Friday, June 1, 2012

Tôn giáo và cái ách cộng sản (6)

31/05/12 |

Tôn giáo và cái ách cộng sản (6)

VI. Chia ra để trị.

Cuộc tuyên truyền vĩ đại chống tôn giáo của hệ thống Mác- Lê được Hồ chí Minh và tập đoàn Việt cộng là những cá nhân thiếu hẳn đạo đức, và văn hóa dân tộc đã khua chiêng đánh trống, thúc “ nhân dân là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho một quốc gia, dân tộc trong một Nhà nước nhất định.”(đ/t, ts việt cộng, Nguyễn văn Quang), vào cuộc đấu tố đồng bào Việt Nam với khẩu hiệu : “đào tận gốc, trốc tận rễ” bọn “ trí phú địa hào” vào những năm 1955-56 được nhà nước Việt cộng đánh gía là thành công đến long trời lở đất!

Gọi là “thành công” vì cuộc đấu tố man rợ này ngoài việc Việt Minh giết chết hơn 170.000 người, nó còn làm biến dạng cuộc sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam. Trong đó phải kể đến sự kiện người Việt Nam luôn bị nhà nước khủng bố, và bị đẩy vào cuộc sống bất an bằng cuộc tuyên truyền: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” với chủ đích là truyền đi những tín hiệu gian dối và gây ra chia rẽ ở trong mọi tầng lớp dân chúng.

Và gọi là “thành công” vì nó đã đánh đổ đạo đức và luân lý của xã hội Việt Nam. Theo Vladimir Bukovsky- một nhà văn Liên Xô, đồng thời là người chuyên nghiên cứu về tội ác của các chính quyền cộng sản, kể lại trong“Câu chuyện Sô Viết”: “…Rồi họ bắt đầu giết khoảng 10% dân số, họ chọn lựa rất kỹ lưỡng. Họ làm việc này không chỉ để tiêu diệt kẻ thù. Họ giết người để thiết lập lại cơ cấu xã hội. Một phương pháp xây dựng xã hội. Tất cả trí thức, những công nhân tốt nhất, các kỹ sư tốt nhất đều bị họ giết hết”. (RFA online ngày 14-5-2010). Có lẽ cần phải thêm vào đoạn văn trên một điểm nữa là: Họ muốn xây dựng một xã hội theo tiêu chuẩn phi nhân, giả dối và tội ác theo định chế chống lại con người.

Tại sao Marx- Engles, rồi Lênin chọn vô thần, gian dối để chống lại cuộc sống đạo hạnh của các Tôn Giáo và muốn hủy diệt đời sống nhân bản của con người? Có hai cách lý giải:

Thứ nhất: Về bản thân, theo bản tiểu sử, Marx làm bạn nối khố với cái nghèo khổ về vật chất. Tại Anh, gia đình của Marx đã phải sống vô cùng nghèo khổ. Marx có 5 người con nhưng 3 người đã chết non. Marx nhiều khi phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của người khác và không có trụ sở nhất định. Marx dù có học vị tốt, nhưng ông đắc dụng trong xã hội. Có thể đây là một điểm tâm lý bị ức chế, cho Marx có cái nhìn cay đắng về chính quyền tư bản và tôn giáo. Về phía chính quyền, dù sao Marx cũng phải e dè. Với tôn giáo lại khác, dưới nhãn quan cay đắng của Marx, Tôn Giáo không phải là Thần Linh nhưng là cấp lãnh đạo, cấp tăng lữ của tôn giáo. Một giai cấp xem ra, không lao động mà hưởng lợi nhuận khá nhiều! Từ đó, Tôn giáo thành điểm nhắm của Marx, và Lênin đem áp dụng vào xã hội để thu hút sự chú ý và ủng hộ của quần chúng nghèo, nhẹ dạ. (vì thực tế trong xã hội cũng có nhiều người không thích sự giàu sang của nền quân chủ và Tôn Giáo?)

Về lý thuyết: Marx đã đem tính vật chất trong biện chứng ra để moi tìm lấy một định nghĩa méo mó với chủ đích đả kích giới tăng lữ, nhắm lôi kéo thêm người ủng hộ. Nhưng khi cho rằng “Tôn Giáo là thuốc phiện của nhân dân”, mà không hề nhắc đến khía cạnh có những ích lợi, thực nhuận trong vật chất của thuốc phiện, Marx trở thành kẻ dối trá, hoặc là kẻ phi nhân bản. Bởi lẽ, trong tính vật chất của thuốc phiện ngoài cái hại vì qúa độ nó có những lợi nhuận nhất định. Hơn thế, nó còn mang tính khả dụng, có ích, nếu người ta biết tiết chế, liều lượng. Nhưng Marx đã không dám nói đến phần đặc tính này. Như thế, phần định nghĩa về tôn giáo theo tiêu chuẩn vật chất của Marx chỉ mang gía trị của một cuộc lừa dối, bịp bợm tuyên truyền. Bởi vì:

Nếu Tôn Giáo là “thuốc phiện” của nhân dân, thì đây phải là loại thuốc phiện có đặc tính êm ái, nhằm đưa con người thoát khỏi những giới hạn của vật chất. Hơn thế, có khả năng giúp con người tìm được an vui và hạnh phúc trong cuộc sống, hơn hẳn phần vật chất do con người tạo ra. Bởi vì, dù có giàu sang tột cùng, hay nghèo khổ tận căn, chẳng một người nào mà không kêu Trời ơi cứu tôi, giúp tôi trong những lúc nguy nan, bệnh hoạn! Đó là lợi nhuận đích thực của Tôn Giáo.

Trong khi đó, dù có ca tụng cái biện chứng duy vật cách mấy đi chăng nữa, qua duy lý và thực hành, ngừơi ta cũng có được một cái định nghĩa khá chính xác về cộng sản như sau: Cộng sản là loại thuốc phiện có độc, dùng để mê hoặc “nhân dân” của chúng vào gian dối, tội ác. Nó nhắm tới cùng đích là phân rẽ và phá huỷ đời sống nhân bản, thiện hảo của con người. Về thực hành, nó đẩy con ngưòi vào cuộc sống bạo lực, bất an. Đó là lý do tại sao chủ thuyết cộng sản đã bị loài người lên án và cụ thể là, năm 2006, Hội đồng châu Âu công bố nghị quyết lên án chủ nghĩa cộng sản. Nghị quyết này xác định “chủ nghĩa cộng sản đã phạm nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại”.

Đó là cái nhìn khách quan rất vật chất về Tôn Giáo và cộng sản. Đến diện tinh thần của Tôn giáo và của cộng sản, người ta càng thấy rõ hơn thái cực dị biệt, đối chọi nhau: Tôn giáo dựa trên tính công bằng, bác ái, độ lượng, tình yêu thương để đi tìm đến hạnh phúc, chân lý. Trong khi đó cộng sản dựa trên căm thù đấu tranh, chia rẽ, chiếm đoạt để đi đến bạo lực, tội ác và bất công. Từ những khác biệt căn bản này, câu hỏi trên được trả lời đơn giản là: Nếu không hạ được tôn giáo, cộng sản không thể tồn tại. Thực tế đã chứng minh, cộng sản không bao giờ hạ được tôn giáo. Trái lại, chúng đang cố bám víu vào tôn giáo để sống còn. (tôi sẽ trở lại phần này sau).

Thật vậy, mọi người được sinh ra đều có bản năng là Người và là người có đạo. Đó là Đạo làm Người. Đạo làm Người tựa trên những điều luật nhân bản, chân thật và cầu tiến. Giống như Đạo Ông Bà trong xã hội Việt Nam ta là: Yêu thương, bảo vệ nhau và làm lành lánh dữ. Yêu Thương để tồn sinh. Bảo Vệ để phát triển. Làm lành lánh dữ để được sống an bình, hạnh phúc. Một sắc dân nào, một gia đình nào, một tổ chức nào, không biết giữ cái Đạo làm Người thì không thể tồn tại! Một tổ chức chủ trương tiêu diệt Đạo làm Người, chủ thuyết ấy phải chết. Cộng sản cũng không có ngoại lệ. Tôn giáo thì sao?

