cha Thành gởi lời cám ơn sâu sắc đến tất cả các thương phế binh VNCH vì những hi sinh lớn lao của mình để cống hiến cho quê hương, đất nước và tất cả những người con của VNCH trước đây.
 Cha Thành cũng không quen nhắc nhớ và cám ơn chân thành đến những ân nhân trong và ngoài nước đang đồng hành cùng với thương phế binh.

Song song với việc khám sức khỏe, các thương phế binh đã được nhận các phần quà như xe lăn, xe lắc, nạng chống, máy đo huyết áp… tùy theo bệnh tình mỗi người và một ít tiền lộ phí.
Buổi tầm soát sức khỏe hôm nay đã ghi nhận lần đầu tiên xuất hiện nhiều gương mặt trẻ làm tình nguyện viên phục vụ thương phế binh một cách chu đáo, ân cần và nhiệt thành.

Tâm, con gái một thương phế binh, đưa mẹ đến khám mắt nói rằng “tôi thấy chương trình này thật tốt đẹp và nhân văn, chúng tôi rất biết ơn các cha và những linh mục ở đây đã hết lòng vì những người như mẹ tôi đây”.

 Xin được nhắc lại, ngày 30.4.1975, người cộng sản Bắc Việt tràn vào Sài Gòn gọi là thống nhất, chế độ Việt Nam Cộng Hòa chấm dứt, người miền Nam Việt Nam thường gọi là ngày quốc hận.
Trong biến cố tháng 04.1975 và hàng thập niên kéo dài sau đó đã có hàng triệu người miền Nam tìm cách ra nước ngoài dù phải bỏ mạng nơi biển cả, biến cố đau thương đó thường được gọi là tị nạn cộng sản.

Trao đổi với GNsP, một số thương phế binh cho biết sau 30.4 họ bị ít nhất là bị đi ‘’giáo huấn, học tập’’ 7 ngày, và nhiều hơn nữa sau đó họ bị đưa lên các vùng kinh tế mới để khai hoang, làm lụng vất vả, còn hàng chục ngàn người bị đưa đi “cải tạo” với thời gian kéo dài hàng chục năm.

 Bác Trọng, một người lính đã giải ngũ năm 72 sau khi bị thương nói rằng “chúng tôi ở chỗ thương phế binh Thủ Đức, gọi là đường 12. Trong biến cố 75, họ (người cộng sản) cô lập chúng tôi, đi ra cũng không được mà vào cũng không xong. Họ bắt ép chúng tôi và đưa chúng tôi đi kinh tế mới sau khi học tập cải tạo. Chúng tôi phải lên Đắc Lắk “khổ quá chúng tôi phải trốn về”.

Bác Xăng thì nói “sau biến cố năm 75 nhiều anh em chúng tôi bị đưa đi cải tạo (bị giam tù), nhiều đồng đội của tôi thì bị chết do đói, thiếu thuốc men, sau đó nhiều người đi nước ngoài theo diện HO (các cựu tù nhân trại cải tạo), phần đông bị chết nhiều”.
Theo thông tin chúng tôi được biết, từ khi có chương trình tri ân TPB – VNCH thì Văn phòng CL&HB Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đã, đang khám chữa bệnh và tặng quà cho khoảng hơn 3.000 TPB-VNCH.
Paulus Lê Sơn, GNsP
http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2016/04/10/thang-tu-tri-an-thuong-phe-binh-viet-nam-cong-hoa/


BUỔI LỄ TRAO GIẢI „ERICH FROMM 2016“ CHO BÀ CHIRSTEL VÀ ÔNG TS RUPERT NEUDECK 
Written by BPhuong on 09 Tháng 4 2016. 

 Neues Schloss-Stuttgart – Ngày 06 tháng tư năm 2016
Hình ảnh làn sóng người tị nạn đi từ các nước đang bị chiến tranh và khủng hoảng hoành hành trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng đến quyết định của ban giám khảo, chọn ông bà Neudeck để trao giải „Erich Fromm“ năm 2016, vì ông bà đã dấn thân giúp người tị nan trên ba chục năm nay. Theo lời công bố của tổ chức „International Erich-Fromm-Gesellschaft e.V.“, sự cảm thông của TS Neudeck với người tị nạn bắt nguồn từ thuở ấu thơ, khi ông phải cùng mẹ và bốn anh chị em rời bỏ quê quán Danzig vào tháng giêng năm 1945. Lúc ấy ông vừa mới lên sáu. Erich Fromm cũng trải qua hoàn cảnh tương tự. Năm 1934 ông phải rời bỏ quê hương trốn sang Hoa Kỳ vì ông là người gốc Do Thái và theo xu hướng chủ nghĩa Mác Xít.

Kể từ năm 1995, giải Erich Fromm được trao tặng hằng năm cho những nhà hoạt động xuất sắc trong lãnh vực khoa học, xã hội, chính trị và báo chí, đã thể hiện được tư tưởng triết học nhân văn theo tinh thần của Erich Fromm (1900-1980), nhà tâm lý, xã hội, triết gia nhân văn học Đức nổi tiếng trong thế kỷ vừa qua. Giải thưởng trị giá 10.000 Euro.

Trong lời chào mừng quan khách khai mạc buổi lễ, ông Helmut A. Müller, đại diện cho tổ chức “Internationale Erich-Fromm-Gesellschaft e.V., cho biết việc chọn cả hai ông bà Neudeck để trao giải thưởng là một việc mới mẻ trong lịch sử giải Erich Fromm. Nhưng xét cho kỹ, ông TS Neudeck không thể thực hiện được chương trình hoạt động rộng lớn nếu không có sự hỗ trợ từ tinh thần, ý kiến lẫn hành động của bà Christel.

Tiếp theo lời ông Müller, TS Wolfgang Thierse, cựu chủ tịch Quốc Hội Đức và cũng là người bạn thân của hai ông bà Neudeck, đã nêu cao thành tích hoạt động của hai ông bà trong hơn ba mươi năm qua, khởi đầu bằng con tàu „Cap Anamur“, của tổ chức Đức mang tên „Cap Anamur / Deutsche Not-Ärzte e.V.“ (Ủy ban Cap Anamur/Bác sĩ cấp cứu Đức) do hai ông bà Neudeck và nhà văn Heinrich Böll thành lập năm 1979. 

Như đã biết, con tàu nầy đã cứu được 11.300 thuyền nhân Việt nam trên đường vượt biển tìm tự do. Sau chương trình Cap Anamur, hai ông bà vẫn tiếp tục dấn thân giúp đỡ cho người tị nạn khắp nơi trên thế giới, nổi bật nhất là tổ chức „Grünhelme“ (Mũ Xanh), thành lập năm 2003, đặt cơ sở tại Köln, có mục đích bảo trợ các công trình xây dựng lại hạ tầng cơ sở, tổ chức xã hội, môi trường văn hóa và tôn giáo trong khu vực đã bị tàn phá vì chiến tranh, khủng hoảng.

Sau khi nhận giải thưởng, bà Christel Neudeck đã ngõ lời cám ơn và kể một vài câu chuyện trong những năm dài hoạt động xã hội, giúp người tị nạn hội nhập vào xã hội Đức.

 Trong bài thuyết trình „Differenzierungen im Begriff Pazifismus“ (Sự khác biệt trong khái niệm hòa bình) ông TS Neudeck đặc biệt nhắc nhỡ đến sự thành công của thuyền nhân Việt Nam trong việc hội nhập vào đời sống Đức. Ông kể câu chuyện, ông được bác sĩ Việt Nam giải phẫu tâm nhĩ bằng tia Laser lúc sức khỏe của ông đang ở trong tình trạng nguy ngập. Sau nầy ông mới biết, người bác sĩ nầy là cựu thuyền nhân đã từng được tàu Cap Anamur vớt trên biển Đông. Bằng giọng dí dỏm ông nói: „Ngày xưa tôi đã cứu ông, nay ông lại cứu tôi, như vậy chúng ta không ai nợ ai hết!“
Xen lẫn với nghi lễ chính thức và các bài thuyết trình là phần văn nghệ do nữ ca sĩ nhạc cổ điển Cornelia Lanz soạn và thực hiện, với sự đóng góp của người tị nạn đến từ Syrien, Irak, Nigeria, Pakistan, Afghanistan.  

Được biết trong số quan khách đông đảo, ngồi chật cả hội trường chứa trên 400 người, có 37 người Việt Nam đến từ khắp nơi trên nước Đức , Hamburg, Köln, Mainz, Münster, Saarbrücken, Reutlingen và Stuttgart. Đặc biệt có sự hiện diện của Linh Mục Stêphanô Bùi Thượng Lưu, cha xứ Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, giáo phận Rottenburg-Stuttgart và Linh Mục Phaolô Dũng đến từ Münster, là cựu thuyền nhân tàu Cap Anamur.
08/04/2016

BPhuong
http://danchua.eu/index.php/theme-features/tin-cong-doan/8013-bu-i-l-trao-gi-i-erich-fromm-2016-cho-ba-chirstel-va-ong-ts-rupert-neudeck


LUẬN BÀN VỀ YÊU CẦU ÔNG BỘ TRƯỞNG ĐÀO NGỌC DUNG TỪ CHỨC
Lê Công Định

Tân bộ trưởng Lao Động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Nhiều người đang yêu cầu ông Đào Ngọc Dung từ chức bộ trưởng vì lỗi quay cóp bài thi trước đây, tôi nghĩ thế này:

1. Học giỏi và thuộc lòng mớ kiến thức về chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh để thi cử khỏi quay cóp, thì không lú cũng hoá rồ. Vậy ít ra não của ông Đào Ngọc Dung vẫn còn tốt, chưa đến nỗi bị nhiễm nặng thứ cặn bã đó.

2. Chịu khó thi cử để lấy bằng cấp dù sao còn tốt hơn khối người chưa chắc đã đi học và thi, mà vẫn có học vị tiến sĩ này, học hàm giáo sư nọ. Vậy ít ra ông Đào Ngọc Dung còn biết đi học.

3. Thử hỏi trong bộ máy chính quyền này bao nhiêu người đủ năng lực quản trị quốc gia, dù lúc nào cũng liệt kê ra đủ loại bằng cấp loè thiên hạ? Thảm trạng đất nước ngày nay không phải do bọn quan chức mang tiếng có "học hành" ra, thì còn ai vào đây? Vậy ít ra ông Đào Ngọc Dung không phải là người duy nhất đáng bị lên án.

4. Nền giáo dục từ 1954 ở miền Bắc và sau 1975 trên cả nước có tôn trọng thực học đâu, mà đòi thí sinh không quay cóp khi thi cử? Làm hỏng tư duy các thế hệ học sinh, sinh viên và người Việt nói chung đâu phải chỉ tại mỗi hình ảnh thành đạt của ông bộ trưởng từng quay cóp thôi, mà còn bởi cả hệ thống giáo dục và chính sách ngu dân của cộng sản từ xưa đến nay. Vậy ít ra ông Đào Ngọc Dung còn là nạn nhân, chứ không chỉ là tác nhân của thảm hoạ giáo dục đó.

5. Không có Đào Ngọc Dung này, vẫn sẽ có kẻ khác Dùng Ngọc Đao thăng quan tiến chức thôi, tức là dùng tiền bạc (ngọc) và sự tàn bạo (đao) để vươn lên đỉnh cao quyền lực. Hãy nhìn vào tam trụ vừa được tấn phong không phải như thế hay sao? Vậy ít ra ông Đào Ngọc Dung cũng chỉ là một hạt cát bé nhỏ trong cơn gió bụi khổng lồ đang phủ bóng âm u lên tương lai dân tộc này.

Tái bút: Một ông bộ trưởng Đức chỉ vì không dẫn nguồn cho các ý kiến khoa học nêu trong luận án tiến sĩ của mình ngày xưa, nên bị cáo buộc đạo văn và đã phải từ chức ngay khi vừa nhậm chức, để bảo tồn danh dự, chẳng lẽ ông Đào Ngọc Dung lại không có? Vậy, bất kể những lẽ trên, vẫn nên từ chức đi cha nội!

https://www.facebook.com/LSLeCongDinh/posts/1693494960924281



Một nữ thương gia gốc Việt ứng cử nghị viên Westminster 
08.04.2016 - Linh Nguyễn/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) - Lần đầu tiên, Westminster sẽ có một phụ nữ gốc Việt ứng cử chức nghị viên trong cuộc bầu cử vào Tháng Mười Một năm nay. Đó là bà Kimberly Hồ, một thương gia ở Little Saigon.



Tiến Sĩ Dược Khoa Kimberly Hồ. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
"Sau hơn 20 năm hoạt động thành công trên thương trường và hơn năm năm tình nguyện làm ủy viên trong các ban khác nhau ở Westminster, tôi muốn dành nhiều thời gian hơn nữa để phục vụ cộng đồng trong thành phố, nên tôi ra tranh cử chức nghị viên trong kỳ bầu cử năm nay," bà Kimberly Hồ, tổng giám đốc công ty mỹ phẩm Apogee, nói với nhật báo Người Việt.

"Westminster có đông người Việt tị nạn sinh sống, chúng ta cần thêm dân cử gốc Việt để có tiếng nói mạnh mẽ trong chính trị dòng chính, và bảo vệ quyền lợi cho cư dân và doanh gia gốc Việt," vị nữ ứng cử viên nói thêm.

Bà cho biết, bà xuất thân trong một gia đình cựu quân nhân VNCH. Thân phụ là cựu Đại Tá Hồ Sĩ Khải, chỉ huy trưởng Trường Pháo Binh QLVNCH, năm nay 86 tuổi, hiện sinh sống ở Huntington Beach.

Bà cho biết từng là ủy viên quy hoạch Westminster trong ba năm và hiện là ủy viên giao thông của thành phố. Ngòai ra, với văn bằng quản trị kinh doanh, bà hiện phục vụ trong Ban Đặc Nhiệm Tài Chánh Westminster. 
"Nhờ dấn thân vào các sinh hoạt của thành phố, tôi nhìn thấy những dự án nào sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân người Mỹ gốc Việt. Là một thương gia, tôi thấy được những bất công của giới tiểu thương, so với các đại công ty hiện hoạt động trong thành phố," bà Kimberly Hồ nói.

Bà đơn cử một thí dụ về lệ phí môn bài (business license).
"Hiện nay, là một thương gia, tôi phải đóng $2,500/năm. Nếu so với đại công ty Price Costco, họ cũng chỉ đóng lệ phí như tôi, thì có công bằng không?" bà nói.

Bà cho biết thêm: "Tôi quan tâm đến giáo dục học đường, an toàn công cộng và kinh tế của người dân, cũng như của giới làm thương mại. Vì thế, tôi sẽ tìm hiểu cách xin ngân khoản cho trường học, quan tâm đến sự phục vụ hữu hiệu của cảnh sát. 

Tôi thấy tầm quan trọng của việc tuyển mộ thêm cảnh sát biết nói tiếng Việt, để có được sự thông cảm dễ dàng hơn khi tiếp xúc cư dân gốc Việt."

Bà nhấn mạnh đến sự cần thiết để cử tri bỏ phiếu cho một ứng cử viên có sáng kiến, có khả năng và nhất là có tinh thần phục vụ cộng đồng.
"Với khả năng và kiến thức học hỏi tại Hoa Kỳ, tôi biết hợp tác với những giới có thẩm quyền, cộng thêm kinh nghiệm quản trị thương mại thành công, tôi mong sẽ được tín nhiệm," bà Kimberly Hồ khẳng định.

Bà cho biết về các hoạt động gần đây với cộng đồng.
"Tôi hãnh diện là hậu duệ của các cựu sĩ quan xuất thân Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, vì thân phụ tôi xuất thân trường này, tôi tham gia ban cố vấn Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức. Tôi ủng hộ và là nhà bảo trợ chính cuộc Diễn Hành Tết 2016 trên đại lộ Bolsa, vì ngày vui đó đem lại sự vui vẻ cho mọi người trong cộng đồng," bà nói.

Bà cho biết từng được Hội Tiểu Thương California bầu chọn là "Doanh Gia Xuất Sắc 2009" trong số 120 người thuộc giới tiểu thương, dưới sự chứng kiến của nhiều dân biểu tiểu bang California, trong đó có cựu Dân Biểu Trần Thái Văn và cựu Thống Đốc Arnold Schwarzenneger tại Sacramento.

Bà còn được biết nhiều qua các chương trình phát thanh, truyền hình tại Orange County, hướng dẫn phụ nữ gìn giữ làn da tươi mát và cách bảo vệ sắc đẹp qua những dược phẩm do bà sản xuất, với tám cơ sở và đang phát triển.

"Tôi hãnh diện không hề sa thải nhân viên trong những năm kinh tế suy thoái," bà nói.
Về tiểu sử, bà cho biết bà qua Mỹ cùng gia đình năm 1975 khi mới 11 tuổi.

Bà cho biết rằng bà tốt nghiệp cử nhân môn Sinh Hóa đại học UCLA, cao học quản trị kinh doanh đại học UCI năm 2007, được học bổng theo học tiến sĩ dược khoa University of the Pacific, và tốt nghiệp tiến sĩ dược khoa đại học USC. 

Bà cho biết được chọn tham gia làm cố vấn cho The Beall Center for Innovation and Entrepreneurship của đại học UCI và từng là giáo sư thỉnh giảng tại đại học USC.
"Hạnh phúc là làm được những gì mình yêu thích," bà Kimberly Hồ nói.

---
Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=225914&zoneid=1

Áo định tiếp quản ngôi nhà nơi Hitler chào đời 



Ngôi nhà nơi Adolf Hitler chào đời ở thành phố Braunau am Inn ở miền bắc nước Áo. 

10.04.2016 
Chính phủ Áo đang xem xét tới việc ban hành một đạo luật để họ có thể trưng thu ngôi nhà là nơi chào đời của cố lãnh tụ độc tài Adolf Hitler, ngõ hầu nơi này không trở thành một nơi thờ phượng của những thành phần tân phát xít.

Bộ nội vụ Áo hôm nay cho biết một đạo luật như vậy sẽ buộc người chủ nộp tài sản ở Braunau am Inn để nhận tiền bồi thường.

Gia đình của một cư dân địa phương, bà Gerlinde Pommer làm chủ ngôi nhà này từ hơn một thế kỷ nay.

Bà không chịu bán nó cho nhà nước mà cũng không cho phép tân trang. Ngôi nhà này hiện bỏ trống.

Căn nhà không thể bị phá sập vì được bảo vệ trong khuôn khổ của trung tâm lịch sử của thành phố.

Ngôi nhà này là nơi diễn ra những cuộc biểu tình chống phát xít hàng năm vào ngày 20 tháng tư, sinh nhật của Hitler.
http://www.voatiengviet.com/content/ao-dinh-tiep-quan-ngoi-nha-noi-hitler-chao-doi/3277856.html

‘Bắt Trung Quốc’: Việt Nam đóng kịch hay bắt đầu cứng rắn? 

Tàu chở dầu của Trung Quốc bị bắt giữ vì xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam.
Phạm Chí Dũng
08.04.2016 
Trùng với ngày Cá Tháng Tư năm 2016, lực lượng hải quân “quân với dân như cá với nước” bất chợt lóe sáng: rất có thể là lần đầu tiên, họ đủ can đảm bắt giữ một tàu Trung Quốc.
Vụ việc này xảy ra vào đêm 1/4. Sang ngày 2/4/2016, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng thành phố Hải Phòng thậm chí còn tổ chức họp báo và loan tải việc cơ quan  này  đang tạm giữ một tàu chở dầu của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam tại khu vực biển Vịnh Bắc Bộ. Đơn vị tiến hành áp tải được nêu rõ là Biên đội 1 thuộc Hải đội 2 Bộ đội biên phòng Hải Phòng.

Sự vụ không còn nằm trong vòng thầm lặng. Một khi báo chí nhà nước được bật đèn xanh đăng tải rộng rãi tin này cùng những cuộc phỏng vấn nhấn mạnh “sẽ xử lý bất cứ tàu nào xâm phạm lãnh hải”, có thể hình dung một khả năng: sau nhiều năm cúi đầu không dám hé môi than thở, cuối cùng Việt Nam có vẻ hết chịu nổi những đòn tấn công hèn hạ và dai như đỉa đói của tàu cá và hải quân Trung Quốc.

Quỳ 

Nhưng do vụ bắt “Trung Quốc” trên xảy ra đúng vào ngày Cá Tháng Tư nên đã có một số người nghi ngờ rằng đó không phải là tin tức thật, mà chỉ là một trò đùa nổ ra trên mạng, thậm chí ngay trên báo chí nhà nước.

Cho dù tin tức trên cuối cùng được xác nhận là sự thật, không khí nghi ngờ của dư luận cũng phản ánh một thực tế “chỉ thấy mới tin”: người dân hầu như không còn giữ được “đức tin” vào chính thể và hải quân Việt Nam.

Tính từ thời điểm tàu Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh 2 ngay tại hải phận Việt Nam vào cuối năm 2011 mà chẳng hề hấn gì cho đến nay, chưa bao giờ  lực lượng bộ đội biên phòng Việt Nam dám bắt giữ một tàu nào của Trung Quốc, ít ra là trên phương diện loan báo công khai. Tình trạng này càng trở nên u tối và tủi nhục khi tàu Trung Quốc liên tiếp tấn công và giết hại ngư dân Việt trong mấy năm qua.

Ngay trước Đại hội XII của đảng cầm quyền vào cuối năm trước, một ngư dân Việt là Trương Đình Bảy đã bị một đám người trên “tàu lạ” nhảy sang tàu Việt bắn chết. Vụ việc đẫm máu này cho đến nay rất gần nguy cơ chìm xuồng.

Sau Đại hội XII, trò lưu manh vẫn chẳng có dấu hiệu gì chấm dứt. Chưa bao giờ một kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Việt Nam lại vang lên nhiều tiếng phản đối về thái độ im hơi lặng tiếng của đảng từ những đại biểu sắp mãn nhiệm như vừa qua.
Ngược lại hoàn toàn, Philippines lại nổi bật trên trường quốc tế về liêm sỉ giữ gìn danh thể.

Đứng
Vào giữa năm 2014 khi nổ ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 và quan hệ Việt - Trung chìm sâu nhất trong nhiều thập niên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực hiện một chuyến đi được giới quan sát xem là “đặc biệt” tới Manila. Trước sự hiện diện của Tổng thống Benigno Aquino, ông Dũng tuyên bố rằng tình hình ở biển Đông là “đặc biệt nguy hiểm”.

