Vì sao Đan Mạch ngừng 3 dự án tài trợ cho VN?
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012-06-01
Bộ trưởng Bộ Phát triển Đan Mạch, ông Christian Friis Bach vừa quyết định ngừng ba dự án tại Việt Nam do chính phủ nước này tài trợ vì nghi có gian lận.
| |
| |
|
Quản lý kém hay gian lận?
Chi tiết sự việc như thế nào và liệu việc này sẽ ảnh hưởng đến các khoản tài trợ sau này của chính hủ Copenhagen dành cho Hà Nội? Đó là nội dung Quỳnh Chi tìm hiểu qua cuộc trao đổi với ngài Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông John Neilsen hôm 1 tháng 6. Trước tiên, ông cho biết lý do đưa đến quyết định dừng dự án:
Khi chọn quốc gia để bỏ tiền vào đầu tư, thì vấn đề minh bạch và chống tham nhũng là hai yếu tố quan trọng đối với các cơ quan, tổ chức nước ngoài.
Ô. John Nielsen
Ông John Nielsen: “Chúng tôi nghi ngờ có những dấu hiệu bất thường trong khi thực hiện vài nghiên cứu tại bốn dự án ở Việt Nam. Qua điều tra chúng tôi đã phát hiện có nhiều dấu hiệu bất thường ở 3 dự án trong tổng số 4 dự án. Chúng tôi sẽ tìm hiểu và điều tra thêm để xác định rõ chuyện gì đang xảy ra. Về 3 dự án đó, chúng tôi đã dừng hẳn và sẽ không có thảo luận gì thêm về các dự án đó nữa”.
Quỳnh Chi: Thưa ông, sự cố xảy ra có gây bất ngờ cho phía chính phủ Đan Mạch không và đã có phản ứng nào được ghi nhận từ phía Hà Nội?
Ông John Nielsen: “Những sự cố như thế cũng xảy ra một vài lần trước đây, dựa vào nghiên cứu của chúng tôi. Tuy nhiên, nó xảy ra với một qui mô nhỏ hơn. Những gì mà chúng tôi sẽ làm là thảo luận với chính phủ Việt Nam để giải quyết vấn đề. Tôi cũng muốn nói là phản ứng đần tiên của phía chính phủ Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề này cho đến giờ này là có dấu hiệu tích cực.”
Quỳnh Chi: Ông có nghĩ là việc dừng dự án một cách đột ngột có làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chính phủ hai nước? Hay ít ra là ảnh hưởng đến các khoản đầu tư sau này của phía Đan Mạch?
Ông John Nielsen: “Không, nó sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ hai nước.Trong những cuộc đối thoại với Việt Nam, chúng tôi cũng rất nghiêm túc về vấn đề tham nhũng và nói rõ cho phía Hà Nội biết quan điểm của chúng tôi.
Bản đồ các nơi tại Việt Nam có dự án tài trợ của Danida. Photo courtesy of Danida.
Cho nên chúng tôi không thể chấp nhận sự cố nào liên quan đến các tài trợ cho chương trình phát triển tại Việt Nam. Chúng tôi vẫn sẽ thể hiện quan điểm rõ ràng và kiên định. Bất cứ khi nào chúng tôi có cơ hội đối thoại với phía Việt Nam, chúng tôi đều tìm cách thảo luận phương hướng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói rằng hiện tại thì chúng tôi vẫn đang tiến hành điều tra thêm. Chúng tôi cần thêm thời gian và sự trợ giúp của phía Hà Nội. Tôi nghĩ là hãy còn quá sớm để có thể kết luận rằng số tiền dùng sai mục đích là do lỗi quản lý kém hay do gian lận.”
Quỳnh Chi: Quyết định dừng ba dự án được Danida tài trợ được đưa ra trong lúc sắp diễn ra Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ (CG) 2012, ông cho rằng đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là cách mà Copenhagen muốn đưa ra một thông điệp mạnh mẽ hơn đối với Hà Nội và các nhà tài trợ khác?
Ông John Nielsen: “Quyết định này được đưa ra không liên quan gì đến Hội nghị tư vấn các nhà đầu tư (CG) cho Việt Nam sắp diễn ra. Thật ra thì chính phủ Đan Mạch luôn thể hiện quan điểm rất rõ ràng và cởi mở của mình về vấn đề minh bạch đối với tất cả mọi người. Đó là vì chúng tôi muốn có những kênh đối thoại cởi mở và tự do về các vấn đề xảy ra. Tôi có thể khẳng định một lần nữa là việc đưa ra quyết định này là việc làm tiếp sau những gì chúng tôi điều tra được. Nó rơi vào thời gian nhóm họp CG là hoàn toàn do trùng hợp.”
Quỳnh Chi: Thưa ngài Đại sứ, trước khi diễn ra hội nghị CG thì diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2012. Tại đây, các cơ quan quốc tế kêu gọi Việt Nam cải thiện yếu tố minh bạch để thu hút đầu tư. Ông đánh giá thế nào về lời kêu gọi này?
Từ năm 1994, Đan Mạch đã hợp tác nhằm nâng cao phát triển; giảm nghèo đói tại Việt Nam. Chúng tôi tập trung giảm nghèo cho vùng nông thôn và khu vực miền núi.