Từ khi có con người, Tôn Giáo đã xuất hiện và được định nghĩa là Đường, là Đạo, là những phương thức tốt nhất để giúp con người thực hành Đạo làm Ngừơi cho hoàn thiện, tiến bộ hơn. Hoặc Tôn Giáo được coi là nguồn cội của Công Lý, của Sự Thật luôn dẫn con người hướng tới đích Chân Thiện Mỹ, ngõ hầu, đem lại một đời sống an bình cho con người, dù đang ở giữa những thác loạn hay thiếu thốn vật chất. Như thế, Tôn giáo không phản Đạo Làm Người.

Trong khi đó, cộng sản chủ trương bài xích, triệt hạ tôn giáo, triệt tiêu những phương thế giúp con người hoàn thiện trong cách làm người, nó phải được coi là một tổ chức phi nhân, chối bỏ cái bản thể Người và Đạo làm Người, đi ngược lại quyền sống của con người. Cái tinh thần chủ đạo của tổ chức này là gian dối, gây tội ác, cũng giống như niềm vui của kẻ trộm cướp, không nằm trong tiếng cười, và cuộc sống an bình, hạnh phúc của người khác, nhưng là những vũng máu và thân xác của các nạn nhân khi chúng đến.

Đó là lý do tại sao, ngày nay đi đến bất cứ nơi đâu, trong bất cứ một tổ chức nào, hay trong bất cứ một câu chuyện nào, nguòi ta đều nói đến những nỗi đau thương, những thống khổ mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu vì cái nạn cộng sản vô thần. Nhưng còn đau thương hơn cả những câu chuyện ấy là, ngưòi ta không biết làm cách nào để ngăn chặn, chấm dứt được sự chia rẽ trong lòng dân tộc, là hậu qủa khốc hại do sách lược chia ra để trị của tập đoàn cộng sản đã áp đặt vào xã hội Việt Nam sau ngày cướp được chính quyền từ 1945. Trái lại, sự chia rẽ xem ra càng lúc càng nhiều, càng nghiêm trọng. Tệ hơn, càng được mở rộng ra ở mọi nơi, mọi chốn. Nó có ở trong mọi tập thể, mọi tầng lớp. Nó có ở bất cứ nơi nào có dấu chân của ngưòi Việt. Nó làm cho cuộc sống tinh thần của dân tộc với quê hương càng lúc càng như đi vào cõi chết trong nỗi vui mừng của cộng sản. Có thể nói một cách khẳng định rằng: Sự bị chia, xé ra thành những mảnh vụn, rời, trong cuộc sống của tập thể Việt Nam hôm nay là một nỗi đau thương khôn nguôi, là một vết thương không lành trong dòng sinh mệnh của dân tộc. Nhưng lại là một chiến thắng đầy “ vinh quang ngạo mạn” của tập đoàn cộng sản Hồ chí Minh. Tại sao?

Tại vì tất cả mọi hành động của đảng và nhà nước gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt cộng đều nhắm vào một chủ đích duy nhất: Gian dối, lừa bịp và làm phân rẽ, tách ly tập thể người Việt Nam ra thành từng mảnh vụn, rời. Nếu không hoàn thành công tác này, chủ nghĩa cộng sản, nói kiểu vật chất của Mao trạch Đông, không đáng gía bằng một cục phân! Nhưng trong nhất thời, Việt cộng đang ở trên đỉnh của ngạo mạn.

Thật ra phương pháp chia ra để trị không phải đến thời Việt Minh mới có. Nhưng trước đó, thực dân Pháp cũng đã từng áp dụng những phương cách chia rẽ dân ta ra thành từng mảng, thành từng phần để cai tri cho dễ. Nay dẫu thực dân không còn, nhưng vết tích của cuộc phân rẽ vẫn còn tồn tại với các danh xưng: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ. Lúc trước, mỗi kỳ, chịu nhận một thứ luật lệ khác nhau. Nay, mỗi kỳ là một kỳ thị lẫn nhau!