Nhưng vào thời điểm đó, không phải Việt Nam mà chính Philippines đã gợi ý về “đối tác chiến lược” - có thể hiểu như một liên minh quân sự nhằm đối phó với dã tâm lộ rõ của con sói Trung Quốc.

Song Thủ tướng Dũng đã im lặng.
Sau khi trở về Việt Nam và trong lúc mối tình Việt - Trung vẫn ồn ào gấu ó, nhiều người chờ đợi ông Dũng “giương cao ngọn cờ thoát Trung” theo cách “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” mà ông đã “bùng nổ” trong thông điệp thủ tướng đầu năm 2014. Nhưng sau cụm ẩn ngữ về “hữu nghị viển vông”, Thủ tướng Dũng đã không chịu hé miệng thêm. Dù một chút.

Trong khi đó, Bộ Chính trị Việt Nam - nghe nói đã họp nhiều lần về Biển Đông và về ý định liên kết với người Philippines - vẫn như gà mắc tóc. Thậm chí kỳ họp giữa năm 2014 của Quốc hội Việt Nam đã khiến hàng chục ngàn người đổ ra đường biểu tình phản đối Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội phải phẫn nộ: ở mức độ tối thiểu cần có một bản nghị quyết về Biển Đông, Quốc hội Việt Nam vẫn tuyệt đối câm nín.

Cũng cho tới nay, đã không có bất cứ động tác kiên quyết nào của phía Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về “Đường lưỡi bò”.

Ngưu tầm ngưu mã tầm mã, tình trạng cay đắng của nhà nước Việt Nam từ nhiều năm qua là dù họ đã thủ sẵn trong túi chẵn một chục đối tác chiến lược, kể cả “đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc” và “người bạn Nga truyền thống”, nhưng không một bàn tay nào chìa ra cho Việt Nam với tư cách đồng minh trong vụ HD 981.

Song hiện thực ngược ngạo là không phải “láng giềng gần” mà chính những “bà con xa” như người Mỹ và những quốc gia đồng minh quân sự với Mỹ như Nhật Bản và Philippines lại trở thành giá đỡ cho tinh thần suy sụp của giới lãnh đạo Việt Nam. Vào tháng 7/2014, không phải Quốc hội Việt Nam mà chính Quốc hội Hoa Kỳ lần đầu tiên tung ra một nghị quyết mạnh mẽ về Biển Đông như một đòn dằn mặt tham vọng của Trung Quốc.

Cũng kể từ giữa năm 2014, Philippines bắt đầu đạt được tiến bộ khả quan tại Liên hiệp quốc trong vụ kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc. Tháng 8/2014, Philippines mạnh tay đưa 12 ngư dân Trung Quốc ra tòa để tuyên phạt nhiều năm tù vì đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước này. Sau sự kiện chấn động đó cho đến tận bây giờ, Bắc Kinh không hề lồng lộn lên như vẫn thường đối xử với Hà Nội.  

Bản lĩnh vượt mặt Việt Nam ấy không phải mang tính đột biến mà được tích lũy  qua thời gian. Với quyết định “bắt Trung Quốc”, Manila đã có một hành động pháp lý vượt hơn hẳn cao vọng “kiện Trung Quốc” của giới đảng, nhà nước và chính phủ Hà Nội.
Thực tâm hay ‘đạo diễn’?

Khác hẳn thế dám đứng dậy của Philippines, sau vụ giàn khoan HD 981 và cho đến gần đây, Việt Nam đã lỡ mất cơ hội và gần như vẫn nằm nguyên trong mớ lục đục tủi hổ.

Giờ đây, sự thể đang dồn lên vai Nhà nước Việt Nam tất cả những gì tối thiểu thuộc về danh thể. Mãi cho tới gần đây, điều đáng phẫn nộ là xã hội Việt Nam vẫn phải thưởng thức món ăn từ ngữ “tàu lạ” mà không thoát nổi cơn nghẹn họng. 

Không có bất cứ động tác truy xét nào mà từ đó tìm ra được dung nhan kẻ gây hấn giết hại ngư dân, các cơ quan hữu quan Việt Nam đã quỳ mọp trong nỗi xấu hổ và tự ti vô cùng tận trước thế đứng thẳng người của đất nước Philippines.

Khi không khí “kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế” đã dần lịm tăm, những tin tức về ngư dân Việt Nam bị phá sản lại càng lan truyền khắp nơi. Không một vũ khí trong tay và còn chưa được vay vốn với lãi suất thấp để đóng tàu vỏ sắt như lời hươu vượn của giới quan chức cao cấp lẫn các đại gia ngân hàng “ngồi mát ăn bát vàng”, nhiều gia đình ngư dân Việt đang phải bó gối nhìn tôm cá lũ lượt chui vào lưới tàu Trung Quốc.

Rất nhiều lần người dân phải gào lên: Quân chủng Hải quân Việt Nam đã đầy “dũng khí bám bờ” như thế nào, trong lúc đồng bào ngư dân của họ vẫn phải kiên trì bám biển…

Trong bối cảnh quá thê thiết ấy, hiện tượng lực lượng bộ đội biên phòng Việt Nam lần đầu tiên dám bắt giữ một tàu cá Trung Quốc vào tháng 4/2016 và còn cho báo chí nhà nước đăng tải thông tin này công khai đã khiến dư luận ngạc nhiên. Càng ngạc nhiên hơn khi vụ bắt giữ này diễn ra ngay sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.

Giả thiết gần nhất đối với dư luận xã hội là có thể phía Việt Nam đã phát hiện ra một âm mưu đủ quy mô và đủ thâm độc của Trung Quốc trong việc lấn chiếm lãnh hải Việt Nam, do đó bắt buộc phải tỏ ra kiên quyết hơn trong đối phó với tàu Trung Quốc.
Nhưng còn nhiều cách hiểu khác, nhất là khi niềm tin dân chúng đã bị đảng cầm quyền ở Việt Nam xúc phạm ghê gớm không chỉ một lần. Một luồng dư luận cho rằng vụ bắt giữ trên chỉ là một cách của Bộ Chính trị mới nhằm đối phó tạm thời với làn sóng lên án dâng cao của người dân, kể cả sức ép trong nội bộ đảng về thực trạng Nhà nước Việt Nam “thần phục Trung Quốc”.

Cũng có thể một số lãnh đạo nào đó của Việt Nam không muốn bị quá mang tiếng là “Lê Chiêu Thống”…

Hoặc tệ hơn nhiều, đó là một kịch bản đã được “đạo diễn”…
Nhưng dù gì chăng nữa, nếu không thể dứt khoát được quan điểm chấm dứt đu dây và bằng hành động rời xa “Bạn vàng” càng sớm càng tốt, giới lãnh đạo Việt Nam sẽ phải chứng kiến một cái chết chắc chắn của dân tộc và của với chính họ trong tương lai rất gần.
http://www.voatiengviet.com/content/bat-trung-quoc-vietnam-dong-kich-hay-bat-dau-cung-ran/3275116.html

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng các tân phó thủ tướng và bộ trưởng. Hình: Quang Phong
Trong khi tôi đang tìm cách trả lời câu hỏi: “Giả định rằng, việc bầu cử chức danh lãnh đạo chủ chốt lần này chỉ là bầu cho Quốc hội khóa 13 và bầu cho nhiệm kỳ của Quốc hội khóa 13, nhiệm kỳ 2011-2015; trong trường hợp này Quốc hội 13 có vi phạm luật pháp không?”, thì đọc được tin trên báo Tuổi trẻ ngày 9/4 về “Kết quả Quốc hội phê chuẩn các thành viên Chính phủ”, giới thiệu 27 thành viên của chính phủ mới do ông Nguyễn Xuân Phúc cầm đầu (ta có thể gọi là chính phủ Nguyễn Xuân Phúc).

Điều đáng ghi nhận trong bài báo này là ở chỗ chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được gọi là “chính phủ hiện tại” và chính phủ Nguyễn Tấn Dũng được gọi là “chính phủ đầu nhiệm kỳ”. Như vậy, hàm ý đã rõ: chính phủ hiện tại là “chính phủ cuối nhiệm kỳ”. Cụm từ này, “chính phủ cuối nhiệm kỳ”, dĩ nhiên không mang vẻ tươi sáng nên bị tránh không nhắc đến cũng là điều dễ hiểu.

Cá nhân tôi xem đó là một dấu hiệu tích cực, dấu hiệu của việc Quốc hội 13 và chính phủ mới có quan tâm đến ý kiến bình luận của nhân dân. Điều này cần được ghi nhận.

Bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục xem xét việc Quốc hội 13 bầu toàn bộ nội các của chính phủ mới trong mấy ngày vừa qua có vi phạm luật pháp không?

Trước khi đi vào phân tích, để tránh hiểu lầm, tôi xin nói rõ rằng tôi không phải là một chuyên gia về luật, tôi chỉ tìm hiểu luật pháp ở phạm vi mà bất kỳ công dân nào cũng có thể tìm hiểu, và vì thế những phát biểu này dựa trên những kiến thức sơ đẳng về luật, phổ quát cho tất cả mọi người. Nói điều này để mong rằng sẽ có những phân tích sâu hơn, ở các tầng mức chuyên môn sâu và rộng hơn, của những người am hiểu luật pháp, những phân tích như vậy sẽ rất hữu ích cho cả chính phủ Việt Nam và cho cả người dân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. 

Các luật sư và các chuyên gia về luật có một vai trò vô cùng quan trọng trong một xã hội đang được quản lý bằng nghị quyết chứ không phải bằng luật, như xã hội của chúng ta.

Và tôi cũng xác định rất rõ rằng, những phân tích dưới đây của tôi dựa trên những thông tin được truyền thông chính thống cung cấp. Cụ thể là thông tin về việc bãi nhiệm ba chức vụ chủ chốt và hai phó thủ tướng cùng với 18 bộ trưởng. Đồng thời không có một thông tin nào về lý do khiến họ bị bãi nhiệm. Vậy có thể xem họ không có sai phạm gì, họ không làm gì đáng phải bị bãi nhiệm. Điều này được khẳng định bởi việc: một số người bị bãi nhiệm lại được bầu để giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống quyền lực, như các ông Trần Đại Quang, Đinh La Thăng. 

Đồng thời tôi KHÔNG thấy có một thông tin nào nói về việc các lãnh đạo cao cấp bị miễn nhiệm có đơn xin từ chức kèm theo các giải trình về các sai phạm hoặc yếu kém của mình.

Cũng xác định thêm là ở đây tôi không phỏng đoán về lý do tại sao Quốc hội làm như vậy, tôi chỉ muốn tìm hiểu xem Quốc hội làm như vậy có đúng luật pháp hay không mà thôi.

 Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng đối với ông Hoàng Trung Hải (trái) và ông Vũ Văn Ninh hôm 8 Tháng Tư, 2016. 

Cho dù Hiến pháp (điều 70) có quy định Quốc hội có quyền “bãi nhiệm, miễn nhiệm” các chức danh lãnh đạo chủ chốt do Quốc hội bầu ra, thì việc Quốc hội 13, vào thời điểm cuối nhiệm kỳ của mình, đột nhiên bãi nhiệm một loạt các chức danh cao cấp (không chỉ là ba vị trí quyền lực cao nhất, mà kèm theo đó là 18 bộ trưởng và hai phó thủ tướng) vẫn khiến cho người dân bàng hoàng và tự hỏi rằng không hiểu luật pháp có cho phép làm như vậy hay không, và cho phép làm như vậy với điều kiện nào?

Câu hỏi là:  Quốc hội được quyền “miễn nhiệm, bãi nhiệm” các chức danh do Quốc hội bầu ra, tuy nhiên Quốc hội có được làm việc đó một cách vô điều kiện không, hay là chỉ trong những điều kiện được quy định cụ thể thì Quốc hội mới được quyền làm điều này?

Dĩ nhiên, Hiến pháp sẽ không quy định cụ thể. Tôi đành tìm đọc “Luật tổ chức Quốc hội” (luật mới nhất, vừa ban hành đầu năm 2016) để tìm câu trả lời. Thật đáng ngạc nhiên, điều luật về quyền bãi nhiệm, cách chức các chức vụ chủ chốt cũng chỉ ghi một cách ngắn gọn như trong Hiến pháp. 

Tôi trích nguyên văn dưới đây:
“Điều 11. Miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Luật này theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó.”

Như vậy, điều luật này quy định quyền của Quốc hội, nhưng không quy định các điều kiện để giới hạn quyền này. Thông thường, phải có lý do thì những người lãnh đạo mới có thể bị bãi nhiệm hay cách chức, và thường là phải phạm một hoặc nhiều lỗi rất quan trọng, hoặc năng lực quá yếu kém gây hại cho công việc chung… thì mới bị bãi nhiệm. Lô-gic tất yếu phải là như vậy, bởi vì nếu Quốc hội có quyền cách chức lãnh đạo không cần lý do thì chính phủ sẽ loạn, xã hội sẽ loạn.

 Ba Phó Thủ tướng mới được bổ nhiệm ngày 9 Tháng Tư, 2016. Từ trái sang phải: ông Trương Hòa Bình, ông Trịnh Đình Dũng và ông Vương Đình Huệ. Hình: Quang Phong 

Cái mà tôi tìm kiếm là thông tin cho biết các lãnh đạo cao cấp sẽ bị bãi nhiệm hay cách chức trong điều kiện nào. Không có những thông tin như vậy. Phải chăng điều 11 này của “Luật tổ chức Quốc hội” cho phép Quốc hội sử dụng quyền của mình một cách vô giới hạn, một cách bừa bãi, không cần lý do? Và cứ hễ lúc nào muốn thì Quốc hội đều có thể bãi nhiệm hay cách chức ngay lập tức, không cần xem xét, không cần bằng chứng…? Và như vậy Quốc hội có thể bãi nhiệm hay cách chức cách lãnh đạo kể cả khi họ đang làm rất tốt công việc của họ, khi họ không phạm lỗi gì cả?

Điều này thật khó tin. Bởi nếu đúng như thế thì sẽ loạn thật. Vì thế tôi phải tìm hiểu thêm, và rất may là trên website của Quốc hội, trang giới thiệu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, có một đoạn như sau về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, trích nguyên văn:

«Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội tín nhiệm. Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “không tín nhiệm” thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó.»

Như vậy, nội dung đoạn văn này cho thấy, để có thể miễn nhiệm một lãnh đạo cao cấp, thì người đó phải rơi vào tình trạng không được Quốc hội tín nhiệm, nghĩa là người đó phải có sai phạm hoặc yếu kém năng lực…, dù không nói cụ thể nhưng rõ ràng là người bị bãi nhiệm phải làm gì đó khiến cho Quốc hội không còn tín nhiệm nữa. Và như vậy thì hoàn toàn hợp lý. Quốc hội không thể bãi nhiệm một người nếu người đó đang làm tốt công việc và đang được tín nhiệm cao.

Quốc hội khóa 13 bằng việc bãi nhiệm và bổ nhiệm vừa tiến hành, đã rơi vào một mâu thuẫn mà không một lo-gic nào của luật pháp có thể giải thích được. Nghĩa là Quốc hội 13, bằng mâu thuẫn này đã vô hiệu hóa luật pháp.

Một cách cụ thể, mâu thuẫn đó là:
1/ Dù báo chí chính thống không dám phân tích, nhưng việc bãi nhiệm hơn hai mươi thành viên cao cấp của chính phủ khiến cho dân chúng hiểu rằng các thành viên này đã có những vi phạm thuộc dạng trầm trọng khiến Quốc hội mất tín nhiệm, mất tín nhiệm đến mức, dù chỉ còn tồn tại có vài tháng, nhưng trong cuộc họp cuối cùng của mình, Quốc hội 13 đã phải bãi nhiệm các lãnh đạo cao cấp đó.
2/ Tuy nhiên, nhiều người trong số những người bị bãi nhiệm lại được chính Quốc hội bầu vào các vị trí cao hơn, quan trọng hơn. Như vậy có nghĩa là họ được Quốc hội tín nhiệm cao.

Vừa mất tín nhiệm, vừa được tín nhiệm cao!!! Sao kỳ quá vậy???

Thế này thì phải lẩy thơ Tú Xương mà cảm thán rằng: “Có luật nào như luật ấy không?” Hoặc “Có Quốc hội nào như Quốc hội ấy không?”. Hay như một nhà báo đã không kìm được mà than lên rằng: “Sao Quốc hội không bãi nhiệm nhân dân luôn đi!!!”.
Quốc hội 13 làm sao giải thích cho dân chúng hiểu được mâu thuẫn này, một mâu thuẫn về mặt luật pháp?

Nhiều người đã phân tích các hậu quả của việc bãi nhiệm và bổ nhiệm vừa qua của Quốc hội 13, và chắc giới phân tích sẽ còn bàn đến dài dài. Ở đây, tôi chỉ nêu thêm một điểm, liên quan đến những gì tôi nói trên đây. Hệ thống luật pháp của Việt Nam rất bất cập, với các quy định thiếu rõ ràng, và điều này khiến cho hiến pháp hay luật pháp sẽ dễ dàng trở thành công cụ trong tay những người có quyền lực nhằm phục vụ cho mục đích riêng của họ, khi họ cần. Quốc hội khóa 13 đã đưa ra một bằng chứng cho điều này, bằng chứng mà giờ đây họ không thể bác bỏ. Họ dựa vào cái thế họ là cơ quan lập pháp, họ dựa vào điều 70 của Hiến pháp và điều 11 của Luật tổ chức quốc hội (cả hai điều đều quy định quyền của Quốc hội nhưng không có quy định giới hạn và định chế của quyền này), tự cho phép mình tạo ra những mâu thuẫn về mặt luật pháp, những mâu thuẫn không thể giải quyết.

Liệu người dân Việt Nam, những người yêu dân chủ, yêu luật pháp, yêu sự công bằng, quý trọng phẩm giá có phải chờ đợi rằng, nếu bà Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục được Quốc hội 14 bầu lại làm chủ tịch Quốc hội, thì CÓ THỂ (tôi nhấn mạnh để nói rằng đây chỉ là một giả thiết mà thôi), dưới sự lãnh đạo của bà, Quốc hội Việt Nam sẽ vượt qua mọi giới hạn cho phép của luật pháp?

 Bởi vì bà Kim Ngân đã dám làm những điều mà trước bà chưa một Chủ tịch quốc hội nào dám làm, kể cả ông Nguyễn Sinh Hùng, và làm những điều đó ngay những ngày đầu tiên nhậm chức. Chưa bao giờ có một Chủ tịch Quốc hội nào dám điều hành Quốc hội làm cái việc miễn nhiệm cùng lúc, trong một thời gian cực ngắn (chỉ trong vài ngày), hơn hai chục thành viên cao nhất của chính phủ mà không cần lý do, không cần truy xét, không cần bằng chứng, không cần cái tối thiểu nhất là lấy phiếu tín nhiệm. Bà Chủ tịch Quốc hội mới quả là có bản lĩnh phi thường. Và trong lịch sử Việt Nam cũng chưa có Quốc hội khóa nào dám làm một việc như thế. Quốc hội khóa 13 quả là rất bản lĩnh trước pháp luật, không hề biết sợ luật pháp.

 Chỉ trong vòng vài ngày, bà Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành Quốc hội miễn nhiệm cùng lúc hơn hai chục thành viên cao nhất của chính phủ. 

Việc bãi nhiệm, bổ nhiệm nhân sự cao cấp vừa rồi của Quốc hội 13 sẽ dẫn đến một số khả năng sau đây, dĩ nhiên chỉ ở dạng giả thiết:
1/ Quốc hội khóa 14, nếu là một Quốc hội nghiêm túc, sẽ phải xem xét và ban hành lại Hiến pháp và các bộ luật, trong đó có cả Luật tổ chức Quốc hội vừa được ông Nguyễn Sinh Hùng ký, ban hành và có hiệu lực mới chỉ từ ngày 1/1/2016. 

Phải xem xét lại, bởi vì rõ ràng bên cạnh việc quy định các quyền, cần có các quy định về điều kiện để thực hiện các quyền đó. Bởi nếu giữ tình trạng hiện nay, không có các điều luật hạn định điều kiện thực hiện các quyền thì quyền lực sẽ trở nên vô giới hạn. Điều này dẫn đến giả thiết thứ hai.

2/ Nếu Quốc hội khóa 14 hoàn toàn tuân thủ những gì đã được sắp đặt, thì: tiền lệ vừa được Quốc hội 13 tạo ra sẽ là cơ sở cho những rối loạn luật pháp, và kéo theo là những rối loạn xã hội. Bởi vì sẽ có thể xảy ra một lần nữa, hoặc nhiều lần nữa, những việc tương tự. Khi nào Quốc hội thích, không cần lý do, không cần có thời điểm thích hợp, là có thể bãi nhiệm hàng loạt và bổ nhiệm hàng loạt nhân sự cao cấp. 

Vậy cần chờ đợi là trong 5 năm của nhiệm kỳ Quốc hội 14, rất có thể mỗi năm sẽ có một lần bãi nhiệm và bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp. Tại sao không? Đã có Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội làm hậu thuẫn, đã có Quốc hội 13 đặt tiền lệ!!!

Dĩ nhiên, giả thiết chỉ là giả thiết mà thôi. Chúng ta thực sự đang ở một thời điểm mà không ai có thể chắc chắn về điều gì. Và nếu các rối loạn xảy ra thì đó chưa hẳn đã là điều xấu. Nhiều quy luật đã chứng minh rằng trật tự mới chỉ được thiết lập sau các rối loạn. Và rất có thể việc Quốc hội 13 tạo tiền đề cho các rối loạn tiềm tàng là nằm trong chủ ý của những chính trị gia tài năng, nếu ta muốn nhìn vấn đề từ góc độ tích cực.

Paris, 10/4/2016
Nguyễn Thị Từ Huy
https://chantroimoimedia.com/2016/04/11/ba%CC%83i-nhie%CC%A3m-va-bo%CC%89-nhie%CC%A3m-toc-vai-tro-li%CC%A3ch-su%CC%89-cu%CC%89a-quoc-ho%CC%A3i-khoa-13/
__._,_.___
________________________________________
Posted by: ly vanxuan

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link