Friday, June 1, 2012

Hồ sơ Biển Đông nổi bật trong chương trình nghị sự Đối thoại Shangri-La Singapore

CHÂU Á - BIỂN ĐÔNG - Bài đăng : Thứ sáu 01 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 01 Tháng Sáu 2012

Hồ sơ Biển Đông nổi bật trong chương trình nghị sự Đối thoại Shangri-La Singapore

Đối thoại Shangri-La lần thứ 10, 03-05/06/2011, tại Singapore (ảnh:www.IISS.org)

Đối thoại Shangri-La lần thứ 10, 03-05/06/2011, tại Singapore (ảnh:www.IISS.org)

Trọng Nghĩa  RFI

Kể từ hôm nay, 01/06/2012, diễn đàn hiếm hoi về an ninh và quốc phòng khu vực châu Á – Thái Bình Dương - tên chính thức là Đối thoại Shangri – La - khai mạc tại Singapore, tập hợp quan chức quân sự, quốc phòng cao cấp của khoảng 30 nước. Hồ sơ an ninh ở Biển Đông sẽ nổi bật trong chương trình thảo luận, bên cạnh chính sách tái cân bằng lực lượng của Mỹ qua vùng châu Á, một chủ trương không hề được Trung Quốc nhìn với con mắt thiện cảm.

Mở ra trong ba ngày, Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn thường niên do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS tại Luân Đôn tổ chức. Tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 11 năm nay có đại diện cấp cao của nhiều quốc gia, trong đó 16 nước cử Bộ trưởng Quốc phòng, như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc, cho đến Thái Lan, Miến Điện, Philippines, Việt Nam…

Năm nay, Hoa Kỳ gửi đến Singapore một phái đoàn hùng hậu, dẫn đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Martin Dempsey, Thứ trưởng Ngoại giao Bill Burns, Tư lệnh Lực lượng Thái Bình Dương Đô đốc Samuel Locklear, và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách châu Á và Thái Bình Dương Mark Lippert.

Bên cạnh đó, còn có một phái đoàn Quốc hội Mỹ gồm các nhân vật uy thế như Thượng nghị sĩ John McCain của đảng Cộng hòa, thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Thượng nghị sĩ độc lập Joe Lieberman, và Dân biểu Eni Faleomavaega, nhân vật cao cấp của đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ.

Nếu Mỹ đã cử một phái đoàn hùng hậu như trên đến diễn dàn Shangri-La, thì Trung Quốc có dấu hiệu khiêm tốn hơn. Trưởng đoàn Trung Quốc lần này không phải là Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt như năm ngoái, mà chỉ là Trung tướng Nhậm Hải Toàn, Phó Giám đốc Viện Nghiên Khoa học Quân sự Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, do tiến trình thay đổi lãnh đạo đang diễn ra tại Trung Quốc, giới lãnh đạo nước này đã tỏ ra thận trọng khác thường, tránh lộ diện quá đáng trên các diễn đàn quốc tế nhạy cảm, hay nói một cách nôm na là « ở chốn thị phi ».

Chủ đề của Đối thoại Shangri-La năm nay rất tế nhị trong bối cảnh Trung Quốc đang bị hầu hết các láng giềng trong khu vực phê phán về một loạt hành động quyết đoán, đặc biệt là ở Biển Đông, mà nổi cộm nhất là thái độ lấn lướt Philippines tại vùng bãi đá ngầm Scarborough Shoal. 

Tại diễn đàn lần này, vấn đề Biển Đông sẽ được phía Hoa Kỳ nêu bật khi Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta nói về chủ trương « tái cân bằng lực lượng của Mỹ qua vùng Châu Á Thái Bình Dương » trong phiên họp khoáng đại thứ nhất vào ngày mai. Vấn đề này cũng sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A. K. Antony nhắc đến nhân cuộc họp khoáng đại thứ hai với chủ đề « Bảo vệ các quyền tự do hàng hải ».

Đối Thoại Shangri - La còn dành một phiên thảo luận riêng cho chủ đề « Ngăn chặn tranh chấp tại Biển Đông » với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Thượng Nghị Sĩ Mỹ Joseph Lieberman, người vừa phát biểu tại Kuala Lumpur vào hôm qua là Hoa Kỳ không thể chấp nhận việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link