Tuy thế, sự việc bị chia ra để trị của thực dân thật không đáng vài phân, vài lượng nếu đem so sánh với cái sách lược phân hóa, chia rẽ, xé nát hàng ngũ người Việt Nam ra thành những mảnh vụn, rời. Hay bằm nát tập thể dân tộc Việt ra như tương của Việt cộng hôm nay. Bảo là nát như tương còn là nhẹ đấy. Bởi vì, có thể còn tệ hơn tương trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng nữa. Lý do, tương là hình thức phải biến hóa từ đậu để tạo thành một món ăn khác, ngon, hữu ích. Nhưng khi ngưòi Việt Nam bị bằm nát ra, nó không còn có khả năng để tái hợp lại với nhau để tạo nên một thế lực, sức mạnh mới. Trái lại, mỗi một nhân sự Việt Nam sau khi bị nghiền nát đã biến thành những cá thể rời, và tự mọc gai để bảo vệ lấy cái đơn lẻ của mình. Hay tự hủy mình bằng cách chui vào trong một lô cốt do chính mình đào, xây, rào thật kỹ lưỡng bằng đủ các loại vật liệu như giây thép gai, chông nhọn. Hay tệ hơn, trở thành những tên mật thám vô hồn, làm việc cho cộng sản để tự tồn. Tại sao lại như thế? Đơn giản là sợ hãi cái hệ thống khủng bố của chúng.

I. Sách lược phát triển và kiểm soát hệ thống làm phân hóa đồng bào của Việt cộng.

a. Học tập, truyên truyền, bưng bít, tạo tin tức giả để gây hoang mang.

Sau ngày cưóp được công quyền (1945), nhan nhản trên hè phố, thành thị đến các đường làng của thôn xóm, đâu đâu cũng có những khẩu hiệu kêu vang lẫy lừng như: “Đoàn kết, toàn dân đoàn kết.”, “Đoàn kết, đại đoàn kết”, “hỡi những ngưòi vô sản hãy đoàn kết lại”. Qủa là dân ta chưa mấy khi nhìn thấy nhiều bảng hiệu như thế. Tuy nhiên, đa phần người dân có nhìn thấy những cái khẩu hiệu ấy cũng như không.

Đến khi cuộc cải cách ruộng đất, gọi là mùa đấu tố nổ ra với khẩu hiệu: “người cày có ruộng” người dân mới thực sự trắng mắt ra trước sách lược “chia ra để trị”, hoàn toàn trái ngược với những khẩu hiệu của nhà nước rêu rao. Tuy thế, phần vì sợ hãi, áp lực, kích động, phần vì miếng mồi “người cày có ruộng”, một số nông dân đã “đoàn kết” sau lưng nhà nước để đánh đổ giai cấp địa chủ ở nông thôn, và trí thức ở thành thị.

Nói cho ngay, nông dân là những người tạo ra sản phẩm ở nông thôn, nhưng thực tế, có khi cả đời chả có mảnh đất nào trong tay, nay theo nhà nước tham gia cải cách, mở cuộc hận thù với địa chủ, “lôi cổ chúng ra mà đấu” (lời thơ của Xuân Diệu) để lấy lại đất đai cho mình làm chủ, ai mà không muốn? Tuy nhiên, muốn đấu tranh thắng lợi thì phải đấu cho có bài bản.Theo đó, nông dân buộc phải tham gia những cuộc học tập cách đấu của nhà nước do “đội” hướng dẫn. Phải chỉ tay vào cái cột, cái gốc cây mà đấu cho nhuần nhuyễn trước khi gặp “người thật”.

Chuyện kễ, học xong, “một người phụ nữ đứng tuổi, rất thương người cha gìa mà chị săn sóc hàng ngày. Chị nói với bố: “ông có biết tôi là ai không”? Người cha ngậm ngùi nhìn đứa con rút ruột của mình và nói:” thưa bà, con là người đẻ ra bà ạ” (Lời chứng của một Giám Mục). t.383. Hoàn cảnh nào đã tạo ra những loại ngôn ngữ như thế? Có thể vì mỉa mai cái nhà nước này mà chị hỏi. Nhưng câu trả lời rõ ràng là tố cáo sự đau khổ và phẫn uất tận cùng của người cha già vì cho rằng đứa con yêu qúy của mình đã đi theo Việt cộng, đã học được cách đấu bố mẹ của Hồ do đội hướng dẫn trong các buổi học tập nên về nhà hạch sách ông! Hẳn nhiên, đây là một trong những kết qủa của học tập trong mùa đấu tố. Hỏi xem, Đạo Nghĩa cha con ở đâu nhỉ?

Rồi tạo nghi ngờ để gây chia rẽ giữa người đồng thôn, đồng xóm: “vào buồng họp, đội nghiêm nghị truyên bố: “kẻ địch nó ngồi ngay trước mắt ta”, những người ngồi trước giật mình. Lúc sau đội lại nói: “kẻ địch nó ngồi đằng sau chúng ta”, người ngồi sau thất đảm. Ngồi đâu cũng sợ hãi, (trái, phải đều) không yên. Thế rồi ai cũng phải phát biểu. Không có truyện thì bịa truyện, nói dối, vu cáo. Ăn không nói có…. là đường lối là chính sách”. (Chứng từ của một Giám Mục).

Kế đến, những buổi học tập về đêm đều có phần điểm danh. Việc điểm danh thường gây ra một sức ép rất lớn với những người đến trễ. Bởi lẽ, “đội” trong cuộc học tập đã tung tin trước và ám chỉ những kẻ đến trễ là những người do thằng địch gài lại để phá hoại cuộc sống an ninh và sách lược cải cách của nhà nước. Thế là từ hôm sau, chẳng ai dám vắng mặt, chẳng ai dám đến trễ. Kẻ đến trễ, kẻ vắng mặt được nhìn bằng ánh mắt hoài nghi. Đã bị hoài nghi là có vấn đề. Đây không phải là những câu chyện vu vơ. Nhưng là sách lược càng tạo ra nhiều nghi ngờ, hoang mang cho các đối tượng vốn đã đầy những hoang mang càng tốt. Bởi vì nhà nước đã có sẵn chủ đích sử dụng cái đòn nghi ngờ và hoang mang ấy cho việc gì.

2. Giết người để trấn áp và tạo ra sợ hãi

“Sát nhất nhân, vạn nhân cụ”. Giết một người cho vạn người sợ hãi! Việt cộng đã rập khuôn theo bài bản này. Hơn thế, chúng giết ngưòi ngay trước mặt những người khác. Có thể nói là, xuyên suốt chiều dài của đất nước, không có làng nào, xã nào, từ sau ngày cộng sản có mặt trên đất nước ta đến ngày 30-5- 1975 mà không có người bị Việt cộng sát hại vào ban đêm. Họ là ai? Nhiều ngưòi là những viên chức của chính phủ hay những người từng làm việc trước kia. Họ cũng có thể là những địa chủ, hương chức, có tiền của, có uy tín ở trong vùng. Tuy nhiên, sau khi sát hại những người này, Việt cộng luôn luôn gán, ghép cho nạn nhân cái tội ghê gớm như: Gián điệp, Việt gian hoặc là cường hào ác bá. Hai chữ Việt gian đã làm rụng tóc của nhiều người sống ở các miền quê. Ấy là chưa kể đến rất nhiều thành phần bất hảo trong làng trong xóm bỏ làng đi theo Việt Minh. Sau này, khi chúng trở về thì trăm kẻ như một, trở thành những kẻ qũy hãi thần kinh. Tuy nhiên, những việc giết người đơn lẻ ấy chưa tạo thành mùa đấu tố.

Phải chờ đến sau ngày cướp được chính quyền, Hồ chí Minh và tập đoàn Việt cộng mới trở mặt. Khi các cuộc học tập đã chín mùi. Nghĩa là khi một số nông dân đã thực sự dính đòn đấu tranh của nhà nước, sẵn sàng đấu tố thành phần địa chủ, phú nông để “người cày có ruộng” theo lời nhà nước, Việt cộng liền cho tổ chức các cuộc đấu tố dưới dạng tòa án nhân dân, mà quan toà, thẩm phán đều là những bần cố nông, một chữ không biết. Quan toà chỉ nghe những lời tố cáo gian trá, rồi đọc án tử cho nạn nhân như đã được học tập để giúp nhà nước triệt hạ cho hết những mầm mống có thể gây nguy hại cho chế độ về sau. Hoặc giúp chúng quét cho sạch luân thường đạo lý ra khỏi xã hội. Kết qủa là, chả làng nào, xã nào mà không đạt chỉ tiêu 5% trên tổng số dân số trong vùng bị đấu tố do nhà nước quy định từ trước. Đa phần những trưòng hợp này các nạn nhân đều bị án tử hình hoặc bị đày đi biệt xứ. Nhiều người có đi và không có về.

Ngưòi xưa đã bảo: Giết một ngưòi làm cho hàng vạn ngưòi sợ. Ở đây, Hồ chí Minh không giết một ngưòi, nhưng trong mùa đấu tố, Hồ đã giết 172.000 ngàn người dân Việt Nam. Và trong cuốn “Death by Government” (Chết do Chính Phủ), Rudolph J. Rummel, giáo sư khoa học chính trị tại Đại Học Yale và Đại Học Hawaii, đã liệt kê 10 chính phủ gây chết chóc nhiều nhất cho dân chúng (most murderous regimes) trong thế kỷ 20. Nhà nước Việt cộng đứng hàng thứ sáu và có số ngưòi bị giết là 1.670.000 (một triệu sáu trăm bảy mươi ngàn người). Với con số nạn nhân khủng khiếp như thế thì ngưòi Việt Nam ta sẽ phải sợ Hồ và Việt cộng cho đến mấy mươi đời đây?

Nghe con số đã phát khủng hoảng, nhưng còn tệ hơn thế, bản án vừa nêu ra thì có khi, ngay lập tức, hoặc ngày hôm sau sẽ thi hành bản án hoặc năm ba người bị hành quyết một lần. Mọi ngưòi trong làng, trong thôn lại phải đi chứng kiến cuộc hành hình tên “ác ôn”! Khi viên địa chủ bị bắn gục, bác đảng mặt đỏ như vang, còn dân chúng thì mặt xanh như tàu lá chuối. Đôi chân muốn qụy xuống bất cứ lúc nào. Thay cho lời nói là những đôi mắt trắng dã nhìn nhau. Rồi lo sợ chuyện ấy như tai họa sẽ đổ xuống trên đầu mình. Nhiều người đã tự biến thành những con chi chi trong tay đội sai khiến. Ngưòi khác trông thấy mặt “đội” lại tưởng là ma qủy hiện hình.

Rồi khi trông thấy “đội” đứng nói chuyện với ai đó ở gần nhà là vỡ mật, vãi cả ra quần. Mà “đội” lại thường lân la đến nhà này, nhà kia hỏi chuyện. Nên chuyện sợ hãi chẳng có lúc nào ngưng nghỉ. Không muốn sợ cũng phải sợ. Sợ bóng sợ gío, sợ vạ lây! Sợ trở thành một thói quen. Sợ theo dây chuyền ở trong nhà, trong xã hội, nơi làm việc. Sợ ăn vào máu làm cho cuộc sống hoàn toàn bất an. Có thể nói, đây là thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử Việt Nam, trong đó, người dân Việt đã bị Hồ chí Minh dồn ép, đẩy vào đáy vực của những kinh hoàng, dối trá và tội ác.

Gọi là dối trá và tội ác vì sức loài ngưòi không thể tưởng tượng ra được những trò nham nhở, bá đạo của Hồ chí Minh đã trở thành những cái “tội” để kết liễu nhiều mạng ngưòi. Trường hợp cha Thu, thư ký của Đức Cha Tĩnh là một thí dụ điển hình. Ngài bị vu cáo tội “khoan đê”. Nói cho rõ, Ngài bị vu cáo là đã dùng cái khoan gỗ của thợ mộc,( khoan to bằng ngón tay và dài khoảng 40cm), mà khoan vào cái đê đắp ở bên sông ngăn lũ, làm cho đê bị vỡ. Ai nghe đến tội danh này cũng phải bật cười và bảo là chuyện trẻ con. Nhưng không, dưới thời man rợ của Hồ chí Minh, nó đã thành tội “khoan đê” và Ngài đã bị xử bắn!

Cái chết của Ngài hẳn nhiên là bi thương. Tuy nhiên, không phải chỉ người chết mới bị vất vào cõi cô đơn, thanh vắng, nhưng ngay ngưòi còn sống, cũng không ai dám lại gần, thăm hỏi vì sợ “lây vạ”.“Ông Chuân, ông có ngươi em là Cao làm hiệu trưởng trường Lục Quân, con trai làm cán bộ Trung Ương, những người này sợ liên quan, không dám hỏi han gì tới ông. Chỉ có đám trẻ, gặp ông ở đường làng, chúng đến giật râu ông và bảo: “chào ông bà nông dân đi” Ông Chuân cũng phải khoanh tay chào lũ trẻ: “Con chào ông bà nông dân ạ” (lời chứng của một Giám Mục, tr 386).

Những ngưòi bị giết là ai? Đa phần họ là ân nhân của những ngưòi trong xóm thôn. Là địa chủ, hộ giàu có, dĩ nhiên, cũng là kho lúa, gạo cho Việt Minh vơ vét mỗi khi chúng về làng. Họ tuy có ngưòi ăn kẻ ở, nhưng cũng từng gúp đỡ dân làng về nhiều mặt, kể cả cơm ăn, thuốc uống và tổ chức những lớp học cho con cái dân làng đến học không phải trả tiền. Nhưng vì cái uy tín và cái tên của họ, nên họ phải chết. Có trách là trách cái số họ không may. Bởi vì những uy tín cá nhân ấy sẽ là một đố kỵ, không thề tồn tại khi Hồ chí Minh đã về làng. Nghĩa là không thể có hòn đá nào có thể chồng cao hơn hòn đá “bác”!

b. Việc cài đặt người để thực thi và kiểm soát những phản ứng trong trong dân chúng

Việc giết người, lấy của, rồi lại lấy của từ tay nông dân, từ những người vừa được cấp phát cái tấm bảng “làm chủ ruộng đất” tuy không có ai dám lên tiếng phản đối. Nhưng nó đã gây ra những bất mãn như những đợt sóng ngầm. Tuy thế, nó đã không có dịp bùng nổ. Bởi vì, cộng sản đã cài đặt một hệ thống mật báo rất tinh vi.

“Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Ngưòi gìa vì sống lâu trong thôn xóm. Họ biết nhiều, hỏi gì họ cũng nói, kể lại cho ngưòi khác nghe. Đó còn là niềm vui của họ. Tuy thế, ngưòi già không đắc dụng trong thời cộng sản. Bởi vì mật đã vỡ, chuyện gì họ cũng không biết. Như thế, chỉ còn lại nửa phần sau. Nên ngoài những kẻ theo đóm ăn tàn, làm chỉ điểm cho nhà nước, Việt cộng triệt để khai thác và dùng tính trẻ thơ, biết gì, nghe gì đều nói thuộc lòng lại như vậy để làm những “mật báo viên” cho sách lược kiểm soát và gây chia rẽ trong các gia đình và trong làng xóm. Hệ thống này do công an và cán bộ nhà trường trách nhiệm. Cán bộ trường vừa dỗ ngọt, vừa đe dọa học sinh:

- “Ngoan nào, con noí cho cô nghe, hôm nay nhà con ăn cơm gì? Có ai đến chơi không? Mấy người đến? Có ở lại qua đêm à? Nhà có làm cơm đãi khách không? Bố mẹ con với họ nói chuyện gi? Noí đi, cô cho điểm tốt.

- Nhà con ăn cơm thịt. Mẹ con giết gà, làm lông xong thì đem lông ra góc vườn chôn kẻo đội nom thấy. Có hai ngưòi lạ thôi. Họ rủ bố con đi đâu con nghe không rõ. Tại họ nói nhỏ lắm. Đến lúc đi ngủ, mẹ con còn dặn là không được nói cho ai nghe nhá…

Thế là nhà nước có đầy đủ những bằng chứng để mời gia chủ lên đồn công an. “Con của ông bà đã tố cáo với nhà trường, ông còn muốn cãi gì. Chẳng lẽ nó lại đi vu oan cho bố mẹ nó à”? Sau lần làm việc, có người đã đi không về. Cô tôi kể lại câu chuyện ở Thuỵ Anh, nhiều người đã sống dở, chết dở vì mùa đấu tố. Đến khi chúng khai thác trẻ con thì nhà nào nhà nấy đều thấy là hết đường sống.

Cô bảo, ở trong nhà, chẳng lẽ không nói câu gì, nhưng nói là ở ngoài họ nắm được hết. Trường hợp được đánh gía nhẹ thì bị đưa ra học tập công khai cho người khác nghe làm gương. Có kẻ thì đi tù. Kết qủa, chả một nhà nào còn khách khứa ra vào, kể cả khách là hàng xóm, hay ngưòi thân trong tộc. Người quen, đứng bên đường nói chuyện năm ba câu cũng bị dòm ngó, đặt vấn đề. Khi khách đến nhà mà không có phép của đội của tổ là rầy rà lớn. Phần trẻ thì thích vui chơi, tối sớm muốn đi đâu theo hội, theo đoàn thì đi, chả ai dám cấm cản. Cấm cản là mang họa vào nhà. Còn dặn bảo thì mấy đứa để vào lỗ tai, mà nói cho ngay là chẳng dám dặn bảo gì. Nhất là chuyện về lễ nghĩa. Qủa thật, dùng con để đấu tố cha mẹ và gia đình thì có lẽ, không có ai giỏi bằng Hồ chí Minh?

d. Thực hiện chế độ hộ khẩu, lý lịch để kiểm soát, phân ly các gia đình.

Trong nhà, Việt cộng đã gài được mật báo viên. Vào xã hội, cái hộ khẩu, cái lý lịch ba đời thật sự là chuyện dở khóc, dở cười dưới thời Hồ.

Việc khai hộ khẩu cho một gia đình, lẽ ra, chỉ là một công việc bình thường như người miền nam thiết lập tờ khai gia đình trước năm 1975. Tuy nhiên dưới chế độ cộng sản, nó mang một ý nghĩa khác, nhất là sau vụ di cư vào nam năm 1954. Theo đó, việc khai hộ khẩu cũng phải học tập và hàng xóm phải bổ túc thiếu sót cho nhau. Nghĩa là người này khai thiếu sót thì người nào biết phải khai thêm vào cho nó đúng ý nhà nước. Trong hộ khẩu phải kê khai lý lịch, liên hệ của mọi thành viên trong gia đình. Có ngưòi sống, có người chết. Những ngưòi sống nay đang ở đâu và làm gì? Có ai vào nam không? Người chết, chết trong trường hợp nào? Trường hợp không nhớ rõ thì phải nhờ hàng xóm, người quen bổ túc khai lại cho. Nói cách khác, trong thời Hồ, nhà hàng xóm có thể làm tờ khai “hộ khẩu” cho mình và trái lại cũng như thế.

Nói toạc ra là, dưới thời Hồ chí Minh, người hàng xóm có nhiệm vụ tố cáo người bên cạnh nhà mình. Gia đình họ có mấy người, có ai là viên chức của chế độ trước, hay có ngưòi theo thằng địch vào nam hay không? Theo đó, việc khai lý lịch và làm hộ khẩu theo phương thức này đã tạo ra muôn vàn những hận thù giữa người lối xóm, đồng thôn với nhau. Người này bới móc ngưòi kia, chẳng mấy ai chịu ngồi yên khi mình bị moi móc đến mấy đời. Nên hàng xóm, láng giềng đã tìm mọi cách vu vạ cáo gian cho nhau theo sự chỉ đạo của tổ, công an khu vực. Kết qủa của sách lược này là tình nghĩa trong xóm thôn, tình hàng xóm, việc láng giềng qua lại với nhau đã chấm hết. Thay vào đó là những hận thù chia rẽ sâu sắc trong làng, trong xóm thôn, tổ dân phố. Phần nhà nước thì nắm được toàm bộ lý lịch chi tiết của từng gia dình. Cứ theo tờ hộ khẩu, bản lý lịch ấy để phân chia theo thành phần mà theo dõi. Nếu có… lỡ giết nhầm, còn hơn là bỏ sót!

© Bảo Giang

© Đàn Chim Việt 

 

 

 

 

 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link