Monday, May 14, 2012

Lam Cam Saigon thien ha su : Chuyen vui buon o benh vien

 

  Văn Quang - Từ Sài Gòn, ngày 11.5.2012

 

                   Chuyện vui buồn ở bệnh viện    

 

Ghét của nào trời trao của đó”, câu phương ngôn của người Việt, chẳng sai tí nào.

Như tôi đã thường “kính trình” với bạn đọc rằng ở VN có nhiều thứ để sợ. Sợ chết vì thức ăn nhiễm độc, đi đường sợ trời mưa điện giật, sợ xe cán, sợ cướp giật… nói tóm lại là có nhiều kiểu sợ, khối kiểu “chết made in Saigon”.

 

Nhưng hầu hết người dân đều sợ nhất hai thứ. Một là đến cửa quan “xin cho” bất cứ việc gì. Hai là phải mang thân vào bệnh viện.

Đến hai nơi đó, cái giá trị của bạn chỉ như cái bút bi, mặc cho “con tạo xoay vần”, đặt nằm trên bàn giấy đầy quyền uy hay nó lăn xuống gầm bàn, gầm tủ cũng đành chịu vậy.

 

    Bệnh Viện Vạn Hạnh tuy khá lớn ở Sài Gòn nhưng rất ít người biết     

 

Hành trình đến bệnh viện 

Ấy thế mà tôi cũng không thoát được, tuần vừa qua tôi phải vào bệnh viện (BV). Phải vào cấp tốc vì cái thứ bệnh mà 90% những người đàn ông lớn tuổi đều mắc phải. Người ta nói đó là trái tim thứ hai của cánh đàn ông. Bệnh u tiền liệt tuyến! Nhẹ thì khó tiểu tiện, nặng thì bí luôn. Không vào nhanh, nó “bể” ra là đi tàu suốt, không cách nào cứu được. Khi còn ở Lộc Ninh, tôi đã thấy một anh sĩ quan biên phòng rất khỏe mạnh. Bí tiểu, mang về đến BV quân đội 175 ở Saigon mất khoảng hơn 2 giờ thì bể bọng, lăn đùng ra chết. May mà tôi đã dọn về Saigon và từ nhà tôi đến BV chỉ mất 5 phút đi xe ôm.

 

Những năm gần đây, đọc báo, xem truyền hình, hầu như ngày nào các phương tiện thông tin cũng “kêu ca”, đôi khi rất nặng lời về tình trạng ở khắp các BV từ Bắc chí Nam. Nào là “quá tải”, đứng ngồi lộn xộn hơn ở chợ, nào là nằm dưới gầm giường, nào là chết oan, nào là dân kéo đến đập phá BV, nào là y đức xuống cấp của một số không ít các vị bác sĩ (BS)… Nghe hết hồn. Chỉ cầu Trời, xin Chúa làm sao cho con khỏe mạnh; đừng bắt con vào “nhà thương”.

 

Tôi mang cái tâm trạng ấy đến BV. Ngồi trên chiếc xe ôm chạy tắt qua một con hẻm, băng qua một con đường là tới, mà sao tôi thấy quá xa. Bạn ở trong cái tình trạng bí tiểu, nó thúc phải đi mà đi không được, nó tắc, nó buốt, nó hành như người mình cũng muốn nổ tung. Bà xã tôi đứng đợi trước cửa BV, dìu tôi lên mấy bậc thang, lách qua đám bệnh nhân đang đứng đợi lấy số khám bệnh, chui thẳng vào phòng cấp cứu. Lúc đó là gần 8 giờ sáng ngày 2 tháng 5-2012. 

 

Ông ngồi ở phòng cấp cứu rất đẹp trai nhưng…

Phòng cấp cứu nhỏ và khang trang. Một ông trẻ tuổi đẹp trai, mặt mũi trắng trẻo, chẳng biết là bác sĩ hay cái gì sĩ, dáng chừng là sếp cái đám cấp cứu này, nghiêm trang ngước đầu lên, lạnh lùng hỏi:

 

Đi đâu đây?

 

Ơ hay, cái nhà ông BS này, người ta vào phòng cấp cứu mà lại hỏi đi đâu đây thì lạ thật. Chẳng lẽ đi ăn phở ở phòng cấp cứu sao? Người nhà tôi kính cẩn thưa:

 

Thưa bác sĩ, ông già nhà tôi bị u tiền liệt tuyến, bí tiểu từ đêm…

 

Ông BS nhìn cái thân hình méo mó của tôi rồi xua tay:

 

Ở đây không có cấp cứu khoa này. Ra ngoài kia mà hỏi.

 

Rồi ông cúi xuống xem cái gì đó, như không có ai trước mặt. Bị xua đuổi trắng trợn, tôi chưng hửng, còn hơn là bị dội gáo nước đá vào mặt. Nhưng “thấp cổ bé miệng”, cũng đành quay ra, chứ làm sao hơn. Tôi nhăn nhó đòi về hoặc đi BV khác ngay. Người nhà tôi biết bệnh tình không thể để lâu nên đôn đáo chạy đi hỏi.

 

Một bà y tá già đi trong hành lang bèn chỉ cho phòng số 10 là khoa chuyên trị về bệnh này. Từ phòng cấp cứu đến chuyên khoa trị bệnh của tôi chỉ chừng hơn 10 thước. Tôi không hiểu tại sao ông thầy thuốc “đẹp trai, học giỏi con nhà giàu” ngồi oai vệ ở phòng cấp cứu không thèm chỉ cho chúng tôi?

 

Thú thật là tôi không thể quên được cái bộ mặt lạnh hơn phi di đe, hống hách xằng của ông ta. Nếu tôi là họa sĩ như ông Đinh Cường, chắc lúc nào tôi cũng có thể vẽ y chang khuôn mặt khôi ngô bầu bĩnh mà khó ưa đó. Tôi tin rằng nhiều bệnh nhân ở các BV gặp những ông hống hách hoặc thiếu y đức cũng có một ý nghĩ như tôi. Có thể họ sẽ mang theo hình ảnh cái bản mặt đó cả đời nếu bệnh tình của họ không được chữa trị kịp thời. Lúc đó tôi mới thấy rõ, một thái độ nhỏ của người thầy thuốc đối với bệnh nhân (BN) quan trọng như thế nào. Mong rằng các vị thầy thuốc đều hiểu rõ và hình dung được điều này sau lời thề Hypprocates.

 

Một hình ảnh trái ngược khó làm tôi quên

Bí quá, người nhà tôi hé cành cửa phòng số 10 của BV này. Có hai BN ngồi chờ trên hai chiếc ghế nhỏ. Một BS quay ra, người nhà tôi trình bày bệnh tình của tôi. Vị BS nhìn tôi và nhanh nhẹn đứng lên vẫy tay mời vào:

 

Ông tìm đúng khoa rồi đấy. Ông vào đây.

 

Thế là ông BS kéo tôi ngồi xuống ghế đối diện hỏi bệnh tình. Ngay sau đó, có lẽ thấy bệnh của tôi nguy hiểm hơn nên ông xin lỗi hai BN trẻ ngồi chờ và đích thân đưa tôi đi qua các phòng khác làm một vài thủ tục. Ông ghé qua phòng cấp cứu mượn một vài dụng cụ, đưa tôi qua phòng khác bắt đầu chữa trị với một thái độ hết sức thận trọng, nhanh nhẹn, cứ như người nhà mình vậy. Quả thật đây cũng là điều khiến tôi ngạc nhiên. Thật ra việc “sơ cứu” đầu tiên chẳng có gì phức tạp. Chỉ cần vài dụng cụ tầm thường như một cái ống nhỏ giống cái ống hút vẫn thấy ở các quán nước, môt ống pommade là có thể thông đường tiểu được rồi.

Chỉ 10 phút sau là mọi chuyện xong xuôi. Lúc đó lấy ra được 1 lít 8 nước. Ông BS cho biết, nếu để lâu hơn, khoảng hơn 2 lít là BN có thể bị bể (xin lỗi bạn đọc) thông thường người ta gọi là bể bọng đái.

 

Chính tay ông BS làm mọi thứ rất chuyên nghiệp, mặc dầu ở bên ông có hai y tá. Ông thân mật vỗ vai tôi:

 

Bác thấy dễ chịu rồi chứ?

 

Tôi cảm động nhìn ông với lòng biết ơn, cảm tưởng của tôi như vừa thoát được gánh nặng nhất trong đời.

Hơn 12 năm, ở cái gọi là “trại cải tạo” ra cũng mừng đến thế thôi. Tôi với ông không hề quen biết. Lúc đó tôi mới có tâm trí nhìn ông. Chừng trên 40 tuổi, ông không đẹp trai nhưng rất dễ thương.

Ông đưa tôi trở lại phòng số 10 và mỉm cười hỏi tôi “bây giờ bác đã chịu mổ chưa”.

 

Tất nhiên tôi phải gật đầu ngay, không giống như 5-7 năm trước khi BS cho ý kiến tôi nên mổ nội soi, tôi đã từ chối vì còn thấy khỏe mạnh và còn con đường thoát là uống lá trinh nữ hoàng cung. Thứ lá này tôi có thể trồng trong vườn nhà và uống lá tươi, nhưng nó không làm cho cục bướu trong đường tiểu bớt đi mà có lẽ chỉ làm cho cục bướu không phát triển thêm chăng? Bây giờ cục bướu đã sưng to, bít kín ống dẫn nước nên buộc phải mổ thôi.

 

Tôi nói rõ để may ra mang lại chút kinh nghiệm cho các ông bạn từ 50 tuổi trở lên phải canh chừng bệnh này như ông BS Nguyễn Ý Đức đã phổ biến trong một bài về “Bệnh to nhiếp hộ tuyến”. Tôi đã đọc rất kỹ.

 

Ông BS điều trị mang biển tên “BS Đỗ Trí Nhẫn” cho tôi đi siêu âm và quyết định mổ ngay. Trong khi tôi phải qua các phòng để lấy máu xét nghiệm, đo điện tâm đồ, ông cho chuẩn bị sẵn phòng mổ.

 

Câu chuyện trong phòng mổ

Gần nửa giờ sau, tôi được đưa vào phòng mổ nhỏ. Một ê kíp khoảng chừng 5-6 người. Hai cô y tá trẻ tươi cười thân mật chào hỏi. Tôi biết khi mổ, tôi sẽ không được chụp thuốc mê vì đã lớn tuổi mà chỉ chích thuốc tê.

Tôi ngại bị đau nên làm ra vẻ “can đảm” yêu cầu cứ chụp thuốc mê cho tôi, tôi sẽ ký giấy cam đoan. Tôi nói thêm là “tôi đã 80 rồi, các bạn tôi ra đi gần hết, có đi theo các bạn tôi cũng hài lòng”.

 

Cô y tá trẻ cười rất có duyên trả lời: “Bác còn khỏe lắm, bác đòi đi đâu? Sau ca mổ, bác đi karaoke thì có”, làm cả phòng rộn rã tiếng cười. Bỗng dưng tôi thấy thảnh thơi hơn. Qua những câu chuyện vui vẻ dí dỏm ở đây, tôi nghĩ đó là một cách làm cho bệnh nhân lên bàn mổ yên tâm hơn. Rõ ràng là một bài học hẳn hoi (do BS hay do BV huấn luyện) chứ không chỉ là sự vô tình trong ca mổ của riêng tôi.

 

Ca mổ nội soi bắt đầu sau khi chích thuốc tê vài phút. Tôi chẳng biết gì phía sau tấm màn được dăng ngang lưng, chẳng cảm thấy đau đớn trong hơn nửa tiếng đầu. Sau đó cảm thấy đau khoảng 15-20 phút là ca mổ xong. Vẫn những tiếng nói hồn nhiên vui vẻ thông báo: “Xong rồi đó bác, dễ chịu không. Bác qua phòng hồi sức nằm cho khỏe”.

 

Phòng hồi sức là căn phòng rộng, nhận tất cả các BN từ các ca mổ khác. Tôi vẫn tỉnh táo, vẫn không hề cảm thấy đau đớn gì ngoài việc không tìm thấy hai cái chân mình đâu. Tôi có ý nghĩ khôi hài là  chẳng lẽ tôi mổ bàng quang mà mấy ông ấy cắt lầm 2 cái chân của tôi sao?

 

Thật ra là nửa người tôi bị tê, sờ thấy một khối như khối gỗ mà không biết đó là chân mình. Khoảng 4 tiếng sau, 2 cái chân có cảm giác, tôi được đưa về phòng nghỉ của BV, chính ông BS điều trị đã gọi ĐT đặt sẵn cho tôi ở lại BV vài ngày.

 

Những chuyện lạ của BV này

Phòng tôi nằm là phòng 2 người, nhưng vì tôi phải “thoát y vũ” suốt ngày để tiện việc theo dõi và điều trị, nên không tiện nằm chung, tôi phải bao luôn phòng này. Cái giá phòng rất rẻ, so với những BV bình dân khác ở Sài Gòn. Một người 350 ngàn VNĐ, bao luôn là 700 ngàn VNĐ/ngày (bằng 35 USD). Điều này được chứng thực bằng hầu hết các bạn tôi đến thăm.

 

 

Bệnh nhân ngồi chờ trước cửa các khoa chuyên môn điều trị bệnh

 

Một điều đặc biệt nữa là khi các bạn tôi gọi điện thoại hỏi tôi nằm ở BV nào. Tôi trả lời đó là BV Vạn Hạnh. Tất cả các bạn tôi không ai biết BV này nằm ở đâu, cái tên lạ hoắc dù con đường không lạ. BV nằm ở con đường Sư Vạn Hạnh nối dài, con đường có từ hồi xa xưa, trước những năm 1975. Đây là BV tư, nghe đâu có 3 chị em một gia đình thương gia đầu tư cách đây khoảng hơn 10 năm.

 

Hàng quán bầy bán ngay trước Bệnh Viện

 

Ngay cả những tay được mệnh danh là “thổ công Sài Gòn” như Khôi, Thanh Saigon, Đoàn Dự, Sài Gòn Cô Nương Hàm Anh, Trần Thiện Hiệp… đều mù tịt về BV này. Họ hỏi tới hỏi lui mới lần ra cái địa chỉ của BV. Khi kéo lên thăm tôi, họ đều tỏ vẻ rất ngạc nhiên rằng tại sao ở Sài Gòn lại có một BV tốt như thế này mà rất ít người biết. Phòng tôi nằm khá rộng, giường này cách giường kia đúng 1m80. Năm bẩy ông bạn đến thăm nằm ngồi rộng rãi. Các bạn tôi đã từng trải qua các BV, so sánh cái giá của nó rẻ hơn nhiều dịch vụ của những BV Saigon như BV Chợ Rẫy, BV Bình Dân. Theo đạo diễn Lý Huỳnh thì anh đã phải trả tới 1 triệu đồng cho 1 phòng còn nhỏ hơn ở dịch vụ BV công.

 

Còn so với loại BV thuộc loại “quý tộc” như BV Việt Pháp, BV quốc tế thì mang đô la ra nói chuyện chứ đừng nói bằng tiền Việt. Một phòng có thể lên tới cả trăm đô 1 ngày, không kể tiền chữa trị thuốc men. Một anh bạn tôi nói : “Ca mổ như của anh vào BV quý tộc thì cứ sắp sẵn 5-10 ngàn đô” chứ không phải 1 ngàn đô đâu.

 

Ngay cả ông bạn Nhất Giang từ Úc về, đến thăm tôi cũng công nhận là phòng rẻ, đẹp, rộng rãi hơn là nhiều phòng ở các BV quốc tế tại VN nay đã xuống cấp.

 

Chỉ vì cái số điện thoại của ông bác sĩ

Một vài người bạn hỏi tôi “Làm sao anh biết BV này?”.

Xin thưa là tôi đến khám ở BV Vạn Hạnh này cách đây 10 năm, từ khi nó mới chỉ là một cái villa được sửa sang lại. Khi ấy mới có chừng vài ba khoa, vài phòng bệnh, BS cũng chỉ có 5-3 người. Giá ‘bình dân” và BS rất có lương tâm.

 

Lối vào phòng cấp cứu của Bệnh Viện

 

Hồi đó tôi bị cảm cúm nặng, vào BV được BS Huỳnh Phong Vũ khám và cho thuốc về nhà uống kèm theo số điện thoại. Hôm sau bệnh tôi không bớt, điện thoại vào hỏi BS, ông nói tắt máy đi và ngay sau đó ông nhắn tin cho tên 3 thứ thuốc khác mua về uống. Quả nhiên bệnh thuyên giảm nhanh chóng, ông gọi ĐT hỏi thăm.

 

Vợ chồng chú em tôi ở An Giang lên khám bệnh, khi về cũng được vị BS này cho số ĐT và khi gặp phản ứng, chỉ cần gọi ĐT cho BS là ông này lại nhắn tin cho mua vài thứ thuốc uống, bệnh tình lại khỏi hẳn, không cần mất thì giờ tốn kém rất nhiều tiền từ quê xa mò lên BV tái khám. Từ đó, cả gia đình tôi gắn bó với BV này. Có lẽ nhiều gia đình khác cũng thế.

 

Từ đó đến nay, BV cứ ngày một mở mang thêm, các BS dường như cũng được chọn lọc và các phụ tá, y tá, lao công, bảo vệ đều được huấn luyện rất kỹ. Tôi nằm ở phòng này hơn 3 ngày đều được chăm sóc thường xuyên, thái độ của các nhân viên rất hòa nhã thân thiện. Câu lạc bộ ở tầng dưới, đi thang máy rất nhanh, phục mọi nhu cầu sinh hoạt của khách. BS, nhân viên của BV và BN cùng ăn uống chung trong một CLB không phân biệt, nên thực phẩm có thể được bảo đảm an toàn.

 

Nhà thuốc trong Bệnh Viện

 

BV ngày nay đã khá rộng lớn, nhìn bề ngoài cũng đã thấy “bề thế” lắm, khiến các bạn tôi đều rất ngạc nhiên. Tai sao một BV lớn, tốt và rẻ như thế mà hầu như rất ít người Sài Gòn biết đến.

 

Tôi tường trình với bạn đọc những điều này mà không hề sợ bị hiểu lầm là quảng cáo không công hay có công cho BV, bởi đã được tất cả các các bạn tôi chứng kiến tận mắt. Và cho đến bây giờ BV cũng chỉ biết tên thật của tôi là một bệnh nhân chứ không hề biết đến bút hiệu VQ là ai và tôi cũng chẳng bao giờ mang cái bút hiệu ra với BV.

 

Tuy BV tốt như vậy, nhưng tất nhiên không thể tránh hết mọi sai sót như ông đẹp trai làm việc ở phòng cấp cứu. Không thể tránh khỏi vài hạt cát sạn trong môt ngôi nhà dù là hoàng cung. Tôi tin là BV sẽ sửa chữa được những sai sót đáng tiếc này.

 

Một chuyện phẫn nộ trong Bệnh viện  

 

Thưa bạn đọc,

Có một chuyện tôi không thể không lên tiếng khi nằm trong BV.

Hôm đó là 8 giờ sáng ngày 03-5, người nhà tôi đưa tôi đi trong hành lang, qua phòng 306 thấy một cảnh lộn xộn, liền dừng lại nhìn. Phòng mở rộng cửa, chúng tôi nhìn thấy một bệnh nhân tại phòng này, ông ta trẻ, cao to, mặc quần jean áo pull. Hỏi ra mới biết ông ấy vừa mất chiếc điện thoại Nokia để trên mặt bàn ngủ đầu giường. Ông ta đang hùng hồn phân trần: “Rõ ràng tôi để chiếc điện thoại ở đây và theo dõi bà lao công vào dọn dẹp phòng. Tôi để ý xem bà ta có gian ý không. Bà lao công dọn phòng, thu xếp drap và chăn gối của tôi xong là tôi mất cái ĐT rồi. Chỉ có bà ta ăn cắp thôi”.

 

Mấy cô y tá xúm lại, yêu cầu bà lao công tên Chanh, rũ hết những tấm drap trong bọc ra. Những chiếc drap, gối dính đầy máu được gỡ tung từng chiếc trước mặt mọi người. Bà lao công đã có tuổi, gầy gò run rẩy, rũ tung từng món trong bọc đến lần thứ hai, vừa lắp bắp thanh minh rằng “nhà cháu không lấy, thưa ông cháu không biết…”.

 

Nhưng ông khách vẫn quả quyết là bà đã lấy cắp chiếc điện thoại, chưa mang đi đâu được, chắc giấu quanh đâu đây thôi. Cô y tá là điều dưỡng viên, tôi đọc được bảng tên là Nguyễn Thị Hồng Thắm liền có sáng kiến, đưa chiếc điện thoại của cô cho ông khách để ông gọi vào số máy của ông, nếu chiếv ĐT của ông còn ở gần đây nó sẽ reo là tìm ra thủ phạm. Ông khách vênh váo cầm ĐT nhấn số máy của mình. Các bạn cũng biết là khi kẻ ăn cắp ĐT chuyên môn thường tắt máy, quăng cái sim cũ đi ngay để khỏi bị lộ. ĐT sẽ chỉ ò í e, chuông không reo.

 

Nhưng vài giây sau, chuông reo, ông khách “a lô” hỏi ai đó và mặt ông ta bỗng ngẩn ra. Ông buông máy và chỉ hậm hực trả lời cụt lủn “Cháu tôi giữ điện thoại”.

 

Ngay sau đó, ông ta đưa trả điện thoại cho cô Thắm, không một lời cảm ơn và không hề xin lỗi bà lao công tên Chanh còn đứng ngẩn ngơ lo sợ, chưa kịp biết rằng mình bị oan. Ông Khách vẫn cái vẻ “hùng hổ kiêu căng”, mau chóng đi ra khỏi phòng trước sự ngạc nhiên, phẫn nộ của các cô y tá và chúng tôi.

 

Nền giáo dục nào đã dạy ông khách như thế?

Nhìn cái dáng đi hùng dũng của ông khách rồi nhìn cái vẻ khắc khổ của bà lao công tên Chanh lầm lũi ôm cái bọc đi về phía cuối hành lang, tôi thấy uất nghẹn, căm phẫn lạ lùng.

Nếu có sức khỏe như các ông Hoan Pilot hay Hùng Sùi, chắc tôi sẽ phải túm cổ ông khách kia lại, ít nhất bắt ông ta phải có một lời xin lỗi bà Chanh. Hoặc không giữ được bình tĩnh chắc phải cho ông ta ăn vài qủa đấm.

Nhưng về phía BV, các cô y tá chỉ buồn tủi nói với nhau “bỏ qua chuyện này đi” vì BV cũng rất khó xử. Các cô nói với tôi rằng BV thường gặp những chuyện tương tự như thế, nhưng chẳng có cách nào khác.

 

Hãy đặt một giả thuyết rất có thể xảy ra là nếu như người cháu của ông khách đã ăn cắp chiếc ĐT kia mà không phải là cầm giùm thì chuông sẽ không reo. Như thế là cái tội ăn cắp sẽ đổ hết lên đầu bà Chanh căn cứ vào những lời vu khống buộc tội quả quyết, rất đáng tin của vị khách. Bà lao công sẽ bị đuổi việc và suốt đời mang tiếng ăn cắp.

 

Lương tâm ông khách kia sẽ ra sao? Tại sao ông ta lại có thể bịa đặt ra những lời lẽ rất chắc chắn “như đinh đóng cột” là đã theo dõi bà lao công ngay từ khi vào phòng?

 

Nền giáo dục nào đã dạy cho ông ta cách vu khống trắng trợn, độc ác không một chút ngượng miệng như thế? Hay đó phải được coi là một sự “vô giáo dục”? Cả đến một lời cảm ơn người cho mượn ĐT và lời xin lỗi bà già lao công cũng không. Ông ta còn là người được không”?

 

Thưa bạn đọc,

Chắc bạn đọc cũng mang chung một ý nghĩ như tôi. Tại sao xã hội này lại sản sinh con người vô liêm sỉ đến như thế. Không chỉ BV mới có những chuyện đáng buồn mà ngay cả những vị khách của BV cũng có những điều cần xem lại mình.

 

Trở lại chuyện chung về các BV ở VN, phải nói thẳng người ta “chửi bới”, chê bai kết án nhiều lắm rồi. Nhưng đâu đó vẫn còn những nơi chốn tốt và những vị “lương y như từ mẫu” rất đáng kính trọng.

 

Đến đây tôi xin cảm ơn nhiều bạn đọc và bạn bè biết tin tôi phải mổ ở BV đã thăm hỏi, an ủi nhiệt tình. Tôi đang trong thời kỳ dưỡng bệnh chưa bình phục hẳn. Nhưng có điều may mắn là sau khi xét nghiệm cục bướu, cho kết quả là khối u lành, không phải ung thư và xét nghiệm 4 ống máu cũng không tìm ra bệnh nào. Hy vọng tôi sẽ tiếp tục gặp lại bạn đọc trong những tuần sau.

Văn Quang 11-5-2012                 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-21/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link