Ô. John Nielsen
Ông John Nielsen: “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục đối thoại với phía chính phủ Việt Nam về vấn đề minh bạch. Nhưng mọi người có thể thấy là tình trạng này không cải thiện chút nào. Nếu nhìn vào bảng xếp hạng chỉ số minh bạch của các nước trên thế giới thì vị trí Việt Nam cũng không cải thiện trong mấy năm qua. Đây là một điều đáng quan ngại. Khi chọn quốc gia để bỏ tiền vào đầu tư, thì vấn đề minh bạch và chống tham nhũng là hai yếu tố quan trọng đối với các cơ quan, tổ chức nước ngoài. Nhưng tôi nghĩ rằng có thể ngồi xuống nói chuyện với nhau để hiểu rõ ràng vấn đề và giải quyết vấn đề. Việt Nam là một quốc gia rất cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á, nếu muốn thu hút thêm đầu tư trong tương lai, thì phải cải thiện yếu tố minh bạch.
Sẽ giám sát kỹ hơn
Quỳnh Chi: Ông nói rất nhiều về đối thoại giữa hai chính phủ. Xem ra thì Đan Mạch chọn con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề. Theo ông thì sau sự cố lần này, cách ứng xử của Đan Mạch có thể khác đi không?
Ông John Nielsen: “Dĩ nhiên là chính phủ Đan Mạch luôn muốn đi lối ngoại giao để giải quyết vấn đề thông qua các cuộc đối thoại. Tuy nhiên, trong trường hợp này, những nghi ngờ đã đụng mức mà chúng tôi phải dừng dự án. Nghĩa là nếu những điểm bất thường vượt ra khỏi mức độ có thể chấp nhận được thì chúng tôi phải xử lý khác đi. Từ giờ trở đi, ngoài các kênh đối thoại, chúng tôi cũng sẽ cải thiện cung cách quản lý trong các dự án khác của Đan Mạch tại Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ theo dõi và quản lý các dự án khác để biết được những gì đang diễn ra.”
Quỳnh Chi: Đan Mạch luôn được xem là một trong những quốc gia có chỉ số minh bạch và chống tham nhũng cao nhất thế giới. Ông có thể chia sẻ hệ thống giám sát và kiểm tra của nước ông hay không?
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông John Neilsen, ảnh chụp trước đây. Photo courtesy of vietnam.um.dk.
Ông John Nielsen: “Tôi nghĩ là Đan Mạch có một truyền thống về một xã hội mở, nơi mà chúng tôi có tự do báo chí và cho phép tự do bày tỏ, than phiền. Nói chung mọi người trong xã hội Đan Mạch bao gồm các tổ chức, cá nhân, nhà nước … hiểu được minh bạch là yếu tố quan trọng. Thiếu minh bạch không phải là những gì mà chính phủ Đan Mạch muốn làm. Minh bạch là một sự hiểu biết đã được xây dựng dựa trên lòng tin giữa người dân, giữa những người làm chính trị và giữa các tổ chức khác.
Quỳnh Chi: Nghĩa là các cơ quan chống tham nhũng phải là những tổ chức độc lập?
Ông John Nielsen: “Trước tiên phải có một hệ thống thương mại, kinh doanh độc lập. Thứ hai là phải có tự do báo chí. Thứ ba là người dân có một cơ quan để họ có thể khiếu nại hay than phiền. Tuy nhiên, tôi có thể nói là Đan Mạch cũng đang cùng chính phủ Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm của Copenhagen. Tôi nghĩ là đã có một chút cải thiện vì Quốc hội Việt Nam cũng ngày càng giám sát nhiều hơn đến nhiều hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Quỳnh Chi: Xin phép hỏi ông câu cuối trước khi kết thúc câu chuyện, phía chính phủ Đan Mạch hy vọng gì từ các chương trình tài trợ của mình?
Ông John Nielsen: “Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục cuộc chiến xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam. Từ năm 1994, Đan Mạch đã hợp tác nhằm nâng cao phát triển; giảm nghèo đói tại Việt Nam. Chúng tôi tập trung giảm nghèo cho vùng nông thôn và khu vực miền núi. Trước mắt đây vẫn là điểm nhấn chính của Copenhagen.”
Quỳnh Chi: Xin cám ơn ngài Đại sứ John Nielsen.
Người đứng đầu Bộ Phát triển Đan Mạch cuối tháng 5 vừa ra quyết định dừng ba dự án tại Việt Nam do Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Đan Mạch Danida (thuộc chính phủ Đan Mạch) tài trợ. Quyết định được đưa ra sau khi tổ chức đánh giá độc lập Price Waterhouse Coopers đưa ra báo cáo cho rằng có “gian lận” trong dự án. Báo chí Đan Mạch cũng trích lời Bộ trưởng Bộ Phát triển, ông Christian Friis Bach nói rằng “Những hành vi gian dối cần được chặn đứng và trừng phạt”. Theo thông tin ban đầu, số tiền bị sử dụng sai mục đích có thể tương đương 550 ngàn đô la. Cũng xin được nói thêm là Hội nghị trung ương ĐCSVN kết thúc hôm trung tuần tháng 5 vừa qua đã thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment