Hiện Đại Hóa Theo Định Hướng Khổng Phu Tử
Peter Berger - The
American Interest
Tạp chí The Economist số ra ngày 25 tháng Bảy có hai bài
báo về tôn giáo tại Trung Quốc. Hai bài này nên đọc trong bối cảnh Tập Cận Bình
thâu tóm quyền hành chỉ trong vòng vài năm với những chức vị quan trọng nhất –
Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc (2012), Chủ Tịch Nhà Nước (2013), Chủ Tịch
Ủy Ban Quân Sự Trung Ương (2013). Chỉ còn thiếu có mỗi tước vị Hoàng Đế Trung
Quốc!
Bài báo thứ nhất của The Economist nói về gia tăng sự sùng
bái Khổng Tử, nhất là quanh đền thờ Khổng Tử ở Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông. Trước đó
nhà cầm quyền Trung Quốc xem Khổng Giáo, Khổng Học là tư tưởng phản động mà cao
điểm là cuộc Cách Mạng Văn Hóa dưới thời Mao Trạch Đông. Đến nay thì nhà cầm
quyền Trung Quốc lại xoay chiều ôm chầm lấy Khổng Tử.
Tập Cận Bình tán thành
việc này rất rõ ràng trong một câu nói được khắc ghi lên bài vị trong đền thờ
họ Khổng: “Trong việc truyền bá Khổng Học khắp nơi trên thế giới, Trung Quốc
phải quyết liệt bảo vệ quyền lên tiếng của mình.” Năm 2014, Tập Cận Bình triệu
tập một phiên họp của Bộ Chính Trị để học tập “văn hóa truyền thống Trung Quốc”
(được hiểu là văn hóa Khổng Giáo). Kể từ đó các viên chức của Đảng phải ráng
sức mà chứng minh cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa Khổng Học và thuyết
Mác-xít. Trung Quốc cũng chi tiền để thiết lập nhiều Học Viện Khổng Tử trên
danh nghĩa là dạy tiếng Hoa nhưng đồng thời cũng truyền bá văn hóa Trung Quốc.
Bài báo thứ nhì của The Economist đề cập chiến dịch chống
Thiên Chúa Giáo tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Ôn Châu có tỷ lệ tín
đồ Thiên Chúa Giáo mà đa số là Tin Lành cao nhất trong các thành phố tại Trung
Quốc. Chiến dịch này bắt đầu khi nhà cầm quyền địa phương ra lệnh gỡ các thánh
giá trên nóc nhà thờ. Có khoảng 1.200 thánh giá đã bị tháo gỡ. Khi một số Hội
Thánh không tuân lệnh thì toàn bộ cơ sở Hội Thánh bị đập phá. Trên nguyên tắc
lệnh tháo gỡ này là vì lý do vi phạm tiêu chuẩn xây dựng, nhưng các tuyên bố
của ông bí thư tỉnh, được biết là ghét Thiên Chúa Giáo, cho thấy rõ là ông ta muốn
giảm ảnh hưởng của tôn giáo.
Giới quan sát thời cuộc không rõ đây chỉ là chuyện
địa phương hay được chính quyền trung ương đạo diễn. Với sự tập trung quyền
hành về lại trung ương của chính quyền họ Tập khó tin là ông ta không biết gì
hết về chuyện này hoặc ít ra là ngầm chấp thuận. Dự phóng rằng Ôn Châu chỉ là
bước thử nghiệm đầu tiên của một chiến dịch to lớn hơn nhằm giảm đà phát triển
của Thiên Chúa Giáo (ước lượng hiện nay có nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo hơn là
số đảng viên Đảng Cộng Sản).
Thái độ của Trung Quốc đối với tôn giáo có gốc rễ sâu đậm ở Khổng
Giáo – viên chức chính quyền hành xử như là các quan lại. Họ xem các tôn giáo
là mê tín dị đoan, có tiềm năng nguy hiểm cho chế độ. Không thể hiện hữu những
tụ điểm quyền lực nào khác ngoài Đảng Cộng Sản. Thí dụ điển hình là Pháp Luân
Công. Khi Pháp Luân Công tổ chức một cuộc hội thảo tại Bắc Kinh thì có hàng
chục ngàn đệ tử tham dự, mà chẳng cơ quan chính quyền nào biết tí gì cả. Kể từ
đó chính quyền Trung Quốc liệt kê Pháp Luân Công vào hàng “tà giáo” và bị đàn
áp dã man.
Theo các nhà xã hội học thì trong việc hiện đại hóa đất nước không
chỉ có một cách hiện đại hóa kiểu Tây Phương. Một mô hình khác là của Nhật Bản
dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng, vừa hiện đại hóa vừa giữ lại nhiều nét văn hóa
và tôn giáo truyền thống. Trung Quốc cũng đang muốn theo con đường này – hiện
đại hóa theo định hướng Khổng Phu Tử để mong xây dựng đế quốc. Đó là lý do tại
sao Trung Quốc nỗ lực quảng bá Khổng Học trên thế giới cùng lúc với việc giảm
thiểu ảnh hưởng của các tôn giáo khác trong nước.
Hoàng Thuyên tóm lược ý từ bài “Dreams of Empire” của Peter Berger
Nguồn: The American Interest
Theo Radio Chân Trời Mới
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment