Friday, June 1, 2012

TQ 'né tránh' đối thoại an ninh vùng?

TQ 'né tránh' đối thoại an ninh vùng?

Hồng Nga

BBCVietnamese.com, Singapore

Cập nhật: 10:13 GMT - thứ sáu, 1 tháng 6, 2012

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và đồng nhiệm Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Đối thoại Shangri-La 10

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc không đến diễn đàn an ninh năm nay, khác lần trước (trong ảnh)

Những ai theo dõi diễn đàn an ninh khu vực mang tên Đối thoại Shangri-La (theo tên của khách sạn ở Singapore, nơi tổ chức hội nghị) nhiều năm liên tục chắc không khỏi thắc mắc khi biết tin Trung Quốc đột ngột 'giáng cấp' thành phần tham dự.

Tại Shangri-La lần thứ 10 năm ngoái, trưởng đoàn Trung Quốc là Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt, cấp cao nhất từ năm 2007, khi nước này bắt đầu tham gia diễn đàn thường niên.

Các bài liên quan

Chủ đề liên quan

Năm 2010, Trung Quốc cử Phó Tổng tham mưu trưởng Mã Hiểu Thiên tham dự hội nghị.

Năm nay, cũng là năm thứ 11 của Đối thoại Shangri-La, đoàn Trung Quốc do Trung tướng Nhiệm Hải Tuyền, Phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc dẫn đầu.

Ông Nhiệm về danh chính ngôn thuận chỉ là quan chức cấp vụ và nghiêng về học thuật nhiều hơn.

Thành phần đoàn Trung Quốc tương phản một cách gần như đối nghịch với đoàn Hoa Kỳ. Giống như năm ngoái, Mỹ cử tới Singapore một đoàn hùng hậu, đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta.

Bên cạnh ông Panetta, là hai chỉ huy quân đội - Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân; và Đô đốc Sam Locklear, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương.

Lẽ dĩ nhiên, việc Bộ trưởng Lương Quang Liệt không tới Đối thoại Shangri-La gây ra nhiều đồn đoán.

Lý do đối nội?

Một trong các suy luận nảy sinh là với Đại hội Đảng Trung Quốc sắp tới gần, bất cứ phát ngôn bất cẩn nào cũng gây tổn hại cho sự nghiệp chính trị. Điều này chưa chắc đúng vì ông Lương Quang Liệt được trông đợi sẽ về hưu tại kỳ đại hội sắp tới.

"Những năm gần đây, thái độ mỗi lúc càng hung hăng của Trung Quốc đã khiến diễn đàn an ninh khu vực trở thành dịp để các quốc gia chia sẻ quyền lợi tập trung chỉ trích Bắc Kinh. "

Một học giả Á châu

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân khẳng định hôm thứ Năm 31/5 tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc không "cố ý hạ thấp thành phần đoàn" và ông Lương không đi được vì đã có các cam kết lên kế hoạch từ trước.

Tuy nhiên, lý do này nói chung cũng bị giới quan sát cho là thiếu thuyết phục, vì Đối thoại Shangri-La sau 11 năm đã trở thành diễn đàn về an ninh có uy tín với tầm quan trọng toàn cầu.

Năm sau lớn hơn năm trước, Đối thoại Shangri-La 11 có tới 28 quốc gia tham dự.

Tiến sỹ Lý Minh Giang từ Học viện Quan hệ Quốc tế mang tên S. Rajaratnam ở Singapore (RSIS) nhận xét dù vì lý do gì, sự vắng mặt của quan chức quốc phòng cấp cao cũng khiến cho uy tín của Trung Quốc giảm đi rõ rệt.

Ông Lý nói với BBC: "Tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ giữ thái độ khiêm tốn tại diễn đàn lần này".

Một học giả khác, đề nghị giấu tên, thì bình luận: "Những năm gần đây, thái độ mỗi lúc càng hung hăng của Trung Quốc đã khiến diễn đàn an ninh khu vực trở thành dịp để các quốc gia chia sẻ quyền lợi tập trung chỉ trích Bắc Kinh. Đó là lý do khiến Trung Quốc quyết định rằng tham gia ở cấp bộ trưởng sẽ không có lợi".

Vấn đề Biển Đông

Một trong các chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất tại hai kỳ diễn đàn gần đây là cách hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông, mà Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực đánh giá là ngày càng mạnh bạo.

Năm ngoái, Việt Nam và Trung Quốc căng thẳng xung quanh việc tàu Trung Quốc cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí PetroVietnam. Năm nay, Trung Quốc và Philippines đang đối đầu nhau gần hai tháng nay quanh Bãi cạn Scarborough, mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham đảo.

Trung tướng Nhiệm Hải Tuyền, Phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc

Trung tướng Nhiệm Hải Tuyền dẫn đầu đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 11

Còn nhớ tại Đối thoại Shangri-La 10, khi Tướng Lương Quang Liệt đọc xong diễn văn và trả lời câu hỏi, bình luận của ông về Biển Đông đã gặp phản ứng khá gay gắt từ cử tọa, tiêu biểu là từ đại diện Việt Nam và Philippines.

Năm nay, Bắc Kinh có lẽ cho rằng không nên tạo cho các nước cơ hội 'quốc tế hóa' vấn đề Biển Đông một cách công khai và đầy chỉ trích như vậy, nhất là nghị trình diễn đàn lần này dành hẳn một cuộc thảo luận chính thức về Biển Đông.

Từ xưa tới nay, Trung Quốc luôn chủ trương đàm phán song phương với các quốc gia tranh chấp chủ quyền tại đây.

Chính Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt vừa rồi có chuyến công du tới Campuchia nhân dịp các bộ trưởng quốc phòng Asean họp thường niên đó. Ông Lương đã có cuộc gặp với các nhân vật tương nhiệm trong khối ở Phnom Penh và một lần nữa tái khẳng định quan điểm của Bắc Kinh.

Sự vắng mặt của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng có thể được ngầm hiểu như một sự phản đối trước sự hiện diện quá hùng hậu của Hoa Kỳ.

Ngay trước thềm chuyến đi châu Á, bắt đầu bằng diễn đàn Đối thoại Shangri-La, tiếp theo là thăm Việt Nam và Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã thẳng thắn bày tỏ rằng Hoa Kỳ luôn 'cảnh giác' trước sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc.

Bài phát biểu của ông Panetta tại Singapore lần này được biết sẽ tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương và vai trò của Mỹ tại đây, mà ông bộ trưởng gọi là 'chuyển dịch cân bằng về hướng châu Á-Thái Bình Dương' .

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân hôm thứ Năm lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ "tôn trọng quyền lợi và quan ngại của Trung Quốc trong khu vực".

Với sự thiếu vắng đối trọng Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La lần này, có thể hiểu rằng Bắc Kinh đang có toan tính khác nhằm cân bằng ảnh hưởng với Hoa Kỳ trong khu vực.

 

 

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/06/120601_shangrila_beijing.shtml

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link